Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 301-CP

Hà Nội , ngày 20 tháng 9 năm 1980

 

QUYẾT ĐỊNH

BỔ SUNG VỀ TIÊU CHUẨN ĐỂ XÁC NHẬN LÀ LIỆT SĨ, THƯƠNG BINH VÀ VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ và những người có công hoặc hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc;

Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Thương binh và xã hội,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Những quân nhân, công nhân, viên chức, thanh niên xung phong, dân công... trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, hoặc làm nhiệm vụ quốc tế đã tỏ rõ tinh thần phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật nếu bị thương hoặc bị chết (từ ngày 01 tháng 5 năm 1975 trở về sau) trong những trường hợp sau đây thì được xét để xác nhận là liệt sĩ, thương binh, hoặc được hưởng chính sách như thương binh:

- Bị thương, hoặc ốm đau, tai nạn dẫn đến bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ ở vùng có chiến sự, vùng tiếp giáp với địch, vùng núi rẻo cao và hải đảo.

- Bị ốm đau, tai nạn dẫn đến bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia hoặc nước khác;

- Bị thương hoặc chết vì đã dũng cảm và tự nguyện làm những công việc nguy hiểm nhằm phục vụ sản xuất và xây dựng, khôi phục quốc phòng và an ninh, xứng đáng nêu gương cho mọi người học tập.

Điều 2. Những cán bộ xã không giữ các chức vụ chủ chốt, những công dân không ở trong lực lượng dân quân tự vệ nếu bị thương được hưởng chính sách như thương binh hoặc hy sinh được xác nhận là liệt sĩ thì cũng được hưởng chế độ đãi ngộ như đối với dân quân tự vệ bị thương hoặc hy sinh trong chiến đấu.

Điều 3. Những quân nhân, công nhân, viên chức về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động và những thương binh, bệnh binh về địa phương (đang hưởng trợ cấp hàng tháng) nếu bị thương hoặc hy sinh được xác nhận là liệt sĩ, thương binh hoặc được hưởng chính sách như thương binh, thì bản thân được hưởng chế độ trợ cấp thương tật và gia đình được hưởng chế độ trợ tuất như chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ tại chức và được căn cứ vào mức tiền lương hoặc sinh hoạt phí trước khi nghỉ hoặc trước khi về địa phương để tính trợ cấp.

Điều 4. Đối với các liệt sĩ là người thuộc diện không tiền lương hoặc sinh hoạt phí, thì ngoài khoản trợ cấp tiền tuất hàng tháng như đối với gia đình các liệt sĩ là cán bộ chiến sĩ có tiền lương hoặc sinh hoạt phí, còn được hưởng khoản trợ cấp lần đầu là 90 đồng.

Điều 5. Những quân nhân phục viên chưa hưởng hết trợ cấp phục viên hàng tháng, nếu hy sinh được xác nhận là liệt sĩ thì gia đình được nhận trong một lần số tiền trợ cấp phục viên còn lại.

Điều 6. Các Điều 2, 3, 4, 5 trên đây được thi hành từ ngày ký quyết định này và chỉ áp dụng đối với những trường hợp bị thương hoặc hy sinh từ ngày 01 tháng 5 năm 1975 trở về sau.

Điều 7. Đối với gia đình các liệt sĩ là người hưởng chế độ tiền lương hoặc sinh hoạt phí, nếu trợ cấp tiền tuất hàng tháng thấp hơn khoản còn lại của tiền lương hoặc sinh hoạt phí (sau khi đã trừ phần dành cho sinh hoạt của bản thân) thì gia đình được tiếp tục hưởng khoản còn lại đó trong thời gian một năm kể từ ngày liệt sĩ hy sinh, sau đó mới chuyển sang hưởng chế độ tiền tuất.

Điều 8. Những quân nhân (kể cả quân nhân nhập ngũ sau ngày 30-4-1975) đã có đủ 5 năm công tác liên tục hoặc chưa có đủ 5 năm công tác liên tục, nhưng đã hoạt động ở những nơi khó khăn gian khổ, hoặc trải qua chiến đấu ác liệt, vì ốm đau, sau khi đã điều trị, điều dưỡng mà sức khoẻ vẫn không hồi phục, phải chuyển ra ngoài quân đội để về gia đình đã được xác định bị mất sức lao động từ 41% đến 59% hoặc kể từ ngày ra ngoài quân đội trong thời gian không quá 1 năm do ốm đau, bệnh cũ tái phát, khám lại sức khoẻ bị mất sức lao động từ 41% đến 59%, thì được hưởng chế độ đãi ngộ đối với bệnh binh.

Điều 9. Các Điều 7, 8 trên đây thay cho đoạn cuối điểm 3, Phần II của Quyết định số 185-CP ngày 29-9-1969 và đoạn đầu Điều 1 của Quyết định số 78-CP ngày 13-4-1978.

Điều 10. Những quân nhân, công nhân, viên chức và công dân đang làm nhiệm vụ chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu hoặc làm nhiệm vụ quốc tế mà bị mất tích từ ngày 01-5-1975 trở về sau, thì cơ quan, đơn vị quản lý người đó có trách nhiệm tìm kiếm và kết luận sớm. Trong thời gian tìm kiếm gia đình có người mất tích (là cán bộ, chiến sĩ có tiền lương hoặc sinh hoạt phí) được trợ cấp hàng tháng bằng khoản còn của tiền lương hoặc sinh hoạt phí sau khi đã trừ phần dành cho sinh hoạt của bản thân người đó.

Sau 6 tháng, nếu vẫn chưa rõ tin tức, thì gia đình có người mất tích được hưởng chế độ trợ cấp như đối với gia đình liệt sĩ và chậm nhất là sau hai năm tìm kiếm (kể từ ngày mất tích), nếu không có chứng cớ là đầu hàng, phản bội hoặc đào ngũ, thì những quân nhân, công nhân, viên chức và công dân nói trên được xác nhận là liệt sĩ và gia đình được hưởng mọi quyền lợi của gia đình liệt sĩ.

Điều 11. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Thương binh và xã hội phối hợp với Thủ trưởng các ngành có liên quan hướng dẫn thi hành Quyết định này.

Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Tố Hữu

(Đã Ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 301-CP năm 1980 bổ sung tiêu chuẩn để xác nhận là liệt sĩ, thương binh và về chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 301-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/09/1980
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: 30/09/1980
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 05/10/1980
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản