Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 56/2005/QĐ-BQP

Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996 đã được sửa đổi bổ sung một số điều ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Pháp lệnh Dân quân tự vệ ngày 29 tháng 4 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ;

Căn cứ Nghị định số 30/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 1 năm 2004 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Quyết định số 107/2003/QĐ-TTg ngày 2 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới;

Xét đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành "Quy chế hoạt động của lực lượng Dân quân tự vệ".

Điều 2: Quyết  định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 3491/2001/QĐ-BQP ngày 26/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc ban hành quy định về hoạt động của lực lượng Dân quân tự vệ; Quyết định số 44/2004/QĐ-BQP ngày 9/01/2001 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc ban hành "Quy định về hoạt động của lực lượng Dân quân tự vệ hoạt động trên biển".

Điều 3: Bộ Tổng tham mưu trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này; chỉ đạo Cục Dân quân tự vệ chủ trì phối hợp với các cơ quan giúp bộ triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế này.

Điều 4: Các tổng cục, Quân khu, Quân binh chủng, cơ quan quân sự địa phương có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền tổ chức thực hiện và báo cáo theo quy định.

Điều 5: Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm các Tổng cục, Tư lệnh các Quân khu, Quân chủng, binh chủng, Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Chỉ huy các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG




Phùng Quang Thanh

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯƠNG DÂN QUÂN TỰ VỆ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 56/2005/QĐ-BQP ngày 17 tháng 5 năm 2005 của Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định về cơ chế lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, chế độ sinh hoạt, điều kiện, nội dung hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ và mối quan hệ giữa dân quân tự vệ với các lực lượng khác trên địa bàn hoạt động.

2. Hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ khi chuyển sang thời chiến thực hiện theo quy định riêng.

Điều 2. Cơ chế lãnh đạo, quản lý, chỉ huy trong hoạt động

(Thực hiện theo Điều 19 Pháp lệnh Dân quân tự vệ)

Điều 3. Nội dung nhiệm vụ, hoạt động

1. Nắm tình hình, thông báo, báo cáo tình hình

2. Thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu

3. Bảo vệ an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội

4. Hoạt động chống xâm nhập, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, đường không, đường biển và biên giới trên bộ.

5. Hoạt động chống vượt biên, vượt biển trái phép.

6. Tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, môi trường, dịch bệnh và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

7. Tham gia hoạt động phòng chống tội phạm, chống khủng bố, bắt cóc con tin.

8. Tham gia vận động quần chúng ở cơ sở.

Điều 4. Điều kiện hoạt động

1. Hoạt động của dân quân tự vệ phải xây dựng thành kế hoạch, được cấp ủy, chính quyền cùng cấp thông qua, cơ quan quân sự cấp trên trực tiếp phê chuẩn, trường hợp đột xuất, khẩn cấp được cấp có thẩm quyền điều động.

2. Phải được giáo dục chính trị, pháp luật, đã qua huấn luyện quân sự theo quy định của Pháp lệnh Dân quân tự vệ.

3. Được trang bị vũ khí (kèm theo giấy phép sử dụng), công cụ hỗ trợ theo quyết định của cơ quan quân sự cấp trên, khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 7 Điều 3 quy chế này.

4. Khi dân quân tự vệ làm nhiệm vụ quy định tại Điều 3 Quy chế này phải có:

a. Chứng minh thư nhân dân

b. Giấy chứng nhận dân quân tự vệ

c. Biển tên của dân quân tự vệ

d. Giấy ủy nhiệm của tổ trưởng, đội trưởng tuần tra, bảo vệ; (để sử dụng trong tuần tra bảo vệ).

e. Băng tuần tra - bảo vệ (để sử dụng trong tuần tra bảo vệ)

f. Trang phục và sử dụng trang phục thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

5. Hoạt động trong các trường hợp đặc biệt như: phòng, chống bão, lũ, tìm kiếm cứu nạn; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường; theo dõi nắm tình hình, cải trang trinh sát do người chỉ huy có thẩm quyền quy định.

Điều 5. Biển tên, băng tuần tra bảo vệ, giấy ủy nhiệm tuần tra bảo vệ

1. Biển tên của dân quân tự vệ đeo ở ngực bên trái (phụ lục số 1).

2. Băng tuần tra, bảo vệ dân quân tự vệ tuần tra, bảo vệ ở cánh tay trên, bên trái (phụ lục số 2).

3. Giấy ủy nhiệm tuần tra, bảo vệ

a. Tổ, đội tuần tra, bảo vệ dân quân tự vệ khi hoạt động phải có giấy ủy nhiệm tuần tra, bảo vệ do huyện đội quản lý và cấp cho tổ trưởng, đội trưởng dân quân tự vệ làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ.

b. Tổ trưởng, đội trưởng sử dụng giấy ủy nhiệm tuần tra, bảo vệ khi làm nhiệm vụ dùng hết thời hạn phải trả, mất phải báo cáo, làm xong nhiệm vụ mà không được giao nhiệm vụ tiếp theo phải trả lại ngay cho cơ quan cấp giấy.

c. Đối với cơ quan cấp giấy, phải thu hồi lại ngay khi hết hạn, hoặc khi người được cấp giấy thôi làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ (phụ lục số 3).

Điều 6. Chế độ, nội dung sinh hoạt

1. Chế độ sinh hoạt

a. Lực lượng dân quân cơ động, cấp tiểu đội, trung đội, mỗi tháng sinh hoạt 1 lần, cấp đại đội trở lên mỗi quý 1lần

b. Lực lượng dân quân tự vệ thường trực cấp tiểu đội mỗi tuần sinh hoạt 1 lần, cấp trung đội trở lên mỗi tháng ít nhất sinh hoạt 2 lần

c. Lực lượng dân quân tại chỗ: các tổ, tiểu đội, trung đội ở từng thôn, bản, khu phố ít nhất mỗi tháng sinh hoạt 1 lần

d. Lực lượng dân quân tự vệ toàn cơ sở tập trung sinh hoạt 2 lần trong 1 năm

e. Lực lượng dân quân tự vệ biển

- Khi không hoạt động trên biển sinh hoạt như lực lượng dân quân tự vệ cơ động trên bờ;

- Khi hoạt động trên biển dân quân tự vệ ở các tầu thuyền lẻ sinh hoạt 2 lần/tuần, cấp trung đội sinh hoạt ít nhất mỗi tháng 2 lần, cấp hải đội mỗi tháng 1 lần, cấp hải đoàn mỗi quý 1 lần.

- Các xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức căn cứ vào tình hình cụ thể của mình để điều chỉnh thời gian, số lần sinh hoạt của các đối tượng dân quân tự vệ cho phù hợp nhưng không ít hơn quy định trên, việc tổ chức sinh hoạt đột xuất do người chỉ huy phân đội dân quân tự vệ xác định.

2. Nội dung sinh hoạt

a. Quán triệt nghị quyết lãnh đạo của cấp Uỷ đảng; kế hoạch của chính quyền, Chỉ thị, mệnh lệnh của cơ quan quân sự cấp trên liên quan đến nhiệm vụ của Dân quân tự vệ.

b. Kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ giữa 2 lần sinh hoạt, triển khai kế hạch thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

c. Thông báo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tình hình thời sự trong nước và thế giới có liên quan đến nhiệm vụ hoạt động sẵn sàng chiến đấu.

d. Nội dung các buổi sinh hoạt đột xuất do cấp triệu tập sinh hoạt xác định hoặc do cấp trên quy định.

Điều 7. Trách nhiệm của xã đội, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức và chỉ huy phân đội.

1. Xã đội và ban chỉ huy quân sự cơ quan tổ chức và chỉ huy phân đội phải thường xuyên quản lý nắm chắc số lượng, chất lượng, tổ chức, biên chế, trang bị, nhiệm vụ, kế hoạch và tình hình hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền.

2. Tổ chức, chỉ huy quản lý lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền thực hiện và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

3. Chủ trì hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị, lực lượng có liên quan đến nhiệm vụ hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền.

4. Chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền cùng cấp và cơ quan quân sự cấp trên những yêu cầu cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng thuộc quyền.

5. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở và kiểm tra lực lượng thuộc quyền chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, các quy định của Bộ Quốc phòng và của địa phương, đơn vị.

Điều 8. Yêu cầu đối với cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ khi hoạt động

1. Nắm vững chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và những nội dung pháp luật của Nhà nước có liên quan đến hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ.

2. Thường xuyên nắm chắc tình hình, báo cáo với người chỉ huy trực tiếp và thông báo cho các lực lượng khác theo quy định. Trường hợp khẩn cấp phải báo cáo vượt cấp theo yêu cầu của cấp trên.

3. Chủ động độc lập hoặc phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng khác để nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ

4. Khắc phục khó khăn, dũng cảm, năng động, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.

5. Khi nhận được lệnh của người chỉ huy có thẩm quyền, lực lượng dân quân tự vệ phải:

a. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh, đến khu vực làm nhiệm vụ đúng thời gian quy định

b. Tiếp nhận trang bị (nếu có) và quán triệt kỹ tình hình nhiệm vụ

c. Thực hiện nhiệm vụ được phân công và chịu sự quản lý, chỉ huy của cấp có thẩm quyền.

d. Khi bắt giữ người, phương tiện vi phạm phải tiến hành lập biên bản, lấy lời khai ban đầu, sau đó bàn giao cho cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.

Điều 9. Phạm vi hoạt động và quyền hạn của lực lượng dân quân tự vệ biển

1. Khi hoạt động tại vùng nội thủy, lãnh hải Việt Nam:

a. Lực lượng dân quân tự vệ được độc lập hoặc phối hợp với các lực lượng khác phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng đang có hành động cướp phá tàu, thuyền, ngư cụ, phá hoại môi trường biển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm gây mất trật tự an ninh trên biển.

b. Lực lượng dân quân tự vệ được hiệp đồng với các lực lượng khác để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ vùng biển của Tổ quốc.

2. Khi hoạt động tại vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa Việt Nam;

a. Lực lượng dân quân tự vệ phải quan sát phát hiện và thông báo, báo cáo kịp thời cho người chỉ huy trực tiếp các lực lượng và cơ quan chức năng liên quan về hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa Việt Nam

b. Lực lượng dân quân tự vệ được tham gia cản phá, xua đuổi các phương tiện xâm phạm, thăm dò, khai thác trái phép tài nguyên trên vùng biển Việt Nam cùng với các lực lượng chuyên môn khác.

Điều 10. Tiếp nhận, quản lý vũ khí, vật liệu nổ

1. Tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ do tổ chức, cá nhân giao nộp:

a. Trong quá trình hoạt động, lực lượng dân quân tự vệ có trách nhiệm tiếp nhận các loại vũ khí, vật liệu nổ do các tổ chức, cá nhân giao nộp.

b. Mọi trường hợp tiếp nhận đều phải lập biên bản, ghi rõ địa chỉ người hoặc cơ quan, tổ chức giao nộp, lý do, nguồn gốc và ghi đầy đủ số lượng, trọng lượng, chất lượng, chủng loại, ký hiệu (nếu là vật liệu nổ quân dụng), lập sổ sách theo dõi, đăng ký, quản lý chặt chẽ và báo cáo lên trên.

c. Trường hợp vũ khí có số lượng, trọng lượng lớn không thể đưa đến nộp được, phải cử người canh gác đồng thời báo cáo lên cơ quan quân sự cấp trên để có biện pháp xử lý.

d. Xã đội, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ do tổ chức, cá nhân giao nộp, sau đó phải báo cáo và giao nộp lên huyện đội.

2. Quản lý vũ khí, vật liệu nổ

a. Vũ khí trang bị cho xã phải quản lý tập trung ở tủ súng bằng sắt, để ở nơi làm việc của xã đội, tủ súng phải có khóa do xã đội trưởng giữ 01chìa, xã đội phó giữ 01 chìa, trường hợp một trong hai người đi vắng thì bàn giao chìa khóa cho đồng chí trung đội trưởng dân quân cơ động.

b. Vũ khí trang bị cho cơ quan, tổ chức phải quản lý trong tủ bằng sắt có khóa tại trụ sở cơ quan, tổ chức, chìa khóa tủ súng do 2 người giữ theo chỉ định của Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức.

c. Huyện đội quản lý toàn bộ vũ khí quân dụng của dân quân tự vệ thuộc quyền. Trực tiếp quản lý vũ khí, trang bị của lực lượng dân quân tự vệ cơ động, lực lượng DQTV binh chủng trực thuộc huyện đội và vũ khí niêm cất tại kho của huyện đội dùng để trang bị cho DQTV ở các tình huống và trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

d. Tỉnh đội quản lý vũ khí quân dụng trang bị cho DQTV trong phạm vi tỉnh. Trực tiếp quản lý vũ khí quân dụng, trang bị của lực lượng DQTV trực thuộc tỉnh đội và vũ khí niêm cất tại kho tỉnh đội để trang bị cho DQTV ở các tình huống và trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

e. Vũ khí quân dụng của lực lượng dân quân thường trực trang bị tới từng cá nhân, có tủ súng để vũ khí. Người chỉ huy phân đội dân quân thường trực chịu trách nhiệm quản lý, trực tiếp giữ chìa khóa tủ súng.

f. Các loại vũ khí trang bị ở các trận địa phải có người canh gác, bảo quản phải bảo đảm tuyệt đối an toàn.

g. Vũ khí trang bị cho DQTV biển hoạt động dài ngày trên biển, người chỉ huy phân đội trực tiếp quản lý để ở nơi thuận tiện, an toàn, chỉ trang bị cho cá nhân khi có tình huống xảy ra.

Điều 11. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ

1. Trong khi làm nhiệm vụ quy định tại Khoản 2, Điều 7 Pháp lệnh Dân quân tự vệ, dân quân tự vệ khi nổ súng phải tuân thủ theo nguyên tắc sau:

a. Có lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh các Quân khu và tương đương hoặc người chỉ huy các cấp khi được ủy quyền.

b. Thực hiện quyền tự vệ chính đáng theo quy định của pháp luật

c. Khi đang thực hiện nhiệm vụ: Sau khi đã áp dụng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, giải thích, răn đe, sử dụng công cụ hỗ trợ, ngăn chặn nhưng đối tượng vẫn không tuân lệnh hoặc trong trường hợp cấp bách không có biện pháp nào khác để ngăn chặn đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng.

d. Khi làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu, tuần tra bảo vệ biên giới, biển, đảo phát hiện được địch (cả mặt đất, trên không).

e. Việc nổ súng ghi ở điểm b, c của điều này phải thực hiện theo ba bước: Bắn cảnh cáo, bắn bị thương, bắn tiêu diệt.

2. Khi huấn luyện:

a. Tận dụng vũ khí chất lượng thấp để huấn luyện thường xuyên;

b. Chỉ được sử dụng vũ khí sẵn sàng chiến đấu, vật liệu nổ, lựu đạn để huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao theo quyết định của người chỉ huy có thẩm quyền.

c. Quá trình hoạt động nếu phải sử dụng đến vật liệu nổ, nhất thiết phải có cán bộ chuyên môn và chỉ thực hiện khi có lệnh của người chỉ huy có thẩm quyền.

Chương 2:

HOẠT ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ

Điều 12. Hoạt động nắm tình hình, thông báo, báo cáo tình hình

1. Xã hội, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức phải trực tiếp nắm tình hình, tổ chức sử dụng lực lượng dân quân tự vệ nắm tình hình và tổng hợp tình hình kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền cùng cấp trên theo quy định.

2. Xã đội và ban chỉ huy quân sự cơ quan tổ chức phải quy định phạm vi, nội dung, tổ chức, phương pháp hoạt động và chế độ báo cáo của lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền.

3. Khi có tình hình đột xuất được báo cáo vượt cấp lên người chỉ huy cấp trên kịp thời chính xác, sau đó báo cáo với người chỉ huy trực tiếp.

4. Khi cần thiết cơ quan quân sự cấp trên trực tiếp kiểm tra nắm tình hình đối với xã đội, ban chỉ huy quân sự, cơ quan, tổ chức hoặc yêu cầu xã đội, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức báo cáo tình hình an ninh, trật tự và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ ở cơ sở.

5. Xã đội, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thường xuyên, đột xuất thông báo tình hình có liên quan đến hoạt động của dân quân tự vệ cho các lực lượng thuộc quyền.

6. Dân quân tự vệ trong quá trình sản xuất, công tác phát hiện tình hình có liên quan đến an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội phải báo cáo ngay với người chỉ huy hoặc cơ quan quân sự gần nhất.

Điều 13. Hoạt động làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu

1. Xã đội, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức phải duy trì lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu để xử trí các tình huống ở địa phương, cơ sở và khi có lệnh.

2. Lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu của dân quân tự vệ gồm:

a. Trực chỉ huy:

Cán bộ xã đội, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức (trừ chính trị viên) cán bộ cấp trưởng hoặc phó phân đội dân quân tự vệ cơ động, thường trực.

b. Trực chiến:

- Toàn bộ hoặc một phần lực lượng của phân đội dân quân cơ động đảm nhiệm.

- Các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) trên địa bàn trọng điểm nội địa, biên giới, đảo: Duy trì 01 tiểu đội thường trực sẵn sàng chiến đấu. Do yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và có điều kiện thì tổ chức đến tiểu đội hoặc trung đội dân quân thường trực đồng thời chỉ định 1 tiểu đội hoặc trung đội sẵn sàng tập trung khi cần thiết.

- Các cơ sở còn lại: Duy trình một tổ đến một tiểu đội vừa sản xuất vừa công tác vừa trực sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn.

3. Nhiệm vụ của lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu:

a. Kíp trực chỉ huy, trực sẵn sàng chiến đấu phải nắm chắc tình hình an ninh trật tự trên địa bàn và những vấn đề liên quan đến hoạt động của dân quân tự vệ để sẵn sàng triển khai làm nhiệm vụ được ngay khi có lệnh.

b. Lực lượng sẵn sàng chiến đấu phải phối hợp với các lực lượng khác, tuần tra bảo vệ các mục tiêu được phân công ở cơ sở, sẵn sàng đánh các mục tiêu bay thấp trên không, bảo vệ đường biển, biên giới, giữ vững ổn định an ninh chính trị ở cơ sở, xử lý kịp thời các tình huống và cơ động lực lượng làm nhiệm vụ khi có lệnh của cấp trên.

4. Căn cứ vào địa hình, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tổ chức lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền để tổ chức hệ thống, phương tiện và phương pháp thông báo, báo động truyền lệnh xuống các phân đội và từng cán bộ, chiến sĩ một cách nhanh chóng, chính xác và bí mật.

Điều 14. Hoạt động bảo vệ an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội

1. Tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn các khu vực, mục tiêu được phân công.

2. Phát hiện, ngăn chặn, tham gia bắt giữ đối tượng vi phạm pháp luật bảo vệ tài sản Nhà nước, tập thể, tính mạng và tài sản công dân.

3. Phát hiện, báo cáo lên cấp trên kịp thời ngăn ngừa và tham gia xử lý các hoạt động gây mất ổn định ở cơ sở và trên biển.

4. Dân quân tự vệ khi hoạt động trên vùng biển của địa phương khác phải:

a. Xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận dân quân tự vệ, giấy phép sử dụng vũ khí (nếu có) với đồn biên phòng hoặc cơ quan quân sự sở tại.

b. Sẵn sàng phối hợp thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan quân sự địa phương sở tại, chịu sự quản lý và phân công của cơ quan quân sự có thẩm quyền sở tại;

5. Nội dung, phương pháp, nhiệm vụ, mối quan hệ trong hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ cơ động, dân quân tự vệ tại chỗ, dân quân thường trực do Bộ Tổng tham mưu hướng dẫn.

Điều 15. Hoạt động trong phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch họa, tìm kiếm cứu nạn.

1. Dân quân tự vệ là thành phần nòng cốt trong lực lượng phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai dịch họa và tìm kiếm cứu nạn ở cơ sở. Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ phải chấp hành nghiêm lệnh của người chỉ huy khi làm nhiệm vụ.

2. Nội dung hoạt động trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai gồm:

a. Truyền các thông báo, chỉ thị từ ban chỉ huy phòng chống thiên tai ở cơ sở xuống từng phân đội dân quân tự vệ.

b. Duy trì chế độ thường trực, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ theo sự điều hành của Chủ tịch UBND và chỉ huy của cơ quan quân sự các cấp.

c. Tổ chức lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả, xử lý sự cố theo lệnh của trên.

d. Phối hợp với công an bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Điều 16. Hoạt động vận động quần chúng

1. Yêu cầu:

a. Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ phải gương mẫu và vận động người thân trong gia đình, dòng họ, nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định ở cơ sở, đi đầu trong thực hiện các phong trào ở địa phương, tích cực tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện.

b. Dân quân tự vệ phải tích cực học tập, nâng cao trình độ kiến thức về quốc phòng, an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội, pháp luật, các phong tục tập quán của nhân dân để làm tốt công tác vận động quần chúng.

2. Nội dung, phương thức hoạt động:

a. Theo kế hoạch của xã đội, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức dân quân tự vệ tham gia các tổ, đội công tác, phối hợp cùng với các đoàn thể hoặc tổ chức độc lập để vận động nhân dân tại những địa bàn có dấu hiệu hoặc diễn biến phức tạp về an ninh trật tự hoặc mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ để góp phần ổn định tình hình.

b. Kết hợp với thực hiện nhiệm vụ huấn luyện hàng năm để làm công tác vận động quần chúng.

c. Tham gia hoặc trực tiếp xây dựng các công trình phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Chương 3:

HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ TRONG TRƯỜNG HỢP AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Điều 17. Hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ trong trường hợp có tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân

1. Phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể, công an tuyên truyền, vận động giải thích cho nhân dân hiểu rõ quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo không để bị kích động, bình tĩnh giải quyết các mâu thuẫn trong khuôn khổ của pháp luật.

2. Phối hợp cùng công an tăng cường tuần tra canh gác bảo vệ các mục tiêu được phân công, phát hiện ngăn chặn phần tử lợi dụng phá hoại, kích động quần chúng gây rối làm mất trật tự công cộng gây ảnh hưởng đến an ninh xã hội.

3. Tham gia phối hợp cùng công an sử dụng các phương tiện chốt chặn các đầu mối giao thông, ngăn chặn không cho lực lượng gây rối từ nơi khác tụ tập về nơi xảy ra tranh chấp khiếu kiện và ngăn chặn lực lượng gây rối kéo đi nơi khác.

Điều 18. Hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ trong trường hợp phần tử quá khích có hành vi vi phạm pháp luật gây rối trật tự công cộng, bao vây đập phá trụ sở Đảng, Chính quyền, khống chế cán bộ.

1. Chỉ huy quân sự tham gia cùng chỉ huy Công an cơ sở tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phương án xử lý và giao nhiệm vụ cho các lực lượng thuộc quyền triển khai thực hiện nhiệm vụ.

2. Dân quân tự vệ hỗ trợ công an phát hiện và bắt giữ bọn cầm đầu, quá khích, những tên trực tiếp gây rỗi phá hoại, giải thoát con tin bị bắt giữ nếu có.

3. Tăng cường bảo vệ các mục tiêu được phân công.

4. Phối hợp cùng công an và các lực lượng góp phần lập lại trật tự, tham gia tuyên truyền giải thích cho quần chúng nhận rõ hành vi vi phạm pháp luật của bọn gây rối, cô lập bọn cầm đầu, hỗ trợ cho các lực lượng làm nhiệm vụ, không để bọn gây rối kích động lôi kéo.

5. Khắc phục hậu quả sau tình huống.

Điều 19. Hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ trong trường hợp có bạo loạn về chính trị.

1. Chỉ huy quân sự phối hợp với chỉ huy công an tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có phương án xử lý và tổ chức lực lượng giải quyết.

2. Bảo vệ các mục tiêu quan trọng được phân công kiên quyết không để lực lượng bạo loạn đột nhập phá hoại, cùng công an và các lực lượng chốt chặn các đầu mối giao thông không cho các lực lượng biểu tình ở nơi khác kéo đến nơi xảy ra bạo loạn.

3. Phối hợp cùng công an, tổ chức lực lượng cải trang trinh sát vào đám biểu tình, điều tra, phát hiện và bắt giữ bọn chủ mưu cầm đầu.

4. Tham gia cùng các lực lượng vận động quần chúng giải tán biểu tình lập lại trật tự.

5. Tham gia cùng các lực lượng khôi phục lại các mục tiêu bị lực lượng bạo loạn chiếm giữ, kiên quyết không để bọn quá khích lợi dụng đột nhập phá hoại. Giải thoát con tin (nếu có).

6. Tham gia khắc phục hậu quả sau bạo loạn.

Điều 20. Hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ trong trường hợp cơ sở xảy ra bạo loạn chính trị kết hợp vũ trang.

1. Chỉ huy quân sự chủ trì tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp, phương án xử lý, kịp thời báo cáo cấp trên.

2. Theo lệnh của người chỉ huy có thẩm quyền, dân quân tự vệ bao vây, cô lập phân hóa bọn phản động, tách quần chúng ra khỏi sự khống chế của lực lượng bạo loạn, khống chế, bắt hoặc tiêu diệt bọn phản động có vũ trang,

3. Hỗ trợ cho các đoàn thể quần chúng đấu tranh vạch mặt bọn chủ mưu cầm đầu lực lượng bạo loạn.

4. Tổ chức lực lượng bảo vệ mục tiêu quan trọng, chốt chặt các trục, nút giao thông, ngăn chặn việc cơ động của lực lượng bạo loạn.

5. Tổ chức đánh chiếm lại mục tiêu bị lực lượng bạo loạn vũ trang chiếm giữ.

6. Chuẩn bị lực lượng sẵn sàng cơ động giải quyết tình huống tiếp theo.

7. Tham gia khắc phục hậu quả sau bạo loạn.

Điều 21. Hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ trong trường hợp xảy ra khủng bố, bắt con tin

1. Theo lệnh của người chỉ huy có thẩm quyền lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với công an và các lực lượng chuyên ngành, bao vây, phong tỏa khu vực xảy ra khủng bố, phát hiện, truy lùng lực lượng khủng bố, tổ chức cứu sập, cứu thương, chữa cháy, sơ tán tài sản, nhân dân ra khỏi khu vực mất an toàn.

2. Tham gia bảo vệ các mục tiêu quan trọng, chốt chặn các trục, nút giao thông xung yếu.

3. Tham gia thuyết phục, kêu gọi bọn khủng bố bắt cóc con tin đầu hàng.

4. Hỗ trợ công an và lực lượng chuyên ngành giải cứu con tin theo đề nghị của công an và điều động của chính quyền.

5. Cùng công an giải tán đám đông, lập lại trật tự, tham gia truy tìm thủ phạm

6. Tham gia giải quyết hậu quả, tháo gỡ bom, mìn, làm vệ sinh môi trường.

Điều 22. Hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ trong chống xâm nhập đường biển, biên giới và xảy ra tranh chấp, xung đột biên giới.

1. Trong kế hoạch chiến đấu trị an, các cơ sở có đường biên giới bộ, biển, đảo, xã đội  phải có phương án chống xâm nhập qua biên giới hoặc từ biển đảo vào.

2. Cơ quan quân sự cấp huyện làm tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương, hiệp đồng với các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đấu tranh chống xâm nhập tuyến biên giới, biển đảo.

3. Theo lệnh của người chỉ huy có thẩm quyền dân quân tự vệ phối hợp với bộ đội biên phòng, bộ đội thường trực đấu tranh chống bảo vệ chủ quyền biên giới.

4. Phối hợp với công an bảo vệ các mục tiêu, giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn.

5. Phối hợp với bộ đội biên phòng và công an rà soát, kịp thời phát hiện ngăn chặn, tiêu diệt bọn phản động, các toán vũ trang, biệt kích, thám báo xâm nhập nội địa ta.

6. Khi các nước láng giềng có đột biến về an ninh chính trị thì lực lượng dân quân tự vệ phải theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời báo cáo cấp trên để có đối sách cụ thể.

7. Về cơ chế lãnh đạo, chỉ huy khi xảy ra xung đột biên giới; Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, chỉ huy trực tiếp của cơ quan quân sự cấp trên.

Điều 23. Hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ trong chống xâm nhập đường không

1. Căn cứ kế hoạch của cơ quan quân sự cấp trên, các xã phường thị trấn, cơ quan tổ chức phải tổ chức lực lượng dân quân tự vệ sẵn sàng đối phó với các hoạt động xâm nhập đường không của địch. Lực lượng này gồm:

a. Lực lượng quan sát thông báo, báo động bằng mắt thường, khí tài.

b. Các tổ bắn mục tiêu bay thấp bằng súng bộ binh, các phân đội súng máy phòng không, pháo phòng không.

2. Để chống xâm nhập đường không có hiệu quả phải:

a. Xã đội, ban chỉ huy quân sự ở cơ quan, tổ chức phải có kế hoạch đánh địch đột nhập, kế hoạch cấp phát vũ khí, chuẩn bị trước đường cơ động, trận địa để khi có lệnh của trên, triển khai chiến đấu trong thời gian nhanh nhất.

b. Khi phát hiện mục tiêu phải kịp thời báo động cho lực lượng của mình, báo cáo cấp trên đồng thời thông báo cho các lực lượng có liên quan và tổ chức đánh trả khi có lệnh.

c. Phải chấp hành nghiêm điều kiện được nổ súng, loại mục tiêu được phép tiêu diệt theo quy định của cấp trên.

Điều 24. Hoạt động của dân quân tự vệ trong chống vượt biên, vượt biển trái phép

1. Chống vượt biên trái phép:

a. Đối với các xã có lực lượng dân quân thường trực, tổ chức lực lượng dân quân thường trực phối hợp với lực lượng biên phòng và các lực lượng khác tuần tra, bảo vệ biên giới phát hiện, ngăn chặn các tổ chức móc nối, kịp thời bắt giữ các đối tượng vượt biên giới trái phép giao cho chính quyền địa phương sở tại hoặc đồn biên phòng gần nhất xử lý.

b. Đối với lực lượng dân quân tự vệ của các xã trên tuyến biên giới phải làm tốt công tác vận động quần chúng, tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn kẻ xấu tuyên truyền kích động, lôi kéo người vượt biên, bắt giữ các đối tượng vượt biên trái phép đi qua địa bàn giao cho chính quyền địa phương xử lý.

2. Chống vượt biển trái phép:

a. Xã đội trưởng, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức tuyến ven biển tổ chức lực lượng dân quân tự vệ, phối hợp với các lực lượng, hoạt động nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có hành động mua sắm phương tiện, chuẩn bị vật chất hoặc có ý định cướp tàu thuyền, phương tiện để phục vụ cho âm mưu vượt biển.

b. Lực lượng dân quân tự vệ hoạt động trên biển phải phối hợp chặt chẽ với bộ đội Hải quan, bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ người, phương tiện vượt biên trái phép, bàn giao cho cấp có thẩm quyền giải quyết.

Chương 4:

QUAN HỆ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ

Điều 25. Quan hệ với lực lượng công an

1. Nguyên tắc phối hợp:

a. Phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo: Mọi hoạt động phối hợp của dân quân tự vệ với công an cơ sở, bảo vệ cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự đều phải đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, sự chỉ đạo của chỉ huy quân sự và công an cấp trên.

b. Về chỉ huy:

- Trường hợp hoạt động độc lập do người chỉ huy trực tiếp của lực lượng hoạt động chỉ huy.

- Trường hợp phối hợp hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội thường xuyên: Do công an chỉ huy.

- Trường hợp phối hợp hoạt động có vũ trang: Do quân sự chỉ huy.

- Trường hợp chỉ huy quân sự cơ sở điều động lực lượng dân quân tự vệ phối thuộc hoạt động với công an: Do công an thống nhất chỉ huy.

- Trường hợp công an cơ sở, bảo vệ điều động lực lượng phối thuộc với dân tự vệ: Do ban chỉ huy quân sự cấp xã thống nhất chỉ huy.

- Trường hợp lực lượng tự vệ hoạt động ngoài phạm vi quản lý của mình, phối hợp với dân quân hoạt động: Do chỉ huy quân sự huyện (quận) thống nhất chỉ huy hoặc chỉ định x•, phường đội trưởng chỉ huy.

c. Quá trình phối hợp hoạt động phải dựa vào dân, phát huy sức mạnh toàn dân, của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, trong đó lực lượng công an, bảo vệ và lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt.

d. Bảo đảm đoàn kết thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ, phát huy tính tích cực, chủ động, thận trọng và kiên quyết, bảo đảm sự điều hành, chỉ huy tập trung thống nhất của từng lực lượng, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng lực lượng theo quy định của pháp luật hiện hành, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân. Khi hoạt động phối hợp lực lượng dân quân tự vệ phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh của người chỉ huy chung.

2. Nội dung phối hợp:

a. Phối hợp nắm tình hình, trao đổi thông tin về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong địa bàn, tình hình của từng lực lượng có liên quan đến phối hợp hoạt động.

b. Phát hiện, thông báo hoặc bắt giữ các đối tượng phạm pháp quả tang giao cho công an.

c. Phối hợp tuần tra canh gác, bảo vệ các mục tiêu được phân công.

d. Phối hợp tổ chức các chốt chặn giao thông.

e. Hỗ trợ công an trong việc bắt, canh  giữ, dẫn giải tội phạm theo yêu cầu của chính quyền cơ sở.

f. Phát hiện, hỗ trợ công an bắt giữ bọn cầm đầu quá khích, giải tán đám đông trong các vụ gây rối. Vậy bắt, trấn áp, tiêu diệt bọn phản cách mạng khi có lệnh của cấp có thẩm quyền.

g. Phối hợp trong tổ chức huấn luyện, diễn tập chiến đấu trị an.

Điều 26. Quan hệ với lực lượng biên phòng

1. Cơ chế chỉ huy khi phối hợp hoạt động: Phối hợp trong tuần tra bảo vệ biên giới, biển đảo do biên phòng chỉ huy.

2. Nội dung phối hợp hoạt động:

a. Phối hợp với các lực lượng phát hiện bọn biệt kích, thám báo xâm nhập địa bàn những đối tượng vi phạm quy chế biên giới, biển đảo, vượt biên, vượt biển trái phép và các đối tượng phạm pháp khác lập biên bản bàn giao cho bộ đội biên phòng khai thác xử lý.

b. Thông báo cho bộ đội biên phòng tình hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, buôn bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng chất ma túy, buôn bán vận chuyển tiêu thụ hàng lậu qua biên giới, biển đảo.

c. Phối hợp với lực lượng biên phòng, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng thế trận phòng thủ trên địa bàn.

Điều 27. Quan hệ với đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn

1. Cơ chế phối hợp: Hiệp đồng hoạt động theo kế hoạch và chức năng nhiệm vụ.

2. Nội dung phối hợp:

a. Nắm tình hình quan hệ quân dân, thông báo trao đổi về tình hình an ninh trật tự của địa bàn, tham gia bảo vệ khu vực đóng quân của đơn vị quân đội.

b. Phát hiện và thông báo tình hình cho đơn vị đóng quân việc tàng trữ, vận chuyển và sử dụng vũ khí vật liệu nổ trái phép.

3. Sẵn sàng phối hợp với đơn vị quân đội thực hiện nhiệm vụ đột xuất hoặc bảo vệ an ninh trên địa bàn.

Điều 28. Quan hệ với lực lượng kiểm lâm và các lực lượng khác

1. Đối với lực lượng kiểm lâm:

a. Cơ chế phối hợp: phối hợp hoạt động theo kế hoạch hiệp đồng giữa 2 lực lượng.

b. Nội dung phối hợp: thông báo tình hình an ninh ở cơ sở, phát hiện, thông báo hoặc phối hợp với lực lượng kiểm lâm bắt giữ những đối tượng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ lâm, thổ sản trái pháp luật giao cho cơ quan chức năng giải quyết. Hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm làm nhiệm vụ bảo vệ phòng, chống cháy rừng hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quân sự cấp trên và chính quyền cơ sở.

2. Quan hệ với các lực lượng khác, phối hợp tổ chức các hoạt động theo kế hoạch chung của địa phương, đơn vị.

Điều 29. Quan hệ với bộ đội Hải quân khi hoạt động trên biển, đảo.

1. Cơ chế phối hợp: Hoạt động theo kế hoạch hiệp đồng giữa 2 lực lượng.

2. Nội dung phối hợp:

a. Trao đổi, thông báo tình hình an ninh, trật tự trên biển, đảo, đặc điểm hoạt động của người và các loại phương tiện hoạt động trên vùng biển địa phương.

b. Tham gia cùng bộ đội hải quan, biên phòng và các lực lượng khác xua đuổi tàu, thuyền xâm nhập trái phép.

c. Tham gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

d. Phối hợp tổ chức sơ kết việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng.

Điều 30. Quan hệ với lực lượng Cảnh sát biển khi hoạt động trên biển.

1. Cơ chế phối hợp: Hoạt động theo kế hoạch hiệp đồng giữa 2 lực lượng

2. Nội dung phối hợp:

a. Phối hợp với cảnh sát biển và các lực lượng liên quan khác để triển khai kế hoạch công tác, thường xuyên quản lý tình hình trên biển, sớm phát hiện, nhận biết về các vụ việc, sự cố xảy ra và xử lý theo thẩm quyền hoặc lập hồ sơ vi phạm, đồng thời báo cáo ngay lên chỉ huy cấp trên trực tiếp của mình.

b. Tuyên truyền vận động ngư dân và các lực lượng khác trên biển chấp hành đúng các quy định của pháp luật về biển.

c. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về biển trong vùng biển của ta quản lý thì xử lý theo thẩm quyền, hoặc thông báo ngay với cảnh sát biển và các lực lượng liên quan trong khu vực tạm thời bắt giữ người, phương tiện vi phạm, phạm pháp quả tang, sau đó bàn giao cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

 

PHỤ LỤC SỐ 1:

BIỂN TÊN

1. Có màu vàng nhạt, nền biển tên có hình phù hiệu Dân quân tự vệ in mờ, kích thước 5,5 cm x 9 cm

2. Biển chia làm 2 phần có vạch phân cách màu trắng, cách mép trên 1,5 cm.

3. Phần phía trên gồm hai hàng chữ: Hàng thứ nhất ghi tỉnh đội, thành đội (gọi chung là tỉnh đội), hàng thứ hai tên huyện đội, quận, thị đội, thành đội trực thuộc tỉnh (gọi chung là huyện đội). Cỡ chữ 12, kiểu chữ in hoa không có chân, nét mảnh.

4. Phần phía dưới gồm ba hàng chữ:

Hàng thứ nhất ghi họ và tên của người được cấp biển;

Hàng thứ hai ghi tên x•, phường, thị trấn, đơn vị tự vệ của người được cấp biển tên: cỡ chữ 14, in hoa, không có chân, nét đậm

Hàng thứ ba ghi nhóm số hiệu của người được cấp biển gồm 5 số quy định cho từng chiến sĩ Dân quân tự vệ do xã đội, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức quy định.

Dòng dưới cùng biển tên ghi thời hạn sử dụng, có dấu của cơ quan cấp biển, cỡ chữ 12, kiểu chữ thường, chữ đứng, nét mảnh.

5. Chữ và số ghi trên biển tên màu đen.

 

PHỤ LỤC SỐ 2:

BĂNG TUẦN TRA - BẢO VỆ

1. Nền băng màu đỏ, chu vi của băng 37,5 cm; Rộng 8,0 cm

2. Mép trên và dưới viền vàng rộng 0,5 cm

3. Trên nền băng in (thuê) chữ "DQTV -Tuần tra - bảo vệ" màu vàng thành hai dòng (Chiều cao của chữ 2,0 cm, chiều rộng nét chữ 0,3 cm. Chiều rộng mỗi chữ cái 1,1 cm, khoảng cách giữa hai dòng 1,0 cm, kiểu chữ in hoa không có chân, chữ đứng, nét đậm.

 

PHỤ LỤC SỐ 3:

GIẤY ỦY NHIỆM TUẦN TRA - BẢO VỆ

Mẫu giấy ủy nhiệm tuần tra, bảo vệ có kích thước (Chiều dài 12 cm, chiều rộng 9,0 cm), được in thành 2 mặt, nền trắng, chữ đen.

Mặt trước

TỈNH ĐỘI (TĐ)...
HUYỆN ĐỘI (TĐ)....
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...../QĐ-UN

Ngày.... tháng.... năm 200

 

UỶ NHIỆM

TUẦN TRA, BẢO VỆ

Uỷ nhiệm đồng chí:

Chức vụ:                                               Đơn vị:

Là tổ trưởng tổ tuần tra, bảo vệ của Dân quân tự vệ:

Trong khu vực:...

Tổ tuần tra, bảo vệ được quyền nhắc nhở, ngăn chặn, bắt, giữ người có hành vi vi phạm pháp luật và giữ các phương tiện của người vi phạm theo quy định của pháp luật. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện giúp đỡ tổ tuần tra, bảo vệ trong khi làm nhiệm vụ

 

Có giá trị đến

Ngày.... tháng... năm 200

HUYỆN ĐỘI TRƯỞNG

(Ký tên - đóng dấu)

 

 

 

Mặt sau

 

 

- Giấy này chỉ cấp cho các tổ trưởng, đội trưởng tuần tra, bảo vệ Dân quân tự vệ, khi sử dụng phải kèm theo giấy chứng minh nhân dân và giấy chứng nhận Dân quân tự vệ.

- Đúng hết thời hạn, khi làm xong nhiệm vụ hoặc thôi không làm nhiệm vụ phải trả lại cho cơ quan cấp giấy.

- Cơ quan cấp giấy phải thu hồi ngay khi hết hạn hoặc khi người được cấp giấy thôi không làm nhiệm vụ.

- Phải giữ gìn cẩn thận, không để rách, nhàu nát, không được cho mượn, nếu mất phải báo ngay cho cơ quan cấp giấy.

- Giấy ủy quyền này không thay thế giấy chứng minh thư nhân dân hoặc các giấy tờ tùy thân khác.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 56/2005/QĐ-BQP về quy chế hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 56/2005/QĐ-BQP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/05/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Phùng Quang Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản