Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 102/2006/TT-BQP

Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2006

THÔNG TƯ

CỦA BỘ QUỐC PHÒNG SỐ 102/2006/TT-BQP NGÀY 31 THÁNG 5 NĂM 2006 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 36/2005/CT-TTg NGÀY 17/10/2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG CƠ SỞ VỮNG MẠNH TOÀN DIỆN ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ QUỐC PHÒNG, AN NINH TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Căn cứ Chỉ thị số 36/2005/CT-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (QP-AN) trong tình hình mới, Bộ Quốc phòng hướng dẫn triển khai thực hiện như sau:

1. Tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị

Các cấp, các ngành, các địa phương nghiên cứu quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch cụ thể, có biện pháp sát với tình hình của địa phương, cơ sở nhằm đạt cho dược mục tiêu cơ bản của nhiệm vụ xây dựng cơ sở là "Giữ vững sự ổn định về chính trị; kinh tế, văn hóa xã hội phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, có nếp sống văn hóa lành mạnh, QP-AN vững mạnh, góp phần làm thất bại chiến lượt "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, sẵn sàng đối phó thắng lợi với các tình huống có thể xảy ra ở địa phương, cơ sở".

2. Xây dựng cơ sở vững mạnh về chính trị, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Để xây dựng cơ sở vững mạnh về chính trị, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở để có nhận thức đúng, tự giác chấp hành đường lối chính sách của đảng, pháp luật Nhà nước, nhằm thường xuyên củng cố xây dựng lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh dạo của Đảng. Đây là một trong những vấn đề có tính chiến lược, là nhiệm vụ thường xuyên cấp bách của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị.

a) Quán triệt, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX "Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn". Trong đó, lấy xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh là then chốt. Phải thường xuyên chăm lo xây dựng củng cố các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn, thôn, ấp, làng, bản vững mạnh, đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp ở cơ sở. Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể ở các thôn, ấp, buôn, làng, bản. Đây là nội dung có ý nghĩa quyết định đến phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm QP-AN và giữ được trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

b) Thường xuyên chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn, thôn, ấp, buôn, làng, bản vững mạnh theo Quyết định số 03/2004/QĐ-TTg ngày 07/01/2004 của Thủ tướng Chính nhủ về Định hướng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2010, nhất là đối với vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự gần dân, đi sâu, đi sát nhân dân, lắm chắc tâm tư nguyện vọng và kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân; làm tốt việc tuyên truyền vận động, thuyết phục làm cho nhân dân hiểu và tự giác chấp hành đúng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tập trung củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ cơ quan và các ngành, đoàn thể ở cơ sở. Tổ chức tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ theo tinh thần Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước. Đội ngũ cán bộ nói chung, đặc biệt các đồng chí cán bộ chủ chốt và đảng viên phải được quán triệt đầy đủ, đồng thời là người gương mẫu thực hiện nghiêm túc mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về kinh tế - xã hội, QP-AN. Cán bộ chủ trì, chủ chốt, đảng viên phải được bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo nội dung, chương trình quy định cho từng đối tượng.

Thực hiện tốt công tác đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn vững mạnh bằng nhiều hình thức và giải pháp phù hợp; chủ động tích cực tạo nguồn cán bộ cơ sở từ các đối tượng là con em các gia đình cách mạng, những sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, các trường phổ thông nội trú, những thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang trở về địa phương

c) Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, mở rộng phát huy quyền làm chủ của nhân dân đi đôi với giữ gìn kỷ cương, pháp luật của Nhà nước; tổ chức cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ, tham gia giám sát các hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân một cách thiết thực; tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nhất là ở những nơi có đông đồng bào tôn giáo, đồng bào dân tộc ít người. Tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định và làm rõ mối quan hệ làm việc giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở; đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây đời sống văn hóa ở khu dân cư”, chú trọng xây dựng và hoàn thiện các quy ước, luật tục.... trong cộng đồng dân cư ở các thôn, làng, ấp, bản; kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong nội bộ nhân dân không để những mâu thuẫn nhỏ tích tụ lâu ngày không được giải quyết, trở thành điểm nóng.

3. Đẩy mảnh phát triển kinh tế xã hội, kết hợp chặt chẽ củng cố QP - AN với phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, xu thế hội nhập, cạnh tranh, phát triển kinh tế của các nước trên thế giới đang diễn ra quyết liệt, sự tụt hậu xa hơn về kinh tế dễ dẫn đến mất ổn định về chính trị, xã hội, hạn chế khả năng củng cố QP-AN cũng như bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước. Vì vậy, điều kiện quyết định là phải phát triển kinh tế - xã hội với nhịp độ nhanh, bền vững, bảo đảm sự ổn định chính trị, gắn với chống các tiêu cực xã hội, xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh là nền tảng để tăng cường củng cố QP-AN ở cơ sở.

a) Các cấp, các ngành và các địa phương cần thường xuyên quán triệt nắm vững 2 nhiệm vụ chiến lược "xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (Khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, nâng cao trách nhiệm tổ chức thực hiện; chủ động tổ chức điều tra, khảo sát, lập kế hoạch cụ thể bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố QP-AN ở địa phương có hiệu quả; góp phần tăng cường tiềm lực kinh tế, tiềm lực QP-AN ngay từ cơ sở. Coi trọng việc vận dụng, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng phù hợp với tình hình địa phương, cơ sở; kết hợp chặt giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội với tăng cường QP-AN; chăm lo phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

b) Chính quyền các cấp cần nghiên cứu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, gắn phát triển sản xuất với xây dựng quan hệ sản xuất mới, phù hợp với điều kiện, tình hình địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần của nhân dân, nhất là vùng kháng chiến cũ, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người. Phải lấy đơn vị xã, phường, thôn, ấp, buôn, làng, bản là địa bàn triển khai thực hiện các dự án vừa và nhỏ để thiết thực phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho đời sống của nhân dân địa phương. Đối với những nơi có đông đồng bào dân tộc ít người, các xã vùng biên giới cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động, giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống, không nghe bọn xấu xúi giục, kích động; phối hợp với các đồn biên phòng, các lực lượng vũ trang trên địa bàn bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

c) Phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; vừa bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội trong thời bình, vừa đáp ứng yêu cầu khi có chiến tranh xảy ra. Trong lập quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các ngành, các địa phương trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, văn hóa, du lịch..... phải chú trọng tới QP - AN, bảo đảm vừa đạt được yêu cầu tăng trưởng kinh tế vừa đáp ứng yêu cầu bảo đảm về QP-AN của địa phương, cơ sở và quốc gia. Các cấp, các ngành, các địa phương ngay lừ thời bình phải tổ chức điều tra, khảo sát năng lực các cơ sở công nghiệp trên địa bàn đề lựa chọn, lên phương án xây dựng, sẵn sàng chuyển các dây chuyền sản xuất công nghiệp phục vụ dân sinh sang sản xuất các mặt hàng phục vụ cho QP-AN khi cần thiết, đồng thời góp phần từng bước phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước. Xây dựng kế hoạch động viên kinh tế, xã hội nhằm bảo đảm cho nhu cầu quốc phòng, quân sự đáp ứng cho nhiệm vụ xây dựng, hoạt động tác chiến của khu vực phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Phối hợp với cơ quan quân sự địa phương để đánh giá, lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội kết hợp vớì QP - AN trên các vùng chiến lược, từng khu vực, từng địa bàn và lập kế hoạch động viên nền kinh tế quốc dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng trong mọi tình huống.

d) Các cấp, các ban, ngành, địa phương cần tiếp tục quan triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Quốc phòng và các văn bản hướng dẫn thi hành kèm theo; Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11/5/2004 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương. Quán triệt sâu sắc chủ trương xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện là vấn đề có tính chiến lược lâu dài, là nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Cần tập trung xây dựng thế trận QP - AN; kết hợp QP - AN với kinh tế, kinh tế với QP - AN. Các địa bàn trọng điểm cần kết hợp với thực hiện các chương trình quốc gia theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ vê phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn, miền núi và vùng sâu, vùng xa. Khi hoạch định các chính sách, giải pháp kinh tế - xã hội, cũng như các chính sách đối nội, đối ngoại phải chú ý đến hiệu quả chính trị xã hội, hiệu quả kinh tế và ảnh hưởng của các chính sách đó đến nhiệm vụ QP - AN của đất nước. Trong xem xét và giải quyết mọi vấn đề không được phiến diện, cực đoan, một chiều, được về kinh tế nhưng an ninh quốc gia bị tổn hại, có lợi cho địa phương trước mắt nhưng thiệt hại cho đất nước về lâu dài.

Cần tăng cường việc củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội để tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cho sự phát triển kinh tế xã hội. Ngược lại kinh tế có nhịp độ tăng trưởng tốt góp phần ổn định tình hình xã hội, tạo điều kiện củng cố QP-AN, đó cũng là phương hướng, biện pháp thiết thực phòng, chống “Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch ở địa phương, cơ sở.

e) Các ngành, các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong việc xây dựng và phát triển các khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm; triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện góp phần xây dựng các tỉnh, thành phố và các địa phương thành khu vực phòng thủ vững chắc.

4. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ở cơ sở, chỉ đạo phối hợp giữa các lực lượng góp phần giữ vững ổn định chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế củng cố QP - AN.

Cấp ủy chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể thực sự quan tâm để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương. Trong đó, tập trung xây dựng cơ quan quân sự, biên phòng, công an địa phương vững mạnh toàn diện về mọi mặt, đủ sức làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác QP-AN. Chú ý bố trí lực lượng vũ trang phù hợp với thực tiễn và nhiệm vụ của từng địa phương; trước mắt cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

a) Thường xuyên tuyên truyền giáo dục sâu rộng cho mọi cấp, mọi ngành, mọi người hiểu biết về Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Nghĩa vụ quân sự; xác định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân đối với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, thực hiện tốt công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh quân sự, ưu tiên cho con em đồng bào dân tộc ít người đi học các trường trong Quân đội và thực hiện chính sách cử tuyển. Các địa phương gắn nhiệm vụ tuyển quân, tuyển sinh với nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên và góp phần tạo nguồn cán bộ cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng đặc biệt khó khăn.

b) Lực lượng dự bị động viên (DBĐV) phải được thường xuyên theo dõi, đăng ký, quản lý chặt chẽ, chính xác về số lượng, chất lượng, quản lý được biến động quân dự bị. Thực hiện tốt việc sắp xếp, biên chế, tổ chức các đơn vị DBĐV và quản lý chặt chẽ tại cơ sở. Tập trung xây dựng các đơn vị DBĐV, sẵn sàng động viên khi chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, các đơn vị làm nhiệm vụ A2, nhất là các đơn vị ở địa bàn trọng điểm.

Thực hiện phân cấp cụ thể việc bảo đảm hậu cần, vũ khí, trang bị kỹ thuật, tài chính..... và dự trữ cho nhiệm vụ động viên. Chuẩn bị chu đáo mọi mặt, bảo đảm cho lực lượng DBĐV luôn đáp ứng yêu cầu sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, đối phó với mọi tình huống, kể cả tình huống bạo loạn có can thiệp vũ trang từ bên ngoài và chiến tranh xâm lược quy mô lớn.

Xây dựng đội ngũ sĩ quan dự bị và lực lượng dự bị động viên có đủ số lượng và bảo đảm chất lượng. Tăng cường các biện pháp tạo nguồn, bảo đảm đồng bộ về cơ cấu có biện pháp quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, từng bước nâng tỷ lệ xếp đúng chuyên nghiệp quân sự, đáp ứng yêu cầu biên chế, tổ chức.

Để nâng cao chất lượng toàn diện cho lực lượng DBĐV phải tiếp tục nghiên cứu cải tiến nội dung, phương pháp tổ chức huấn luyện quân nhân dự bị, huấn luyện phân đội DBĐV; tập trung chủ yếu là đội ngũ sĩ quan, chuyên môn kỹ thuật, huấn luyện tạo nguồn và các đối tượng nòng cốt khác trong đơn vị DBĐV. Coi trọng huấn luyện phân đội đối với các đơn vị DBĐV có đủ điều kiện, đặc biệt coi trọng huấn luyện phân đội DBĐV để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ A2 và nhiệm vụ động viên ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.

c) Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Pháp lệnh Dân quân tự vệ, tổ chức đăng ký công dân trong độ tuổi, tuyển chọn kết nạp vào lực lượng dân quân tự vệ bảo đảm chất lượng ngay từ đầu vào; chú trọng rà soát lực lượng hiện có để củng cố tổ chức, thực hiện luân phiên, duy trì số lượng, quy mô phù hợp với tình hình từng vùng, từng địa phương cơ sở. Củng cố, nâng cao chất lượng các phân đội phòng không dân quân tự vệ hiện có, tổ chức xây dựng phân đội DQTV phòng không, Dân quân cơ động, Dân quân thường trực theo chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Các bộ ngành, địa phương có doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài tiến hành rà soát lại lực lượng tự vệ, nghiên cứu xác định số lượng, quy mô tổ chức phù hợp với tính chất sản xuất kinh doanh của từng loại hình. Những nơi còn vướng mắc do cơ chế chính sách hoặc quy định chưa phù hợp.... cần lập kế hoạch phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương, khảo sát, nghiên cứu phương án đề xuất, kiến nghị với cơ quan có liên quan để tổ chức xây dựng lực lượng tự vệ.

Thực hiện huấn luyện dân quân tự vệ theo phương châm "cơ bản, thiết thực và chất lượng” sát với thực tế; thực hành huấn luyện theo đúng chương trình quy định cho từng đối tượng. Chú trọng huấn luyện cho cán bộ lực lượng dân quân tự vệ thường trực, cơ động, lực lượng binh chủng phù hợp với tổ chức, trang bị và sở trường cách đánh của DQTV. Chỉ đạo triển khai huấn luyện diễn tập theo phương án, diễn tập phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai và các sự cố khác. Duy trì tuần tra canh gác, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của dân quân tự vệ và thường xuyên phối hợp với lực lượng khác góp phần bảo vệ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.

d) Mọi hoạt động phối hợp thực hiện nhiệm vụ QP - AN, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự chỉ đạo của cấp trên trực tiếp, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Bảo đảm đoàn kết, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ. Bảo đảm chỉ huy, chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của từng lực lượng dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, đối tượng, trang bị, phương thức và nội dung hoạt động của từng lực lượng theo Quyết định số l07/2003/QĐ-TTg ngày 02/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới và các văn bản hướng dẫn kèm theo; Quyết định số 56/QĐ-BQP ngày 17/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc ban hành Quy chế hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ.

5. Phát huy vai trò của các lực lượng, tạo thành sức mạnh tổng hợp đối với công tác quốc phòng, an ninh ở cơ sở.

a) Chính quyền các cấp cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện về tổ chức, giải quyết các mối quan hệ để tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước theo phân cấp. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với lực lượng công an, quân sự tuyên truyền, vận động giải thích cho nhân dân hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác QP – AN, nhất là hiểu rõ các quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo, không để bị kích động, bình tĩnh giải quyết các mâu thuẫn, sự việc trong khuôn khổ của pháp luật.

b) Cần có nhiều biện pháp tích cực để phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng, sử dụng các phương tiện thông tin hiện có ở địa phương, bằng nhiều biện pháp, hình thức lồng ghép phù hợp với từng cơ sở để tổ chức tuyên truyền, quán triệt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ QP - AN tới nhân dân, tổ chức tuyên truyền Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh Dân quân tự vệ, Pháp lệnh Dự bị động viên... để mọi người dân cùng nắm và hiểu được, đồng thời vạch rõ âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch và bọn phản động quốc tế đối với cách mạng Việt Nam để mỗi người dân là một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, làm thất bại chiến lược "Diễn biến hòa binh", bạo loạn lật đổ của kẻ thù. Bám sát cơ sở, dựa vào quần chúng nhân dân để nắm tình hình, phân tích đánh giá tình hình đúng, từ đó có biện pháp đề phòng, ngăn ngừa sớm những vấn đề về khiếu kiện, vấn đề về QP-AN khi mới manh nha, từ đó có biện pháp chỉ đạo phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng để giải quyết kịp thời, thấu đáo ngay từ cơ sở không để lây lan hoặc kéo dài.

c) Chỉ đạo, rút kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả các tổ, đội công tác được thành lập theo Quyết định số 123/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để phối hợp tốt với các ban, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan, làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở vững mạnh về chính trị, xây dựng "thế trận lòng dân" thực sự vững chắc, làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

6. Bảo đảm ngân sách cho công tác quốc phòng, an ninh ở cơ sở.

a) Hàng năm căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ, yêu cầu huấn luyện, hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương, các ban, ngành, cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan tài chính lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác QP - AN báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc lập, chấp hành, quyết toán ngân sách thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước; Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07/01/2004 của Chính phủ Quy định về quản lý sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực QP-AN và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

b) Việc lập quỹ QP - AN ở địa phương phải căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; việc quản lý sử dụng quỹ QP - AN theo quy định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cơ quan quân sự các cấp chủ trì phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp chỉ đạo, động viên các đoàn thể nhân dân, các tổ chức kinh tế, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng quỹ QP - AN với hình thức thích hợp, đồng thời quản lý chặt chẽ, chi tiêu đúng mục đích, đúng nguyên tắc tài chính, đạt hiệu quả thiết thực, chống tham ô, lãng phí.

c) Các bộ, ngành, cơ quan đơn vị, địa phương, cơ sở chỉ đạo cơ quan tài chính lập dự toán kinh phí chi cho công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện Chỉ thị 36/2005/CT-TTg ngày 17/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ vào ngân sách chi thường xuyên hàng năm của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và địa phương.

7. Công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết.

a) Hàng năm và từng thời kỳ, các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở phải định kỳ, hoặc đột xuất kiểm tra, thanh tra việc quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 36/2005/CT-TTg ngày 17/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ qua đó phát hiện những vấn đề yếu kém hoặc những biểu hiện vi phạm, những vấn đề vướng mắc trong tổ chức thực hiện để báo cáo, giải quyết kịp thời.

b) Thanh tra Bộ quốc phòng phối hợp chặt chẽ với thanh tra các bộ, ngành và các tỉnh hàng năm có kế hoạch tổ chức thanh tra kết quả quán triệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ở các bộ, ngành, địa phương cơ sở.

c) Hàng năm và từng thời kỳ các bộ ngành, địa phương, cơ sở phải tiến hành tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở và cá nhân thực hiện tốt Chỉ thị số 36/2005/CT-TTg ngày 17/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2009 các địa phương tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm để cuối năm 2009 Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ tổ chức sơ kết trong phạm vi toàn quốc.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các Tổng cục, các cơ quan đơn vị có liên quan thuộc Bộ Quốc phòng, Tư lệnh các quân khu, quân chủng, binh chủng và cơ quan quân sự địa phương các cấp chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc, phản ánh kịp thời về cơ quan thường trực của Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng ở bộ, ngành và địa phương (Cục Dân quân tự vệ - Bộ Tổng Tham mưu).

BỘ TRƯỞNG




Phạm Văn Trà

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 102/2006/TT-BQP hướng dẫn Chỉ thị 36/2005/CT-TTg về tiếp tục chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới do Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 102/2006/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/05/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Phạm Văn Trà
  • Ngày công báo: 12/06/2006
  • Số công báo: Từ số 11 đến số 12
  • Ngày hiệu lực: 27/06/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản