Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 960/QĐ-UBND

Lạng Sơn, ngày 21 tháng 5 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG, NHIỆM VỤ LẬP ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ, ĐẢM BẢO AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19/6/2017;

Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 67/TTr-SNN ngày 06/5/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề cương, nhiệm vụ lập Đề án nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo an toàn và hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở: TC, KHĐT, TN&MT;
- C, PVP UBND tỉnh, các phòng: TH-NC, TH-CB;
- Lưu: VT, KT(PVĐ).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Tiến Thiệu

 

ĐỀ CƯƠNG

NHIỆM VỤ LẬP ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ, ĐẢM BẢO AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
(Kèm theo Quyết định số:   /QĐ-UBND ngày   /5/2020 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Khái quát vai trò của hệ thống các công trình thủy lợi đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; phân tích khái quát thực trạng, kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém của hệ thống công trình thủy lợi cũng như công tác quản lý, từ đó thuyết minh về sự cần thiết phải xây dựng Đề án.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Các văn bản pháp luật;

- Các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh;

- Các vấn đề thực tiễn liên quan đến công tác quản lý an toàn và hiệu quả công trình thủy lợi.

III. PHƯƠNG PHÁP, TIẾN ĐỘ LẬP VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Đơn vị lập Đề án: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Phương pháp

- Khảo sát, thu thập, tổng hợp, phân tích;

- Hội thảo chuyên gia.

3. Tiến độ lập Đề án

- Từ tháng 4 - 5/2020: Lập, trình phê duyệt đề cương Đề án;

- Tháng 5-6/2020: Triển khai xây dựng, hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn chỉnh Đề án;

- Tháng 7/2020: Trình thẩm định, phê duyệt Đề án.

4. Thời gian thực hiện Đề án: Giai đoạn 2021-2025.

5. Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan.

6. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn toàn tỉnh.

Phần thứ hai

PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HỆ THỐNG CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2011-2020

I. KHÁI QUÁT VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Điều kiện tự nhiên

- Phân tích, đánh giá về vị trí địa lý.

- Phân tích, đánh giá về đặc điểm khí hậu, thủy văn.

- Phân tích, đánh giá đặc điểm địa hình, địa chất và thổ nhưỡng, sông ngòi;

2. Điều kiện kinh tế - xã hội

- Tổng quan về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn; tác động của hệ thống công trình thủy lợi đến kinh tế, xã hội, đời sống dân cư trên địa bàn.

- Thống kê số lượng dân cư (số hộ, nhân khẩu) sống dưới các lưu vực hồ, sông, phân tích đánh giá về mức độ ảnh hưởng, khả năng bảo đảm an toàn.

- Tổng quan về các công trình hạ tầng liên quan, phân tích khả năng kết nối, mối liên hệ giữa công trình thủy lợi với các công trình hạ tầng khác.

- Phân tích đánh giá sự thay đổi nguồn sinh thủy, hệ sinh thái rừng đầu nguồn các sông, hồ.

II. HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI VÀ THỰC TRẠNG QUẢN LÝ KHAI THÁC GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

1. Hiện trạng hệ thống các công trình thủy lợi giai đoạn 2011 - 2020

- Phân tích, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi hiện có làm rõ mức độ an toàn của từng công trình, hệ thống công trình thủy lợi.

- Đánh giá hiệu quả, lợi ích hệ thống công trình thủy lợi mạng lại trong sản xuất và phát triển kinh tế.

- Đánh giá tác động của các yếu tố thời gian, thiên tai đến hệ thống công trình thủy lợi.

2. Hiện trạng quản lý khai thác giai đoạn 2011-2020

- Phân tích đánh giá hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi;

- Đánh giá việc phân cấp quản lý công trình thủy lợi; phân tích các hình thức tổ chức quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn;

- Những kết quả đạt được về công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh;

- Công tác đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi; hiệu quả đầu tư; khả năng đáp ứng so với nhu cầu thực tế.

- Nguồn kinh phí thực hiện (trung ương, địa phương, xã hội hóa,…).

3. Đánh giá kết quả thực hiện Đề án nâng cao năng lực quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 612/QĐ-UBND ngày 22/4/2011: kết quả, hạn chế nguyên nhân, bài học kinh nghiệm...

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC, HẠN CHẾ YẾU KÉM, BÀI HỌC KINH NGHIỆM GIAI ĐOẠN 2011 - 2020, DỰ BÁO CƠ HỘI, THÁCH THỨC GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

1. Những kết quả đạt được

2. Hạn chế, yếu kém nguyên nhân

- Nêu đánh giá những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, khai thác, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi giai đoạn 2011 - 2020;

- Nguyên nhân:

+ Nguyên nhân chủ quan;

+ Nguyên nhân khách quan;

3. Dự báo cơ hội, thách thức trong quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tỉnh 2021 - 2025.

Phần thứ ba

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP QUẢN LÝ, ĐẢM BẢO AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xác định được những mục tiêu tổng thể cần đạt được trong giai đoạn thực hiện Đề án để đảm bảo nâng cao công tác quản lý, khai thác, đầu tư hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Số lượng công trình thủy lợi được đầu tư sửa chữa, nâng cấp; hiệu quả đầu tư dự kiến đạt được.

- Số lượng các tổ chức thủy lợi cơ sở thành lập, củng cố và phát triển.

- Đào tạo, nâng cao năng lực quản lý hệ thống công trình thủy lợi.

II. NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về cơ chế chính sách

Căn cứ các cơ chế, chính sách của trung ương, tỉnh đã ban hành và thực tiễn tổng kết đánh giá đề xuất các cơ chế chính sách mới hoặc sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách không còn phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả phục vụ của hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu xây dựng và khai thác tổng hợp công trình thủy lợi.

2. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý khai thác các công trình thủy lợi

a) Nâng cao năng lực quản lý đảm bảo an toàn đập, hồ chứa

- Căn cứ các nội dung quy định về an toàn đập hồ chứa tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 đề xuất các nhiệm vụ phù hợp thực tế địa phương, bảo đảm an toàn hồ chứa trên địa bàn, trong đó tập trung một số nội dung như: lập, điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành hồ chứa nước; kiểm định an toàn đập; lắp đặt thiết bị quan trắc công trình đập, hồ chứa nước; bảo trì đập, hồ chứa nước, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình…

- Dự kiến nguồn lực, kinh phí để các đơn vị quản lý khai thác đập hồ chứa thủy lợi và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện theo lộ trình đảm bảo thời gian theo quy định.

b) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý khai thác các công trình thủy lợi khác Đề xuất các nội dung nhiệm vụ nhằm củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đáp ứng theo Điều 30 của Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT. Đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi hoàn thành nhiệm vụ. Công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ quản lý khai thác hồ chứa nước cho cán bộ, công nhân trực tiếp quản lý hồ chứa từ tỉnh đến cơ sở.

c) Nâng cao năng lực tưới các công trình thủy lợi

Đề xuất các nội dung, nhiệm vụ để nâng cao năng lực tưới các công trình thủy lợi về: công tác quản lý, công tác tuyên truyền, phối hợp giữa các ngành, các cấp với các địa phương, người dân hưởng lợi; huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để nâng cao năng lực của công trình...

3. Đầu tư sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn an toàn và hiệu quả công trình thủy lợi

Đề xuất danh mục các công trình thủy lợi cần sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm an toàn phát huy hiệu quả phục vụ, sắp theo thứ tự ưu tiên, lộ trình thực hiện cụ thể, nhu cầu nguồn lực đầu tư, khả năng huy động.

4. Về ứng dụng khoa học và công nghệ

Đề xuất các nhiệm vụ để ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu kỹ thuật mới, công nghệ cao, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trong việc thực hiện chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa nước.

5. Huy động nguồn lực

Đề xuất các giải pháp huy động các nguồn vốn của Trung ương, của Tỉnh, của các tổ chức trong, ngoài nước, lồng ghép trong các Chương trình, dự án và huy động sự đóng góp của người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Đề án.

III. NHU CẦU NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ

Khái toán xác định nhu cầu nguồn lực đầu tư, trong đó xác định rõ về nguồn lực Nhà nước, xã hội hóa,…phân kỳ đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Phần thứ tư

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Xác định, đề xuất phân công nhiệm vụ từng sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố; tổ chức, doanh nghiệp;…

Các phụ lục, Bảng biểu kèm theo./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 960/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ lập Đề án nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo an toàn và hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 960/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/05/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Hồ Tiến Thiệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/05/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản