Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09-TBXH | Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 1981 |
Thực hiện chính sách của Chính phủ đối với người tàn tật tại Thông tư số 202-CP ngày 26-11-1966, liên Bộ Thương binh và xã hội - Tài chính đã ra Thông tư số 34-TT/LB ngày 18-12-1980 quy định cụ thể các chính sách khuyến khích đối với các tổ chức sản xuất của người tàn tật.
Sau khi đã trao đổi thống nhất với các Bộ, các ngành có liên quan, Bộ Thương binh và xã hội hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của các tổ chức sản xuất của người tàn tật như sau.
Các hình thức tổ chức sản xuất của người tàn tật (tổ, xưởng, hợp tác xã, trại sản xuất...)do Uỷ ban nhân dân từ cấp huyện, quận trở lên ra quyết định thành lập, từ nay thống nhất gọi tên là xí nghiệp sản xuất của người tàn tật.
Ở thành phố, các tổ, xưởng sản xuất của người tàn tật phân tán trên các phường cần được tổ chức lại và thống nhất vào sự quản lý của các xí nghiệp sản xuất của người tàn tật.
Xí nghiệp sản xuất của người tàn tật là một đơn vị kinh tế tập thể, có tư cách pháp nhân như một xí nghiệp sản xuất khác.
II. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA XÍ NGHIỆP SẢN XUẤT CỦA NGƯỜI TÀN TẬT
A. NHIỆM VỤ:
1. Xí nghiệp có nhiệm vụ thu nhận và tổ chức lao động sản xuất cho những người tàn tật, khó hoặc không thể sắp xếp làm việc trong các tổ chức lao động sản xuất của người lành.
Lực lượng lao động của xí nghiệp phải có từ 70% trở lên là người tàn tật.
Xí nghiệp phải căn cứ vào tình trạng thương tật của từng người để sắp xếp việc làm thích hợp, có chế độ lao động và định mức lao động hợp lý, giảm đến mức thấp nhất những lao động nặng nhọc, độc hại.
2. Xí nghiệp phải hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao, thực hiện đầy đủ các hợp đồng kinh tế đã ký và bảo đảm cho người tàn tật trong xí nghiệp có việc làm và có đời sống ngày càng khá.
Xí nghiệp phải từng bước cải tiến công cụ sản xuất cho thích hợp với lao động của người tàn tật, tích cực phát triển kỹ thuật nhằm nâng cao năng xuất lao động, chất lượng sản phẩm và kinh doanh có lãi, từng bước mở rộng sản xuất.
3. Xí nghiệp phải tổ chức tốt việc chăm lo đời sống cho người tàn tật. Xây dựng xí nghiệp thành một tập thể có đời sống ổn định, yên vui lành mạnh, tôn trọng pháp luật, bảo vệ tài sản, bảo vệ sản xuất; hướng dẫn mọi thành viên trong xí nghiệp tham gia các phong trào phát triển văn hóa, xã hội, giúp đỡ những người tàn tật trong phường, xã và góp phần củng cố an ninh chính trị và trật tự xã hội ở địa phương.
B. QUYỀN HẠN:
1. Trên nguyên tắc bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, xí nghiệp được tự quyết định kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình cho thích hợp và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
2. Xí nghiệp có quyền tự chủ về tài chính. Trong các quan hệ kinh tế với bên ngoài, xí nghiệp được quyền:
a) Ký kết các hợp đồng kinh tế và hợp các cơ quan xí nghiệp.
b) Sử dụng và phát huy mọi năng lực sản xuất, mọi nguồn vốn của xí nghiệp vào sản xuất kinh doanh;
c) Mua bán nguyên vật liệu, sản phẩm theo các nguyên tắc quản lý tài chính, quản lý vật tư, chính sách giá cả, và các quy định khác của Nhà nước;
d) Thực hiện độc lập về hạch toán kinh tế.
3. Xí nghiệp được tự quyết định việc tổ chức sản xuất theo các điều kiện vật chất cụ thể của mình, được quyền thu nhận những người tàn tật, tuyển dụng và cho nghỉ việc những người lao động khác theo quy định chung của Nhà nước.
4) Xí nghiệp có quyền vận dụng các đòn bẩy kinh tế, phân phối tiền công, sử dụng tiền lãi và phân chia sử dụng các quỹ của của xí nghiệp theo những quy định của Nhà nước và điều lệ, nội quy của xí nghiệp, nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, cải thiện đời sống cho mọi thành viên trong xí nghiệp.
1. Xí nghiệp sản xuất của người tàn tật thực hiện tự quản bằng chế độ dân chủ tập thể.
Đại hội xí nghiệp là tổ chức cao nhất, có quyền quyết định những vấn đề lớn như kế hoạch sản xuất hàng năm, phân phối thu nhập, điều lệ, nội quy...và kiểm tra mọi hoạt động của tổ chức mình.
Đại hội xí nghiệp cử ra ban quản lý xí nghiệp, ban thanh tra, và các trưởng ban của các ban này.
2. Tổ chức sản xuất có thể và nên dùng nhiều hình thức phân tán, nhưng quản lý phải tập trung.
Ở huyện có thể tổ chức sản xuất tập trung trên một hoặc vài địa điểm nhất định.
Ở thành phố cần áp dụng phổ biến cách tổ chức sản xuất, phân tán tại nhà và tại các tổ sản xuất ở các phường. Các tổ sản xuất này có thể sản xuất các mặt hàng khác nhau, hoặc được phân công sản xuất những chi tiết, những bộ phận xí nghiệp và cần thực hiện hạch toán riêng trong nội bộ xí nghiệp.
3. Tổ chức bộ máy phục vụ sản xuất cần phải gọn, tinh giản, có hiệu suất, bảo đảm thực hiện tốt các mặt sản xuất, kinh doanh và đời sống trong xí nghiệp. Số lượng lao động của bộ máy không nên quá 10% của tổng số lao động trực tiếp sản xuất của xí nghiệp.
IV.HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH
1. Xí nghiệp sản xuất của người tàn tật cần chọn những ngành nghề thích hợp với người tàn tật và phù hợp với kinh tế địa phương. Nên bắt đầu từ những mặt hàng đơn giản, ổn định về nguyên liệu, sử dụng nguyên liệu địa phương. Mỗi xí nghiệp nên có vài mặt hàng để bảo đảm có việc làm thường xuyên và tương đối ổn định.
Ở thành phố cần tận dụng những phế liệu, phể phẩm của công nghiệp nhận gia công, làm những việc dịch vụ, làm hàng xuất khẩu, hoặc sản xuất những chi tiết sản phẩm của các xí nghiệp lớn.
Ở huyện cần tận dụng những nông phẩm công nghiệp, phụ phẩm của nông nghiệp, chế biến thực phẩm, hoặc kết hợp sản xuất thủ công nghiệp với chăn nuôi, trồng trọt, thích hợp với người tàn tật.
2. Kế hoạch sản xuất của xí nghiệp gồm một bộ phận Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch, bảo đảm cung ứng vật tư, nguyên liệu, một bộ phận do xí nghiệp tự bảo đảm nguyên liệu. Xí nghiệp phải chủ động mở rộng quan hệ, tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan, xí nghiệp khác để có việc làm thường xuyên cho các thành viên.
3. Việc tiêu thụ sản phẩm của xí nghiệp phải theo đúng các quy định sau:
a) Phải giao đủ sản phẩm cho Nhà nước theo hợp đồng đã ký.
b) Khuyến khích bán thêm cho Nhà nước những hàng hóa do xí nghiệp tự bảo đảm nguyên liệu, theo giá thoả thuận. Chỉ khi nào thương nghiệp quốc doanh không tiêu thụ thì mới bán sản phẩm cho các hợp tác xã tiêu thụ và bán ra thị trường tự do.
c) Nghiêm cấm bán ra thị trường tự do những vật tư, nguyên liệu và sản phẩm mà Nhà nước không cho phép tư thương kinh doanh.
A. HẠCH TOÁN:
1. Tổng thu nhập của xí nghiệp là tổng doanh thu trừ chi phí sản xuất. Trong chi phí sản xuất gồm cả khấu hao tài sản cố định và bộ phận tiền công và tiền thưởng cho những người ngoài xí nghiệp.
2. Lãi của xí nghiệp là tổng thu nhập trừ đi:
- Thuế và lãi nộp ngân sách (nếu có),
- Tổng quỹ tiền công trả cho người làm việc trong xí nghiệp.
Bộ phận thuế và lãi được miễn nộp ngân sách, được hạch toán vào lãi của xí nghiệp.
3. Khi hạch toán giá thành của bộ phận sản phẩm tiêu thụ theo giá thỏa thuận thì giá trị khấu hao tài sản cố định trong đó, phải tính theo thời giá của thị trường.
B. PHÂN PHỐI:
1. Phân phối của xí nghiệp phải bảo đảm tái sản xuất sức lao động của người tàn tật, làm cho họ có điều kiện để phục hồi sức khỏe, sản xuất được lâu dài. Vừa bảo đảm cải thiện đời sống vừa duy trì và mở rộng sản xuất, xây dựng cơ sở .
Khi mới thành lập, thu nhập thấp, trước hết phải bảo đảm đời sống cần thiết cho người lao động, đồng thời cần tập trung vốn vào việc duy trì sản xuất, thực hiện tiết kiệm để tăng vốn phát trển sản xuất kinh doanh.
Quan hệ giữa quỹ tiền công và lãi xí nghiệp được xác định bằng chỉ tiêu tổng quỹ tiền công trên tổng thu nhập. Chỉ tiêu này phải do đại hội xí nghiệp thông qua và Uỷ ban nhân dân huyện, quận duyệt.
2. Lãi của xí nghiệp được phân phối cho 3 quỹ của xí nghiệp theo quy định như sau:
- Dành từ 40% trở lên cho quỹ tích lũy,
- Số còn lại chia cho 2 quỹ phúc lợi và khen thưởng, do xí nghiệp quyết định.
3. Tiền công phải trả theo nguyên tắc phân phối theo lao động, điều hoà hợp lý giữa các mặt hàng, cân đối giữa người trực tiếp sản xuất và người gián tiếp phục vụ sản xuất, giữa người tàn tật và những người lao động khác làm việc trong xí nghiệp. Trả công xứng đáng cho những người làm công tác kỹ thuật và quản lý giỏi, đóng góp nhiều cho cơ sở.
4. Hàng năm, trưởng ban quản lý xí nghiệp phải báo cáo kế hoạch sử dụng quỹ phát triển sản xuất và các quỹ phúc lơi, khen thưởng trước đại hội xí nghiệp .Nghị quyết của đại hội xí nghiệp về kế hoạch mở rộng sản xuất và sử dụng quỹ phát triển sản xuất phải được Uỷ ban nhân dân huyện, quận phê chuẩn mới được thi hành.
Ban quản lý xí nghiệp phải có kế hoạch từng bước cải thiện và nâng dần đời sống vật chất và tinh thần cho mọi thành viên trong xí nghiệp.
Căn cứ vào quỹ phúc lợi, xí nghiệp thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội và phát triển các hình thức phúc lợi tập thể thích hợp, nhằm bảo đảm tốt việc ăn, ở, vui chơi, giải trí cho các thành viên, đặc biệt những người có thương tật nặng.
VII. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN CHỈ ĐẠO
1. Các công Ty, Sở thương binh và xã hội tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo các xí nghiệp sản xuất của người tàn tật về các mặt sau đây:
a) Chỉ đạo xây dựng về tổ chức sản xuất và kinh doanh đúng hướng, thích hợp với người tàn tật .
b) Chỉ đạo và kiểm tra thực hiện các chính sách và chế độ quản lý của Nhà nước.
c) Hướng dẫn và kiểm tra công tác kế hoạch hóa, công tác cung ứng, sản xuất và tiêu thụ, công tác cải tiến công cụ sản xuất, công tác kế toán, hạch toán kinh tế của xí nghiệp.
d) Hướng dẫn và kiểm tra công tác tổ chức đời sống, phát triển các hình thức phúc lợi tập thể, xây dựng các chế độ tiền lương chế độ bảo hiểm xã hội thích hợp với ngườu tàn tật.
2. Uỷ ban nhân dân huyện, quận có nhiệm vụ:
a) Giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - đời sống cho xí nghiệp, bao gồm giá trị tổng sản lượng hoặc tổng doanh thu, mức tiền công bình quân tháng của người lao động, vật tư chủ yếu được Nhà nước cung ứng.
b) Chỉ đạo hoạt động sản xuất kinh doanh của xí nghiệp theo đúng các chính sách, chế độ của Nhà nước .
c) Lãnh đạo, kiểm tra và hướng dẫn về tổ chức và hoạt động tự quản của xí nghiệp. Phê chuẩn điều lệ hoạt động, quyết định công nhận ban quản lý, và duyệt kế hoạch trợ cấp vốn xây dựng và mở rộng sản xuất của xí nghiệp.
3. Cơ quan thương binh và xã hội huyện, quận có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp mình chỉ đạo và quản lý xí nghiệp sản xuất của người tàn tật. Cơ quan này phải nắm vững tình hình, hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra mọi mặt hoạt động của xí nghiệp. Phải căn cứ vào chỉ thị, hướng dẫn của cơ quan thương binh và xã hội cấp trên, chủ động quan hệ với các phòng, ban chuyên môn khác để chuẩn bị các quyết định cho Uỷ ban, và thống nhất hướng dẫn về các mặt công tác của xí nghiệp.
Nguyễn Kiện (Đã Ký) |
Thông tư 09-TBXH-1981 hướng dẫn về tổ chức hoạt động của các tổ chức sản xuất của người tàn tật do Bộ Thương binh và xã hội ban hành
- Số hiệu: 09-TBXH
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 20/04/1981
- Nơi ban hành: Bộ Thương binh và Xã hội
- Người ký: Nguyễn Kiện
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 9
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra