BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 15-NV | Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 1964 |
Kính gửi: Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương,
Theo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu (3 xây, 3 chống) thì việc cải tiến tổ chức là một trong những nội dung quan trọng của cuộc vận động. Nghị quyết nêu rõ “việc tinh giản bộ máy, điều chỉnh biên chế cần kết hợp chặt chẽ với cuộc vận động này mà làm”.
Theo nhiệm vụ ghi trong nghị quyết thì Bộ Nội vụ “giúp Hội đồng Chính phủ hướng dẫn các ngành, các cấp cải tiến tổ chức và tăng cường bộ máy hành chính, giảm nhẹ biên chế. cải tiền lề lối làm việc…”. Để giúp Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố chỉ đạo các Sở, Ty và các đơn vị tổ chức tương đương về cải tiến tổ chức trong cuộc vận động “3 xây, 3 chống” trung ương, Bộ Nội vụ xin ra yêu cầu, nội dung và kế hoạch như sau:
Về mặt tổ chức cần nhằm vào những yêu cầu về “xây ” và “chống” dưới đây:
1. Quy định rõ ràng vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phương hướng công tác của mỗi Sở, Ty, mỗi đơn vị tổ chức, xây dựng bộ máy làm việc cho hợp lý, gọn, mạnh, khắc phục tình trạng tổ chức phân tán và trung gian;
2. Sửa đổi lề lối làm việc, làm cho nguyên tắc tập trung dân chủ thể hiện trong hoạt động của các cơ quan, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Ủy ban hành chính và của thủ trưởng cơ quan, chống tệ quan liêu, sự vụ, giấy tờ và hội họp quá nhiều;
3. Sắp xếp lực lượng cán bộ cho hợp lý, chặt chẽ theo phương hướng “mỗi người làm việc bằng hai” để có thể giảm nhẹ biên chế.
Căn bản là thực hiện theo nội dung của thông tư số 04-NV ngày 04-02-1963 của Bộ Nội vụ về việc cải tiến tổ chức, giảm nhẹ biên chế các cơ quan Nhà nước địa phương. Trong đợt tiến hành cuộc vận động ở các Sở, Ty… cần kết hợp làm tốt những việc sau đây:
1. Phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý các mặt công tác của Nhà nước, nhất là quản lý các mặt công tác của Nhà nước, nhất là quản lý kinh tế, tài chính. Thu bớt tổ chức đầu mối trực thuộc Ủy ban hành chính và kiện toàn các bộ phận chuyên môn thuộc Ủy ban hành chính, với các cơ quan chuyên môn ở địa phương, làm cho việc chỉ đạo của Ủy ban hành chính được tập trung, thống nhất, đồng thời phát huy được tính tích cực của các cơ quan chuyên môn.
2. Xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Sở, Ty và các tổ chức tương đương, thực hiện phân cấp quản lý cho dưới, cải tiến tổ chức bên trong của các Sở, Ty, chủ yếu là khắc phục tình trạng tổ chức và lề lối làm việc phân tán và trung gian.
Chú trọng cải tiến và tăng cường các cơ quan quản lý kinh tế, tài chính, kiên quyết tinh giảm bộ máy quản lý, giảm những cấp trung gian không cần thiết, làm cho hoạt động của nó gắn liền với sản xuất, phục vụ kịp thời cho sản xuất, để đẩy mạnh sản xuất.
3. Xây dựng nội quy công tác của văn phòng Ủy ban hành chính và các bộ phận chuyên môn thuộc Ủy ban hành chính, của các Sở, Ty và các tổ chức tương đương (theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ). Những cơ quan đã có nội quy công tác thì cần bổ sung cho phù hợp với thực tế tình hình. Chú trọng củng cố các tổ chức công tác, đề cao chế độ trách nhiệm đồng thời phát huy việc hợp tác, tương trợ trong công tác.
4. Nghiên cứu sắp xếp cán bộ, nhân viên cho hợp lý, cho chặt chẽ, tập trung số cán bộ có năng lực vào những công tác quan trọng, công tác trọng tâm. Theo hướng thi đua “mỗi người làm việc bằng hai” điều chỉnh và giảm nhẹ biên chế để có cán bộ tăng cường cho cơ sở, cho mặt trận sản xuất và đáp ứng cho nhu cầu của các công tác khác.
Tích cực giải quyết số cán bộ đã đến tuổi về hưu, cán bộ mất sức lao động và cán bộ ốm đau hoặc đang chờ công tác v.v… theo chính sách, chế độ của Nhà nước đã quy định.
5. Kiểm điểm việc chấp hành các chính sách, chế độ, thể lệ, và qua đó phát hiện những quy định không phù hợp với thực tế của địa phương và đề nghị ý kiến để cấp có thẩm quyền nghiên cứu bổ sung.
Cải tiến tổ chức là một trong những nội dung quan trọng của cuộc vận động “3 xây, 3 chống”. Vì vậy, kế hoạch cụ thể phải thống nhất với cuộc vận động này. Hiện nay, tình hình cải tiến tổ chức ở các tỉnh, thành phố tiến hành không đều: một số Sở, Ty đã làm xong, một số Sở, Ty đang làm dở hoặc mới chuẩn bị trong cán bộ lãnh đạo. Do đó, việc kết hợp cải tiến tổ chức với cuộc vận động “ 3 xây, 3 chống” có thể tiến hành như sau:
1. Những Sở, Ty đã tiến hành cải tiến tổ chức cần củng cố những thành quả đã đạt được, thực hiện tốt nội quy công tác, đưa lề lối làm việc vào nền nếp thường xuyên, rút kinh nghiệm đợt cải tiến tổ chức vừa qua và chuẩn bị để kết hợp với cuộc vận động “3 xây, 3 chống” sắp đến mà củng cố thêm và giải quyết những vấn đề tồn tại.
2. Những Sở, Ty chưa cải tiến tổ chức mà hiện nay đang chuẩn bị cuộc vận động “3 xây, 3 chống” thì kết hợp chặt chẽ cải tiến tổ chức với cuộc vận động này mà làm cho tốt.
3. Những Sở, Ty chưa chuẩn bị cuộc vận động “3 xây, 3 chống” mà cũng chưa cải tiến tổ chức, hoặc đã chuẩn bị hay đang làm dở cải tiến thì tiếp tục tiến hành theo kế hoạch cải tiến tổ chức đã định và theo nội dung của thông tư này.
IV. MẤY ĐIỂM CẦN CHÚ Ý TRONG VIỆC CHỈ ĐẠO TIẾN HÀNH
1. Để giúp Ủy ban hành chính chỉ đạo được thống nhất, nên hợp nhất Ban cải tiến tổ chức (hoặc Ban kiện toàn tổ chức) với Ban chỉ đạo, vận động “3 xây, 3 chống” của tỉnh, thành phố. Nơi nào chưa có Ban cải tiến tổ chức thì đồng chí trưởng phòng tổ chức của Ủy ban hành chính; hoặc đồng chí trưởng ban tổ chức - dân chính cần được cử tham gia Ban chỉ đạo vận động “3 xây, 3 chống” của tỉnh, thành phố. Nếu trong Ban chỉ đạo có tổ chức những tiểu ban giúp việc thì về công tác cải tiến tổ chức cần có một tiểu ban (tiểu ban tổ chức) để chuyển về công tác này (Một số cán bộ có năng lực về tổ chức được chỉ định giúp việc tiểu ban).
2. Nội dung cải tiến công tác, cải tiến tổ chức, cải tiến lề lối làm việc (3 cải tiến) thống nhất nội dung của cuộc vận động “3 xây, 3 chống”, vì vậy, cần củng cố những thành tích đã đạt được và nhân cuộc vận động này tiếp tục đẩy mạnh hơn, đề phòng thiên hướng cho đã làm xong “3 cải tiến”, rồi thỏa mãn với thành tích đã đạt được, không đi sâu nghiên cứu và phát hiện bất hợp lý đang tồn tại để kết hợp giải quyết trong cuộc vận động “3 xây, 3 chống”.
Cải tiến tổ chức tốt là góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công cuộc vận động “3 xây, 3 chống”. Đề nghị Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố “kết hợp chặt chẽ với cuộc vận động này mà làm” và “cố gắng sớm đi đến kết quả thiết thực” như nghị quyết đã đề ra.
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
Thông tư 15-NV-1964 về việc kết hợp cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế trong cuộc vận động 3 xây, 3 chống do Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 15-NV
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 04/06/1964
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Ung Văn Khiêm
- Ngày công báo: 17/06/1964
- Số công báo: Số 17
- Ngày hiệu lực: 19/06/1964
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định