Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-NV

Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 1963

THÔNG TƯ

VỀ CẢI TIẾN TỔ CHỨC, GIẢM NHẸ BIÊN CHẾ CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC ĐỊA PHƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

-Các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu;
-Các Bộ, cơ quan trung ương

Đầu năm 1962, Hội đồng Chính phủ đã quyết định tiến hành việc tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế các cơ quan Nhà nước. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 74-TTg ngày 13-07-1962 về cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã vạch rõ: “Việc cải tiến tổ chức cần được tiến hành ở tất cả các cơ quan trung ương và địa phương, nhưng vì vấn đề này rất lớn và phức tạp cho nên cần tiến hành ở các cơ quan trung ương trước một bước”.

Thi hành quyết định trên của Hội đồng Chính phủ, trong năm 1962, các Bộ, cơ quan trung ương đã thu được nhiều kết quả về cải tiến tổ chức, giảm nhẹ biên chế. Sang năm 1963, chúng ta vừa tiếp tục làm tốt việc cải tiến tổ chức ở các Bộ, cơ quan trung ương, vừa chuyển mạnh sang làm cải tiến tổ chức ở các địa phương.

Bởi vậy, ngày 16 và 17 tháng 01 năm 1963, Phủ Thủ tướng đã tổ chức một cuộc hội nghị gồm đại diện cácỦy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu và đại diện các Bộ, cơ quan trung ương để bàn về cải tiến tổ chức địa phương. Hội nghị đã thống nhất nhận định tình hình tổ chức địa phương còn nhiều nhược điểm và khuyết điểm: nhiệm vụ quyền hạn chưa rõ ràng lắm, tổ chức cồng kềnh, phân tán, biên chế nặng nề, lề lối làm việc còn nặng quan liêu, giấy tờ v.v… Hội nghị cũng đã thống nhất đề ra một số biện pháp nhằm khắc phục tình trạng đó, làm cho tổ chức bộ máy địa phương được gọn, mạnh, phục vụ tốt cho sản xuất. Tổng kết hội nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Nội chính Phủ Thủ tướng đã nhấn mạnh: Sau hội nghị chúng ta cần làm ngay những điểm đã nhất trí (xác định nhiệm vụ quyền hạn, thu gọn tổ chức nội bộ các cơ quan, giảm bớt biên chế…), làm cho bộ máy của các cơ quan địa phương được gọn nhẹ, có hiệu suất cao; đối với những điểm chưa thật nhất trí (trong việc phân cấp quản lý, sáp nhập Sở, Ty…) thì cần nghiên cứu kỹ và trình Hội đồng Chính phủ quyết định.

Thủ tướng Chính phủ đã đến nói chuyện với hội nghị về tính chất quan trọng của công tác tổ chức, vị trí đặc biệt quan trọng của cấp tỉnh và trực tiếp chỉ thị cho cácỦy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu phải làm tốt việc cải tiến tổ chức, giảm nhẹ biên chế.

Căn cứ quyết định của Hội đồng Chính phủ về tinh giản bộ máy Nhà nước và dựa vào những điểm đã nhất trí trong hội nghị cải tiến tổ chức địa phương ngày 16 và 17-01-1963, chúng tôi định rõ yêu cầu, nội dung, kế hoạch và thời gian tiến hành cải tiến tổ chức địa phương như sau:

I. YÊU CẦU CẢI TIẾN TỔ CHỨC

Cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế các cơ quan Nhà nước địa phương nhằm:

1. Làm cho nguyên tắc tập trung dân chủ được thể hiện đầy đủ trong tổ chức và sinh hoạt của các cơ quan Nhà nước; bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấpủy vàỦy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu, đồng thời phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tính tích cực, sáng tạo của các ngành, các cấp.

2. Làm cho tổ chức bộ máy địa phương được tinh giản, gọn, mạnh, sát dân, phục vụ tốt cho sản xuất; khắc phục tình trạng tổ chức cồng kềnh, phân tán và nhiều cấp trung gian, gây nhiều lãng phí sức người, sức của và tệ giấy tờ, hội họp quá nhiều.

3. Qua cải tiến tổ chức, sắp xếp lại lực lượng cán bộ cho hợp lý. Đặc biệt chú trọng tăng cường cán bộ cho các cơ sở sản xuất, nhất là làm tốt việc điều động cán bộ về xã và hợp tác xã nông nghiệp.

Việc cải tiến tổ chức cần được tiến hành ở tất cả các cơ quan hành chính, cơ quan quản lý, đến các cơ sở sản xuất (xí nghiệp, sự nghiệp). Nhưng chủ yếu là hoàn thành sớm việc cải tiến tổ chức ở các cơ quan hành chính và cơ quan quản lý. CácỦy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu căn cứ vào tình hình và khả năng của địa phương để quy định yêu cầu và phạm vi cải tiến tổ chức cho thích hợp.

II. NỘI DUNG CẢI TIẾN TỔ CHỨC

Để đạt được yêu cầu trên, trong năm 1963 chúng ta cần làm tốt những việc dưới đây:

1. Thực hiện việc phân cấp quản lý cho các cấp và sắp xếp lại nhiệm vụ của các ngành cho hợp lý. Nhưng phân cấp quản lý là một vấn đề lớn, phức tạp, phải làm dần và vững từng bước trong và sau cải tiến tổ chức đợt này. Trước mắt là từng địa phương, từng đơn vị tổ chức căn cứ vào Luật tổ chức hướng dẫn vàỦy ban hành chính các cấp, nghị định của Hội đồng Chính phủ về phân cấp quản lý, vào nhiệm vụ quyền hạn được giao, kiểm điểm lại công tác của mình, xem việc nào đã làm được việc nào chưa làm được, việc nào làm trùng nhau, việc nào chưa cần thiết. Do đó, mà thấy được những bất hợp lý trong việc phân công, phân nhiệm.

Trên cơ sở đó, quy định cụ thể nhiệm vụ quyền hạn và quan hệ công tác của từng đơn vị tổ chức nhằm đề cao chế độ trách nhiệm, kỷ luật công tác và tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa trong các cơ quan Nhà nước. Việc quy định nhiệm vụ quyền hạn cho từng đơn vị tổ chức phải hết sức rõ ràng, thiết thực, tránh việc làm trùng nhau hoặc bị bỏ sót.

2. Qua kiểm điểm công tác, mạnh dạn phát hiện những bất hợp lý về tổ chức và biên chế, tìm ra những khâu tổ chức trung gian, phân tán, những đơn vị tổ chức không cần thiết, hoặc những đơn vị tổ chức còn yếu kém để giải quyết.

Trước hết, cần làm ngay việc cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy trong nội bộ các Sở, Ty và tổ chức tương đương. Kiên quyết khắc phục tình trạng tổ chức cồng kềnh, phân tán và nhiều cấp trung gian (biện pháp cụ thể là nói chung bỏ cấp phòng trong các Sở, Ty), làm cho bộ máy của cơ quan được gọn, mạnh và sự lãnh đạo của thủ trưởng cơ quan, được sát người, sát việc, sát cơ sở sản xuất. Đồng thời sắp xếp lại tổ chức cấp huyện cho gọn, phù hợp với yêu cầu của việc chỉ đạo sản xuất nông nghiệp.

Mặt khác, cần mạnh dạn thu bớt đầu mối tổ chức trực thuộc Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố, khu làm cho sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính được tập trung thống nhất. Cụ thể là cần chuyển các xí nghiệp, sự nghiệp thuộc Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố, khu cho các Sở, Ty có liên quan quản lý. Riêng việc sáp nhập Sở, Ty cần nghiên cứu kỹ và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Cải tiến tổ chức phải gắn liền với sửa đổi lề lối làm việc. Xây dựng lề lối làm việc khẩn trương, thiết thực, có chương trình, kế hoạch, có kiểm tra đôn đốc. Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan cần làm việc trực tiếp với cán bộ, nhân viên và trực tiếp đi sát cơ sở sản xuất để giải quyết công việc. Kiên quyết khắc phục lề lối làm việc quan liêu, phân tán, cách bức và tệ hội họp, giấy tờ quá nhiều.

Cụ thể là xây dựng tốt nội quy công tác củaỦy ban hành chính, của từng Sở, Ty và tổ chức tương đương. Trong nội quy công tác sẽ ghi rõ chế độ trách nhiệm, quan hệ công tác, phân công và lề lối làm việc của cơ quan.

4. Cải tiến tổ chức, sửa đổi lề lối làm việc phải đưa đến kết quả là giảm nhẹ biên chế. Trên cơ sở cải tiến tổ chức, cần quy định trách nhiệm và nội dung công tác cụ thể cho từng cán bộ, nhân viên, nhằm không ngừng nâng cao hiệu suất công tác, tận dụng khả năng và thì giờ làm việc của từng người. Do đó mà kiên quyết rút bớt biên chế của các cơ quan, thực hiện dưới mức chỉ tiêu biên chế năm 1963.

5. Qua cải tiến tổ chức cần phải sắp xếp lại lực lượng cán bộ cho hợp lý. Chỉ làm tốt việc cải tiến tổ chức, chúng ta mới có điều kiện thuận lợi để bố trí lực lượng cán bộ cho phù hợp với yêu cầu của sản xuất, của nhiệm vụ chính trị hiện nay. Cụ thể là, do cải tiến tổ chức, chúng ta mới có cán bộ để bổ sung cho các nơi thiếu, tăng cường cho xã, hợp tác xã nông nghiệp, và cung cấp cho các công tác khác theo yêu cầu chung của cách mạng.

Việc rút bớt cán bộ ở các cơ quan hành chính, quản lý tăng cường cho các cơ sở sản xuất, nhất là cho xã và hợp tác xã nông nghiệp có ý nghĩa rất to lớn. Nó vừa làm cho bộ máy các cơ quan được gọn, mạnh, sự chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan được tập trung, thống nhất, vừa làm cho các cơ sở được kiện toàn, sức sản xuất phát triển. CácỦy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu cần hết sức làm tốt việc này.

Đi đôi với việc giảm bớt biên chế, tăng cường cán bộ cho các cơ sở sản xuất, cần nghiêm chỉnh thi hành Chỉ thị số 161-TTg ngày 12 tháng 10 năm 1961 của Thủ tướng Chính phủ về đình chỉ tuyển dụng.

6. Sau khi đã căn bản hoàn thành cải tiến tổ chức sẽ tiến hành việc xây dựng Điều lệ tổ chức, quy định nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác và lề lối làm việc của từng sở, ty và tổ chức tương đương (sẽ có kế hoạch cụ thể sau).

III. KẾ HOẠCH VÀ THỜI GIAN TIẾN HÀNH

1. Nhận được thông tư này, cácỦy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu làm ngay các việc nói sau:

- Phổ biến cho đông đảo cán bộ, nhân viên nhận rõ mục đích ý nghĩa của việc cải tiến tổ chức để mọi người tích cực tham gia (phát hiện bất hợp lý, góp ý kiến xây dựng tổ chức mới, sẵn sàng đi nhận công tác mới…)

- Tiếp tục khảo sát tình hình, phát hiện những bất hợp lý và xây dựng đề án cải tiến tổ chức cụ thể của địa phương. Nội dung đề án gồm có các phần: kiểm điểm tình hình tổ chức của địa phương và đề ra phương hướng, biện pháp cụ thể để cải tạo tình hình đó. Đề án này cần gửi cho Phủ Thủ tướng (văn phòng Nội chính) và Bộ Nội vụ trước ngày 15-03-1963 và tổng hợp các vấn đề quan trọng trình Hội đồng Chính phủ quyết định.

2. Trong và sau khi xây dựng Đề án tổ chức, cácỦy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu cần chủ động làm ngay các việc thuộc phạm vi quyền hạn của mình. Cụ thể là làm ngay các việc sau: quy định cụ thể nhiệm vụ quyền hạn cho từng đơn vị tổ chức, thu gọn tổ chức nội bộ của các Sở, Ty và tổ chức tương đương (bỏ phòng), sắp xếp lại các phòng thuộc Uỷ ban hành chính huyện, thị xã, giảm bớt biên chế của các cơ quan hành chính và quản lý, bổ sung cán bộ cho các cơ sở sản xuất, nhất là cho xã và hợp tác xã nông nghiệp v.v…

Riêng việc sáp nhập Sở, Ty hoặc thành lập thêm Sở, Ty mới, cácỦy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu cần nghiên cứu thật kỹ và ghi rõ trong đề án cải tiến tổ chức ở địa phương mình, trình Hội đồng Chính phủ quyết định, rồi mới thi hành.

3. Từ nay đến hết tháng 6 năm 1963 sẽ căn bản hoàn thành việc cải tiến tổ chức địa phương. Tiếp đó sẽ tiến hành việc xây dựng điều lệ tổ chức và giải quyết các vấn đề tồn tại.

Nhận được thông tư này, cácỦy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu cần có kế hoạch đầy đủ và cụ thể, tích cực tiến hành việc cải tiến tổ chức ở địa phương mình; kết hợp việc cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế với cuộc vận động “nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, sửa đổi lề lối làm việc, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, và cuộc vận động “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc”.

Để làm tốt công tác này, theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cácỦy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu cần tăng cường lãnh đạo công tác tổ chức, phân công một phó chủ tịch chuyên trách làm việc cải tiến tổ chức và chú ý kiện toàn Ban hoặc Phòng tổ chức cán bộ.

Trong quá trình thi hành thông tư này, cácỦy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu thường xuyên phản ánh tình hình cho Bộ Nội vụ. Chúng tôi sẽ tổng hợp tình hình đó, báo cáo lên Hội đồng Chính phủ.

Cải tiến tổ chức địa phương là một vấn đề lớn, phức tạp, đi đôi với việc tăng cường lãnh đạo của cấpủy vàỦy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu cần phải dựa mạnh vào chi bộ, Đoàn Thanh niên Lao động, Công đoàn và làm tốt công tác tư tưởng, thì mới làm được nhanh và đúng yêu cầu.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Lê Tất Đắc

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 04-NV năm 1963 về việc cải tiến tổ chức, giảm nhẹ biên chế các cơ quan Nhà nước địa phương do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 04-NV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 04/02/1963
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Lê Tất Đắc
  • Ngày công báo: 20/02/1963
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 19/02/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản