Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/CT-TTg | Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM SOÁT TẢI TRỌNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG
Sau gần 04 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng phương tiện, tình hình vi phạm các quy định của pháp luật về tải trọng phương tiện bước đầu được kiềm chế.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vi phạm về tải trọng xe có biểu hiện tái diễn biến phức tạp. Tình trạng lái xe, chủ xe cố tình trốn tránh, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng; hiện tượng xe quá tải, quá khổ tham gia giao thông tiếp tục xuất hiện trên một số tuyến đường bộ, nhất là các tuyến đường tỉnh, đường dân sinh và các tuyến đường gần khu vực tập kết hàng hóa, kho, cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu... gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp; làm mất trật tự, an toàn giao thông và hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Để tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, nhằm đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng phương tiện quá tải tham gia giao thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau đây:
1. Bộ Giao thông vận tải
a) Khẩn trương triển khai thực hiện Đề án “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1885/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2016; trong đó, tập trung huy động các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định kết hợp với trạm thu phí giai đoạn đến năm 2020 theo quy hoạch;
b) Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc kiểm soát tải trọng phương tiện, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô; hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm kiểm tra tải trọng xe cố định; cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trạm kiểm tra tải trọng xe kết hợp với trạm thu phí;
c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, kiểm tra tại các đơn vị, địa phương về việc tổ chức ký cam kết không xếp hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện cam kết đã ký;
d) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải, cảng vụ hàng hải, cảng vụ đường thủy nội địa tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện, nhất là vi phạm về kích thước thùng xe tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng biển, cảng, bến thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô... để ngăn chặn kịp thời các xe ô tô chở hàng quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường bộ;
đ) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông trong tiếp nhận, trao đổi thông tin về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kiểm soát tải trọng phương tiện, cung cấp các dữ liệu liên quan đến điều kiện của phương tiện, hành trình phương tiện... để phục vụ công tác quản lý và xử lý vi phạm;
e) Tổ chức đoàn kiểm tra tăng cường trên phạm vi toàn quốc; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra tình trạng xe quá khổ, quá tải trong phạm vi quản lý.
2. Bộ Công an
a) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông khẩn trương hoàn thiện việc trang bị hệ thống cân tải trọng cố định tại các trạm Cảnh sát giao thông theo Đề án “Tăng cường biên chế, trang thiết bị và đào tạo cho lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 334/2005/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2005; đồng thời, tiếp tục trang bị cân tải trọng xách tay để tuần tra, kiểm soát lưu động nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các xe quá tải trên các tuyến giao thông (nhất là các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường nông thôn…);
b) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng; chỉ đạo lực lượng chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ trong hoạt động kiểm tra tải trọng phương tiện; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để đấu tranh có hiệu quả với hành vi có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện...;
c) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện trao đổi kịp thời, đầy đủ thông tin về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động vận tải, đặc biệt là hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện cho các Sở Giao thông vận tải để phục vụ công tác quản lý và xử lý vi phạm về vận tải theo quy định của pháp luật.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tải trọng xe, xếp hàng hóa lên xe ô tô; thiệt hại do xe quá tải gây ra; chủ trương của Chính phủ và Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải về kiểm soát, xử lý tải trọng xe.
4. Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan không giải quyết thủ tục thông quan nhập cảnh, thủ tục kẹp chì hải quan đối với trường hợp xe ô tô chở hàng hóa vượt quá tải trọng thiết kế của xe; ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
5. Các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp trực thuộc hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, sản xuất hoặc cung ứng vật liệu xây dựng, khai thác tài nguyên, khoáng sản... thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về vận tải hàng hóa bằng xe ô tô; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc xếp hàng hóa lên xe ô tô đúng tải trọng ngay tại khu vực đầu nguồn hàng do mình quản lý.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng phương tiện chở quá tải tham gia giao thông trên địa bàn;
b) Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện vận tải trên địa bàn; trong đó, phân công và xác định trách nhiệm cụ thể của lực lượng Công an, Giao thông vận tải, chính quyền địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu;
c) Chỉ đạo các đơn vị chức năng của địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện;
d) Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải quản lý, vận hành các trạm kiểm tra tải trọng xe do Bộ Giao thông vận tải trang bị; kiện toàn, tổ chức lại hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe phù hợp với tình hình của địa phương; kiểm tra, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đối với vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô; kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị vận tải, đầu mối hàng hóa vi phạm cam kết về xếp hàng hóa lên xe ô tô không vượt quá tải trọng cho phép.
7. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
a) Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện trên toàn quốc; đề xuất biện pháp xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra tình trạng xe quá khổ, quá tải trong phạm vi quản lý;
b) Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương về việc thực hiện Chỉ thị này; hàng quý kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trong các cuộc họp thường kỳ của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
- 1Công văn 675/TTg-KTN năm 2015 về đầu tư dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc – giai đoạn 1 áp dụng đối với quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 9466/VPCP-KTN năm 2015 triển khai hệ thống thu phí sử dụng đường bộ và kiểm soát tải trọng theo hình thức tự động không dừng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 1330/TCHQ-GSQL năm 2016 về kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải do Tổng cục Hải quan ban hành
- 4Kế hoạch 12885/KH-BGTVT năm 2016 về tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 1Quyết định 334/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường biên chế, trang thiết bị và đào tạo cho lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 675/TTg-KTN năm 2015 về đầu tư dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc – giai đoạn 1 áp dụng đối với quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 9466/VPCP-KTN năm 2015 triển khai hệ thống thu phí sử dụng đường bộ và kiểm soát tải trọng theo hình thức tự động không dừng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 1330/TCHQ-GSQL năm 2016 về kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải do Tổng cục Hải quan ban hành
- 5Quyết định 1885/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Kế hoạch 12885/KH-BGTVT năm 2016 về tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Chỉ thị 32/CT-TTg năm 2016 về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 32/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 25/11/2016
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/11/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra