Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ LAO ĐỘNG-BỘ GIÁO DỤC | VIỆT |
Số: 03-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 24 tháng 05 năm 1974 |
VỀ GIÁO DỤC Ý THỨC NGÀNH NGHỀ VÀ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHỔ THÔNG ĐI HỌC NGHỀ
Nghị quyết Đại hội Đảng lao động Việt nam lần thứ III đã đề nhiệm vụ của nhà trường xã hội chủ nghĩa là “đào tạo học sinh thành những người lao động làm chủ đất nước, có giác ngộ xã hội chủ nghĩa, có văn hoá và kỹ thuật, có sức khoẻ, những người phát triển toàn diện để xây dựng xã hội mới”. Các trường phổ thông hàng năm có tới hàng chục vạn học sinh đến tuổi lao động hết cấp II, cấp III cần được phân bổ hợp lý nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, công nhân kỹ thuật vững mạnh, đồng thời giải quyết công việc làm cho học sinh thôi học, góp phần phân công mới lao động xã hội.
Để tăng cường chỉ đạo và cải tiến công tác tuyển sinh đào tạo công nhân kỹ thuật, Nghị quyết số 99-CP ngày 19-5-1973 của Hội đồng Chính phủ đã quy định: “việc tuyển sinh vào các trường, lớp dạy nghề phải được hết sức coi trọng, tuyển lựa đúng tiêu chuẩn cho từng ngành nghề theo qui chế tuyển sinh đã được ban hành. Từ năm 1973, các trường dạy nghề phải chuyển sang tuyển sinh theo năm học; các trường phổ thông cấp II và cấp III phải được giao nhiệm vụ, hướng dẫn cho học sinh lựa chọn ngành, nghề, phù hợp với sở trường và yêu cầu của Nhà nước, lập hồ sơ, thủ tục cần thiết cho việc tuyển sinh từ các trường phổ thông vào các trưòng lớp dạy nghề”.
Quán triệt và nghiêm chỉnh thực hiện nhiệm vụ và quy định trên, ngành giáo dục đã bước đầu cải tiến chương trình giảng dạy trong nhà trường phổ thông các cấp và đã góp phần giáo dục ý thức đúng đắn cho học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề sau khi học hết cấp II hoặc cấp III. Hầu hết học sinh lớn tuổi đã thôi học, không điều kiện đi học các trường đại học, trung học chuyên nghiệp đều đã tham gia lao động trong các cơ sở sản xuất công nghiệp hoặc nông nghiệp.
Tuy nhiên, việc giáo dục quan điểm, thái độ lao động mới và ý thức ngành nghề đúng đắn cho học sinh phổ thông cấp II, cấp III chưa được đặt ra thành một trong những nhiệm vụ của các trường phổ thông. Các ngành có liên quan cũng chưa phối hợp để giúp ngành giáo dục phổ thông thực hiện tốt việc chuẩn bị cho học sinh đi vào lao động sản xuất. Do đó, nhiều học sinh chưa xác định được việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng và khả năng, sở trường của mình; tư tưởng chọn ngành nghề không chính đáng như lánh nặng, tìm nhẹ còn khá phổ biến. Vì vậy chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo công nhân kỹ thụât các năm qua thường đạt thấp, ảnh hưởng đến kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế.
Để khắc phục tình hình trên, căn cứ vào nghị quyết số 99- CP ngày 19-5-1973 của Hội đồng Chính phủ và chỉ thị số 196- TTg ngày15-7-1971 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động và Bộ giáo dục ra thông tư liên bộ này quy định và hướng dẫn việc giáo dục ý thức ngành nghề và vận động học sinh thôi học đến tuổi lao động hăng hái tự nguyện đi học nghề để đào tạo thành công nhân các ngành, các địa phương.
II. NHIỆM VỤ VÀ BIỆN PHÁP GIÁO DỤC Ý THỨC NGÀNH NGHỀ VÀ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHỔ THÔNG ĐI HỌC NGHỀ
Sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đã chuyển sang giai đoạn mới. Nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế hàn gắn những vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất và các ngành, các địa phương cho chủ nghĩa xã hội đang đề ra cho ngành giáo dục có trách nhiệm giáo dục học sinh có ý thức và hiểu biết nhất định về những ngành nghề mà thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội đang đòi hỏi.
Để thực hiện nhiệm vụ này, cần tiến hành một số biện pháp sau đây:
1. Các trường phổ thông cần phối hợp với Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh thường xuyên giáo dục về quan điểm, thái độ lao động mới và hướng dẫn, giới thiệu ngành nghề cho học sinh. Phải giáo dục cho học sinh hiểu rằng khi đến tuổi trưởng thành mỗi thanh niên cần xác định rõ hướng chọn ngành nghề theo yêu cầu của cách mạng, và phù hợp với năng lực của mình, coi đó là một nghĩa vụ và trách nhiệm, để tranh thủ học tập rèn luyện mình trở thành người lao động mới: lao động có kỹ thuật và có năng suất lao động cao và sau khi thôi học ở trường phổ thông thì sẵn sàng học một nghề theo kế hoạch đào tạo của Nhà nước và khi đã nhận sự phân công học ngành nghề nào thì ra sức học đạt kết quả cao để phục vụ Tổ quốc được tốt nhất.
Căn cứ vào kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế của từng thời kỳ, cơ quan lao động các cấp phải bàn bạc với Đoàn thanh niên lao động, với các cơ quan giáo dục cấp mình để hướng dẫn các trường phổ thông có những hình thức giáo dục, sinh hoạt cho học sinh hiểu rõ vị trí tính chất và tầm quan trọng của các ngành nghề trong nền kinh tế quốc dân.
Trên cơ sở đó xây dựng cho học sinh có một số hiểu biết nhất định về ngành nghề, có động cơ chọn lựa ngành nghề đúng đắn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng và khả năng, sở trường của mình.
2. Tổ chức kết nghĩa giữa nhà trường với các xí nghiệp công trường, nông trường, lâm trường đóng tại địa phương và phối hợp với Đoàn thanh niên lao động, giúp đỡ việc tổ chức cho học sinh nghe nói chuyện về nghề nghiệp và tham quan hoặc tham gia sản xuất tại các cơ sở sản xuất, tiếp xúc với những công nhân, nông dân tập thể, cán bộ quản lý kỹ thuật tại cơ sở để học sinh có điều kiện quan sát trực tiếp cũng cố thêm nhận thức về ngành nghề.
Đề nghị các tổ chức Đoàn, Đội kết hợp với các trường phổ thông xây dựng kế hoạch tham gia lao động sản xuất cho học sinh theo tinh thần chỉ thị số 237-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặc biệt chú ý qua thực tế lao động bồi dưỡng cho học sinh nắm được kiến thức khoa học, kỹ thuật, rèn luyện quan điểm tư tưởng và phong cách lao động mới, đồng thời xây dựng quan điểm chọn ngành nghề đúng đắn.
Để làm tốt công tác này, các Sở, Ty lao động cần biên soạn tài liệu tuyên truyền, giới thiệu các ngành nghề, các chính sách, chế độ quy định về tuyển sinh bằng nhiều hình thức như thông báo áp phích, in thành tập sách nhỏ để cơ quan giáo dục và các trường phổ thông làm tài liệu tuyên truyền, vận động giáo dục học sinh.
3. Từ nay, các trường lớp đào tạo công nhân kỹ thuật, trước hết là các trường chính quy của các ngành trung ương phải chuyển dần sang tuyển sinh theo năm học phổ thông như nghị quyết số 99-CP đã quy định. Các bộ, ngành quản lý trường căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo công nhân kỹ thuật phối hợp với các hội đồng tuyển sinh địa phương để tuyển học sinh đi học nghề cùng với việc tuyển sinh vào học đại học, trung học chuyên nghiệp.
Cần đảm bảo tỷ lệ học sinh phổ thông chuyển lớp, chuyển cấp theo đúng kế hoạch phát triển giáo dục hàng năm. Đối với số học sinh phổ thông không đủ điều kiện học tiếp ở trường phổ thông, không đủ điều kiện vào học các trường đại học và trrung học chuyên nghiệp hoặc sau khi học hết lớp 7, lớp 10 phổ thông muốn đi học nghề, các cơ quan lao động kết hợp với Ban dân chính và cơ quan giáo dục dưới sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính các cấp để xét tuyển (thông qua hội đồng tuyển sinh tỉnh, thành phố) vào các trường đào tạo công nhân kỹ thuật. Trên cơ sở tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức lao động về quan điểm chọn ngành nghề đúng đắn, các trường phổ thông cần hướng dẫn học sinh lập hồ sơ lý lịch, thủ tục cần thiết xin đi học nghề nộp cho cơ quan tuyển sinh học nghề.
III - TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
Động viên, giáo dục học sinh phổ thông hăng hái đi học nghề là nhiệm vụ thường xuyên của Ủy ban hành chính các cấp nhằm đảm bảo cung cấp đủ học sinh theo chỉ tiêu kế hoạch đào tạo công nhân kỹ thuật của Nhà nước giao cho địa phương.
Để bảo đảm việc tuyển sinh đào tạo công nhân kỹ thuật từ các trường phổ thông theo năm học, từ nay dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố và các Sở, Ty lao động kết hợp với hội đồng tuyển sinh tỉnh, thành phố và các Sở Ty giáo dục phụ trách toàn bộ công tác tuyển sinh đào tạo công nhân kỹ thuật trong nước và ngoài nước như nghị quyết số 99-CP và chỉ thị số 196-TTg đã quy định.
Giúp Ủy ban hành chính các cấp chỉ đạo thực hiện công tác này, chủ yếu là cơ quan giáo dục và cơ quan lao động địa phương với sự phối hợp chặt chẽ của Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh, đồng thời cần có sự phân công trách nhiệm cụ thể như sau:
a) Các Sở, Ty giáo dục có nhiệm vụ:
- Chỉ đạo và hướng dẫn vận dụng chương trình nội khóa và ngoại khóa trong trường phổ thông để giáo dục nâng cao hơn nữa ý thức về ngành nghề cho học sinh;
- Phối hợp với đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động học sinh phổ thông không đủ điều kiện tiếp tục học và đã thôi học văn hóa, đi học nghề.
b) Các Sở, Ty lao động có nhiệm vụ:
- Phối hợp với các cơ quan kế hoạch; giáo dục, quốc phòng xây dựng kế hoạch, phân phối lao động là học sinh để đảm bảo sự cân đối hợp lý lực lượng lao động, đáp ứng các chỉ tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, công nhân kỹ thuật để phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng;
- Hướng dẫn và cung cấp tài liệu giới thiệu các ngành nghề, quy chế tuyển sinh và thông báo chỉ tiêu, tiêu chuẩn, chính sách và thời gian tuyển sinh đào tạo công nhân kỹ thật cho cơ quan giáo dục và các trường phổ thông cấp II, cấp III để tiến hành tuyên truyền, giáo dục ý thức nghề nghiệp và vận động học sinh đi học nghề theo kế hoạch;
- Tham gia với ngành giáo dục, Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh tổ chức các đợt tuyển trên, vận động và xét tuyển chọn học sinh không đủ điều kiện tiếp tục học văn hóa, thôi học đi học nghề theo kế hoạch của Nhà nước
Để đảm bảo thực hiện tốt nội dung quy định và hướng dẫn trong thông tư này, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính địa phương, các Sở, Ty giáo dục và Sở, Ty lao động cần phối hợp vạch kế hoạch thực hiện thí điểm trước một bước ở một số trường phổ thông cấp II, cấp III, để rút kinh nghiệm phổ biến hướng dẫn các trường thực hiện.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC | K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
Thông tư 03-LĐ/TT-1974 về giáo dục ý thức ngành nghề và hướng dẫn học sinh phổ thông đi học nghề do Bộ Giáo dục- Bộ Lao động ban hành
- Số hiệu: 03-LĐ/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 24/05/1974
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục, Bộ Lao động
- Người ký: Lê Chân Phương, Võ Thuần Nho
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 9
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra