Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 175-TT/PC

Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 1978

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ PHẠT VI CẢNH

Ngày 27 tháng 5 năm 1977 Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 143-CP(1) ban hành Điều lệ về phạt vi cảnh.

Điều 29 trong điều lệ của Hội đồng Chính phủ quy định các cán bộ của các ngành có thẩm quyền phạt hành chính trong đó có cán bộ ngành giao thông vận tải, trong khi thừa hành công vụ có quyền phạt vi cảnh đối với những vi phạm trực tiếp liên quan đến ngành mình (phạt cảnh cáo và phạt tiền).

Điều 3 trong Nghị định số 143-CP ban hành điều lệ về phạt vi cảnh, Hội đồng Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ hướng dẫn việc thi hành bản điều lệ theo chức năng và quyền hạn của Bộ.

Căn cứ vào Nghị định và điều lệ của Hội đồng Chính phủ, Bộ hướng dẫn các cấp trong ngành giao thông vận tải thi hành điều lệ về phạt vi cảnh như sau.

I. NHỮNG HÀNH VI PHẠM PHÁP VI CẢNH MÀ CÁN BỘ CÓ THẨM QUYỀN CỦA NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỢC QUYỀN PHẠT VI CẢNH

Trong chương II của điều lệ phạt vi cảnh đã quy định cụ thể những hành vi phạm pháp vi cảnh và được sắp xếp thành 15 loại vi phạm (từ điều 11 đến điều 25). Trong 15 loại vi phạm này có loại vi phạm liên quan trực tiếp đến ngành giao thông vận tải, đồng thời cũng có những vi phạm thuộc quyền xử phạt vi cảnh của các ngành khác.

Dưới đây Bộ chỉ đề cập đến những vi phạm có liên quan trực tiếp đến ngành giao thông vận tải mà những cán bộ có thẩm quyền của ngành được chỉ định trong Thông tư này khi thừa hành công vụ được quyền phạt vi cảnh theo điều lệ của Hội đồng Chính phủ.

1. Hành vi gây rối trật tự công cộng:

Các điểm 2, 4, 5 trong điều 11 của điều lệ đã quy định:

a. Ném gạch, đá, đất cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào tàu, xe qua lại (nhà ở đây bao gồm cả những nhà của các ga, cảng, bến xe, bến tàu, bến phà);

b. Cố ý gây rối trật tự ở nơi công cộng mặc dù đã được khuyên ngăn;

c. Cố ý không chấp hành nội quy ở các nơi công cộng (Đối với ngành giao thông vận tải, các bến phà, bến cầu phao, bến xe, bến tàu, đường ngang, ga, cảng, trên phương tiện chở khách công cộng đều coi là những nơi công cộng).

2. Hành vi gây trở ngại cho việc giữ gìn vệ sinh chung:

Gồm những vi phạm được quy định ở các điểm 2, 3, 4 và 6 trong điều 13 của điều lệ phạt vi cảnh:

a. Vứt rác, xác con vật chết hoặc bất cứ vật gì ô uế ra đường giao thông;

b. Tiểu tiện, đại tiện ở các đường giao thông, ở các lối đi công cộng ngoài nơi đã quy định (đường giao thông ở đây là các tuyến đường ô tô; các lối đi công cộng bao gồm cả trong phạm vi bến tàu, bến xe, trong ga, cảng);

c. Để trâu, bò, dê, ngựa, gia súc khác đái ỉa ra đường phố;

d. Thải khói, bụi, hơi độc làm ô nhiễm không khí trong thành phố hoặc ở khu vực đông dân cư khác (các tàu, xe cơ giới đường bộ khi chạy trong thành phố hay trong các khu đông dân cư khác nếu để máy thải khói quá nhiều hoặc trên tàu, xe có chở những thứ gây bụi như vôi bột, tro, cát v.v… mà không có biện pháp che đậy để vôi, tro, cát trên tàu, xe rơi vãi gây bụi làm ô nhiễm không khí đều coi là vi phạm và phải xử phạt vi cảnh).

3. Hành vi gây trở ngại cho trật tự an toàn giao thông đường bộ:

Gồm tất cả những vi phạm quy định ở các điểm từ 1 đến 21 trong điều 15 của điều lệ phạt vi cảnh. Trong đó có những vi phạm vừa liên quan trực tiếp đến ngành giao thông đường bộ lại vừa có liên quan đến ngành giao thông đường sắt. Cán bộ của ngành giao thông đường bộ và của ngành đường sắt được giao quyền phạt vi cảnh, căn cứ vào những quy định trong điều lệ của Hội đồng Chính phủ và trong Thông tư này để xử phạt vi cảnh đối với những vi phạm có liên quan trực tiếp đến ngành mình.

4. Hành vi gây trở ngại cho trật tự an toàn giao thông đường thủy:

Gồm tất cả những vi phạm quy định ở các điểm từ 1 đến 11 trong điều 16 của điều lệ phạt vi cảnh.

Khi thi hành cần chú ý những quy định mà các tàu thuyền phải tuân theo nói ở điểm 1 trong điều 16 của điều lệ là những quy định đã có trong luật giao thông, luật quản lý kinh doanh vận tải đường sông, đường biển, quy tắc báo hiệu, tín hiệu, thể lệ quản lý, đăng ký các phương tiện đường thủy, kinh doanh vận tải đường thủy.

5. Hành vi gây hư hại đến các công trình lợi ích công cộng:

Gồm các vi phạm gây hư hại đến các công trình lợi ích công cộng mà ngành giao thông quản lý quy định trong điều 18 điểm 3 của điều lệ phạt vi cảnh.

6. Hành vi vi phạm chế độ quản lý chất nổ, chất dễ cháy:

Đã quy định ở điểm 3 trong điều 21 của điều lệ phạt vi cảnh.

Có trách nhiệm chuyên chở, bảo quản các chất nổ, chất dễ cháy mà không theo đúng quy định về an toàn. Các quy định về an toàn đã quy định trong quy tắc chuyên chở, xếp, dỡ và bảo quản hàng hóa thuộc loại dễ nổ, dễ cháy.

7. Hành vi gian tham nhỏ tài sản xã hội chủ nghĩa:

Đã quy định ở điểm 5 và điểm 7 trong điều 23 của điều lệ phạt vi cảnh:

a. Buôn bán trái phép vé tàu, vé xe. Đối với những hành vi đầu cơ, móc ngoặc, buôn bán vé tàu, vé xe để trục lợi ở các ga, bến xe, cảng phải xem xét từng trường hợp cụ thể tùy theo tính chất phạm pháp mà phạt vi cảnh, phạt hành chính, hoặc đề nghị truy tố trước Tòa án nếu việc phạm pháp có tổ chức, là bọn đầu cơ làm ăn phi pháp.

b. Trong các nghề phục vụ nhân dân như bốc vác, chuyên chở mà lấy quá giá quy định, sách nhiễu tiền, quà cáp.

Đối với hành vi làm khó dễ cho chủ hàng, cho hành khách để ăn đút lót trong việc chuyên chở hành khách, xếp dỡ hàng hóa, hoặc lấy quá giá cước quy định, nếu là vi phạm lần đầu thì phạt vi cảnh. Nhưng nếu tái phạm nhiều lần hoặc số tiền đã lấy quá quy định từ 10 đồng trở lên thì phạt hành chính hoặc thi hành kỷ luật, phạt tiền, thu hồi giấy phép kinh doanh (người làm vận tải cá thể) v.v… theo quy định trong các thể lệ quản lý vận tải hiện hành.

II. NHỮNG CHỨC DANH TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI CÓ THẨM QUYỀN PHẠT VI CẢNH

Những chức danh trong các ngành giao thông vận tải đường bộ, đường sông, đường biển, đường sắt trong khi thừa hành công vụ được quyền phạt vi cảnh đối với những vi phạm liên quan trực tiếp đến ngành mình, gồm có:

1. Ngành giao thông vận tải đường bộ:

a. Được quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 đồng đến 3 đồng:

- Trưởng cung giao thông đường bộ,

- Trưởng bến, phó trưởng bến các bến phà, cầu phao, bến xe ô tô,

- Trưởng trạm, phó trưởng trạm các trạm điều chỉnh, kiểm soát giao thông,

- Các cán bộ pháp chế, cán bộ kiểm tra của Cục quản lý đường bộ, khu đường bộ, Sở, Ty giao thông vận tải và của các đoạn quản lý đường bộ được Thủ trưởng cơ quan ủy nhiệm.

b. Được quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 đồng đến 10 đồng:

- Các trưởng phòng, phó trưởng phòng các phòng quản lý đường sá, pháp chế, kiểm tra của Cục quản lý đường bộ, của các Sở, Ty giao thông vận tải và các khu đường bộ.

- Các trưởng phòng, phó trưởng phòng vận tải của Sở, Ty giao thông vận tải; các trưởng phòng, phó trưởng phòng giao thông vận tải huyện, thị xã, quận, khu phố và thành phố trực thuộc tỉnh.

- Các đoạn trưởng, phó đoạn trưởng quản lý đường bộ.

- Các hạt trưởng, phó hạt trưởng giao thông.

2. Ngành giao thông vận tải đường sông:

a. Được quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 đồng đến 3 đồng:

- Các trưởng trạm, phó trưởng trạm quản lý đường sông,

- Các cán bộ pháp chế, kiểm tra an toàn giao thông vận tải của Cục đường sông, Phân cục đường sông, Ty quản lý đường sông, Sở, Ty giao thông vận tải, đoạn quản lý đường sông và của các cảng sông, được Thủ trưởng cơ quan ủy nhiệm.

b. Được quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 đồng đến 10 đồng:

- Các trưởng phòng, phó trưởng phòng các phòng quản lý luồng lạch, kiểm tra, pháp chế, vận tải của cục và phân cục đường sông, của Sở, Ty giao thông vận tải trở lên,

- Các trưởng ty, phó trưởng ty quản lý đường sông,

- Các giám đốc, phó giám đốc các cảng sông,

- Các đoạn trưởng, phó đoạn trưởng các đoạn đường sông.

3. Ngành giao thông vận tải đường biển:

a. Được quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 đồng đến 3 đồng:

Các cán bộ thanh tra hàng hải, pháp chế của cục và phân cục đường biển, cán bộ kiểm tra, pháp chế của Ty bảo đảm hàng hải, được Thủ trưởng cơ quan ủy nhiệm.

b. Được quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 đồng đến 10 đồng:

- Trưởng ty, phó trưởng ty các ty cảng vụ, ty bảo đảm hàng hải,

- Các trưởng phòng, phó trưởng phòng kiểm tra, pháp chế của cảng, trưởng phòng và phó trưởng phòng thanh tra hàng hải, pháp chế của cục và phân cục đường biển trở lên.

4. Ngành giao thông vận tải đường sắt:

a. Được quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 đồng đến 3 đồng:

Cán bộ pháp chế, giám sát an toàn, kiểm tra của Tổng cục đường sắt, ban quản lý đường sắt, các khu cầu đường sắt và của các đoạn được Thủ trưởng cơ quan ủy nhiệm.

b. Được quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 đồng đến 10 đồng:

- Các đoạn trưởng, phó đoạn trưởng, hạt trưởng, phó hạt trưởng, trưởng ga, phó trưởng ga,

- Các trưởng phòng, phó trưởng phòng các phòng giám sát an toàn, pháp chế, kiểm tra của Tổng cục đường sắt, cục vận chuyển và của các ban quản lý đường sắt trở lên.

III. THỰC HIỆN ĐÚNG QUYỀN HẠN XỬ PHẠT VI CẢNH VÀ TÔN TRỌNG QUYỀN KHIẾU NẠI CỦA NGƯỜI BỊ PHẠT

1. Theo điều 29 trong điều lệ phạt vi cảnh của Hội đồng Chính phủ thì những cán bộ có thẩm quyền của ngành giao thông vận tải được chỉ định trong Thông tư này khi thừa hành công vụ được quyền áp dụng hai hình thức xử phạt vi cảnh quy định ở điều 2 trong điều lệ là:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền từ 1 đồng đến 10 đồng tùy theo quyền hạn được giao.

2. Các cán bộ trong ngành giao thông vận tải được giao quyền phạt vi cảnh phải căn cứ vào những hành vi phạm pháp vi cảnh đã quy định có liên quan trực tiếp đến ngành mình và tính chất, mức độ nghiêm trọng nhiều hay ít của hành vi phạm pháp mà vận dụng hình thức và mức độ xử phạt trong từng trường hợp cho thỏa đáng và đúng với quyền hạn của mình.

3. Những trường hợp vi phạm nhỏ hoặc không nghiêm trọng do sơ xuất hoặc vi phạm lần đầu mà người vi phạm đã thấy được lỗi của mình mà tự giác sửa chữa ngay thì dùng hình thức cảnh cáo.

4. Những trường hợp phạt vi cảnh bằng tiền đều phải cấp biên lai thu tiền phạt theo quy định thống nhất của Bộ Tài chính. Các cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải có cán bộ được giao quyền phạt vi cảnh liên hệ với cơ quan tài chính địa phương để có kế hoạch cấp phát những biên lai này, định rõ thể thức nộp số tiền phạt đã thu vào công quỹ, đồng thời phải thực hiện những biện pháp quản lý chặt chẽ việc thu nộp tiền phạt, bảo quản tiền, biên lai thu tiền phạt; phải thường xuyên theo dõi kiểm tra, định kỳ đối chiếu sổ sách, chứng từ để phòng ngừa những hiện tượng tham ô, mất mát, nhầm lẫn tiền bạc, chứng từ.

5. Đối với cán bộ được quyền phạt vi cảnh bằng tiền tới mức 3 đồng, nếu có trường hợp xét cần phải phạt tiền ở mức cao hơn (từ trên 3 đồng đến 10 đồng) thì phải lập biên bản chuyển lên cấp có thẩm quyền trong ngành ký phạt.

6. Đối với các vi phạm làm hư hỏng các công trình công cộng thuộc ngành giao thông vận tải quản lý (cầu đường, hệ thống báo hiệu, phương tiện vận tải, v.v…) thì cán bộ giao thông vận tải phải lập biên bản cụ thể chuyển về cấp có thẩm quyền trong ngành để đòi cơ quan hoặc người đã gây thiệt hại bồi thường.

Việc bồi thường áp dụng theo nguyên tắc quy định ở điều 7 trong điều lệ của Hội đồng Chính phủ. Trường hợp người gây thiệt hại không chịu bồi thường thì cơ quan giao thông vận tải sẽ chuyển hồ sơ vi phạm sang Tòa án nhân dân huyện hoặc cấp tương đương để xét xử.

7. Đối với những phạm pháp vi cảnh đã tái phạm nhiều lần hoặc đã áp dụng hình thức phạt tiền đến mức tối đa nhưng người vi phạm vẫn không tôn trọng pháp luật, nếu cần phải áp dụng hình thức xử phạt cao hơn (phạt lao động công ích, phạt giam vi cảnh), thì cán bộ của ngành giao thông vận tải lập biên bản vi phạm chuyển sang cơ quan công an huyện hoặc cấp tương đương gần nhất để xử phạt.

8. Những cán bộ trong ngành giao thông vận tải được giao quyền phạt vi cảnh khi làm nhiệm vụ phải có giấy uỷ nhiệm do các cấp có thẩm quyền ký và phải có phù hiệu thống nhất.

Đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt, Tổng cục trưởng Tổng cục đường biển ký giấy ủy nhiệm cho các cán bộ trong ngành đường sắt, đường biển.

Đồng chí Cục trưởng Cục quản lý đường bộ ký giấy ủy nhiệm cho các cán bộ thuộc các đơn vị do Cục trực tiếp quản lý.

Các đồng chí giám đốc Sở giao thông vận tải, trưởng Ty giao thông vận tải ký giấy ủy nhiệm cho cán bộ thuộc các đơn vị do Sở, Ty giao thông vận tải trực tiếp quản lý, các cán bộ khác do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cấp.

Giấy ủy nhiệm phải theo mẫu thống nhất ban hành kèm theo Thông tư này và phải được quản lý chặt chẽ. Nếu cán bộ được ủy nhiệm chuyển sang công tác khác thì cơ quan cấp phải thu hồi giấy ủy nhiệm. Trường hợp đánh mất giấy ủy nhiệm phải trình báo ngay với cơ quan công an địa phương.

9. Phù hiệu đeo ở cánh tay trái, làm bằng một băng vải đỏ khổ rộng 10cm trên có chữ màu vàng ghi chức danh cán bộ có thẩm quyền. Ví dụ: "Bến trưởng", "Trưởng ga" v.v… còn đối với các cán bộ khác như kiểm tra, pháp chế… thì ghi chữ "Kiểm tra an toàn giao thông vận tải".

10. Những cán bộ trong ngành được giao quyền phạt vi cảnh phải được bồi dưỡng nắm vững nội dung, tinh thần điều lệ về phạt vi cảnh, Thông tư hướng dẫn và những luật lệ có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ. Khi làm nhiệm vụ, phải đề cao tinh thần trách nhiệm và có thái độ thật khách quan, xem xét thận trọng từng trường hợp vi phạm mà áp dụng hình thức và mức độ xử phạt cho thỏa đáng và đúng với quyền hạn của mình. Đồng thời, cần làm cho người vi phạm thấy được lỗi của mình mà tự giác chấp hành nghiêm chỉnh hình thức xử phạt nhằm phát huy được tác dụng giáo dục của việc xử phạt.

11. Các cán bộ có thẩm quyền xét khiếu nại trong ngành giao thông vận tải phải có ý thức tôn trọng quyền khiếu nại của người bị xử phạt. Khi nhận được đơn khiếu nại, phải xem xét lại toàn bộ sự việc xảy ra. Xét cần thiết thì yêu cầu người cán bộ đã trực tiếp xử phạt vi phạm đó trình bày lại cụ thể, mời người khiếu nại đến trực tiếp trình bày thêm, sau đó ra quyết định cuối cùng.

Mọi việc khiếu nại phải được giải quyết một cách công minh và nhanh chóng, không được kéo dài quá thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại như điều 31 của điều lệ phạt vi cảnh đã quy định.

Các đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục đường biển, Tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt, Cục trưởng các Cục quản lý đường bộ, Cục đường biển có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị thuộc quyền và các Sở, Ty giao thông vận tải thực hiện tốt Thông tư này.

Thông tư này hủy bỏ quyết định số 2116-QĐ ngày 17/7/1968 của Bộ về việc ủy nhiệm quyền kiểm soát, lập biên bản và xử lý các vụ vi phạm điều lệnh về kỷ luật an toàn giao thông vận tải thời chiến.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Ngọc Điệt





(1) In trong Công báo 1977, số 9 (909), trang 93.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 175-TT/PC-1978 hướng dẫn thi hành Điều lệ về phạt vi cảnh do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 175-TT/PC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 21/09/1978
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Trịnh Ngọc Điệt
  • Ngày công báo: 15/10/1978
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: 06/10/1978
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản