Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ  
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 108/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 29 tháng 04 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2009, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2010

Ngày 19 tháng 4 năm 2010, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2009, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2010. Cùng dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương. Sau khi nghe các báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến kết luận như sau:

1. Đánh giá chung:

- Năm 2009, thiên tai, lụt bão diễn biến phức tạp, cực đoan, đặc biệt là hai trận bão số 9 và số 11 kèm theo mưa lớn ngay trước và trong khi bão, gây lũ lớn vượt mức lũ lịch sử, làm ngập lụt trên diện rộng, công tác chỉ đạo đối phó và triển khai tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.

- Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời công tác phòng, chống và ứng phó với lụt, bão nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại. Các địa phương đã chủ động hơn trong việc theo dõi thông tin diễn biến của bão, lũ, tham khảo thông tin từ các đài, các trung tâm dự báo quốc tế nên đã chủ động triển khai công tác phòng, chống hiệu quả. Chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống bão, lũ quyết liệt, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên xuống các địa bàn xung yếu để trực tiếp chỉ đạo; thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ; tổ chức tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ kịp thời; khẩn trương khắc phục hậu quả do thiên tai, bão, lũ nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân, không địa phương nào để người dân bị đói, bị rét.

- Mặc dù còn nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế, ngân sách nhà nước còn hạn chế, nhưng ngay từ đầu năm 2009, nguồn vốn cho công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn vẫn được quan tâm, ưu tiên giải quyết, các chương trình: xử lý cấp bách các công trình phòng, chống lụt, bão, đê biển, cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long được triển khai đúng tiến độ; trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn đã và đang được bổ sung, nâng cấp theo kế hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; mức dự trữ quốc gia được bố trí tăng thêm.

- Công tác dự báo đã từng bước cải tiến, nâng cao chất lượng dự báo, tăng tần suất cung cấp thông tin; Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã phát hiện và cảnh báo, dự báo sớm tất cả các cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông và các đợt mưa lũ trong năm 2009.

- Các lực lượng quân đội, công an đã chủ động giúp đỡ các địa phương bị thiên tai triển khai kịp thời các biện pháp phòng, tránh; thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn nên đã hạn chế được thiệt hại về người và tài sản; làm tốt nhiệm vụ giúp dân, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc các địa phương đã làm tốt công tác vận động kêu gọi các tổ chức xã hội, đồng bào trong và ngoài nước, các tổ chức Quốc tế ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai.

2. Những mặt còn tồn tại:

- Công tác dự báo đã có nhiều cố gắng nhưng còn hạn chế trong việc dự báo những yếu tố thiên tai cực đoan như mưa lớn cục bộ, lũ ống, lũ quét, giông lốc.

- Một số địa phương chưa thực hiện tốt phương châm ‘4 tại chỗ’, việc dự trữ lương thực, thuốc men và trang thiết bị ở một số vùng thường bị ngập lụt chưa đầy đủ, khi xảy ra sự cố thường phải điều động phương tiện cứu hộ, cứu nạn từ xa tới. Vẫn còn xảy ra trường hợp bị chết người đáng tiếc do nguyên nhân bất cẩn của người dân.

- Công tác quản lý tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển đã có tiến bộ nhưng chưa thực sự bài bản, thường xuyên, đặc biệt là việc quản lý tàu thuyền ra khơi từ các bãi ngang; còn thiếu khu neo đậu cho tàu thuyền tránh trú bão, một số địa phương tổ chức neo đậu tàu thuyền trong khu tránh, trú bão chưa tốt, nên tàu thuyền vẫn bị đắm ngay trong khu neo đậu.

- Việc phòng ngừa tác động của thiên tai chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện chiến lược Quốc gia phòng chống giảm nhẹ thiên tai còn chậm.

- Việc đảm bảo an toàn cho hồ chứa nước chưa đáp ứng yêu cầu, quản lý và phối hợp trong vận hành còn lỏng lẻo, chưa xây dựng xong quy trình vận hành liên hồ, hầu hết các hồ chứa chưa có thiết bị quan trắc tự động, thiếu thông tin phục vụ chỉ đạo vận hành.

- Các dự án, chương trình đầu tư nâng cấp đê sông, đê biển, an toàn hồ chứa, khu neo đậu tàu thuyền, cảng cá đã được phê duyệt nhưng vốn đầu tư còn hạn chế nên triển khai xây dựng còn rất chậm, không đồng bộ nên chưa phát huy hiệu quả.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về các loại hình thiên tai và biện pháp phòng, tránh còn hạn chế, đặc biệt là số đông đồng bào ở vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin và kiến thức phòng tránh.

- Mặc dù đã có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, sự phối hợp của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương nhưng thiệt hại năm 2009 vẫn rất nặng nề. Bão, lũ đã làm 454 người chết và mất tích, 1.390 người bị thương, 13.289 căn nhà, 9.000 phòng học và hơn 13.300 cơ sở y tế bị đổ, 410.97 căn nhà bị ngập, 234.000 ha lúa bị ngập, 167.377 ha hoa màu bị ngập, thiệt hại, 13 triệu khối đất đá công trình giao thông, thủy lợi bị sạt trượt, hơn 2.400 công trình thủy lợi nhỏ bị cuốn trôi và hư hại. Tổng thiệt hại ước tính hơn 23.700 tỷ đồng.

3. Kế hoạch, nhiệm vụ công tác năm 2010

Dự báo, năm 2010 số cơn bão trên biển Đông ở mức xấp xỉ năm 2009, nhiệt độ trung bình cả năm sẽ cao, nắng nóng gay gắt, mưa ở mức trung bình nhiều năm nhưng cực đoan hơn, đỉnh lũ các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có xu thế lớn. Để làm tốt công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010, các Bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo, triển khai quyết liệt một số việc sau:

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo, Chỉ huy phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn, triển khai kế hoạch phòng, chống lụt, bão năm 2010; căn cứ tình hình thiên tai các năm 2008, 2009 có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu để điều chỉnh kịp thời kế hoạch và xây dựng phương án cụ thể cho năm 2010 đảm bảo chủ động, sát thực tế, hiệu quả hơn, đặc biệt đối với các vùng trọng điểm, xung yếu. Rà soát lại nguồn dự trữ quốc gia, kiểm tra cụ thể công tác ‘4 tại chỗ’ nhất là ở các khu vực thường xuyên bị thiên tai.

- Khẩn trương triển khai chương trình hành động thực hiện chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, lồng ghép các nội dung liên quan đến phòng tránh thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nâng cao năng lực dự báo, tăng khả năng dự báo sớm và nâng cao độ chính xác trong dự báo lũ, bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là việc cảnh báo, dự báo các loại hình thiên tai cực đoan như lũ quét, sạt lở đất, giông lốc … tiếp tục cải tiến nội dung, hình thức cung cấp thông tin phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận. Từng bước hiện đại hóa, nâng cấp trang thiết bị phục vụ chỉ đạo, triển khai ứng phó nhanh, kịp thời và hiệu quả khi xử lý các tình huống do thiên tai, bão, lũ.

- Tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án đầu tư đã được phê duyệt như: nâng cấp đê biển, đê sông, an toàn hồ chứa, thông tin phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển; xây dựng khu neo đậu tàu thuyền; xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long; lập bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

- Các địa phương chỉ đạo vận hành hồ chứa trên địa bàn theo quy trình vận hành đã được phê duyệt, đảm bảo việc tích nước, xả nước hợp lý, trường hợp quy trình chưa phù hợp thì sửa đổi, nhằm khai thác tối đa hiệu quả của các hồ chứa trong việc cắt giảm lũ cho hạ lưu và duy trì dòng chảy trong mùa kiệt, nhất là trong điều kiện diễn biến thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu.

- Có kế hoạch ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, động đất, sóng thần thời gian qua đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, rà soát lại tiêu chuẩn xây dựng cho phù hợp, triển khai việc thực hiện Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần và Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần; tổ chức diễn tập về phòng, chống động đất, sóng thần, bão, lũ, lũ quét.

- Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức nâng cao nhận thức của cộng đồng về các loại hình thiên tai, bão, lũ và biện pháp phòng, tránh để người dân hiểu biết, tự cứu mình trước khi có sự hỗ trợ từ bên ngoài.

4. Về một số kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương:

- Về việc đầu tư xây dựng khu neo đậu, tránh trú bão của tàu thuyền và cảng cá: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết, hàng năm bố trí nguồn vốn đầu tư. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án đã được bố trí vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện đầu tư nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc phục vụ phòng, chống thiên tai, lũ lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn.

- Bộ Nội vụ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức quản lý, điều hành công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo hướng từng bước chuyên trách, hiện đại hóa.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa.

- Về việc trang bị ca nô phục vụ tìm kiếm cứu nạn: Giao Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phối hợp với Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương nghiên cứu, trang bị ca nô có công suất lớn phù hợp với yêu cầu tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện sóng gió lớn.

- Các Bộ, ngành, địa phương trong quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội phải lồng ghép với nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ các dự án thuộc chương trình đê sông, đê biển đã được phê duyệt; đồng thời phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường làm việc với các tổ chức quốc tế để sử dụng nguồn vốn ưu đãi từ các nhà tài trợ cho Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu để đầu tư xây dựng.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan và các địa phương liên quan biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão TW;
- Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, Các Vụ: TH, KTTH, NC, ĐP, KGVX;
- Lưu: VT, KTN (4)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 108/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2009, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2010 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 108/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 29/04/2010
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Văn Trọng Lý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/04/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản