Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2017/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2017

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 19/2016/TT-NHNN NGÀY 30 THÁNG 6 NĂM 2016 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG THẺ NGÂN HÀNG

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005 và Pháp lệnh ngày 18 tháng 3 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối;

Căn cứ Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh toán và Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng

1. Sửa đổi khoản 5 và bổ sung khoản 21a vào Điều 3 như sau:

“5. Thẻ đồng thương hiệu là thẻ đồng thời có thương hiệu của tổ chức chuyển mạch thẻ tại Việt Nam và thương hiệu của tổ chức thẻ quốc tế hoặc tổ chức chuyển mạch thẻ của quốc gia khác.”

“21a. Thanh toán thẻ qua Mã phản hồi nhanh (Quick Response Code - viết tắt là QR Code) là việc sử dụng QR Code để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ cho ĐVCNT; bao gồm hình thức QR Code từ phía ĐVCNT (Merchant-Presented QR Code) và hình thức QR Code từ phía chủ thẻ (Consumer-Presented QR Code).”

2. Sửa đổikhoản 2và bổ sungkhoản 7,khoản 8vàoĐiều 8như sau:

“2. Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện để người khác thực hiện các hành vi giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch thanh toán khống tại ĐVCNT (không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ).”

“7. ĐVCNT chuyển thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code cho bên khác sử dụng; chấp nhận thanh toán thẻ mà không có hợp đồng thanh toán thẻ; sử dụng trái phép các thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code của TCTTT ở Việt Nam hoặc của TCTTT ở nước ngoài.”

“8. Mua, bán, thuê, cho thuê thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh).”

3. Sửa đổikhoản 2khoản 5 Điều 10như sau:

“2. Trước khi phát hành loại thẻ mới hoặc thay đổi mẫu thẻ đã phát hành, TCPHT gửi thông báo về mẫu thẻ phát hành cho Ngân hàng Nhà nước theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp phát hành thẻ phi vật lý, TCPHT gửi tài liệu mô tả việc phát hành thẻ phi vật lý quy định tại khoản 1 Điều này kèm theo thông báo.”

“5. Trước khi ký hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng, TCPHT yêu cầu chủ thẻ cung cấp đầy đủ các thông tin, giấy tờ cần thiết nhằm nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hành thẻ cho người nước ngoài, TCPHT yêu cầu khách hàng cung cấp các giấy tờ cần thiết để xác minh thời hạn cư trú tại Việt Nam gồm: hộ chiếu, thị thực, giấy chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, hợp đồng lao động, quyết định trúng tuyển, hoặc các giấy tờ khác chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam.”

4. Sửa đổi điểm b khoản 1 và bổ sung khoản 3 vào Điều 12 như sau:

“b) Tên tổ chức chuyển mạch thẻ mà TCPHT là thành viên (tên viết tắt hoặc logo thương mại của tổ chức chuyển mạch thẻ), trừ trường hợp thẻ không có tính năng giao dịch thông qua dịch vụ chuyển mạch thẻ của tổ chức chuyển mạch thẻ;”

“3. Khi phát hành thẻ đồng thương hiệu, TCPHT phải đảm bảo việc sắp xếp logo thương mại của tổ chức chuyển mạch thẻ Việt Nam và TCTQT hoặc tổ chức chuyển mạch thẻ của quốc gia khác không có sự phân biệt đối xử giữa các tổ chức (logo phải có cùng kích cỡ, được đặt trên cùng mặt thẻ và cùng là logo màu hoặc logo đen trắng).”

5. Sửa đổi khoản 1 và bổ sung khoản 1a vào Điều 14 như sau:

“1. TCPHT thỏa thuận với chủ thẻ về hạn mức thanh toán, hạn mức chuyển khoản, hạn mức rút tiền mặt và các hạn mức khác trong việc sử dụng thẻ đối với chủ thẻ phù hợp với quy định tại Thông tư này, quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối và các quy định khác của pháp luật.”

“1a. Đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 (ba mươi) triệu đồng Việt Nam trong một ngày.”

6. Sửa đổi, bổ sungkhoản 1 Điều 15như sau:

a) Sửa đổi điểm c(i) khoản 1 Điều 15 như sau:

“(i) Chủ thẻ thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 16 Thông tư này và không thuộc đối tượng không được cấp tín dụng quy định tại Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung);”

b) Bổ sung điểm đ vào khoản 1 Điều 15 như sau:

“đ) Hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) như sau:

(i) Trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm: hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ do TCPHT xác định theo quy định nội bộ của TCPHT về cấp tín dụng qua thẻ tín dụng và tối đa là 01 (một) tỷ đồng Việt Nam;

(ii) Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm: hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 500 (năm trăm) triệu đồng Việt Nam.

7. Sửa đổi điểm b khoản 1, khoản 2, điểm c khoản 3 và bổ sung khoản 4 vào Điều 16 như sau:

“b) Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.”

“2. Đối với chủ thẻ chính là tổ chức: Tổ chức là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được sử dụng các loại thẻ. Chủ thẻ là pháp nhân được ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân sử dụng thẻ của pháp nhân hoặc cho phép cá nhân sử dụng thẻ phụ theo quy định tại Thông tư này.”

“c) Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước.”

“4. Trường hợp đối tượng được sử dụng thẻ quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều này là người nước ngoài thì phải được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên.”

8. Bổ sung điểm đ vào khoản 3 Điều 17 như sau:

“đ) Thẻ được sử dụng để thanh toán tiền mua các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm cả trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài.”

9. Sửa đổi điểm b, điểm g khoản 1 và khoản 3 Điều 18 như sau:

“b) Phổ biến, hướng dẫn cho khách hàng về dịch vụ thẻ, thao tác sử dụng thẻ đúng quy trình, các rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng thẻ và cách xử lý khi gặp sự cố, những hành vi bị cấm khi sử dụng thẻ và trách nhiệm của chủ thẻ khi vi phạm;”

“g) Giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc thanh toán bằng thẻ ra nước ngoài đúng mục đích, hạn mức sử dụng thẻ quy định tại Thông tư này và phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.”

“3. TCTTT:

a) Phối hợp với các TCPHT, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ, ĐVCNT, các cơ quan chức năng và các bên liên quan khác trong việc phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động thẻ;

b) Xây dựng tiêu chí lựa chọn ĐVCNT và thực hiện đánh giá, phân loại các đối tượng có nhu cầu chấp nhận thanh toán thẻ phù hợp với đặc điểm, ngành nghề kinh doanh;

c) Có các biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ các ĐVCNT, đặc biệt là ĐVCNT có lắp POS không dây. Trường hợp phát hiện hoặc có cơ sở để cho rằng ĐVCNT thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Thông tư này, TCTTT thông báo với cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc cơ quan có thẩm quyền khác để phối hợp theo dõi, xử lý và xem xét áp dụng các biện pháp ngăn chặn phù hợp, bao gồm cả việc chấm dứt hợp đồng thanh toán thẻ với ĐVCNT đó.”

10. Bổ sung khoản 2a, 2b và 2c vào Điều 20 như sau:

“2a. TCPHT phải áp dụng tối thiểu hai hình thức tiếp nhận thông tin tra soát, khiếu nại của chủ thẻ bao gồm qua tổng đài điện thoại (có ghi âm, hoạt động 24/24 giờ trong ngày, 7/7 ngày trong tuần) và qua các điểm giao dịch của TCPHT; đảm bảo xác thực những thông tin cơ bản mà chủ thẻ đã cung cấp cho TCPHT.

2b. TCPHT phải thực hiện ngay các biện pháp để khóa thẻ khi chủ thẻ đề nghị do nghi ngờ có gian lận hoặc tổn thất và chịu trách nhiệm với toàn bộ tổn thất tài chính phát sinh đối với chủ thẻ do việc sử dụng thẻ sau thời điểm khóa thẻ.

2c. TCPHT xây dựng mẫu giấy đề nghị tra soát, khiếu nại để chủ thẻ sử dụng khi đề nghị tra soát, khiếu nại. Trường hợp tiếp nhận thông tin qua tổng đài điện thoại, nếu xét thấy cần thiết theo quy định nội bộ của TCPHT hoặc theo thỏa thuận của TCPHT với các bên liên quan, TCPHT yêu cầu chủ thẻ bổ sung giấy đề nghị tra soát, khiếu nại theo mẫu trong thời hạn quy định của TCPHT làm căn cứ chính thức để xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại. Trường hợp ủy quyền cho người khác đề nghị tra soát, khiếu nại, chủ thẻ thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền.”

11. Sửa đổi điểm b và bổ sung điểm e vào khoản 3 Điều 22 như sau:

“b) Tổ chức cài đặt thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán hoặc cấp QR Code cho ĐVCNT, thiết lập kênh kết nối và các điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ khác phục vụ cho thanh toán thẻ theo hợp đồng ký kết với ĐVCNT. TCTTT phải có các biện pháp để quản lý POS không dây của mình (yêu cầu ĐVCNT đăng ký phạm vi sử dụng POS không dây tại hợp đồng thanh toán thẻ và các biện pháp cần thiết khác);”

“e) Yêu cầu ĐVCNT mở tài khoản thanh toán tại TCTTT để nhận thanh toán từ việc chấp nhận thẻ; yêu cầu ĐVCNT cung cấp các hóa đơn, chứng từ giao dịch thẻ tại ĐVCNT theo quy định của TCTTT hoặc trong các trường hợp cần thiết nhằm kiểm soát tính hợp lệ, hợp pháp của giao dịch thẻ;”

12. Sửa đổi khoản 3 và khoản 4 Điều 27 như sau:

“3. TCPHT có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hoặc thông điệp dữ liệu về các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này cho TCTTT; khi nhận được thông báo của TCPHT tại Việt Nam hoặc TCPHT ở nước ngoài hoặc TCTQT bằng văn bản hoặc thông điệp dữ liệu về các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, TCTTT có trách nhiệm thông báo lại cho ĐVCNT.”

“4 Các thông báo về việc thẻ bị từ chối thanh toán (bao gồm cả các thông báo của TCPHT ở nước ngoài và TCTQT) có hiệu lực kể từ thời điểm bên liên quan đến giao dịch thanh toán thẻ nhận được thông báo bằng văn bản hoặc bằng thông điệp dữ liệu. Sau khi bên liên quan đã nhận được thông báo mà vẫn thanh toán thẻ và để xảy ra các trường hợp thẻ bị lợi dụng thì việc xác định trách nhiệm do các bên thỏa thuận.”

13. Sửa đổi khoản 2 Điều 32 như sau:

“2. Khoản 2 Điều 24 Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.”

Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03 tháng 3 năm 2018, trừ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

2. Điểm b khoản 6 Điều 1 Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2018.

3. Khoản 13 Điều 1 Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

4. Thông tư này bãi bỏ khoản 1khoản 6 Điều 1 Thông tư số 30/2016/TT-NHNN ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán./.


Nơi nhận:

- Như Điều 2;
- Ban lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Công báo;
- Lưu: VP, Vụ PC, Vụ TT (5b).

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Nguyễn Kim Anh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 26/2017/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 26/2017/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/12/2017
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Kim Anh
  • Ngày công báo: 26/01/2018
  • Số công báo: Từ số 205 đến số 206
  • Ngày hiệu lực: 03/03/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản