Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 171/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 23 tháng 04 năm 2014 |
Ngày 04 tháng 4 năm 2014 tại thành phố Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị "Tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014". Tham dự Hội nghị có thành viên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW), Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN), đại diện các Quân khu, Quân chủng, binh chủng thuộc Bộ Quốc phòng; lãnh đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan thông tin, truyền thông của trung ương và địa phương. Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo PCLBTW, Ủy ban Quốc gia TKCN và phát biểu tham luận của một số Bộ, ngành và địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
1. Tình hình thiên tai năm 2013.
Năm 2013, thiên tai ở nước ta diễn biến phức tạp, bất thường, bão xuất hiện sớm và nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Đây là năm ghi nhận số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông ảnh hưởng đến Việt Nam đạt mức kỷ lục trong 50 năm qua và cũng là năm kỷ lục về số cơn bão có cường độ mạnh trên cấp 12 đổ bộ vào đất liền nước ta. Đáng lưu ý nhất là các cơn bão mạnh số 10, số 11 liên tiếp đổ bộ vào các tỉnh miền Trung vào tháng 10 và đầu tháng 11 và đặc biệt là siêu bão Haiyan khi vào biển Đông bão di chuyển nhanh, thay đổi hướng nhiều lần, dịch chuyển từ khu vực giữa biển Đông lên vịnh Bắc Bộ.
Lũ đặc biệt lớn, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 15 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, một số sông đã vượt mức lịch sử. Mưa đá, lốc xoáy và các đợt rét đậm, kèm theo mưa tuyết gây thiệt hại lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc; điển hình là trận lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra vào đầu tháng 9, tại xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
2. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.
Trong bối cảnh thiên tai bão, lũ diễn biến phức tạp, bất thường, công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao, cùng với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của chính quyền địa phương các cấp, sự tham gia phối hợp của lực lượng quân đội, công an, các đoàn thể chính trị xã hội và những cố gắng lớn của Ban Chỉ đạo PCLBTW, Ủy ban quốc gia TKCN, nên đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
- Đã huy động trên 530 nghìn lượt cán bộ chiến sỹ và dân quân tự vệ tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; huy động hàng nghìn người và hàng trăm phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển; hướng dẫn kêu gọi hơn 1 triệu lượt phương tiện cùng với khoảng 5 triệu lượt người về nơi tránh trú bão an toàn; tổ chức sơ tán hàng triệu người dân, giúp nhân dân chằng chống, sửa chữa nhà, trường học và trụ sở Ủy ban nhân dân... Do có sự chủ động phòng chống bão, lụt của cả hệ thống chính trị nên năm 2013 là năm có nhiều cơn bão lớn, mưa lũ ảnh hưởng đến Việt Nam, nhưng đã hạn chế được số người chết thấp hơn trung bình nhiều năm (bình quân hàng năm khoảng 500 người, năm 2013 giảm xuống còn 370 người).
- Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được phân công đã có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương chủ động trong công tác PCLB&TKCN; phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức sơ tán, cứu nạn cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lụt kịp thời, hiệu quả; thực hiện tốt công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ kịp thời; cập nhật và điều chỉnh diễn biến thiên tai nên đã giúp công tác chỉ đạo phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai chủ động và hiệu quả; chủ động liên hệ, có công hàm gửi các nước và vùng lãnh thổ liên quan đề nghị tạo điều kiện cho ngư dân vào tránh trú mỗi khi có bão; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương trong công tác PCLB&TKCN và khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt trong các đợt công tác của Ban chỉ đạo tiền phương.
- Trong năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định hỗ trợ địa phương, các Bộ, ngành bị ảnh hưởng bởi thiên tai với tổng số tiền là: 2.325,27 tỷ đồng, 25.469 tấn gạo và 4.322 tấn giống cây trồng (trong đó hỗ trợ hạn hán, xâm nhập mặn là 856,2 tỷ đồng).
- Các địa phương đã tổ chức tốt công tác trực ban, thường trực PCLB&TKCN, bố trí kinh phí xây dựng, tu bổ công trình phòng chống lụt bão, mua sắm trang bị phương tiện TKCN chủ động đối phó với các tình huống nên đã giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; công tác kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền đã thực hiện tốt từ trung ương đến địa phương; nhận thức của các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu đánh cá đã được nâng lên, chủ động và tự giác chấp hành chỉ huy phòng tránh bão; công tác TKCN và khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, hiệu quả nên giảm được thương vong do bão, lũ, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
3. Một số tồn tại và nguyên nhân.
- Phương án phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa sát thực tế, chưa tính đến những hiện tượng thời tiết bất lợi; công tác chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ" ở một số địa phương, nhất là cấp huyện, xã chưa thực sự được quan tâm đúng mức, đặc biệt trong đợt mưa lũ sau bão số 15 vừa qua, do thiếu phương tiện nên đã ảnh hưởng lớn đến công tác cứu nạn người dân vùng ngập lụt; công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức còn chưa thường xuyên, hiểu biết về thiên tai của cộng đồng chưa đầy đủ, thiếu kỹ năng và chưa chủ động đối phó với thiên tai.
- Việc quản lý khai thác, bảo vệ công trình phòng, chống lụt bão chưa được tập trung đúng mức, tình trạng vi phạm Luật đê điều và Pháp lệnh phòng, chống lụt bão còn khá phổ biến nên hiệu quả khai thác công trình còn hạn chế, công trình nhanh xuống cấp.
- Hệ thống các công trình phòng chống thiên tai đã có nhiều sự cố, đặc biệt là hệ thống đê điều đã xảy ra nhiều điểm sạt lở, nứt đê nghiêm trọng, uy hiếp đến an toàn của hệ thống đê điều phải xử lý cấp bách ở một số địa phương.
- Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch công trình phòng chống lụt bão, quy hoạch khu dân cư và việc xây dựng cơ sở hạ tầng lồng ghép vào công trình phòng chống lụt bão còn hạn chế.
- Hệ thống thông tin liên lạc ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa còn thiếu hoặc không đảm bảo; cung cấp thông tin còn chưa thống nhất, tạo dư luận không tốt và gây hoang mang cho nhân dân.
- Khi có lũ, bão, ở cấp xã và một số huyện miền núi triển khai chưa tốt việc hướng dẫn hoặc cấm người, phương tiện đi qua sông, suối, ngầm, vớt củi khi có lũ nên vẫn còn trường hợp đáng tiếc xảy ra; nhiều nhà bị tốc mái và đổ trong các vùng giông lốc do không được chằng néo; công tác kiểm tra hệ thống đường điện, chặt tỉa cành cây ở các đô thị trước khi bão đổ bộ, chưa được thực hiện tốt nên cây đổ nhiều gây hậu quả chết người, nhà đổ, mất điện lưới.v.v...
- Vẫn còn tư tưởng chủ quan trong một bộ phận nhân dân, chưa chủ động chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào nơi neo đậu theo hướng dẫn, chỉ đạo của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
II. NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2014
Năm 2014 dự báo tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường. Các yếu tố khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, diễn biến phức tạp và khó dự báo hơn. Do vậy, cần phải chuẩn bị những phương án, giải pháp cao hơn, sẵn sàng để ứng phó với những tình huống xấu nhất; đồng thời nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc phòng ngừa, ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương.
- Khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật phòng chống thiên tai; kiện toàn bộ máy chỉ đạo, chỉ huy từ Trung ương đến cơ sở theo quy định của Luật phòng, chống thiên tai.
- Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Phương án về ứng phó với siêu bão, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2014 làm cơ sở cho các Bộ, ngành và địa phương tổ chức xây dựng phương án cụ thể, chi tiết để thực hiện khi có siêu bão xảy ra, trong đó cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu gồm: sơ tán dân, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả khi siêu bão xảy ra.
- Chủ trì nghiên cứu xây dựng bản đồ ngập lụt do ảnh hưởng của nước biển dâng trong siêu bão gây ra đối với khu vực ven biển để hỗ trợ ra quyết định di dời dân vùng ven biển khi có siêu bão xảy ra và làm cơ sở đề xuất, định hướng việc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội khu vực ven biển.
- Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng xây dựng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa nước. Tổ chức tập huấn công tác quản lý hồ chứa. Kiểm tra, chỉ đạo công tác vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo xả lũ, tích nước hợp lý theo quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được phê duyệt.
- Chỉ đạo việc xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu hồ, đập, đặc biệt là các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
- Xây dựng quy hoạch và triển khai xây dựng hệ thống cảnh báo, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt như: Chương trình nâng cấp đê biển, đê sông, nâng cấp hồ chứa; xây dựng khu neo đậu tàu thuyền.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quan trắc mực nước, lưu lượng nước các hồ chứa; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin cho các cơ quan có liên quan, để thông báo kịp thời đến người dân
- Chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan rà soát, điều chỉnh Chiến lược Quốc gia phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai và kế hoạch phòng chống thiên tai trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
- Chủ động phát ngôn trước các phương tiện thông tin đại chúng khi các đợt mưa, bão lũ để người dân chủ động phòng tránh.
b) Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo số 04/TB-VPCP ngày 07 tháng 01 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ về kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai công tác năm 2014 của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn; tăng cường năng lực, phương tiện trong công tác phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn từ trung ương đến các tỉnh, huyện, xã, thôn, bản.
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Chủ trì nghiên cứu các cấp bão lớn nhất có thể đổ bộ vào từng vùng, miền làm cơ sở để các địa phương xây dựng phương án ứng phó;
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng bản đồ ngập lụt do nước dâng ứng với các kịch bản siêu bão đổ bộ vào từng vùng, miền; cung cấp bản đồ phục vụ công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai theo đề nghị của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương.
- Tăng cường chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn, cải tiến và chi tiết các bản tin dự báo bão, lũ để người dân dễ hiểu, dễ nhận biết; đầu tư mạng lưới quan trắc, đặc biệt là mạng lưới quan trắc ở các lưu vực sông các tỉnh miền Trung, góp phần quan trọng trong dự báo lũ.
d) Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hoàn chỉnh cơ chế bảo đảm thông tin trước mùa mưa bão, rà soát lại hệ thống truyền tin; chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Chuẩn bị sẵn sàng phương án đảm bảo thông tin trong tình huống thiên tai xảy ra, đặc biệt là tình huống siêu bão đổ bộ vào Việt Nam.
đ) Bộ Xây dựng.
Rà soát, nghiên cứu xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng có xét đến ảnh hưởng của siêu bão; phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, gia cường nhà và công trình trong vùng gió bão, hướng dẫn phân loại nhà an toàn với cấp gió bão mạnh làm cơ sở để nhân dân chủ động phòng tránh.
e) Bộ Công thương.
Chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát công tác quản lý, khai thác vận hành tích nước và xả lũ, phương án cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du.
g) Các Bộ, ngành khác.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao trong Luật phòng, tránh thiên tai triển khai xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai trong phạm vi Bộ, ngành và hỗ trợ các địa phương trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Trên cơ sở giải pháp ứng phó thiên tai, tổ chức xây dựng, cập nhật phương án phòng chống thiên tai tại địa phương, chủ động phương án ứng phó với bão, lũ lớn nhất có thể xảy ra tại địa phương.
- Chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác quản lý, khai thác vận hành tích nước và xả lũ đối với các hồ chứa; xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du trong mưa, lũ.
- Kiểm tra, đánh giá chất lượng, tu sửa kịp thời và xây dựng phương án bảo đảm an toàn các công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn.
- Chỉ đạo và kiểm tra việc xây dựng và chuẩn bị phương án phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" của các cấp, các ngành chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương và tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai.
- Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng, tu sửa, nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai như: đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền, cụm tuyến dân cư, xử lý sạt lở,.... đã được bố trí kinh phí năm 2014. Lồng ghép việc xây dựng cơ sở hạ tầng với công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn nhằm đảm bảo an toàn dân cư.
- Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng biên phòng, kiểm ngư, khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chính quyền địa phương trong công tác quản lý tàu thuyền, đặc biệt là khi có bão, áp thấp nhiệt đới và thời tiết nguy hiểm;
- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng. Triển khai có hiệu quả chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Thống nhất và chủ động cung cấp thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để người dân chủ động và đồng thuận.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Chỉ thị 01/2005/CT-BTS về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn người và tàu hoạt động thuỷ sản do Bộ Thuỷ sản ban hành
- 2Thông báo 108/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2009, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2010 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 81/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2011 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo 88/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Luật Đê điều 2006
- 2Pháp lệnh Phòng chống lụt bão năm 1993
- 3Chỉ thị 01/2005/CT-BTS về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn người và tàu hoạt động thuỷ sản do Bộ Thuỷ sản ban hành
- 4Thông báo 108/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2009, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2010 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 81/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2011 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Thông báo 88/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 7Luật phòng, chống thiên tai năm 2013
- 8Thông báo 04/TB-VPCP năm 2014 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2013 và triển khai công tác năm 2014 của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 171/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 171/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 23/04/2014
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Hữu Vũ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/04/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra