Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7652/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2017

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG LÊ QUỐC DOANH TẠI HỘI NGHỊ “PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TẠI LÂM ĐỒNG, KINH NGHIỆM VÀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TOÀN QUỐC”

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại thông báo số 08/TB-VPCP ngày 06/01/2017, trong hai ngày 13 và 14 tháng 8 năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng, kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn quốc”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, đồng chí Đoàn Văn Việt Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và đồng chí Phạm S Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo tỉnh, Sở Nông nghiệp PTNT của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện Bộ tài Nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; 40 doanh nghiệp, Tổ hợp tác, trang trại sản xuất nông nghiệp tham dự và trưng bày sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hội nghị; 16 cơ quan báo, đài đã tham dự, đưa tin về Hội nghị. Trên cơ sở các báo cáo và ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh có ý kiến kết luận như sau:

1. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp

a) Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống cho người nông dân và được các Doanh nghiệp, địa phương và các trang trại tích cực triển khai thực hiện.

b) Một số địa phương trong cả nước đã xây dựng thành công các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (Lâm Đồng, An Giang, Kiên Giang,…). Đặc biệt là vài năm gần đây khi có chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tiếp tục được nhiều địa phương tích cực triển khai thực hiện.

c) Tuy nhiên, thực tiễn triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều, nhiều bất ổn về thị trường tiêu thụ nông sản; sản xuất sạch, theo chuỗi còn chậm. Sự gắn kết giữa KHCN và hoạt động sản xuất kinh doanh còn khiêm tốn. Xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đáp ứng kế hoạch đã đề ra.

2. Bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng

a) Với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh, thời gian qua tỉnh Lâm Đồng đã thu hút được 77 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đầu tư là 266.353.181 USD và 1.425 doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ngoài ra hàng năm tỉnh đã tiếp nhận nhiều chương trình, dự án, viện trợ phi dự án vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp, tạo cơ hội để nông dân Lâm Đồng tiếp cận và ứng dụng thành công công nghệ cao vào sản xuất, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng. Từ năm 2004, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 56/2004/QĐ-UB ngày 02/4/2004 phê duyệt Chương trình phát triển NNCNC giai đoạn 2004 - 2010; lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo trong thực thi chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản, xây dựng và quảng bá thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm đặc thù, liên kết sản xuất, mở thị trường cho các nông sản chủ lực như rau, hoa, dâu tây, chè, bò sữa, bò thịt của tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, tỉnh đã có cơ chế chính sách tích tụ và tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở phù hợp với yêu cầu sinh thái của từng đối tượng cây trồng, vật nuôi và góp phần ổn định chính trị xã hội, đảm bảo lợi ích trước mắt và lâu dài.

b) Chủ thể triển khai phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là các doanh nghiệp, các HTX, Tổ hợp tác và các hộ nông dân. Trong đó doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong dẫn dắt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu gắn với thị trường tiêu thụ, định hướng thị trường, liên kết với nông dân, đảm bảo sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.

c) Trình độ công nghệ, đối tượng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng thời gian qua đều phù hợp với yêu cầu sinh thái và đảm bảo khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu và điều kiện kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn.

3. Giải pháp thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

a)Trên cơ sở những thành công và kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC tại Lâm Đồng, đề nghị các địa phương nghiên cứu vận dụng ở địa phương mình để đảm bảo đầu tư hiệu quả, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, xã hội hóa hóa tối đa đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích của người nông dân trước mắt và lâu dài, quản lý tốt quy hoạch; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định đồng thời, ban hành các chính sách, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với điều kiện của địa phương tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư từ doanh nghiệp vào phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.

b) Các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi nhất thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

c) Đề nghị các Bộ ngành tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ.

d) Các Viện, Trường thuộc Bộ cần quyết liệt đổi mới trong triển khai các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao kết quả KHCN vào sản xuất, hỗ trợ Doanh nghiệp và người nông dân về ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp.

đ) Các doanh nghiệp, Trang trại tư nhân, hộ nông dân, HTX, Tổ hợp tác cần liên kết chặt chẽ để đảm bảo sản xuất gắn với thị trường; phát huy vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp ứng dụng, công nghệ cao.

Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị, địa phương biết và triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng;
- UBND 63 tỉnh thành phố trực thuộc TƯ;
- Vụ KHCN&MT; Kế hoạch; Pháp chế;
- Cục Kinh tế hợp tác và PTNT;
- Các Viện, Trường thuộc Bộ;
- Lưu: VT, VP Bộ (VTTr.100b).

TL. BỘ TRƯỞNG
Q. CHÁNH VĂN PHÒNG





Trần Quốc Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 7652/TB-BNN-VP năm 2017 ý kiến kết luận của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại hội nghị Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng, kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn quốc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 7652/TB-BNN-VP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 13/09/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Trần Quốc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/09/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản