Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2005/CT-TTg | Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TẠO CHUYỂN BIẾN MỚI TRONG CÔNG TÁC THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Qua hơn 17 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng phát triển và đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác quản lý đầu tư nước ngoài đã từng bước đi vào nền nếp. Luật Đầu tư nước ngoài của Việt
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số yếu kém và hạn chế chậm được khắc phục, nhất là trong các khâu quy hoạch, xây dựng pháp luật chính sách, quản lý nhà nước, xúc tiến đầu tư . Trong khi đó, việc thực hiện Nghị quyết số 09/2001/NQ-CP và Chỉ thị số 19/2001/CT-TTg chưa thực sự triệt để và chưa đem lại hiệu quả cao.
Để phát huy các kết quả đã đạt được và khắc phục những yếu kém và hạn chế nêu trên, nhằm tạo ra những bước chuyển biến mới về thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần 9 (khoá IX) và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 09/2001/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) quán triệt và khẩn trương thực hiện các công việc sau:
I. MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN
1. Về quan điểm chỉ đạo
a) Trong kế hoạch năm 2005 và các năm 2006 - 2010, cần quán triệt ở mọi cấp chính quyền quan điểm của Đảng về tăng cường thu hút và nâng cao hiệu qủa sử dụng vốn đầu tư nước ngoài theo nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Trung ương 9 (khoá IX) của Đảng. Trên cơ sở đó đạt được sự thống nhất cả về nhận thức và hành động giữa các Bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương trong việc thu hút, quản lý và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài.
b) Từng bước giảm thiểu để tiến tới xoá bỏ việc bảo hộ có thời hạn, có điều kiện đối với những ngành cần phát triển và có khả năng cạnh tranh; từng bước mở cửa thị trường phù hợp với lộ trình cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Không ban hành các văn bản hạn chế hoặc dừng cấp phép đầu tư không phù hợp với Luật Đầu tư nước ngoài cũng
c) Đa dạng hoá các hình thức thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án hoạt động hiệu quả; khuyến khích mở rộng quy mô đầu tư, đổi mới công nghệ, đa dạng hoá mục tiêu đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài và quy hoạch phát triển ngành và sản phẩm.
d) Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường và đối tác đầu tư nhằm thu hút hút có hiệu quả đầu tư nước ngoài, nhất là của các tập đoàn xuyên quốc gia; hướng mạnh hơn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn.
đ) Xây dựng kế hoạch chủ động thực hiện các cam kết quốc tế. Trước mắt tập trung thực hiện trong năm 2005 các cam kết trong AFTA, trong Hiệp định song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản cũng như trong các thoả thuận với EU. Đồng thời khẩn trương chuẩn bị thực hiện các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
2. Về công tác quy hoạch
a) Xây dựng sớm Chiến lược thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2010 và các năm tiếp theo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho từng năm, từng giai đoạn.
ưb) Rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành kết hợp với xây dựng quy hoạch theo vùng lãnh thổ theo hướng xoá bỏ các hạn chế và phân biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho khu vực đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào phát triển các ngành, vùng lãnh thổ. Đẩy nhanh công tác xây dựng các quy hoạch ngành còn thiếu
c) Trong quá trình hoàn chỉnh quy hoạch, chú trọng khuyến khích các thành phần kinh tế, bao gồm cả đầu tư nước ngoài, tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là đối với các công trình giao thông, cảng biển, cung cấp điện, nước, bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí, khu đô thị Các quy hoạch ngành, sản phẩm cần quán triệt nguyên tắc chủ đạo là quy hoạch chỉ mang tính định hướng và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
3. Về công tác xây dựng pháp luật, chính sách
a) Trong năm 2005 và các năm tiếp theo cần tập trung xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp áp dụng chung cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Khi Luật đầu tư chung được Quốc hội thông qua, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cần chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các nội dung không còn phù hợp. Việc ban hành các chính sách về đầu tư nước ngoài phải bảo đảm tính thống nhất, minh bạch và dự đoán trước được; các chính sách ban hành sau phải bảo đảm nguyên tắc kế thừa, không hồi tố và phải hấp dẫn hơn trước.
b) Tiếp tục nghiên cứu mở rộng các lĩnh vực đầu tư và đa dạng hoá các hình thức đầu tư nước ngoài phù hợp với lộ trình đổi mới doanh nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế như hình thức công ty mẹ - con, hình thức mua lại - sáp nhập đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trước mắt, lựa chọn thêm một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tiến hành chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần theo quy định của Nghị định số 38/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ. Mặt khác, cần đánh giá việc thực hiện thí điểm cổ phần hoá doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trên cơ sở đó đề xuất cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài được niêm yết trên thị trường chứng khoán, chuẩn bị phương án mở rộng việc áp dụng hình thức công ty cổ phần cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
b) Tiếp tục hoàn chỉnh các quy định về thuế theo hướng không làm ảnh hưởng đến chế độ ưu đãi đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư.
c) Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực cước phí vận tại, cước phí quảng cáo.
4. Về quản lý Nhà nước
a) Tiếp tục cải tiến mạnh mẽ thủ tục đầu tư, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài theo hướng mở rộng phân cấp việc cấp Giấy phép đầu tư và quản lý đầu tư nước ngoài; áp dụng chế độ đăng ký cấp phép đầu tư phù hợp với lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác quản lý nhà nước và giám sát đối với hoạt động đầu tư nước ngoài; công khai hoá các quy trình, thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hoá thủ tục, tăng cường giám sát; rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép đầu tư.
b) Thường xuyên rà soát, đánh giá và giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh của các dự án đầu tư nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án có hiệu quả; xem xét rút Giấy phép đầu tư đối với các dự án không còn năng lực và điều kiện triển khai theo đúng thủ tục và quy trình pháp lý. Thực hiện chế độ giao ban định kỳ về đầu tư nước ngoài giữa các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
c) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nghiêm chỉnh quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chấm dứt tình trạng ban hành văn bản trái thẩm quyền hoặc đưa ra các ưu đãi trái với pháp luật hiện hành.
5. Về công tác vận động, xúc tiến đầu tư
a) Đổi mới mạnh mẽ về nội dung và phương thức vận động, xúc tiến đầu tư; chú trọng xúc tiến đầu tư theo lĩnh vực, địa bàn và đối tác cụ thể, chú trọng thu hút đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
b) Bố trí kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư như một khoản chi riêng nằm trong kinh phí chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành và địa phương như đã được xác định tại Nghị quyết số 09/2001/NQ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Xây dựng Quỹ xúc tiến đầu tư trên cơ sở ngân sách nhà nước cấp (trích từ nguồn thu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) kết hợp với huy động vốn đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp.
d) Tăng cường công tác nghiên cứu tình hình kinh tế, thị trường đầu tư, chính sách của các nước, các tập đoàn và công ty lớn để có chính sách thu hút đầu tư phù hợp; nghiên cứu luật pháp, chính sách, biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài của các nước trong khu vực để kịp thời có đối sách thích hợp. Tăng cường bộ phận xúc tiến đầu tư tại các các cơ quan đại diện nước ta ở một số nước và địa bàn trọng điểm để chủ động vận động, xúc tiến đầu tư đối với từng dự án, từng tập đoàn, nhà đầu tư có tiềm năng, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia.
đ) Tăng cường các hoạt động thông tin đối ngoại, tuyên truyền, phát hành các ấn phẩm giới thiệu hình ảnh đất nước, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư nước ngoài của Việt Nam để phục vụ cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
II. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN
Để triển khai thực hiện các giải pháp nêu trên, Thủ tướng Chính phủ phân công trách nhiệm cụ thể cho các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh như sau:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu phương án mở rộng lĩnh vực thu hút đầu tư và đa dạng hoá hình thức đầu tư nước ngoài. Trước mắt, trong quý II năm 2005, trình Thủ tướng Chính phủ phương án kéo dài thời hạn nộp hồ sơ xem xét chuyển đổi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang hình thức công ty cổ phần theo quy định của Nghị định số 38/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ và các nguyên tắc cơ bản về việc áp dụng thí điểm mô hình công ty mẹ - con có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
b) Xây dựng và trình Chính phủ trong quý II năm 2005 Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về quản lý nhà nước các hoạt động đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao hiệu lực quản lý và hướng dẫn đối với các cơ quan cấp phép đầu tư để bảo đảm các yêu cầu sau:
- Xử lý hồ sơ dự án và tổ chức thẩm định nhanh chóng, bảo đảm thời hạn xử lý các thủ tục; thực hiện việc cấp phép đầu tư và áp dụng các quy định về ưu đãi đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
- Công bố công khai các tiêu chuẩn thẩm định và các thông tin có liên quan đến quá trình thẩm định.
- Xây dựng những quy định chế tài đối với các dự án không thực hiện đúng thời hạn.
- Tăng cường chế độ báo cáo, thống kê về đầu tư nước ngoài.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời và có chế tài nghiêm khắc xử lý những vi phạm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong hoạt động đầu tư nước ngoài.
c) Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005 định hướng chiến lược thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2010 - Tầm nhìn 2020.
d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005 Danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2006 - 2010;
đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, trình Chính phủ trong quý III năm 2005 phương án điều chỉnh Danh mục các lĩnh vực không cấp phép đầu tư và đầu tư có điều kiện theo hướng minh bạch, cụ thể hoá phù hợp với các cam kết quốc tế.
e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005 Đề án thành lập Quỹ xúc tiến đầu tư để vận động thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
f) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005 Đề án tăng cường cán bộ đại diện làm công tác xúc tiến đầu tư tại các khu vực trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, một số nước EU và Châu á - Thái Bình Dương.
g) Chủ trì thành lập Tổ công tác liên Bộ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005 các chính sách đồng bộ khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, trong đó bao gồm cả đầu tư nước ngoài, tham gia đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, xây nhà để bán hoặc xây nhà cho công nhân làm việc tại các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất.
h) Chủ trì tổ chức giao ban định kỳ hàng quý về đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, bắt đầu từ quý II năm 2005, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án đã được cấp phép, tạo điều kiện để các dự án này hoạt động có hiệu quả.
i) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005 chế độ ưu đãi cho doanh nghiệp kỹ thuật cao đầu tư ngoài Khu Công nghệ cao.
k) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005 phương án gia nhập Công ước
2. Bộ Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ban hành trong quý II năm 2005 văn bản pháp quy hướng dẫn doanh nghiệp cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài được niêm yết trên thị trường chứng khoán; quy chế quản lý và chính sách khuyến khích hoạt động của các quỹ đầu tư tại Việt Nam.
b) Từ năm 2006, bố trí kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư trong ngân sách chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương.
c) Tiếp tục ban hành trong năm 2005 các tiêu chuẩn kế toán và kiểm toán theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn kiểm toán và kế toán quốc tế.
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan ban hành văn bản hướng dẫn xử lý những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định mới về thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng tạo sự công bằng, minh bạch giữa các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư. Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005 Danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư theo Điều 37 của Nghị định 164/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005 cơ chế điều tiết đối với hoạt động kinh doanh nhà để bán của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo và theo dõi tình hình rà soát, sửa đổi các quy định về ưu đãi đầu tư của các địa phương về lĩnh vực thuế, ngân sách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005.
f) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2005 phương án phê chuẩn Công ước
3. Bộ Khoa học và Công nghệ
a) Trong năm 2005, xây dựng hệ thống cung cấp thông tin về sở hữu trí tuệ trên Internet.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2005 phương án tham gia Nghị định thư
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý vấn đề nội địa hoá phù hợp với các cam kết quốc tế.
d) Đẩy nhanh quá trình soạn thảo và trình Quốc hội thông qua Luật về sở hữu trí tuệ.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường
a) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005 về thực trạng chất thải công nghiệp; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể về việc tái sinh và xử lý chất thải phù hợp.
b) Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005 Đề án tăng cường năng lực cho các công ty môi trường đô thị làm nhiệm vụ xử lý chất thải công nghiệp.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi các quy định ưu đãi đầu tư về lĩnh vực đất đai tại các địa phương cho phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005.
5. Bộ Công nghiệp
a) Trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005 các đề án quy hoạch sau:
- Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp xe máy đến năm 2010.
- Qui hoạch các khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ.
b) Chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Việt
c) Làm đầu mối tiếp tục thảo luận với phía Nhật Bản về các nội dung liên quan về vấn đề ô tô, xe máy trong Kế hoạch hành động của Sáng kiến chung Việt
6. Bộ Bưu chính, Viễn thông:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công nghiệp xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005 Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp điện tử đến năm 2010, trong đó có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trong quý III năm 2005 việc rà soát để loại bỏ các hạn chế đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông (điều kiện đầu tư, hình thức đầu tư, việc chuyển đổi từ hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh sang liên doanh...) phù hợp với các cam kết quốc tế song phương và đa phương.
7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Trình Chính phủ trong quý II năm 2005 phương án sửa đổi Nghị định số 105/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2003 theo hướng nới lỏng các hạn chế về số lượng lao động nước ngoài được phép tuyển dụng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
b) Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005 Đề án đào tạo nghề cho người lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
c) Nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005 phương án xem xét, loại bỏ quy định về hợp đồng lao động không thời hạn; xem xét về sự cần thiết và tính hợp lý của việc áp dụng mức lương ngoài giờ trong thời gian nghỉ có lương.
8. Bộ Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngay Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 06/2000/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
b) Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005 quy hoạch mạng lưới các trường đại học để làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế.
9. Bộ Y tế
Hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2005 quy hoạch ngành y tế làm cơ sở để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, sản xuất và cung ứng thuốc chữa bệnh, vaccine, sinh phẩm học, trang thiết bị y tế... phù hợp với lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế.
10. Bộ Văn hoá - Thông tin
Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và ban hành trong quý III năm 2005 danh mục các lĩnh vực không cấp phép đầu tư và đầu tư có điều kiện trong lĩnh vực văn hoá, thông tin theo hướng minh bạch, cụ thể và phù hợp với lộ trình thực hiện cam kết quốc tế.
11. Bộ Thương mại
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trong quý II năm 2005 đề án thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ (kể cả dịch vụ nhập khẩu, dịch vụ phân phối) phù hợp với lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế; trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy trong trường hợp cần thiết.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành trong quý II năm 2005 văn bản hướng dẫn việc tính giá trị khấu hao luỹ kế trong tính toán nhập khẩu tài sản cố định.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công nghiệp, Bộ Giao thông vận tải rà soát, sửa đổi những quy định bất hợp lý liên quan chi phí giao dịch trong hoạt động lưu chuyển hàng hóa, thủ tục hải quan, tiêu chuẩn chất lượng và thương mại điện tử, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong quý IV năm 2005.
12. Bộ Tư pháp:
a) Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2005 Đề án tăng cường năng lực trong công tác kiểm tra việc ban hành các văn bản pháp luật.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và ban hành trong quý II năm 2005 văn bản hướng dẫn các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng hỗ trợ việc thực hiện pháp luật cho doanh nghiệp.
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh mở rộng mạng cơ sở dữ liệu quốc gia về các quy định pháp luật đến tất cả các địa phương.
13. Ngân hàng Nhà nước Việt
Chủ trì thành lập Nhóm công tác gồm đại diện của các Bộ, ngành liên quan để nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ đề án phát triển hệ thống lưu thông séc/hối phiếu và hệ thống thanh toán thay thế thanh toán bằng tiền mặt.
14. Các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
a) Trong quý II năm 2005, trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ được giao, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố thuộc trung ương thực hiện các công việc sau đây:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh ngay các quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm, vùng lãnh thổ theo hướng xóa bỏ các hạn chế và phân biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, xóa bỏ độc quyền, chỉ duy trì bảo hộ trong nước có điều kiện và theo lộ trình phù hợp với các cam kết quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ, thép, điện lực, xi măng, cơ sở hạ tầng...; xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ các quy hoạch còn thiếu trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề.
- Rà soát các khâu, thủ tục cấp phép và triển khai dự án đầu tư nước ngoài để loại bỏ các khâu, thủ tục không cần thiết; kiểm tra, rà soát các quy định về ưu đãi đầu tư có nội dung trái pháp luật để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Rà soát và xây dựng kế hoạch cụ thể về việc thực hiện các cam kết quốc tế đa phương và song phương liên quan đến đầu tư nước ngoài.
- Rà soát và có kế hoạch cụ thể triển khai các thỏa thuận trong Kế hoạch hành động thực hiện Sáng kiến chung Việt
- Xây dựng phương án hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
b) Đẩy mạnh hơn nữa công tác chống tham nhũng, gây phiền hà có liên quan tới đầu tư nước ngoài trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ được giao.
15. Tổ chức thực hiện
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Chỉ thị này.
b) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ Chỉ thị này. Trường hợp phát sinh những vấn đề vượt thẩm quyền cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo để thực hiện.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1Thông tư 78/1999/TT/BTC hướng dẫn chế độ thu phí, lệ phí theo Quyết định 53/1999/QĐ-TTg về một số biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài do Bộ Tài chính ban hành
- 2Thông tư 81/1999/TT-BTC hướng dẫn một số biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài về tiền thuê đất theo Quyết định 53/1999/QĐ-TTg do Bộ Tài chính ban hành
- 3Nghị định 06/2000/NĐ-CP về việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học
- 4Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2000
- 5Thông tư 01/1999/TT-TCDL hướng dẫn Quyết định 53/1999/QĐ-TTg về một số biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài do Tổng cục Du lịch ban hành
- 6Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp 2003
- 1Thông tư 78/1999/TT/BTC hướng dẫn chế độ thu phí, lệ phí theo Quyết định 53/1999/QĐ-TTg về một số biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài do Bộ Tài chính ban hành
- 2Thông tư 81/1999/TT-BTC hướng dẫn một số biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài về tiền thuê đất theo Quyết định 53/1999/QĐ-TTg do Bộ Tài chính ban hành
- 3Nghị định 06/2000/NĐ-CP về việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học
- 4Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2000
- 5Thông tư 01/1999/TT-TCDL hướng dẫn Quyết định 53/1999/QĐ-TTg về một số biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài do Tổng cục Du lịch ban hành
- 6Nghị quyết số 09/2001/NQ-CP về việc tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài thời kỳ 2001-2005 do Chính Phủ ban hành
- 7Chỉ thị 19/2001/CT-TTg thực hiện Nghị quyết số 09/2001/NQ-CP về tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài thời kỳ 2001-2005 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 8Nghị định 38/2003/NĐ-CP về việc chuyển đổi một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang hoạt động theo hình thức Công ty cổ phần
- 9Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp 2003
- 10Nghị định 164/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
Chỉ thị 13/2005/CT-TTg về giải pháp nhằm tạo chuyển biến mới trong công tác thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 13/2005/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 08/04/2005
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 13
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra