BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 03-LĐ-TT | Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 1956 |
Kính gửi: | Các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính Liên khu Việt bắc 3, 4, Tả ngạn, Khu tự trị Thái – Mèo, Hà nội, Hải phòng, Hồng quảng, Khu vực Vĩnh linh |
Nghị định số 650-TTg ngày 30/12/1955 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các thang lương để sắp xếp cho cán bộ, công nhân và nhân viên làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp Chính phủ và doanh nghiệp quốc gia; trong đó có thang lương 6 bậc để xếp tất cả lao động thường ở các xí nghiệp Chính phủ và doanh nghiệp quốc gia.
Bộ ra thông tư này nhằm mục đích giải thích và hướng dẫn sắp xếp cho những anh chị em lao động thường vào thang lương 6 bậc.
I- MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA CỦA VIỆC BAN HÀNH THANG LƯƠNG LAO ĐỘNG THƯỜNG
Chính phủ ban hành thang lương lao động thường là căn cứ vào nhu cầu sản xuất và tình hình sử dụng nhân công ở các xí nghiệp hiện nay.
Có những anh chị em phục vụ cho những bộ phận trực tiếp hay gián tiếp sản xuất, không thuần túy một nghề mà làm nhiều công việc khác nhau. Có công việc đòi hỏi sức lao động, có công việc, có công việc tốn ít sức lao động. Có công việc đòi hỏi chuyên môn, lại có công việc đơn giản, không cần chuyên môn lắm.
Vì vậy cần phải chiếu cố đến hoàn cảnh công tác của mỗi loại, mỗi người, sắp xếp cho đúng để việc đãi ngộ được hợp lý.
Cần hiểu rõ:
- Không phải vì để giải quyết vấn đề phụ cấp gia đình mà phải có thang lương “lao động thường”. Vì phụ cấp ai có vẫn tạm giữ như cũ, ai không có vẫn tạm không có. Chờ nghiên cứu để giải quyết vấn đề phụ cấp chung cho các loại công nhân viên, không riêng gì “lao động thường”.
- Cũng không phải thang lương “lao động thường” là không có chuyên môn, không có nghề, mà nó bao gồm cả những công việc đòi hỏi phải có chuyên môn mới làm được.
- Tính chất công tác “lao động thường” là chung cho các loại xí nghiệp. Tính chất thợ chuyên nghiệp (thang lương 8 bậc) phản ánh sự sản xuất của xí nghiệp: “lao động thường ở đâu cũng có, còn thợ chuyên nghiệp là tùy theo tính chất sản xuất của từng loại xí nghiệp sản xuất thứ gì thì cần phải có thợ chuyên nghiệp về nghề đó.
Vì vậy các cấp cần giải thích để anh chị em được xếp vào thang lương này thấy rõ sự cần thiết phải phân biệt các loại công nhân viên trong một xí nghiệp để quy định mức hưởng thụ của từng loại cho tương xứng với sự cống hiến cho nến sản xuất chung. Tránh những quan niệm sai lầm, ảnh hưởng đến công tác.
II- NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN VÀ SẮP XẾP VÀO THANG LƯƠNG “LAO ĐỘNG THƯỜNG”
1.- Do tính chất công việc của mỗi xí nghiệp có nhiều chỗ khác nhau cho nên các ngành, các xí nghiệp cần nắm vững việc xây dựng tiêu chuẩn và áp dụng cho sát.
Xây dựng tiêu chuẩn nhiều hay ít bậc là phải dựa vào hai điều kiện sau đây:
a) Yêu cầu thực tế của công việc trong xí nghiệp.
b) Tính chất công việc nặng hay nhẹ, chuyên môn ít hay nhiều.
Bộ tạm thời ấn định một số bậc cho một số công việc thuộc thang lương “lao động thường “để các ngành căn cứ vào đấy, tùy theo tính chất công tác ở ngành mình, cụ thể hóa các bậc đó ra thành tiêu chuẩn rõ ràng để xếp cho anh chị em. Cũng có những loại công việc không thể có tiêu chuẩn chuyên môn rành mạch (như gác cổng, cần vụ, liên lạc v..v…) thì dựa số bậc đã quy định sau đây rồi tùy phạm vi công việc lớn hay nhỏ, nặng hay nhẹ mà xếp cao hoặc thấp.
1.- Cấp dưỡng tập đoàn và bếp khách sạn …………6 bậc từ 6 đến 1
2.- Khuân vác…………… 5 bậc từ 6 đến 2
3.- Giữ trẻ ……………… 3 bậc từ 6 đến 3
(những người đã qua lớp mẫu giáo thì xếp theo thang lương hành chính)
4.- Gác cổng ……………..2 bậc từ 6 đến 5
5.- Quét dọn……………....2 bậc từ 6 đến 5
6.- Liên lạc……………….2 bậc từ 6 đến 5
7.- Giặt quần áo…………. 2 bậc từ 6 đến 5
8.- Cần vụ………………..3 bậc từ 6 đến 4
9.- Giữ ngựa……………..3 bậc từ 6 đến 4
10.- Làm vườn…………...3 bậc từ 6 đến 4
Những công việc khác chưa quy định ở đây, các ngành sẽ nghiên cứu và cùng với Bộ lao động xét để ấn định.
c) Xếp bậc theo thang lương lao động thường thì dựa vào hai điều kiện dưới đây để xét:
1.-Tính chất và phạm vi công việc đang phục vụ (lớn hay nhỏ, nặng hay nhẹ, khó hay dễ).
2.- Tinh thần phục vụ và hiệu suất công tác.
Việc sắp sếp cho anh chị em chủ yếu là phải chiếu cố đến sự khó nhọc một cách thỏa đáng, không nên khắt khe, cầu toàn, đồng thời cũng cần xét về mặt tinh thần phục vụ có được chu đáo không.
Trong bản tiêu chuẩn cũ của công nhân chuyên nghiệp, xét ra có nhiều công việc nên đưa vào thang lương lao động thường thì đúng hơn. Các ngành, các xí nghiệp nên xem xét để chỉnh lý lại các tiêu chuẩn đó cho thích hợp rồi phản ánh lên Bộ để biết và giúp thêm ý kiến.
Sau đây, Bộ nêu một số công việc ở các bậc 1 của một số nghề đã ghi trong bản tiêu chuẩn để các ngành nghiên cứu, liên hệ với tiêu chuẩn của ngành mình có việc nào nên tách sang lao động thường không?
Ví dụ:- Gánh nước, múc bột, rửa giang, quay bàn ép, v.v…(ngành giấy)
- Tắm rửa trâu bò, chăn dắt, cắt cỏ, dọn chuồng ra phân,v.v…(chăn nuôi)
- Quấy nước, gánh sợi, ngâm sợi, đập sợi, .v.v…(ngành dệt)
- Phát quang, làm cỏ, đánh luống, bón phân, vun xới, v.v…(trồng trọt)
Vì những công việc như thế không đòi hỏi kĩ thuật nhiều, có thể chỉ 5, 10 ngày đã làm được nhưng nó lại tốn nhiều sức lao động. Nếu để vào tiêu chuẩn của công nhân chuyên nghiệp thì chỉ xếp được bậc 1 nhưng đưa sang lao động thường thì tùy công việc nặng nhọc và hiệu suất công tác khá thì có thể xếp cao hơn.
Do đó cần phải xét để chỉnh lý lại cho đúng.
Trên đây là một số vấn đề thuộc về việc sắp xếp cho anh chị em vào thang lương lao động thường, Bộ giải thích thêm để các địa phương lưu ý trong lúc tiến hành. Còn các điểm khác thuộc về chế độ tiền lương nói chung thì các địa phương cần tham khảo thêm Thông tư số 1-LĐ-TT của Bộ gửi về ngày 5-1-1956.
Bộ lưu ý các địa phương nắm vững tinh thần các điểm trên đây để sắp xếp cho anh chị em được kịp thời, đạt kết quả tốt.
Sau đây Bộ gửi kèm theo một số tiêu chuẩn thuộc thang lương lao động thường để các địa phương làm mức hướng dẫn các cơ sở sắp xếp.
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
CẤP DƯỠNG TẬP ĐOÀN VÀ BẾP KHÁCH SẠN
Bậc 6.- Nhặt rau, vo gạo, rửa dụng cụ nấu nuớng ăn uống, nhóm bếp, thu vén quét dọn nhà bếp, nhà ăn.
Hoặc bếp khách sạn: Gọt khoai, nhóm lò, làm gà, vịt, thu dọn chùi rửa dụng cụ nấu nướng.v.v…
Bậc 5.- Biết thổi cơm, mua và nấu món ăn thông thường cho tập đoàn trên dưới 15 người.
Hoặc bếp khách sạn: Biết làm món ăn khác dưới sự chỉ dẫn của người khác như: Hors d’oeuvre, gà nấu marengo, planquette, v.v…
Bậc 4.-Nấu được cơm các nồi to (20, 25, 30) chảo gang, v v…
Biến chế được các món ăn ngon lành như rán, xào, ninh, kho đông, v v…
Làm được các món ăn tẩm bổ cho người ốm
Biết thay đổi các món ăn trong hoàn cảnh khó khăn
Làm được các món dưa nộm, v v…
Biết tính toán, bảo đảm tiêu chuẩn, chợ búa mua sắm cho một tập đoàn nhỏ.
Hoặc bếp khách sạn: làm được món ăn cho một gia đình hay một tổ lưu động. Biết phát món ăn theo menu. Làm được các món ăn dễ như: Gâteau, Sa voie, pâté thường, v v…Tự làm được các món ăn khó như: Hors d’ oeuvre, các thức thịt lợn, gà, dê, cừu, các thứ sauce thường như mayonnaise, bican, dragon, v v…
Bậc 3.- Biết làm thịt các gia súc như: chó, lợn, dê, bò, v v…(phụ nữ thì châm chước)
Hướng dẫn và nấu được các món ăn kỹ thuật ngon lành như giò, nem, chả, quay, hấp, v v…Làm được tương, làm mắm. Nắm được giá thực phẩm trên thị trường (chung quanh cơ quan, xí nghiệp, công trường đóng). Có khả năng thay quản lý trong một tập đoàn ăn trung bình 200 người.
Hoặc bếp khách sạn: Biết được menu hàng ngày, menu tiệc, sắp xếp món ăn trước sau. Biết làm các món ăn khó như: chim, poulet garatine, maintenon, làm chacutterie, làm các sauce khó, v v…làm được các bánh pâté như: Chou à la créme, tarte confiture, v v…
Bậc 2.- Hướng dẫn và nấu được các món ăn đặc biệt như: bóng, mực, vây, thang, cuốn, v v…với tính chất thường xuyên
Hoặc bếp khách sạn: Biết làm menu dài ngày, hành tuần, hàng tháng, chế biến được món ăn nọ thành món ăn kia. Biết làm pâté vành khó như feuillette, mille feuilles, v v…Biết tham bát các món ăn ngoại quốc. Biết các món ăn làm ngon hay hỏng để chữa
Bậc 1.- Nấu được các món ăn ngoại quốc. Biết chế biến đuợc các loại bánh kẹo
Hướng dẫn được nhiều anh chị em tiến bộ về nghề nghiệp.
Hoặc bếp khách sạn: Biết tính toán, ước lượng nguyên vật liệu dùng vào các món ăn: mua bán, tính toán giá cả lỗ lãi. Có khả năng tổ chức các bữa tiệc lớn. hướng dẫn được anh em trong bộ phận mình phụ trách.
Chú ý: Các anh chị em cấp dưỡng phục vụ cho những cán bộ cao cấp, các khách ngoại quốc, các đồng chí chuyên gia v v…thì có thể dựa vào những tiêu chuẩn trên đây và căn cứ vào yêu cầu kỹ thuật của từng nơi mà sắp xếp cho sát. Khả năng kỹ thuật có sử dụng đến thường xuyên thì xếp, trường hợp đột xuất thì không kể. Tiêu chuẩn chính để xét là nấu ăn ngon lành, cải thiện đuợc cho anh chị em.
Bậc 6. – Khuân dọn những hàng nhẹ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong phạm vi xí nghiệp.
Bậc 5. – Khiêng vác những hàng nặng trên dưới 20 cân đi thường xuyên chung quanh xí nghiệp như gánh vôi, cát, khiêng đá, vật liệu, v v…
Bậc 4. – Khiêng vác những hàng hóa trên 30 cân với tính chất thường xuyên.
- Biết cách buộc đòn khiêng cho các hàng nặng hoặc cồng kềnh như: Hòm xiểng, máy móc. Có kế hoạch để bố trí lên xuống các hàng đó ở các phương tiện vận tải được nhanh, gọn.
- Đóng gói được các kiện hàng lớn chu đáo
Bậc 3. – Thường khiêng vác những hàng hóa từ 50 cân trở lên theo nhu cầu của xí nghiệp.
- Dự trù được hợp lý về nhân công và dụng cụ cho những công viêc khuân vác các máy móc phức tạp, nặng nề. Biết đề phòng những hư hỏng, bảo đảm được hàng hóa. Biết sử dụng kích, đòn xeo, con lăn, v v…
- Bậc 2. – Thường xuyên vác những kiện hàng nặng trung bình 100 cân (gạo, xi măng, than, máy, v v…).
Biết sử dụng ba-lăng, tời, v v…
Phụ trách được những tổ khuân vác nhỏ có từ 10 đến 30 người
Chú ý: Sắp xếp cho anh chị em khuân vác thì lấy mức trọng tải là chính, các tiêu chuẩn khác có thể châm chước, không nhất thiết phải biết. Ví dụ: một công nhân thường khuân vác 90c, 100c mà không biết sử dụng kích, ba-lăng cũng có thể xếp bậc 2, nhưng trái lại một công nhân khác biết sử dụng kích, ba-lăng mà chỉ khuân vác được 30 cân và ở xí nghiệp đó ít dùng đến ba- lăng, kích thì cũng chỉ được xếp bậc 4. Nếu trường hợp thường dùng có thể châm chước mức khiêng vác xếp cho tương xứng.
Bậc 6. – Tắm rửa, giặt giũ được sạch sẽ cho trẻ, nấu cháo, quấy bột, pha sữa và cho trẻ ăn uống thông thường
Bậc 5. – Biết trông nom được số cháu theo tiêu chuẩn một người giữ trẻ (từ 2 đến 4 cháu dưới 2 tuổi, từ 4 đến 9 cháu dưới 3 tuổi).
- Trông nom các cháu ăn ngủ, vui chơi có giờ giấc, hiểu biết những điều thường thức về vệ sinh, phòng bệnh, chăm sóc trẻ khi đau yếu, bảo quản đồ dùng và đổ chơi của trẻ.
Bậc 4. – Theo dõi được tính nết của các em, biết phương pháp giáo dục thích hợp cho từng em trong lúc ăn, chơi.
- Biết phòng bệnh và vệ sinh thường thức và chăm sóc các em khi đau yếu theo sự chỉ dẫn của y tá.
- Biết tổ chức và dạy bảo các em tập nói, tập hát
- Có năng lực hướng dẫn công tác cho tổ từ 5 đến 7 nhân viên giữ trẻ.
Bậc 3. – Biết tổ chức và dạy bảo các em những điều thường thức theo chương trình mẫu giáo
- Đề ra những ý khiến xây dựng với xí nghiệp, cơ quan cải tiến công tác nuôi và dạy trẻ
- Phụ trách và hướng dẫn được công tác cho một tổ chức giữ trẻ trung bình từ 10 nhân viên trở lên.
Bậc 6. – Gác những cổng người ra vào tương đối ít phức tạp.
Bậc 5. – Gác những cổng có nhiều người ra vào. Có tinh thần trách nhiệm khá.
Bậc 6. – Quét nhà, lau bàn ghế, lau cửa kính v v …
Bậc 5. – Quét dọn, lau chùi nhà cửa lanh lợi, chăm chỉ. Có tinh thần trách nhiệm tích cực công tác. Phạm vi công tác tương đối rộng, vất vả.
Bậc 6. – Đưa được công văn chu đáo. Công tác tương đối ít vất vả.
Bậc 5. – Đã có tín nhiệm trong công tác, bậcảo đảm được những công văn mật, hỏa tốc, v v…được kịp thời và chu đáo. Tích cực, chịu khó vượt được những khó khăn để bảo đảm công tác.
Bậc 6. – Bảo đảm được việc giặt những quần áo sạch sẽ, với số lượng tương đối ít.
Bậc 5. – Giặt và là được những quần áo âu phục được chu đáo với số lượng tương đối nhiều.
Bậc 6. – Chăm sóc giúp đỡ cán bộ trong những việc thông thường về ăn uống, nghỉ ngơi, quần áo, v v...
Bậc 5. – Tháo vát, có tinh thần trách nhiệm, có tín nhiệm trong việc phục vụ
Bậc 4. – Tùy nhu cầu và hiệu suất công tác tinh thần phục vụ, có thể xét để xếp.
Bậc 6. – Cắt cỏ, tắm ngựa dọn chuồng, v v...cho 1 con ngựa.
Bậc 5. – Chăm nom săn sóc được 1 hay 2 con ngựa. Biết tắm, chải và cúp cho ngựa. Giữ vệ sinh và phòng bệnh cho ngựa ốm những bệnh thông thường.
Chú ý: Bộ chỉ nêu lên một số tiêu chuẩn để làm ví dụ, các ngành, các xí nghiệp tùy theo nhu cầu và năng lực của anh chị em để sắp xếp cho tương xứng. Không phải cứng nhắc áp dụng các tiêu chuẩn trên đây nhưng cũng không thể vượt ra ngoài số bậc đã quy định cho từng việc.
- 1Nghị định 651-TTg năm 1955 về định chế độ lương của công nhân làm việc ở các công trường do Thủ Tướng ban hành.
- 2Thông tư 01-LĐ-TT năm 1956 hướng dẫn chế độ lương cho công nhân và nhân viên các xí nghiệp Chính phủ, doanh nghiệp quốc gia và công trường do Bộ Lao Động ban hành
- 3Nghị định 119-NĐ-P3 năm 1956 quy định việc xếp các công nhân, nhân viên tuyển dụng chính thức từ ngày hòa bình lập lại đến nay, làm việc ở xí nghiệp đóng tàu Nam định, Hải phòng, Quốc doanh vận tải Thủy, Cảnh Hải phòng, Ty tàu cuốc vào các thang lương chung do Bộ trưởng Bộ giao thông và Bưu điện ban hành
- 1Nghị định 650-TTg năm 1955 về việc đặt các thang lương để sắp xếp cán bộ, nhân viên và công nhân các cơ quan, xí nghiệp Chính phủ và doanh nghiệp quốc gia do Thủ Tướng ban hành.
- 2Nghị định 651-TTg năm 1955 về định chế độ lương của công nhân làm việc ở các công trường do Thủ Tướng ban hành.
- 3Thông tư 01-LĐ-TT năm 1956 hướng dẫn chế độ lương cho công nhân và nhân viên các xí nghiệp Chính phủ, doanh nghiệp quốc gia và công trường do Bộ Lao Động ban hành
- 4Nghị định 119-NĐ-P3 năm 1956 quy định việc xếp các công nhân, nhân viên tuyển dụng chính thức từ ngày hòa bình lập lại đến nay, làm việc ở xí nghiệp đóng tàu Nam định, Hải phòng, Quốc doanh vận tải Thủy, Cảnh Hải phòng, Ty tàu cuốc vào các thang lương chung do Bộ trưởng Bộ giao thông và Bưu điện ban hành
Thông tư 03-LĐ-TT năm 1956 hướng dẫn sắp xếp lao động thường ở các xí nghiệp Chính phủ và doanh nghiệp quốc gia vào thang lương 6 bậc do Bộ Lao động ban hành
- Số hiệu: 03-LĐ-TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 21/01/1956
- Nơi ban hành: Bộ Lao động
- Người ký: Nguyễn Văn Tạo
- Ngày công báo: 10/02/1956
- Số công báo: Số 2
- Ngày hiệu lực: 05/02/1956
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định