Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 97/QĐ-UBND | Phú Yên, ngày 08 tháng 02 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;
Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 225/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025; số 706/QĐ-TTg ngày 21/05/2015 về phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 555/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT (tại Tờ trình số 322/TTr-SNN ngày 23/12/2022).
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 97/QĐ-UBND ngày 08 /02/2022 của UBND tỉnh Phú Yên)
I. SỰ CẦN THIẾT, CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Sự cần thiết:
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tăng sức cạnh tranh, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến và chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ; bảo vệ môi trường, sinh thái; khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực tại địa phương, phát huy lợi thế các vùng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngành sản xuất lúa gạo của tỉnh đang tồn tại những hạn chế nhất định như sản xuất chưa đồng bộ, chưa xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh, mức độ áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa đồng đều giữa các khâu, các vùng, cơ cấu và diện tích sản xuất giống lúa có chất lượng cao chưa nhiều… đã đặt ra những thách thức đối với việc phát triển ngành hàng lúa gạo của tỉnh trong bối cảnh hội nhập với thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế.
Quyết định số 1696/QĐ-UBND ngày 25/9/2020 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 11/5/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 đã định hướng như sau: Duy trì sử dụng ổn định 24.000 ha đất chuyên trồng lúa nước, chuyển nhanh diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng tỷ lệ diện tích sử dụng các giống tiến bộ kỹ thuật và các giống lúa đặc sản, áp dụng quy trình sản xuất tốt, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, giảm tỷ lệ thất thoát lúa sau thu hoạch, xây dựng vùng sản xuất tập trung lúa giống và lúa thương phẩm chất lượng cao với quy mô 10.000 ha; xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu Phú Yên.
Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII (trang 59) có nêu: “Duy trì ổn định, từng bước giảm diện tích một số cây trồng chủ lực phù hợp với quy hoạch, để tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất tập trung; nghiên cứu nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo Phú Yên; tăng tỷ trọng lúa chất lượng cao trong tổng sản lượng lúa…”. Đồng thời, triển khai thực hiện Chương trình hành động số 03-CTr/TU ngày 14/12/2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động số 11- CTr/TU ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy về tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế.
Vì vậy, việc xây dựng Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” là rất cần thiết.
2. Cơ sở pháp lý:
- Luật Đất đai năm 2013; Luật Trồng trọt năm 2018;
- Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030;
- Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác;
- Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
- Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ;
- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp;
- Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
- Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính Phủ về quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước;
- Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông;
- Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp;
- Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/05/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/05/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030;
- Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025;
- Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Quyết định số 555/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030;
- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;
- Chương trình hành động số 03-CTr/TU ngày 14/12/2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;
- Kế hoạch số 02-KH/TU ngày 12/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030;
- Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy về tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế;
- Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh về ban hành Quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 26/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Phú Yên về ban hành kèm theo Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh;
- Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh về ban hành Quy định mức hỗ trợ , khuyến khích phát triển hợp tác , liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh;
- Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới nước tiết kiệm trên địa bàn tỉnh;
- Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 11/5/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025;
- Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 07/4/2022 của UBND tỉnh về hành động thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
II. THỰC TRẠNG NGÀNH LÚA GẠO TỈNH PHÚ YÊN
1. Tình hình sản xuất lúa gạo:
Phú Yên được biết đến là vựa lúa của miền Trung, nơi có diện tích đồng bằng lớn với diện tích đất đai màu mỡ và khí hậu 2 mùa rõ rệt, có hệ thống sông suối dày đặc, nguồn nước tương đối dồi dào nên cũng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng lúa gạo nói riêng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình thủy lợi như: Hệ thống thủy nông Đồng Cam, hệ thống thủy lợi Tam Giang, 51 hồ chứa, 1.156 km kênh mương và nhiều trạm bơm, đập dâng các loại đã cơ bản cung cấp đủ nước sản xuất các loại cây trồng ngắn ngày, trong đó đảm bảo cung cấp đủ nước sản xuất 54.800 ha lúa/năm.
Trong những năm gần đây, cùng với những chính sách khuyến khích trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng giống lúa cấp xác nhận trở lên, giảm lượng giống lúa gieo sạ… đã góp phần tăng năng suất lúa, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
So sánh diện tích, năng suất, sản lượng lúa năm 2015 và năm 2021:
TT | Vụ sản xuất | ĐVT | Năm 2015 | Năm 2021 | So sánh (%) |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6)=(5)/(4)x100 |
1 | Vụ Đông Xuân |
|
|
|
|
| Diện tích | Ha | 26.870 | 26.606 | 99,0 |
| Năng suất | Tạ/ha | 72,8 | 77,9 | 107,0 |
| Sản lượng | Tấn | 195.620 | 207.140 | 105,9 |
2 | Vụ Hè Thu |
|
|
|
|
| Diện tích | Ha | 24.550 | 24.550 | 99,9 |
| Năng suất | Tạ/ha | 66,3 | 68,2 | 102,9 |
| Sản lượng | Tấn | 162.770 | 167.467 | 102,9 |
3 | Vụ Mùa |
|
|
|
|
| Diện tích | Ha | 5.770 | 3.966 | 68,7 |
| Năng suất | Tạ/ha | 34,1 | 39,6 | 116,1 |
| Sản lượng | Tấn | 19.680 | 15.706 | 79,8 |
4 | Lúa cả năm |
|
|
|
|
| Diện tích | Ha | 57.190 | 55.122 | 96,4 |
| Năng suất | Tạ/ha | 66,1 | 70,8 | 107,1 |
| Sản lượng | Tấn | 378.070 | 390.313 | 103,2 |
(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Phú Yên năm 2021)
Diện tích sản xuất lúa của tỉnh trải dài từ Đông sang Tây với địa hình đồng bằng phân bố chủ yếu tại các huyện, thị xã như: Tây Hòa 13.276 ha (chiếm 24%), Phú Hòa 10.945 ha (chiếm 20%), Đông Hòa 8.976 ha (chiếm 16%), Tuy An 6.582 ha (chiếm 12%), các huyện còn lại có diện tích sản xuất lúa với quy mô nhỏ, bị chia cắt bởi địa hình đồi núi như: Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa (chiếm 28%). Do ảnh hưởng của địa hình và tập quán sản xuất nên kỹ thuật sản xuất cũng như các nhóm giống lúa sản xuất của mỗi vùng cũng khác nhau cho vùng đồng bằng sản xuất nhóm giống có năng suất cao, chủ yếu phục vụ chế biến bún, bánh của địa phương, vùng núi hoặc nơi có địa hình cao ngoài các giống có năng suất cao còn bổ sung các giống lúa lai, lúa đặc sản của địa phương gồm các giống lúa gạo đỏ (Tàu Cúc, Bát Quạt, Đuôi Nai).
Phú Yên là một trong các tỉnh có năng suất lúa bình quân hàng năm cao nhất vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nhưng chất lượng giống lúa và tỷ lệ sử dụng các giống lúa chất lượng cao vẫn chưa được cải thiện nhiều. Theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp hàng năm, mỗi vùng sản xuất cần xác định 4-5 giống lúa chủ lực và 3-4 giống bổ sung; nhóm giống chủ lực gồm: ĐV108, ML48, ML49, ANS1; nhóm giống bổ sung gồm ML213, BĐR27, TBR1, HT1, MT10… Cơ cấu giống lúa của tỉnh vẫn quan tâm các giống có năng suất cao, có khả năng cung cấp nguyên liệu phục vụ nghề làm bún, bánh tráng của địa phương, việc sản xuất những giống chất lượng cao chưa được người dân quan tâm và chú trọng.
Trong những năm gần đây, một số giống lúa có chất lượng cao như: Đài Thơm 8, TBR225, J01… được du nhập, khảo nghiệm nhưng diện tích sản xuất chưa nhiều. Hiện cơ cấu giống lúa của Phú Yên khá đa dạng với khoảng 50 giống lúa khác nhau, trong đó các giống lúa có chất lượng cao khoảng 24 giống (chiếm khoảng 21% diện tích), các giống lúa thường, có năng suất cao, phục vụ chế biến bún, bánh của địa phương chiếm gần 79%, chủ yếu là giống ĐV108 (chiếm tới 13,7% diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân). Trong số các giống chất lượng cao, chỉ có 4 giống có tỷ lệ gieo sạ cao ở 2 vụ lúa trong năm gồm: An Sinh 1399 (5,5%), ML48 (4,2%), Đài thơm 8 (3,7%), CH133 (3,0%), các giống còn lại có diện tích gieo sạ không nhiều, biến động từ 0,01 đến 1,2% diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh.
Cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển lúa giống, giai đoạn 2016- 2020 tỉnh Phú Yên đã góp phần làm diện tích sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn tại các địa phương có sự chuyển biến tăng, diện tích sử dụng giống đạt tiêu chuẩn từ cấp xác nhận trở lên năm 2020 là 41.908 ha, chiếm tỷ lệ 80,1% diện tích lúa trên toàn tỉnh. Cần phải có giải pháp để duy trì và nâng tỷ lệ sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn lên trên 90-100% vào năm 2030.
Thực hiện Chương trình giảm lượng giống gieo sạ, nhiều mô hình về giảm lượng giống lúa gieo sạ đã được triển khai tại các địa phương. Hiện nay lượng giống lúa gieo sạ trung bình 120-150 kg/ha, đã giảm khá nhiều so với 180-200 kg/ha trước đây. Nhiều mô hình trình diễn khuyến cáo nông dân giảm lượng giống gieo sạ (còn 80 kg/ha) hoặc lồng ghép trong các Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” đang thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân. Việc giảm lượng giống gieo sạ góp phần giảm chi phí đầu vào (giống, vật tư) giúp ruộng thông thoáng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, giảm đỗ ngã.
Nhằm tăng hiệu quả sản xuất trên đất trồng lúa và thích ứng với biến đổi khí hậu, các địa phương đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 169/2015/NQ-HĐND ngày 25/12/2015 của HĐND tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020, nhiều diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp tăng thu nhập của người nông dân và giảm nhu cầu về nước đối với diện tích sản xuất lúa. Nhưng công tác chuyển đổi diễn ra chậm, chưa bền vững do chưa xác định cây trồng chuyển đổi phù hợp, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi sang cây trồng hàng năm.
Các khâu trong sản xuất lúa đã từng bước được cơ giới hóa, tuy nhiên tỷ lệ cơ giới hóa giữa các khâu chưa đồng đều như: Khâu làm đất, thu hoạch đạt 95-99%, bơm tưới, vận chuyển đạt 80-90%; các khâu còn lại như: Gieo sạ, phun thuốc, bón phân, phơi sấy… phần lớn vẫn thực hiện thủ công, tỷ lệ cơ giới hóa đạt thấp. Tỷ lệ cơ giới hóa cao trong khâu thu hoạch, vận chuyển đã góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ thất thoát lúa sau thu hoạch, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, tận dụng các sản phẩm phụ phục vụ chăn nuôi và nghề làm nấm tại địa phương.
2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lúa:
Hàng năm, Trung tâm Giống nông nghiệp, các Hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh sản xuất và cung ứng hàng trăm tấn giống lúa đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định; bao gồm các giống như: ML48, ML49, PY2, PY1, ĐV 108, TH6, OM2695-2, GSR65, CH133, ĐH 815-6… Ngoài ra, các doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng cung ứng hàng trăm tấn giống lúa cấp nguyên chủng, xác nhận, lúa lai F1 như: ĐT8, TBR1, TBR45, TBR36, HT1, OM4900, TH3-3, TH3-5…
Tuy nhiên, số cơ sở chuyên sản xuất lúa giống trên địa tỉnh còn ít, sản lượng và chất lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu lúa giống sản xuất hết diện tích lúa của tỉnh, chỉ mới đáp ứng khoảng 5-10% nhu cầu giống lúa sản xuất 2 vụ trong năm, một phần nguồn giống được cung cấp bởi các doanh nghiệp ngoài tỉnh có hoạt động sản xuất kinh doanh giống trên địa bàn. Mặt khác, vẫn còn tồn tại tập quán dùng lúa thịt để làm giống hoặc tự để giống từ vụ trước (giống cấp xác nhận 1, 2).
3. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa:
Từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của các tổ chức, cá nhân, trong thời gian qua đã có một số đề tài nghiên cứu trên cây lúa đã được triển khai thực hiện, gồm: Đề tài Tuyển chọn giống lúa gạo năng suất cao, phẩm chất tốt từ nguồn gen lúa siêu xanh (Green super rice) thích nghi với biến đổi khí hậu tại Phú Yên (Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng, năm 2015-2017); đề tài “Theo dõi sự di cư của rầy nâu” do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Khoa học nông nghiệp Quốc tế Nhật Bản (JIRCAS) thực hiện từ năm 2019-2021 trên địa bàn tỉnh nhằm mục đích khảo sát sự xuất hiện rầy nâu trên ruộng lúa.
Tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng, giai đoạn 2016-2020 tại tỉnh Phú Yên (theo Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 24/9/2015 của UBND tỉnh) trong đó diện tích áp dụng IPM trên cây lúa qua 5 năm thực hiện khoảng trên 97.400 ha, chiếm khoảng 55% diện tích gieo trồng.
Việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất cây trồng nói chung và sản xuất lúa nói riêng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giảm thiểu dịch bệnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, cụ thể: Thực hiện các mô hình “Công nghệ sinh thái và giảm thiểu nguy cơ thuốc bảo vệ thực vật”, sử dụng thuốc trừ chuột sinh học phòng trừ chuột… tăng lợi nhuận từ 3-5 triệu đồng/ha so với đối chứng; khuyến cáo sử dụng các chế phẩm sinh học như: Trichoderma, EM… để xử lý phân chuồng và phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra nguồn phân hữu cơ sạch cung ứng cho sản xuất. Bên cạnh đó, các mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, Nông - Lộ - Phơi, kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật… được các địa phương triển khai, đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân.
Tuy nhiên những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức sản xuất, tìm kiếm đầu ra bền vững, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong canh tác lúa đã hạn chế khả năng lan tỏa của các mô hình nói chung và mô hình cánh đồng mẫu lớn nói riêng, vẫn còn tình trạng nông dân lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa.
4. Bảo quản, chế biến, tiêu thụ:
Trong những năm qua, trên cơ sở triển khai các chính sách thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đã có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết tiêu thụ lúa gạo của nông dân nhưng mối liên hệ của nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi liên kết còn yếu, chưa bền vững, vẫn còn tình trạng nông dân tự phá bỏ hợp đồng, bán lúa cho thương lái với giá cao hơn. Việc liên kết tiêu thụ lúa gạo còn yếu và thiếu các chế tài cần thiết để duy trì mối liên kết bền vững, chưa có các doanh nghiệp lớn đứng ra bao tiêu sản phẩm lúa gạo với quy mô lớn do ngại tâm lý phá vỡ hợp đồng của nông dân. Các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động chủ yếu trên cơ sở hỗ trợ nông dân về kỹ thuật và cung cấp vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, chưa thực sự là đầu mối liên kết giữa tổ chức, doanh nghiệp với người dân. Sản phẩm lúa gạo của Phú Yên chưa thực sự trở thành hàng hóa, giá thành sản xuất lúa cao, giá tiêu thụ không ổn định, giá trị gia tăng không cao… do đó hiệu quả từ sản xuất lúa gạo đem lại còn thấp và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt ở những vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh như các huyện: Tây Hòa, Phú Hòa, Đông Hòa.
Để thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng lúa gạo nói riêng, tỉnh ta đã thực hiện các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là trong khâu bảo quản, chế biến nông sản. Tuy nhiên hiện nay việc bảo quản lúa gạo chủ yếu vẫn thực hiện thủ công tại hộ gia đình, chưa có các cơ sở bảo quản với quy mô lớn, tập trung và áp dụng các kỹ thuật bảo quản hiện đại. Bên cạnh đó việc chế biến lúa gạo chỉ dừng ở các cơ sở xay xát và sản xuất các sản phẩm bún, bánh của địa phương với quy mô nhỏ, thủ công, chưa có nhà máy chế biến gạo phục vụ sản xuất gạo hàng hóa với quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Từ đó tỷ lệ thất thoát trong quá trình bảo quản, chế biến gạo của tỉnh vẫn còn cao, chưa hình thành đầy đủ chuỗi sản phẩm lúa gạo, tận dụng hết phụ phẩm từ quá trình sản xuất lúa để nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo của địa phương.
5. Về công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu:
Lúa là một cây trồng chủ lực của tỉnh do đó công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu lúa gạo trên địa bàn tỉnh đã được các cấp chính quyền quan tâm, xây dựng từ năm 2014, đến nay đã xây dựng được 02 thương hiệu gồm: Gạo lứt đỏ Tuy An và Gạo thơm Hoa Vàng.
Cả 02 thương hiệu gạo này đều được xây dựng từ vùng nguyên liệu lúa của huyện Tuy An. Mặc dù đã được các cấp chính quyền hỗ trợ về chính sách, quảng bá thương hiệu nhưng sản lượng gạo của 02 thương hiệu này còn khá hạn chế, chưa có sự phát triển so với quy mô ban đầu xây dựng, nguyên nhân một phần do vùng sản xuất cung cấp nguyên liệu có quy mô nhỏ, đầu tư máy móc, thiết bị của doanh nghiệp còn hạn chế và công tác quảng bá các thương hiệu chưa thực sự hiệu quả.
Nhìn chung, tỉnh Phú Yên chưa xây dựng được 01 thương hiệu lúa gạo đủ sức cạnh tranh với các tỉnh trong nước và hướng đến xuất khẩu. Do đó cần có định hướng xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn với giống lúa chất lượng, đặc trưng, phù hợp điều kiện tự nhiên của tỉnh để xây dựng thương hiệu lúa gạo chung của tỉnh.
6. Nhận xét, đánh giá chung:
a) Kết quả đạt được:
- Hệ thống kênh mương, thủy lợi phục vụ sản xuất lúa đã và đang được chú trọng đầu tư nâng cấp, sửa chữa, góp phần tăng khả năng cung cấp, điều tiết nước, hạn chế thiệt hại ảnh hưởng năng suất lúa do hạn hán, lũ lụt gây ra.
- Năng suất lúa của tỉnh đạt ở mức cao so với các tỉnh lân cận, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Một số giống lúa chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất và dần thích ứng với điều kiện sản xuất tại địa phương, tạo tiền đề cho việc hình thành các vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao phục vụ sản xuất gạo hàng hóa.
- Những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả như thiếu nước, ngập úng, nhiễm phèn, mặn,… đã dần được người dân chuyển đổi sang các cây trồng cạn sử dụng ít nước nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên đất.
- Tỷ lệ diện tích sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn và tỷ lệ giảm lượng giống lúa gieo sạ tại các địa phương tăng qua từng năm đã cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, tăng dần sản lượng và chất lượng lúa của tỉnh.
- Các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và phòng trừ dịch hại trên cây lúa đã cho người dân thấy được hiệu quả kinh tế, hiệu quả về môi trường sinh thái, giảm bớt sự lạm dụng tài nguyên so với các biện pháp canh tác lúa theo kinh nghiệm truyền thống, góp phần chuyển đổi dần nhận thức của người dân từ sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất hàng hóa với quy mô lớn.
- Tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất lúa được nâng cao đã góp phần giảm công lao động, chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập và lợi nhuận của người trồng lúa.
- Thương hiệu gạo đặc sản của địa phương bước đầu đã được xây dựng, tạo cơ hội, điều kiện nhìn nhận những hạn chế của công tác quảng bá, xây dựng, phát triển thương hiệu để có giải pháp khắc phục, xây dựng thương hiệu lúa gạo của tỉnh đạt hiệu quả.
b) Khó khăn, tồn tại:
- Trong cơ cấu giống lúa của tỉnh, các giống lúa có năng suất cao chiếm tỷ trọng cao (79%), việc sản xuất những giống chất lượng cao, giống lúa đặc sản phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh chưa được người dân quan tâm và chú trọng.
- Tỷ lệ gieo sạ giống lúa đạt tiêu chuẩn tại các địa phương đã được cải thiện, nâng cao nhưng vẫn còn một bộ phận nông dân sử dụng lúa thịt để gieo sạ dẫn đến chất lượng lúa gạo bị giảm sút, nông dân vẫn gieo sạ với lượng giống khá dày khoảng 120-150 kg/ha, đã làm tăng chi phí đầu tư các yếu tố đầu vào như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…
- Khả năng sản xuất giống lúa đạt tiêu chuẩn của Trung tâm giống Nông nghiệp và các cơ sở sản xuất (Hợp tác xã, tổ hợp tác) trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu giống phục vụ sản xuất tại các địa phương. Các giống lúa có đặc điểm thích ứng với các điều kiện bất lợi như: Chịu hạn, chịu mặn, chịu ngập,… chưa được du nhập, khảo nghiệm nhiều trong sản xuất.
- Cơ sở hạ tầng về hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng đã được đầu tư thông qua chương trình nông thôn mới tại các địa phương nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất lúa gạo với quy mô lớn, tập trung, đầu tư thâm canh cao; số cơ sở lưu trữ, phơi sấy lúa gạo chủ yếu ở quy mô nhỏ, do đó không đảm bảo tiêu chuẩn bảo quản, đặc biệt khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi làm cho chất lượng hạt gạo bị giảm và thất thoát trong quá trình bảo quản.
- Việc ứng dụng và nhân rộng các mô hình áp dụng các công nghệ KHKT tiên tiến trong sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn dẫn đến chất lượng lúa gạo chưa đáp ứng với nhu cầu thị trường tiêu thụ hiện nay, sản xuất chủ yếu phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương, chưa chú trọng đến các thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu.
- Cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo chưa đồng đều, tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu như: Gieo sạ, phun thuốc, bón phân, phơi sấy,…chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu được thực hiện thủ công dẫn đến tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch, đặc biệt trong khâu phơi sấy, bảo quản còn cao; bên cạnh đó, việc đầu tư về công lao động, vật tư đầu vào cao dẫn đến tăng giá thành sản xuất, giảm tính cạnh tranh đối với sản phẩm lúa gạo của tỉnh.
- Chưa có doanh nghiệp lớn tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo, các chuỗi liên kết hiện có chủ yếu ở quy mô nhỏ và thiếu tính bền vững. Các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực sự đóng vai trò là đầu mối liên kết giữa tổ chức, doanh nghiệp với người dân.
- Sản lượng lúa trên địa bàn tỉnh chủ yếu được bán dưới dạng thô sơ, chỉ qua xay xát đơn thuần, chưa có sự đầu tư sản xuất chế biến lúa gạo theo chiều sâu, đa dạng sản phẩm lúa gạo.
- Chưa có sự đầu tư trong việc tận dụng các phụ phẩm như: Rơm rạ, vỏ trấu,… phục vụ chăn nuôi, làm nấm, than sinh học,… để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích sản xuất lúa, tăng thu nhập cho người nông dân.
- Việc xây dựng thương hiệu gạo trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, đầu tư nhưng chưa phát triển mạnh, chưa thu hút được các doanh nghiệp có tiềm năng tham gia đầu tư xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh.
Trước những khó khăn, tồn tại trên có thể nhận thấy rằng sản xuất lúa gạo của tỉnh Phú Yên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có, có nguy cơ tụt hậu so với các tỉnh lân cận.
c) Nguyên nhân:
- Nguyên nhân khách quan: Sản xuất lúa gạo phụ thuộc nhiều vào các điều kiện ngoại cảnh như thời tiết, chất lượng đất, lượng nước… ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng lúa gạo; địa hình tại một số địa phương miền núi có sự chia cắt mạnh dẫn đến khó hình thành vùng sản xuất lúa tập trung quy mô lớn.
- Nguyên nhân chủ quan:
Chính sách dồn điền, đổi thửa chưa được thực hiện triệt để, phần lớn diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến khó đầu tư sản xuất quy mô lớn, khó áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa, chất lượng lúa gạo không đồng đều, không ổn định và đảm bảo sản lượng để xây dựng thương hiệu lúa gạo.
Qua nhiều năm sử dụng, hệ thống kênh mương đang dần xuống cấp, lắng đọng ảnh hưởng đến khả năng tích trữ và cung cấp nước phục vụ sản xuất của các hồ chứa, năng lực đầu tư hệ thống kênh mương tưới tiêu còn hạn chế, do đó dễ dẫn đến tình trạng không chủ động trong điều tiết nước chống hạn, chống ngập tại các địa phương, nhất là biến đổi khí hậu đang diễn biến theo hướng cực đoan và ngày càng gay gắt.
Lực lượng lao động trong sản xuất lúa gạo chủ yếu từ độ tuổi trung niên, khả năng tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa còn chậm và hạn chế, còn nặng về sản xuất theo kinh nghiệm, quy mô nhỏ.
Công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn mang tính bề rộng, chưa đi vào chiều sâu, còn thiếu các mô hình “cầm tay chỉ việc” để nông dân nhận thấy hiệu quả và nhân rộng mô hình.
Chưa có doanh nghiệp có đủ nguồn lực về tài chính để thực hiện liên kết bền vững và đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản quy mô lớn và nhà máy chế biến lúa gạo trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu chuyển dịch sang sản xuất lúa gạo hàng hóa.
III. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Quan điểm:
Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII (trang 59) đã định hướng phát triển ngành lúa gạo như sau: “Duy trì ổn định, từng bước giảm diện tích một số cây trồng chủ lực phù hợp với quy hoạch (đất chuyên trồng lúa là 24.000 ha), để tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất tập trung; nghiên cứu nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo Phú Yên; tăng tỷ trọng lúa chất lượng cao trong tổng sản lượng lúa. Đẩy mạnh hình thành cánh đồng lớn. Tích cực chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao”.
Quyết định số 1696/QĐ-UBND ngày 25/9/2020 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; theo đó, cơ cấu lại ngành lúa gạo như sau:
“- Từ nay đến năm 2030, sử dụng ổn định 24.000ha đất chuyên trồng lúa nước và duy trì năng suất lúa cả năm bình quân đạt 70-75 tạ/ha/vụ, sản lượng năm 2020 đạt 388.000 tấn, năm 2025 đạt 360.000 tấn và năm 2030 đạt 340.000 tấn.
- Chuyển nhanh diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn như: Rau, cây ăn quả (chủ lực là sầu riêng, bơ, cây có múi, dừa, dứa và chuối); hoa-cây cảnh (chủ lực là mai vàng, tắc cảnh và cây bonsai các loại) và cây dược liệu; tăng luân canh các cây ngắn ngày trên đất chuyên trồng lúa để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm nước tưới và bồi dưỡng cải tạo đất.
- Tăng tỉ lệ diện tích sử dụng các giống tiến bộ kỹ thuật và các giống lúa đặc sản; áp dụng quy trình sản xuất tốt; nâng cao tỉ lệ cơ giới hóa, nhất là khâu cấy, phơi sấy và làm sạch; giảm tỉ lệ lúa thất thoát sau thu hoạch; xây dựng vùng sản xuất tập trung lúa giống và lúa thương phẩm chất lượng cao với quy mô 10.000ha.
- Xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu Tuy Hòa, Phú Yên”.
Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 11/5/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; theo đó, xác định: “Tập trung quản lý và sử dụng hiệu quả đất chuyên trồng lúa ổn định hàng năm khoảng 24.000 ha, chuyển đổi linh hoạt giữa trồng cây lương thực và cây thực phẩm; xây dựng vùng sản xuất tập trung lúa giống và lúa thương phẩm chất lượng cao, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu của tỉnh”.
2. Mục tiêu tổng quát:
Tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực; nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng.
3. Mục tiêu cụ thể:
a) Chỉ tiêu đến năm 2025:
- Giữ ổn định 24.000 ha diện tích đất chuyên trồng lúa nước, diện tích gieo trồng khoảng 50.000 ha, sản lượng lúa 360.000 tấn.
- Tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng hạt giống xác nhận trên 80%, sử dụng giống chất lượng cao trên 70%; giảm lượng giống gieo sạ (bình quân còn 80-100 kg/ha) trên 70%; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến (ICM, IPM, SRP, SRI, 1P5G,...), quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP và tương đương, canh tác lúa thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ,...) đạt 30%; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số khoảng 10%.
- Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa từ 30% trở lên.
- Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 5%; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt bình quân 70%; tỷ lệ diện tích gieo trồng có liên kết sản xuất, tiêu thụ đạt trên 35%; lợi nhuận cho người trồng lúa trên 30%; giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa khoảng 5%.
b) Chỉ tiêu đến năm 2030:
- Giữ ổn định 24.000 ha diện tích đất chuyên trồng lúa nước, diện tích gieo trồng khoảng 46.000 ha, sản lượng lúa 340.000 tấn.
- Tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng hạt giống xác nhận đạt 100%, sử dụng giống chất lượng cao 80%; giảm lượng giống gieo sạ (bình quân còn 80-100 kg/ha) trên 80%; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến (ICM, IPM, SRP, SRI, 1P5G,...), quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP và tương đương, canh tác lúa thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ,...) trên 50%; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số khoảng 20%.
- Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa 40%.
- Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch 3%; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt bình quân 80%; tỷ lệ diện tích gieo trồng có liên kết sản xuất, tiêu thụ khoảng 50%; lợi nhuận cho người trồng lúa trên 30%; giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa khoảng 10%.
IV. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN
1. Tổ chức lại sản xuất lúa gạo:
- Rà soát diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả tại các địa phương, đẩy mạnh chuyển sang trồng các loại cây có hiệu quả cao hơn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Quy hoạch, tập trung đầu tư, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh lúa theo các quy trình sản xuất tiên tiến, quy mô lớn, tạo ra sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng đồng đều, ổn định, là cơ sở để xây dựng thương hiệu lúa gạo của tỉnh.
- Đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi, hồ đập đảm bảo cung cấp đủ lượng nước phục vụ sản xuất lúa theo hướng thâm canh, hàng hóa.
- Du nhập và tuyển chọn các giống lúa thích hợp với các vùng sinh thái của tỉnh và điều kiện biến đổi khí hậu. Phát triển lúa gạo chất lượng cao và giống lúa theo hướng nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, chú trọng công tác bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ.
- Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, sản xuất lúa gạo tập trung tạo thành vùng nguyên liệu hàng hóa lớn. Xây dựng vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP/GlobalGAP, sản xuất lúa an toàn, sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh thay thế dần phân hóa học.
- Đầu tư, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật, có chứng nhận trong sản xuất lúa gạo như: Lúa hữu cơ, lúa VietGAP…
2. Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến lúa gạo để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm lúa gạo:
- Đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, khảo nghiệm, trình diễn và phát triển các giống lúa chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Nghiên cứu, chuyển giao và hỗ trợ đưa các công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin, công nghệ số,... từng bước ứng dụng vào quá trình sản xuất lúa nhằm hạn chế rủi ro, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất lúa.
- Xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo điển hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao từ sản xuất đến sau thu hoạch và chế biến.
- Chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, thông qua các chương trình tập huấn, hội thảo, tổ tư vấn kỹ thuật.
3. Đào tạo nguồn nhân lực:
Đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm nhiệm vụ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; đào tạo, xây dựng đội ngũ nông dân “nòng cốt” để thực hiện và nhân rộng việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo.
4. Chính sách hỗ trợ:
- Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương và của tỉnh, tập trung vào các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; chính sách dồn điền, đổi thửa; xây dựng cánh đồng lớn.
- Cần có một số chính sách về xây dựng thương hiệu, logo cho gạo Tuy Hòa. Hình thành liên kết “6 nhà” để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, tạo các chuỗi liên kết bền vững nhằm nâng cao giá trị của gạo Phú Yên, nâng cao thu nhập của người trồng lúa.
5. Cơ cấu lại cách tổ chức sản xuất của HTXNN theo hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị:
Tái cơ cấu lại phương thức tổ chức sản xuất của HTXNN trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng hệ thống Hợp tác xã, tổ hợp tác đủ khả năng là đầu mối liên kết giữa người nông dân và các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành hàng lúa gạo nói riêng, tạo điều kiện hình thành, duy trì và phát triển bền vững chuỗi giá trị lúa gạo của tỉnh.
V. CÁC GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Về tổ chức lại sản xuất, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo:
- Quy hoạch sản xuất theo vùng để nâng cao giá trị hạt gạo; vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và thực hành nông nghiệp tốt...
- Chuyển nhanh diện tích đất lúa kém hiệu quả, đặc biệt những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng mặn, hạn, ngập úng sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả sản xuất cao hơn. Hạn chế việc chuyển đổi đất lúa có độ phì cao, năng suất cao, có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh; chuyển đổi linh hoạt diện tích đất lúa theo hướng tăng tỷ lệ diện tích lúa luân canh (với rau màu, thủy sản) đáp ứng nhu cầu thị trường.
- Xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho từng vùng và thực hiện gieo sạ đồng loạt, đảm bảo thu hoạch đúng thời điểm, tập trung, tăng tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa nhằm giảm thấp nhất tỷ lệ thất thoát trong quá trình thu hoạch.
- Thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các kho lưu trữ có máy sấy lúa để giảm tỷ lệ thất thoát trong quá trình phơi sấy, đảm bảo tỷ lệ thu hồi gạo cao trong quá trình xay xát, chế biến.
- Hình thành liên kết theo chuỗi giá trị, khuyến khích tích tụ đất đai cho sản xuất, phát triển và duy trì cánh đồng mẫu lớn để tạo thành vùng sản xuất tập trung, tạo vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng phục vụ chế biến các sản phẩm sau gạo.
- Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới sản xuất kinh doanh lúa gạo nhằm tập hợp nông dân sản xuất theo quy mô lớn. Tập trung hỗ trợ các hợp tác xã trong đào tạo khuyến nông, vay vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, mua máy sấy, thiết bị làm đất…
- Với các doanh nghiệp liên kết nông dân được hỗ trợ vốn, thuế - phí, hỗ trợ các hoạt động tiếp thị, xây dựng thương hiệu, đào tạo, tham gia các dự án phát triển nông thôn, gắn các chuỗi giá trị tại các vùng sản xuất lúa hàng hóa.
- Tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất lúa, đặc biệt trong các khâu có mức độ ứng dụng cơ giới thấp như: Gieo sạ và chăm sóc (bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật), tiến đến đạt cơ giới hóa đồng bộ, tăng hiệu quả sản xuất, giảm giá thành và tăng thu nhập cho nông dân.
- Củng cố và nâng cao năng lực sản xuất giống lúa đạt tiêu chuẩn của Trung tâm Giống nông nghiệp, các HTXNN trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp đủ nguồn giống lúa đảm bảo chất lượng.
- Khuyến khích sản xuất và sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân bón nano cho sản xuất lúa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm lượng phân bón hóa học, đồng thời nâng cao chất lượng lúa, gạo.
- Khuyến khích sản xuất lúa có chứng nhận, ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa bền vững và truy xuất nguồn gốc, trong đó có hỗ trợ cho chứng nhận sản xuất lúa theo GAP, hữu cơ.
- Thanh tra, kiểm tra thường xuyên vật tư đầu vào cho sản xuất lúa chủ yếu gồm: Giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong các khâu sản xuất, lưu thông trên thị trường, sử dụng trong sản xuất; chấm dứt tình trạng nông dân sử dụng vật tư giả hoặc kém chất lượng.
2. Về đầu tư cơ sở hạ tầng:
- Xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch lại đồng ruộng theo mô hình cánh đồng mẫu có đê bao khép kín cho các vùng lúa chất lượng cao, vùng sản xuất lúa hữu cơ, kết hợp nuôi trồng thủy sản.
- Đầu tư nâng cấp kiên cố hóa, nạo vét hệ thống kênh mương, kiểm tra, sửa chữa các bờ bao, cống ngăn mặn… thường xuyên để tăng cường khả năng cấp, thoát nước.
- Đầu tư xây dựng hệ thống điện và đường giao thông phục vụ sản xuất và vận chuyển lúa gạo.
- Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, dây chuyền công nghệ sau thu hoạch phục vụ chế biến lúa gạo (kho lưu trữ đạt chuẩn, máy sấy, sân phơi, máy xay sát…).
3. Về đổi mới khoa học công nghệ, tăng đầu tư nghiên cứu phát triển và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật canh tác:
- Tập trung nghiên cứu chọn tạo, khảo nghiệm, trình diễn và phát triển các giống lúa chất lượng cao, chống chịu được với sâu bệnh hại chính; ưu tiên giống lúa thơm, giống lúa đặc sản. Các giống lúa mới được chọn tạo ngoài tính chống chịu sâu bệnh cần có tính thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu như chịu mặn, hạn, ngập úng và nóng. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị và công nghệ hiện đại trong sản xuất hạt giống lúa đảm bảo cung cấp đủ hạt giống xác nhận cho sản xuất.
- Nghiên cứu phát triển các giải pháp cải tiến công nghệ sau thu hoạch và sản xuất lúa bền vững.
- Nghiên cứu các giải pháp về thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên tiết kiệm như thay đổi cơ cấu mùa vụ, giải pháp kỹ thuật giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tiết kiệm nước…
- Ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến lúa gạo.
- Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh thay thế phân hóa học trong sản xuất lúa an toàn.
- Nghiên cứu thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu lúa gạo của tỉnh.
- Đổi mới đào tạo khuyến nông từ chiều rộng sang chiều sâu để phát triển lớp nông dân chuyên nghiệp, có trình độ tay nghề cao.
- Hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo điển hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao từ sản xuất đến sau thu hoạch và chế biến.
- Chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, thông qua các chương trình tập huấn, hội thảo, tổ tư vấn kỹ thuật; hướng dẫn ứng dụng các quy trình canh tác tiên tiến (ICM, IPM, SRP, SRI, 1P5G...), các quy trình thực hành sản xuất tốt, thâm canh bền vững (VietGAP/GlobalGAP và tương đương, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ tưới tiết kiệm nước …) nhằm tăng hiệu quả, chất lượng sản phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái vùng lúa và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; thực hiện các quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và xử lý chất thải nông nghiệp.
4. Về chế biến, bảo quản sau thu hoạch:
- Thu hút, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo hàng hóa đảm bảo công suất khoảng 100.000 tấn lúa/năm.
- Đầu tư khai thác chế biến sâu các sản phẩm từ lúa gạo để tăng thêm hiệu quả của chuỗi giá trị như: Dầu gạo, sữa gạo lứt, sản phẩm từ bột gạo, tinh chất oryzanol...
- Tận dụng các phế phụ phẩm sau thu hoạch như rơm rạ để sản xuất phân bón hữu cơ, trồng nấm, sản xuất giấy hoặc làm thức ăn chăn nuôi; trấu được tái chế thành củi trấu, sản xuất gas sinh học (khí hóa trấu), làm nguyên liệu xây dựng sạch, than hoạt tính…
5. Về nâng cao tính chống chịu với biến đổi khí hậu và rủi ro:
- Tăng cường sử dụng giống lúa có tính chống chịu cao với điều kiện ngoại cảnh bất lợi (chống chịu mặn, hạn, nóng, ngập) và kháng sâu bệnh, có thời gian sinh trưởng ngắn để tránh hạn, lũ;
- Điều chỉnh thời vụ gieo sạ dựa trên cảnh báo sớm về điều kiện thủy văn, thay đổi cơ cấu sản xuất trên đất lúa như áp dụng cơ cấu tôm - lúa cho vùng nhiễm mặn, luân canh lúa - cây trồng cạn ngắn ngày cho vùng hạn;
- Phát triển hệ thống rừng phòng hộ và xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, đê sông, đê biển.
- Giảm phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa thông qua giảm lượng phân đạm, bón vùi phân, sử dụng phân chậm tan; sử dụng, tái chế hết rơm rạ sau thu hoạch, chấm dứt việc đốt rơm rạ; giảm lượng nước tưới (san bằng mặt ruộng, tưới ướt khô xen kẽ).
- Tùy theo điều kiện cụ thể, thực hiện lồng ghép các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu vào trong các quy trình sản xuất thực hành tốt như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “1 phải 6 giảm”, SRI, SRP…
- Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác cảnh báo sớm (cảnh báo lũ, hạn), dự báo thời tiết, phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
- Hỗ trợ vốn, vật tư, kỹ thuật cho nông dân trồng lúa khôi phục sản xuất và ổn định sinh kế trong trường hợp có thiên tai lớn; Áp dụng các quy trình sản xuất lúa thích nghi tốt với điều kiện bất lợi, đa dạng hóa sản xuất trên đất lúa, tăng thu nhập cho nông dân; thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng chống thiên tai.
6. Về các chính sách hỗ trợ:
- Hoàn thiện chính sách về tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện ứng dụng cơ giới hóa và các chính sách ưu tiên hỗ trợ vốn vay với điều kiện thuận lợi cho nông dân để kiến thiết đồng ruộng, mua máy móc thiết bị, hỗ trợ tập huấn cho nông dân, phát triển dịch vụ cơ giới và sửa chữa máy móc ở nông thôn và hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp để kinh doanh, chế tạo máy nông nghiệp và đổi mới công nghệ.
- Hỗ trợ thực hiện các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ và Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh nhằm hỗ trợ hộ trồng lúa thành hộ sản xuất chuyên nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất lúa thông qua đẩy mạnh tích tụ ruộng đất.
- Triển khai có hiệu quả các chính sách như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong sản xuất lúa gạo….
7. Về hoạt động thông tin tuyên truyền:
- Thực hiện và triển khai các hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhằm thông tin kịp thời các hoạt động, kỹ thuật sản xuất trong nông nghiệp, các chủ trương, chính sách nông nghiệp, văn bản pháp luật ngành, thông tin về thị trường nông sản, giới thiệu sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng thuộc các chuỗi liên kết của tỉnh...
- Tăng cường hoạt động của các tổ chức đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…) về công tác thông tin tuyên truyền để các hộ nông dân, tổ hợp tác, HTXNN kịp thời nắm bắt và hiểu đúng chủ trương, chính sách của nhà nước, thông tin thị trường, khả năng tiếp cận hợp tác với doanh nghiệp…; thông tin phản hồi để chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc và hỗ trợ các nhu cầu hợp pháp hợp lý của người dân trong hợp tác liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo.
8. Về đào tạo nguồn nhân lực:
- Đào tạo lao động trực tiếp sản xuất tại các nông hộ, tổ hợp tác, tổ sản xuất, HTXNN; huấn luyện cơ bản về kỹ thuật canh tác, phương pháp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Việc đào tạo huấn luyện do Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống Nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) các huyện, thị xã, thành phố đảm nhận theo kế hoạch hàng năm gắn với các mô hình trình diễn hoặc lồng ghép trong các chương trình dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn,…
- Đào tạo kiến thức chuyên sâu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao (VietGAP, GlobalGAP,…) cho cán bộ quản lý, đặc biệt là các cán bộ tham gia nhiệm vụ tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.
9. Về huy động vốn đầu tư:
- Ngân sách nhà nước đầu tư vào các công trình trọng điểm như hệ thống giao thông nông thôn, điện phục vụ sản xuất, thủy lợi… Ngoài ra, ngân sách nhà nước tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu, chọn tạo và khảo nghiệm giống mới; hỗ trợ xây dựng, thực hiện các chương trình, dự án, đề tài; xây dựng các vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, lúa đặc sản...
- Nguồn vốn tín dụng thực hiện chính sách về hỗ trợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo các Nghị định của Chính phủ: Số 55/2015/NĐ- CP ngày 09/6/2015; số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ.
- Nguồn vốn trong dân và các doanh nghiệp thực hiện theo hình thức xã hội hóa Nhà nước và nhân dân cùng làm; Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hoặc liên kết, liên doanh phát triển sản xuất lúa gạo và giống lúa.
VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 1.583.500 triệu đồng; trong đó:
- Nguồn ngân sách: 129.000 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 8,15%).
Ngân sách Trung ương: 116.000 triệu đồng.
Ngân sách tỉnh: 9.250 triệu đồng.
Ngân sách cấp huyện: 3.750 triệu đồng.
- Nguồn khác (doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân): 1.454.500 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 91,85% (Chi tiết theo Phụ lục 2).
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức triển khai Đề án; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc sở và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.
- Hướng dẫn xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo. Tổ chức công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các nội dung liên quan đến Đề án.
- Hàng năm, tổng hợp dự toán kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất lúa gạo gửi Sở Tài chính để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phân bổ ngân sách theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh việc triển khai thực hiện Đề án.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư công để thực hiện các dự án, công trình phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, đến năm 2030.
3. Sở Tài chính: Căn cứ khả năng ngân sách, trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT, tham mưu UBND tỉnh bố trí dự toán kinh phí chi thường xuyên để đơn vị thực hiện Đề án này theo quy định.
4. Sở Công Thương:
- Hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để mở rộng hợp tác đầu tư và thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa gạo.
- Tổ chức thực hiện tốt các hoạt động khuyến công; tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến lúa gạo ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất; cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện; đề xuất các chính sách liên quan đến quản lý về đất đai , tích tụ ruộng đất; tài nguyên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
6. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, chế biến ứng dụng công nghệ mới phục vụ sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo nhu cầu thị trường; hỗ trợ đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm chế biến từ lúa gạo; hỗ trợ xây dựng, khai thác, phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý; truy xuất nguồn gốc sản phẩm lúa gạo theo quy định.
7. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị có liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện các quy định về lao động, an toàn vệ sinh lao động để phát triển sản xuất lúa gạo.
8. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Phổ biến, tuyên truyền và chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách tín dụng hỗ trợ đối với nông nghiệp nông thôn, nhất là các mô hình ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi giá trị theo chỉ đạo của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch về thủ tục, quy trình, hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tiếp cận vốn một cách thuận lợi, nhanh chóng.
9. Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương hướng dẫn các HTXNN từng bước mở rộng quy mô và tổ chức hợp tác sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thực hiện đổi mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã sửa đổi và các quy định pháp luật; giữ vai trò tổ chức đại diện cho nông dân thực hiện có hiệu quả phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa gạo.
10. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo tại địa phương.
- Tăng cường đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất lúa gạo; xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm của địa phương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện.
- Vận động người dân “dồn điền, đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn trong nông nghiệp.
- Báo cáo kết quả thực hiện Đề án cho UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và PTNT) trước ngày 01 tháng 12 hàng năm.
12. Các cơ quan, đơn vị có liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện Đề án này./.
PHỤ LỤC 1
PHÂN CÔNG THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO TỈNH ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 97/QĐ-UBND ngày 08/02/2022 của UBND tỉnh Phú Yên)
TT | Nội dung | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Sản phẩm | Thời gian hoàn thành |
1 | Xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 | Sở Nông nghiệp và PTNT | Các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn có liên quan | Quyết định của UBND tỉnh | Năm 2022 |
2 | Xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản từ năm 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên” | Sở Nông nghiệp và PTNT | Sở Tư pháp, Sở Tài chính, UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan | Văn bản QPPL (Nghị quyết của HĐND tỉnh) | Năm 2023 |
3 | Xây dựng chính sách hỗ trợ sản xuất trồng trọt theo GAP (trong đó có cây lúa) | Sở Nông nghiệp và PTNT | Sở Tư pháp, Sở Tài chính, UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan | Văn bản QPPL (Quyết định của UBND tỉnh ) | Năm 2023 |
4 | Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2022 -2025 | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan | Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 27/12/2021 của UBND tỉnh | Năm 2021 |
5 | Nghiên cứu lai, chọn tạo; phục tráng, khảo nghiệm các giống lúa chất lượng cao cung ứng cho sản xuất lúa thương phẩm | Sở Nông nghiệp và PTNT | Sở Tài chính, các cơ quan, đơn vị có liên quan | Kế hoạch giao kinh phí sự nghiệp theo năm | Hàng năm |
6 | Hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản | Sở Nông nghiệp và PTNT | Sở Tài chính, UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan | Văn bản của cơ quan có thẩm quyền (theo NQ 10/2020/NQ- HĐND của HĐND tỉnh) | Hàng năm |
7 | Hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm | Sở Nông nghiệp và PTNT | Sở Tài chính, UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan | Văn bản của cơ quan có thẩm quyền (theo NQ 19/2020/NQ- HĐND của HĐND tỉnh) | Hàng năm |
8 | Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý sản phẩm lúa chất lượng cao | Sở Khoa học và Công nghệ | Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan | Quyết định của UBND tỉnh (phê duyệt theo từng dự án, đề tài, sản phẩm cụ thể) | Hàng năm |
9 | Hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm sản phẩm lúa chất lượng cao | Sở Công thương | Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan | Quyết định của UBND tỉnh (phê duyệt theo từng chương trình, sản phẩm cụ thể) | Hàng năm |
10 | Các cơ sở sơ chế, chế biến lúa gạo quy mô nhỏ | UBND cấp huyện | Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị có liên quan | Quyết định chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền | Kêu gọi đầu tư |
11 | Dự án Đầu tư nhà máy sản xuất chế biến gạo hàng hóa chất lượng cao tại tỉnh Phú Yên (tại các cụm công nghiệp Tây Hòa, Phú Hòa, Đông Hòa) | Sở Nông nghiệp và PTNT | Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan | Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh | Kêu gọi đầu tư |
12 | Đề án "dồn điền đổi thửa" trên địa bàn tỉnh Phú Yên | Sở Tài Nguyên và Môi trường | Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan | Quyết định của UBND tỉnh | Năm 2023 - 2024 |
PHỤ LỤC 2
NHU CẦU KINH PHÍ TRIỂN KHAI MỘT SỐ NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO TỈNH ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 97/QĐ-UBND ngày 08/02/2022 của UBND tỉnh Phú Yên)
TT | Nội dung | Tổng cộng (triệu đồng) | Trong đó: | Ghi chú | |||
NS TW | NS Tỉnh | NS cấp huyện | khác |
| |||
1 | Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản từ năm 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên” | 7.500 |
| 3.750 | 3.750 |
| Ngân sách tỉnh, nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế |
2 | Nghiên cứu lai, chọn tạo; phục tráng, khảo nghiệm các giống lúa chất lượng cao cung ứng cho sản xuất lúa thương phẩm | 5.000 |
| 2.000 |
| 3.000 | Ngân sách tỉnh, nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế |
3 | Sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao theo GAP, theo hướng hữu cơ | 50.000 |
|
|
| 50.000 | Kinh phí các tổ chức, cá nhân |
4 | Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý sản phẩm lúa chất lượng cao | 2.000 |
| 2.000 |
|
| Ngân sách tỉnh, nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học |
5 | Hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại và chương trình khuyến công cho các sản phẩm lúa gạo chất lượng cao | 3.000 |
| 1.500 |
| 1.500 | Ngân sách tỉnh, nguồn kinh phí xúc tiến thương mại, khuyến công và nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp, HTX tham gia |
6 | Hỗ trợ lúa giống cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm | 58.000 | 58.000 |
|
|
| Ngân sách TW, theo các Nghị định 35/2015/NĐ- CP, 62/2019/NĐ- CP và Thông tư 18/2016/TT- BTC của Bộ Tài chính (đất chuyên trồng lúa 24.500ha, đất 01 vụ lúa 9.000ha) |
7 | Hỗ trợ: (1) Phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước; (2)Cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại; (3) Đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa; (4) Khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước, đất trồng lúa nước còn lại | 58.000 | 58.000 |
|
|
| Ngân sách TW, theo các Nghị định 35/2015/NĐ- CP, 62/2019/NĐ- CP và Thông tư số 18/2016/TT- BTC của Bộ Tài chính (đất chuyên trồng lúa 24.000ha, đất 01 vụ lúa 9.000ha) |
8 | Các cơ sở sơ chế, chế biến lúa gạo quy mô nhỏ | 200.000 |
|
|
| 200.000 | Đầu tư từ các tổ chức, cá nhân |
9 | Dự án Đầu tư nhà máy sản xuất chế biến gạo hàng hóa chất lượng cao tại tỉnh Phú Yên (tại Khu kinh tế Nam Phú Yên hoặc các cụm công nghiệp Tây Hòa, Phú Hòa) | 1.200.000 |
|
|
| 1.200.000 | Kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước (QĐ số 1826/QĐ- UBND ngày 16/12/2021 của UBND tỉnh) |
| Tổng cộng | 1.583.500 | 116.000 | 9.250 | 3.750 | 1.454.500 |
|
- 1Quyết định 3878/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Kế hoạch phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững tỉnh An Giang từ nay đến năm 2020
- 2Kế hoạch 307/KH-UBND năm 2022 về Phát triển ngành hàng lúa gạo tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025
- 3Kế hoạch 247/KH-UBND năm 2022 về Tái cơ cấu ngành lúa gạo thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn năm 2030
- 1Luật hợp tác xã 2012
- 2Quyết định 68/2013/QĐ-TTg chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật đất đai 2013
- 4Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa
- 5Quyết định 706/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
- 7Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 8Kế hoạch 125/KH-UBND năm 2015 về triển khai Đề án Đẩy mạnh áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020 tại tỉnh Phú Yên
- 9Nghị quyết 170/2015/NQ-HĐND ban hành chính sách hỗ trợ phát triển lúa giống, giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Phú Yên
- 10Nghị quyết 169/2015/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2016 - 2020
- 11Thông tư 18/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 12Luật Trồng trọt 2018
- 13Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
- 14Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 15Quyết định 3878/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Kế hoạch phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững tỉnh An Giang từ nay đến năm 2020
- 16Nghị định 77/2018/NĐ-CP quy định về hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước
- 17Nghị định 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông
- 18Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
- 19Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 20Nghị định 62/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa
- 21Nghị định 94/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác
- 22Quyết định 703/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 23Nghị quyết 08/2020/NQ-HĐND quy định về nội dung chi, mức hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 24Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND quy định về mức hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 25Kết luận 81-KL/TW năm 2020 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 26Nghị quyết 19/2020/NQ-HĐND quy định về mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 27Quyết định 555/QĐ-BNN-TT năm 2021 về Phê duyệt "Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 28Quyết định 255/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 29Quyết định 150/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 30Nghị quyết 26/2022/NQ-HĐND sửa đổi Quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Phú Yên kèm theo Nghị quyết 08/2020/NQ-HĐND
- 31Kế hoạch 307/KH-UBND năm 2022 về Phát triển ngành hàng lúa gạo tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025
- 32Kế hoạch 247/KH-UBND năm 2022 về Tái cơ cấu ngành lúa gạo thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn năm 2030
Quyết định 97/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
- Số hiệu: 97/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/02/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
- Người ký: Lê Tấn Hổ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra