Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9055/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 03 tháng 12 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN MỤC TIÊU “KHÔNG CÓ NGƯỜI LANG THANG XIN ĂN” ĐẾN NĂM 2015
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 78/2009/NQ-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2009 của Hội đồng nhân dân thành phố khoá VII, nhiệm kỳ 2004 - 2011, kỳ họp thứ 14 về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2009;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án thực hiện mục tiêu “Không có người lang thang xin ăn”đến năm 2015 với các nội dung chủ yếu như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội nhằm ngăn chặn không để xảy ra tình trạng người lang thang xin ăn và người tâm thần lang thang; phát hiện và xử lý kịp thời người từ các địa phương khác đến Đà Nẵng lang thang xin ăn; có giải pháp tích cực đưa đối tượng về hòa nhập cộng đồng và hạn chế tình trạng tái diễn lang thang xin ăn; phấn đấu giữ vững mục tiêu “Thành phố không có người lang thang xin ăn”.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Phát hiện kịp thời và tập trung 100% số người lang thang xin ăn, người tâm thần lang thang trên địa bàn thành phố vào các cơ sở bảo trợ xã hội để phân loại, nuôi dưỡng, giáo dục, chữa bệnh, dạy nghề và giải quyết đưa về hoà nhập cộng đồng;
b) 100% số người lang thang xin ăn có hộ khẩu tại Đà Nẵng sau khi đưa về hoà nhập cộng đồng được hỗ trợ tạo việc làm, ổn định cuộc sống;
c) Chuyển giao 100% số người từ các địa phương khác đến Đà Nẵng lang thang xin ăn về lại nơi cư trú (Đối với các trường hợp có nơi ở ổn định); đồng thời có biện pháp giảm đến mức thấp nhất số người tái diễn lang thang xin ăn;
d) Tập trung giải quyết triệt để các hình thức biến tướng của nạn lang thang xin ăn;
e) Phấn đấu hằng năm thành phố có 100% số xã, phường không có người lang thang xin ăn.
II. GIẢI PHÁP
1. Công tác chỉ đạo
Các cấp chính quyền cần quán triệt việc ngăn ngừa, giải quyết tình trạng lang thang xin ăn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài; huy động cả hệ thống chính trị và của mọi người dân thành phố tích cực tham gia; hằng năm, có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; đồng thời, xử lý nghiêm những địa phương, đơn vị để diễn ra tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục
a) Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng tuyên truyền trực quan trên các đường phố nhằm tạo dư luận đồng tình với các biện pháp ngăn ngừa, giải quyết người lang thang xin ăn của thành phố; lên án và xem hiện tượng lang thang xin ăn như một vấn đề xã hội ảnh hưởng xấu đến văn minh, văn hoá đô thị cần được giải quyết;
b) Tổ chức cho các gia đình, họ tộc, địa phương đăng ký không để xảy ra tình trạng người dân Đà Nẵng lang thang xin ăn; coi việc thực hiện “không có người lang thang xin ăn” là tiêu chuẩn xét chọn các danh hiệu “Gia đình văn hoá” và “Khu dân cư văn hoá”; là chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương;
c) Vận động các cơ sở kinh doanh ăn uống, giải trí, các địa điểm du lịch cam kết không để các đối tượng lợi dụng việc bán hàng rong để xin ăn trong khuôn viên, địa bàn đơn vị kinh doanh, quản lý;
d) Vận động các tổ chức tôn giáo phối hợp ngăn chặn các đối tượng lang thang xin ăn trước, trong khuôn viên của các cơ sở tôn giáo.
3. Lồng ghép giải quyết tốt các chính sách an sinh xã hội, nhằm giảm thiểu người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố
a) Triển khai lồng ghép nội dung Đề án này với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là chương trình mục tiêu giảm nghèo, chương trình có việc làm, có nhà ở, có nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, chương trình mục tiêu về dạy nghề... nhằm ngăn chặn phát sinh người lang thang xin ăn và tạo điều kiện cho người lang thang xin ăn hoà nhập cộng đồng;
b) Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách bảo trợ xã hội; khuyến khích các tổ chức nhân đạo, từ thiện hỗ trợ tại cộng đồng cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là trẻ em thuộc hộ nghèo, người tàn tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, giúp số đối tượng này tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như: học hành, chăm sóc y tế, thông tin...
4. Tăng cường công tác đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, trọng tâm là số đối tượng từ các địa phương khác đến tạm trú
a) Tăng cường công tác quản lý hành chính về an ninh trật tự, đặc biệt là việc kiểm tra, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú đối với những đối tượng từ nơi khác đến cư trú, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp phối hợp giải quyết không để nảy sinh người lang thang xin ăn;
b) Thống kê tình hình lao động nhập cư; quản lý đối tượng bán hàng rong, đánh giày, bán vé số; có biện pháp giáo dục, răn đe... nhằm ngăn chặn hiện tượng lang thang xin ăn.
5. Tăng cường lực lượng dân phòng, thanh niên xung kích, công an bảo vệ ở những nơi công cộng, đặc biệt vào ban đêm để kịp thời phát hiện và giải quyết triệt để số đối tượng lang thang xin ăn ngủ ở nơi công cộng, công viên… làm mất mỹ quan thành phố.
6. Phối hợp giải quyết có hiệu quả việc tập trung phân loại, đưa người lang thang xin ăn về lại địa phương, ổn định cuộc sống
a) Duy trì hoạt động của Tổ Thường trực xử lý người lang thang xin ăn thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin về người lang thang xin ăn. Tiếp tục thực hiện chế độ thưởng tiền cho những người dân tham gia phát hiện, giữ đối tượng và thông báo về số điện thoại đường dây nóng 0511.3550550 - 3550770;
b) Các ngành, các địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác tập trung người lang thang xin ăn; phân loại, tư vấn, động viên đưa họ về hoà nhập cộng đồng. Đối với số người lang thang xin ăn từ nơi khác đến thì bàn giao cho địa phương bạn giải quyết. Đối với số người là cư dân Đà Nẵng, giao cho quận, huyện, xã, phường phối hợp với các đoàn thể đưa về gia đình, tộc họ, khu dân cư giáo dục, giúp đỡ tái hoà nhập cộng đồng; thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo việc làm, ổn định cuộc sống;
c) Đối với số người không rõ địa chỉ, quê quán, giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố quản lý, giáo dục, dạy nghề và tổ chức lao động phù hợp;
d) Đối với số hộ gia đình nguyên trước đây ở Đà Nẵng đã đi nơi khác nay trở về lang thang trên địa bàn, giao cho UBND quận, huyện xem xét giải quyết nhập hộ khẩu, tạo điều kiện về nơi ở, giúp đỡ mọi mặt để sớm ổn định cuộc sống;
e) Đối với đối tượng lợi dụng hoặc giả dạng bán hàng rong, đánh giày, bán vé số hoặc bản thân, gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn... để xin ăn, cần kiên quyết tập trung giáo dục, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ vốn, hỗ trợ phương tiện… để chuyển đổi hướng làm ăn, sinh sống;
g) Đối với người tâm thần lang thang, cần tập trung chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần và điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần; sau khi ổn định tình trạng sức khỏe thì đưa về hoà nhập cộng đồng, giao cho địa phương quản lý với sự hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khoẻ cộng đồng do ngành y tế quản lý;
h) Thực hiện các chương trình phối hợp liên tịch giải quyết hiệu quả hiện tượng lang thang xin ăn của người dân các tỉnh lân cận;
i) Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm Bảo trợ xã hội để nâng cao năng lực tiếp nhận quản lý, giáo dục, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất phù hợp cho người lang thang xin ăn.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công trách nhiệm
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Là cơ quan thường trực của Đề án, giúp UBND thành phố chỉ đạo triển khai Đề án; chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện Đề án;
- Duy trì hoạt động của Tổ thường trực xử lý người lang thang xin ăn thuộc Sở; chỉ đạo hoạt động của Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần;
b) Sở Y tế: Triển khai có hiệu quả Dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia thanh toán một số bệnh xã hội; có Kế hoạch quản lý đối tượng tâm thần tại cộng đồng, hỗ trợ khám chữa bệnh cho người tâm thần và người lang thang xin ăn đang nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
c) Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng đề xuất kế hoạch tập trung, giáo dục số người giả dạng bán hàng rong để xin ăn; phối hợp với Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội, UBND các quận huyện tổ chức dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ vốn, hỗ trợ phương tiện… để chuyển đổi hướng làm ăn, sinh sống của các đối tượng nêu trên.
d) Công an thành phố
- Phối hợp với các ngành có liên quan đề xuất giải pháp xử lý tình trạng biến tướng của nạn lang thang xin ăn, đối tượng lợi dụng bán hàng rong, đánh giày, bán vé số... để xin ăn; tham gia với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tập trung, lập hồ sơ đưa đối tượng lang thang xin ăn và người tâm thần lang thang vào cơ sở bảo trợ xã hội;
- Tăng cường công tác quản lý hộ tịch, nhân khẩu, hộ khẩu đối với các đối tượng nhập cư; kiểm tra chặt chẽ các khu vực chợ, nhà trọ, bến xe và các khu vực công cộng khác, nơi đối tượng lang thang thường lưu trú;
- Chỉ đạo công an các địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, phát hiện và giải quyết kịp thời, không để người lang thang xin ăn xuất hiện trên địa bàn quản lý; đồng thời, phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác chuyển giao đối tượng về lại địa phương nơi cư trú.
e) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu bố trí kinh phí cho công tác phòng ngừa và giải quyết người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố; đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở bảo trợ xã hội để đủ điều kiện tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, giáo dục, chữa bệnh, dạy nghề và tổ chức lao động phù hợp cho người lang thang xin ăn, người tâm thần lang thang.
g) Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí, Phòng Văn hoá và Thông tin các quận, huyện tuyên truyền chủ trương của thành phố về Đề án này; vận động các tổ chức xã hội, nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện chủ trương của thành phố.
h) Các cơ quan báo chí thành phố: Chủ động xây dựng chương trình, chuyên mục để tuyên truyền Đề án bằng nhiều hình thức phù hợp.
i) Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các hội, đoàn thể: Triển khai vận động người dân, tạo dư luận đồng tình trong nhân dân về việc thực hiện Đề án; đưa nội dung của Đề án vào nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; vận động nhân dân không cho tiền, quà đối với người lang thang xin ăn; đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo từ thiện để giúp đỡ người già cô đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi và những gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… nhằm ngăn ngừa có hiệu quả nguy cơ dẫn đến tình trạng lang thang xin ăn.
k) UBND các quận, huyện
- Có kế hoạch cụ thể để thực hiện Đề án này trên địa bàn quản lý; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội);
- Chỉ đạo UBND các xã, phường triển khai và theo dõi thực hiện Đề án một cách chặt chẽ, có hiệu quả; có biện pháp cụ thể để xây dựng địa bàn lành mạnh, không có người lang thang xin ăn; đồng thời, xử lý nghiêm những xã, phường để nảy sinh người địa phương lang thang xin ăn.
l) Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm theo đúng quy định; tiến hành phân loại để có biện pháp quản lý và giải quyết phù hợp với từng đối tượng; tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng số đối tượng ở tại Trung tâm theo đúng chế độ quy định của Nhà nước; tăng cường việc giáo dục, dạy nghề, hướng dẫn lao động phù hợp cho số đối tượng còn sức khoẻ; liên hệ với các địa phương, các tỉnh bạn để chuyển giao số đối tượng về lại nơi cư trú.
2. Chế độ báo cáo
Căn cứ Đề án này, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và định kỳ 06 tháng (vào ngày 15 tháng 6), hàng năm (vào ngày 15 tháng 12) gửi báo cáo tình hình thực hiện Đề án về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố;
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí triển khai thực hiện Đề án, ngoài vận động tài trợ của các nhà hảo tâm, các tổ chức nhân đạo từ thiện và kinh phí lồng ghép từ các chương trình kinh tế - xã hội, hàng năm ngân sách thành phố bố trí nguồn kinh phí để thực hiện Đề án trên cơ sở dự toán do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trình UBND thành phố phê duyệt.
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, nếu có vướng mắc, phát sinh, cần kịp thời phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, điều chỉnh.
Điều 2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 104/2003/QĐ-UB về quản lý người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 90/2009/QĐ-UBND về tập trung nuôi dưỡng người lang thang xin ăn, người tâm thần lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 3Quyết định 88/2009/QĐ-UBND về thời gian nuôi dưỡng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4Quyết định 2606/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010
- 5Quyết định 1989/QĐ-UBND năm 2009 về quy định mức chi phục vụ cho các đối tượng ăn xin, lang thang cơ nhỡ và chi phục vụ cho công tác thu gom do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 6Quyết định 1473/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án “Thực hiện mục tiêu không có người có hành vi lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố Nha Trang giai đoạn 2021-2025” do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 7Kế hoạch 113/KH-UBND năm 2021 thực hiện mục tiêu Chương trình “Không có người lang thang xin ăn” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025
- 1Quyết định 104/2003/QĐ-UB về quản lý người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Quyết định 90/2009/QĐ-UBND về tập trung nuôi dưỡng người lang thang xin ăn, người tâm thần lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 4Quyết định 88/2009/QĐ-UBND về thời gian nuôi dưỡng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 5Nghị quyết 78/2009/NQ-HĐND về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2009 do Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VII, kỳ họp thứ 14 ban hành
- 6Quyết định 2606/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010
- 7Quyết định 1989/QĐ-UBND năm 2009 về quy định mức chi phục vụ cho các đối tượng ăn xin, lang thang cơ nhỡ và chi phục vụ cho công tác thu gom do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 8Quyết định 1473/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án “Thực hiện mục tiêu không có người có hành vi lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố Nha Trang giai đoạn 2021-2025” do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 9Kế hoạch 113/KH-UBND năm 2021 thực hiện mục tiêu Chương trình “Không có người lang thang xin ăn” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025
Quyết định 9055/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Đề án thực hiện mục tiêu không có người lang thang xin ăn đến năm 2015 do thành phố Đà Nẵng ban hành
- Số hiệu: 9055/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/12/2009
- Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
- Người ký: Trần Văn Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/12/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra