Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 74-TTg | Hà Nội, ngày 13 tháng 07 năm 1962 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CẢI TIẾN TỔ CHỨC, TINH GIẢN BỘ MÁY, GIẢM NHẸ BIÊN CHẾ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Kính gửi: | - Các ông Bộ trưởng các Bộ, |
Trong phiên họp ngày 17 tháng 01 năm 1962, Hội đồng Chính phủ đã có quyết định về việc cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế, nhằm làm cho bộ máy Nhà nước của ta được gọn, nhẹ, có năng suất cao, phục vụ tốt và kịp thời cho cơ sở, cho sản xuất.
Thi hành nghị quyết trên của Hội đồng Chính phủ, các Bộ và cơ quan đã tiến hành việc cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy, và đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng nói chung công tác này tiến hành còn chậm, yếu và chưa đều.
Để đẩy mạnh việc cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy và giảm nhẹ biên chế trong thời gian tới, chỉ thị này lưu ý các Bộ, các cơ quan về một số điểm quan trọng dưới đây:
1. Bộ máy Nhà nước là công cụ sắc bén để động viên, phát huy lực lượng to lớn của quần chúng trong công cuộc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa. Để làm tròn chức năng ấy, bộ máy Nhà nước cần luôn luôn được cải tiến đi đôi với đà phát triển kinh tế và văn hóa. Chúng ta tiến hành cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy nhằm mục đích tăng cường hiệu lực của các cơ quan Nhà nước, làm cho sự chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch Nhà nước được mau lẹ, kịp thời, sát với quần chúng, với cơ sở, khắc phục hiện tượng tổ chức nặng nề, cồng kềnh, quan liêu hiện nay còn khá phổ biến. Đi đôi với việc tinh giản bộ máy và giảm nhẹ biên chế ở cấp trên, nhất là ở cấp trung ương, cần chú trọng tăng cường nhất là về cán bộ cho cơ sở, cho các xí nghiệp, công trường, nông trường,… vì cơ sở là nơi quần chúng chiến đấu để thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch Nhà nước.
Việc cải tiến tổ chức cần được tiến hành ở tất cả các cơ quan trung ương và địa phương, nhưng vì vấn đề này rất lớn và phức tạp, cho nên cần tiến hành ở các cơ quan trung ương trước một bước. Các Bộ, các cơ quan trung ương, trong khi tiến hành cải tiến tổ chức bộ máy mình, cần có dự kiến giúp cho việc cải tiến tổ chức của cơ quan thuộc ngành mình ở địa phương.
Đối với các cơ sở thuộc khu vực sản xuất các Bộ, các cơ quan sẽ tùy theo khả năng của mình mà tiến hành cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy, nhưng phải đảm bảo lãnh đạo chặt chẽ.
2. Để cải tiến tổ chức, mỗi Bộ, mỗi cơ quan trung ương cần kiểm điểm công tác của mình, căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn đã được Nhà nước quy định, xem việc nào đã làm được, việc nào chưa làm được, việc nào làm tốt, việc nào làm không tốt, do đó mà phát hiện những chỗ bất hợp lý trong bộ máy tổ chức của mình, trong sự phân công, phân nhiệm giữa các bộ phận trong chế độ công tác lề lối làm việc; và do đó cũng thấy được bộ phận nào thừa, bộ phận nào thiếu, bộ phận nào cần được giảm nhẹ, bộ phận nào cần được tăng cường.
Trên cơ sở kiểm điểm công tác và tổ chức, mỗi Bộ, mỗi cơ quan cần xây dựng phương án tinh giản bộ máy tổ chức của mình một cách toàn diện, xác định rõ vị trí, chức năng và nhiệm vụ cụ thể của từng bộ phận vạch rõ sự phân công, phối hợp, quan hệ công tác giữa các bộ phận. Cần kiên quyết bỏ những bộ phận trung gian không cần thiết, sát nhập những bộ phận có thể sát nhập trên nguyên tắc bảo đảm bộ máy gọn, nhẹ, cán bộ lãnh đạo đi sát cơ sở, khiến bộ máy phục vụ tốt cho sản xuất, cho công tác. Phương án này cần được cán bộ, nhân viên trong Bộ, trong cơ quan tham gia xây dựng và được sự góp ý của các ban chuyên môn của Đảng và của các Văn phòng Chủ nhiệm Phủ Thủ tướng trước khi thi hành (đối với những sự thay đổi quan trọng, phải trình lên thường vụ Hội đồng Chính phủ xét duyệt trước khi thi hành).
3. Căn cứ vào phương án nói trên, các Bộ, các cơ quan cần có kế hoạch từng bước tiến hành sắp xếp tổ chức, điều chỉnh cán bộ, nhân viên cho từng bộ phận công tác. Cần xây dựng nội quy, chế độ công tác cho từng bộ phận, chế độ trách nhiệm cho từng người để nâng cao ý thức trách nhiệm, khả năng công tác của cán bộ, nhân viên. Cần chú trọng tăng cường cán bộ có năng lực cho cơ sở, cho những bộ phận trực tiếp với sản xuất. Cần quy định chế độ hội họp, học tập một cách hợp lý và chặt chẽ nhằm tiết kiệm nhiều nhất thì giờ và sức lực của cán bộ và nhân viên để dùng vào sản xuất và công tác.
Việc cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy phải đi đến kết quả là giảm nhẹ biên chế chung và quy định con số biên chế khống chế cho từng bộ phận, cơ quan.
Sau khi cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy, mỗi Bộ, mỗi cơ quan trung ương cần xây dựng điều lệ tổ chức chung của Bộ mình, cơ quan mình, trình thường vụ Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.
4. Đối với cán bộ, nhân viên do việc tinh giản bộ máy mà dôi ra, các Bộ, các cơ quan nhất là những Bộ, cơ quan thuộc khu vực sản xuất, cần cố gắng sắp xếp vào các cơ sở thuộc Bộ mình, cơ quan mình để phát triển sản xuất. Đối với cán bộ trưởng phó phòng mà không giữ chức vụ đó nữa thì cần sắp xếp công việc cho thích hợp để phát huy khả năng của họ. Những cán bộ, nhân viên dôi ra mà Bộ, cơ quan sở quan không còn khả năng sắp xếp được nữa, thì chuyển giao cho Bộ Nội vụ hoặc Bộ Lao động. Trong việc chuyển giao này, cần tránh khuynh hướng bản vị, cục bộ, giữ người tốt, điều người kém. Chính sách của Nhà nước đối với cán bộ, nhân viên được chuyển sang công tác khác là giữ nguyên quyền lợi của những người ấy, hết sức giúp đỡ những người đó công tác tốt, học tập tốt, tiếp tục tiến bộ.
Bộ Nội vụ và Bộ lao động có trách nhiệm nghiên cứu chính sách sử dụng cán bộ, nhân viên dôi ra, trình thường vụ Hội đồng Chính phủ quyết định, và cùng với các Bộ, các cơ quan đặt kế hoạch thực hiện tốt chính sách đó.
5. Văn phòng Nội chính Phủ Thủ tướng cùng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, các cơ quan tiến hành việc cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy và giảm nhẹ biên chế. Các Văn phòng khác của Phủ Thủ tướng có trách nhiệm góp ý kiến vào phương án tinh giản bộ máy của các Bộ, các cơ quan thuộc khối mình.
Mỗi bộ, mỗi cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, cần phân công một Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng hay một thủ trưởng cơ quan trực tiếp chỉ đạo công tác cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy và giảm nhẹ biên chế.
Để làm tốt công tác này, bảo đảm hoàn thành trong năm nay, các Bộ, các cơ quan cần có kế hoạch cụ thể, kết hợp việc cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế với cuộc vận động “nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Cần tiến hành với tinh thần khẩn trương, kiên quyết và thận trọng. Cần đặc biệt chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, làm cho cán bộ, nhân viên nhận rõ mục đích, yêu cầu của việc cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy, để tích cực tham gia thực hiện. Thủ trưởng cơ quan cần kết hợp chặt chẽ với chi bộ, công đoàn trong cơ quan để tiến hành công tác được tốt.
Trong quá trình chấp hành Chỉ thị này, các Bộ, các cơ quan thường xuyên báo cáo tình hình công tác cho Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ.
| THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Thông tư 04-NV năm 1963 về việc cải tiến tổ chức, giảm nhẹ biên chế các cơ quan Nhà nước địa phương do Bộ Nội vụ ban hành
- 2Thông tư 15-NV-1964 về việc kết hợp cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế trong cuộc vận động 3 xây, 3 chống do Bộ Nội vụ ban hành
- 3Thông tư liên bộ 17-TT-LB năm 1962 hướng dẫn cải tiến tổ chức cơ quan kiến trúc địa phương do Bộ Kiến Trúc- Bộ Nội vụ ban hành
- 4Quyết định 292-CP năm 1974 Bổ sung một số chế độ để sắp xếp sử dụng hợp lý lực lượng cán bộ, công nhân, viên chức sản xuất và thực hiện tinh giản bộ máy quản lý trong khu vực Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 1Thông tư 04-NV năm 1963 về việc cải tiến tổ chức, giảm nhẹ biên chế các cơ quan Nhà nước địa phương do Bộ Nội vụ ban hành
- 2Thông tư 15-NV-1964 về việc kết hợp cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế trong cuộc vận động 3 xây, 3 chống do Bộ Nội vụ ban hành
- 3Thông tư liên bộ 17-TT-LB năm 1962 hướng dẫn cải tiến tổ chức cơ quan kiến trúc địa phương do Bộ Kiến Trúc- Bộ Nội vụ ban hành
- 4Quyết định 292-CP năm 1974 Bổ sung một số chế độ để sắp xếp sử dụng hợp lý lực lượng cán bộ, công nhân, viên chức sản xuất và thực hiện tinh giản bộ máy quản lý trong khu vực Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 74-TTg năm 1962 về việc cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế do Thủ tướng chính phủ ban hành
- Số hiệu: 74-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 13/07/1962
- Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
- Người ký: Phạm Văn Đồng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 28
- Ngày hiệu lực: 28/07/1962
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra