Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 51-TTg/NC

Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 1965

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHẤP HÀNH CÁC CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Từ trước đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chế độ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ. Các chính sách, chế độ ấy đã được các cơ quan Nhà nước và nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành; số đông thương binh và gia đình liệt sĩ đã ổn định được đời sống, phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, tích cực tham gia sản xuất và công tác, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nêu lên nhiều gương rất sáng về sản xuất, chiến đấu, công tác và nếp sống cho mọi người chúng ta học tập.

Tuy nhiên, cũng còn một số thương binh, gia đình liệt sĩ còn gặp khó khăn trong đời sống do việc chấp hành chính sách ở một vài nơi còn có thiếu sót. Sau một quá trình thực hiện chính sách, hiện nay có một số vấn đề cần được quy định thêm, để chính sách đối với thương binhvà gia đình liệt sĩ được thích hợp với tình hình mới. Mặt khác, nhân dân ta hiện nay lại đang chiến đấu quyết liệt với kẻ thù hung ác nhất là đế quốc Mỹ, do đó sẽ có thêm thương binh và liệt sĩ mới. Tình hình trên đây đòi hỏi chúng ta phải làm tốt hơn nữa công tác đối với thương binhvà gia đình liệt sĩ để thể hiện sự quan tâm, săn sóc đầy đủ của Đảng và Nhà nước đối với những người có công lao với Tổ quốc, và động viên tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân đội và nhân dân ta. Nhằm mục đích ấy, Hội đồng Chính phủ đã quyết nghị một số vấn đề sau đây đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

I. VỀ THÁI ĐỘ VÀ PHƯƠNG HƯỚNG GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ

Trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, thương binh và liệt sĩ là những người đã hy sinh xương máu, hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Nhân dân ta, Nhà nước ta có trách nhiệm tạo cho thương binh và gia đình liệt sĩ có một đời sống tốt, làm cho thương binh và gia đình liệt sĩ luôn luôn được “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần”, tạo điều kiện cho thương binh và gia đình liệt sĩ sử dụng được khả năng lao động của mình vào những công việc có ích cho xã hội, tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, đem hết khả năng của mình góp sức vào sự nghiệp chung của dân tộc. Phải làm cho các cơ quan Nhà nước, cán bộ và nhân dân thấu suốt tinh thần đó, bảo đảm thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ theo phương hướng nhưsau:

- Phải dựa vào nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân nhiệt tình săn sóc, giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ, coi đó là nghĩa vụ của mình;

- Nhà nước phải tích cực giúp đỡ, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đã quy định;

- Phải động viên thương binh và gia đình liệt sĩ phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, đem hết khả năng của mình tham gia sản xuất và công tác để ổn định đời sống của mình và góp phần xây dựng Tổ quốc.

II. VỀ VIỆC SẮP XẾP VIỆC LÀM, ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG CHO THƯƠNG BINH VÀ BỆNH BINH

Khi thương binh đã chữa lành vết thương, bệnh binh đã chữa khỏi bệnh nhưng không đủ điều kiện sức khỏe để tiếp tục phục vụ trong quân đội, Bộ Quốc phòng sẽ cho xuất ngũ, chuyển sang cho Bộ Nội vụ quản lý để có kế hoạch sắp xếp công việc làm, ổn định đời sống cho anh em. Trong thời gian chờ đợi sắp xếp, anh em thương binh và bệnh binh được lĩnh lương hoặc sinh hoạt phí như khi còn ở trong quân đội. Tùy theo điều kiện của từng người, anh em sẽ được sắp xếp theo hướng nhưsau:

1. Những thương binh có thương tật nặng, không còn khả năng lao động sẽ được đưa vào trại thương binh hoặc đưa về địa phương để an dưỡng tại gia đình.

2. Những thương binh và bệnh binh còn khả năng lao động, có gia đình ở địa phương, sẽ được chuyển về Ủy ban hành chính địa phương để tạo điều kiện cho anh em tham gia sản xuất, công tác. Các hợp tác xã cần dành những công việc thích hợp cho thương binh, bệnh binh làm (theo như chỉ thị số 445-TTg ngày 14-12-1959 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách giúp đỡ thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp).

3. Những thương binh và bệnh binh là người dân tộc thiểu số, nếu quê ở miền Nam thì được chuyển sang Ủy ban dân tộc để đào tạo thành cán bộ người dân tộc; nếu quê ở miền Bắc thì được chuyển về Ủy ban hành chính tỉnh nơi quê quán để tạo điều kiện cho anh em tham gia sản xuất, công tác hoặc để đào tạo thành cán bộ người dân tộc.

4. Những thương binh và bệnh binh không có điều kiện về địa phương, tùy khả năng của từng người, có thể được sắp xếp vào làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước theo những quy định sau đây:

a) Nói chung, mỗi cơ quan, xí nghiệp Nhà nước phải thu nhận thương binh và bệnh binh theo tỷ lệ khoảng 5% biên chế của mình, phải dành hẳn những công việc thích hợp cho thương binh, bệnh binh làm. Bộ Nội vụ và Bộ Lao động nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt danh sách những công việc sẽ dành hẳn cho thương binh, bệnh binh làm. Riêng đối với những thương binh, bệnh binh trước khi nhập ngũ đã công tác ở cơ quan, xí nghiệp nào thì cơ quan, xí nghiệp đó có trách nhiệm tiếp nhận anh em trở lại làm việc. Bộ Nội vụ và Bộ Lao động chịu trách nhiệm kiểm tra việc các cơ quan, xí nghiệp tuyển dụng thương binh, bệnh binh theo tỷ lệ nói trên, và bàn bạc với các cơ quan, xí nghiệp đó để sắp xếp công việc làm thích hợp cho thương binh, bệnh binh.

b) Trước khi vào làm việctrong các cơ quan, xí nghiệp, nếu xét thấy cần thiết, anh em thương binh, bệnh binh có thể được qua một thời kỳ học tập nghề nghiệp.

Các trường bổ túc văn hóa, trường nghiệp vụ, trường chuyên nghiệp của các ngành, các địa phương phải dành mỗi khóa một số chỗ để nhận anh em vào học. Bộ Nội vụ có thể mở một số lớp để dạy anh em học những nghề mà không có ngành nào phụ trách đào tạo.

Trong thời gian học nghề, thương binh, bệnh binh mới ở trong quân đội chuyển ra, được hưởng lương hoặc sinh hoạt phí như cán bộ, quân nhân đi học; thương binh, bệnh binh đã về địa phương rồi được hưởng sinh hoạt phí như thương binh ở trại thương binh.

c) Khi cơ quan, xí nghiệp Nhà nước cho thương binh, bệnh binh thôi việc (về hưu, thôi việc vì mất sức lao động hoặc bị thi hành kỷ luật…) thì trước khi quyết định, phải trao đổi ý kiến với cơ quan quản lý thương binh.

5. Cùng với việc sắp xếp cho thương binh, bệnh binh vào làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước, Bộ Nội vụ có trách nhiệm tổ chức các cơ sở sản xuất để thu nạp một số thương binh và bệnh binh. Các cơ sở sản xuất này do thương binh, bệnh binh tự quản lývà có sự giúp đỡ của Nhà nước, được hưởng một số chế độ ưu đãi như sau:

- Được Nhà nước dành cho một số ngành, nghề hợp với khả năng và sức khỏe của thương binh, bệnh binh;

- Được Nhà nước giúp đỡ xây dựng cơ sở sản xuất (xây dựng cơ bản, mua máy móc, thiết bị), giải quyết một số khó khăn trong buổi đầu để ổn định sản xuất hoặc trong quá trình hoạt động để duy trì sản xuất;

- Được vay vốn dài hạn và ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước theo như chế độ đã quy định, với mức lãi thấp nhất;

- Được chiếu cố trong việc đóng thuế, mua nguyên liệu, vật liệu và định giá gia công theo chế độ đã quy định.

Về từng vấn đề trên đây Bộ Nội vụ sẽ bàn bạc cụ thể với các cơ quan có liên quan (Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Nội thương, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Ủy ban vật giá Nhà nước…) để giải quyết.

Đối với những thương binh, bệnh binh đã được về địa phương, Bộ nội vụ sẽ tuỳtình hình cụ thể, áp dụng những biện pháp trên đây cho thích hợp.

III. VỀ VIỆC BỔ SUNG MỘTSỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ

1. Chế độ trợ cấp khó khăn:

Khi thương binh, bệnh binh gặp khó khăn về đời sống, Ủy ban hành chính ở cấp cơ sở phải tìm mọi biện pháp giúp đỡ. Sau khi chính quyền và nhân dân địa phương đã tận tình giúp đỡ mà đời sống của anh em vẫn còn khó khăn, thì Nhà nước sẽ trợ cấp thêm để anh em giữ được mức sinh hoạt bình thường.

Mức trợ cấp mỗi lần không quá 60 đồng; một năm không quá hai lần, trừ trường hợp đặc biệt.

Việc trợ cấp này do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố nơi thương binh cư trú xét và quyết định,

2. Chế độ cung cấp lương thực, vải, đường

a) Lương thực: Đối với thương binh ở nông thôn, Ủy ban hành chính địa phương cần tích cực tạo điều kiện cho anh em và vợ, con tham gia sản xuất để có đủ lương thực. Gặp trường hợp còn thiếu lương thực cho bản thân anh em và gia đình, thì hợp tác xã phải điều hòa theo giá thu mua của Nhà nước. Nếu hợp tác xã không điều hòa đủ, thì Nhà nước sẽ bán phần còn thiếu theo giá cung cấp.

Cách giải quyết trên đây cũng được áp dụng đối với những gia đình liệt sĩ thuộc diện được trợ cấp tiền tuất hàng tháng (theo Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân trong khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết…) hoặc thuộc diện được trợ cấp khó khăn thường xuyên (theo nghị định số 14-CP ngày 2-2-1962 của Hội đồng Chính phủ).

b) Vải: Thương binh về địa phương được cấp phiếu vải như nhân dân địa phương và được bán theo giá cung cấp như công nhân, viên chức Nhà nước.

Đối với một số trường hợp đặc biệt (như thương binh điên, thương binh dùng chân giả…) cần cấp thêm vải, Bộ Nội thương sẽ quy định cụ thể.

c) Đường: Bộ Nội thương sẽ quy định chế độ bán đường cho thương binh theo hạng thương tật và cho quân nhân phục viên mất sức lao động.

3. Các chế độ ưu đãi khác đối với thương binh.

Trước đây, Chính phủ đã ban hành chế độ trợ cấp thương tật và một số chế độ ưu đãi đối với thương binh. Gần đây, Hội đồng Chính phủ lại ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân trong khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết… trong đó có quy định một số chế độ, trợ cấp thương tật mới (thi hành đối với thương binh bị thương vì chiến đấu với địch từ 1-1-1961 trở về sau và thương binh bị thương vì làm nhiệm vụ từ khi hòa bình được lập lại mà chưa hưởng chế độ trợ cấp thương tật cũ) và một số chế độ ưu đãi đối với thương binh mà chính sách trước đây chưa quy định.

Để tiến tới thống nhất chính sách đối với thương binh, Hội đồng Chính phủ quyết định, ngoài chế độ trợ cấp thương tật (bao gồm cả trợ cấp vì cần người phục vụ, trợ cấp vì có hành động dũng cảm), còn các chế độ ưu đãi khác đều được áp dụng chung đối với thương binh trong thời kỳ kháng chiến cũng như từ khi hòa bình lập lại. Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể để thi hành tốt các chế độ ưu đãi này.

4. Về chế độ ưu đãi đối với dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương vì chiến đấu với địch trong thời kỳ kháng chiến, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ bị thương vì chiến đấu với địch từ khi hòa bình lập lại.

Ngoài chế độ trợ cấp thương tật đã quy định và các chế độ ưu đãi dành riêng cho thương binh (như huy hiệu thương binh, miễn bưu phí…) còn các chế độ ưuđãikhác đối với thương binh đều được áp dụng đối với dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương vì chiến đấu với địch trong thời kỳ kháng chiến và quân nhân dự bị, dân quân tự vệ bị thương vì chiến đấu với địch từ khi hòa bình lập lại.

5. Về chế độ chữa bệnh cho thương binh, bệnh binh.

Khi thương binh, bệnh binh đau ốm, đến chữa ở bệnh viện, các bệnh viện phải ưu tiên thu nhận anh em và thi hành đúng chế độ chữa bệnh đã quy định.

6. Một số chế độ ưu đãi đối với gia đình liệt sĩ và gia đình của thương binh tàn phế.

Ngoài việc thi hành chế độ trợ cấp đối với gia đình liệt sĩ theo nghị định số 14-CP ngày 2-2-1962 của Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính địa phương có trách nhiệm vận động nhân dân tương trợ giúp đỡ các gia đình liệt sĩ ổn định đời sống. Đặc biệt đối với các con liệt sĩ, các Ủy ban hành chính địa phương có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, vận động các bà con thân thuộc, các đoàn thể nhân dân đỡ đầu, trông nom săn sóc để các cháu được ăn học chu đáo (chú trọng tạo điều kiện cho các cháu có khiếu thông minh có thể vào học ở các trường chuyên nghiệp hoặc đại học). Bộ Quốc phòng cần nghiên cứu tổ chức trường thiếu sinh quân để thu nhận các cháu.

Cha, mẹ (đẻ), vợ, con (dưới 18 tuổi) của liệt sĩ; vợ, con (dưới 18 tuổi) của thương binh hạng I, hạng đặc biệt (cũ), thương binh hạng 6, hạng 7, hạng 8 (mới) khi ốm đau, vào chữa ở bệnh viện, được miễn viện phí (gồm tiền ăn theo mức ăn của nhân dân, tiền thuốc và tiền bồi dưỡng, nếu có).

Những thân nhân của liệt sĩ thuộc diện được trợ cấp tiền tuất hàng tháng (theo Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân trong khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết…) hoặc phải có sự giúp đỡ thường xuyên của nhân dân và của Nhà nước (theo nghị định số 14-CP ngày 02-02-1962 của Hội đồng Chính phủ), khi chết sẽ được Nhà nước giúp đỡ chôn cất chu đáo.

Việc trợ cấp do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố nơi gia đình liệt sĩ cư trú xét và quyết định.

Để thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, Bộ Nội vụ, các ngành có liên quan, các đoàn thể nhân dân phải quan tâm đầy đủ đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Các Ủy ban hành chính địa phương dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ trong địa phương mình; phải đưa vấn đề ra bàn ở Hội đồng nhân dân, huy động các ngành, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể nhân dân để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và thực hiện tốt các chính sách, chế độ ấy; phải thường xuyên kiểm tra; đôn đốc, kịp thời uốn nắn những lệch lạc, thiếu sót.

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Duy Trinh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 51-TTg/NC-1965 về việc tăng cường chấp hành các chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 51-TTg/NC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/05/1965
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Duy Trinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản