Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 09-NV | Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 1967 |
Kính gửi: Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ngày 26-11-1966 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 202-CP về chính sách đối với những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và những người tàn tật. Sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ Tài chính, Nông nghiệp, Nội thương, Y tế và Tổng cục Lương thực, Bộ Nội vụ ra thông tư hướng dẫn thi hành như sau.
I. ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH CHÍNH SÁCH
1. Những người già cả, không có con, cháu và người ruột thịt để nương tựa hoặc có mà vì điều kiện đặc biệt không thể nương tựa được, đời sống gặp khó khăn.
2. Những cháu mồ côi dưới 16 tuổi, không còn người ruột thịt săn sóc giúp đỡ.
3. Những người mù lòa, câm điếc, còng gù, què, cụt chân, tay, bại liệt, điên mãn tính, v.v… (trừ những người mắc bệnh ở thể lây).
Những đối tượng nói trên bao gồm cả nhân dân bị tai nạn chiến tranh mà mất nơi nương tựa hay trở thành tàn tật.
A. Đối với những người già cả không nơi nương tựa.
1. Ở nông thôn:
Ủy ban hành chính cơ sở bàn bạc với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, đánh cá, làm muối… để thu nhận họ vào hợp tác xã. Nếu họ có ruộng đất, trâu bò, dụng cụ sản xuất thì vận động họ giao cho hợp tác xã quản lý, kinh doanh. Hợp tác xã có trách nhiệm tạo mọi điều kiện bảo đảm đời sống trước mắt và lâu dài cho họ.
Đối với những người còn sức lao động, Ủy ban hành chính cơ sở và các hợp tác xã sắp xếp cho họ làm những công việc thích hợp với sức khỏe như trồng cây, ươm cây, chăn nuôi, đan lát, bện thừng, sửa chữa nông cụ, giữ kho, quét dọn, chăn trâu, bò, v.v… để họ vừa có thu nhập bảo đảm đời sống, vừa tăng thêm nhân lực, của cải cho hợp tác xã. Cần có sự chiếu cố về công điểm, bảo đảm cho họ có số ngày công trung bình.
Đối với những người không còn sức lao động, thì vận động xã viên tương trợ một số ngày công hoặc xuất quỹ công ích giúp đỡ… để bảo đảm đời sống cho họ. Nếu các biện pháp tích cực trên chưa bảo đảm đời sống cho họ, thì Ủy ban hành chính cơ sở đề nghị cấp trên xét trợ cấp cứu tế từng thời gian hay thường xuyên, theo hoàn cảnh cụ thể của từng người. Riêng đối với những người hàng ngày cần phải có người trông nom săn sóc, xét không thể để ở cơ sở được, thì thu nhận vào trại an dưỡng (trại cứu tế xã hội) của địa phương.
Ở những hợp tác xã có khả năng có thể tổ chức nhà dưỡng lão cho các cụ già không nơi nương tựa, để nuôi dưỡng và tổ chức việc làm nhẹ cho các cụ.
2. Ở thành phố, thị xã:
Đối với những người còn khả năng lao động, thì Ủy ban hành chính cơ sở liên hệ bàn bạc với các hợp tác xã thủ công nghiệp để giúp đỡ họ làm một số công việc thích hợp với khả năng của họ.
Mặt khác, có thể giúp đỡ họ tổ chức những tổ sản xuất riêng và dành cho họ sản xuất một số mặt hàng mà họ có thể làm được như vót tăm, làm hộp, nắm than quả bàng, nhặt bông, bóc lạc, sửa chữa dụng cụ gia đình, làm đồ mây, tre, cói v.v… để có thu nhập giải quyết đời sống. Nếu cần thiết, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố bàn với ngân hàng, hoặc xuất quỹ cứu tế xã hội địa phương, hoặc vận động các cơ sở sản xuất cho họ vay vốn để mua nguyên vật liệu, trang bị kỹ thuật, v.v… và xét miễn hoặc giảm cho họ các khoản thuế.
Đối với những người không còn khả năng lao động, Ủy ban hành chính cơ sở đề nghị cấp trên trợ cấp cứu tế thường xuyên hoặc thu nhận vào các trại an dưỡng (trại cứu tế xã hội) của địa phương. Ở trại phải tổ chức cho họ lao động nhẹ để cải thiện thêm đời sống và tăng thêm sức khỏe.
Nói chung, ở nông thôn cũng như ở thành phố, thị xã, Ủy ban hành chính các địa phương cần phối hợp chặt chẽ và dựa vào các đoàn thể quần chúng, nhất là tổ phụ lão để giúp đỡ săn sóc, bảo đảm đời sống cho các cụ già không nơi nương tựa.
B. Đối với những trẻ mồ côi không nơi nương tựa.
Đối với những cháu còn nhỏ tuổi, Ủy ban hành chính cơ sở vận động những người thân thích, những người hiếm con, những người có nhiệt tình nhận về nuôi dạy hoặc vận động các đoàn thể thanh niên, phụ nữ (nhất là phụ nữ) nhận đỡ đầu các cháu. Ủy ban hành chính cơ sở có trách nhiệm theo dõi các gia đình nhận nuôi, nếu gia đình họ gặp khó khăn trong đời sống thì tích cực giúp đỡ.
Riêng đối với những cháu đang thời kỳ bú sữa, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét cấp phiếu đường, sữa để nuôi các cháu. Nếu gia đình nhận nuôi các cháu gặp khó khăn thì vận động nhân dân hoặc đề nghị hợp tác xã giúp đỡ.Trường hợp cần thiết mới xét trợ cấp. Những cháu đến tuổi gửi ở nhà trẻ, được miễn tiền gửi trẻ.
Đối với những cháu lớn tuổi có thể lao động được, Ủy ban hành chính cơ sở và các hợp tác xã sắp xếp cho các cháu có công việc làm vừa sức, bố trí có chỗ ăn, ở không phải sống bơ vơ, và ưu tiên giúp đỡ các cháu học nghề (cần có sự châm chước về tiêu chuẩn). Nếu đời sống các cháu chưa bảo đảm, hợp tác xã xuất quỹ công ích giúp đỡ thêm, nếu khả năng hợp tác xã không giải quyết được thì đề nghị cấp trên xét trợ cấp.
Ủy ban hành chính cơ sở và các hợp tác xã cần tích cực giúp đỡ các cháu được đi học, không để một cháu nào phải thất học và ít nhất cũng được học hết cấp I. Các cháu đi học được miễn trả học phí và các khoản đóng góp khác cho nhà trường.
Những cháu bị tàn phế, xét không thể giải quyết được bằng các biện pháp trên, thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố thu nhận các cháu vào trại an dưỡng (trại cứu tế xã hội) để nuôi dạy. Nếu địa phương chưa tổ chức được trại, thì trợ cấp và vận động nhân dân nuôi hộ.
C. Đối với những người tàn tật.
Đối với những người tàn tật, dù có nơi nương tựa hay không có nơi nương tựa. Ủy ban hành chính cơ sở và các hợp tác xã đều phải có trách nhiệm trông nom săn sóc họ. Nói chung những biện pháp để giúp đỡ họ cũng giống như những biện pháp giúp đỡ những người già cả nói trên, như thu nhận vào hợp tác xã, bố trí công việc làm thích hợp với đặc điểm tàn tật, điều kiện sức khỏe của mỗi người trong các hợp tác xã hoặc giúp họ tổ chức những cơ sở sản xuất riêng, dành cho họ một số mặt hàng v.v… Nhà nước giúp đỡ thêm khi cần thiết.
Khi giúp đỡ họ tổ chức cơ sở sản xuất riêng, cần chú ý kết hợp có người khỏe, người yếu, người mù, người sáng để hỗ trợ nhau, chọn nghề ít vốn, dễ tìm nguyên liệu, dễ tiêu thụ sản phẩm và tổ chức quy mô nhỏ thích hợp với thời chiến.
Những người tàn tật nặng, không còn khả năng lao động cần có người trông nom săn sóc hàng ngày, nếu có gia đình thì gia đình chịu trách nhiệm nuôi dưỡng, gia đình họ gặp khó khăn thì hợp tác xã tích cực giúp đỡ (điều hòa lương thực, sắp xếp công việc làm…), người không còn nơi nương tựa, thì thu nhận vào trại an dưỡng của địa phương.
Đối với những người què, cụt chân, tay, bại liệt… Ủy ban hành chính huyện, khu phố cấp nạng cho người què, cụt chân, bại liệt và đề nghị Bộ Nội vụ cấp dần chân, tay giả cho người cụt tay, chân… để giúp họ giảm, bớt khó khăn trong sinh hoạt, đi lại và lao động.
Đối với những người điên mãn tính, Ủy ban hành chính địa phương dựa vào cơ quan y tế nắm chắc số lượng, phân loại và giải quyết theo hướng như sau:
- Người nào bệnh còn có thể chữa được, thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố giao trách nhiệm cho cơ quan y tế tổ chức điều trị cho họ.
- Người nào đã thành mãn tính nhưng nhẹ, thì Ủy ban hành chính cơ sở dựa vào các hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp bố trí giúp đỡ họ có công việc làm thích hợp, và phân công người có nhiệt tình kèm cặp, săn sóc họ.
- Người nào mắc bệnh nặng mãn tính, thì tùy theo số lượng người nhiều hay ít mà tổ chức trại điều dưỡng riêng cho họ. Trại này sẽ tổ chức công việc làm thích hợp cho họ để góp phần trị bệnh và cải thiện thêm đời sống. Chế độ nuôi dưỡng. Bộ Nội vụ sẽ ấn định sau.
Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, tổ chức trường dạy văn hóa và dạy nghề cho những người tàn tật còn sức khỏe, trẻ tuổi và giúp đỡ các địa phương xây dựng hội những người mù, hội những người câm điếc, theo như tinh thần thông tư của Hội đồng Chính phủ.
Những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và những người tàn tật nói trên, Ủy ban hành chính các cấp và hợp tác xã phải cố gắng bằng mọi cách bảo đảm cho họ có thu nhập xấp xỉ thu nhập bình quân ở địa phương, mỗi tháng ít nhất từ 5 đến 7 đồng ở nông thôn, và từ 8 đến 10 đồng ở thành phố, thị xã. Nếu sau khi tính các khoản thu nhập chủ yếu (bản thân họ tự giải quyết, và hợp tác xã giúp đỡ…) mà vẫn không đủ mức đó, thì Ủy ban hành chính cơ sở đề nghị cấp trên trợ cấp thêm.
Riêng ở nông thôn, Ủy ban hành chính cơ sở và các hợp tác xã phải điều hòa, phân phối lương thực cho họ để có đủ mức tối thiểu 15kg thóc và hoa mầu quy thóc một tháng. Nếu địa phương bị mất mùa thì bán lương thực cho họ theo chính sách bán gạo cho nông dân thiếu ăn.
Những điểm cụ thể về các mặt: ở, mặc, ốm đau và chết.
1. Về chỗ ở, các Ủy ban hành chính cơ sở phải giải quyết cho những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và những người tàn tật có chỗ ở ổn định, theo hướng như sau:
- Những người không có nhà ở, thì sắp xếp cho họ ở chung với những người trong họ hàng (nếu có) hoặc vận động những người tốt giúp đỡ họ, hoặc tổ chức nhà an dưỡng riêng cho họ.
- Những người có nhà ở nhưng bị giột nát, hư hỏng, thì vận động nhân dân giúp họ sửa chữa lại, mặt khác có thể bố trí thêm những người không có nhà đến ở chung với họ, để giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn.
Ở thành phố, thị xã, nếu họ ở nhà thuê, hàng tháng phải trả tiền nhà, thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét trợ cấp tiền thuê nhà cho họ (nếu họ không có khả năng trả).
2. Về mặc, trường hợp họ không có tiền mua sắm phải rách, rét, địa phương đã tích cực giúp đỡ mà vẫn không giải quyết được, thì Ủy ban hành chính cơ sở đề nghị trợ cấp cho mỗi người một số tiền để:
- Mua số vải theo tiêu chuẩn phiếu vải cấp phát, kể cả tiền công may (mỗi năm xét cấp một lần). Nếu tiêu chuẩn của họ không đủ may một bộ quần áo, thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét cấp thêm vải.
- Mua một chăn sợi và một áo ấm (3 đến 5 năm xét cấp một lần), áo ấm được miễn phiếu vải.
- Mua chiếu nằm.
Việc xét trợ cấp phải thận trọng, tránh tràn lan, họ thiếu thứ gì thì xét cấp thứ ấy và cấp bằng hiện vật.
3. Khi họ ốm đau và chết, khi họ ốm đau, ngoài việc săn sóc thuốc men, cần vận động bà con xung quanh giúp đỡ họ để giải quyết khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu ốm nặng thì đưa đến trạm y tế xã hoặc bệnh viện để điều trị. Trong thời gian họ nằm điều trị ở bệnh viện được miễn viện phí (tiền thuốc, tiền ăn, tiền bồi dưỡng), tiền tầu xe đi và về nếu họ không tự lo được thì cũng được xét giúp đỡ. Họ điều trị ở trạm y tế xã, hợp tác xã xuất quỹ công ích giúp đỡ về thuốc men.
Những người được trợ cấp cứu tế thường xuyên, trong thời gian họ nằm điều trị ở bệnh viện thì hoãn trợ cấp cho đến khi họ ra viện. Nếu đã cấp rồi thì họ không phải thanh toán tiền ăn cho bệnh viện hay trả lại tiền trợ cấp trên.
Khi họ chết ở nông thôn, Ủy ban hành chính cơ sở và hợp tác xã lo mai táng cho họ chu đáo, tùy theo tình hình và điều kiện của địa phương. Nếu xã và hợp tác xã không có khả năng thì đề nghị cấp trên xét cấp tiền áo quan và vải liệm. Ở thành phố, thị xã, thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét cấp các khoản mai táng phí như áo quan, vải liệm và tiền chôn cất (nếu có). Họ chết ở bệnh viện, thì bệnh viện mai táng cho họ theo chế độ hiện hành.
Việc xét trợ cấp về ăn, mặc, ở, khi ốm đau và chết… nói ở các phần trên, chỉ áp dụng cho những người già cả, trẻ mồ côi và người tàn tật không có nơi nương tựa, còn người tàn tật có nơi nương tựa thì gia đình họ có trách nhiệm lo liệu.
Các khoản tiền trợ cấp nói trên, đều ghi vào ngân sách địa phương.
Việc xét trợ cấp do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quyết định hoặc do tỉnh, thành phố ủy quyền cho Ủy ban hành chính huyện, khu phố quyết định, căn cứ vào đề nghị của Ủy ban hành chính cơ sở.
Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng, hướng dẫn, phổ biến sâu rộng Thông tư số 202-CP của Hội đồng Chính phủ và thông tư hướng dẫn này của Bộ Nội vụ cho các cấp, nhất là cấp huyện, xã và hợp tác xã và cho các ngành, giới có liên quan quán triệt và chấp hành đầy đủ.
Ủy ban hành chính các cấp chịu trách nhiệm quản lý, nắm chắc những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và những người tàn tật thụôc địa phương mình và có kế hoạch cụ thể thi hành chính sách đối với họ.
Mỗi tỉnh, thành phố cũng như huyện, khu phố cần chỉ đạo riêng việc thì hành chính sách để rút kinh nghiệm phổ biến các nơi. Đồng thời phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc khen thưởng kịp thời nơi làm tốt, uốn nắn nơi làm chưa tốt.
Việc giải quyết đời sống cho những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và những người tàn tật là một công tác xã hội, có nhiều khó khăn phức tạp, nhưng có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta và góp phần củng cố hậu phương hiện nay. Vì vậy các Ủy ban hành chính các cấp, nhất là cấp cơ sở (xã, thị xã, thị trấn) cần quán triệt tinh thần và nội dung chính sách, dựa vào hợp tác xã, động viên nhân dân phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, đoàn kết giúp đỡ nhau, thực hiện đầy đủ chính sách, bảo đảm tốt đời sống trước mắt và lâu dài cho những người đó.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
Thông tư 09-NV-1967 hướng dẫn thi hành chính sách đối với những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và những người tàn tật do Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 09-NV
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 18/05/1967
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Lê Tất Đắc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 7
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra