Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 746/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 24 tháng 05 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM KIỂM SOÁT TẢI TRỌNG XE LƯU ĐỘNG TỈNH HÀ NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;

Căn cứ Quyết định số 1885/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông;

Căn cứ Thông tư số 10/2012/TT-BGTVT ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức hoạt động của Trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động; Thông tư số 17/2014/TT-BGTVT ngày 27 tháng 5 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn các chức danh làm việc tại Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 2919/QĐ-BGTVT ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải, quy định quản lý hoạt động của Trạm KTTTX lưu động;

Căn cứ Quy chế 5425/QC-LN ngày 24 tháng 9 năm 2015 của Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 1316/QĐ-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc thành lập Trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động tỉnh Hà Nam;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động tỉnh Hà Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Trạm trưởng Trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động tỉnh Hà Nam, các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 2;
- VPUB: LĐVP, NC, GTXD;
- Lưu: VT, NC(T).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đông

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM KIỂM SOÁT TẢI TRỌNG XE LƯU ĐỘNG TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 746/QĐ-UBND ngày 24/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định hoạt động của Trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động (Trạm KSTTX lưu động) trên đường bộ tỉnh Hà Nam.

2. Các quy định trong Quy chế này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của Trạm KSTTX lưu động trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động

1. Trạm KSTTX lưu động thực hiện việc lưu động kiểm tra tải trọng xe tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô thuộc địa giới hành chính tỉnh Hà Nam.

2. Trạm KSTTX lưu động hoạt động theo kế hoạch kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ được cấp có thẩm quyền đã duyệt.

3. Trạm KSTTX lưu động hoạt động đảm bảo thống nhất trong công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng trong quá trình phối hợp; đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng quy trình, chế độ công tác và phòng ngừa sai phạm, tiêu cực.

4. Tài sản, phương tiện và trang thiết bị phục vụ hoạt động của Trạm KSTTX lưu động được quản lý và sử dụng phục vụ công tác theo đúng các quy định về quản lý tài sản công, các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam về chế độ đăng ký, đăng kiểm, thống kê, kiểm kê, vận hành bảo trì và báo cáo hoạt động thường xuyên của Trạm KSTTX lưu động.

5. Việc sử dụng bộ cân tải trọng xe lưu động phải đúng mục đích, đạt hiệu quả trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm góp phần thiết thực vào công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Các chức danh, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng trực tiếp vận hành Trạm KSTTXLĐ

1. Các chức danh của Trạm Kiểm soát tải trọng xe lưu động gồm: Trạm trưởng, phó Trạm trưởng, các nhân viên kỹ thuật và nhân viên khác. Lực lượng trực tiếp vận hành Trạm KSTTX: Mỗi ca bố trí tối thiểu 03 người (01 ca trưởng, 02 nhân viên vận hành).

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trạm trưởng, phó Trạm trưởng, ca trưởng, nhân viên kỹ thuật.

a) Trạm trưởng

- Chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Trạm KSTTXLĐ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

- Phân công nhiệm vụ cho phó Trạm trưởng, ca trưởng và nhân viên kỹ thuật, nhân viên khác của Trạm.

- Chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Giao thông vận tải về việc tổ chức, vận hành, hoạt động của Trạm.

- Phân công nhiệm vụ cho các lực lượng phối hợp tại Trạm theo kế hoạch KSTTX được cấp có thẩm quyền ban hành.

b) Phó Trạm trưởng

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công của Trạm trưởng và nhiệm vụ, quyền hạn khác theo chỉ đạo, yêu cầu của cấp trên giao;

- Chịu trách nhiệm trước Trạm trưởng và pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

c) Ca trưởng và các nhân viên của Trạm

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Trạm trưởng, phó Trạm trưởng, chịu trách nhiệm trước Trạm trưởng và pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng trực tiếp vận hành Trạm

- Quản lý, vận hành các trang thiết bị kỹ thuật của Trạm KSTTX lưu động.

- Phối hợp, hướng dẫn lái xe đưa xe vào vị trí kiểm tra, thực hiện việc cân, đo kiểm tra xe tại Trạm KSTTX lưu động.

- Chuyển kết quả kiểm tra cho Thanh tra giao thông để xử lý theo quy định, chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả kiểm tra.

- Phối hợp với Thanh tra giao thông, lực lượng chức năng trong việc hạ tải và các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định hiện hành.

- Duy trì thông tin, cập nhật số liệu, đánh giá tình hình và báo cáo theo quy định.

4. Tổ chức hoạt động của Trạm KSTTX lưu động

- Trạm hoạt động 24/24 giờ, 07 ngày/tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ.

- Vị trí đặt Trạm KSTTX lưu động được khảo sát, lựa chọn trên cơ sở thống nhất, chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Sở Giao thông vận tải. Vị trí đặt Trạm KSTTX lưu động phải đảm bảo an toàn, không gây ùn tắc giao thông.

- Hàng năm, căn cứ tình hình, diễn biến hoạt động của phương tiện chở hàng quá tải trọng trên địa bàn. Sở Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch KSTTX trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành làm cơ sở tổ chức thực hiện.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA LỰC LƯỢNG TRỰC TIẾP, LỰC LƯỢNG PHỐI HỢP VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng phối hợp tại Trạm KSTTX lưu động

1. Thành phần, lực lượng phối hợp

- Lực lượng phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm tại Trạm KSTTX lưu động gồm: Thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải; Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an khác thuộc Công an tỉnh, Kiểm soát quân sự thuộc Bộ CHQS tỉnh (nếu có). Trường hợp không có lực lượng công an và quân sự thì thanh tra giao thông chủ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại Trạm KSTTX lưu động.

- Lực lượng tham gia phối hợp cụ thể:

+ Thanh tra giao thông: Cử 12 người chia làm 03 ca, mỗi ca 04 người.

+ Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cảnh sát khác; Kiểm soát quân sự: Khi xảy ra các tình huống phức tạp tại Trạm KSTTX. Đồng chí Trạm trưởng trao đổi thông tin và đề nghị lực lượng Công an, lực lượng Kiểm soát quân sự khẩn trương tăng cường và bố trí lực lượng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành mình để tham gia phối hợp giải quyết, phục vụ tốt nhất công tác xử lý xe chở quá tải trọng cho phép theo chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng phối hợp

2.1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra giao thông

- Khi phát hiện phương tiện có dấu hiệu vi phạm thì ra tín hiệu, hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra xe theo quy định tại Điều 86 Luật Giao thông đường bộ và Điều 15, 16 Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải Quy định quy trình thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính; công tác lập kế hoạch, chế độ báo cáo và quản lý nội bộ của thanh tra ngành Giao thông vận tải; chịu trách nhiệm về quyết định dừng xe của mình.

- Dẫn các xe vi phạm vào vị trí cân kiểm tra tải trọng, phối hợp với nhân viên Trạm KSTTX lưu động thực hiện việc cân, đo kiểm tra thành thùng xe.

- Tiếp nhận kết quả kiểm tra xe từ nhân viên Trạm KSTTX lưu động, đối chiếu với giấy tờ xe, giấy phép liên quan (nếu có) để xác định hành vi vi phạm, mức độ vi phạm.

- Lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vượt quá thẩm quyền, chuyển đề nghị xử lý đối với các trường hợp không thuộc thẩm quyền.

- Thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả (hạ tải, cắt thùng xe vi phạm,...) theo quy định hiện hành.

2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cảnh sát khác:

- Phối hợp với thanh tra giao thông, nhân viên Trạm KSTTX lưu động hướng dẫn, cưỡng chế, dẫn xe vào vị trí cân, kiểm tra xe, hạ tải, cắt thùng xe vi phạm; trong trường hợp lái xe, chủ phương tiện không chấp hành.

- Xử lý các hành vi không chấp hành, chống đối người thi hành công vụ, bảo đảm an ninh, an toàn tại Trạm KSTTX lưu động.

2.3. Nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm soát quân sự:

- Kiểm tra, xử lý đối với các xe mang biển số quân sự, đưa các xe vi phạm quá tải trọng, quá khổ giới hạn vào vị trí kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

- Phối hợp với các lực lượng khác tại Trạm KSTTX lưu động thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Trạm KSTTX lưu động.

Ngoài các lực lượng trên, căn cứ tình hình thực tế, sẽ điều chỉnh, bổ sung các thành phần lực lượng phù hợp, hiệu quả.

Điều 5. Tiêu chuẩn, trang bị, chế độ của các lực lượng tham gia tại Trạm KSTTX lưu động

- Lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm KSTTX lưu động được tuyển chọn đảm bảo yêu cầu về phẩm chất đạo đức, năng lực, nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng yêu cầu.

- Phương tiện, trang bị, trang phục, sắc phục, phù hiệu của lực lượng tham gia tại Trạm KSTTX lưu động thuộc ngành nào, ngành đó cấp và sử dụng theo quy định của ngành.

- Lương, các khoản phụ cấp (nếu có) của lực lượng tham gia tại Trạm KSTTX lưu động thuộc đơn vị nào do đơn vị đó chi trả; Bồi dưỡng đặc thù cho lực lượng trực tiếp, lực lượng phối hợp tham gia; Trạm KSTTX lưu động lập dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 6. Chế độ thông tin, báo cáo

Trạm KSTTX lưu động phải trực tiếp cập nhật kết quả thực hiện, gửi thông tin và số liệu xử lý vi phạm vào Cổng thông tin điện tử của hệ thống, kết nối Internet truyền về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Định kỳ hàng tháng (ngày 20 của tháng), quý (ngày 20 của tháng cuối quý), năm (ngày 20/12) báo cáo số liệu, phân tích, đánh giá tình hình kết quả hoạt động của Trạm KSTTX lưu động về Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ tổng hợp báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông qua Cục Quản lý đường bộ I theo quy định.

Điều 7. Quản lý và sử dụng trang thiết bị

1. Lãnh đạo Trạm KSTTX lưu động có trách nhiệm phân công cán bộ quản lý, sử dụng và bảo trì bộ cân lưu động, các trang thiết bị, cơ sở vật chất được trang bị cho Trạm KSTTX lưu động theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và quy trình, tiêu chuẩn quy định hiện hành.

2. Duy trì trạng thái hoạt động của Bộ cân lưu động bình thường giữa hai kỳ kiểm định, kiểm chuẩn theo quy định; kiểm tra tình trạng kỹ thuật trước khi đưa bộ cân lưu động vào hoạt động.

Điều 8. Kinh phí hoạt động

1. Kinh phí hoạt động của Trạm KSTTX lưu động được đảm bảo từ Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh, kinh phí an toàn giao thông hàng năm và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Các khoản chi cho hoạt động của Trạm KSTTX lưu động bao gồm: Nhiên liệu của phương tiện, vật tư, vật liệu, thiết bị, văn phòng phẩm, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, bảo trì, tập huấn, hội họp, kiểm tra, thuê bãi hạ tải, thuê chỗ ở cho lực lượng tại Trạm (ngoài giờ trực), đầu tư xây dựng và sửa chữa, khắc phục mặt bằng nơi đặt trạm, kiểm định, kiểm chuẩn thiết bị, chế độ phụ cấp và các chi phí khác đúng theo quy định hiện hành.

3. Hàng năm căn cứ Kế hoạch kiểm soát tải trọng xe, tình hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp, Trạm KSTTX lưu động lập dự toán chi phí, trình Sở GTVT, Hội đồng quỹ bảo trì đường bộ tỉnh quyết định phân bổ kinh phí hoạt động.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

1. Chỉ đạo kiểm tra, giám sát hoạt động KSTTX của Trạm.

2. Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tham mưu xây dựng, kế hoạch kiểm soát tải trọng xe trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện kế hoạch kiểm soát tải trọng xe của Ủy ban nhân dân tỉnh. Kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch kiểm soát tải trọng xe đạt hiệu quả.

3. Lập dự toán, kinh phí chi đảm bảo hoạt động của Trạm KSTTXLĐ, công tác KSTTX, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

4. Hàng quý, tháng, năm chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện; tổng hợp, báo cáo công tác KSTTX định kỳ và đột xuất theo quy định.

Điều 10. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Chỉ đạo Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, lực lượng Cảnh sát khác phối hợp với thanh tra giao thông, Sở Giao thông vận tải thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát theo Quy chế số 5425/QCLN ngày 24 tháng 9 năm 2015 về việc phối hợp giữa Tổng cục đường bộ Việt Nam và Tổng cục cảnh sát thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông và bảo vệ Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; bố trí đủ cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Trạm KSTTX lưu động theo Kế hoạch.

2. Triển khai công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự tại Trạm KSTTX lưu động theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an; xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống đối người thi hành công vụ.

3. Phối hợp chặt chẽ với ngành Giao thông vận tải trong việc xây dựng kế hoạch kiểm soát tải trọng xe; kiểm tra, đôn đốc việc triển khai hoạt động của Trạm KSTTX lưu động theo đúng quy định. Chỉ đạo các lực lượng cảnh sát thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động kiểm soát tải trọng xe cho các cơ quan liên quan của ngành GTVT để phục vụ công tác quản lý và xử lý vi phạm.

Điều 11. Trách nhiệm của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh

1. Chỉ đạo lực lượng kiểm soát quân sự phối hợp với Trạm KSTTX lưu động thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

2. Chỉ đạo ban chỉ huy quân sự huyện, Thành phố phối hợp bảo đảm an toàn, trật tự khi có đề nghị.

Điều 12. Khen thưởng, kỷ luật

Cán bộ, công chức, chiến sỹ, Thanh tra viên, nhân viên thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành. Cá nhân vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 13. Trong quá trình tổ chức thực hiện quy chế này, nếu có phát sinh vướng mắc, các cơ quan, đơn vị đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 746/QĐ-UBND năm 2017 Quy chế hoạt động của Trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động do tỉnh Hà Nam ban hành

  • Số hiệu: 746/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/05/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
  • Người ký: Nguyễn Xuân Đông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/05/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản