Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 94/2002/QĐ-UB

Cần Thơ, ngày 30 tháng 10 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN MỘT SỐ BIỆN PHÁP VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BÒ SỮA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2002-2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi);

- Căn cứ Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi);

- Căn cứ Quyết định số 167/2001/QĐ-TTg ngày 26/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp và chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam thời kỳ 2001-2010;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Cần Thơ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thực hiện một số biện pháp và chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Cần Thơ giai đoạn 2002-2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của ủy ban nhân dân tỉnh trái với nội dung Quyết định này đều không còn hiệu lực thi hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, Ngành tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh, các huyện, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ
- Các Bộ: NN&PTNT, Tư pháp, KH&ĐT, TC
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh
- Thành viên UBND tỉnh
- Các Sở, Ban, Ngành tỉnh, UBMTTQ tỉnh
- VP.Tỉnh ủy và các Ban của Đảng
- TAND và Viện KSND tỉnh
- Các doanh nghiệp liên quan
- Báo, đài
- Lưu VP (NCTH, LT)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Phong Quang

 

QUY ĐỊNH

V/V THỰC HIỆN MỘT SỐ BIỆN PHÁP VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BÒ SỮA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2002-2010
(ban hành theo Quyết định số: ....../2002/QĐ-UB ngày ... ... ... ... của UBND tỉnh Cần Thơ)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh là nhằm đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng thịt bò và sữa bò trong vùng, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và tạo thêm nhiều sản phẩm cho xã hội.

Điều 2. Quy định này áp dụng một số biện pháp và chính sách nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chăn nuôi bò tập trung với quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cần Thơ.

Điều 3. Đối tượng áp dụng Quy định này bao gồm cá nhân, hộ gia đình, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài (gọi chung là người chăn nuôi) đầu tư chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Cần Thơ.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Địa bàn khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa:

Phát triển chăn nuôi bò sữa gắn với các cơ sở chế biến sữa và ở những nơi có điều kiện về đất đai, lao động, khí hậu phù hợp, phát triển đồng cỏ, bảo đảm môi trường sinh thái và vệ sinh môi trường, cụ thể:

- Đối với các huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và các xã vùng ven TP Cần Thơ thì phát triển chăn nuôi bò sữa.

- Thị xã Vị Thanh và các huyện còn lại thì phát triển giống bò sữa lai F1.

Điều 5. Phát triển đàn bò cái nền lai Sind để tổ chức lai tạo theo 2 hướng: thịt và sữa tạo ra giống bò thịt lai và bò sữa lai cung cấp cho nhu cầu chăn nuôi bò trong tỉnh:

 - Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện các dự án cải tạo đàn bò vàng, lai tạo và phát triển bò sữa; hướng dẫn người chăn nuôi tuyển chọn và mua bò cái tốt đã được cải tạo ở ngoài tỉnh nhằm phát triển đàn bò cái nền lai Sind trong tỉnh.

 - Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá bố trí kế hoạch vốn ngân sách hàng năm để thực hiện các dự án cải tạo đàn bò vàng, lai tạo và phát triển bò sữa.

 - Người chăn nuôi có đăng ký với Phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện, thị, thành trong tỉnh nuôi bò cái nền lai Sind nhằm mục đích sản xuất giống, đủ thủ tục theo quy định được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng, vaccin tiêm phòng, tinh bò sữa…

Điều 6. Đối với diện tích đất nông nghiệp chuyển qua sản xuất thức ăn xanh phục vụ chăn nuôi bò theo kế hoạch hàng năm của tỉnh được ưu đãi theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và mức độ miễn, giảm thuế tùy thuộc vào dự án đầu tư thuộc loại danh mục A, B hay C.

Khuyến khích chuyển diện tích trồng cây hàng năm hoặc lâu năm hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò.

Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo các đơn vị trong ngành và phối hợp với các đơn vị ngoài ngành tuyển chọn và nhân nhanh các giống cỏ có năng suất cao để cung cấp giống cho dân trồng. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, trồng xen cỏ hoà thảo với họ đậu, trồng xen trong vườn đảm bảo năng suất và chất lượng cỏ cao, kỹ thuật chế biến và bảo quản dự trữ thức ăn thô.

Điều 7. Trong những năm đầu (2002-2005) Sở Nông nghiệp & PTNT xem xét thấy cần thiết thì chỉ đạo các đơn vị trong ngành liên quan lập kế hoạch nhập bò sữa từ nước ngoài thích hợp với điều kiện môi trường của vùng đồng bằng sông Cửu Long để làm bò nền phát triển bò sữa sau này.

Điều 8. Gắn với từng địa bàn phát triển chăn nuôi bò sữa, các cơ sở chế biến sữa phải tổ chức mạng lưới mua sữa phù hợp với địa bàn tiêu thụ và thuận tiện cho việc bán sữa của người chăn nuôi; đồng thời phải tiêu thụ sữa với giá có lợi với người chăn nuôi bò sữa.

Sở Công nghiệp phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã lập kế hoạch phát triển các trạm sơ chế làm lạnh sữa phù hợp vùng nguyên liệu để mua sữa, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Sở Thương mại hàng năm dự báo mức tiêu thụ sữa trong vùng để đảm bảo đàn bò sữa phát triển và nhà máy chế biến thu mua hết sữa cho người chăn nuôi.

Điều 9. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng nghiên cứu về giống, kỹ thuật chăn nuôi, thú y, thức ăn… đối với bò sữa và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi.

Thực hiện tốt việc tuyển chọn đàn bò cái sữa hiện có nhằm đánh giá chất lượng giống và tạo cơ sở dữ liệu cho công tác giống về sau.

Xây dựng hệ thống quản lý giống bò sữa từ tỉnh đến các hộ chăn nuôi ở địa phương nhằm quản lý tốt hơn công tác giống bò sữa.

Điều 10. Hàng năm Sở Nông nghiệp & PTNT lập kế hoạch và dự trù kinh phí gửi Sở Tài chính - Vật giá trình UBND tỉnh cấp, để:

- Tiêm phòng cho đàn bò sữa không thu tiền của dân theo Quyết định 167/2001/QĐ-TTg ngày 26/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tổ chức phối giống cho những bò cái nền tạo bò lai hướng sữa: cấp miễn phí tinh bò sữa, nitơ lỏng và chi phí vận chuyển tinh, nitơ. Đồng thời, hỗ trợ 200.000đ/con bê đực lai F1 hướng sữa trong 3 năm đầu kể từ ngày triển khai dự án.

 - Thực hiện chương trình cải tạo đàn bò vàng Việt Nam.

 - Hỗ trợ lãi suất tiền vay vốn để mua bò cái nền lai nhóm Zêbu theo Quyết định 167/2001/QĐ-TTg ngày 26/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ có dự toán kế hoạch cụ thể được thông qua chi ngân sách nhà nước (ngoại trừ đối tượng đã hưởng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Quỹ Hỗ trợ Phát triển.

Điều 11. Chính sách về tín dụng:

1- Đối với tín dụng thương mại: đảm bảo nhu cầu vay vốn cho người chăn nuôi đã tham gia vào dự án với lãi suất thỏa thuận, điều kiện và thủ tục thuận lợi. Người sản xuất được thế chấp bằng tài sản hình thành tiền vốn vay hoặc vay tín chấp theo dự án có hiệu quả và hướng dẫn cụ thể của tổ chức tín dụng.

Đối với hộ gia đình (không phân biệt thành thị, nông thôn) có đất sản xuất và mở rộng thêm các ngành nghề, dịch vụ nông lâm ngư nghiệp nếu vay vốn ở các tổ chức tín dụng thì áp dụng theo quy định hiện hành về điều kiện vay.

2- Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ Phát triển

- Cho vay vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước đối với các dự án xây dựng điểm thu mua sữa, chế biến sữa. Điều kiện vay vốn, mức vốn vay, lãi suất tiền vay, thời hạn vay, trả và bảo đảm tiền vay thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ và Quyết định số 02/2001/QĐ-TTg ngày 2 tháng 1 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc chính sách hỗ trợ đầu tư đối với các dự án sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và các dự án sản xuất nông nghiệp.

- Thực hiện hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư đối với các dự án chăn nuôi bò có qui mô trang trại trở lên (ngoại trừ đối tượng được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách).

3- Hỗ trợ lãi suất tiền vay vốn ở ngân hàng

 Hàng năm, Sở Nông nghiệp & PTNT tổng hợp và trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ lãi suất tiền vay vốn cho người chăn nuôi có hợp đồng sản xuất bò lai hướng sữa để mua bò cái nền lai Zêbu; mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 2 triệu đồng/con, thời gian hỗ trợ lãi suất là 3 năm kể từ ngày mua bò.

4- Ngân hàng phục vụ người nghèo, Quỹ xóa đói giảm nghèo của tỉnh tăng vốn để cho hộ nghèo, hộ chăn nuôi bò sữa vay vốn phát triển chăn nuôi bò sữa. Dành ưu tiên cho vay có bảo lãnh tín chấp của các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội đối với các dự án nuôi bò sữa có hiệu quả.

Điều 12. Chính sách về khuyến nông.

Hoạt động khuyến nông trong tỉnh nhằm vào huấn luyện, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò, bò sữa bằng các hình thức :

 - Tổ chức các lớp tập huấn ngắn ngày, đào tạo tay nghề, đào tạo kỹ thuật viên chuyên ngành bò thịt và bò sữa ở các trường, trung tâm huấn luyện về kỹ thuật chăn nuôi bò, kỹ thuật chế biến thức ăn từ phụ phế phẩm, kỹ thuật vắt sữa, kỹ thuật trồng cỏ...

 - Tổ chức hội thảo với nông dân tại địa bàn sản xuất, xây dựng các điểm trình diễn kỹ thuật, tổ chức cho nông dân đi tham quan các mô hình sản xuất điển hình tiên tiến ở trong và ngoài tỉnh.

 - Kết hợp với cơ quan báo, đài để thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về kỹ thuật chăn nuôi bò, thông tin về thị trường... để nông dân và các cơ sở sản xuất nắm bắt kịp thời và áp dụng có hiệu quả vào thực tế sản xuất.

Điều 13. Việc phát triển chăn nuôi bò sữa theo hình thức hộ gia đình, hộ kinh tế trang trại là chính. Khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư chăn nuôi bò sữa, dịch vụ vật tư, kỹ thuật, mua và chế biến sữa.

 - Các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu thực hiện nhiệm vụ dịch vụ kỹ thuật, giống, vật tư, thú y, tiêu thụ và chế biến sữa.

 - Khuyến khích hình thành các tổ chức tổ hợp tác hoặc hợp tác xã do hộ chăn nuôi tự nguyện tham gia để giúp nhau về dịch vụ giống, tiêu thụ sữa và bảo vệ quyền lợi cho họ.

 - Nghiên cứu thành lập Hội chăn nuôi bò sữa.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN

Điều 14. Sở Nông nghiệp và PTNT

Thực hiện nhiệm vụ đầu mối, phối hợp với các ngành có liên quan cùng UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi bò sữa phù hợp với từng vùng sinh thái, mạng lưới khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đào tạo kỹ thuật viên, thông tin thị trường đến các cơ sở sản xuất và hộ chăn nuôi bò.

 Chi cục thú y có trách nhiệm ký hợp đồng tiêm phòng cho đàn bò đối với tổ hợp tác, hộ kinh tế trang trại, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh khác; tiêm phòng và điều trị kịp thời, không để lây lan và bộc phát thành dịch.

Điều 15. Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư trong phạm vi tỉnh Cần Thơ. Có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đề nghị ưu đãi đầu tư; trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cấp ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) là:

 1- Doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương quản lý.

 2- Doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên, công ty hợp doanh, cơ sở kinh tế cá thể có điều kiện kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác.

 3- Doanh nghiệp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành lập theo pháp luật Việt Nam; của người nước ngoài thường trú ở Việt Nam đầu tư trực tiếp tại Việt Nam hoặc công dân Việt Nam cùng thành lập với người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc với người nước ngoài thường trú ở Việt Nam theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi).

4. Phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Phát triển thực hiện hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.

Điều 16. Sở Địa chính, Sở Xây dựng.

Có trách nhiệm thực hiện nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho các cơ sở sản xuất có nhu cầu hợp thức hóa nhà đất để giao dịch với ngân hàng.

Điều 17. Sở Tài chính- Vật giá.

Cân đối ngân sách hàng năm, dành một phần ngân sách để tài trợ lãi suất tiền vay vốn, hỗ trợ cho bê đực lai F1 hướng sữa, chi phí gieo tinh nhân tạo bò, vaccin tiêm phòng đối với các dự án, hợp đồng tại Điều 10 và Khoản 3 Điều 11 Quy định này.

Điều 18. Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường.

Thực hiện nghiên cứu ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến phát triển chăn nuôi bò sữa; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho các đơn vị chức năng và người chăn nuôi.

Điều 19. Cục Thuế tỉnh.

Có trách nhiệm hướng dẫn việc đăng ký nộp thuế và thực hiện chính sách miễn giảm thuế đúng theo Nghị định 51/1998/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về hướng dẫn Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi), các luật thuế và Quy định này.

Điều 20. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ Phát triển.

Có trách nhiệm kiểm tra, hỗ trợ các ngân hàng thương mại quốc doanh, các tổ chức tín dụng trong việc huy động vốn cho vay, tổ chức phối hợp các ngân hàng thương mại hợp vốn trong trường hợp cần thiết.

Điều 21. UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện có trách nhiệm.

1. Chỉ đạo cho các ngành có liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi bò, nhất là trong lĩnh vực sản xuất giống vật nuôi và bò sữa; chỉ đạo điều hành kế hoạch giải ngân kịp thời phục vụ yêu cầu phát triển chăn nuôi trên địa bàn.  

2. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các hộ kinh doanh cá thể theo Nghị định 02/2000/NĐ-CP ngày 03/2/2000 của Chính phủ và trong thời hạn 15 ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với hợp tác xã (trừ trường hợp các ngành nghề theo quy định tại Điều 13 Nghị định 16/CP ngày 21/2/1996 của Chính phủ).

3. Tiếp nhận và thụ lý hồ sơ đề nghị ưu đãi đầu tư của các nhà đầu tư, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc cấp ưu đãi đầu tư cho các hợp tác xã và các hộ kinh doanh cá thể.

Điều 22. UBND xã, phường, thị trấn.

 Có trách nhiệm tổ chức thành lập các tổ hợp tác sản xuất, khuyến khích phát triển hợp tác xã từ các tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả; bảo lãnh tín chấp đối với tổ hợp tác, hộ nghèo được vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, quỹ xóa đói giảm nghèo.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Các Sở, Ban, Ngành tỉnh có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn thực hiện các trình tự thủ tục về đầu tư phát triển chăn nuôi bò và các chính sách khuyến khích một cách thuận tiện, kịp thời, đúng pháp luật.

Điều 24. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì phối hợp với Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, Ngành tỉnh liên quan, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh, các huyện tổ chức triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

 Định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm, Sở Nông nghiệp & PTNT tiến hành sơ, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 94/2002/QĐ-UB về thực hiện một số biện pháp và chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Cần Thơ giai đoạn 2002-2010

  • Số hiệu: 94/2002/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/10/2002
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cần Thơ
  • Người ký: Nguyễn Phong Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/11/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản