Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - tự do - hạnh phúc
-------

Số: 118 TC/TCT

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 1994

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ THUẾ ĐỐI VỚI CÁC CHI NHÁNH CÔNG TY THUỐC LÁ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 178-CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Căn cứ văn bản số 2108-QHQT ngày 22/4/1994 của Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam về việc cho một số hãng thuốc lá nước ngoài hợp tác sản xuất thuốc lá điếu với Tổng Công ty thuốc lá Việt nam được đặt chi nhánh tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam;
Căn cứ các Luật thuế và Pháp lệnh thuế hiện hành của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam;
Trong khi Chính phủ chưa ban hành quy chế đặt và hoạt động của các chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt nam; sau khi thống nhất với Bộ Thương mại, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, và Ngân hàng Nhà nước Việt nam ;
Bộ Tài chính tạm thời hướng dẫn về chính sách thuế đối với các Chi nhánh công ty thuốc lá nước ngoài đặt tại Việt nam (sau đây được gọi là Chi nhánh) như sau:

I/ CÁC LOẠI THUẾ VÀ NGHĨA VỤ TÀI CHÍNH:

1/ Thuế doanh thu:

Theo quy định tại Luật thuế doanh thu ngày 30/6/1990 và Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật thuế doanh thu ngày 5/7/1993 thì Chi nhánh có nghĩa vụ nộp thuế doanh thu đối với toàn bộ doanh thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh.

Thuế suất thuế doanh thu, thủ tục kê khai, nộp thuế doanh thu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 73A TC/TCT ngày 30/8/1993 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 55-CP ngày 28/8/1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế doanh thu và Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật thuế doanh thu.

Đối với hoạt động bán thuốc lá điếu mang nhãn hiệu nước ngoài tại thị trường Việt nam , nộp thuế doanh thu với thuế suất 2% trên doanh số bán hoặc 14% trên phần chênh lệch giữa giá bán và giá mua thuốc lá điếu nếu chi nhánh có sổ sách kế toán, chứng từ hoá đơn theo đúng chế độ được cơ quan thuế công nhận.

Các Chi nhánh thực hiện kê khai đăng ký nộp thuế với cơ quan Thuế Địa phương. Chậm nhất đến ngày 5 của tháng sau Chi nhánh phải lập tờ khai thuế của tháng trước gửi cho cơ quan Thuế và thực hiện nộp thuế vào Kho bạc Nhà nước. Trong mọi trường hợp, thời hạn nộp thuế của tháng trước chậm nhất không được quá ngày 15 của tháng sau. Nếu nộp thuế doanh thu của tháng trước sau ngày 15 của tháng sau thì mỗi ngày nộp chậm bị phạt 0,2% (hai phần nghìn) trên số tiền nộp chậm.

2/ Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Mọi hàng hoá (kể cả sản phẩm thuốc lá điếu), thiết bị, vật tư của Chi nhánh được phép nhập khẩu vào Việt nam để phục vụ cho nhu cầu hoạt động của Chi nhánh hoặc được phép xuất khẩu hoặc uỷ thác xuất khẩu là đối tượng chịu thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, do đó phải nộp thuế nhập khẩu hoặc thuế xuất khẩu theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Thủ tục kê khai nộp thuế xuất, nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 72A TC/TCT ngày 30/8/1993 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 54-CP ngày 28/8/1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

3/ Tiền thuê đất:

Chi nhánh được Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam cho thuê mặt đất, mặt nước, mặt biển để xây dựng văn phòng, kho tàng, cửa hàng và các công trình kiến trúc khác có nghĩa vụ nộp tiền thuê mặt đất, mặt nước, mặt biển cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam theo quy định của Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn Luật.

Cục thuế các Địa phương nơi các Chi nhánh được phép thuê đất có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thu tiền thuê mặt đất, mặt nước, mặt biển theo quy định.

Trường hợp các Chi nhánh thuê nhà, cửa hàng, kho tàng và các công trình kiến trúc của các tổ chức và cá nhân khác thì phải thanh toán tiền thuê theo quy định tại hợp đồng thuê.

4/ Thuế lợi tức:

Chi nhánh có nghĩa vụ nộp thuế lợi tức đối với toàn bộ lợi tức phát sinh từ hoạt động kinh doanh, và các khoản lợi tức phát sinh từ quyền sở hữu, sử dụng tài sản của Chi nhánh trong phạm vi lãnh thổ Việt nam.

Thuế suất thuế lợi tức: 25%

Phương pháp xác định lợi tức chịu thuế, thủ tục kê khai, nộp thuế lợi tức và quyết toán thuế theo các quy định tại Thông tư số 51-TC/TCĐN ngày 3/7/1993 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định về thuế áp dụng đối với các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên nước ngoài hơp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam.

Khi xác định doanh thu và các chi phí để tính lợi tức chịu thuế, cơ quan Thuế có quyền xem xét tính hợp lý của các hợp đồng mua bán, cung cấp sản phẩm, lao vụ và các quan hệ thanh toán giữa Chi nhánh với các công ty, chi nhánh trong cùng công ty hoặc với công ty mà Chi nhánh chịu sự kiểm soát của công ty đó, nếu thấy rằng các hợp đồng này không dựa trên cơ sở phương thức giao dịch sòng phẳng.

Thuế lợi tức được tạm thu 3 tháng một lần và quyết toán số thuế lợi tức phải nộp của cả năm khi kết thúc năm tài chính.

5/ Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài:

Các Chi nhánh có nghĩa vụ nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định của Luật pháp hiện hành về thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Thuế suất thuế chuyển lợi tức ra nước ngoài: 10%.

Thủ tục kê khai, nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo các quy định tại Thông tư số 51-TC/TCĐN ngày 3/7/1993 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định về thuế áp dụng đối với các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên nước ngoài hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam .

6. Thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao:

Người nước ngoài và người Việt nam làm việc tại Chi nhánh có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao ban hành ngày 19/5/1994.

7. Các nghĩa vụ Tài chính khác:

Ngoài các loại thuế nêu trên, chi nhánh có nghĩa vụ nộp thuế môn bài, thuế thu nhập tiền bản quyền (nếu có phát sinh) và các loại thuế khác theo quy định của Luật pháp hiện hành của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam.

Ngoài ra, các chi nhánh có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp cho Nhà nước Việt nam thuế thu nhập tiền bản quyền, thuế doanh thu và lợi tức của các tổ chức và cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt nam trên cơ sở hợp đồng ký với chi nhánh không theo các hình thức quy định tại Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam nếu trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình có phát sinh.

II- KHIẾU NẠI VÀ XỬ LÝ VI PHẠM:

1. Quyền khiếu nại:

Chi nhánh có quyền khiếu nại trong trường hợp không đồng ý với các quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế.

Đơn khiếu nại phải được gửi tới cơ quan thuế nơi phát hành các quyết định xử lý về thuế trong vòng 30 ngày kể từ ngày Chi nhánh nhận được các quyết định xử lý về thuế. Trong khi chờ giải quyết khiếu nại, Chi nhánh có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quyết định xử lý của cơ quan thuế.

Trường hợp Chi nhánh không đồng ý với các quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan thuế, hoặc cơ quan thuế nơi nhận đơn khiếu nại không có quyết định xử lý khiếu nại trong vòng 30 ngày kể từ ngày Chi nhánh gửi đơn khiếu nại thì Chi nhánh có quyền khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên.

2. Trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc xử lý đơn khiếu nại

Cơ quan thuế các cấp phải xem xét, giải quyết các khiếu nại trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được đơn khiếu nại. Đối với các trường hợp phức tạp, phải điều tra, xem xét trong thời gian dài, cơ quan thuế phải thông báo cho người nộp thuế, nhưng thời hạn giải quyết khiếu nại chậm nhất cũng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại.

Các quyết định xử lý khiếu nại phải được thực hiện trong vòng 15 ngày kể từ khi quyết định xử lý được ban hành.

3. Xử lý vi phạm

Mọi hành vi vi phạm các quy định tại Thông tư này đều bị xử lý theo các quy định của Luật pháp hiện hành của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt nam .

3.1- Người nộp thuế không làm đúng các quy định về thủ tục đăng ký, kê khai thuế, lập sổ kế toán, sử dụng và lưu giữ chứng từ tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định.

3.2- Người nộp thuế có trách nhiệm đối với tính trung thực và chính xác của các bản kê khai nộp thuế trong thời hạn 10 năm. Trong thời hạn nêu trên, vào bất cứ thời điểm nào nếu cơ quan thuế phát hiện người nộp thuế có hành vi khai man, trốn thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế theo Luật định còn bị phạt tiền từ 1 đến 3 lần số thuế gian lận.

3.3- Người nộp thuế nộp chậm tiền thuế hoặc tiền phạt ghi tại thông báo thuế, lệnh thu thuế hoặc các quyết định xử lý khác của cơ quan thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế hoặc số tiền phạt theo Luật định, mỗi ngày nộp chậm bị phạt 0,2% (hai phần nghìn) số tiền nộp chậm.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các thay đổi (nếu có) của các Luật thuế sau ngày ban hành Thông tư, sẽ có hiệu lực áp dụng đối với các loại thuế hướng dẫn tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các Chi nhánh, các Cục thuế phản ánh về Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) để hướng dẫn bổ sung./.

Nơi nhận:
- Văn phòng CP (để b/c)_
- Bộ Thương mại, UBNN về hợp tác và đầu tư, Ngân hàng Nhà nước VN, Bộ CNN
- Cục thuế các Tỉnh, TP
- Lưu: VP, TCT

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Phạm Văn Trọng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 118 TC/TCT năm 1994 hướng dẫn về thuế đối với các chi nhánh công ty thuốc lá nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 118TC/TCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/12/1994
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/12/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 02/02/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản