Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 989/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 01 tháng 6 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH ĐÃ ĐƯỢC NHÀ NƯỚC XẾP HẠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Thông tư số 18/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;

Căn cứ Thông tư số 17/2013/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn xác định chi phí lập quy hoạch dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;

Căn cứ Thông báo số 158/TB-UBND, ngày 22/5/2017 của UBND tỉnh về việc thông báo kết luận phiên họp Thường trực UBND tỉnh tháng 5 năm 2017;

Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang tại Tờ trình số 52/TTr-SVHTTDL ngày 03/5/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được Nhà nước xếp hạng trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Giao cho UBND các huyện, thành phố trực tiếp quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 3316/QĐ-UBND ngày 11/12/2006 của UBND tỉnh Hà Giang về việc quản lý di tích lịch sử - văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- TTr Tỉnh ủy;
- TTr HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, Các PCT UBND tỉnh;
- Cục Di sản văn hóa, Bộ VH, TT&DL;
- Các PVP UBND tỉnh;
- Vnpti Office;
- Lưu: VT, TH, KGVX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Đức Quý

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH ĐÃ ĐƯỢC NHÀ NƯỚC XẾP HẠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 989/QĐ-UBND ngày 01/6/2017 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định các hoạt động về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi chung là di tích) đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân người Việt Nam; các tổ chức, cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có liên quan đến các hoạt động quản lý, nghiên cứu, khai thác, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý nhà nước về di tích

1. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý di tích trên địa bàn tỉnh Hà Giang theo quy định của pháp luật.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chuyên môn có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố, cấp xã, phường, thị trấn thực hiện quyền quản lý nhà nước đối với các di tích trên địa bàn thuộc địa giới hành chính theo sự phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.

Chương II

BẢO QUẢN, TU BỔ VÀ PHỤC HỒI DI TÍCH

Điều 4. Công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích

- Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh Hà Giang được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 70/NĐ/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Thông tư số 17/2013/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn xác định chi phí lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 5. Đối với việc sửa chữa nhỏ di tích

1. Việc sửa chữa nhỏ hoặc tu sửa cấp thiết di tích chỉ được tiến hành khi di tích có nguy cơ bị hủy hoại do tác động của môi trường thiên nhiên, của con người nhằm chống đỡ, gia cố, gia cường các bộ phận cấu thành của di tích để kịp thời ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ trước khi tiến hành công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi theo quy định.

2. Quy trình tu sửa cấp thiết thực hiện theo quy định tại Điều 27 Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Giới hạn phạm vi tu sửa cấp thiết di tích bao gồm: Sửa chữa các bộ phận, cấu kiện hỏng bằng cách nối, vá, chống đỡ hoặc thay thế cấu kiện mới tương tự.

Điều 6. Xã hội hóa bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị di tích

1. Khuyến khích sự đóng góp của nhân dân, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích.

2. Đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích.

Chương III

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA SỞ VĂN HÓA, TT&DL UBND CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ VÀ CÁC ĐƠN VỊ TỔ CHỨC CÁ NHÂN LIÊN QUAN

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động quản lý, bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh.

2. Tổ chức bàn giao hồ sơ, các công trình xây dựng, tài sản và các tài liệu có liên quan đến di tích cho địa phương quản lý, sử dụng.

3. Chỉ đạo các đơn vị chức năng của Ngành tiến hành các hoạt động chuyên môn liên quan đến di tích. Đồng thời, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thuyết minh di tích;

4. Cụ thể hóa và hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích theo thẩm quyền; có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong hoạt động trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích trên địa bàn tuân thủ theo quy định của Nghị định số 70/NĐ/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Thông tư số 17/2013/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn xác định chi phí lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan.

5. Phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương xây dựng nội quy, quy chế quản lý riêng cho từng di tích. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố quản lý, hướng dẫn các hoạt động lễ hội truyền thống, hoạt động tín ngưỡng gắn với di tích; hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích theo Luật Di sản văn hóa.

6. Chủ trì, thẩm định các dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích; phương án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích; phối hợp với các ngành liên quan thẩm định các dự án, công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích có khả năng ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan, môi trường di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; tổ chức thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh sau khi được phê duyệt.

7. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về Tôn giáo, Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam của tỉnh Hà Giang xây dựng quy chế phối hợp về bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị đối với các di tích gắn với hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn quản lý, hướng dẫn các hoạt động lễ hội truyền thống, hoạt động tín ngưỡng gắn với di tích.

8. Hướng dẫn việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di tích; tổ chức giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác phát huy hệ thống di tích hiện có; xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về di tích theo thẩm quyền.

9. Hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách ở địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện công tác quản lý, bảo vệ di tích có hiệu quả.

10. Đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

11. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố làm tốt công tác quản lý các nguồn tài chính để bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh.

12. Xây dựng kế hoạch và lập dự án bảo tồn, tu bổ di tích theo Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và các quy định hiện hành của nhà nước bằng nguồn vốn trung ương, ngân sách của tỉnh và nguồn vốn xã hội hóa. Hàng năm, kiểm kê di tích, báo cáo những biến động (tăng, giảm) để điều chỉnh, bổ sung danh mục đối với những di tích - danh thắng cần phải tu bổ tôn tạo để xây dựng kế hoạch bảo tồn, tu bổ, chống xuống cấp di tích trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

13. Chủ trì thực hiện việc lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích trên địa bàn tỉnh trình cấp có thẩm quyền quyết định xếp hạng theo quy định.

14. Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức thực hiện quy định; định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời; bổ sung danh mục các di tích được xếp hạng hàng năm theo phân cấp tại quy định này.

15. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi và phát huy giá trị di tích theo quy định của pháp luật.

Điều 8: Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn lực (tài chính, lao động) để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã được xếp hạng trên địa bàn.

2. Tổ chức nhận bàn giao hồ sơ liên quan đến di tích, các công trình xây dựng và tài sản của di tích.

3. Chủ trì xây dựng quy hoạch, đề án, dự án bảo vệ và tôn tạo di tích, dự án cải tạo cảnh quan môi trường ở khu vực II của di tích bằng nguồn vốn của địa phương và nguồn xã hội hóa. Khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí, du lịch sinh thái, làng văn hóa du lịch gần kề di tích để thu hút, phát triển du lịch.

4. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng di tích, UBND các huyện, thành phố thành lập Ban, tổ quản lý di tích trực thuộc Phòng Văn hóa và Thông tin hoặc giao cho UBND xã, phường trực tiếp quản lý di tích. Đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các xã, phường, thị trấn trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn giữa UBND cấp xã với tổ chức quản lý di tích hoặc người được giao trông coi di tích phải có văn bản ký kết về trách nhiệm bảo vệ di tích. Không khoán trắng trách nhiệm bảo vệ di tích cho nhân dân địa phương hoặc người được giao trông coi di tích.

5. Có trách nhiệm chỉ đạo thành lập hoặc thành lập Ban quản lý di tích (Hoặc Tổ quản lý di tích) để quản lý bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị đối với di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh trên địa bàn sau khi di tích được xếp hạng. Chỉ đạo việc xây dựng nội quy, quy chế hoạt động; sơ đồ hướng dẫn khách tham quan, biển bảng thuyết minh tìm hiểu các giá trị văn hóa của di tích theo quy định.

6. Có trách nhiệm chỉ đạo và quản lý thu chi kinh phí liên quan đến di tích (kinh phí từ bán vé tham quan, dịch vụ, tài trợ, công đức...) trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

7. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn theo thẩm quyền. Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch.

8. Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện quy trình, thủ tục, nội dung dự án bảo tồn, tu bổ và phục hồi di tích tại địa phương trình cấp có thẩm quyền thỏa thuận, phê duyệt theo trình tự quy định của pháp luật.

9. Phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích trên địa bàn.

10. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn, xử lý những hành vi xâm hại đến di tích.

11. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường và xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan tại địa phương.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

1. Tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật về bảo tồn, phát huy giá trị di tích tại địa phương.

2. Tổ chức bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc bảo vệ và quản lý di tích. Huy động các nguồn lực xã hội hóa để bảo tồn, tu bổ các di tích trên địa bàn.

3. Tiếp nhận khai báo về di tích mới phát hiện, kiến nghị việc xếp hạng di tích lên cơ quan có thẩm quyền; kịp thời phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời những hành vi làm ảnh hưởng tới di tích và cảnh quan môi trường của di tích; ngăn chặn và xử lý các hoạt động mê tín dị đoan tại các di tích theo thẩm quyền.

4. Hàng năm chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, kế hoạch thu, chi tài chính, kế hoạch bảo tồn, tu bổ chống xuống cấp di tích, kế hoạch kiểm tra thực trạng di tích trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 10: Trách nhiệm của Ban, Tổ quản lý di tích

1. Quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, toàn bộ các di sản văn hóa nằm trong khu vực di tích và các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh diễn ra tại khu vực di tích; hướng dẫn trong việc tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa của di tích theo quy định.

2. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm đến di tích, kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng khi phát hiện những hành vi xâm hại di tích.

3. Chủ trì, phối hợp tổ chức các lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ tại di tích được giao quản lý.

4. Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu, sưu tầm, tuyên truyền và phát huy giá trị di tích được giao quản lý.

5. Thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ hoặc đột xuất các hoạt động tại di tích về phòng Văn hóa và Thông tin, Ủy ban nhân dân cùng cấp và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thống kê, lưu trữ tài liệu, hồ sơ về di tích theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu di tích

1. Chủ sở hữu hợp pháp di tích có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trực tiếp và gìn giữ di tích; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di tích. Trong trường hợp phát hiện di tích bị lấn chiếm, hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện, thành phố để phối hợp triển khai, thực hiện.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan học tập, nghiên cứu và các hoạt động khác diễn ra tại di tích khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

3. Phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định này. Hàng năm đánh giá việc thực hiện và báo cáo UBND tỉnh; 5 năm tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, 10 năm tổng kết việc thực hiện quy định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề chưa phù hợp, cần sửa đổi bổ sung đề nghị các UBND các huyện, thành phố, các địa phương, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời bằng văn bản về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 989/QĐ-UBND năm 2017 về Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được Nhà nước xếp hạng trên địa bàn tỉnh Hà Giang

  • Số hiệu: 989/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/06/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
  • Người ký: Trần Đức Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản