Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03-TBXH | Hà Nội, ngày 17 tháng 1 năm 1981 |
Ngày 20 - 9 - 1980, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 301-CP bổ sung chính sách đối với những trường hợp hy sinh hoặc bị thương từ ngày 1 - 5 - 1975 trở đi, nội dung gồm 4 vấn đề:
1. Về tiêu chuẩn để xác nhận là liệt sĩ, thương binh.
2. Về chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ.
3. Về chính sách đối với bệnh binh.
4. Về chính sách đối với gia đình của người bị mất tích.
Bộ Thương binh và xã hội giải thích và hướng dẫn thi hành như sau.
I. VỀ TIÊU CHUẨN ĐỂ XÁC NHẬN LÀ LIỆT SĨ, THƯƠNG BINH
Để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, điều 1 của Quyết định số 301-CP bổ sung tiêu chuẩn để xác nhận là liệt sĩ, thương binh đối với những trường hợp hy sinh hoặc bị thương từ ngày 1 tháng 5 năm 1975 trở đi như sau:
"Những quân nhân, công nhân, viên chức, thanh niên xung phong, dân công... trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, hoặc làm nhiệm vụ quốc tế đã tỏ rõ tinh thần phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật, nếu bị thương hoặc chết (từ ngày 1-5-1975 trở về sau) trong những trường hợp sau đây thì được xét để xác nhận là liệt sĩ, thương binh hoặc được hưởng chính sách như thương binh:
- Bị thương hoặc ốm đau, tai nạn dẫn đến bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ ở vùng có chiến sự, vùng tiếp giáp với địch, vùng núi, rẻo cao và hải đảo;
- Bị ốm đau, tai nạn dẫn đến bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Cam Pu Chia hoặc nước khác;
- Bị thương hoặc chết vì đã dũng cảm và tự nguyện làm những công việc nguy hiểm nhằm phục vụ sản xuất và xây dựng, phục vụ quốc phòng và an ninh, xứng đáng nêu gương cho mọi người học tập".
Bộ hướng dẫn sau đây:
Người chết hoặc bị thương (từ ngày 1-5-1975 trở về sau) do ốm đau, tai nạn trong khi làm nhiệm vụ nói ở điểm 1, 2, 3 dưới đây, được xét để xác nhận là liệt sĩ, thương binh hoặc người được hưởng chính sách như thương binh phải là:
- Người được đơn vị quân đội, cơ quan Nhà nước, cấp uỷ hoặc chính quyền địa phương giao nhiệm vụ (sau đây gọi tắt là được tổ chức giao nhiệm vụ);
- Người đã luôn luôn phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ, có ý thức tổ chức, kỷ luật, được đồng đội và nhân dân tin yêu.
1. Làm nhiệm vụ ở vùng có chiến sự, vùng tiếp giáp với địch, vùng núi, rẻo cao và hải đảo.
- Được coi là làm nhiệm vụ ở vùng có chiến sự là những trường hợp được tổ chức giao nhiệm vụ hoạt động trong những vùng xảy ra các trận chiến đấu giữa ta và địch. Hoạt động ở đây dể xảy ra thương vong, thường xuyên căng thẳng, ác liệt; sinh hoạt thường thiếu thốn, gian khổ, dễ sinh ốm đau, bệnh tật.
- Được coi là làm nhiệm vụ ở vùng tiếp giáp với địch là những trường hợp được tổ chức giao nhiệm vụ hoạt động tại những nơi ta và địch giáp nhau, đối địch nhau và chiến sự có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Ở đây, sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ hàng đầu; mọi sinh hoạt đều trong điều kiện thời chiến vì phải thường xuyên đối phó với những hoạt động của địch như khiêu khích, xâm lấn, pháo kích, tung thám báo, biệt kích, ám sát, bắt cóc, phá hoại, v.v... Hoạt động ở đây phải sống trong điều kiện căng thẳng và có nguy hiểm bất thường; sinh hoạt thường thiếu thốn, gian khổ, dễ sinh ốm đau, bệnh tật.
- Được coi là làm nhiệm vụ ở vùng núi, rẻo cao và hải đảo là những trường hợp được tổ chức giao nhiệm vụ hoạt động ở những vùng hiểm trở, sinh hoạt quá thiếu thốn, kham khổ (thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu dinh dưỡng...); thời tiết, khí hậu khắc nghiệt (nóng, rét, mưa , bão, gió thất thường...); có nhiều yếu tố phát sinh bệnh tật (nhiều muỗi độc và các loại ký sinh trùng gây bệnh hiểm nghèo...); điều kiện phòng bệnh, chữa bệnh rất hạn chế (thiếu thuốc men, xa bệnh viện...); việc đi lại, vận chuyển, tiếp tế khó khăn, chậm trễ (thiếu đường sá, vận chuyển chủ yếu là đi bộ, đi thuyền và bằng phương tiện thô sơ...).
Những người được tổ chức giao nhiệm vụ hoạt động ở vùng có chiến sự, vùng tiếp giáp với địch, vùng núi, rẻo cao và hải đảo có các điều kiện nói trên, bị thương hoặc ốm đau, tai nạn, do thiếu điều kiện nên không cứu chữa kịp, dẫn đến chết, bị thương hoặc để lại các di chứng tật nguyền thì được xét để xác nhận là liệt sĩ, thương binh hoặc người được hưởng chính sách như thương binh.
Không xét để xác nhận là liệt sĩ, thương binh hoặc người được hưởng chính sách như thương binh, các trường hợp dưới đây:
a) Người không được tổ chức giao nhiệm vụ hoạt động tại các vùng nói trên mà tự ý ở lại hoặc tự ý đến nơi đó rồi bị chết hoặc bị thương.
b) Người thiếu ý chí, trốn tránh nhiệm vụ, tự ý rời bỏ vị trí chiến đấu, vị trí công tác rồi bị địch sát thương hoặc bị ốm đau, tai nạn mà chết hoặc bị thương.
c) Người chết hoặc bị thương do ốm đau, tai nạn trong khi làm nhiệm vụ nhưng đã vi phạm nặng kỷ luật dân vận và chính sách dân tộc, gây ảnh hưởng xấu trong nhân dân địa phương.
d) Trường hợp chết hoặc bị thương do ốm đau, tai nạn nhưng nguyên nhân không phải do điều kiện kham khổ, khắc nghiệt, căng thẳng của môi trường mà người ấy hoạt động gây nên.
2. Làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào Cam-pu-chia hoặc nước khác.
Làm nhiệm vụ quốc tế nói ở đây là những người được tổ chức phân công đi làm nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào, Cam-pu-chia hoặc nước khác. Trong khi làm nhiệm vụ ở Lào, Cam-pu-chia hoặc làm các nhiệm vụ khó khăn, gian khổ nguy hiểm ở nước khác mà bị ốm đau, tai nạn tại các nước ấy rồi chết hoặc bị thương thì được xét để xác nhận là liệt sĩ, thương binh hoặc người được hưởng chính sách như thương binh.
Không xét để xác nhận là liệt sĩ, thương binh hoặc người được hưởng chính sách như thương binh các trường hợp dưới đây:
a) Người chết hoặc bị thương do ốm đau, tai nạn trong khi làm nhiệm vụ quốc tế nhưng đã vi phạm đoàn kết quốc tế, vi phạm kỷ luật, thiếu phẩm chất của người cách mạng, gây ảnh hưởng xấu đối với bạn, với nhân dân nước bạn và đồng đội.
b) Những người đi công tác ở nước ngoài không phải với nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào, Cam-pu-chia hoặc nước khác nói trên và những người đi học, đi lao động, đi tham quan, đi an dưỡng, đi chữa bệnh, đi thăm viếng hữu nghị... ở nước ngoài không thuộc diện hưởng chế độ theo quyết định số 301-CP.
3. Dũng cảm và tự nguyện làm những công việc nguy hiểm nhằm phục vụ sản xuất và xây dựng, phục vụ quốc phòng và an ninh, xứng đáng nêu gương cho mọi người học tập.
Trong nhiệm vụ sản xuất và xây dựng, có một số công việc đòi hỏi lòng dũng cảm và tự nguyện như tiến hành các cuộc khảo sát, thám hiểm, làm các thí nghiệm khoa học, có nhiều yếu tố nguy hiểm ngẫu nhiên; hoặc đôi khi xảy ra tình huống hiểm nghèo gây nguy cơ làm ngừng trệ hoặc huỷ hoại sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống, đòi hỏi phải có lòng dũng cảm quên mình để ngăn chặn tác hại xấu xảy ra.
Trong nhiệm vụ quốc phòng và an ninh chống các âm mưu phá hoại của kẻ thù, chống các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, nhiều trường hợp đòi hỏi sự dũng cảm hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ (như trấn áp bạo loạn, ngăn chặn bọn vượt biên trái phép, bắt giữ bọn lưu manh, bọn làm ăn phi pháp,v.v...).
Trước các công việc nguy hiểm ấy, những người đã dũng cảm, tự nguyện quên mình vì nhiệm vụ, nêu gương sáng cho mọi người học tập và do làm các công việc nguy hiểm ấy mà chết hoặc bị thương thì được xét để xác nhận là liệt sĩ, thương binh hoặc người được hưởng chính sách như thương binh.
Không xét xác nhận là liệt sĩ, thương binh hoặc người được hưởng chính sách như thương binh những trường hợp làm các công việc nguy hiểm trong điều kiện có đủ thời gian và phương tiện phòng hộ lao động, nhưng vì tự do vô tổ chức không chấp hành đẩy đủ quy tắc bảo hộ lao động và quy trình sản xuất, nêu gương xấu về tính tuỳ tiện đối với kỷ luật lao động, rồi bị tai nạn chết người hoặc bị thương.
1. Điều 2 của quyết định: " Những cán bộ xã không giữ các chực vụ chủ chốt, những công dân không ở trong lực lượng dân quân tự vệ nếu bị thương được hưởng chính sách như thương binh hoặc hy sinh được xác nhận là liệt sĩ thì cũng được hưởng chế độ đãi ngộ như đối với dân quân, tự vệ bị thương hoặc hy sinh trong chiến đấu"
Nay nói rõ thêm như sau:
a) Chế độ được hưởng:
- Những cán bộ xã không giữ các chực vụ chủ chốt hoặc những công dân không ở trong lực lượng dân quân tự vệ nếu bị thương từ ngày 1-5-1975 trở về sau trong các trường hợp quy định được hưởng chính sách như thương binh thì được hưởng chế độ trợ cấp thương tật và các chế độ đãi ngộ khác như đối với dân quân tự vệ không phải là công nhân viên chức bị thương trong chiến đấu theo quy định trước đây ( tức là được hưởng chính sách như thương binh), và được gọi là cán bộ xã (hoặc công dân) bị thương được hưởng chính sách như thương binh.
- Nếu hy sinh từ ngày 1-5-1975 trở về sau, được xác nhận là liệt sĩ thì thân nhân chủ yếu của người đó được hưởng các chính sách, chế độ như thân nhân chủ yếu của liệt sĩ là dân quân, tự vệ không phải là công nhân, viên chức.
b) Cách giải quyết đối với những trường hợp bị thương hoặc hy sinh từ ngày 1-5-1975 đến trước ngày ban hành Quyết định số 301-CP ngày 20-9-1980.
- Người bị thương đã được xếp hạng thương tật và đã giải quyết trợ cấp 1 lần thì nay được xác nhận là cán bộ xã (hoặc công dân) bị thương, được hưởng chính sách như thương binh và được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng từ ngày 20-9-1980 trở về sau, không phải hoàn lại số tiền trợ cấp 1 lần đã lĩnh.
- Người hy sinh đã đựơc xác nhận là liệt sĩ và gia đình đã được cấp tiền tuất 1 lần, nay nếu thân nhân có đủ điều kiện hưởng tuất hàng tháng thì được hưởng tiền tuất hàng tháng từ ngày 20-9-1980 trở về sau, không phải hoàn lại số tiền tuất 1 lần đã lĩnh nhưng cũng không được hưởng khoản trợ cấp lần đầu bằng 90 đồng theo quy định tại điều 4 của Quyết định số 301-CP sẽ nói dưới đây.
- Trường hợp bị thương (đã ra viện đi nhận công tác hoặc về địa phương trước ngày 20-9-1980), hoặc hy sinh, đủ tiêu chuẩn, nay mới xét và xác nhận thì được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định mới từ ngày 20-9-1980 trở về sau. (Riêng gia đình liệt sĩ không hưởng khoản trợ cấp lần đầu bằng 90 đồng).
2. Điều 4 của quyết định: " Đối với các liệt sĩ là người thuộc diện không có tiền lương hoặc sinh hoạt phí, thì ngoài khoản trợ cấp tiền tuất hàng tháng như đối với gia đình liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ có tiền lương hoặc sinh hoạt phí, còn được hưởng khoản trợ cấp lần đầu là 90 đồng.
Cụ thể là:
- Các liệt sĩ là người thuộc diện không có tiền lương hoặc sinh hoạt phí nói ở đây gồm các liệt sĩ là cán bộ thôn, xã, là dân công hoặc công dân; là dân quân, tự vệ (không phải là công nhân, viên chức), hy sinh từ ngày 1-5-1975 trở về sau.
- Trợ cấp tiền tuất hàng tháng mà gia đình các liệt sĩ này được hưởng theo quy định cũ là khoản trợ cấp định xuất tuỳ theo số lượng thân nhân của liệt sĩ. Nay gia đình các liệt sĩ này được hưởng thêm khoản 10% vì là liệt sĩ như đối với gia đình các liệt sĩ có tiền lương hoặc sinh hoạt phí và khoản trợ cấp lần đầu bằng 90 đồng.
- Trường hợp liệt sĩ là người thuộc diện không có tiền lương hoặc sinh hoạt phí, hy sinh từ ngày 1-5-1975 đến trước ngày ban hành Quyết định số 301-CP, nếu gia đình trước đây mới chỉ được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo định xuất thì nay đưọc hưởng thêm khoản trợ cấp lần đầu bằng 90 đồng và được điều chỉnh khoản 10% vì là liệt sĩ từ ngày 20-9-1980 trở về sau.
3. Điều 3 của quyết định:" Những quân nhân, công nhân, viên chức về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động và những thương binh, bệnh binh về địa phương (đang hưởng trợ cấp hàng tháng) nếu bị thương hoặc hy sinh được xác nhận là thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh hoặc là liệt sĩ thì bản thân được hưởng chế độ trợ cấp thương tật và gia đình được hưởng chế độ trợ cấp tiền tuất như chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ tại chức và được căn cứ vào mức tiền lương hoặc sinh hoạt phí trước khi nghỉ việc hoặc trước khi về địa phương để tính trợ cấp".
Nay giải thích cụ thể như sau:
a) Đối tượng được hưởng chế độ theo Điều 3 của Quyết định số 301-CP là những người đang hưởng trợ cấp hưu trí, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thương tật hoặc trợ cấp bệnh binh hàng tháng, hy sinh hoặc bị thương từ ngày 1-5-1975 trở về sau.
Những người không còn được hưởng trợ cấp hàng tháng vì đã hết hạn, vì sức khoẻ đã hồi phục hoặc vì lý do nào đó đã không còn quyền được hưởng trợ cấp thì không thuộc diện giải quyết chế độ theo quy định này.
b) Chế độ được hưởng:
- Nếu bị thương, xét đủ tiêu chuẩn thì được xác nhận là người được hưởng chính sách như thương binh; nếu đã là thương binh mà lại bị thương, xét đủ tiêu chuẩn thì được xếp hạng lại và vẫn xác nhận là thương binh. Chế độ trợ cấp thương tật được hưởng như sau:
Đối với người về hưu, về nghỉ việc vì mất sức lao động và bệnh binh, thì ngoài trợ cấp hưu trí, trợ cấp mất sức lao động hoặc trợ cấp bệnh binh hàng tháng, được hưởng mức trợ cấp thương tật như khi còn tại chức. Trường hợp sau này vì lý do hết thời hạn hoặc vì sức khoẻ hồi phục, không còn được hưởng trợ cấp mất sức lao động hoặc trợ cấp bệnh binh nữa thì sẽ được hưởng mức trợ cấp thương tật khi về gia đình.
Đối với thương binh (không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hoặc bệnh binh) thì được hưởng mức trợ cấp thương tật khi về gia đình.
- Nếu hy sinh được xác nhận là liệt sĩ thì gia đình được hưởng trợ cấp tiền tuất 1 lần hoặc trợ cấp tiền tuất hàng tháng tuỳ theo điều kiện của các thân nhân chủ yếu của liệt sĩ. Cách tính các khoản trợ cấp như đối với cán bộ, chiến sĩ tại chức.
- Căn cứ để tính trợ cấp thương tật hoặc trợ cấp tiền tuất là mức tiền lương hoặc sinh hoạt phí của người đó trước khi nghỉ việc hoặc về địa phương. Thời gian công tác liên tục để tính trợ cấp, căn cứ vào thời gian công tác liên tục đã được xác nhận và ghi trong sổ trợ cấp hưu trí, sổ trợ cấp mất sức lao động hoặc trong quyết định phục viên.
c) Những đối tượng nói trên, nếu bị thương hoặc hy sinh từ ngày 1-5-1975 đến trước ngày ban hành Quyết định số 301-CP thì được hưởng chế độ mới từ ngày 20-9-1980 trở về sau.
4. Điều 5 của quyết định: "Những quân nhân phục viên chưa hưởng hết trợ cấp phục viên hàng tháng, nếu hy sinh được xác nhận là liệt sĩ thì gia đình được nhận trong một lần số tiền trợ cấp phục viên còn lại".
Cụ thể là:
Quân nhân phục viên từ ngày 1-5-1975 trở về sau, được xác nhận là liệt sĩ, nếu chưa hưởng hết trợ cấp phục viên hàng tháng, thì ngoài các chế độ đối với gia đình liệt sĩ, gia đình người đó còn được nhận gọn trong một lần số tiền trợ cấp phục viên hàng tháng còn lại.
Trường hợp quân nhân phục viên được hưởng trợ cấp phục viên hàng tháng cho đến khi chết thì tính như sau:
- Nếu tính đến ngày hy sinh người đó hưởng trợ cấp phục viên hàng tháng chưa được một nửa thời gian phục vụ quân đội của mình, thì được lấy một nửa thời gian phục vụ quân đội trừ đi thời gian đã hưởng trợ cấp phục viên hàng tháng, để tính số tiền trợ cấp phục viên của số tháng còn lại và trả gọn một lần cho gia đình.
- Nếu tính đến ngày hy sinh người đó hưởng trợ cấp phục viên hàng tháng đã bằng hoặc đã quá nửa thời gian phục vụ quân đội của mình, thì gia đình không được hưởng khoản trợ cấp phục viên này nữa.
5. Điều 7 của Quyết định số 301-CP thay cho đoạn cuổi điểm 3, phần III của Quyết định số 185-CP ngày 25-9-1969 của Hội đồng Chính phủ như sau:
"Đối với gia đình các liệt sĩ là người hưởng chế độ tiền lương hoặc sinh hoạt phí, nếu trợ cấp tiền tuất hàng tháng thấp hơn khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí (sau khi đã trừ phần dành cho sinh hoạt của bản thân) thì gia đình được tiếp tục hưởng khoản còn lại đó trong thời gian một năm kể từ ngày liệt sĩ hy sinh, sau đó mới chuyển sang hưởng chế độ tiền tuất".
Thực hiện như sau:
a) Quy định này áp dụng đối với gia đình của các liệt sĩ mà trước khi hy sinh đang hưởng chế độ tiền lương hoặc sinh hoạt phí (liệt sĩ là quân nhân, công nhân, viên chức, thanh niên xung phong) hy sinh từ ngày 1-5-1975 trở về sau.
b) Cách tính khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí của liệt sĩ để so sánh với trợ cấp tiền tuất của gia đình liệt sĩ:
- Đối với liệt sĩ là người hưởng lương thì khoản còn lại bằng tiền lương của liệt sĩ trừ đi phần dành cho sinh hoạt của bản thân liệt sĩ như khi còn sống. Tiền lương của liệt sĩ gồm lương chính và các khoản phụ cấp, trợ cấp (nếu có). Phần dành cho sinh hoạt của bản thân liệt sĩ quy định thống nhất cho cán bộ, công nhân, viên chức, công an, sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp theo 3 mức dưới đây:
21 đồng đối với người có mức lương chính từ 85 đồng trở xuống,
27 đồng đối với người có mức lương chính từ 86 đồng đến 143 đồng,
33 đồng đối với người có mức lương chính từ 144 đồng trở lên.
- Đối với liệt sĩ là người hưởng sinh hoạt phí thì khoản còn lại là các khoản phụ cấp hàng tháng (không tính tiền ăn và tiền quân trang).
- Số tiền tuất được đem so sánh với khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí của liệt sĩ là tổng số tiền tuất của những thân nhân liệt sĩ đủ điều kiện hưởng tuất hàng tháng.
c) Trường hợp trợ cấp tiền tuất hàng tháng của gia đình liệt sĩ thấp hơn khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí của liệt sĩ, thì gia đình được hưởng khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí của liệt sĩ trong 1 năm, kể từ tháng tiếp sau tháng liệt sĩ hy sinh (sau đây gọi tắt là khoản bảo lưu). Khi chuyển sang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng, gia đình liệt sĩ vẫn được hưởng khoản trợ cấp lần đầu theo quy đình hiện hành.
Nếu trợ cấp tiền tuất hàng tháng của gia đình liệt sĩ cao hơn khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí của liệt sĩ thì gia đình không hưởng khoản trợ cấp bảo lưu, mà hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng ngay từ đầu.
Trường hợp gia đình liệt sĩ hưởng trợ cấp tiền tuất một lần cũng được hưởng khoản bảo lưu trong một năm.
d) Cách giải quyết những trường hợp hy sinh từ ngày 1 tháng 5 năm 1975 trở về sau mà gia đình chưa được hưởng khoản bảo lưu:
- Nếu gia đình hưởng tuất một lần thì cơ quan, đơn vị giải quyết cho gia đình truy lĩnh khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí của liệt sĩ trong 12 tháng.
- Nếu gia đình đã hưởng trợ cấp tiền tuất háng tháng mà trợ cấp tiền tuất hàng tháng thấp hơn khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí của liệt sĩ thì cơ quan, đơn vị giải quyết cho gia đình truy lĩnh khoản chênh lệch ấy trong 12 tháng.
e) Việc trả khoản bảo lưu cho gia đình liệt sĩ do các cơ quan, đơn vị sau đây giải quyết:
- Liệt sĩ là quân nhân, công nhân viên quốc phòng, do quân đội phụ trách (Bộ Quốc phòng uỷ nhiệm cho các bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết).
- Liệt sĩ là công an nhân dân, do ngành công an phụ trách.
- Liệt sĩ là cán bộ, công nhân viên, thanh niên xung phong do Ty, Sở thương binh và xã hội phụ trách.
Chú ý: Trường hợp thân nhân chủ yếu của liệt sĩ ở nhiều nơi thì chỉ một nơi giải quyết: Giải quyết cho vợ liệt sĩ; nếu vợ liệt sĩ chết hoặc đi lấy chồng thì giải quyết cho con liệt sĩ; nếu liệt sĩ không có vợ con thì giải quyết cho bố mẹ liệt sĩ. Trường hợp không còn vợ mà liệt sĩ có nhiều con ở nhiều nơi hoặc bố mẹ liệt sĩ ở 2 nơi thì cũng chỉ 1 nơi giải quyết cho 1 người đứng tên hưởng, trên cơ sở thoả thuận, đoàn kết trong gia đình.
III. VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI BỆNH BINH
Điều 8 của Quyết định số 301-CP thay cho đoạn đầu điều 1 của Quyết định số 78-CP ngày 13-4-1978 của Hội đồng Chính phủ như sau:
" Những quân nhân (kể cả quân nhân nhập ngũ sau ngày 30-4-1975) đã có đủ 5 năm công tác liên tục hoặc chưa có 5 năm công tác liên tục, nhưng đã hoạt động ở nơi khó khăn, gian khổ, hoặc trải qua chiến đấu ác liệt, vì ốm đau, sau khi đã điều trị, điều dưỡng mà sức khoẻ vẫn không hồi phục, phải chuyển ra ngoài quân đội để về gia đình, đã được xác định mất sức lao động từ 41% đến 59%, hoặc kể từ ngày ra ngoài quân đội trong thời gian không quá 1 năm, do ốm đau, bệnh tật cũ tái phát, khám lại sức khoẻ bị mất sức lao động từ 41% đến 59 %, thì được hưởng chế độ đãi ngộ đối với bệnh binh".
Việc xét giải quyết chế độ bệnh binh đối với những quân nhân nhập ngũ sau ngày 30-4-1975 vẫn theo đúng như hướng dẫn của Bộ Thương binh và xã hội tại Thông tư số 15-TBXH ngày 15-8-1978, hướng dẫn thi hành Quyết định số 78-CP; nay chỉ nói thêm như sau:
Quân nhân nhập ngũ sau ngày 30-4-1975 nói ở đây bao gồm cả những quân nhân tái ngũ từ ngày 1-5-1975 trở về sau, đã hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, trở về địa phương. Đối với những quân nhân tái ngũ này, điều kiện về thời gian công tác liên tục để hưởng chế độ bệnh binh được tính cả thời gian phục vụ trong quân đội lần trước và lần sau cộng lại.
IV. VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH CỦA NGƯỜI BỊ MẤT TÍCH
Ngày 2 tháng 8 năm 1978 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193-CP về chính sách đối với người đã tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở miền Nam đến nay chưa rõ tin tức; Bộ Thương binh và xã hội đã hướng dẫn tại Thông tư số 19-TBXH ngày 18-9-1978.
Nay, Hội đồng Chính phủ bổ sung chính sách đối với gia đình của người bị mất tích từ ngày 1-5-1975 trở về sau tại điều 10 của Quyết định số 301-CP như sau:
"Những quân nhân, công nhân, viên chức và công dân đang làm nhiệm vụ chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu hoặc làm nhiệm vụ quốc tế mà bị mất tích từ ngày 1-5-1975 trở về sau, thì cơ quan đơn vị quản lý người đó có trách nhiệm tìm kiếm và kết luận sớm. Trong thời gian tìm kiếm, gia đình có người mất tích (là cán bộ, chiến sĩ có tiền lương hoặc sinh hoạt phí) được trợ cấp hàng tháng bằng khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí sau khi đã trừ phần dành cho sinh hoạt của bản thân người đó.
Sau 6 tháng, nếu vẫn chưa rõ tin tức thì gia đình có người mất tích được hưởng chế độ trợ cấp như đối với gia đình liệt sĩ và chậm nhất là sau hai năm tìm kiếm (kể từ ngày mất tích), nếu không có chứng cớ là đầu hàng, phản bội hoặc đào ngũ, thì những quân nhân, công nhân , viên chức và công dân nói trên được xác nhận là liệt sĩ và gia đình được hưởng mọi quyền lợi của gia đình liệt sĩ".
Về nội dung và cách thực hiện chính sách đối với những trường hợp bị mất tích từ ngày 1-5-1975 trở về sau cũng theo như hướng dẫn của Bộ Thương binh và xã hội tại Thông tư số 19-TBXH ngày 18-9-1978. Nay nói thêm một số điểm như sau:
1. Những quân nhân, công nhân , viên chức và công dân bị mất tích nói ở đây là những người được tổ chức phân công làm nhiệm vụ chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu hoặc làm nhiệm vụ quốc tế, bị mất tích từ ngày 1-5-1975 trở về sau.
2. Các cơ quan, đơn vị có người mất tích phải tích cực tìm kiểm để kết luận sớm, không được để kéo dài. Thời hạn hai năm là thời hạn tối đa trong điều kiện đã tích cực tìm kiếm mà vẫn không rõ tin tức và nếu không có chứng cớ là người mất tích đã đầu hàng, phản bội, đào ngũ hoặc chết vì những lý do không xứng đáng là liệt sĩ, thì người ấy được xác nhận là liệt sĩ và gia đình người ấy được hưởng mọi quyền lợi của gia đình liệt sĩ.
3. Nếu người mất tích là cán bộ, chiến sĩ có tiền lương hoặc sinh hoạt phí thì trong thời gian 6 tháng đầu, kể từ tháng tiếp sau tháng bị mất tích, cơ quan , đơn vị của người đó trả trợ cấp hàng tháng cho gia đình bằng khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí, sau khi đã trừ phần dành cho sinh hoạt của bản thân người đó (cách tính khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí như đã nói tại điểm b, tiết 5, mục II của thông tư này).
Sau 6 tháng, nếu vẫn chưa rõ tin tức thì gia đình người mất tích được hưởng trợ cấp như đối với gia đình liệt sĩ, cụ thể là:
- Nếu gia đình chưa đủ điều kiện hưởng tuất hàng tháng thì cơ quan, đơn vị của người bị mất tích tiếp tục trả cho gia đình khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí thêm 6 tháng nữa cho đủ 12 tháng bảo lưu và cơ quan thương binh xã hội trả cho gia đình khoản trợ cấp tiền tuất 1 lần.
- Nếu gia đình có thân nhân đủ điều kiện hưởng tuất hàng tháng mà trợ cấp tiền tuất hàng tháng thấp hơn khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí thì cơ quan, đơn vị của người bị mất tích tiếp tục trả cho gia đình khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí thêm 6 tháng nữa cho đủ 12 tháng bảo lưu, tiếp đó cơ quan thương binh xã hội sẽ trả trợ cấp tiền tuất hàng tháng cho gia đình (gồm cả trợ cấp lần đầu).
Trường hợp trợ cấp tiền tuất hàng tháng cao hơn, thì gia đình được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng ngay mà không hưởng khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí thêm 6 tháng nữa, đồng thời được truy lĩnh khoản chênh lệch ấy trong thời gian 6 tháng mà gia đình đã hưởng khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí và do cơ quan thương binh xã hội trả.
Khi người mất tích được xác nhận là liệt sĩ thì gia đình người đó được hưởng mọi quyền lợi của gia đình liệt sĩ.
4. Những trường hợp mất tích từ ngày 1-5-1975 đến nay, gia đình chưa hưởng đúng theo quy định trên thì giải quyết như sau:
a) Nếu gia đình chưa được hưởng các khoản trợ cấp thì cơ quan, đơn vị của người mất tích giải quyết cho gia đình truy lĩnh khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí trong 12 tháng, kể từ tháng tiếp sau tháng bị mất tích; từ tháng tiếp theo, cơ quan thương binh xã hội giải quyết cho gia đình khoản trợ cấp tiền tuất 1 lần hoặc trợ cấp tiền tuất hàng tháng (gồm cả trợ cấp lần đầu, nếu gia đình đủ điều kiện hưởng). Trường hợp trợ cấp tiền tuất hàng tháng cao hơn khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí thì cơ quan thương binh xã hội giải quyết cho gia đình truy lĩnh khoản chênh lệch ấy trong 12 tháng.
b) Nếu cơ quan, đơn vị của người mất tích đã tiếp tục trả khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí mà:
- Chưa quá 12 tháng (kể từ tháng tiếp sau tháng bị mất tích) thì tiếp tục trả đủ 12 tháng, tiếp đó, cơ quan thương binh xã hội sẽ giải quyết như nói ở điểm a trên đây.
- Đã quá 12 tháng thì ngừng trả để chuyển sang cơ quan thương binh xã hội thực hiện chế độ trợ cấp tiền tuất như đối với gia đình liệt sĩ. Trường hợp trợ cấp tiền tuất hàng tháng cao hơn khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí thì cơ quan thương binh xã hội giải quyết cho gia đình truy lĩnh khoản chênh lệch ấy trong suốt thời gian gia đình đã hưởng khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí. Trường hợp trợ cấp tiền tuất hàng tháng thấp hơn khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí, gia đình không phải hoàn lại số tiền đã lĩnh quá thời hạn.
5. Nếu người mất tích thuộc diện không có tiền lương hoặc sinh hoạt phí thì trong giai đoạn tìm kiếm, gia đình không hưởng các khoản trợ cấp nói trên; nhưng khi người mất tích đựơc xác nhận là liệt sĩ thì gia đình được hưởng mọi quyền lợi của gia đình liệt sĩ và được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng (nếu đủ điều kiện) kể từ ngày bị mất tích. Riêng đối với cán bộ xã không giữ các chức vụ chủ chốt và công dân không ở trong lực lượng dân quân tự vệ, mất tích từ ngày 1 tháng 5 năm 1975 đến trước ngày ban hành Quyết định số 301-CP, thì gia đình được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng (nếu đủ điều kiện) kể từ ngày 20-9-1980 theo như quy định tại Điều 2 của quyết định.
Qua hai cuộc kháng chiến trước đây, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; các địa phương đã tích cực thực hiện và đạt nhiều kết quả, góp phần động viên, cổ vũ toàn dân, toàn quân hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng.
Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, tình hình và nhiệm vụ cách mạng đã thay đổi, có những quy định trước đây, đến nay không còn phù hợp nữa. Trong khi chưa có đủ điều kiện để cải tiến một cách căn bản toàn bộ chính sách thương binh, liệt sĩ. Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 301-CP bổ sung một số chính sách, chế độ nhằm đáp ứng với yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Bộ Thương binh và xã hội đề nghị các ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp quan tâm đối với vấn đề này, phổ biến cho các cơ sở thuộc ngành mình, địa phương mình, cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, cho thương binh , bệnh binh và gia đình liệt sĩ, làm cho mọi người nắm được ý nghĩa và nội dung của chính sách được bổ sung; xây dựng tinh thần phấn khởi, đoàn kết, tránh suy tỵ, so sánh về chính sách, chế độ trong từng thời kỳ.
Các Sở, Ty thương binh và xã hội cần phối hợp chặt chẽ với các ngành ở địa phương để sớm có kế hoạch triển khai thực hiện. Đối với những trường hợp chết, bị thương, mất tích từ ngày 1 tháng 5 năm 1975 đến nay, cần cố gắng giải quyết xong trong năm 1981.
Trong quá trình thực hiện, còn có vấn đề gì vướng mắc, đề nghị các ngành, các địa phương kịp thời phản ánh về Bộ Thương binh và xã hội để nghiên cứu giải quyết.
Nguyễn Kiện (Đã Ký) |
- 1Quyết định 193-CP năm 1978 về chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ở miền Nam đã tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến nay chưa rõ tin tức do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 78-CP năm 1978 bổ sung chế độ đãi ngộ đối với bệnh binh do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 19-TBXH-1978 hướng dẫn thi hành Quyết định 193-CP-1978 về chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ở miền Nam đã tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến nay chưa rõ tin tức do Bộ Thương binh và Xã hội ban hành
- 4Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP Hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng ban hành
- 5Công văn 33/CT-CS năm 2014 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ do Tổng cục Chính trị ban hành
- 1Quyết định 193-CP năm 1978 về chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ở miền Nam đã tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến nay chưa rõ tin tức do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 301-CP năm 1980 bổ sung tiêu chuẩn để xác nhận là liệt sĩ, thương binh và về chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 78-CP năm 1978 bổ sung chế độ đãi ngộ đối với bệnh binh do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 19-TBXH-1978 hướng dẫn thi hành Quyết định 193-CP-1978 về chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ở miền Nam đã tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến nay chưa rõ tin tức do Bộ Thương binh và Xã hội ban hành
- 5Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP Hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng ban hành
- 6Công văn 33/CT-CS năm 2014 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ do Tổng cục Chính trị ban hành
Thông tư 03-TBXH-1981 hướng dẫn thi hành Quyết định 301-CP-1980 về tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh; bổ sung chính sách đối với những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ mới bị thương hoặc hy sinh từ ngày 1/5/1975 trở đi do Bộ Thương binh và xã hội ban hành
- Số hiệu: 03-TBXH
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 17/01/1981
- Nơi ban hành: Bộ Thương binh và Xã hội
- Người ký: Nguyễn Kiện
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 4
- Ngày hiệu lực: 01/02/1981
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra