Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 526/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2007

 

THÔNG BÁO

NỘI DUNG CUỘC HỌP GIỮA THỨ TRƯỞNG NGÔ THỊNH ĐỨC VỚI ĐOÀN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI (WB) VỀ CÁC DỰ ÁN ĐANG THỰC HIỆN, CHUẨN BỊ VÀ DANH MỤC CÁC DỰ ÁN GTVT TRONG TƯƠNG LAI DO WB TÀI TRỢ

Ngày 14/11/2007 tại Bộ GTVT, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã chủ trì cuộc họp với Bà Hoonae Kim Vụ trưởng Vụ Phát triển Bền vững Ngân hàng Thế giới về tình hình triển khai các dự án GTVT đang chuẩn bị, thực hiện và danh mục dự án GTVT trong tương lai do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Tham dự cuộc họp có đại diện WB, Vụ KHĐT, Vụ HTQT, Cục Giám định & QLCL CTGT, Cục Đường bộ VN, Cục Đường sông VN, Ban QLCDA Đường thủy và Ban QLDA-II.

Mở đầu, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) trình bày kết quả thực hiện, tình hình giải ngân, ngày đóng Hiệp định các dự án đang triển khai và một số vướng mắc đối với các dự án sắp ký Hiệp định như: Thiết kế cơ sở của Dự án Phát triển GTVT đồng bằng Bắc bộ (NDTDP), tư cách pháp lý của Ban QLCDA ĐT để thực hiện Dự án, phí quản lý dự án cho các ban QLDA làm công tác điều phối chung cho những Dự án có nhiều chủ đầu tư và việc thực hiện đấu thầu trước các gói thầu của Dự án ngay trong thời gian chuẩn bị Dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện ngay sau khi Hiệp định tín dụng có hiệu lực.

WB cũng thông báo tình trạng hiện tại, trong nội dung Chiến lược Hợp tác Quốc gia của Việt Nam năm 2007-2011 do WB xuất bản và cập nhật không có các dự án GTVT gối đầu để chuẩn bị tiếp theo cho tài khóa 2009.

Sau khi nghe đại diện Ngân hàng Thế giới trình bày, Thứ trưởng đã thống nhất với nhận định của WB về việc chậm tiến độ và giải ngân của các dự án vay vốn WB trong thời gian qua và có lời cảm ơn vì WB đã chấp thuận bổ sung 25 triệu USD vốn cho Dự án WB3 để thực hiện đồng bộ và hiệu quả Dự án. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đưa ra tình trạng chậm tiến độ và giải ngân chung của tất cả các dự án GTVT vay vốn các Nhà tài trợ khác và vốn Ngân sách Nhà nước. Thứ trưởng nêu một số nguyên nhân khách quan và chủ quan chính như sau:

- Chế độ, chính sách của Nhà nước thay đổi liên tục trong thời gian vừa qua đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, có một số luật, chính sách phải thay đổi theo thoả thuận bắt buộc. Trong đó có nhiều văn bản pháp qui liên quan đến định mức vật tư, nhân công và máy móc phục vụ cho công tác xây lắp công trình, phí và các quy định liên quan đến công tác quản lý dự án và chế độ chính sách liên quan đến GPMB.

- Một lý do khác là các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực GTVT tại Việt Nam chưa có đủ kinh nghiệm thực hiện và năng lực về tài chính còn các doanh nghiệp Nhà nước có đủ kinh nghiệm thực hiện các Dự án xây dựng công trình GTVT nhưng do ở trong tình trạng bao cấp quá dài nên thiếu hiểu biết về cạnh tranh dẫn đến kinh doanh thu lỗ, nợ kéo dài, không có khả năng tài chính để quản lý, thực hiện các dự án lớn như các dự án vay vốn WB.

- Năng lực cán bộ địa phương thực hiện công tác GPMB còn yếu, chưa cập nhật các văn bản pháp qui, chính sách, chế độ mới dẫn đến người dân khiếu kiện kéo dài càng làm chậm tiến độ GPMB (đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm tiến độ).

Về các vướng mắc trong khi thực hiện dự án:

- Với các dự án có nhiều Chủ đầu tư, Ban QLDA dự án thực hiện công tác tổng hợp báo cáo và điều phối cần được bổ sung kinh phí cho công việc điều phối chung vào chi phí Ban QLDA theo quy định thông thường. Bộ GTVT Giao Vụ KHĐT có văn bản Bộ gửi Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương về đề xuất trên (cụ thể trường hợp của Ban QLDA ĐT tại Dự án WB5).

- Bộ GTVT đề nghị WB làm việc thêm với các cơ quan Chính phủ để điều chỉnh các văn bản pháp qui hiện hành liên quan đến Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản cho phù hợp với thực tiễn, rút ngắn thời gian chuẩn bị, đặc biệt công tác đấu thầu và chỉ định thầu đối với công tác chuẩn bị dự án.

- Nếu được WB nhất trí, Bộ GTVT sẽ làm việc với các cơ quan liên quan của Chính phủ tham mưu để Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng vốn trong nước chuẩn bị Dự án trước, sau đó kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà tài trợ, đặc biệt là WB (vì thời gian chuẩn bị cho các dự án vay vốn WB thường kéo dài 2 đến 3 năm).

- Hạng mục Xây dựng Quĩ Bảo trì đường bộ thuộc Dự án WB4 hiện chưa triển khai, Bộ GTVT đề nghị WB hỗ trợ làm việc với các Bộ ngành khác đặc biệt là Bộ Tài chính để triển khai thực hiện vì hiện tại kinh phí cho công tác Bảo trì được Bộ Tài chính phân bổ chỉ đạt 30% yêu cầu. Trong thời gian tới khi hàng loạt các công trình được đầu tư mới đi vào khai thác kinh phí cho bảo trì sẽ càng tăng lên và sự thiếu hụt vốn cho bảo trì chắc chắn sẽ càng trầm trọng hơn.

- Về hạng mục đầu tư các tuyến hành lang đường thủy chính trong Dự án Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Bộ nhất trí chọn tuyến ven biển Hải Phòng - Ninh Bình ra cửa sông Ninh Cơ và bổ sung nâng cấp cải tạo Cửa sông Đáy. Bộ GTVT Giao Cục Đường sông và ban QLCDA ĐT sớm đề xuất để Bộ có tờ trình TTgCP bổ sung danh mục cho Dự án. Để Dự án được triển khai nhanh, thống nhất WB và phía Chính phủ sẽ cùng phê duyệt song song về các vấn đề (môi trường, GPMB, tái định cư…).

Về đề xuất các dự án trong tương lai:

- Bộ GTVT mong muốn tiếp tục nhận được sự tài trợ của WB bằng nguồn vốn ưu đãi (IDA) và các hỗ trợ kỹ thuật khác cho xây dựng công trình GTVT.

- TTgCP đã có Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 11/4/2007 về việc phê duyệt danh mục đầu tư một số dự án GTVT đến năm 2020, Bộ GTVT cũng có Quyết định số 2667/QĐ-BGTVT ngày 30/8/2007 về danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT. Bộ GTVT đề nghị WB nghiên cứu hỗ trợ vốn vay và giúp Bộ GTVT lựa chọn những dự án tiềm năng có thể đầu tư bằng các phương thức khác nhau.

- Trước mắt Bộ GTVT đề xuất được WB hỗ trợ vay vốn cho các dự án sau:

+ Dự án Nâng cấp mạng lưới đường bộ giai đoạn II (RNIP-II)

+ Dự án Bảo trì mạng lưới Quốc lộ trên toàn Quốc (Dự án sẽ được phân giai đoạn theo kế hoạch kinh doanh và bảo trì đã được phê duyệt để phù hợp với nguồn vốn và nhu cầu);

+ Dự án Nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1 giai đoạn II từ Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh (đây là con đường huyết mạch, hiện tại đường cao tốc Bắc Nam chưa thực hiện trong khi nhu cầu mở rộng để đáp ứng giao thông trên tuyến rất bức xúc);

+ Dự án Đường cao tốc Nội Bài - Mai Dịch (dự án này đã được Bộ GTVT nghiên cứu khả thi và rất có hiệu quả đối với Bộ GTVT và TP. Hà Nội);

+ Dự án Xây dựng đường trên cao (cầu cạn) Sân bay Tân Sơn Nhất - Trung tâm TP. Hồ Chí Minh

+ Dự án Xây dựng cầu Bến Thủy mới (tại TP. Vinh);

+ Dự án Nâng cấp cải tạo Quốc lộ 53 thuộc tỉnh Trà Vinh bao gồm cả cầu Măng Thích (đây là tỉnh rất nghèo và để phát triển kinh tế cho tỉnh, nhu cầu phát triển GTVT rất cao), Bộ GTVT đề nghị bổ sung thêm vào Dự án WB5 hoặc xây dựng dự án mới.

- Liên quan đến nguồn vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD), Bộ GTVT chưa nắm rõ về phương thức và các điều kiện vay vốn, Bộ đề nghị WB cử chuyên gia trình bày về các nội dung liên quan đến nguồn vốn IBRD (Bộ GTVT sẽ mời các chuyên gia từ các Bộ ngành liên quan cùng tham dự).

- Bộ GTVT sẽ họp với các Bộ ngành liên quan nghiên cứu để xem xét vay vốn IBRD hoặc hỗn hợp cho các dự án có khả năng hoàn vốn cao. Bộ đề nghị WB hỗ trợ về thủ tục, công tác chuẩn bị và chuyển nhượng đối với các loại dự án trên.

- WB thông báo nguồn vốn vay ưu đãi (IDA) cho GTVT, hàng năm WB chỉ được phép cho vay từ 100 đến 150 triệu USD, còn với nguồn vốn vay IBRD thì không hạn chế;

- Đối với Hỗ trợ cho Chính sách ngành và tăng cường thể chế, năng lực (Nguồn hỗ trợ cho vay phát triển chính sách) (DPL) như WB đề xuất, Bộ GTVT sẽ làm việc với các Bộ Ngành liên quan để đề xuất cụ thể.

- Trước mắt, Bộ đề nghị WB hỗ trợ trong công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước trong Bộ GTVT và tăng cường  năng lực cho các nhà thầu vừa chuyển đổi thành công ty cổ phần để có thể tham gia và thực hiện tốt các dự án GTVT.

- Với đề xuất của WB về dự án Phát triển các Thành phố hạng Trung, Bộ GTVT nhất trí và sẽ phối hợp với TP. Hải Phòng và Hạ Long về lĩnh vực chuyên ngành trong công tác chuẩn bị dự án. Hiện tại TP. Hà Nội đã có dự án Xây dựng các tuyến Xe Buýt nhanh (BRT) do WB tài trợ, Bộ GTVT đề nghị WB hỗ trợ vay vốn cho hệ thống BRT tại TP. Hồ Chí Minh và hệ thống xe điện ngầm tại các Thành phố lớn.

- Về Dự án Xây dựng Đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, quan tâm của WB với các đề nghị của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Bộ GTVT đã làm việc với BIDV. Bộ GTVT đề nghị WB hỗ trợ BIDV trong chuẩn bị dự án và vốn vay. Bộ GTVT sẽ phối hợp trong quá trình chuẩn bị.

- Trong tháng 11/2007 - Bộ GTVT đề trình TTgCP phê duyệt Quy hoạch phát triển Mạng lưới Đường cao tốc tại Việt Nam. Sau đó Bộ sẽ có buổi làm việc cụ thể với WB để lựa chọn danh mục và phương thức vay vốn đầu tư cho các dự án Xây dựng đường cao tốc.

Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ GTVT thông báo để các cơ quan, đơn vị biết và thực hiện đảm bảo tiến độ Dự án./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để b/c);
- Văn phòng WB tại Hà Nội;
- Các thành viên dự họp;
- Lưu VT, KHĐT.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Văn Công

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 526/TB-BGTVT về việc nội dung cuộc họp giữa Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức với đoàn Ngân hàng Thế giới (WB) về các dự án đang thực hiện, chuẩn bị và danh mục các dự án GTVT trong tương lai do WB tài trợ do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 526/TB-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 21/11/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Văn Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/11/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản