Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2015/TT-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2015

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ GIÁM ĐỊNH KHOA HỌC ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ TẬP LUYỆN THỂ THAO VÀ KIỂM TRA SỨC KHỎE CỦA VẬN ĐỘNG VIÊN

Căn cứ Luật Thể dục, thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao;

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định về giám định khoa học đánh giá trình độ tập luyện thể thao và kiểm tra sức khỏe của vận động viên.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về giám định khoa học đánh giá trình độ tập luyện thể thao và kiểm tra sức khỏe của vận động viên.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám định khoa học đánh giá trình độ tập luyện thể thao và kiểm tra sức khỏe của vận động viên tại Việt Nam.

Điều 3. Giám định khoa học

1. Giám định khoa học đánh giá trình độ tập luyện thể thao của vận động viên (sau đây gọi là giám định khoa học) là việc sử dụng các phương pháp khoa học, kỹ thuật nghiệp vụ và các thiết bị đo lường để kiểm tra, đánh giá tổng hợp về trình độ tập luyện của vận động viên.

2. Hoạt động giám định khoa học thực hiện theo kế hoạch được Tổng cục Thể dục thể thao phê duyệt để phục vụ cho việc kiểm tra, đánh giá trình độ tập luyện của vận động viên, nghiên cứu, ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ vào quá trình đào tạo vận động viên và các hoạt động khác có liên quan đến thể dục thể thao.

3. Tổng cục Thể dục thể thao quyết định danh sách các vận động viên xuất sắc và danh sách các vận động viên chuẩn bị tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội thể thao Châu Á (ASIAD) và Đại hội thể thao Thế giới (Olympic) để tiến hành giám định khoa học.

Điều 4. Kiểm tra sức khỏe

1. Kiểm tra sức khỏe của vận động viên nhằm đánh giá sức khỏe và bệnh tật để xác định điều kiện tham gia tập luyện và thi đấu thể thao của vận động viên.

2. Việc kiểm tra sức khỏe được áp dụng cho các vận động viên thuộc các đội thao quốc gia; vận động viên thuộc các đội thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các ngành và các cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. GIÁM ĐỊNH KHOA HỌC

Điều 5. Hội đồng giám định

1. Việc giám định khoa học do Hội đồng giám định khoa học (sau đây gọi tắt là Hội đồng giám định) thực hiện.

2. Tổng cục Thể dục thể thao quyết định thành lập Hội đồng giám định bao gồm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên; quy định nhiệm vụ, thời gian và chế độ làm việc của Hội đồng giám định.

Tùy theo yêu cầu giám định, thành phần Hội đồng giám định bao gồm các nhà khoa học, bác sĩ, huấn luyện viên trưởng, các chuyên gia thể thao có trình độ chuyên môn phù hợp.

3. Hội đồng giám định hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, công khai về kết quả giám định. Các thành viên của Hội đồng giám định thảo luận tập thể về vấn đề giám định, ý kiến của các thành viên phải được ghi đầy đủ trong biên bản cuộc họp của Hội đồng giám định.

4. Trách nhiệm của Hội đồng giám định:

a) Lựa chọn phương pháp cần thiết, phù hợp để tiến hành giám định khoa học đúng nội dung yêu cầu chuyên môn;

b) Các thành viên chịu trách nhiệm cá nhân về ý kiến giám định của mình và trách nhiệm tập thể về kết quả chung của Hội đồng giám định;

c) Giữ bí mật về kết quả giám định, thông tin và tài liệu giám định.

5. Viện Khoa học thể dục thể thao là thường trực của Hội đồng giám định có trách nhiệm:

a) Đề xuất danh sách thành viên Hội đồng giám định trình Tổng cục Thể dục thể thao xem xét, quyết định;

b) Xây dựng kế hoạch giám định khoa học trình Tổng cục Thể dục thể thao quyết định.

Điều 6. Nội dung giám định khoa học

1. Kiểm tra, đánh giá thể lực, kỹ thuật theo các chỉ tiêu do Hội đồng giám định đề xuất trình Tổng cục Thể dục thể thao xem xét, quyết định.

2. Kiểm tra, đánh giá hình thái theo các chỉ tiêu được Hội đồng giám định lựa chọn trong các chỉ tiêu theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Kiểm tra, đánh giá y sinh học theo các chỉ tiêu được Hội đồng giám định lựa chọn trong các chỉ tiêu quy định Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Kiểm tra, đánh giá tâm lý theo các chỉ tiêu do Hội đồng giám định lựa chọn trong các chỉ tiêu theo quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Kiểm tra sức khỏe theo nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này.

6. Kiểm tra doping: Việc kiểm tra doping thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao. Hội đồng giám định sử dụng kết quả kiểm tra doping nhằm phục vụ cho việc giám định khoa học đánh giá trình độ tập luyện thể thao của vận động viên.

Điều 7. Tổ chức thực hiện Giám định khoa học

1. Hoạt động giám định khoa học được thực hiện hàng năm trên cơ sở Kế hoạch giám định được Tổng cục Thể dục thể thao phê duyệt.

2. Hội đồng giám định triển khai thực hiện việc giám định như sau:

a) Lập đề cương giám định với các nội dung cơ bản sau: xác định các điều kiện chuyên môn, quy định của pháp luật liên quan dự kiến được áp dụng khi thực hiện giám định; thời gian dự kiến hoàn thành giám định; danh sách nhân sự thực hiện giám định, người được phân công chủ trì thực hiện giám định, thông tin về năng lực của các cá nhân thực hiện giám định;

b) Trường hợp cần thiết, Hội đồng giám định đề nghị về việc khảo sát đối tượng giám định để phục vụ công tác lập kế hoạch và thực hiện giám định;

c) Thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung cần giám định;

d) Thực hiện giám định;

đ) Xây dựng kết quả giám định.

3. Trong quá trình thực hiện, Hội đồng giám định phải ghi nhận đầy đủ, trung thực và kịp thời toàn bộ quá trình giám định bằng văn bản. Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện phải được lưu trong Hồ sơ giám định.

4. Hội đồng giám định có quyền sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác có đủ điều kiện, năng lực phù hợp thực hiện nhằm phục vụ cho việc giám định.

Điều 8. Kết quả giám định khoa học

1. Kết quả giám định khoa học của Hội đồng giám định phải được lập thành biên bản do Chủ tịch Hội đồng và các thành viên cùng ký. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày có biên bản giám định, Hội đồng giám định có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Thể dục thể thao về kết quả giám định.

2. Trên cơ sở kết quả giám định khoa học, đối chiếu với các chỉ số giám định khoa học liền kề trước đó (nếu có), Hội đồng giám định báo cáo Tổng cục Thể dục thể thao để xem xét quyết định việc đào tạo, sử dụng vận động viên.

3. Hồ sơ giám định phải được lưu giữ tại Viện khoa học thể dục thể thao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Viện Khoa học thể dục thể thao có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ hồ sơ giám định theo chế độ “Mật”.

Mục 2. KIỂM TRA SỨC KHỎE

Điều 9. Nội dung kiểm tra sức khỏe

1. Nội dung kiểm tra sức khỏe vận động viên: Vận động viên được kiểm tra sức khỏe theo nội dung ghi trong Giấy khám sức khỏe quy định tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 6 tháng 5 năm 2013 của Bộ Y tế Hướng dẫn khám sức khỏe.

2. Thời gian kiểm tra sức khỏe:

a) Kiểm tra sức khỏe theo kế hoạch hàng năm được căn cứ trên mục tiêu, kế hoạch huấn luyện.

b) Kiểm tra sức khỏe bổ sung thực hiện đối với việc tuyển chọn vận động viên mới, vận động viên bắt đầu tập luyện sau thời gian điều trị chấn thương, chuyển tuyến đào tạo và trường hợp do cơ sở đào tạo, huấn luyện yêu cầu.

Điều 10. Cơ quan kiểm tra sức khỏe

Cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp giấy phép và có đủ các điều kiện theo quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 6 tháng 5 năm 2013 của Bộ Y tế Hướng dẫn khám sức khỏe thực hiện việc kiểm tra sức khỏe của vận động viên.

Điều 11. Trách nhiệm của cơ sở đào tạo, huấn luyện

1. Việc kiểm tra sức khỏe của vận động viên do các cơ quan kiểm tra sức khỏe tiến hành theo quyết định của người đứng đầu cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao.

2. Căn cứ kết quả kiểm tra sức khỏe vận động viên, cơ sở đào tạo, huấn luyện có trách nhiệm:

a) Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách vận động viên có đủ sức khỏe, trình độ tập luyện phù hợp với tuyến đào tạo, huấn luyện.

b) Lưu trữ kết quả kiểm tra, đánh giá sức khỏe theo quy định.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí giám định khoa học được bố trí trong ngân sách hàng năm của Tổng cục Thể dục thể thao.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao căn cứ vào quy định của Thông tư này và điều kiện của địa phương, đơn vị mình để quy định và áp dụng việc giám định khoa học đánh giá trình độ tập luyện thể thao cho các vận động viên do mình quản lý.

2. Kinh phí kiểm tra sức khỏe vận động viên do cơ quan trực tiếp đào tạo, huấn luyện quản lý vận động viên bố trí và thực hiện.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

1. Các cơ quan quản lý các cơ sở đào tạo, huấn luyện, tổ chức, cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 8 năm 2015.

2. Bãi bỏ quy định về kiểm tra sức khỏe của vận động viên tại Quyết định số 44/2005/QĐ-UBTDTT ngày 13 tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao về việc ban hành Quy chế đảm bảo y tế cho vận động viên các đội tuyển thể thao.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, cần phản ánh kịp thời về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch Nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- Công báo;Website Chính phủ;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ VHTTDL;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL;
- Sở VHTTDL các tỉnh/thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, TCTDTT, THM (400)

BỘ TRƯỞNG




Hoàng Tuấn Anh

PHỤ LỤC 1

CÁC CHỈ TIÊU VỀ HÌNH THÁI TRONG GIÁM ĐỊNH KHOA HỌC ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ TẬP LUYỆN CỦA VẬN ĐỘNG VIÊN
(Kèm theo Thông tư số 03 /2015/TT-BVHTTDL ngày 03 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

TT

Nội dung

Đơn vị tính

Ghi chú

1

Chiều cao đứng

cm

2

Cân nặng

kg

3

Chiều dài sải tay

cm

4

Chiều dài bàn tay

cm

5

Rộng bàn tay

cm

6

Chiều dài cẳng tay

cm

7

Chiều dài chân

cm

8

Chiều dài cẳng chân

cm

9

Dài gân Asin

cm

10

Vòng ngực MAX

cm

11

Vòng ngực MIN

cm

12

Dày ngực

cm

13

Vòng cánh tay (co duỗi)

cm

14

Vòng đùi

cm

15

Rộng khớp khuỷu

cm

16

Rộng khớp gối

cm

17

Rộng chân

cm

18

Nếp mỡ dưới da

cm

19

Chỉ số Quetelet

20

Chỉ số BMI

Và các chỉ tiêu bổ sung theo yêu cầu từng môn thể thao

PHỤ LỤC 2

CÁC CHỈ TIÊU VỀ Y SINH HỌC TRONG GIÁM ĐỊNH KHOA HỌC ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ TẬP LUYỆN CỦA VẬN ĐỘNG VIÊN
(Kèm theo Thông tư số 03 /2015/TT-BVHTTDL ngày 03 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

TT

Nội dung Test

Đơn vị tính

I. NHÓM CHỈ TIÊU DỰA TRÊN KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM TẾ BÀO MÁU

1

WBC (white blood cell): Bạch cầu ­

103

2

NEU (Neutrophil): Đa nhân trung tính

%

3

LYM (Lymphocyte): Bạch cầu Lympho

%

4

MONO (Monocyte): Mono bào

%

5

EOS (Eosinophil): Đa nhân ái toan

%

6

BASO (Basophil): Đa nhân ái kiềm

%

7

RBC (Red Blood Cell): Hồng cầu

106

8

HGB (Hemoglobin): Huyết sắc tố

gL

9

HCT (Hematocrit): Dung tích hồng cầu

%

10

MCV (Mean corpuscular volume): Thể tích trung bình một hồng cầu

fL

11

MCH (Mean corpuscular hemoglobin): Số lượng hemoglobin trung bình trong một hồng cầu

pg

12

MCHC (Mean corpuscular hemoglobin concentration): Nồng độ hemoglobin trung binh trong một hồng cầu

g/dL

13

RDW (Red (cell) Distribution width): Phân bố hình thái kích thước hồng cầu (khoảng phân bố hồng cầu)

%

14

PLT (Platelet): Tiểu cầu

103

15

MPV (Mean platelet volume): Thể tích trung bình tiểu cầu

fL

16

PCT (Plateletcrit): Thể tích khối tiểu cầu

%

II. NHÓM CÁC CHỈ TIÊU VỀ CHỨC NĂNG ĐÁP ỨNG SINH LÝ CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG CƠ THỂ ĐỐI VỚI LƯỢNG VẬN ĐỘNG TỐI ĐA

1

Huyết áp

2

Công năng tim

3

Thời gian vận động

phút

4

Công suất vận động

WR

5

Chỉ số VO2 (Volum oxygen consumption)

Chỉ số VO2/kg

6

Thể tích CO2 thải ra

l

7

Tần số tim trong vận động (Heart Rate = HR)

8

Chỉ số Oxy/mạch đập tối đa (Maximum oxygen uptake/Heart Rate = VO2 max/HR max)

9

Thông khí phút (Ventivation = VE)

III. NHÓM CÁC CHỈ TIÊU VỀ NĂNG LỰC YẾM KHÍ ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ TẬP LUYỆN

1

Công suất yếm khí tối đa tương đối (Ralative Peak Power Output = RPP)

RPP

2

Công suất yếm khí tối đa tuyệt đối (Relative Total Anerobic Capacity = RAC)

RAC

3

Chỉ số suy giảm năng lượng yếm khí

IV. NHÓM CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ LƯỢNG VẬN ĐỘNG TRƯỚC VÀ SAU BUỔI TẬP NẶNG

1

Hàm lượng Axit lactic trước buổi tập

2

Hàm lượng Axit lactic sau buổi tập

PHỤ LỤC 3

CÁC CHỈ TIÊU VỀ TÂM LÝ TRONG GIÁM ĐỊNH KHOA HỌC ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ TẬP LUYỆN CỦA VẬN ĐỘNG VIÊN
(Kèm theo Thông tư số 03 /2015/TT-BVHTTDL ngày 03 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

TT

Nội dung Test

Ghi chú

I. NHÓM CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ CHỨC NĂNG TÂM LÝ

1

Phương pháp đánh giá thời gian của phản ứng vận động

2

Phương pháp đánh giá khả năng phối hợp vận động test "bốn mươi điểm theo vòng tròn"

3

Phương pháp nhớ lại

4

Phương pháp xác định cường độ và độ ổn định chú ý

5

Phương pháp đánh giá tốc độ và năng lực xử lý thông tin

6

Phương pháp đánh giá tư duy thao tác của vận động viên

7

Phương pháp xác định thăng bằng của hệ thần kinh

8

Phương pháp xác định sức mạnh của hệ thần kinh bằng cách đo thời gian phản ứng với các kích thích có cường độ khác nhau

9

Phương pháp xác định tính thích nghi của hệ thần kinh bằng cách đo tần số ánh sáng nhấp nháy tối đa

10

Phương pháp các định các tính chất của hệ thần kinh theo các dấu hiệu của tính linh hoạt

11

Phương pháp đánh giá khả năng phân tích chủ ý

II. NHÓM PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ TRẠNG THÁI TÂM LÝ

1

Phương pháp xác định trạng thái cảm xúc - XAN TEST

2

Phương pháp đánh giá mức lo lắng của Tr. Spilberger

3

Phương pháp tự đánh giá trạng thái cảm xúc của A.WASHMAN và D. RISH

4

Các phương pháp đánh giá trạng thái cân bằng cảm xúc thông qua các phản ứng sinh lý

5

Phương pháp đánh giá thông qua các chức năng tâm vận động

III. NHÓM CÁC PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN KHÍ CHẤT, TÍNH CÁCH

1

Trắc nghiệm H.J.EYSENCK

2

Phương pháp chẩn đoán các thuộc tính hệ thần kinh của B.A.VIATKIN

3

Một số trắc nghiệm về một số nét tính cách

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 03/2015/TT-BVHTTDL quy định về giám định khoa học đánh giá trình độ tập luyện thể thao và kiểm tra sức khỏe của vận động viên do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

  • Số hiệu: 03/2015/TT-BVHTTDL
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 03/06/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Hoàng Tuấn Anh
  • Ngày công báo: 29/06/2015
  • Số công báo: Từ số 639 đến số 640
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản