Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 982/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 27 tháng 04 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CẤP VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TRUYỀN THANH CƠ SỞ TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2020”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Công văn số 153/STTTT-TTBCXB ngày 20 tháng 3 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Đề án “Nâng cấp và phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở tỉnh Kiên Giang đến năm 2020” (đính kèm Đề án).

Điều 2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức có liên quan hướng dẫn, triển khai thực hiện Đề án

 Cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cá kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 của QĐ;
- TT.TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- LĐVP, P. VHXH;
- Lưu: VT, lttram.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Mai Văn Huỳnh

 

MỤC LỤC

PHẦN I: PHẦN MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

III. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

IV. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỀ ÁN

PHẦN II: HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG TRUYỀN THANH

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Vị trí địa lý

2. Dân số, lao động và văn hóa

3. Kinh tế xã hội

4. Đánh giá kinh tế xã hội

II. HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG TRUYỀN THANH CƠ SỞ

1. Đài Truyền thanh

2. Trạm Truyền thanh

4. Đánh giá chung

PHẦN III: NỘI DUNG ĐỀ ÁN NÂNG CẤP VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TRUYỀN THANH CƠ SỞ TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2020

I. MỤC TIÊU CHUNG

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Đài Truyền thanh

2. Trạm Truyền thanh

III. ĐỀ ÁN PHÁT HỆ THỐNG TRUYỀN THANH CƠ SỞ TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2020

1. Đài Truyền thanh

2. Trạm Truyền thanh

3. Định hướng công tác quản lý nhà nước

4. Các dự án đầu tư

5. Phân kỳ đầu tư

PHẦN IV. GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. GIẢI PHÁP

1. Xây dựng cơ chế, chính sách

2. Tổ chức, nguồn nhân lực

3. Công nghệ và kỹ thuật

4. Huy động các nguồn vốn

5. Quản lý nhà nước

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

3. Sở Tài chính

4. Sở Nội vụ

5. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

7. Ủy ban nhân dân các xã

9. Đài Truyền thanh

PHỤ LỤC I: THUYẾT MINH CÁC DỰ ÁN

PHỤ LỤC II: HIỆN TRẠNG TRUYỀN THANH CƠ SỞ KIÊN GIANG

PHỤ LỤC III: DANH MỤC CÁC TRANG THIẾT BỊ ĐẦU TƯ VÀ DỰ TOÁN CHI PHÍ

PHẦN I:

PHẦN MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Phát thanh - Truyền thanh là một phương tiện thông tin không thể thiếu trong đời sống xã hội, là loại hình báo chí gần gũi nhất đối với người dân Việt Nam; là công cụ tuyên truyền hiệu quả, chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Trong đó, phát thanh là loại hình thông tin đại chúng, nội dung thông tin được chuyển tải bằng âm thanh, tiếng nói qua làn sóng vô tuyến điện và truyền thanh qua hệ thống dây dẫn nên có đặc thù là thông tin một cách nhanh nhất, là công cụ truyền thông hiệu quả nhất trong các trường hợp khẩn cấp.

Đài Truyền thanh huyện, Trạm Truyền thanh cơ sở xã/phường, thị trấn là cánh tay nối dài của hệ thống phát thanh, là phương tiện thông tin chủ yếu phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thực hiện các chức năng: Thông tin, tuyên truyền, động viên, giáo dục, giải trí...

Kiên Giang nằm ở vùng ven biển Tây Nam của đất nước, có vị trí chiến lược quan trọng, tỉnh có biển đảo, biên giới nằm trong vùng vịnh Thái Lan, gần với các nước thuộc Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan... Tuy nhiên, hệ thống truyền thanh cơ sở của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Trang thiết bị cho Trạm truyền thanh nhiều nơi xuống cấp, lạc hậu, nhiều Trạm truyền thanh xã mới chỉ đáp ứng được việc thông báo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở. Ngoài ra, một số địa phương do đặc thù biển, đảo ảnh hưởng của nước biển và thời tiết nên thiết bị dễ hư và xuống cấp nhanh...

Để từng bước nâng cao chất lượng hệ thống truyền thanh cơ sở, phát huy được các lợi thế, tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, cần thiết xây dựng Đề án “Nâng cấp và phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở tỉnh Kiên Giang đến năm 2020” nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ nhu cầu, lợi ích của nhân dân; trở thành công cụ tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khóa X) ngày 14/07/2007 về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới;

Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định cơ che tự chủ của đơn vị nghiệp công lập;

Thông tư liên tịch số 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV ngày 27/7/2010 hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;

Thông tư số 04/2013/TT-BTTTT ngày 23/1/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Quy hoạch sử dụng kênh tần số phát thanh FM đến năm 2020;

Thông tư số 12/2015/TT-BTTT ngày 29/5/2015 của Bộ Thông tin và truyền thông về việc ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phổ tần số và bức xạ vô tuyến điện áp dụng cho các thiết bị thu phát vô tuyến điện”;

Quyết định số 336/2005/QĐ-TTg ngày 16/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia;

Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020;

Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 18/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thông tin, truyền thông nông thôn giai đoạn 2011 - 2020;

Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020;

Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh sách các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015;

Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh sách các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016.

2. Các văn bản địa phương

Căn cứ Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 24/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”;

Quyết định số 2590/QĐ-UBND ngày 03/11/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang;

Quyết định số 2073/QĐ-UBND ngày 02/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc thành lập Ban Chỉ đạo và tổ biên soạn xây dựng đề án phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở tỉnh Kiên Giang;

Căn cứ Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 27/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Kế hoạch Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Căn cứ thực trạng hoạt động của hệ thống phát thanh của tỉnh và nhu cầu phát triển của hệ thống nhằm đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

III. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

Đánh giá tổng thể hiện trạng các Đài Truyền thanh cấp huyện, Trạm Truyền thanh cấp xã trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, khắc phục những hạn chế, tồn tại và thống nhất quản lý góp phần làm cho hoạt động truyền thanh phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.

Xác định những mục tiêu, giải pháp phát triển, đề ra các nhiệm vụ, những dự án cần ưu tiên đầu tư tập trung để nhanh chóng nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả hoạt động của các Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã. Qua đó, đề xuất các dự án đầu tư trọng điểm.

Nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống phát thanh - truyền thanh, mơ rộng diện phủ sóng phát thanh địa phương. Nâng cao chất lượng chương trình phát thanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Phát triển hệ thống phát thanh - truyền thanh Kiên Giang phù hợp với quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò quản lý của nhà nước trên địa bàn; xây dựng môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát thanh - truyền thanh.

IV. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỀ ÁN

- Phạm vi về không gian: Toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Kiên Giang.

- Phạm vi về thời gian: Giai đoạn đến năm 2020.

- Số liệu đánh giá hiện trạng năm 2015.

- Đối tượng:

+ Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố.

+ Trạm truyền thanh cơ sở.

PHẦN II:

HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG TRUYỀN THANH

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Vị trí địa lý

Kiên Giang nằm tận cùng phía Tây Nam của Việt Nam, trong đó lãnh thổ bao gồm đất liền và hải đảo. Phía Bắc giáp Campuchia, đường biên giới dài trên 56,8 km, phía Nam giáp tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, phía Tây giáp vịnh Thái Lan với đường bờ biển dài 200 km, phía Đông lần lượt tiếp giáp với các tỉnh là An Giang, thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.

Diện tích tự nhiên của toàn tỉnh là 6.348,5 km2. Tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Rạch Giá là tỉnh lỵ, thị xã Hà Tiên và 13 huyện) với 145 đơn vị hành chính cấp xã (12 thị trấn, 15 phường, 118 xã).

Với các Điều kiện về vị trí địa lý, kinh tế và giao thông thủy bộ, Kiên Giang có nhiều lợi thế trong việc phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở.

2. Dân số, lao động và văn hóa

2.1. Dân số

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2015 dân số của tỉnh Kiên Giang trên 1.767.359 người, mật độ dân số 274 người/km2. Trong đó, dân số sống tại thành thị gần 478.424 người, chiếm 27,07% dân số toàn tỉnh, dân số sống tại nông thôn 1.288.935 người, chiếm 72,93% dân số toàn tỉnh. Có các dân tộc chủ yếu: Kinh, Khmer và Hoa. Dân số của tỉnh phân bố không đều, thường tập trung ở ven trục lộ giao thông, kênh rạch, sông ngòi và một số đảo lớn.

2.2. Lao động

Tỉnh Kiên Giang có số lượng lao động dồi dào với lực lượng trong độ tuổi lao động trên 1 triệu người. Cơ cấu lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 56,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 12,74%; khu vực dịch vụ là 30,89%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35,5%, trong đó đào tạo nghề đạt 32%. Kiên Giang có lực lượng lao động trẻ, có tay nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

2.3. Văn hóa - Nghệ thuật

Văn hóa

Kiên Giang nằm tận cùng phía Tây Nam của Việt Nam, nơi giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền cả nước, bản sắc văn hóa tỉnh nhà cũng vì thế rất phong phú, đa dạng, thể hiện qua các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, ẩm thực, lễ hội, làng nghề truyền thống...

Hàng năm trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội, nhưng đặc sắc nhất là lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực diễn ra vào tháng Tám âm lịch thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn có lễ hội Ok - Om - Bok của đồng bào dân tộc Khmer và Ngày hội Văn hóa thể thao du lịch dân tộc Khmer tổ chức tại huyện Gò Quao bao gồm hội chợ thương mại, các gian hàng văn hóa ẩm thực của các dân tộc, các hoạt động vui chơi giải trí, trò chơi dân gian, triển lãm tranh ảnh hiện vật có liên quan đến đời sống của đồng bào Khmer cùng với đó là lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương - Đền Hùng Quốc Tổ huyện Tân Hiệp diễn ra và ngày 10/3 âm lịch hàng năm thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến tham gia lễ hội.

Nghệ thuật

Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Kiên Giang với hơn 1.700 nghệ nhân và 157 câu lạc bộ Đờn ca tài tử đã mang lại một đặc trưng riêng cho nền văn hóa nghệ thuật cho tỉnh Kiên Giang.

2.4. Du lịch

Kiên Giang có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng như: Hòn Chông, Hòn Trẹm, Hòn Phụ Tử, núi Mo So, bãi biển Mũi Nai, Thạch Động, Lăng Mạc Cửu, Đông Hồ, rừng U Minh Thượng, đảo Phú Quốc... được chia thành 4 vùng du lịch trọng điểm như: Phú Quốc; Vùng Hà Tiên - Kiên Lương; Thành phố Rạch Giá và vùng phụ cận; Vùng U Minh Thượng.

3. Kinh tế - xã hội

Trong những năm qua, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 10,35%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 2.490 USD, tăng gấp 1,75 lần so với năm 2010 và cao hơn mức bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tỷ trọng nông - lâm - thủy sản giảm từ 42,57% năm 2010 còn 37,53% năm 2015, dịch vụ tăng từ 33,04% lên 36,71%, công nghiệp - xây dựng tăng từ 24,39% lên 25,76%...

4. Đánh giá kinh tế - xã hội

4.1 Thuận lợi

Kiên Giang có vị trí thuận lợi, có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những thị trường tiêu thụ lớn, là trung tâm hỗ trợ đầu tư, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ...

Kinh tế tỉnh Kiên Giang đã phát triển từ một nền kinh tế nông nghiệp trở thành một trong những tỉnh phát triển khá toàn diện trong khu vực về xây dựng và phát triển du lịch, dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài.

Địa hình tỉnh Kiên Giang cơ bản là đồng bằng, đồng thời nằm trên các trục giao thông, kinh tế quan trọng như quốc lộ 80, quốc lộ 61, quốc lộ 63... từ đó tác động mạnh đến sự phát triển hợp tác quốc tế, mở rộng giao lưu văn hóa, du lịch của Kiên Giang với các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long.

Với các điều kiện thuận lợi nêu trên, Kiên Giang có tiền đề tốt để phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở trong tỉnh như nhu cầu, tài nguyên về thông tin rất lớn, tiềm năng về kinh tế mạnh và ổn định. Khai thác tốt các điều kiện này sẽ là điều kiện tốt để phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở trong tỉnh.

4.2. Khó khăn

Kiên Giang là một tỉnh có địa hình khá phức tạp bao gồm cả đất liền và hải đảo dẫn đến không ít khó khăn cho công tác đầu tư phát triển hạ tầng truyền thanh cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh.

II. HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG TRUYỀN THANH CƠ SỞ

1. Đài Truyền thanh

Đài Truyền thanh cấp huyện là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có chức năng sản xuất và biên tập chương trình phát thanh tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương, các hoạt động tại địa phương, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội, công tác an ninh trật tự, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến tới nhân dân. Tiếp sóng và phát lại các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

1.1. Nội dung chương trình

Các Đài Truyền thanh huyện duy trì phát sóng 07 ngày trong tuần; với thời lượng phát sóng mỗi ngày từ 03 đến 04 giờ. Trung bình mỗi tháng, các Đài Truyền thanh thực hiện hơn 2.612 tin, bài các loại; trong đó có 1.618 tin, bài do đài tự sản xuất, chiếm gần 62% lượng tin, bài phát sóng. Tham gia cộng tác hơn 400 tin, bài mỗi tháng phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Mỗi ngày các đài sản xuất 2 chương trình thời sự, chuyên mục. Chương trình thời sự có thời lượng từ 10 - 15 phút, chuyên mục có thời lượng từ 10 - 30 phút.

Ngoài ra, đài còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện thực hiện các chuyên mục: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, hướng về biên giới, biển đảo... đã có tác động tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Về cơ cấu thời lượng hàng ngày, có khoảng 30% phát sóng các chương trình thời sự, chuyên đề và văn nghệ giải trí do Đài Truyền thanh tự sản xuất; 30% thời lượng tiếp sóng chương trình của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và 40% tiếp sóng chương trình Đài Tiếng nói Việt Nam. Riêng Đài Truyền thanh Phú Quốc, mỗi tuần còn duy trì sản xuất và phát sóng 04 chương trình Truyền hình địa phương.

1.2. Nhân lực

Toàn tỉnh hiện có 125 cán bộ, viên chức và người lao động, làm việc tại 15 Đài Truyền thanh cấp huyện, trong đó có 92 người trong biên chế, 33 người hợp đồng. Số lượng nhân lực của các đài dao động từ 5 (Đài Hòn Đất, Giang Thành, Kiên Hải) đến 28 người (Đài Phú Quốc). Trung bình mỗi đài có khoảng 7 cán bộ. Bộ máy tổ chức chung của Đài Truyền thanh, gồm có 01 Trưởng đài, 01 Phó Trưởng đài và các bộ phận giúp việc. Về trình độ chuyên môn của 15 Đài: 02 người có trình độ thạc sĩ, chiếm 1,6%; 61 người có trình độ đại học, chiếm gần 49% (có 24 người có trình độ đại học báo chí chiếm hơn 39%); 42 người có trình độ cao đẳng và trung cấp, chiếm gần 34%. Về chính trị, gần 9% cán bộ, viên chức Đài Truyền thanh có trình độ cao cấp lý luận chính trị, gần 25% có trình độ trung cấp, còn lại là trình độ sơ cấp hoặc chưa được đào tạo.

Hầu hết các Đài Truyền thanh đều đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên ở các ban, ngành đoàn thể và các xã, phường, thị trấn. Hiện nay, toàn tỉnh có 380 cộng tác viên, trong đó có 112 cộng tác viên thường xuyên, nổi bật là Rạch Giá, Vĩnh Thuận, Gò Quao. Hàng năm, lực lượng cộng tác viên đều được tập huấn, hướng dẫn viết tin, bài; tham gia cung cấp thông tin cho Đài Truyền thanh. Tuy nhiên, hoạt động của các cộng tác viên không đều, trong số những người tham gia các khóa tập huấn, chỉ có khoảng 10% tham gia viết tin, bài cộng tác với Đài Truyền thanh.

Hiện nay, bộ máy tổ chức và nhân lực của các Đài Truyền thanh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong tổng số biên chế sự nghiệp của huyện, nên số lượng biên chế của Đài Truyền thanh không giống nhau. Đội ngũ cán bộ thường xuyên thay đổi, hiện còn một bộ phận cán bộ, viên chức chưa được đào tạo cơ bản, kể cả đào tạo ngắn hạn chuyên ngành, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ yếu, chưa đảm bảo công việc được giao. Tình trạng cán bộ, viên chức và người lao động phải kiêm nhiệm nhiều công việc; có những người kiêm nhiệm từ 2 đến 3 công việc. Nhiều nơi chưa hình thành các bộ phận chuyên nghiệp trong hoạt động nghiệp vụ, trong hoạt động còn chạy theo sự vụ, sự việc.

1.3. Hạ tầng kỹ thuật

Các Đài Truyền thanh huyện đã được đầu tư trang bị máy phát sóng FM, phục vụ tốt cho hoạt động tuyên truyền. Nhìn chung, cơ sở vật chất trang thiết bị của các Đài Truyền thanh đã cơ bản đảm bảo cho các hoạt động thu thập thông tin, biên tập sản xuất chương trình; tăng diện phủ sóng trong các khu dân cư. Ngoài ra, một số Đài Truyền thanh như thành phố Rạch Giá, huyện Phú Quốc còn được đầu tư, xây dựng phòng đọc, trang bị các thiết bị phi tuyến để có thể phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh dựng các chương trình truyền hình, phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

Hiện tại các Đài truyền thanh đã có tổng số 75 máy tính bàn, 16 Laptop, 37 camera, 36 máy ghi âm, 17 máy phát FM và 2.172 loa phát thanh. Trong đó có 28/75 máy tính bàn, 4/16 Laptop, 9/37 camera, 6/36 máy ghi âm, 2/17 máy phát đã hỏng hoặc lạc hậu; nguyên nhân do các thiết bị đã được đầu tư lâu ngày, không đồng bộ gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các đài.

1.4. Tài chính

Những năm qua, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cấp kinh phí đảm bảo cho các hoạt động theo kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, nhiệm vụ tăng thêm; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị ứng dụng công nghệ phục vụ sự nghiệp theo kế hoạch năm cơ bản đảm bảo. Các khoản chi tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cán bộ, viên chức, người lao động của Đài Truyền thanh được quan tâm. Các khoản chi phí quản lý hành chính: Vật tư văn phòng, dịch vụ công, thông tin liên lạc, công tác phí; hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn cơ bản được đảm bảo.

Việc thực hiện chế độ chi trả thù lao, nhuận bút hiện nay đối với các Đài Truyền thanh cấp huyện không giống nhau. Tùy theo điều kiện kinh phí của mỗi địa phương, các đài thực hiện phần chi trả nhuận bút cho các phóng viên và cộng tác viên. Mức trung bình chi trả nhuận bút cho 01 sản phẩm tin cao nhất là 22.000 đồng và thấp nhất là 10.000 đồng. Đối với thể loại bài, mức chi trả cao nhất là 200.000 đồng, thấp nhất là 80.000 đồng cho mỗi bài.

2. Trạm truyền thanh

2.1. Nội dung chương trình, thời lượng

Đối với các Trạm truyền thanh xã tùy theo điều kiện về kinh phí, mỗi ngày trung bình tiếp, phát sóng từ 2,5 đến 4 giờ. Trong đó, có 85% tiếp âm các chương trình của Đài Truyền thanh huyện, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Đài Tiếng nói Việt Nam; 15% là phát các thông báo của xã và ấp. Bên cạnh đó, có một số trạm đã tổ chức truyền thanh trực tiếp các sự kiện quan trọng của xã...

2.2. Nhân lực Trạm truyền thanh

Toàn tỉnh có 75 cán bộ phụ trách công tác quản lý, vận hành, kiêm nhiệm phụ trách cả nội dung và kỹ thuật. Một số nơi thành lập ban biên tập nội dung tuyên truyền do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã hoặc Phó Trưởng Ban tuyên giáo làm trưởng ban. Về trình độ chuyên môn: Đại học, cao đẳng 9 người; trung cấp 29 người. Khoảng 50% cán bộ phụ trách được tập huấn chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và kỹ thuật khai thác thiết bị thông tin và truyền thông, còn lại chưa có chuyên môn, nghiệp vụ và thường xuyên bị thay đổi vị trí công tác.

Với hiện trạng nguồn nhân lực chưa có chuyên môn và thường xuyên thay đổi vị trí công tác gây ảnh hưởng đến công tác vận hành các trạm truyền thanh cũng như các công tác chuyên môn khai thác tin, bài.

2.3. Hạ tầng kỹ thuật

Toàn tỉnh có 68 Trạm Truyền thanh (trong đó có 11 trạm của Chương trình Cảnh báo sớm sóng thn), trong đó có 60 trạm vô tuyến và 8 trạm hữu tuyến, 1.247 cụm loa truyền thanh không dây, với hơn 2.494 loa phóng thanh, đảm bảo tầm bao phủ khoảng 70% trên địa bàn. Riêng thành phố Rạch Giá hệ thống loa truyền thanh không dây đã bao phủ sóng đến các điểm, cụm dân cư.

Hiện nay, 21/68 Trạm có thiết bị máy phát sóng FM đã xuống cấp, làm giảm công suất phát sóng nhưng chưa được đầu tư, nâng cấp, từ đó ảnh hưởng đến âm thanh và chất lượng phát sóng, nhất là tình trạng nhiễu sóng ở các cụm loa không dây. Tình trạng trang thiết bị xuống cấp, đầu tư không đồng bộ, dẫn đến nhiều trạm không đảm bảo việc tiếp âm, tiếp sóng các Đài Trung ương và Đài tỉnh, huyện theo quy định.

2.4. Tài chính

Các Trạm Truyền thanh xã hoạt động hoàn toàn nhờ vào ngân sách địa phương. Tuy nhiên, đa số các xã chi cho hoạt động truyền thanh xã thấp so với mức kinh phí được cấp có thẩm quyền cấp. Với mức kinh phí này, hoạt động tại trạm truyền thanh xã không đủ kinh phí để sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng, không có kinh phí để hoạt động và chi trả nhuận bút cho các cộng tác viên...

3. Công tác quản lý nhà nước

Từ năm 2010 đến nay, với vai trò là Cơ quan quản lý nhà nước đối với Đài Truyền thanh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản, như: Hướng dẫn số 293/UBND-NCPC ngày 08/04/2011, về hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh hoặc Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố; tham mưu ban hành Quyết định số 25/2010/QĐ-UBND ngày 23/11/2010, Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 30/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về mức chi trả nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm được sử dụng phát trên Đài Truyền thanh cấp huyện thuộc tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra, thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn nội dung thông tin theo định hướng thông tin, tuyên truyền của tỉnh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật vận hành máy và viết tin, bài cho 336 cán bộ, viên chức của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, từ đó tạo thuận lợi trong quá trình hoạt động.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp tổ chức các đợt kiểm tra tại các Đài Truyền thanh về nội dung tuyên truyền, kiểm tra tần số, giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm tra hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở... Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những khiếm khuyết; kịp thời biểu dương các Đài Truyền thanh thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước đối với Đài Truyền thanh vẫn còn những hạn chế. Đến nay vẫn chưa xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống Đài Truyền thanh và hệ thống Truyền thanh cấp xã. Chưa có sự phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn thực hiện quản lý chung về lĩnh vực thông báo, nhắn tin trên hệ thống Đài Truyền thanh theo thẩm quyền...

4. Đánh giá chung

Những năm qua, hệ thống truyền thanh cơ sở của tỉnh luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, định hướng tuyên truyền của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động, thực hiện tốt chức năng thông tin, tuyên truyền. Đại bộ phận đội ngũ phóng viên, cán bộ, viên chức có lập trường tư tưởng vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, động cơ, tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, tâm huyết với nghề.

Hạ tầng mạng lưới truyền thanh phát triển rộng đến cấp xã. Nội dung chương trình truyền thanh địa phương mang tính tổng hợp, thông tin kịp thời các sự kiện quan trọng tại địa phương, cơ bản đáp ứng được nhu cầu nắm bắt những thông tin thiết yếu của người dân. Thời lượng chương trình ngày càng tăng, trong đó tăng cả thời lượng chương trình tiếp sóng và thời lượng chương trình tự sản xuất, chương trình liên kết...

Phần lớn máy móc, trang thiết bị làm chương trình, thiết bị phát sóng tại các Đài Truyền thanh cấp huyện và truyền thanh cơ sở đều đã được đầu tư từ lâu, đã lạc hậu và xuống cấp, thiếu các thiết bị phục vụ tác nghiệp, cơ sở vật chất nghèo nàn, kinh phí bất cập so với cường độ hoạt động và yêu cầu nhiệm vụ nên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tuyên truyền của hệ thống này. Trong đó, tại các trạm truyền thanh cơ sở, có tới 21 trạm hoạt động kém hiệu quả (chiếm 31%); 5 trạm truyền thanh không dây có tần số không phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện.

Hạ tầng kỹ thuật tại các Đài Truyền thanh cấp huyện vẫn còn thiếu các trang thiết bị đạt chuẩn và một số trang thiết bị đã được đầu tư lâu ngày không đồng bộ nên đã xuống cấp như máy quay, bàn dựng, máy tính..., thiếu các trang thiết bị phục vụ sản xuất chương trình phát thanh trực tiếp.

Đội ngũ nhân lực tại các Đài Truyền thanh cấp huyện và Trạm truyền thanh cấp xã còn hạn chế, nguồn nhân lực tại đây chủ yếu là kiêm nhiệm vì chưa tổ chức theo mô hình Đài. Chưa có cơ chế, chính sách phù hợp đối với đội ngũ lao động kiêm nhiệm và đặc biệt là nguồn nhân lực tại Trạm truyền thanh xã chuyên môn chưa cao và thường xuyên thay đổi vị trí công tác.

PHẦN III:

NỘI DUNG ĐỀ ÁN NÂNG CẤP VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TRUYỀN THANH CƠ SỞ TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2020

I. MỤC TIÊU CHUNG

1. Hệ thống truyền thanh cơ sở phát triển đảm bảo phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo người dân, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng tại địa phương một cách có hiệu quả.

2. Đảm bảo cho hệ thống truyền thanh cơ sở ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ thông tin, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

3. Bảo đảm đến năm 2020, Kiên Giang có một hệ thống truyền thanh cơ sở hoàn chỉnh, hiện đại, có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Đài Truyền thanh

Tăng thời lượng và nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của hệ thống Đài cấp huyện. Tăng cường sự hợp tác với Đài cấp tỉnh để nâng cao khả năng nghiệp vụ, đẩy mạnh vai trò của Đài huyện trong hệ thống phát thanh, truyền hình của tỉnh.

Đảm bảo phủ sóng phát thanh đến 91% các xã trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và 100% khu vực biên giới, hải đảo.

Đảm bảo các Đài Truyền thanh có trụ sở hoạt động và có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ sản xuất chương trình.

Hoàn thiện nguồn nhân lực làm công tác truyền thanh cho các Đài Truyền thanh, đảm bảo các biên tập viên, có trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt công tác tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương.

2. Trạm Truyền thanh

Nâng cấp, xây mới đảm bảo các Trạm truyền thanh xã tuyến biên giới, biển đảo, các xã thuộc vùng khó khăn hoạt động tốt.

Nâng cấp, xây mới các trạm truyền thanh cơ sở tại các xã được đề nghị công nhận xã nông thôn mới để đáp ứng tiêu chí nông thôn mới trong giai đoạn sắp tới.

Đảm bảo mỗi Trạm có 01 cán bộ không chuyên trách có trình độ kiến thức chuyên môn đảm bảo vận hành tốt.

Đảm bảo các Trạm truyền thanh cơ sở không dây phát sóng trong giải tần số được quy định (54 - 68 MHz).

III. ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TRUYỀN THANH CƠ SỞ TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2020

1. Đài Truyền thanh

a. Thời lượng phát sóng, tiếp sóng

Tăng thời lượng phát sóng, tiếp sóng chương trình và năng lực sản xuất chương trình. Thời lượng phát thanh đạt tối thiểu 240 phút/ngày, trong đó thời lượng chương trình tự sản xuất đạt từ 30 phút đến 60 phút/ngày.

Số lượng chương trình phát thanh tối thiểu 2 chương trình/ngày.

b. Nội dung

Nội dung chương trình phát thanh tại các Đài Truyền thanh cấp huyện theo hướng thông tin tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, thông tin đối ngoại.

Ngoài các tin, bài, phóng sự, phỏng vấn, tập trung dành thời lượng thích hợp phát sóng các chuyên đề, chuyên mục hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan mật thiết đến cuộc sống của các tầng lớp nhân dân.

Chú trọng đặc biệt đến việc xây dựng chương trình phát thanh cho đồng bào dân tộc, phục vụ nhu cầu thông tin của bộ phận người dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.

c. Sản xuất chương trình

Đầu tư trang bị mới, nâng cấp các thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản xuất chương trình: Bộ dựng phi tuyến thu và phát chương trình, máy ghi âm kỹ thuật số, máy vi tính. Nâng cấp phòng thu thanh đạt chất lượng; đầu tư xây dựng hệ thống truyền thanh trực tuyến tại các Đài Truyền thanh cấp huyện.

d. Nhân lực

Kiện toàn mô hình tổ chức Đài Truyền thanh cấp huyện theo đúng Thông tư liên tịch số 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV ngày 27/7/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh cấp huyện.

Nguồn nhân lực tăng hợp lý cả về số lượng và chất lượng theo từng năm. Đến năm 2020, đạt 40% lao động có trình độ đại học chuyên ngành báo chí, văn hóa, tư tưởng... (có chuyên môn gần với báo chí), riêng lãnh đạo mỗi Đài phấn đấu phải có đại học báo chí.

Thực hiện công tác tuyển dụng lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên, chuyên ngành báo chí, phát thanh, truyền hình, công nghệ kỹ thuật điện tử và truyền thông, vào các vị trí biên tập viên, kỹ thuật viên công tác tại Đài.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật vận hành, duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị cho các cán bộ truyền thanh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Chú trọng tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn hạn các kiến thức về biên tập, kỹ năng khai thác và xử lý thông tin, kỹ năng sử dụng máy tính và ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiệp vụ.

Tăng cường lực lượng cộng tác viên, xây dựng và có cơ chế dành cho cộng tác viên tích cực.

e. Hạ tầng kỹ thuật

Tiến hành đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Đài Truyền thanh các huyện, thị, thành phố. Đầu tư mới máy phát cho một số Đài, máy phát hiện tại dùng để dự phòng. Đầu tư mới các thiết bị, lắp đặt phòng đặt thiết bị, phòng thu, phòng phát thanh trực tuyến đạt chuẩn để đảm bảo nâng cao chất lượng tin, bài phát thanh.

f. Tài chính

Đảm bảo nguồn kinh phí cho Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố có đủ điều kiện để hoạt động. Cấp và thực hiện đảm bảo theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chi trả nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm được sử dụng phát trên Đài Truyền thanh cấp huyện thuộc tỉnh Kiên Giang.

2. Trạm Truyền thanh

a. Thời lượng

Đảm bảo thời lượng tiếp âm đạt 3 giờ/ngày và nội dung thông tin địa phương, đảm bảo từ 7 đến 10 phút/ngày.

b. Nội dung chương trình

Nội dung chương trình Trạm truyền thanh xã cần tập trung phản ánh tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân tại địa phương. Khai thác, biên tập nội dung thông tin, tuyên truyền từ các cơ quan thông tin, báo chí, xuất bản, đài phát thanh - truyền hình trung ương và tỉnh, đẩy mạnh phát triển nội dung thông tin về nông nghiệp, nông dân và nông thôn với nội dung, hình thức phù hợp với nhu cầu, phong tục tập quán và trình độ văn hóa của người dân.

Chú trọng tới các nội dung mang tính gần gũi, thiết thực với người dân sống trên địa bàn xã: xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh; xây dựng nông thôn mới; thông báo của chính quyền địa phương; các chuyên đề gắn với nông nghiệp, nông thôn; tuyên truyền gương người tốt việc tốt, điển hình trong sản xuất, kinh doanh...

c. Hạ tầng kỹ thuật

Trong giai đoạn đến năm 2020, tiến hành đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp 24 Trạm Truyền thanh xã và 05 Trạm truyền thanh tại các Đồn Biên phòng với công nghệ truyền thanh không dây, các thiết bị đồng bộ và hiện đại để đáp ứng tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trạm truyền thanh xã và tại khu vực biên giới đảm bảo phủ sóng 91% địa bàn tỉnh và 100% khu vực biên giới, hải đảo và đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới tại các xã trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm, Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm bảo dưỡng và tu bổ định kỳ để các trạm truyền thanh xã hoạt động tốt.

d. Nhân lực

Bố trí mỗi trạm truyền thanh xã 01 cán bộ văn hóa thông tin không chuyên trách chỉ làm nhiệm vụ truyền thanh. Đảm bảo 100% cán bộ truyền thanh cơ sở được tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp đủ khả năng vận hành, sửa chữa nhỏ hệ thống thiết bị truyền thanh, xây dựng các bản tin địa phương.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho tất cả cán bộ tại các trạm truyền thanh xã sử dụng thành thạo máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho nhu cầu công việc.

e. Tài chính

Nguồn kinh phí sự nghiệp truyền thanh được cấp theo định mức của cơ quan có thẩm quyền. Chính quyền địa phương các cấp bảo đảm sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích kinh phí sự nghiệp truyền thanh.

Nghiên cứu bổ sung nâng định mức kinh phí sự nghiệp truyền thanh, bảo đảm nguồn kinh phí đáp ứng yêu cầu vận hành, sửa chữa thiết bị, thời lượng phát sóng, số lượng và nội dung chương trình theo đề án.

3. Định hướng công tác quản lý nhà nước

Tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về hoạt động phát thanh, truyền thanh theo hướng đồng bộ, sửa đổi, bổ sung các văn bản còn thiếu, không phù hợp.

Kiện toàn và tăng cường hiệu lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về nội dung thông tin. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý của các cơ quan chỉ đạo và quản lý nội dung thông tin nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phát thanh; khắc phục tình trạng chồng chéo, phân công, phân cấp không rõ ràng giữa các cơ quan quản lý, giữa các cấp; bảo đảm sự tập trung, hiệu quả của công tác chỉ đạo, quản lý nội dung thông tin trong phạm vi toàn tỉnh.

Cần tăng thêm nguồn nhân sự, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, xây dựng bộ phận theo dõi nội dung thông tin chuyên trách và đội ngũ cộng tác viên được hưởng chế độ theo hình thức hợp đồng công việc trong lĩnh vực quản lý nhà nước về phát thanh cơ sở.

Bổ sung kinh phí, trang thiết bị chuyên ngành để kiểm soát thông tin phát thanh. Các trang thiết bị theo dõi các chương trình phát thanh; trang thiết bị chuyên ngành theo dõi về sóng, tần số...

Xây dựng quy chế hoạt động của các trạm truyền thanh xã, quy định về mô hình và cơ chế hoạt động của các trạm truyền thanh xã. Trong đó, có nêu rõ các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của trạm truyền thanh xã, hướng dẫn về mô hình tổ chức, kinh phí hoạt động của các trạm truyền thanh xã.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, và xử lý vi phạm: Hoàn thiện phương thức và cơ chế phối hợp để xử lý có hiệu quả thông tin phản hồi, khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức đối với thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xây dựng cơ chế khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin giúp cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn, hạn chế và xử lý kịp thời những sai phạm sẽ hoặc đã diễn ra.

4. Các dự án đầu tư

Dự án 1. Tập huấn kỹ năng nghiệp vụ truyền thanh cho cán bộ làm công tác truyền thanh tại các Trạm Truyền thanh

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông

Thời gian thực hiện: Năm 2017 - 2020

Kinh phí: 400 triệu đồng

Nguồn: Ngân sách tỉnh nguồn chi thường xuyên

Nội dung đào tạo:

- Đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng sử dụng máy tính và khai thác thông tin trên mạng Internet.

- Đào tạo kỹ năng viết tin, bài truyền thanh, tuyên truyền.

- Đào tạo kỹ năng vận hành, sửa chữa thiết bị truyền thanh.

(Chi tiết tham khảo Phụ lục I - Trang 27)

Dự án 2. Đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để sản xuất chương trình và phát sóng tại Đài Truyền thanh cấp huyện

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông

Thời gian thực hiện: 2017 - 2020

Kinh phí: 9.102,5 triệu đồng

Hạng mục đầu tư:

- Đầu tư mới, nâng cấp máy phát sóng và các thiết bị tác nghiệp (máy quay phim, máy chụp ảnh, máy vi tính....) tại 15 huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;

Bao gồm các hạng mục:

- Máy phát thanh: Công suất 500w.

- Máy quay kỹ thuật số.

- Máy ghi âm.

- Máy vi tính, phần mềm chuyên dụng phục vụ công tác chuyên môn.

- Các cụm loa (không dây).

- Bộ thu phát chuyên dụng (CD, Radio, MP3).

- Đầu đĩa DVD - VCD - CD - Radio.

(Chi tiết tham khảo Phụ lục I - Trang 28)

Dự án 3. Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống truyền thanh cơ sở

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

Thời gian thực hiện: 2017 - 2020.

Kinh phí: 7.352,4 triệu đồng.

Hạng mục đầu tư: Đầu tư mới trang thiết bị phát thanh không dây cho 40 Trạm truyền thanh xã và 05 Đồn biên phòng với đầy đủ các thiết bị đồng bộ, hiện đại và hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm các hạng mục:

- Máy phát FM.

- Hệ thống Ăng ten phát sóng và dây dẫn dẫn tín hiệu chuyên dụng.

- Mixer 4 đường.

- Máy thu FM chuyên dụng.

- Cụm thu tín hiệu loa không dây.

- Bộ điều khiển loa không dây.

- Dây dẫn loa.

- Ổn áp 3KVA.

- Micro để bàn + chân đế.

- Các connector.

- Máy tính bàn.

- Chi phí vận chuyển, thi công, lắp đặt hướng dẫn.

(Chi tiết tham khảo Phụ lục I - Trang 29)

5. Phân kỳ đầu tư

- Tổng kinh phí: 16.854.9 triệu đồng, trong đó:

Phân kỳ:

Năm 2017: 6.374,4 triệu đồng

Dự án 1: 100 triệu đồng.

Dự án 2: 3.509 triệu đồng.

Dự án 3: 2.765,4 triệu đồng.

Năm 2018: 4.214 triệu đồng

Dự án 1: 100 triệu đồng.

Dự án 2: 2.259,4 triệu đồng.

Dự án 3: 1.854,6 triệu đồng.

Năm 2019: 3.330,7 triệu đồng

Dự án 1: 100 triệu đồng.

Dự án 2: 1.712,7 triệu đồng.

Dự án 3: 1.518 triệu đồng.

Năm 2020: 2.935,8 triệu đồng

Dự án 1: 100 triệu đồng.

Dự án 2: 1.621,4 triệu đồng.

Dự án 3: 1.214,4 triệu đồng.

 

Bảng 1: Tổng hợp dự án và phân kỳ đầu tư

TT

Nội dung

Nguồn đầu tư (triệu đồng)

Phân kỳ

Ngân sách tỉnh (Chi sự nghiệp Phát thanh Truyền hình- Sở Tài chính)

Ngân sách tỉnh (Nguồn sự nghiệp có tính chất đầu tư - Sở Kế hoạch & Đầu tư

Ngân sách tỉnh 10 % dự phòng (Nguồn sự nghiệp có tính chất đầu tư - Sở Kế hoạch & Đầu tư)

Ngân sách TW

Tổng

2017

2018

2019

2020

1

Tập huấn kỹ năng nghiệp vụ truyền thanh cho cán bộ làm công tác truyền thanh tại các Trạm Truyền thanh

400

 

 

 

400

100

100

100

100

2

Đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để sản xuất chương trình và phát sóng tại Đài Truyền thanh cấp huyện

6.102,5

 

 

3.000

9.102,5

3.509

2.259,4

1.712,7

1.621,4

3

Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống truyền thanh cơ sở (nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới)

3.312

3372

668,4

 

7.352,4

2.765,4

1.854,6

1.518

1.214,4

 

Tổng

9.814,5

3.372

668,4

3.000

16.854,9

6.374,4

4.214

3.330,7

2.935,8

PHẦN IV.

GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. GIẢI PHÁP

1. Xây dựng cơ chế, chính sách

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và triển khai các hoạt động đầu tư phát triển mạng lưới thông tin và truyền thông. Một số văn bản cần ban hành như sau:

- Cơ chế khuyến khích phát triển các dịch vụ thông tin phát thanh (Sở Tài chính chủ trì, Sở Thông tin và Truyền thông, các Đài tỉnh, Đài huyện phối hợp);

- Cơ chế xây dựng và sử dụng nhuận bút (Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, các Đài tỉnh, Đài huyện, trạm truyền thanh xã phối hợp);

2. Tổ chức, nguồn nhân lực

Kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác quản lý; tăng cường nguồn nhân lực cho các đài truyền thanh cấp huyện, đảm bảo triển khai thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền. Sở thông tin và Truyền thông phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh ban hành hướng dẫn cụ thể về công tác quản lý nhà nước và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đối với đài. Thống nhất về công tác quản lý, phân cấp quản lý đối với hệ thống các đài truyền thanh cấp huyện, trạm truyền thanh cấp xã.

Từng bước bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thanh cấp huyện, theo hướng hình thành các bộ phận chuyên môn; đảm bảo đủ nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý, sản xuất chương trình và vận hành kỹ thuật.

Tăng cường công tác đào tạo chuyên ngành báo chí; tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình, Hội Nhà báo và các ngành liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lực lượng công tác ở đài truyền thanh cả về mô hình tổ chức; về nội dung chương trình; về đầu tư, ứng dụng các thiết bị kỹ thuật hiện đại.

Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ phù hợp với thực tế phát triển, phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ.

Xây dựng đội ngũ cộng tác viên cho Đài truyền thanh huyện bao gồm các cán bộ hưu trí có trình độ lý luận chính trị từ Ủy ban nhân dân huyện, các chuyên viên, cán bộ đang công tác tại các cơ quan chính quyền của huyện như Ban Tuyên giáo, Phòng Văn hóa... Nhằm đa dạng, nâng cao chất lượng nội dung tin bài.

3. Công nghệ và kỹ thuật

- Một số yêu cầu về kỹ thuật cơ bản:

+ Công nghệ điều khiển khống chế kỹ thuật số tiện dụng, có thể tắt mở tổng thể hoặc tắt mở riêng biệt từng khu dân cư, từng điểm loa;

+ Hệ thống máy chủ, máy con có khóa mã riêng, nhằm tránh tình trạng máy thu sóng lạ hoặc can nhiễu sóng lẫn nhau;

+ Dải điện nguồn rộng, tối thiểu 50 - 250V, có thể thu phát, tắt mở bình thường, không làm méo tiếng loa, để khắc phục hiện tượng điện áp tụt xuống rất thấp tại một số địa phương vào giờ cao điểm;

+ Tần số phát sóng trong dải 54-68MHz, có thể điều chỉnh được, phù hợp với quy định của Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông;

+ Không cần Ăng ten trợ giúp máy thu vẫn hoạt động bình thường; cài mã riêng, âm lượng to nhỏ, tắt nguồn, từng tiếng... có thể điều chỉnh bằng điều khiển từ xa;

+ Hệ thống có khả năng vận hành đơn giản; đảm bảo dịch vụ hậu mãi, bảo trì, bảo hành nhanh chóng, kịp thời, chất lượng; tập huấn đào tạo, hướng dẫn vận hành, khai thác cho các cán bộ tại địa phương.

Sử dụng công nghệ truyền thanh không dây công nghệ hiện đại giúp tiếp âm các chương trình của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Phát thanh huyện/thị, thành phố với chất lượng cao, tạo nên một mạng lưới thông suốt và thống nhất cho hệ thống truyền thanh 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện và xã); đảm bảo an ninh làn sóng trên toàn mạng lưới truyền thanh; không bị nhiễu sóng truyền hình (UHF và VHF); sử dụng tần số phát sóng trong dải 54 - 68 MHz.

4. Huy động các nguồn vốn

Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án liên quan nhiệm vụ chính trị, hỗ trợ ban đầu, các dự án xây dựng cơ sở vật chất sản xuất chương trình. Trong đó, ưu tiên sử dụng vốn ngân sách tỉnh từ nguồn sự nghiệp phát thanh, truyền hình, tận dụng từ nguồn vốn viện trợ để đầu tư xây dựng.

5. Quản lý nhà nước

Tăng cường công tác quản lý truyền thanh, thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ thống Đài truyền thanh cơ sở, kết hợp với cấp ủy và Ủy ban nhân dân các cấp có kế hoạch đầu tư và định hướng cho trạm truyền thanh xã hoạt động hiệu quả.

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, toàn xã hội về phát thanh. Thực hiện đề án phát triển phát thanh của tỉnh, các Sở, ngành, các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực phát thanh tăng cường phối hợp.

Nâng cao chất lượng tư tưởng, chính trị, văn hóa, khoa học của các cơ quan phát thanh truyền hình, để thông tin phát thanh thật sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chủ quản tăng cường lãnh đạo, quản lý hệ thống của mình. Xây dựng, hoàn thiện quy chế quản lý, quy chế phối hợp, chế độ trách nhiệm giữa cơ quan chủ quản và cơ quan phát thanh của mình, nhất là trong việc định hướng nội dung, nhân sự, tài chính.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tổ chức công bố, phổ biến Đề án “Nâng cấp và phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở tỉnh Kiên Giang đến năm 2020” đến các cấp, các ngành, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các Đài Truyền thanh cấp huyện, Trạm truyền thanh xã, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh theo quy định.

- Chủ trì hướng dẫn, tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện Đề án; làm đầu mối, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các dự án.

- Xây dựng và đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh cơ chế, chính sách để hoạt động phát thanh phát triển đúng pháp luật, đúng định hướng, góp phần tuyên truyền có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến đông đảo người dân, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của địa phương.

- Phối hợp với các sở, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đề án.

- Hướng dẫn, hỗ trợ và phối hợp với các Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện Đề án.

- Chủ trì và phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, xã thực hiện các dự án trong quy hoạch.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo nguồn vốn sự nghiệp địa phương đầu tư dự án có tính chất đầu tư và phân bổ các nguồn vốn mục tiêu do Trung ương cấp.

3. Sở Tài chính

Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách tài chính, đảm bảo các nguồn vốn chi sự nghiệp phát thanh truyền hình hàng năm của tỉnh.

4. Sở Nội vụ

Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiện toàn bộ máy tổ chức và cơ cấu nguồn nhân lực theo Đề án.

5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các Đài Truyền thanh địa phương trong tỉnh, hệ thống truyền thanh cơ sở tập huấn, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ đảm bảo phát triển đồng bộ nguồn nhân lực phát thanh.

- Xây dựng, hoàn thiện, quản lý trực tiếp hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh đảm bảo phát sóng các chương trình phát thanh trong địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các Đài Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố sản xuất chương trình.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Kiện toàn bộ máy tổ chức Đài Truyền thanh cấp huyện, Trạm truyền thanh xã.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện dự án số 2.

- Tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng nội dung thông tin tại các Trạm truyền thanh xã.

- Bố trí nguồn kinh phí triển khai thực hiện các dự án và bảo đảm cho hoạt động sự nghiệp truyền thanh hoạt động đúng hướng dẫn.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai các nội dung khác có liên quan trong Đề án.

Triển khai và chỉ đạo các Đài Truyền thanh cấp huyện triển khai thực hiện Đề án, trên cơ sở phối hợp tốt với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện mục tiêu phủ sóng, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng và chuyển đổi sang công nghệ số. Phát triển hệ thống truyền thanh.

7. Ủy ban nhân dân các xã

Có phương án bố trí cán bộ truyền thanh đảm bảo các yêu về tiêu chuẩn về chuyên môn, chính trị, năng lực, trong đó cần chú ý kỹ năng và tâm huyết với nghề. Khắc phục việc phân công cán bộ truyền thanh kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi việc làm. Ngoài mức phụ cấp hàng tháng theo quy định, cần có chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng cán bộ truyền thanh trực vào những ngày nghỉ.

Sắp xếp, bố trí nơi làm việc, nơi đặt phòng máy riêng, bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật và an ninh.

Cân đối nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động sự nghiệp truyền thanh hoạt động đúng hướng dẫn.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện dự án số 3.

8. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong quá trình tổ chức, triển khai và hoạt động của các Trạm Truyền thanh được bố trí ở các Đồn Biên phòng.

- Có phương án bố trí cán bộ truyền thanh đảm bảo các yêu về tiêu chuẩn về chuyên môn, chính trị, năng lực, trong đó cần chú ý kỹ năng và tâm huyết với nghề.

- Sắp xếp, bố trí nơi làm việc, nơi đặt phòng máy riêng, bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật và an ninh.

9. Đài Truyền thanh

- Phối hợp với các ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân địa phương có phương án kiện toàn tổ chức bộ máy của Đài, Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện dự án số 2.

- Xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng nội dung thông tin.

- Sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng và chuyển đổi sang công nghệ số.

- Thực hiện chế độ chi trả nhuận bút, thù lao theo đúng các quy định...

 

PHỤ LỤC I:

THUYẾT MINH CÁC DỰ ÁN

* Dự án 1: Tập huấn kỹ năng nghiệp vụ truyền thanh cho cán bộ làm công tác truyền thanh.

1- Lý do đầu tư: Hiện trên địa bàn tỉnh có tổng số 68 cán bộ truyền thanh đang công tác tại các trạm truyền thanh cơ sở, nhưng hầu hết đều là cán bộ văn hóa xã hội, đoàn thanh niên, cựu chiến binh làm nhiệm vụ kiêm nhiệm, không chuyên trách công việc cụ thể, trình độ không đồng đều. Ngoài ra, do yêu cầu nhiệm vụ nên các cán bộ thường xuyên thay đổi vị trí dẫn tới không ổn định; bất cập, thiếu kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ.

Để thực hiện và đạt mục tiêu quy hoạch và mục tiêu theo Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 - 2015 (Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 5/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ), cần tiến hành hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức, ổn định chức danh quản lý truyền thanh; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật vận hành, khai thác và sử dụng hiệu quả trạm truyền thanh và các trang thiết bị tác nghiệp cho các cán bộ truyền thanh cơ sở.

- Triển khai thực hiện qua các năm từ 2017 đến 2020.

- Nội dung:

+ Đào tạo kỹ năng viết tin, bài truyền thanh, tuyên truyền.

+ Đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng sử dụng máy tính và khai thác thông tin trên mạng Internet.

+ Đào tạo kỹ năng vận hành, sửa chữa thiết bị truyền thanh.

- Đối tượng:

Cấp huyện: Lãnh đạo đài Truyền thanh, biên tập viên, phóng viên, cán bộ kỹ thuật của đài truyền thanh huyện, cộng tác viên của đài truyền thanh cấp huyện.

Cấp xã: Cán bộ trạm truyền thanh xã, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp xã.

* Dự án 2: Đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để sản xuất chương trình và phát sóng tại Đài Truyền thanh cấp huyện

(Đơn vị: triệu đồng)

Năm

Đài truyền thanh

Máy quay phim chuyên dụng

Máy tính bàn và phần mềm dựng

Loa không dây

Máy ghi âm

Máy phát sóng

Bộ thu phát chuyên dụng

Bộ lưu trữ dữ liệu

Mixer

Chi phí

Chi phí dự phòng (10%)

Tổng

2017

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3190

319

3509

 

Hòn Đất

1

1

0

1

1

0

0

0

550

55

605

 

Châu Thành

1

1

0

0

1

0

0

0

541

54.1

595.1

 

An Biên

1

1

40

0

0

0

0

0

409

40.9

449.9

 

Vĩnh Thuận

1

1

60

1

1

1

1

1

920

92

1012

 

An Minh

1

1

100

1

0

1

0

0

770

77

847

2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2054

205.4

2259.4

 

Phú Quốc

0

1

30

0

0

0

0

0

204

20.4

224.4

 

Tp Rạch Giá

1

1

 

 

 

 

1

 

380

38

418

 

Kiên Lương

1

1

100

1

0

1

0

1

790

79

869

 

U Minh Thượng

1

1

80

1

0

1

0

1

680

68

748

2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1557

155.7

1712.7

 

Kiên Hải

1

1

30

1

0

1

0

1

405

40.5

445.5

 

Giang Thành

1

0

50

0

0

0

0

1

439

43.9

482.9

 

Tân Hiệp

1

1

80

 

 

 

 

1

713

71.3

784.3

2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1474

147.4

1621.4

 

Tx Hà Tiên

1

1

40

1

 

 

 

 

440

44

484

 

Gò Quao

0

1

50

0

0

0

0

1

295

29.5

324.5

 

Giồng Riềng

1

1

100

 

 

 

 

1

739

73.9

812.9

 

Tổng

13

14

760

7

3

5

2

8

8275

827.5

9102.5

(Chi tiết cấu hình, giá thành các trang thiết bị - Tham khảo bảng 5 Phụ lục III)

Dự án 3. Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống truyền thanh cơ sở (nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới)

- Lý do đầu tư: Các trạm truyền thanh trên địa bàn tỉnh do kinh phí khó khăn nên phần lớn cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trạm truyền thanh cơ sở đều được đầu tư đã lâu, với các thiết bị dân dụng, không đồng bộ, chất lượng âm thanh kém, không đồng đều trên toàn tuyến; một số trạm đã xuống cấp, lạc hậu, thường xuyên hỏng hóc, ảnh hưởng đến chất lượng phát rất nhiều. Cần tiến hành xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất cho các trạm truyền thanh cơ sở và các Đồn biên phòng nhằm nâng cao chất lượng phát thanh, hiệu quả hoạt động và tăng thời lượng tiếp âm, sản xuất chương trình phục vụ các khu dân cư, nâng cao đời sống, năng lực sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Hạng mục đầu tư: Đầu tư mới 24 trạm truyền thanh không dây với đầy đủ các thiết bị đồng bộ và hiện đại và hạ tầng công nghệ thông tin (bao gồm máy tính, kết nối mạng Internet),

(Chi tiết cấu hình, giá thành các trang thiết bị - Tham khảo bảng 6 Phụ lục III)

Năm

Huyện

Trạm truyền thanh

Chi phí

Chi phí dự phòng (10%)

Tổng

Ngân sách tỉnh (Chi sự nghiệp Phát thanh Truyền hình- Sở Tài chính)

Kinh phí sự nghiệp mang tính chất đầu tư

 

 

2017

 

 

1.380

1.134

251,4

2.765,4

1

Kiên Lương

Hòn Nghệ

276

 

27,6

303,6

2

 

Sơn Hải

 

276

27,6

303,6

3

Kiên Hải

Lai Sơn

276

 

27,6

303,6

4

 

Xã Nam Du

276

 

27,6

303,6

5

Phú Quốc

Xã Thổ Châu

276

 

27,6

303,6

6

Tx Hà Tiên

Tiên Hải

276

 

27,6

303,6

7

 

Mỹ Đức

 

276

27,6

303,6

8

Đồn biên phòng

Chưa có vị trí

 

291

29,1

320,1

9

 

Chưa có vị trí

 

291

29,1

320,1

2018

 

 

828

858

168,6

1.854,6

10

An Minh

Vân Khánh Tây

276

 

27,6

303,6

11

 

Đông Hưng A

 

276

27,6

303,6

12

 

Vân Khánh Đông

276

 

27,6

303,6

13

Phú Quốc

 

276

 

27,6

303,6

14

Đồn biên phòng

Chưa có vị trí

 

291

29,1

320,1

15

 

Chưa có vị trí

 

291

29,1

320,1

2019

 

 

552

828

138

1.518

16

U Minh Thượng

Thạnh Yên A

276

 

27,6

303,6

17

Giang Thành

Tân Khánh Hòa

276

 

27,6

303,6

18

 

Vĩnh Điều

 

276

27,6

303,6

19

Phú Quốc

Bãi Thơm

 

276

27,6

303,6

20

 

Thố Châu

 

276

27,6

303,6

2020

 

 

552

552

110,4

1.214,4

21

Phú Quốc

Cửa Dương

 

276

27,6

303,6

22

 

TT Dương Đông

 

276

27,6

303,6

23

An Biên

Nam Thái

276

 

27,6

303,6

24

Giồng Riềng

Vĩnh Phú

276

 

27,6

303.6

 

 

Tổng

3.312

3.372

668,4

7.352,4

 

PHỤ LỤC II:

HIỆN TRẠNG TRUYỀN THANH CƠ SỞ KIÊN GIANG

Bảng 2: Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật các Đài Truyền thanh

STT

Đơn vị

Máy tính bàn

Laptop

Camera

Máy ghi âm

Phần mềm dựng

Hệ thống máy phát

Đường truyền Internet

Loa

1

Huyện Kiên Hải

3 (Đã hỏng 1)

4

2

2

đã có

1

Cáp quang

34

2

Huyện Châu Thành

5 (Đã hỏng 1, 2 máy lạc hậu)

1 (lạc hậu)

3 (1 máy xuống cấp)

1 (đã xuống cấp)

đã có

1 (máy đã xuống cấp)

Cáp đồng

197

3

Huyện Giồng Riềng

7

2

4

4

đã có

2

Cáp quang

548

4

Thị xã Hà Tiên

8 (3 đã xuống cấp)

0

4 (2 camera đã xuống cấp)

3 (1 máy đã xuống cấp)

đã có

1

Cáp quang

80

5

Huyện Hòn Đất

5 (3 đã xuống cấp)

0

3

1

đã có

1

Cáp quang

170

6

Huyện Vĩnh Thuận

2

0

1

0

0

0

Cáp đồng

91

7

Huyện An Biên

4 (đã lạc hậu)

0

1 (Đã xuống cấp)

3 (2 máy đã xuống cấp)

đã có

2

Cáp quang

70

8

Thành phố Rạch Giá

7 (5 máy đã lạc hậu)

0

7

2

đã có

1

Cáp quang

335

9

Huyện Phú Quốc

7 (2 máy đã xuống cấp)

2 (1 đã lạc hậu)

4 (1 đã xuống cấp)

0

đã có

1

Cáp quang

40

10

U Minh Thượng

3 (1 máy đã xuống cấp) thiếu 1 máy so với yêu cầu

1

2 (1 máy đã xuống cấp)

2

đã có

1

Cáp quang

50

11

Gò Quao

4

4

2

4

đã có

1

Cáp quang

249

12

An Minh

1 (đã lạc hậu)

2 (đã lạc hậu)

1

5

đã có

1

Cáp quang

110

13

Giang Thành

7

0

3

4

đã có

1

Cáp quang (2 đường truyền)

40

14

Kiên Lương

7

0

3 ( đã hỏng 1)

3

0

1

Cáp quang

70

15

Tân Hiệp

5 (đã lạc hậu)

0

2 (1 hỏng 1 xuống cấp)

2 (đã xuống cấp)

đã có

2 (1 máy đã xuống cấp)

Cáp quang (2 đường truyền)

88

Bảng 3: Tình hình hoạt động của các Trạm Truyền thanh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

STT

Huyện, Thành Phố

Tổng số xã, phường, thị trấn

Tổng số Trạm

Trạm vô tuyến

Trạm hữu tuyến

Chất lượng hoạt động của các Đài

Đánh giá nhu cầu

Tốt

TB

Kém

Giữ nguyên

Nâng cấp

1

Rạch Giá

12

10

10

 

10

 

 

10

 

2

Hà Tiên

7

2

2

 

 

 

2

 

2

3

Kiên Hải

4

5

2

3

4

1

 

5

 

4

Châu Thành

10

0

 

 

 

 

 

 

 

5

Giồng Riềng

19

0

 

 

 

 

 

 

 

6

Hòn Đất

14

3

 

3

 

2

1

3

1

7

Vĩnh Thuận

8

0

 

 

 

 

 

 

 

8

An Biên

9

0

 

 

 

 

 

 

 

9

Phú Quốc

10

10

8

2

4

3

3

7

3

10

U Minh Thượng

6

0

 

 

 

 

 

 

 

11

Gò Quao

11

9

9

 

2

 

7

2

7

12

An Minh

11

6

6

 

2

 

4

2

4

13

Giang Thành

5

4

4

 

1

2

1

3

1

14

Kiên Lương

8

8

8

 

 

8

 

8

 

15

Tân hiệp

11

11

11

 

 

8

3

8

3

Tổng

145

68

60

8

23

24

21

47

21

Bảng 3: Hiện trạng các Trạm Truyền thanh

STT

Địa điểm

Nhân sự

Thực trạng trang thiết bị

Trình độ

Biên chế

Trạm không dây

Trạm có dây

Đánh giá hiện trạng

I

Huyện Kiên Hải

 

 

 

 

 

1

Xã Lại Sơn

Cao Đẳng

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

2

Ấp Thiên Tuế

 

Kiêm nhiệm

x

 

Tốt

3

Ấp Bãi Bấc

 

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

4

Xã An Sơn

Cao Đẳng

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

5

Xã Nam Du

Cao Đẳng

Kiêm nhiệm

x

 

Bình thường

II

Huyện Hà Tiên

 

 

 

 

 

1

Xã Mỹ Đức

Phổ thông

Kiêm nhiệm

x

 

Kém

2

Xã Tiên Hải

Phổ thông

Kiêm nhiệm

x

 

Kém

III

Huyền Hòn Đất

 

 

 

 

1

Thị trấn Sóc Sơn

Cao Đẳng

Kiêm nhiệm

 

x

Kém

2

Xã Mỹ Hiệp Sơn

Đại Học

Kiêm nhiệm

 

x

Kém

IV

Thành phố Rạch Giá

 

 

 

 

 

1

Phường An Hòa

Đại Học

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

2

Phường An Bình

Cao Đẳng

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

3

Phường Vĩnh Lợi

Đại Học

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

4

Phường Vĩnh Thanh Vân

Trung Cấp

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

5

Phường Vĩnh Thanh

Cao Đẳng

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

6

Phường Vĩnh Lạc

Trung Cấp

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

7

Phường Vĩnh Bảo

Đại Học

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

8

Phường Vĩnh Quang

Cao Đẳng

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

9

Phường Vĩnh Hiệp

Cao Đẳng

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

10

Xã Phi Thông

Cao Đẳng

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

V

Huyện Phú Quốc

 

 

 

 

 

1

Thị trấn An Thới

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

2

Xã Bãi Thơm

Trung Cấp

Kiêm nhiệm

 

x

Bình thường

3

Xã Hòn Thơm

Trung Cấp

Kiêm nhiệm

x

 

Bình thường

4

Xã Thổ Châu

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

x

Kém

5

Xã Gành Dầu

Phổ thông

Kiêm nhiệm

x

 

Tốt

6

Thị trấn Dương Đông

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

x

Bình thường

7

Xã Dương Tơ

Trung Cấp

Kiêm nhiệm

 

x

Kém

8

Xã Hàm Ninh

Trung Cấp

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

9

Xã Cửa Cạn

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

10

Xã Cửa Dương

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

x

Kém

VI

Huyện Gò Quao

 

 

 

 

 

1

Xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc

Trung Cấp

Kiêm nhiệm

 

x

Bình Thường

2

Xã Vĩnh Hòa Hưng Nam

Trung Cấp

Kiêm nhiệm

 

x

Bình Thường

3

Xã Vĩnh Phước A

Đại Học

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

4

Xã Vĩnh Phước B

Đại Học

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

5

Xã Vĩnh Tuy

Đại Học

Kiêm nhiệm

 

x

Kém

6

Xã Vĩnh Thắng

Đại Học

Kiêm nhiệm

 

x

Kém

7

Xã Định Hòa

Đại Học

Kiêm nhiệm

 

x

Kém

8

Xã Định An

Đại Học

Kiêm nhiệm

 

x

Kém

9

Xã Thủy Liễu

Đại Học

Kiêm nhiệm

 

x

Kém

VII

Huyện An Minh

 

 

 

 

 

1

Xã Vân Khánh

Trung Cấp

Kiêm nhiệm

x

 

Kém

2

Xã Vân Khánh Tây

Trung Cấp

Kiêm nhiệm

 

x

Kém

3

Xã Thuận Hòa

Trung Cấp

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

4

Xã Đông Hưng B

Trung Cấp

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

5

Xã Đông Hưng

Trung Cấp

Kiêm nhiệm

 

x

Kém

6

Xã Đông Thạnh

Chưa có

 

 

x

Kém

VIII

Huyện Giang Thành

 

 

 

 

 

1

Xã Tân Khánh Hòa

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

x

Bình Thường

2

Xã Phú Lợi

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

x

Bình Thường

3

Xã Vĩnh Điều

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

x

Kém

4

Xã Vĩnh Phú

Đại Học

Kiêm nhiệm

 

x

Tốt

IX

Huyện Kiên Lương

 

 

 

 

 

1

Xã Sơn Hải

Trung Cấp

Kiêm nhiệm

 

x

Bình Thường

1

Xã Hòn Nghệ

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

x

Bình Thường

X

Huyện Tân Hiệp

 

 

 

 

 

1

Xã Tân Hiệp A

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

 

Kém

2

Xã Tân Hiệp B

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

 

Kém

3

Xã Tân Hòa

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

 

Kém

4

Xã Tân An

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

 

Bình Thường

5

Xã Tân Hội

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

 

Kém

6

Xã Thạnh Trị

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

 

Kém

7

Xã Thạnh Đông

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

 

Bình Thường

8

Xã Thạnh Đông A

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

 

Kém

9

Xã Thạnh Đông B

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

 

Tốt

10

Xã Tân Thành

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

 

Kém

11

Tân Hiệp

Phổ thông

Kiêm nhiệm

 

 

Kém

Bảng 4: Hiện trạng các Đài Truyền thanh

STT

Đơn vị

Lao động

Thời lượng tự sản xuất/ngày (Phút)

Tin bài cộng tác với đài tỉnh/tháng

Thời lượng tiếp sóng (Phút)

1

Huyện Kiên Hải

7

60

40

140

2

Huyện Châu Thành

6

90

30

180

3

Huyện Giồng Riềng

7

60

105

240

4

Thị xã Hà Tiên

8

90

24

120

5

Huyện Hòn Đất

3

60

65

210

6

Huyện Vĩnh Thuận

7

135

60

150

7

Huyện An Biên

7

60

25

150

8

Thành phố Rạch Giá

10

30

60

90

9

Huyện Phú Quốc

28

60

45

150

10

Huyện U Minh Thượng

5

30

20

105

11

Huyện Gò Quao

8

30

100

90

12

Huyện An Minh

6

120

95

240

13

Huyện Giang Thành

5

105

45

120

14

Huyện Kiên Lương

7

90

45

135

15

Huyện Tân Hiệp

5

90

30

120

 

PHỤ LỤC III:

DANH MỤC CÁC TRANG THIẾT BỊ ĐẦU TƯ VÀ ĐƠN GIÁ, CẤU HÌNH THIẾT BỊ

Bảng 5: Danh mục thiết bị đầu tư, nâng cấp thiết bị Đài Truyền thanh cấp huyện

STT

Tên Thiết bị

Thông số kỹ thuật

Đơn giá (triệu đồng)

1

Máy quay phim chuyên dụng

- Cảm biến (Senser) 1/3 inch-type 3 Clearvid, COMOS Sensor

- Ống ngắm

- Cổng kết nối Component, IEEE 1394, HDMI, Headphones.

- Phụ kiện kèm theo: Pin; sạc pin; các loại dây cáp kết nối; túi đựng máy quay; đèn led: chân máy; lọc chắn gió; loa che; ống kính; bộ điều khiển từ xa...

150

2

Máy tính bàn

- CPU intel core i5. 3,3 Ghz

- Mainboar chipset intel tương thích

- Card dựng hình chuyên dụng

- Card âm thanh

- Ổ cứng 1 TGb

- Màn hình 20 inch

- Chuột, bàn phím

- Phần mềm dựng chương trình phát thanh

39

3

Máy Ghi âm

- Màn hình LCD

- 03 micro lọc âm tăng cường ghi âm định hướng, tần số rộng.

- Hạn chế tạp âm (LC, LIM, AGC).

- Ghi âm tự động khi có tiếng và dừng khi không có tiếng (VAS)

9,2

4

Máy Phát sóng

- Máy phát FM công suất: 500W

+ Dải tần số 87,5-108MHz (54-68MHz).

+ Độ ổn định tần số: ± 100Hz.

+ Tỷ số tín hiệu/tạp âm ≥60dB.

+ Trở kháng đầu vào âm tần 600Ω.

+ Trở kháng đầu ra cao tần 50Ω.

+ Phát xạ sóng hài: < -70dB

+ Đầu nối ra cao tần connector loại N.

+ Loại điều chế: Điều tần, trực tiếp sóng mang.

+ Độ di tần: ± 75KHz.

+ Nguồn điện: 220v + 10%, 50Hz.

352

5

Cụm loa không dây

+ Cột cao 13m, 2 loa vành nhôm 30W

5,5

6

Bộ thu phát chuyên dụng

Thu phát các tín hiệu qua các chuẩn:

+ Đĩa VCD

+ Đĩa DVD

+ Thiết bị lưu trữ gắn ngoài.

22

7

Mixer (bàn dựng âm thanh)

- 2 đường vào Micro tín hiệu đối xứng

- 6 đường vào (3 mono, 3 stereo)

- Đầu vào Line độ nhạy: 0dB

- Đầu vào Mic độ nhạy: -60dB

- Trở kháng 10KΩ

20

Bảng 6: Khái toán kinh phí đầu tư mới trạm truyền thanh cơ sở

STT

Tên thiết bị

Thông số kỹ thuật

Đơn vị tính

Đơn giá (vnđ)

Ghi chú

(1)

(2)

(4)

(5)

(6)

(8)

1

Máy phát FM

- Dải tần số hoạt động: 54 - 68 MHz

- Công suất: 50W

- Đáp tuyến tần số: + hay -0,15dB từ 30 hz-15 khz

- Có chế độ bảo vệ sóng dội cao, quá điện thế, quá nhiệt độ hay lệch tần số, chế độ tự động giảm công suất khi có sóng dội cao, ổn định tần số...

Cái

65.000.000

 

2

Hệ thống Ăng ten phát sóng và dây dẫn tín hiệu chuyên dụng

- Bộ chấn tử phát sóng (Dipole Ăng ten), 3dB/D

- Cột Ăng ten 30m (cột tam giác)

- Dây Feeder 50m

- Hệ thống chống sét

Bộ

90.000.000

 

3

Mixer 4 đường

- 2 đường vào Micro tín hiệu đối xứng

- 4 đường vào (2 mono, 2 stereo)

- Đầu vào Line độ nhạy: 0dB

- Đầu vào Mic độ nhạy: -60dB

- Trở kháng 10KΩ

Bộ

1.500.000

 

4

Máy thu FM chuyên dụng (tiếp âm)

- Công suất đầu ra: 50W/16Ω

- Phạm vi tần số: 54 - 68 MHz

cái

10.000.000

 

5

Cụm thu tín hiệu loa không dây

Cột cao 13m, 2 loa vành nhôm 30W. (10 cụm)

cụm

55.000.000

 

6

Cụm thu tín hiệu loa không dây đồn biên phòng

Cột cao 15m, 2 loa vành nhôm 40W. (10 cụm)

cụm

70.000.000

 

7

Bộ điều khiển loa không dây

 

Bộ

20.000.000

 

8

Ổn áp 3KVA

 

Cái

3.000.000

 

9

Micro để bàn + chân đế

 

Cái

8.000.000

 

10

Các connector (Bo mạch kết nối)

 

bộ

1.500.000

 

11

Máy tính bàn

- CPU intel

- Mainboar chipset intel tương thích

- Card âm thanh chuyên dùng

- Ram: 2Gb

- Ổ cứng 320 Gb

- DVDRW

- Màn hình 18”

- Chuột, bàn phím, loa

Bộ

10.000.000

 

12

Chi phí vận chuyển, thi công lắp đặt, hướng dẫn

 

 

12.000.000

 

 

Tổng

Trạm truyền thanh cơ sở

 

276.000.000

 

Trạm truyền thanh Đồn biên phòng

 

291.000.000

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 982/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án Nâng cấp và phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 do tỉnh Kiên Giang ban hành

  • Số hiệu: 982/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/04/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Mai Văn Huỳnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản