HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 202-CP | Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 1966 |
VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI GIÀ CẢ, TRẺ MỒ CÔI KHÔNG NƠI NƯƠNG TỰA VÀ NHỮNG NGƯỜI TÀN TẬT
Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, việc không ngừng chăm lo đời sống cho nhân dân nói chung, cho những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và những người tàn tật nói riêng là một nhiệm vụ rất quan trọng của Nhà nước ta. Trong hoàn cảnh có chiến tranh, nhiệm vụ đó lại càng nặng nề hơn.
Đối với những người già cả và những trẻ mồ côi không nơi nương tự, những người tàn tật, Nhà nước đã thi hành nhiều biện pháp tích cực để giúp đỡ họ, ở các địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, nhiều hợp tác xã đã chú ý sắp xếp công việc làm cho những người còn sức lao động để họ có thu nhập, điều hòa lương thực cho những người thiếu ăn, trợ cấp cứu tế cho những người gặp nhiều khó khăn… để bảo đảm đời sống cho họ. Nhưng ở nhiều địa phương, những biện pháp trên đây còn mang tính chất tạm thời, cho nên đời sống của họ chưa được bảo đảm vững chắc, thường còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những lúc mùa màng thu hoạch kém.
Rút kinh nghiệm công tác vừa qua ở các địa phương và căn cứ vào tình hình hiện nay của nước ta, Hội đồng Chính phủ đề ra phương hướng và chính sách dưới đây nhằm ổn định đời sống cho những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và những người tàn tật.
Phải tăng cường giáo dục, nâng cao lòng yêu nước, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ trong nhân dân và trên cơ sở đó, dựa vào các hợp tác xã và các đoàn thể quần chúng để sắp xếp công việc làm thích hợp cho những người còn có khả năng lao động, và thi hành mọi biện pháp giúp đỡ những người có khó khăn trong đời sống. Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm cần phát huy mọi khả năng của nhân dân, của hợp tác xã để giải quyết những vấn đề xã hội đối với những trường hợp mà khả năng nhân dân không giải quyết được thì Nhà nước sẽ giúp đỡ giải quyết.
Theo phương hướng trên đây, các Ủy ban hành chính địa phương cần thực hiện các chính sách cụ thể như sau:
1. Đối với những người già cả không nơi nương tựa.
Đối với những người già cả không nơi nương tựa, ở nông thôn thì Ủy ban hành chính xã bàn bạc với các hợp tác xã để bố trí sắp xếp những người còn khả năng lao động vào những công việc thích hợp với sức khỏe của họ như trồng cây, trồng rau, chăn nuôi, sửa chữa dụng cụ, đan lát, giữ kho, quét dọn… và có sự chiếu cố thích đáng khi tính công điểm, khi điều hòa lương thực. Ở thành phố, thị xã thì Ủy ban hành chính khu phố liên hệ với các hợp tác xã thủ công nghiệp ở địa phương để sắp xếp công việc thích hợp cho họ hoặc giúp họ tổ chức những tổ sản xuất riêng, chú trọng những nghề phục vụ đời sống như làm hộp, làm tăm, sửa chữa dụng cụ gia đình, v.v… Trong những trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể giúp đỡ thêm như cho vay vốn hoặc dành riêng cho họ sản xuất một số mặt hàng.
Đối với những người không còn khả năng lao động thì Ủy ban hành chính cơ sở vận động nhân dân, dựa vào các hợp tác xã để giúp đỡ họ có nơi ăn chốn ở. Nếu những biện pháp trên đây không đủ bảo đảm đời sống cho họ thì Ủy ban hành chính cơ sở đề nghị Nhà nước trợ cấp cứu tế (từng thời gian hoặc thường xuyên). Riêng đối với những người ở thành phố, thị xã thì có thể thu nhận vào các trại an dưỡng nếu không còn khả năng nào lao động nữa.
Trong việc giúp đỡ những người già cả không nơi nương tựa, các Ủy ban hành chính địa phương cần chú trọng dựa vào các đoàn thể quần chúng, chủ yếu là các tổ phụ lão, để giúp đỡ thêm như săn sóc lúc ốm đau, chôn cất khi chết, v.v…
2. Đối với những trẻ mồ côi không nơi nương tựa.
Đối với các cháu còn nhỏ tuổi, Ủy ban hành chính cơ sở vận động những người bà con, thân thích, những người hiếm con, những người có nhiệt tình nhận về nuôi dạy các cháu hoặc vận động các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, công đoàn đỡ đầu các cháu. Ủy ban hành chính cơ sở có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ các gia đình nhận nuôi các cháu, khi những gia đình này gặp khó khăn trong đời sống thì vận động nhân dân hoặc đề nghị hợp tác xã giúp đỡ thêm (điều hòa lương thực, bố trí thêm nghề phụ…). Trường hợp thật cần thiết thì Nhà nước trợ cấp.
Đối với các cháu đã có thể lao động được thì hợp tác xã sắp xếp cho các cháu có công việc làm thích hợp, có chỗ ăn, ở, hoặc cho các cháu đi học nghề.
Các cháu đi học được miễn trả học phí và các khoản đóng góp khác cho nhà trường.
3. Đối với những người tàn tật.
Đối với những người tàn tật, bất luận là có nơi nương tựa hoặc không có nơi nương tựa, các Ủy ban hành chính cơ sở có trách nhiệm bàn bạc với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp để thu nhận những người còn khả năng lao động và tùy theo đặc điểm tàn tật, điều kiện sức khỏe của mỗi người mà bố trí công việc làm thích hợp trong các hợp tác xã hoặc cho họ nhận công việc về làm tại nhà.
Tùy tình hình cụ thể từng địa phương, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố có thể giúp đỡ họ tổ chức các cơ sở sản xuất thích hợp, nếu cần thiết Nhà nước có thể dành riêng cho sản xuất một số mặt hàng, cho vay vốn để xây dựng cơ sở sản xuất (mua nguyên vật liệu, trang bị máy móc kỹ thuật, v.v…), miễn hoặc giảm các khoản thuế, v.v…
Để giúp đỡ những người cụt chân, bại liệt… có điều kiện đi lại làm ăn sinh sống và phát huy khả năng lao động của họ, tùy theo hoàn cảnh từng người, Nhà nước sẽ cấp phát dần không lấy tiền hoặc bán lại theo giá cung cấp những phương tiện cần thiết như nạng, chân giả, v.v…
Đối với những người không còn khả năng lao động, cần có người trông nom, săn sóc hàng ngày thì gia đình chịu trách nhiệm nuôi dưỡng. Nếu không có gia đình thì Ủy ban hành chính cơ sở và hợp tác xã vận động nhân dân địa phương giúp đỡ nuôi dưỡng. Nếu những biện pháp trên đây không đủ bảo đảm đời sống cho họ thì Nhà nước trợ cấp cứu tế thêm hoặc thu nhận vào các trại an dưỡng.
Đối với những người mắc bệnh thần kinh (điên, dại) người nào bệnh còn có thể chữa được thì cơ quan y tế tổ chức điều trị cho họ. Đối với những người bệnh đã thành mãn tính, nhưng nhẹ thì Ủy ban hành chính cơ sở dựa vào các hợp tác xã để bố trí cho họ làm những công việc thích hợp. Đối với những người bệnh nặng, thường đập phá khi lên cơn thì Bộ Nội vụ cần nghiên cứu tổ chức các trại điều dưỡng riêng để thu nhận nhằm vừa nuôi dưỡng, vừa tiếp tục điều trị và tổ chức việc làm thích hợp để góp phần vào việc trị bệnh và cải thiện thêm đời sống cho họ.
Để giúp đỡ những người tàn tật một cách thiết thực và lâu dài, Bộ Nội vụ cần có tổ chức chuyên nghiên cứu về công việc làm, về sản xuất các dụng cụ lao động và sinh hoạt cho những người tàn tật, về mở trường dạy văn hóa và dạy nghề cho những người tàn tật còn trẻ tuổi. Mặt khác cũng nghiên cứu việc tổ chức các hội như Hội những người mù, Hội bảo trợ những người tàn tật…
Đối với những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và những người tàn tật nói trên, lúc ốm đau, Ủy ban hành chính cơ sở dựa vào các hợp tác xã, có trách nhiệm săn sóc, thuốc men cho họ. Nếu ốm nặng thì các bệnh viện, bệnh xá của Nhà nước điều trị cho họ, trong thời gian điều trị, họ được Nhà nước trợ cấp các khoản tiền ăn, tiền thuốc, tiền bồi dưỡng theo chế độ chung.
Việc giải quyết những vấn đề xã hội, tuy là một công tác khó khăn và phức tạp, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc củng cố hậu phương. Kinh nghiệm cho thấy rằng nếu chính quyền địa phương, chủ yếu là chính quyền cơ sở, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nhận rõ trách nhiệm của mình, biết giáo dục, vận động quần chúng, biết dựa vào các hợp tác xã và các đoàn thể quần chúng thì mọi khó khăn đều được giải quyết và đời sống của những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, những người tàn tật đều được bảo đảm.
Ủy ban hành chính các cấp, căn cứ vào tình hình của địa phương mình, có trách nhiệm đề ra những biện pháp cụ thể để thực hiện tốt các chính sách trên đây.
Bộ Nội vụ có trách nhiệm thi hành và hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các địa phương thi hành thông tư này.
Các ngành có liên quan ở trung ương (các Bộ Nông nghiệp, Tài chính, Công an, Y tế, Giáo dục, Nội thương, Ngoại thương, Tổng cục Lương thực…) trong phạm vi trách nhiệm của mình, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ trong việc hướng dẫn thi hành thông tư này.
T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
- 1Thông tư 04-TBXH-1978 quy định chế độ tạm thời đối với giáo viên dạy chữ và dạy nghề cho người mù, người điếc câm do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 2Thông tư 09-NV-1967 hướng dẫn thi hành chính sách đối với những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và những người tàn tật do Bộ Nội vụ ban hành
- 1Thông tư 04-TBXH-1978 quy định chế độ tạm thời đối với giáo viên dạy chữ và dạy nghề cho người mù, người điếc câm do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 2Thông tư 09-NV-1967 hướng dẫn thi hành chính sách đối với những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và những người tàn tật do Bộ Nội vụ ban hành
- 3Thông tư 09-TBXH-1981 hướng dẫn về tổ chức hoạt động của các tổ chức sản xuất của người tàn tật do Bộ Thương binh và xã hội ban hành
Thông tư 202-CP-1966 về chính sách đối với những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và những người tàn tật do Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 202-CP
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 26/11/1966
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Phạm Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 16
- Ngày hiệu lực: 11/12/1966
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định