Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 1959

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN TRÍCH TIỀN LÃI THƯỞNG CUỐI NĂM

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

- Các ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định.
- Các ông Giám đốc các Sở Lao động và Trưởng ty lao động.

I – MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

Thi hành điều 22 của Bản điều lệ tạm thời về việc thành lập các xí nghiệp tư doanh do nghị định số 708-TTg ngày 20-03-1956 của Thủ tướng phủ ban hành.

Căn cứ tình hình kinh doanh năm nay của các ngành sản xuất tư doanh mà đại bộ phận xí nghiệp tư doanh đã đạt được mức lãi cao hơn tỷ lệ lãi Nhà nước đã quy định.

Căn cứ yêu cầu nhằm nâng cao giác ngộ giai cấp, tăng thêm phúc lợi xã hội của công nhân viên chức trong các xí nghiệp tư doanh.

Năm nay cần tiếp tục hướng dẫn các xí nghiệp tư doanh, sau khi quyết toán cuối năm căn cứ vào số lãi của xí nghiệp đã đạt được mà trích một phần lãi để thưởng cho công nhân viên chức và một phần bỏ vào tích lũy vốn để mở rộng sản xuất và tăng cường thiết bị bảo vệ an toàn lao động, nhằm khuyến khích công nhân viên chức tích cực khắc phục khó khăn đẩy mạnh sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước, đồng thời giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa cho các chủ xí nghiệp tư bản tư doanh, góp phần vào công việc cải tạo xã hội chủ nghĩa công thương nghiệp tư bản tư doanh.

Rút kinh nghiệm việc trích lãi thưởng cuối năm 1957, Ủy ban Hành chính các địa phương cần lãnh đạo việc trích lãi thưởng năm nay cho chặt chẽ, tiến hành nhanh, gọn.

Sau khi đã thống nhất ý kiến với các Bộ có liên quan và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và sau khi được Thủ tướng phủ đồng ý Bộ ra thông tư này để các Ủy ban hành chính địa phương làm căn cứ lãnh đạo việc trích lãi thưởng cuối năm cho công nhân viên chức trong các xí nghiệp tư doanh.

II. NGUYÊN TẮC TRÍCH LÃI THƯỞNG CUỐI NĂM CHO CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC CÁC XÍ NGHIỆP TƯ DOANH

Căn cứ điều 22 của bản điều lệ tạm thời về việc thành lập các xí nghiệp tư doanh đến cuối năm, các cơ sở sản xuất tư doanh sau khi đã quyết toán toàn niên, đã nộp thuế và bù vào các khoản lỗ năm trước (nếu có) số tiền còn lại sẽ phân phối như sau:

1. Trích tối thiểu 10% số lãi để tích lũy vốn và phát triển sản xuất. Cần chú ý để phần tích lũy nhiều càng tốt nhằm tăng cường lực lượng sản xuất của xí nghiệp và thiết bị an toàn bảo hộ lao động.

2. Trích một số để chia lãi cho vốn, tỷ lệ không quá 12% so với vốn (đối với các ngành sản xuất và vận tải) và không quá 8% (đối với ngành xuất nhập khẩu).

3. Sau khi đã trích hai khoản trên, số lãi còn lại sẽ trích để thưởng cho công nhân viên chức như dưới đây:

- Đối với xí nghiệp mà chủ là Công ty thì trích từ 30% đến 40% thưởng cho công nhân viên chức.

- Đối với xí nghiệp mà chủ là cá nhân nhà tư bản kinh doanh thì trích từ 35% đến 45% thưởng cho công nhân viên chức.

III. CÁCH PHÂN PHỐI TIỀN TRÍCH LÃI THƯỞNG CUỐI NĂM TRONG NỘI BỘ CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC

Số tiền công nhân viên chức được trích lãi thưởng cuối năm sẽ chia làm hai phần để sử dụng: một phần thưởng trực tiếp cho công nhân viên chức, một phần bỏ vào quỹ Xã hội của công nhân viên chức ở xí nghiệp. Nói chung, phần lớn bỏ vào quỹ Xã hội. Trừ trường hợp số tiền được chia quá ít thì tùy tình hình thực tế và nguyện vọng của công nhân viên chức mà giải quyết cho thích hợp.

Phần để thưởng trực tiếp cho công nhân viên chức thì căn cứ vào trình độ nghề nghiệp, sức lao động đóng góp vào xí nghiệp và thái độ lao động của mỗi công nhân viên chức mà phân chia cho công bằng hợp lý.

Phần bỏ vào quỹ xã hội của xí nghiệp thì phải được sử dụng hợp lý cho lợi ích tập thể của công nhân và viên chức xí nghiệp. Ban Chấp hành Công đoàn xí nghiệp hoặc đại biểu của công nhân bầu ra (xí nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn) quản lý việc sử dụng quỹ Xã hội.

Việc phân chia tiền trích lãi thưởng cuối năm trong nội bộ công nhân viên chức, cũng như việc sử dụng quỹ Xã hội, sẽ do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn cụ thể.

IV. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THI HÀNH

1. Đối tượng:

Nói chung, tất cả các cơ sở tư doanh có quan hệ lao tư rõ ràng, sau khi quyết toán cuối năm, nếu có lãi từ 5 triệu đồng trở lên thì phải thi hành đầy đủ thông tư này; những xí nghiệp chỉ lãi từ 3 triệu đến 5 triệu thì dựa vào tinh thần thông tư mà hai bên thợ - chủ thương lượng thưởng cuối năm cho công nhân viên chức. Những xí nghiệp khác, tuy có quan hệ lao – tư rõ ràng nhưng mức lãi không quá 3 triệu và những xí nghiệp có tính chất thợ thày, thợ bạn, thủ công gia đình hoặc tập đoàn của công nhân có thuê một ít người giúp việc, thì không thi hành việc trích lãi thưởng cuối năm. (Những xí nghiệp này nếu có tập quán vẫn thi hành theo tập quán).

2. Phạm vi thi hành:

Năm nay việc thực hiện trích lãi thưởng cuối năm chỉ tiến hành trong các ngành sản xuất, vận tải, chiếu bóng và xuất nhập khẩu; các ngành khác thì thưởng theo tập quán nếu có.

V. TRÁCH NHIỆM CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN TRÍCH LÃI THƯỞNG CUỐI NĂM

Việc trích lãi thưởng cuối năm cho công nhân viên chức các xí nghiệp tư toanh, tuy năm rồi đã tiến hành có kết quả và thu một số kinh nghiệm, nhưng không nên vì thế mà cho rằng năm nay không còn gặp nhiều khó khăn phức tạp nữa. Do đó cần phải nắm vững tình hình lỗ lãi thật chính xác, phổ biến chủ trương trích lãi thưởng cho thợ - chủ cho chu đáo, có kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan để tiến hành công tác được tốt.

Các Ủy ban địa phương chịu trách nhiệm lãnh đạo thi hành trích lãi thưởng cuối năm cho sát hoàn cảnh của địa phương mình. Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban, cơ quan Lao động và Liên hiệp Công đoàn phải trực tiếp hướng dẫn thợ - chủ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Công thương, Thuế, Hội Liên hiệp Công thương để có kế hoạch cụ thể tiến hành thống nhất.

Tiếp được thông tư này, mong các địa phương tổ chức phổ biến và có kế hoạch hướng dẫn kịp thời. Trong quá trình thực hiện phải giữ vững nguyên tắc báo cáo thỉnh thị thường xuyên để Bộ góp ý kiến giải quyết.

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG




Nguyễn Văn Tạo

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 02-LĐ/TT năm 1959 hướng dẫn trích tiền lãi thưởng cuối năm do Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 02-LĐ/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/01/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Văn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 03/02/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản