Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 873/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 27 tháng 4 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH SỬ DỤNG PHẦN MỀM MÃ NGUỒN MỞ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP NHÀ NƯỚC TỈNH BÌNH PHƯỚC

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Chỉ thị số 07/CT-BTTTT ngày 31/12/2008 của Bộ Thông tin và truyền thông về việc đẩy mạnh sử dụng phần mềm mã mở trong các cơ quan nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 41/2009/TT-BTTTT ngày 30/12/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành danh mục các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước;

Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 15/TTr-STTTT ngày 23/4/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp nhà nước tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Thạch

 

QUY ĐỊNH

SỬ DỤNG PHẦN MỀM MÃ NGUỒN MỞ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP NHÀ NƯỚC TỈNH BÌNH PHƯỚC
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 873/QĐ-UBND ngày 27/4/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Quy định này áp dụng việc sử dụng hệ điều hành và các ứng dụng phần mềm mã nguồn mở đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp nhà nước của tỉnh.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. “Phần mềm mã nguồn mở”: là phần mềm được tác giả cung cấp mã nguồn kèm theo và người sử dụng không phải trả chi phí bản quyền mua mã nguồn. “Phần mềm mã nguồn mở” có bản quyền tác giả, có giấy phép sử dụng đi kèm với phần mềm, trong đó cho phép người sử dụng được quyền tự do sử dụng, tự do sao chép, tự do phân phối và tự do nghiên cứu, sửa đổi mã nguồn và phân phối lại các phần mềm dẫn xuất đã qua sửa đổi mã nguồn.

2. “Phần mềm thương mại mã nguồn đóng”: là phần mềm được đăng ký thương hiệu, được bán trên thị trường theo bản quyền sử dụng, song tác giả không công bố mã nguồn và người sử dụng không được phép khai thác mã nguồn.

Điều 3. Mục đích sử dụng phần mềm mã nguồn mở

1. Hỗ trợ nâng cao hiểu biết về lập trình phần mềm, hỗ trợ đổi mới tư duy, tạo môi trường nghiên cứu, sáng tạo; rút ngắn thời gian nghiên cứu.

2. Là môi trường học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong xã hội, tạo môi trường làm việc theo nhóm, cộng đồng.

3. Tiết kiệm chi phí bản quyền, hạn chế và hướng tới việc xóa bỏ vi phạm bản quyền phần mềm.

4. Tạo sự thích nghi với các sản phẩm tương đương với các phần mềm thương mại mã nguồn đóng.

5. Đảm bảo an ninh cho hạ tầng hệ thống thông tin và dữ liệu.

6. Định hướng sử dụng các tiêu chuẩn mở.

Điều 4. Định dạng chuẩn tài liệu mở

Áp dụng Quyết định số 1761/QĐ-BKHCN ngày 27/8/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ về tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 7978:2009) về định dạng tài liệu mở ODF (Open Document Format) cho các ứng dụng văn phòng.

Chương II

DANH MỤC PHẦN MỀM MÃ NGUỒN MỞ

Điều 5. Danh mục các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở

Ban hành Danh mục các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước kèm theo Thông tư số 41/2009/TT-BTTTT ngày 30/12/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

STT

Loại

Sản phẩm

1

Phần mềm văn phòng

– OpenOffice phiên bản 2.4 trở về sau

2

Phần mềm thư điện tử máy trạm

– Mozilla Thunderbird

3

Phần mềm trình duyệt Web

– Mozilla Firefox

4

Phần mềm bộ gõ tiếng Việt

– Unikey

5

Phần mềm Hệ điều hành

– Hệ điều hành máy trạm Ubuntu phiên bản 8.10 trở về sau

6

Hệ quản trị cơ sở dữ liệu

a) Hệ quản trị cơ sở dữ liệu PostgreSQL phiên bản 8.3 trở về sau

b) Hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL phiên bản 5.1 trở về sau

7

Phần mềm thư điện tử máy chủ (Messaging Server)

a) Phần mềm thư điện tử máy chủ SendMail phiên bản 8.13 trở về sau

b) Phần mềm thư điện tử máy chủ Postfix phiên bản 2.5 trở về sau

8

Hệ quản trị nội dung (Content Management System)

a) Hệ thống quản trị nội dung Alfresco phiên bản 3.0 trở về sau

b) Hệ thống quản trị nội dung Drupal phiên bản 6.10 trở về sau

c) Hệ thống quản trị nội dung Joomla phiên bản 1.5.9 trở về sau

9

Hệ thống cổng thông tin điện tử (ePortal)

– Liferay phiên bản 4.0 trở về sau

Điều 6. Danh mục phần mềm mã nguồn được khuyến khích sử dụng

1. Hệ điều hành GNU/Linux cho các máy chủ như Ubuntu, CentOS, Fedora Core, Debian.

2. Hệ điều hành của Linux dành cho máy bàn (PC) và máy tính xách tay (Laptop, Netbook...): Ubuntu, Fedora, Hacao (tiếng Việt, máy cấu hình thấp), PurpyDingo (Máy cấu hình thấp).

3. Phần mềm văn phòng: LibreOffice (tương tự OpenOffice)

4. Bộ gõ tiếng Việt trong môi trường GNU/Linux: xvnkb, Scim.

5. Quản lý học tập điện tử e-Learning: Moodle, Dokeos.

6. Quản lý thư viện số: Greenstone của UNESCO, D-space.

7. Phần mềm thư viện: Emilda, phpmylibrary, Koha, OpenBiblio.

8. Quản lý mạng lớp học: Phần mềm Mythware, i-Talc của Intel.

9. Cổng thông tin điện tử: Liferay, Uportal, DotnetNuke, ExoPlatform.

10. Diễn đàn: phpBB, Jforum, mvnForum, SMF.

11. Quản lý nội dung CMS: Alfresco, PHP-Nuke, Nuke-Viet, Joomla, Drupal.

12. Vẽ bản đồ tư duy: FreeMind.

13. Xử lý âm thanh: Audacity.

14. Xử lý ảnh: PhotoScape, GIMP (thay thế Photoshop), Inkscape.

15. Tạo tệp văn bản PDF: PDFCreator.

16. Tạo tài liệu mở Wiki, cho phép người sử dụng có thể soạn thảo trực tiếp.

17. Database server: MySQL, PostgreSQL, Ingres, OpenDB.

18. Blog: WordPress, B2evolution.

19. e-Portfolio: Mahara.

20. Thư điện tử: Postfix, Zimbra, Sendmail.

21. Công cụ web: NVU, Bluefish (thay thế Frontpage, Dreamwear).

22. Nhắn tin, chat: Pidgin sử dụng cho nhiều mạng khác nhau Google, Yahoo, AIM, ICQ.

23. Phần mềm ngành xuất bản: Scribus (thay thế QuarkXpress, Indesgin).

Chương III

ÁP DỤNG PHẦN MỀM MÃ NGUỒN MỞ

Điều 7. Quy định áp dụng

1. Việc đăng tải tài liệu (file) trên cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BTTTT ngày 01/7/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông, cụ thể như sau:

a) Tất cả các tài liệu văn bản, bảng tính, trình diễn dạng cho phép đọc và chỉnh sửa phải có định dạng theo Tiêu chuẩn định dạng tài liệu mở các ứng dụng văn phòng ODF, cụ thể: định dạng .odt đối với tài liệu dạng văn bản; định dạng .ods đối với tài liệu dạng bảng tính; định dạng .odp đối với tài liệu dạng trình diễn.

b) Các tài liệu dạng chỉ đọc, áp dụng Tiêu chuẩn định dạng Portable Document Format (.pdf) v1.4, v1.5, v1.6.

2. Các cơ quan, tổ chức nhà nước khi sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để đầu tư, mua sắm các loại phần mềm có trong Danh mục phần mềm mã nguồn mở này, phải ưu tiên đầu tư, mua sắm, sử dụng sản phẩm phần mềm tương ứng trong Danh mục; khuyến khích các cơ quan, tổ chức nhà nước đầu tư, mua sắm, sử dụng các phần mềm được nâng cấp, bổ sung chỉnh sửa, hoàn thiện lại, Việt hóa từ các sản phẩm phần mềm trong Danh mục tại Điều 5 của Quy định này.

Điều 8. Kho phần mềm mã nguồn mở

1. Kho phần mềm mã nguồn mở được xây dựng nhằm tập trung, lưu trữ, phổ biến, chia sẻ mã nguồn nhằm tránh trùng lặp, tiết kiệm.

2. Cập nhật phần mềm mã nguồn mở: Cán bộ công chức, viên chức các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp nhà nước cập nhật các phần mềm mã nguồn mở vào ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc; thay thế từng phần tiến tới thay thế hoàn toàn các chương trình cứng đã được xây dựng dựa trên việc sử dụng phần mềm thương mại mã nguồn đóng. Tham khảo qua các kho phần mềm mã nguồn mở tại Việt Nam:

http://opensource.moet.gov.vn; http://manguonmo.moet.gov.vn;

www.edu.net.vn/media; http://mirror-fpt-telecom.fpt.net/;

http://www.ubuntu-vn.org/

Điều 9. Thời gian triển khai:

Chậm nhất, đến 31/12/2012 các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và các tổ chức, đơn vị sự nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh phải hoàn tất việc chuyển đổi, sử dụng ứng dụng mã nguồn mở; danh mục các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở thực hiện theo Thông tư số 41/2009/TT-BTTTT ngày 30/12/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Sở Thông tin và Truyền thông

1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT cho ứng dụng và phát triển mã nguồn mở trong các cơ quan nhà nước; các chương trình đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc về phần mềm mã nguồn mở, cho từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách.

2. Chủ trì phối hợp với các đơn vị có năng lực và kinh nghiệm trong việc đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt trong lĩnh vực nguồn mở để thực hiện nội dung của Quy định này.

3. Giám sát, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá chất lượng việc cài đặt, hướng dẫn sử dụng việc chuyển đổi và tình hình sử dụng các ứng dụng mã nguồn mở tại các cơ quan đơn vị. Thường xuyên báo cáo định kỳ, đột xuất về UBND tỉnh đồng thời đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

4. Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành chuyển đổi và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng mã nguồn mở trên địa bàn tỉnh.

Điều 11. Sở Nội vụ

1. Chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh đảm bảo bổ sung nguồn nhân lực có đủ trình độ chuyên môn về tin học, am hiểu về các ứng dụng mã nguồn mở.

2. Bổ sung việc thực hiện ứng dụng phần mềm mã nguồn mở vào nội dung bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm của cá nhân, cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Điều 12. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư:

1. Cân đối ngân sách, hàng năm bố trí kinh phí ứng dụng CNTT phần mềm mã nguồn mở phù hợp với tình hình ngân sách của tỉnh.

2. Hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí về ứng dụng phần mềm mã nguồn mở.

Điều 13. Các cơ quan khác có liên quan

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

2. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện, triển khai cài đặt, tập huấn sử dụng phần mềm mã nguồn mở.

3. Hàng quý báo cáo tình hình sử dụng và ứng dụng các phần mềm mã nguồn mở về cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin tỉnh (Sở Thông tin và Truyền thông) tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ bất kỳ điều, khoản nào của Quy định này, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh theo đúng quy định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 873/QĐ-UBND năm 2012 về quy định sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp nhà nước tỉnh Bình Phước

  • Số hiệu: 873/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/04/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Bùi Văn Thạch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản