Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 118-QĐ

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 1963

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VIỆC HỘI HỌP, HỌC TẬP CỦA CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Xét tình trạng hội họp, học tập tràn lan ở nhiều cơ quan, xí nghiệp, trường học, v.v… đang ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và công tác, đến sức khỏe và sinh hoạt gia đình của cán bộ, công nhân, viên chức;
Để bảo đảm điều kiện cho cán bộ, công nhân, viên chức sử dụng tốt nhất tám giờ làm việc của Nhà nước, tận dụng thì giờ này vào việc hoàn thành kế hoạch sản xuất và chương trình công tác, đồng thời đảm bảo thì giờ học tập, hội họp, thì giờ nghỉ ngơi, sinh hoạt gia đình, giữ gìn sức khỏe;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 28 tháng 10 năm 1963.

QUYẾT ĐỊNH :

HỌC TẬP NGOÀI GIỜ LÀM VIỆC

Điều 1. – Việc học tập ngoài giờ làm việc do Ban tuyên giáo Trung ương Đảng và bộ Giáo dục chỉ đạo và tổ chức cho cán bộ, công nhân, viên chức, nay quy định là ba buổi trong một tuần; mỗi buổi học này không được quá hai giờ rưỡi; trong ba buổi này, phải để cho học viên ít nhất là một buổi để ôn tập và chỉ được lên lớp hay học theo tổ nhiều nhất là hai buổi.

Về ban đêm, các buổi lên lớp, học theo tổ không được kéo dài quá 21g30.

HỘI HỌP NGOÀI IỜ LÀM VIỆC

Điều 2. – Các loại hội họp ngoài giờ làm việc của Nhà nước, nói chung, không được quá bốn buổi trong một tháng.

Theo quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Ban thường vụ Tổng công đoàn, của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên lao động, thì các loại hội hợp này được quy định cụ thể như sau:

- Họp chi bộ đảng 1 buổi

- Họp công đoàn 1 buổi

- Họp chi đoàn thanh niên lao động 1 buổi

- 1 buổi họp bất thường dùng vào việc họp tổ đảng, tổ công đoàn hoặc phân đoàn thanh niên lao động ở những đơn vị có nhu cầu thật thích đáng. Buổi này chỉ được triệu tập sau khi được thủ trưởng cơ quan hoặc bí thư đảng bộ cơ quan đồng ý.

Điều 3. – Các cán bộ; công nhân, viên chức làm việc đêm vào khoảng từ 22 giờ đến 6 giờ sáng được miễn hội họp và học tập trong cả ngày hôm sau để có thì giờ nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe.

Điều 4. – Cán bộ, công nhân, viên chức đã tham gia sinh hoạt Đảng, đoàn thể nhân dân và học tập chủ trương chính sách ở nơi mình công tác, thì chỉ cần tham dự việc hội họp ở khu phố mình ở nhiều nhất là ba tháng một lần để hiểu được tình hình chung của khu phố.

Điều 5. – Việc tham dự các cuộc vui và các cuộc nói chuyện tổ chức ngoài giờ làm việc phải là hoàn toàn tự nguyện. Cấm dùng bất cứ hình thức gì để gò ép người khác tham dự.

HỘI HỌP VÀ HỌC TẬP TRONG GIỜ LÀM VIỆC

Điều 6. – Việc hội họp để bàn về công tác chuyên môn ở trong mỗi cơ quan, xí nghiệp, trường học, v.v… do thủ trưởng cơ quan quyết định tùy theo nhu cầu của công việc. Trước khi triệu tập họp, thủ trưởng cơ quan hoặc phụ trách các bộ môn của cơ quan phải chuẩn bị kỹ về nội dung để các cuộc họp giải quyết được mọi việc cần thiết một cách nhanh, gọn và thiết thực.

Điều 7. – Trong hệ thống tổ chức ngành dọc chỉ thủ trưởng cơ quan cấp trên hoặc người được chính thức ủy quyền mới được triệu tập thủ trưởng cơ quan cấp dưới hoặc cán bộ phụ trách bộ môn cấp dưới đi họp; chỉ cán bộ phụ trách bộ môn của cơ quan cấp trên (ví dụ: cục trưởng; vụ trưởng…) mới được triệu tập cán bộ phụ trách bộ môn của cơ quan cấp dưới (ví dụ: trưởng phòng; trưởng ban;… của ty; sở, nhà máy) đi họp.

Đối với các cuộc hội họp để tổng kết công tác, để phổ biến chủ trương công tác; v.v… thủ trưởng cơ quan cấp trên phải chú ý sắp xếp cho thật hợp lý, tránh việc triệu tập cấp dưới đến họp nhiều và bất thường làm cho cấp dưới bị động, mất thì giờ và gặp khó khăn trong công tác.

Ngoài trường hợp kể trên; chỉ thủ trưởng cơ quan mới được triệu tập đại biểu cơ quan của các ngành khác đến họp.

Người đứng ra triệu tập họp phải cân nhắc kỹ về thành phần và nội dung cuộc họp, và phải báo trước công trình, nội dung, thời gian họp cho người được triệu tập họp càng sớm càng tốt.

Điều 8. – Các cơ quan và các tổ chức có nhiệm vụ trực tiếp phục vụ nhân dân, như cửa hàng, bệnh viện, phòng khám bệnh, phòng bưu điện, ủy ban hành chính khu phố, v.v… phải thường xuyên mở cửa trong giờ làm việc đã được Nhà nước quy định; nhất thiết không được tự ý đóng cửa để hội họp hoặc học tập trong thời gian ấy.

Từ nay chỉ các cán bộ, công nhân, viên chức cần học tập chính trị và được thủ trưởng cơ quan đồng ý mới được phép dùng giờ chiều ngày thứ ba hàng tuần để học tập.

Các buổi học tập và chiều thứ bảy nay bãi bỏ.

Điều 9. – Để tránh dùng hội họp giải quyết công việc một cách không thiết thực, cán bộ phụ trách các đơn vị sản xuất, kinh doanh phải thường xuyên dành thì giờ cần thiết để đi xuống trực tiếp chỉ đạo sản xuất và kinh doanh ngay tại chỗ.

Điều 10. – Để tạo điều kiện cho cán bộ; công nhân, viên chức của Nhà nước làm được tốt công việc chuyên môn cũng như công việc do các đoàn thể giao cho, từ nay; trừ trường hợp rất đặc biệt, mỗi cán bộ; công nhân; viên chức của Nhà nước không nên kiêm nhiệm quá hai chức vụ của đoàn thể.

Những cán bộ, công nhân; viên chức của Nhà nước có kiêm nhiệm chức vụ trong Ban chấp hành Đảng bộ hoặc đoàn thể nhân dân ở các cơ quan, xí nghiệp, trường học v.v… có thể dùng giờ làm việc của Nhà nước để hội họp và làm việc đoàn thể nhiều nhất là mỗi người bốn giờ trong một tháng (trừ các trường hợp đã được quy định theo luật tổ chức công đoàn).

HỘI HỌP, HỌC TẬP BẤT THƯỜNG VÀ TRONG CÁC CUỘC VẬN ĐỘNG LỚN

Điều 11. – Để tránh cho các cơ quan, xí nghiệp, trường học, v,v… phải hội họp nhiều và bị ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đã định; từ nay ngoài công việc thường xuyên đã được giao phó, ở mỗi cơ sở này, trong cùng một thời gian, không nên làm song song hai cuộc thí điểm.

Điều 12. – Đối với việc học tập các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Chính phủ, đối với việc hội họp do các cuộc vận động lớn đề ra, Ban tuyên giáo Trung ương Đảng; Ban chỉ đạo các cuộc vận động cần cố gắng sắp xếp để kết hợp sử dụng các buổi hội họp và học tập ngoài giờ làm việc đã được quy định ở trên đây.

Trường hợp đặc biệt có sự sắp xếp đặc biệt.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. – Trong mỗi cơ quan; mỗi tổ chức, thủ trưởng là người có trách nhiệm quản lý chế độ hội họp; học tập. Căn cứ những điều quy định trên đây; thủ trưởng cơ quan phải cùng với Bí thư Đảng ủy; Thư ký công đoàn và Bí thư thanh niên lao động ấn định lịch hội họp, học tập của cơ quan.

Lịch hội họp; học tập cho từng thời gian phải được báo trước cho cán bộ; công nhân, viên chức biết để có thể chủ động sắp xếp thì giờ của mình. Thủ trưởng cơ quan phải quản lý chặt chẽ việc chấp hành lịch này.

Điều 14. – Các điều quy định trên đây không áp dụng đối với việc lao động xã hội chủ nghĩa, việc luyện tập của tự vệ và dân quân.

Các điều quy định trước đây của Hội đồng Chính phủ và các bộ trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 15. – Quyết định này có hiệu lực thi hành cho tất cả các ngành hành chính, sự nghiệp, sản xuất, kinh doanh của Nhà nước từ trung ương đến cấp huyện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1964.

Điều 16. – Các ông bộ trưởng bộ Nội vụ và bộ Lao động có trách nhiệm đôn đốc và kiểm tra việc thi hành quyết định này.

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ


 

 
Phạm Văn Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 118-QĐ năm 1963 về hội họp, học tập của cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 118-QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/12/1963
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: 31/12/1963
  • Số công báo: Số 46
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản