Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 01-LĐ-TT | Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 1956 |
Kính gửi: | - Các ông Chủ tịch UBHC Liên khu Việt bắc, 3, 4, Khu tự trị Thái mèo, Hà Nội, Hải Phòng, Hồng Quảng, Tả, ngạn, khu vực Vĩnh Linh |
Nghị định số 650-TTg ngày 30-12-1955 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các chế độ lương cho công nhân, nhân viên kỹ thuật và công chức;
Bộ ra Thông tư này nhằm mục đích giải thích, hướng dẫn thi hành Nghị định nói trên được kịp thời và kết quả.
I - MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA VIỆC BAN HÀNH CÁC CHẾ ĐỘ LƯƠNG.
Nhiệm vụ trọng yếu trong giai đoạn hòa bình, đấu tranh chính trị hiện nay là khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa để nâng dần mức sống của nhân dân, củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam.
Công nhân, lao động chân tay và trí óc phải ra sức làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy.
Muốn được như vậy, mỗi người công nhân lao động phải cố gắng nâng cao hiệu suất lao động, giữ đúng kỷ luật lao động, thi đua phát triển sản xuất và đề cao cảnh giác bảo vệ sản xuất.
Trong mấy năm kháng chiến, công nhân, lao động cũng như quân đội và các tầng lớp nhân dân khác đã vì lòng thiết tha yêu nước quyết tâm chịu đựng gian khổ, phục vụ tiền tuyến để cho kháng chiến được thắng lợi. Nay lại phải ra sức phục hồi kinh tế thì cũng cần bồi dưỡng một phần sức lao động bị sút kém ấy. Như vậy mỗi người sẽ thêm phấn khởi tích cực thi đua sản xuất thi hành tiết kiệm phát triển nền kinh tế quốc dân.
Kinh tế quốc dân càng phát triển thì sẽ tạo thêm điều kiện để cải thiện sinh hoạt vật chất và văn hóa cho nhân dân.
Mặt khác để sử dụng đúng tài năng của mỗi người, khuyến khích học tập, rèn luyện để tiến bộ về chuyên môn và kỹ thuật và phát huy tinh thần lao động sáng tạo. Chính phủ ban hành các thang lương và những tiêu chuẩn nghề nghiệp để sắp xếp cho đúng mực.
Nói tóm lại, việc sắp xếp và trả lương theo thang bậc mới sẽ có tác dụng bồi dưỡng một phần sinh hoạt cho công nhân, cán bộ và công chức, đồng thời khuyến khích đẩy mạnh sản xuất và công tác.
Căn cứ kết quả việc sắp xếp lần này, sẽ nghiên cứu một chế độ hợp lý hơn, hoàn toàn dựa trên sản xuất và có tác dụng đẩy mạnh sản xuất .
II. – NỘI DUNG VÀ NGUYÊN TẮC THI HÀNH CHẾ ĐỘ LƯƠNG CÔNG NHÂN, NHÂN VIÊN.
A – PHÂN LOẠI TRỌNG YẾU CÁC NGHÀNH SẢN XUẤT :
1 - Nghị định số 650-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chia các ngành sản xuất làm 5 loại. Mỗi loại có những mức lương khởi điểm và mức lương tối đa riêng.
- Việc phân loại này nhằm chiếu cố những công nhân và nhân viên làm ở các ngành sản xuất trọng yếu mà quy mô sản xuất to lớn hơn, tính chất nghề nghiệp khó nhọc hơn và trình độ kỹ thuật tương đối cao hơn những công nhân, nhân viên làm ở các xí nghiệp khác.
Việc phân loại này căn cứ:
a) Theo phương châm phục hồi kinh tế hiện nay mà ấn định thứ tự trọng yếu của các ngành.
b) Theo trình độ tổ chức, trình độ kỹ thuật, tính chất và quy mô sản xuất của các xí nghiệp (cơ khí, bán cơ khí, tiểu công nghệ,vv…)
Phân hạng xí nghiệp :
2. – Trong mỗi loại tùy theo tính chất và quy mô sản xuất của các xí nghiệp mà từng Bộ, từng ngành sẽ chia ra làm 2, 3 hoặc 4 hạng xí nghiệp .
Thí dụ: Trong loại 1(mỏ) có thể chia làm 3 hạng xí nghiệp khác nhau. Mỏ than Hồng Gai xếp vào hạng 1 của loại 1, mỏ Phôt phát Khu 4 xếp vào hạng 2 của loại 1.
Mỗi Bộ, mỗi ngành sau khi đã chia các hạng xí nghiệp trong mỗi loại sẽ đưa sang Bộ Lao động duyệt trước khi thi hành.
Ngành sản xuất nào chưa có tên trong bảng phân loại thì Bộ Lao động sẽ cùng Bộ Sở quan nghiên cứu xếp loại.
3. – Nguyên tắc chiếu cố ngành: Về mức lương chỉ chiếu cố những công nhân và nhân viên chủ yếu là những người phục vụ trực tiếp công việc sản xuất. Thí dụ trong ngành mỏ thì chiếu cố những công nhân làm những công việc trực tiếp về sản xuất than, công nhân tiện, đúc, điện (nếu trong mỏ có nhà máy), vv...Còn nhân viên thì Quản đốc, Đốc công, cán bộ kế hoạch, v.v....
Những công nhân và nhân viên không chủ yếu làm việc ở ngành này hay ngành khác nếu xếp vào một bậc như nhau thì hưởng lương nhua. Thí dụ: quét dọn, gác xưởng, cấp dưỡng, văn thư, v.v....
Mỗi Bộ, mỗi ngành sẽ căn cứ vào tính chất và đặc điểm sản xuất của các xí nghiệp, cùng với Bộ Lao động quy định những công nhân và nhân viên nào thuộc loại chủ yếu.
Nghị định số 650-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành thang lương chính:
1. – Thang lương 8 bậc cho công nhân các xí nghiệp.
2. – Thang lương 17 bậc cho cán bộ dân cư và nhân viên hành chính ở cơ quan.
3. – Thang lương 11 bậc cho cán bộ và nhân viên kỹ thuật.
4. – Thang lương 6 bậc cho lao động thường ở các xí nghiệp.
1. – Thang lương 8 bậc của công nhân:
Trước đây đã bắt đầu sắp xếp công nhân vùng kháng chiến vào thang lương 8 bậc. Từ ngày hòa bình lập lại, những xí nghiệp tiếp quản đã được chỉnh đốn, một số xí nghiệp khác được khôi phục. Nay đến lúc cần xếp tất cả công nhân thuộc các xí nghiệp cũ, xí nghiệp tiếp quản và xí nghiệp mới phục hồi để thống nhất các tiêu chuẩn sử dụng và đãi ngộ theo nghề nghiệp. Việc thống nhất này làm được vì xét về nghề nghiệp thì chưa có nghề nào mới, xét về trình độ kỹ thuật, không có sự chênh lệch quá đáng.
Chính phủ quyết định dùng thang lương 8 bậc để xếp tất cả các hạng công nhân không phân biệt công nhân hưởng chế độ lương thời kỳ kháng chiến, công nhân hưởng chế độ lương lưu dung hoặc chế độ mới tuyển dụng. Sau này sẽ nghiên cứu thống nhất chế độ đãi ngộ.
Tùy theo đặc điểm sản xuất của từng ngành, từng xí nghiệp, mỗi Bộ, mỗi ngành sẽ dựa vào thang lương tiêu biểu 8 bậc mà định thang lương các hàng sản nghiệp cho các loại công nhân và sẽ đưa Bộ Lao động duyệt trước khi thi hành. Thang lương 8 bậc này bố trí lại theo thứ tự mới, từ bậc 8 (thấp nhất) đến bậc 1 (cao nhất).
Những nơi nào đã xếp rồi thì cần sửa lại con số thứ tự của các bậc. Trước đây bậc 1 là bậc thấp, nay bậc 8 là bậc thấp người nhất.
2. – Thang lương nhân viên hành chính và quản trị xí nghiệp:
Bộ Nội vụ đã có Thông tư giải thích về việc xếp bậc cho cán bộ, nhân viên các cơ quan Chính phủ vào thang lương 17 bậc của công chức và nhân viên dân cử.
Nhân viên quản trị và hành chính xí nghiệp sẽ không sắp xếp vào thang lương 17 bậc của công chức.
Nhân viên quản trị và hành chính xí nghiệp gồm có Chánh, Phó giám đốc, Chánh, Phó quản đốc, Trưởng xưởng, nhân viên kế toán, kế hoạch, thống kê, thư ký nhà máy, văn thư, v.v.....
Vì tổ chức của các xí nghiệp lớn nhỏ khác nhau, bộ máy quản lý xí nghiệp về tính chất, quy mô, thành phần cũng không giống nhau, có ngành trong một xí nghiệp lại có nhiều xí nghiệp to, nhỏ khác nhau (như Đường sắt).
Cho nên không định một thang lương hành chính quản trị thống nhất cho tất cả các ngành sản xuất, các xí nghiệp.
Mỗi ngành sẽ dựa vào thang lương 17 bậc của công chức và căn cứ vào đặc điểm sản xuất của từng loại xí nghiệp để định thang lương cho nhân viên quản trị hành chính của các xí nghiệp và đưa sang Bộ Lao động duyệt trước khi thi hành.
Mức lương cao nhất của nhân viên quản trị, hành chính xí nghiệp không được cao hơn mức lương của Giám đốc Nha cao nhất trong các thang lương công chức.
Mức lương của những nhân viên quản trị (Chánh, Phó giám đốc, Chánh, Phó quản đốc, Trưởng xưởng, v.v.....) và nhân viên hành chính thuộc vào loại gián tiếp chủ yếu của xí nghiệp (nhân viên kế hoạch, thống kê, kế toán kỹ nghệ, v.v.....) được chiếu cố ngành theo 5 loại ở phân A.
Những nhân viên quản trị và hành chính ở một số xí nghiệp xây dựng trong kháng chiến, vừa rồi đã được xếp vào thang lương 10 bậc cũ (theo tiêu chuẩn cũ) nay được xếp lại theo thang lương mới do từng Bộ, từng ngành xây dựng.
Những nhân viên hành chính các xí nghiệp tiếp quản hiện hưởng lương theo chế độ lưu dung, nếu tự nguyện, sẽ được xếp vào thang lương mới như công nhân hưởng chế độ lưu dung.
3. – Thang lương 11 bậc của cán bộ và nhân viên kỹ thuật:
Trong thời gian qua, nhân viên kỹ thuật làm việc ở cơ quan đều sắp xếp chung vào một thang lương với cán bộ và nhân viên hành chính. Nhân viên kỹ thuật ở xí nghiệp xếp vào thang lương 10 bậc (từ 3 đến 10) vì vậy việc so sánh giữa các loại này và loại khác, việc đãi ngộ theo công trình đào tạo và sự công hiến của mỗi người chưa được hợp lý. Từ nay để khuyến khích học tập kỹ thuật, và nâng đỡ những người làm công tác kỹ thuật, cán bộ nhân viên kỹ thuật sẽ xếp vào một thang lương riêng gồm 11 bậc từ bậc 11 (thấp nhất) đến bậc 1 (cao nhất). Xếp vào thang lương nhân viên kỹ thuật cần chú ý:
- Tất cả những người làm công tác kỹ thuật từ những người học việc kỹ thuật, những người giúp việc kỹ thuật, nhân viên kỹ thuật trung cấp, và nhân viên kỹ thuật cao cấp dù làm việc ở cơ quan hay xí nghiệp hoặc công trường đều xếp vào thang lương nhân viên kỹ thuật.
- Ở cơ quan mà làm công tác kỹ thuật hoặc phụ trách một cơ quan nghiên cứu về kỹ thuật (thí dụ: Viện trồng trọt) thì mới xếp vào thang lương kỹ thuật. Ở cơ quan mà làm công tác hành chính thì xếp vào thang lương chung của công chức. Thí dụ: một kỹ sư canh nông làm Trưởng ty Tài chính thì xếp theo thang lương công chức.
- Nhân viên quản trị ở xí nghiệp nếu là cán bộ kỹ thuật được xếp vào thang lương nhân viên kỹ thuật. Thí dụ: một kỹ sư làm Phó giám đốc xí nghiệp sẽ được xếp vào thang lương nhân viên kỹ thuật. Trái lại một cán bộ chính trị làm Giám đốc xí nghiệp thì xếp vào thang lương nhân viên quản trị và có thể hưởng lương thấp hơn Phó giám đốc nói trên.
- Mỗi Bộ, mỗi ngành sẽ dựa vào thang lương nhân viên kỹ thuật tiêu biểu 11 bậc, và căn cứ vào tính chất công tác, yêu cầu kỹ thuật cụ thể mà xây dựng thang lương và tiêu chuẩn riêng cho các loại nhân viên kỹ thuật thuộc ngành mình.
Nguyên tắc chung cần chú ý:
1. – Tính chất công việc.
2. – Công trình đào tạo.
3. – Trình độ kỹ thuật.
Không nhất thiết loại nhân viên kỹ thuật nào cũng bắt đầu xếp từ bậc 11 (thấp nhất) đến bật 1 (cao nhất). Thí dụ: có loại nhân viên kỹ thuật chỉ xếp từ bậc 9 đến bậc 3.
Nhân viên kỹ thuật từ một trình độ nhất định đã bắt đầu phục vụ sản xuất có tính chất kỹ thuật thì về mức lương được chiếu cố ngành như công nhân và nhân viên chủ yếu của xí nghiệp theo 5 loại đã định ở trên.
Mức lương cao nhất của nhân viên kỹ thuật cao hơn mức lương của Giám đốc Nha cao nhất trong thang lương công chức.
Nhân viên chuyên môn của các ngành Y tế và Giáo dục sẽ xếp theo thang lương ngành Y tế và thang lương ngành Giáo dục. Bộ Y tế, Bộ Giáo dục sẽ cùng Bộ Nội vụ và Bộ Lao động xây dựng các thang lương riêng này.
Mức lương cao nhất sẽ dựa theo thang lương kỹ thuật.
Những nhân viên kỹ thuật ở xí nghiệp hưởng lương theo chế độ lưu dung, nếu tự nguyện, sẽ được xếp vào thang lương nhân viên kỹ thuật.
4. – Thang lương 6 bậc của lao động thường:
Lao động thường ở xí nghiệp gồm có: Gác cổng, quét dọn, liên lạc, giặt áo quần, cần vụ, giữ ngựa, làm vườn, cấp dưỡng, giữ trẻ, khuân vác, v.v....
Tất cả lao động thường dù làm việc ở xí nghiệp này hay xí nghiệp khác đều xếp vào một thang lương thống nhất gồm 6 bậc từ bậc 6 đến bậc 1 gọi là thang lương lao động thường. Lao động thường làm việc ở cơ quan không xếp vào thang lương này.
Lao động thường về mức lương không có chiếu cố ngành. Dù làm việc ở xí nghiệp này hay xí nghiệp khác nếu cùng ở một bậc thì đều hưởng một mức lương như nhau. Tùy theo công việc nặng nhẹ; nhiều hay ít, khó hay dễ mà xếp bậc trên dưới khác nhau để hưởng lương khác nhau.
Mức lương cao nhất của thang lương lao động thường bằng mức lương bậc 12 của thang lương công chức.
Bộ Lao động sẽ cùng Bộ Nội vụ và các Bộ sử dụng công nhân xây dựng lại tiêu chuẩn và định biểu cấp bậc cho từng loại lao động thường.
C. - MỨC LƯƠNG THẤP NHẤT VÀ LƯƠNG CAO NHẤT:
1. – Lương thấp nhất:
Lương thấp nhất nhằm đảm bảo sinh hoạt tối thiểu cho một người lao động không có nghề chuyên môn sức khỏe trung bình để có thể lao động được bình thường trong điều kiện làm việc bình thường.
Chính phủ đã quy định lương thấp nhất chung cho toàn quốc là 26.000đ mỗi tháng.
Mức lương thấp nhất 26.000 thi hành trong tất cả các cơ quan, xí nghiệp Chính phủ và doanh nghiệp quốc gia. Mức lương này không thi hành trong các xí nghiệp tư nhân.
Lương thấp nhất gồm các khoản ăn, mặc và các chi tiêu khác. Từ nay Chính phủ chỉ trả lương bằng tiền. Các cơ quan Mậu dịch có trách nhiệm bán, cung cấp gạo, vải, muối, củi và giữ vững giá cả những thứ hàng chính để đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu.
2. - Phụ cấp khu vực:
Để chiếu cố đến tình hình sinh hoạt và tính chất trọng yếu về chính trị, kinh tế và xã hội của một thủ đô, Chính phủ đặt một khoản phụ cấp khu vực cho Hà nội bằng 5,8% lương bản thân, lương thấp nhất lĩnh tại Hà nội là 27.500đ.
Đối với những địa phương về sinh hoạt và công tác có tính chất đặc biệt như một số Châu thuộc Khu tự trị Thái mèo phụ cấp khu vực sẽ do Liên Bộ Nội vụ-Lao động-Tài chính quy định sau.
3. – Lương cao nhất:
- Lương cao nhất của cán bộ dân cử và nhân viên hành chính ở cơ quan gấp 6,15 lần lương thấp nhất.
- Tính mức lương bậc 6 là lương cao nhất của nhân viên hành chính tuyển dụng thì gấp 2,65 lần lương thấp nhất.
- Lương cao nhất của công nhân gấp 2,10 lần lương thấp nhất.
- Lương cao nhất của nhân viên kỹ thuật gấp 3,00 lần lương thấp nhất.
- Lương cao nhất của lao động thường gấp 1,40 lần lương thấp nhất.
Bộ Lao động sẽ dựa vào mức lương thấp nhất và cao nhất nói trên, ấn định mức khởi điểm và tối đa cho từng ngành sản xuất theo sự phân loại nói ở phần A. Mỗi ngành sẽ dựa vào mức khởi điểm và tối đa do Bộ Lao động đã định mà bố trí thang lương, mức lương thích hợp với từng loại sản nghiệp.
4. - Mức lương:
a) Sau khi xếp bậc, công nhân và nhân viên sẽ hưởng lương theo các mức lương quy định cho mỗi bậc trong các thang lương kể từ 1-7-1955.
b) Những thợ chuyên môn làm việc ở cơ quan như: tài xế, thợ máy, thợ mộc, v.v..... nếu làm đúng nghề mình, thì sau khi sắp xếp sẽ hưởng mức lương của loại 5 trong thang lương tiêu biểu 8 bậc. Dù làm việc ở cơ quan này hay cơ quan khác, nếu cùng xếp vào một bậc thì đều hưởng lương như nhau.
c) Việc sắp xếp công nhân lưu dung, cần có chuẩn bị đả thông kỹ. Công nhân hưởng lương theo chế độ lưu dung sau khi sắp xếp nếu lương mới thấp hơn lương hiện lãnh thì được tiếp tục hưởng lương hiện tại.
Trái lại nếu lương mới cao hơn lương hiện tại, thì được hưởng lương mới, kể từ ngày chính thức xếp vào bậc mới (không truy lĩnh từ 1-7-1955). Tiền thưởng năng suất của công nhân hưởng lương theo chế độ lưu dung, sẽ tính theo mức lương của ngạch bậc mới sau khi đã sắp xếp.
Những nhân viên hành chính và nhân viên kỹ thuật ở xí nghiệp hưởng lương theo chế độ lưu dung, nếu tự nguyện thì được sắp xếp. Sau khi sắp xếp về mức lương cũng dựa theo nguyên tắc áp dụng đối với công nhân theo chế độ lương lưu dung.
d) Công nhân tuyển dụng vào các xí nghiệp mới phục hồi hoặc mới xây dựng như nhà máy tơ, nhà máy sợi Nam Định, nhà máy xi-măng Hải Phòng, v.v..... sẽ được xếp vào thang lương 8 bậc. Nhưng về mức lương sẽ hưởng một chế độ lương khác không có phần bán cung cấp và phụ cấp xã hội do Bộ Lao động và Bộ Công nghiệp nghiên cứu và quy định.
Hiện nay vì tạm thời còn giữ hai chế độ: bán cung cấp và lưu dung cho nên về các quyền lợi khác như phụ cấp con, phụ cấp sinh đẻ, đau ốm, v.v.... lâu nay công nhân viên hưởng theo chế độ kháng chiến hoặc công nhân, viên hưởng theo chế độ lưu dung, đã hưởng đã hưởng như thế nào thì tạm thời chưa thay đổi.
Trong khi chờ đợi nghiên cứu một quỹ xã hội, tạm thời các khoản phụ cấp xã hội như phụ cấp con vẫn thi hành theo chế độ hiện hành. Những người nào đến nay không được hưởng chế độ phụ cấp con, thì chờ đợi thành lập một quỹ xã hội giải quyết sau.
D. – LƯƠNG CỦA CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG CÁC CÔNG TRƯỜNG:
1. – Lương ở các công trường hiện nay có nhiều chế độ: miền Nam, thất nghiệp, v.v...Để tiến tới thống nhất chế độ. Chính phủ đã ấn định mức lương cho công nhân lao động trên các công trường (trừ dân công) là 27.000đ mỗi tháng, tức là 1.080đ mỗi ngày (Nghị định số 651-TTg ngày 30-12-1955 của Thủ tướng Chính phủ ).
Mức lương 27.000đ mỗi tháng hoặc 1.080đ mỗi ngày là mức lương chung của đại bộ phận công nhân lao động trên công trường. Các ngành sẽ dựa vào mức lương đó và căn cứ vào tính chất công việc của các loại lao động trên công trường, cùng với Bộ Lao động định những mức lương thích hợp để thực hiện chế độ làm khoán.
Đối với những công việc tương đối nhẹ như đan sọt, rổ, làm quang gánh, v.v.... lương chỉ trả ngang với mức thấp nhất chung của cơ quan và xí nghiệp là 26.000đ mỗi tháng hoặc 1.040đ mỗi ngày.
Đối với những công việc nặng nhọc hoặc đòi hỏi ít nhiều kỹ thuật, mức lương sẽ định cao hơn 27.000đ.
2. – Đối với công nhân các thành phố hưởng theo chế độ lương công nhân thất nghiệp hiện nay đã lĩnh 2 cân 500 và 3 cân mỗi ngày, tạm thời giữ nguyên mức lương đó nhưng trả theo giá bình ổn trung bình hàng tháng của địa phương. Khi có điều kiện sẽ thống nhất vào chế độ lương mới của công trường. Thí dụ: khi công trường làm xong công việc, anh em được chuyển đến làm ở một công trường khác thì không giữ nguyên mức lương cũ mà hưởng theo mức lương khoán việc hoặc công nhật của công trường mới.
Hiện nay thời kỳ tiếp quản đô thị đã qua, các công trường và xí nghiệp mở nhiều, đòi hỏi tuyển dụng rất nhiều công nhân lao động. Những công nhân có nghề và đang được đưa dần trở về xí nghiệp. Tình trạng thất nghiệp không còn như ngày mới tiếp quản đô thị. Cho nên chế độ lương thất nghiệp không thể tồn tại nữa.
Thực tế, anh em là những người có công ăn việc làm trên công trường đã một năm nay, không phải là những người thất nghiệp.
3. – Công nhân và nhân viên thuộc biên chế của các ngành làm việc ở các công trường được xếp vào các thang lương và hưởng lương như công nhân và nhân viên ở các xí nghiệp và cơ quan.
4. – Đối với công nhân miền Nam, về lương bổng đều thống nhất vào chế độ lương chung của công trường. Ngoài ra Chính phủ đã có những đãi ngộ đặc biệt như phụ cấp con 20 cân, áo bông, v.v...Các công trường sẽ chú ý chuyển anh chị em miền Nam vào làm các xí nghiệp để trở thành thợ có nghề. Trong khi chuyển dần vào các xí nghiệp để chiếu cố anh chị em miền Nam chưa quen khí hậu. Công nhân miền Nam vẫn tiếp tục hưởng lương tháng.
5. – Nói chung công nhân lao động làm trên công trường đều hưởng theo chế độ công nhật và lương khoán việc (trừ công nhân miền Nam và dân công).
Những ngày chủ nhật, ngày nghỉ về thăm gia đình không hưởng lương.
Những ngày không làm việc được vì mưa bão, lụt, v.v..... công trường sẽ đảm bảo mức ăn cho các loại là 630đ một ngày. Còn cán bộ B và C trong những ngày công nhân nghỉ nếu cũng phải làm việc thì được trả cả lương.
Những ngày lễ chính thức, ngày chuyển quân từ nơi này qua nơi khác, ngày được công trường cử đi học, đi dự hội nghị đều được hưởng cả lương.
Những ngày nghỉ vì đau ốm, cán bộ cũng như công nhân đều được đảm bảo mức ăn 630đ mỗi ngày, chưa kể tiền bồi dưỡng do bác sĩ, y tá đề nghị cấp (nếu có).
Cán bộ phụ trách các bộ phận công tác ở công trường (như cán bộ A, B, C) ngoài lương bản thân được hưởng một khoản phụ cấp chức vụ sẽ quy định sau.
Chế độ lương công trường này thi hành ngày nào, công nhân được hưởng theo chế độ mới ngày ấy, không đặt vấn đề truy lĩnh kể từ ngày ban hành Nghị định Thủ tướng Phủ.
Bộ Lao động sẽ quy định toàn bộ chế độ lao động cho các công trường.
III. – NHIỆM VỤ CỦA CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN CÁC NGÀNH SỬ DỤNG CÔNG NHÂN.
Việc ban hành chế độ lương mới này có một ý nghĩa quan trọng. Các ngành sử dụng công nhân, các cấp chính quyền các cơ quan lao động cần nhận rõ trách nhiệm của mình mà chấp hành nghiêm chỉnh. Phải làm cho mọi người nhận thấy sự chăm nom của Hồ Chủ tịch, Đảng và Chính phủ mà tích cực thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, đề cao cảnh giác bảo vệ xí nghiệp. Mọi người lao động phải cố gắng sửa đổi lề lối làm việc, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh năng suất lao động giảm giá thành, quản lý tốt các xí nghiệp. Muốn được như vậy trong việc sắp xếp phải lãnh đạo chặt chẽ, để cho mọi người được dùng đúng tài năng và thù lao đúng khả năng sản xuất. Nếu có người không dùng đúng chỗ thì phải điều chỉnh cho thích hợp. Không nên cố giữ lại mà trả lương thấp. Nói căn cứ thực tế mà trả lương là trước tiên nói đến việc dùng người, dùng nghề và đúng khả năng.
Phải chú trọng lãnh đạo sắp xếp cho đúng, tránh suy bì rất có hại cho sản xuất, hoặc làm cho chán nản công tác. Kết quả việc sắp xếp và trả lương mới này là làm cho mọi người vui lòng phấn khởi sản xuất. Nhưng đồng thời cũng chú ý tránh bừa bãi mà nhất loạt xếp lên cao quá khả năng thực tế.
Sau đây là những điểm chính về nhiệm vụ và kế hoạch thực hiện. Các ngành, các cấp sẽ dựa vào đó và căn cứ vào tình hình cụ thể của ngành mình, của địa phương mình mà vạch kế hoạch cụ thể thi hành.
1. – Lãnh đạo tư tưởng:
Phải tuyên truyền giải thích, phổ biến rộng rãi, tổ chức học tập mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc và nội dung của chế độ lương mới cho cán bộ và công nhân, nhân viên để quyết tâm và tin tưởng chấp hành. Cần quan niệm rõ, nếu làm được tốt, thì mỗi lần điều chỉnh lương bổng là một dịp giáo dục, nâng cao lập trường tư tưởng, khuyến khích nâng cao trình độ nghề nghiệp cho cán bộ và công nhân, nhân viên, do đó mà càng kích thích công cuộc thi đua phát triển sản xuất.
Việc lãnh đạo tư tưởng phải chặt chẽ, kịp thời. Cần đề phòng những tư tưởng sai lệch sau đây:
a) Sốt ruột, cho công nhân, nhân viên đã chờ lâu ngày, nên làm qua loa vội vàng để cho anh em được hưởng lương mới ngay, mà không chú ý đảm bảo mục đích, ý nghĩa chính trị, không đạt được tác dụng giáo dục công nhân và phát triển sản xuất.
Ngược lại cũng phải đề phòng tư tưởng cầu toàn, để kéo rê thời gian, nhất là công việc vào cuối và đầu năm lại dồn dập làm cho công nhân viên chờ đợi chán nản, sinh ra thắc mắc.
Phương châm tiến hành là phải thận trọng.
b) Coi nhẹ vấn đề, cho việc điều chỉnh lương lần này không cải thiện đời sống cho công nhân được đầy đủ nên kém tin tưởng mà không nhận rõ sự cố gắng của Chính phủ, tác dụng của việc điều chỉnh lương đối với sản xuất, với việc đảm bảo sử dụng công nhân, nhân viên hợp lý cũng như đối với việc giáo dục công nhân, nhân viên.
c) Nặng về cải thiện đời sống cho công nhân, nhân viên không chú ý đến ảnh hưởng đối với ngân sách, đối với sản xuất, dễ dãi trong việc xếp bậc, làm một cách bình quân, bố trí các thang lương và chỉ số quá cao.
d) Cục bộ, cho ngành mình, xí nghiệp mình quan trọng, không nhìn qua các ngành khác, để giữ một tương quan hợp lý giữa các thang lương cũng như trong việc thực hiện xếp bậc cho công nhân, nhân viên.
2. – Lãnh đạo tổ chức thực hiện:
a) Muốn cho việc thực hiện chế độ lương công nhân thu được kết quả tốt, cần phải có sự chuẩn bị tương đối đầy đủ và chu đáo.
Đối với những ngành trước đây chưa thực hiện xếp bậc cho công nhân, nhân viên hoặc đại bộ phận công nhân chưa được sắp xếp (như đường sắt, công nghiệp,v.v....) cần phải tiến hành các bước công tác sau đây:
1. – Tính khoản, nắm tổng số công nhân, tổng số lương cũ và mới, tính lương trung bình để biết rõ tỉ lệ tiền lương tăng bao nhiêu, và so sánh ảnh hưởng ngân sách.
Dựa vào chế độ lương chung, lập đề án lương của ngành mình đưa Bộ Lao đông duyệt. Chú ý:
- Nêu nguyên tắc, phương châm, chủ trương.
- Phân hạng sản nghiệp thuộc ngành mình. Dựa vào mức khởi điểm và tối đa do Bộ Lao động định, định khởi điểm tối đa cho mỗi hạng sản nghiệp.
Bố trí các thang lương thích hợp để sắp xếp công nhân, nhân viên quản trị và hành chính, nhân viên kỹ thuật thuộc ngành mình.
- Xây dựng tiêu chuẩn để sắp xếp công nhân, nhân viên.
2. - Vạch kế hoạch cụ thể tiến hành sắp xếp. Thực hiện thí điểm tổ chức học tập, huấn luyện cán bộ trong ngành.
3. – Tổ chức bộ máy sắp xếp từ Trung ương xuống đến đơn vị.
Thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ máy xếp bậc sẽ quy định sau.
4. – Tổ chức học tập mục đích ý nghĩa, nguyên tắc nội dung chế độ lương, tiêu chuẩn nghề nghiệp cho công nhân viên và tiến hành sắp xếp.
5. – Duyệt các bản xếp bậc, công bố cho toàn thể công nhân, nhân viên thi hành mức lương mới. Nguyên tắc duyệt cấp bậc đã quy định trong điều lệ sắp xếp công nhân của Bộ Lao động: xí nghiệp thuộc cấp nào quản lý thì cấp ấy duyệt bậc cho công nhân xí nghiệp đó.
Về kế hoạch tỉ mỉ và thời gian, mỗi ngành sẽ tùy theo tình hình cụ thể của ngành mình mà định lấy. Nhưng không nên kéo dài thời gian.
b) Đối với những ngành trước đây đã tiến hành sắp xếp công nhân, nhân viên rồi, nay cũng cần soát lại và điều chỉnh cho thích hợp với tinh thần chế độ lương này.
1. – Soát lại các tiêu chuẩn nghề nghiệp, điều chỉnh, bổ sung những điểm không hợp lý hoặc còn thiếu sót, xây dựng những tiêu chuẩn chưa có (chú ý tiêu chuẩn của nhân viên kỹ thuật, nhân viên quản trị, hành chính xí nghiệp).
2. – Soát lại và điều chỉnh các thang lương cho thích hợp nhất là thang lương của nhân viên kỹ thuật, của nhân viên quản trị và hành chính xí nghiệp, của lao động thường.
3. – Soát lại việc xếp bậc đầu năm, điều chỉnh lại cho hợp lý và duyệt các bản sắp xếp của cơ sở.
c) Mấy vấn đề về lãnh đạo cần chú ý:
- Cần có sự phối hợp mật thiết giữa các ngành sử dụng công nhân các cơ quan lao động và Liên hiệp công đoàn địa phương. Các cấp chính quyền Khu, Tỉnh phải thực sự lãnh đạo các cơ quan trên phối hợp chặt chẽ để thi hành đúng đắn chế độ lương mới không khoán trắng cho một ngành.
- Trong khi tiến hành xếp bậc, chủ yếu cán bộ lãnh đạo phải nắm được khả năng của công nhân, nhân viên, đồng thời tranh thủ ý kiến của quần chúng một cách thích đáng để sắp xếp cấp bậc cho anh em được sát.
Việc bình nghị của anh em không có tính chất quyết định. Việc sắp xếp cấp bậc chỉ nên công bố sau khi cấp trên đã duyệt y.
- Trong thời gian chuẩn bị, phải giữ gìn bí mật, để lộ ra sớm ngày nào sẽ không lợi cho sản xuất ngày ấy. Tài liệu đem phổ biến phải có kế hoạch, nên công bố lúc nào, sẽ công bố lúc ấy. Thí dụ: trong khi học tập tiêu chuẩn, tiến hành sắp xếp không nên phổ biến chỉ số mức lương.
- Việc xếp bậc cho công nhân, nhân viên hưởng lương theo chế độ lưu dung, cần phải thận trọng, có sự chuẩn bị đầy đủ chu đáo, dựa vào tinh thần tự nguyện của anh em, không nên làm một cách miễn cưỡng gò ép, gây ảnh hưởng không tốt về phương diện chính trị.
Việc thi hành chế độ lương mới có một ý nghĩa quan trọng. Nó cũng là một động tác tỉ mỉ, phức tạp. Cho nên lãnh đạo phải chặt chẽ, tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Kế hoạch phải cụ thể, sát thực tế, kỷ luật thỉnh thị báo cáo phải giữ vững, làm cho chủ trương kế hoạch thông suốt từ trên xuống dưới.
Các văn bản trước của Bộ trái với tinh thần Thông tư này đều bãi bỏ.
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
- 1Thông tư 03-LĐ năm 1957 tạm thời hướng dẫn thực hiện các loại tiền thưởng áp dụng cho các xí nghiệp quốc gia và quốc doanh do Bộ Lao động ban hành.
- 2Thông tư 19-TT-IP năm 1956 về chế độ lao động trên các công trường do Bộ Lao Động- Bộ Tài Chính ban hành.
- 3Thông tư 03-LĐ-TT năm 1956 hướng dẫn sắp xếp lao động thường ở các xí nghiệp Chính phủ và doanh nghiệp quốc gia vào thang lương 6 bậc do Bộ Lao động ban hành
- 4Thông tư 04-TT-LB năm 1956 về chế độ lao động trên các công trường do Bộ Lao động - Bộ Tài chính - Bộ Kiến trúc và Thuỷ lợi - Bộ Công nghiệp- Bộ y tế ban hành
- 1Nghị định 650-TTg năm 1955 về việc đặt các thang lương để sắp xếp cán bộ, nhân viên và công nhân các cơ quan, xí nghiệp Chính phủ và doanh nghiệp quốc gia do Thủ Tướng ban hành.
- 2Nghị định 651-TTg năm 1955 về định chế độ lương của công nhân làm việc ở các công trường do Thủ Tướng ban hành.
- 3Thông tư 03-LĐ năm 1957 tạm thời hướng dẫn thực hiện các loại tiền thưởng áp dụng cho các xí nghiệp quốc gia và quốc doanh do Bộ Lao động ban hành.
- 4Thông tư 19-TT-IP năm 1956 về chế độ lao động trên các công trường do Bộ Lao Động- Bộ Tài Chính ban hành.
- 5Thông tư 03-LĐ-TT năm 1956 hướng dẫn sắp xếp lao động thường ở các xí nghiệp Chính phủ và doanh nghiệp quốc gia vào thang lương 6 bậc do Bộ Lao động ban hành
- 6Thông tư 04-TT-LB năm 1956 về chế độ lao động trên các công trường do Bộ Lao động - Bộ Tài chính - Bộ Kiến trúc và Thuỷ lợi - Bộ Công nghiệp- Bộ y tế ban hành
Thông tư 01-LĐ-TT năm 1956 hướng dẫn chế độ lương cho công nhân và nhân viên các xí nghiệp Chính phủ, doanh nghiệp quốc gia và công trường do Bộ Lao Động ban hành
- Số hiệu: 01-LĐ-TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 05/01/1956
- Nơi ban hành: Bộ Lao động
- Người ký: Nguyễn Văn Tạo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 1
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra