Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 963/2007/QĐ-UBND | Yên Bái, ngày 09 tháng 7 năm 2007 |
BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước;
Căn cứ Nghị định 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 12/2002/TT-BCA ngày 13/9/2002 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Thường trực Hội đồng thẩm định danh mục bí mật Nhà nước tỉnh tại Tờ trình số 719/TT(PA25) ngày 08/6/2007,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 963/2007/QĐ-UBND ngày 09/7/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
Điều 1. Bí mật Nhà nước (BMNN) của tỉnh Yên Bái là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, lời nói, địa điểm, thời gian có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà tỉnh không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ sẽ gây nguy hại cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Điều 2. Bảo vệ bí mật Nhà nước là nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang, Uỷ ban nhân dân các cấp (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, địa phương) và mọi công dân.
Điều 3. Nghiêm cấm các hành vi thu thập, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ trái phép bí mật Nhà nước và việc lạm dụng bảo vệ bí mật Nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân hoặc cản trở việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
PHẠM VI BÍ MẬT NHÀ NƯỚC DO TỈNH YÊN BÁI QUẢN LÝ, BẢO VỆ
Điều 4. Bí mật Nhà nước thuộc độ Tuyệt mật:
1. Những bí mật Nhà nước của tỉnh Yên Bái đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thuộc độ Tuyệt mật.
2. Những bí mật Nhà nước có dấu “Tuyệt mật” do các cơ quan, tổ chức, địa phương khác chuyển đến.
Điều 5. Bí mật Nhà nước thuộc độ Tối mật:
1. Những bí mật Nhà nước của tỉnh Yên Bái đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thuộc độ Tối mật.
2. Những bí mật Nhà nước có dấu “Tối mật” do các cơ quan, tổ chức, địa phương khác chuyển đến.
Điều 6. Bí mật Nhà nước thuộc độ Mật:
1. Những bí mật Nhà nước của tỉnh Yên Bái đã được Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thuộc độ Mật.
2. Những bí mật Nhà nước có dấu “Mật” do các cơ quan, tổ chức, địa phương khác chuyển đến.
Điều 7. Lập Danh mục bí mật Nhà nước.
1. Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm lập Danh mục BMNN chung của tỉnh; báo cáo đề xuất bổ sung, sửa đổi, giải mật đối với những BMNN thuộc tỉnh quản lý để trình Chính phủ và Bộ Công an quyết định.
2. Cơ quan, tổ chức, địa phương không tự ban hành Danh mục BMNN riêng của mình, nhưng phải lập Danh mục bí mật Nhà nước của cơ quan, tổ chức, địa phương mình trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Được quyền đề xuất bổ sung, sửa đổi hoặc giải mật đối với những BMNN thuộc phạm vi quản lý vào Quí IV hằng năm.
Điều 8. Thống kê tài liệu, vật mang BMNN.
Căn cứ vào Danh mục BMNN của tỉnh Yên Bái và Danh mục BMNN của cơ quan, tổ chức thuộc ngành dọc cấp Trung ương ( nếu có), Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, địa phương phải thống kê cụ thể những bí mật Nhà nước thuộc phạm vi quản lý, bảo vệ của mình, đồng thời công khai trong cơ quan, tổ chức, địa phương để mọi người thực hiện.
Điều 9. Xác định độ mật đối với từng loại tài liệu, vật mang BMNN.
1. Mọi tài liệu, vật mang BMNN phải được xác định độ mật và đóng dấu mật theo độ mật đã được xác định.
2. Khi soạn thảo tài liệu có nội dung BMNN, người soạn thảo phải đề xuất độ mật và phạm vi lưu hành của văn bản tài liệu. Người duyệt ký có trách nhiệm quyết định độ mật và phạm vi lưu hành tài liệu. Bộ phận văn thư phải đóng dấu độ mật vào tài liệu theo đúng quy định trước khi phát hành.
3. Mẫu con dấu các độ mật thống nhất theo quy định tại mục 2 (c) Thông tư số 12/2002/TT-BCA ( A11) ngày 13/9/2002 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước.
Điều 10. Việc in, sao, chụp tài liệu, vật mang BMNN phải tuân theo các quy định sau đây:
1. Tổ chức ở nơi đảm bảo an toàn do lãnh đạo cơ quan, tổ chức, địa phương trực tiếp quản lý tài liệu, vật mang BMNN đó quyết định.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương khi quyết định in, sao, chụp tài liệu, vật mang BMNN do mình trực tiếp quản lý phải quy định cụ thể số lượng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện. Đối với các bản thừa, hỏng, bản thảo (nếu không cần lưu) phải được huỷ ngay.
3. Sau khi in, sao, chụp tài liệu, vật mang BMNN phải đóng dấu độ mật, dấu thu hồi (nếu cần thiết).
4. Không sử dụng máy tính đã nối mạng Internet để đánh máy, in, sao tài liệu BMNN.
5. Những BMNN sao, chụp ở dạng băng, đĩa phải được niêm phong và đóng dấu độ mật, ghi rõ tên người sao, chụp ở bì niêm phong.
Điều 11. Việc phổ biến, nghiên cứu BMNN phải thực hiện theo nguyên tắc sau:
1. Đúng đối tượng, phạm vi cần phổ biến hoặc nghiên cứu. Được tổ chức ở nơi đảm bảo bí mật, an toàn.
2. Chỉ được ghi chép, ghi âm, ghi hình khi được phép của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trực tiếp quản lý bí mật đó. Các băng, đĩa ghi âm, ghi hình phải được quản lý, bảo vệ như tài liệu gốc.
Điều 12. Việc vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang BMNN phải thực hiện theo các quy định sau:
1. Vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang BMNN giữa các cơ quan, tổ chức, địa phương trong tỉnh do cán bộ làm công tác bảo mật hoặc cán bộ giao liên thực hiện. Nơi gửi và nơi nhận phải thực hiện theo nguyên tắc giữ kín, niêm phong, ký nhận vào sổ theo dõi. Nếu vận chuyển, giao nhận theo đường bưu chính thì phải thực hiện theo quy định của ngành Bưu chính.
2. Khi vận chuyển tài liệu, vật mang BMNN phải có đầy đủ phương tiện bảo quản và lực lượng bảo vệ ( nếu cần).
Điều 13. Thống kê, lưu giữ, bảo quản tài liệu, vật mang BMNN.
1. Các cơ quan, tổ chức, địa phương khi lưu giữ BMNN thuộc phạm vi quản lý của mình phải có sổ sách theo dõi, thống kê, thực hiện đúng quy định của Cục lưu trữ Quốc gia.
2. Nếu có điều kiện thì những BMNN thuộc độ “tuyệt mật” và “tối mật” cần được bảo quản riêng, có phương tiện bảo vệ an toàn.
Điều 14. Đăng ký các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích có nội dung thuộc phạm vi BMNN.
1. Các cơ quan, tổ chức, địa phương và cá nhân có các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích có nội dung thuộc phạm vi BMNN phải đăng ký tại cơ quan (hoặc bộ phận) quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ theo quy định hiện hành.
(Việc đăng ký các sáng chế, giải pháp hữu ích có nội dung thuộc phạm vi BMNN của Bộ Công an, Bộ quốc phòng và Ban cơ yếu Chính phủ sẽ thực hiện theo quy định riêng).
2. Cơ quan (hoặc bộ phận) quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ có trách nhiệm xác định độ mật và lưu giữ, bảo quản các sáng chế, giải pháp hữu ích có nội dung thuộc phạm vi BMNN theo các quy định của Quy chế này.
Điều 15. Bảo vệ các khu vực, địa điểm cấm; nơi cất giữ hoặc tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi BMNN.
Các khu vực, địa điểm cấm, nơi cất giữ hoặc tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi BMNN bao gồm: Nơi in, sao, chụp, nơi tổ chức hội họp phổ biến BMNN, nơi lưu trữ BMNN; kho cất giữ sản phẩm mật mã, nơi dịch mật mã; nơi cất giữ ngoại tệ, tiền Việt Nam, ấn chỉ có giá, đá quí và các loại kim loại quí hiếm khác; nơi đặt máy chủ trong hệ thống máy tính đã được kết nối mạng nội bộ; nơi nghiên cứu, thử nghiệm các công trình khoa học có nội dung thuộc phạm vi BMNN phải bố trí lực lượng và phương tiện kỹ thuật để bảo vệ tuyệt đối an toàn.
Điều 16. Bảo vệ bí mật mật mã Quốc gia.
1. Mọi việc nghiên cứu, sản xuất, cung cấp, quản lý, sử dụng mật mã phải thực hiện theo quy định của Pháp lệnh cơ yếu.
2. Nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, địa phương và cá nhân tự nghiên cứu, sản xuất, sử dụng mật mã để tiến hành các hoạt động trái pháp luật.
Điều 17. Bí mật Nhà nước khi truyền đi bằng phương tiện thiết bị viễn thông tin học phải được mã hoá theo quy định. Nghiêm cấm truyền (điện) rõ những nội dung thuộc BMNN.
Điều 18. Bảo vệ BMNN trong hoạt động xuất bản, báo chí và thông tin đại chúng khác.
1. Các cơ quan, tổ chức, địa phương và cá nhân không được cung cấp tin thuộc phạm vi BMNN cho cơ quan thông tin báo chí.
2. Tổng Biên tập các báo của tỉnh, Giám đốc Đài phát thanh truyền hình tỉnh và các nhà báo phải chấp hành quy định về bảo vệ BMNN theo Luật Báo chí và các văn bản pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Điều 19. Cung cấp thông tin thuộc phạm vi BMNN cho cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.
1. Người được giao nhiệm vụ tìm hiểu, thu thập thông tin thuộc phạm vi BMNN phải có giấy chứng minh nhân dân, kèm theo giấy giới thiệu của cơ quan và phải được cấp có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, địa phương lưu giữ BMNN đồng ý.
2. Các cơ quan, tổ chức, địa phương lưu giữ BMNN khi cung cấp tin cho cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam phải được cấp có thẩm quyền duyệt theo quy định sau:
a. Bí mật Nhà nước độ “tuyệt mật”, “tối mật” do Chủ tịch UBND tỉnh duyệt.
b. Bí mật Nhà nước độ “mật” do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp tỉnh hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố duyệt.
Điều 20. Bảo vệ BMNN trong quan hệ, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
1. Các cơ quan, tổ chức, địa phương và cá nhân khi quan hệ, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài không được tiết lộ BMNN.
2. Khi tiến hành chương trình hợp tác quốc tế hoặc thi hành công vụ, nếu có yêu cầu phải cung cấp, trao đổi thông tin thuộc phạm vi BMNN cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, phải tuân thủ theo nguyên tắc:
a. Bảo vệ lợi ích quốc gia.
b. Chỉ cung cấp những tin được cấp có thẩm quyền duyệt theo quy định sau:
- Bí mật Nhà nước thuộc độ “tuyệt mật” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Bí mật Nhà nước thuộc độ “tối mật” do Bộ trưởng Bộ Công an duyệt (riêng trong lĩnh vực Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng duyệt).
- Bí mật Nhà nước độ “mật” do Chủ tịch UBND tỉnh (hoặc người được Chủ tịch UBND tỉnh uỷ quyền) duyệt.
3. Việc xin phép cung cấp, trao đổi thông tin thuộc phạm vi BMNN cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tổ chức, cá nhân cung cấp tin; loại tin và độ mật của tin sẽ cung cấp; tên tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ nhận tin; mục đích sử dụng tin.
a. Văn bản xin phép cung cấp tin thuộc độ “tuyệt mật” được gửi đến A11- Bộ Công an để tập hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
b. Văn bản xin phép cung cấp tin thuộc độ “tối mật” được gửi đến A11- Bộ Công an để tập hợp trình Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt.
c. Văn bản xin phép cung cấp tin thuộc độ “mật” được gửi đến Phòng PA25 Công an tỉnh Yên Bái để trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 21. Mang tài liệu, vật thuộc phạm vi BMNN ra nước ngoài.
1. Công dân có nhu cầu mang tài liệu, vật thuộc phạm vi BMNN của tỉnh ra nước ngoài phục vụ công tác, học tập, nghiên cứu khoa học phải xin phép và được Chủ tịch UBND tỉnh (hoặc người được Chủ tịch UBND tỉnh uỷ quyền) duyệt.
Văn bản xin phép phải ghi rõ tên người mang tài liệu, vật thuộc phạm vi BMNN, ra nước nào, tên tài liệu hoặc vật thuộc BMNN, phạm vi, mục đích sử dụng. Văn bản này được gửi đến Phòng PA25 Công an tỉnh Yên Bái để tập hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh duyệt.
2. Khi xuất cảnh phải trình văn bản xin phép có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền cho cơ quan quản lý xuất – nhập cảnh tại cửa khẩu.
3. Trong thời gian ở nước ngoài phải quản lý, bảo vệ tuyệt đối an toàn tài liệu, vật thuộc BMNN mang theo. Nếu cung cấp cho cá nhân, tổ chức nước ngoài phải tuân thủ theo Điều 20 của Quy chế này.
Điều 22. Tiêu huỷ tài liệu, vật mang BMNN.
1. Việc tiêu huỷ các tài liệu, vật mang BMNN thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức, địa phương do Giám đốc Sở ( hoặc tương đương); Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố quyết định (riêng đối với mật mã thực hiện theo quy định của Ban Cơ yếu Chính phủ).
Tiêu huỷ tài liệu: Phải đảm bảo không thể phục hồi được.
Tiêu huỷ vật: Phải làm thay đổi hình dạng, tính năng, tác dụng.
2. Trong trường hợp đặc biệt, không có điều kiện tổ chức tiêu huỷ theo quy định trên và nếu tài liệu, vật mang BMNN đó không được tiêu huỷ ngay sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho lợi ích quốc gia thì người đang quản lý tài liệu, vật mang BMNN đó được quyền tự tiêu huỷ, nhưng ngay sau đó phải báo cáo bằng văn bản với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương và cơ quan Công an cùng cấp. Nếu việc tiêu huỷ không có lý do chính đáng thì người tự tiêu huỷ phải chịu trách nhiệm trước Pháp luật.
Điều 23. Cam kết bảo vệ BMNN và tiêu chuẩn cán bộ làm công tác liên quan đến BMNN.
1. Cán bộ làm công tác liên quan trực tiếp đến BMNN (cán bộ Cơ yếu; Giao liên; người được giao nhiệm vụ bảo quản, lưu giữ BMNN) phải đảm bảo thực sự tin cậy về chính trị, có tinh thần trách nhiệm, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao và phải cam kết bảo vệ BMNN bằng văn bản. Văn bản cam kết nộp cho cán bộ bảo mật của cơ quan, tổ chức, địa phương lưu giữ.
2. Cán bộ làm công tác bảo mật có thể bố trí ở bộ phận bảo vệ chính trị nội bộ hoặc ở bộ phận văn phòng (chuyên trách hoặc kiêm nhiệm) của từng cơ quan, tổ chức, địa phương.
Điều 24. Việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ BMNN do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương quyết định và sử dụng kinh phí theo quy định của luật Ngân sách Nhà nước.
Điều 25. Thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ BMNN.
1. Công an tỉnh Yên Bái có nhiệm vụ định kỳ 2 năm 1 lần hoặc đột xuất theo yêu cầu công việc tiến hành thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ BMNN đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương trực thuộc tỉnh. Các cơ quan, tổ chức, địa phương có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện để công tác thanh tra của cơ quan Công an đạt hiệu quả.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương thuộc tỉnh thực hiện việc kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ BMNN định kỳ hoặc đột xuất đối với từng bộ phận, từng đơn vị, từng khâu công tác trong phạm vi quản lý của mình. Việc kiểm tra định kỳ được tiến hành 1 năm 1 lần.
Điều 26. Chế độ báo cáo và sơ kết, tổng kết về công tác bảo vệ BMNN.
1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải thực hiện chế độ báo cáo về công tác bảo vệ BMNN trong phạm vi quản lý của mình gửi Chủ tịch UBND tỉnh (đồng gửi Công an tỉnh), gồm 2 loại như sau:
a. Báo cáo đột xuất về những vụ, việc lộ, mất BMNN xảy ra hoặc các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ BMNN gây phương hại đến lợi ích quốc gia.
b. Báo cáo toàn diện về công tác bảo vệ BMNN, gồm cả nội dung đề xuất, bổ sung, sửa đổi, giải độ mật của BMNN.
2. Các cơ quan, tổ chức, địa phương thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức sơ kết công tác bảo vệ BMNN mỗi năm 1 lần ( mốc thời gian tính từ 1/12 năm trước đến 30/11 năm sau ); việc tổng kết được thực hiện 5 năm 1 lần.
3. Công an tỉnh Yên Bái có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND tỉnh xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết công tác bảo vệ BMNN trong phạm vi toàn tỉnh.
Điều 27. Xây dựng quy chế bảo vệ BMNN.
Căn cứ vào yêu cầu, phạm vi bảo mật cụ thể, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương thuộc tỉnh phải xây dựng và ban hành Quy chế bảo vệ BMNN của mình. Có thể xây dựng thành bản Quy chế riêng hoặc lồng nội dung bảo vệ BMNN vào các Quy chế hiện có, hoặc có Nội quy riêng cho từng bộ phận, từng khu vực cấm, từng khâu công tác, nhưng nội dung không được trái với quy định trong bản Quy chế này.
Điều 28. Khen thưởng và xử lý vi phạm.
1. Cơ quan, tổ chức, công dân có một trong những thành tích sau đây sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật:
a. Tố cáo kịp thời hành vi thu thập, làm lộ, mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ trái phép BMNN.
b. Khắc phục khó khăn, nguy hiểm, bảo vệ an toàn BMNN.
c. Tìm được tài liệu, vật thuộc BMNN.
d. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ BMNN theo chức trách được giao.
2. Người có hành vi vi phạm Quy chế bảo vệ BMNN thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 29. Quy chế này có hiệu lực thi hành theo Quyết định ban hành Quy chế.
Công an tỉnh Yên Bái có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND tỉnh hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thi hành Quy chế này trong phạm vi toàn tỉnh ./.
- 1Quyết định 2003/QĐ-UBND năm 2011 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành từ 01/01/1998 đến hết ngày 31/12/2010 hết hiệu lực thi hành
- 2Quyết định 04/2013/QĐ-UBND về Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh Tuyên Quang
- 3Quyết định 01/2009/QĐ-UBND về quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- 4Quyết định 04/2009/QĐ-UBND về quy chế Bảo vệ bí mật Nhà nước tỉnh Điện Biên
- 5Quyết định 03/2013/QĐ-UBND về Quy chế Bảo vệ bí mật Nhà nước trên địa bàn quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh
- 6Quyết định 14/2011/QĐ-UBND về Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 1Luật Báo chí 1989
- 2Pháp lệnh Bảo vệ Bí mật Nhà nước năm 1991 do Hội đồng Nhà nước ban hành
- 3Nghị định 33/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước
- 4Thông tư 12/2002/TT-BCA(A11) hướng dẫn Nghị định 33/2002/NĐ-CP thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước do Bộ Công an ban hành
- 5Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 6Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 8Quyết định 04/2013/QĐ-UBND về Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh Tuyên Quang
- 9Quyết định 01/2009/QĐ-UBND về quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- 10Quyết định 04/2009/QĐ-UBND về quy chế Bảo vệ bí mật Nhà nước tỉnh Điện Biên
- 11Quyết định 03/2013/QĐ-UBND về Quy chế Bảo vệ bí mật Nhà nước trên địa bàn quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh
Quyết định 963/2007/QĐ-UBND Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- Số hiệu: 963/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/07/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
- Người ký: Hoàng Xuân Lộc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra