Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 81/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 2011

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2010, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2011

Ngày 31 tháng 3 năm 2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2011. Cùng dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương và đại diện các Bộ, ngành liên quan. Sau khi nghe các báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến kết luận như sau:

1. Đánh giá công tác năm 2010:

a) Biến đổi khí hậu đã tác động đến thời tiết nước ta theo chiều hướng cực đoan hơn, bất thường, khó dự báo: mùa hè nắng nóng, khô hạn kéo dài; mùa đông nhiệt độ xuống mức thấp kỷ lục (tuyết rơi tại Sa Pa, - 3,80C ở Mẫu Sơn), tháng 3 vừa qua nhiệt độ miền Bắc xuống mức rét đậm, rét hại, gió mùa đồng bắc mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 gây nhiều thiệt hại; những đợt lũ lớn liên tiếp cuối năm 2010 tại miền Trung gây ngập lụt trên diện rộng, kéo dài nhiều ngày (nhiều nơi mưa cục bộ trong vài ngày vượt quá tổng lượng mưa bình quân của cả năm như ở Ninh Thuận, Khánh Hòa, lũ vượt mức lịch sử ở Hà Tĩnh).

b) Để chủ động đối phó với thiên tai, toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan từ trung ương đến địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời công tác phòng, chống và ứng phó với lụt, bão, tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại, nhất là thiệt hại về người trên biển. Các địa phương đã chủ động thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ", theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến của bão, lũ, phân công từng đồng chí lãnh đạo tới các địa bàn xung yếu trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống hiệu quả, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống, không địa phương nào để người dân bị đói, bị rét.

c) Mặc dù ngân sách nhà nước hạn chế nhưng nguồn vốn cho công tác phòng, chống lụt, bão, và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai vẫn được ưu tiên giải quyết; trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn tiếp tục được bổ sung, nâng cấp theo kế hoạch; việc đầu tư nâng cao năng lực dự báo được quan tâm.

d) Công tác dự báo tiếp tục được cải tiến, nâng cao chất lượng, tăng tần suất cung cấp thông tin, đã phát hiện, cảnh báo, dự báo kịp thời các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, các đợt mua lũ.

đ) Các lực lượng quân đội, công an đã chủ động triển khai trên 160.000 lượt cán bộ chiến sĩ, gần 10.000 lượt phương tiện, thiết bị hỗ trợ các địa phương bị thiên tai, thảm họa thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa.

e) Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã chủ động làm tốt công tác vận động, kêu gọi truyền thống tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, các tổ chức trong nước và quốc tế hướng về miền Trung, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước, các Bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và các địa phương đã chia sẻ, hỗ trợ giúp nhân dân vùng biện thiên tại vượt qua khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả; ghi nhận và biểu dương những tấm gương dũng cảm không quản hi sinh để cứu giúp đồng bào bị nạn trong bão, lũ.

2. Những tồn tại cần khắc phục:

a) Việc dự báo những yếu tố thiên tai cực đoan (mưa lớn cục bộ, lũ ống, lũ quét, lốc xoáy) còn hạn chế.

b) Việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn hồ chứa, nâng cấp đê sông, đê biển, xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn chưa đáp ứng yêu cầu; đa số các hồ chứa nước chưa có thiết bị quan trắc, giám sát.

c) Việc rà soát, lồng ghép vấn đề phòng, tránh thiên tai vào quy hoạch, dự án xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội theo chiến lược Quốc gia phòng chống giảm nhẹ thiên tai còn chậm.

d) Nhận thức của một bộ phận nhân dân trong phòng ngừa, đối phó với các loại hình thiên tai, đặc biệt là lũ, bão còn hạn chế nên còn tư tưởng chủ quan. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cần được tiếp tục triển khai thực hiện nhiều hơn, với nhiều hình thức đa dạng (qua hệ thống thông tin, qua diễn tập, in phát các tờ rơi, …); công tác truyền thông đã có nhiều cố gắng nhưng cần nhanh, kịp thời hơn để chủ động ứng phó với thiên tai.

đ) Thiệt hại về người do thiên tai thấp hơn năm 2009 nhưng vẫn rất nặng nề: riêng bão, lũ đã làm 369 người chết và mất tích (năm 2009 là 454 người); 419 người bị thương, trên 6.000 căn nhà bị sập đổ, 472.000 căn nhà bị ngập, hư hại; 300.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hỏng. Tổng thiệt hại ước tính hơn 16.000 tỷ đồng. Còn nhiều trường hợp bị thiệt mạng do bất cẩn, chủ quan.

3. Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2011:

Việt Nam làm một trong những nước chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu, nên cần chủ động các giải pháp, sẵn sàng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nhất là thiên tai, lụt, bão. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011, Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành và địa phương tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau:

- Các Bộ, ngành, địa phương tổng kết rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt, bão năm 2010, trên cơ sở diễn biến thiên tai những năm qua để xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011. Củng cố, kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp từ trung ương đến cơ sở. Tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020; chủ động lồng ghép các nhiệm vụ phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào quy hoạch, dự án cụ thể của Bộ, ngành, địa phương.

- Các địa phương rà soát, xác định các vùng nguy hiểm khi xảy ra mưa, bão trên địa bàn, chủ động thực hiện các dự án theo chương trình để di dời các hộ dân đến nơi ở mới an toàn; đối với những hộ chưa có điều kiện di dời phải chuẩn bị phương án sơ tán dân khi cần thiết; kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí theo phương châm "bốn tại chỗ" trên từng địa bàn; kiểm tra, có phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; tổ chức diễn tập ứng phó với các tình huống thiên tai, thảm họa; xác định cụ thể nhu cầu về trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, báo cáo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương nơi có hồ chứa thủy lợi, thủy điện tổ chức kiểm tra đánh giá mức độ an toàn của từng hồ trước mùa mưa bão; chỉ đạo sửa chữa, nâng cấp hồ chứa để đảm bảo an toàn; kiểm tra vận hành thử (những hồ không đảm bảo an toàn mà chưa có điều kiện sửa chữa, nâng cấp phải thực hiện cắt giảm dung tích hoặc không trữ nước vào hồ trong mùa mưa bão). Chỉ đạo vận hành các hồ chứa theo quy trình đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương kiểm tra phương án ứng phó với các tình huống thiên tai của các địa phương; chủ trì, phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng đề án nâng cao năng lực truyền thông phục vụ cảnh báo, chỉ đạo ứng phó thiên tai, thảm họa nhằm đảm bảo thông tin kịp thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2011.

- Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn: Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án tìm kiếm cứu nạn sát với tình hình thực tế của từng địa phương, vùng, miền; nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, diễn tập, hiệp đồng và khả năng ứng phó, tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng. Tổng hợp nhu cầu và xác định loại phương tiện cứu hộ, cứu nạn phù hợp với điều kiện cụ thể tại các địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục bổ sung, mua sắm trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn theo kế hoạch. Chỉ đạo, triển khai công tác diễn tập cứu hộ, cứu nạn, đối phó với động đất, sóng thần.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành Chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 38/TB-VPCP ngày 03 tháng 3 năm 2011, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2011; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần và quy chế phòng, chống động đất, sóng thần để điều chỉnh (nếu cần thiết).

- Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra lại tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết kế xây dựng để chủ động phòng, chống động đất.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chỉ đạo đảm bảo tiến độ dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cân đối kinh phí cho các dự án neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre; xử lý đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về bổ sung hồ chứa; chỉ đạo khẩn trương hoàn thành quy hoạch đê điều sông Đáy, xây dựng và ban hành quy trình vận hành hệ thống tiêu sông Nhuệ; hoàn thành các dự án thí điểm hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần trong tháng 5 năm 2011, hệ thống giám sát một số hồ chứa lớn trong tháng 8 năm 2011, trên cơ sở kết quả thí điểm xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.

- Thành phố Hà Nội chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện các dự án tiêu thoát nước của thành phố theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư đảm bảo an toàn đê điều; sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn hồ chứa; bổ sung trang thiết bị tìm kiếm, cứu hộ, cứu nan; khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan và các địa phương liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão TW;
- Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn;
- VPCP: BTCN, các PCN, Các Vụ: TH, KTTH, NC, ĐP, KGVX;
- Lưu: VT, KTN (4), Tuynh.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 81/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2011 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 81/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 07/04/2011
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Văn Trọng Lý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản