Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7393/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ DUYỆT ĐỒ ÁN QUY HOẠCH PHÂN KHU (TỶ LỆ 1/2000) KHU DÂN CƯ ẤP TRƯỜNG THỌ (MỘT PHẦN KHU PHỐ 6 VÀ 8), PHƯỜNG TRƯỜNG THỌ, QUẬN THỦ ĐỨC (HẠ TẦNG KỸ THUẬT)

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 24/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025;

Căn cứ Thông tư số 10/2010/TT -BXD ngày 11 tháng 8 năm 2010 của Bộ Xây dựng quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị;

Căn cứ Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03 tháng 4 năm 2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng (QCXDVN 01:2008/BXD);

Căn cứ Quyết định số 28/2011/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy định về điều chỉnh quy hoạch đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Quyết định số 50/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị trên địa bàn Thành phố;

Căn cứ Quyết định số 62/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 50/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị trên địa bàn Thành phố;

Căn cứ Quyết định số 5759/QĐ-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố về duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận Thủ Đức;

Căn cứ Quyết định số 5259/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố về duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư Ấp Trường Thọ (một phần khu phố 6 và 8), phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (quy hoạch sử dụng đất - kiến trúc - giao thông);

Xét đề nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại Tờ trình số 4811/TTr-SQHKT ngày 20 tháng 12 năm 2013 về trình duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư Ấp Trường Thọ (một phần khu phố 6 và 8), phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (hạ tầng kỹ thuật),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư Ấp Trường Thọ (một phần khu phố 6 và 8), phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (hạ tầng kỹ thuật) với các nội dung chính như sau:

1. Vị trí, phạm vi ranh giới, diện tích, tính chất khu vực quy hoạch:

- Vị trí khu vực quy hoạch: thuộc một phần khu phố 6 và 8 phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Giới hạn khu vực quy hoạch như sau:

+ Phía Bắc: giáp Khu dân cư đường Đặng Văn Bi.

+ Phía Nam: giáp sông Đào, quận Bình Thạnh.

+ Phía Đông: giáp Khu dân cư phía Tây Xa lộ Hà Nội.

+ Phía Tây: giáp Khu dân cư Hồ Văn Tư - Cầu Phố Nhà Trà - Tu Viện Pháp Hoa.

- Quy mô diện tích: 100,05 ha.

- Tính chất của khu vực quy hoạch: Khu dân cư hiện hữu chỉnh trang kết hợp xây dựng mới.

2. Cơ quan tổ chức lập đồ án quy hoạch phân khu:

Sở Quy hoạch - Kiến trúc (Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án Quy hoạch Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh).

3. Đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch phân khu:

Trung tâm Thông tin quy hoạch (thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc).

4. Hồ sơ, bản vẽ đồ án quy hoạch phân khu:

- Thuyết minh tổng hợp (hạ tầng kỹ thuật).

- Thành phần bản vẽ bao gồm:

+ Bản đồ hiện trạng hệ thống cấp điện, tỷ lệ 1/2000.

+ Bản đồ hiện trạng hệ thống cấp nước, tỷ lệ 1/2000.

+ Bản đồ hiện trạng cao độ nền và thoát nước mặt, tỷ lệ 1/2000.

+ Bản đồ hiện trạng hệ thống thoát nước thải và xử lý chất thải rắn, tỷ lệ 1/2000.

+ Bản đồ hiện trạng hệ thống thông tin liên lạc, tỷ lệ 1/2000.

+ Bản đồ hiện trạng chất lượng môi trường, tỷ lệ 1/2000.

+ Bản đồ quy hoạch cấp điện và chiếu sáng đô thị, tỷ lệ 1/2000.

+ Bản đồ quy hoạch cấp nước đô thị, tỷ lệ 1/2000.

+ Bản đồ quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt, tỷ lệ 1/2000.

+ Bản đồ quy hoạch thoát nước thải và xử lý chất thải rắn, tỷ lệ 1/2000.

+ Bản đồ quy hoạch hệ thống thông tin liên lạc, tỷ lệ 1/2000.

+ Bản đồ tổng hợp đường dây đường ống, tỷ lệ 1/2000.

+ Bản đồ đánh giá môi trường chiến lược, tỷ lệ 1/2000.

5. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị toàn khu vực quy hoạch:

5.1. Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt:

a. Quy hoạch chiều cao:

- Cao độ khống chế cho toàn khu vực là H=2,50m (Hệ VN2000), tính đến phần thấp nhất ở mép đường.

- Khu hiện hữu cải tạo: Khuyến cáo nâng dần nền đất lên cao độ xây dựng lựa chọn khi có điều kiện.

- Khu xây dựng mới: Nâng nền triệt để.

- Hướng đổ dốc từ giữa các tiểu khu ra xung quanh và về phía kênh rạch.

- Cao độ thiết kế đường được xác định đảm bảo điều kiện kỹ thuật tổ chức giao thông và thoát nước mặt cho khu đất.

b. Quy hoạch thoát nước mặt:

- Giải pháp thoát nước: Sử dụng hệ thống thoát riêng cho nước thải và nước mặt.

- Tổ chức mạng lưới: Giữ lại và nâng cấp các tuyến cống hiện trạng còn thoát nước hiệu quả, kết hợp với xây mới các tuyến cống dọc theo các trục đường giao thông để thu gom toàn bộ nước mặt khu vực rồi dẫn thoát ra kênh rạch nhằm tiêu thoát nước triệt để cho khu quy hoạch.

- Nguồn thoát: Thoát về phía các rạch hiện hữu giữ lại trong khu vực như rạch Thủ Đức - rạch Nhà Trà và sông Sài Gòn.

- Cống xây mới sử dụng cống bê tông cốt thép đặt ngầm, nối cống theo nguyên tắc ngang đỉnh, độ dốc cống đảm bảo khả năng tự làm sạch i≥1/D, độ sâu chôn cống tối thiểu 0,7m.

5.2. Quy hoạch cấp điện và chiếu sáng đô thị:

- Chỉ tiêu cấp điện: 2500 KWh/người/năm.

- Nguồn cấp điện cho khu quy hoạch được lấy từ trạm hiện hữu 110/15-22KV Thủ Đức.

- Trạm biến áp phân phối 15-22/0,4KV đặt ngoài trời kém mỹ quan và thiếu an toàn sẽ thay dần bằng trạm phòng, trạm đơn thân (trạm cột), riêng các trạm phòng có công suất nhỏ cần cải tạo và thay máy có công suất lớn.

- Xây dựng mới các trạm biến áp phân phối 15-22/0,4KV xây dựng kiểu trạm phòng có công suất đơn vị ≥ 400KVA.

- Phương án quy hoạch lưới phân phối phù hợp:

+ Mạng trung thế 15KV hiện hữu trên các trục đường chính đi trên trụ bê tông ly tâm được thay thế dần bằng cáp ngầm 22KV tiết diện trên các trục chính S ≥ 240 mm2.

+ Xây dựng mới các tuyến 22KV xuất phát từ trạm 110/15-22KV dẫn dọc theo các trục đường giao thông chính dùng cáp đồng 3 lõi cách điện XLPE, chôn ngầm.

+ Mạng hạ thế cấp điện cho các công trình dùng cáp đồng 4 lõi bọc cách điện chôn ngầm, tiết diện phù hợp với với các công trình.

+ Mạng hạ thế hiện hữu đi trên trụ bê tông ly tâm sử dụng cáp ABC sẽ dần được thay thế bằng cáp ngầm.

- Chiếu sáng giao thông sử dụng đèn cao áp Sodium 150W-250W-220V gắn trên trụ thép mạ kẽm.

5.3. Quy hoạch cấp nước:

- Nguồn cấp nước: Sử dụng nguồn nước máy Thành phố dựa vào tuyến ống cấp nước hiện trạng trong khu quy hoạch thuộc hệ thống nhà máy nước Thủ Đức.

- Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt: 180 lít/người/ngày.

- Tiêu chuẩn cấp nước chữa cháy: 15 lít/s/đám cháy, số đám cháy xảy ra đồng thời 01 đám cháy (theo TCVN 2622-1995).

- Tổng nhu cầu dùng nước: 5.415 - 6.495 m3/ngày.

- Hệ thống cấp nước chữa cháy: Dựa vào hệ thống cấp nước chính của khu quy hoạch mạng dịch vụ bố trí mới các trụ lấy nước chữa cháy tại ngã 3, ngã 4 đường với khoảng cách giữa các trụ chữa cháy là 150m.

- Mạng lưới cấp nước: từ các tuyến ống cấp nước hiện trạng trong khu quy hoạch xây dựng mạng lưới cấp nước có đường kính từ Ø100 đến Ø450 trên các trục đường chính quy hoạch tạo thành mạch vòng, mạch nhánh cung cấp nước đến từng khu vực sử dụng.

5.4. Quy hoạch thoát nước thải và xử lý chất thải rắn:

a. Thoát nước thải:

- Giải pháp thoát nước thải:

+ Giai đoạn đầu: Xây dựng hệ thống cống thoát nước thải riêng, nước thải được đưa về trạm xử lý cục bộ công suất 3.500 m3/ngày, sau xử lý đạt tiêu chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT.

+ Giai đoạn dài hạn: Nước thải được thu gom về nhà máy xử lý lưu vực Bắc Sài Gòn I, công suất 170.000 m3/ngày. Nước thải sau xử lý đạt TCVN 7222:2002.

- Tiêu chuẩn thoát nước sinh hoạt: 180 lít/người/ngày.

- Tổng lượng nước thải: 4.170 - 5.000 m3/ngày.

- Mạng lưới thoát nước: Hệ thống thoát nước thải trong khu vực theo độ dốc địa hình hướng về nhà máy xử lý nước thải tập trung. Độ sâu đặt cống tối thiểu là 0,7m tính từ mặt đất đến đỉnh cống.

b. Xử lý chất thải rắn:

- Tiêu chuẩn rác thải sinh hoạt: 1,2 kg/người/ngày.

- Tổng lượng rác thải sinh hoạt: 21,6 tấn/ngày.

- Phương án thu gom và xử lý rác: Rác thải được thu gom mỗi ngày và đưa đến trạm ép rác kín của quận. Sau đó vận chuyển đưa về các Khu Liên hiệp xử lý chất thải tập trung của Thành phố theo quy hoạch.

5.5. Quy hoạch thông tin liên lạc:

- Chỉ tiêu phát triển viễn thông:

+ Điện thoại: 30 thuê bao/100 người.

+ Nhu cầu thuê bao: 6.732 thuê bao.

- Định hướng đấu nối từ trạm điện thoại Phước Bình bằng tuyến cáp quang đi ngầm.

- Các tuyến cáp viễn thông (cáp truyền dữ liệu internet, ADSL, cáp truyền hình,…) dự kiến xây dựng nối từ tủ cáp chính đến các tủ cáp phân phối dùng cáp quang hoặc cáp đồng luồn trong ống PVC Ø114 đi trong hào cáp đặt ngầm trên vỉa hè.

- Mạng di động: khi tiến hành lắp đặt các trạm BTS, các nhà cung cấp nên sử dụng chung cơ sở hạ tầng và phải đảm bảo mỹ quan đô thị.

5.6. Đánh giá môi trường chiến lược:

a. Hệ thống các tiêu chí bảo vệ môi trường:

- Bảo vệ môi trường không khí và tiếng ồn, cụ thể: Tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh đạt QCVN 05:2009/BTNMT, Tiêu chuẩn tiếng ồn đạt QCVN 26:2010/BTNMT.

- Giảm thiểu ô nhiễm do chất thải rắn, cụ thể: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý là 100.

- Tăng diện tích đất cây xanh và đáp ứng tiện nghi môi trường, đảm bảo diện tích cây xanh bình quân đạt QCVN 01:2008/BXD.

- Đảm bảo nước thải sinh hoạt đáp ứng QCVN 14:2008/BTNMT. Tỷ lệ dân số được cấp nước sạch là 100.

- Lồng ghép trong quy hoạch các giải pháp nhằm thích nghi và giảm nhẹ tác động do biến đổi khí hậu. Giảm ngập úng trong khu vực quy hoạch.

- Giữ gìn và tôn tạo công trình tôn giáo.

b. Các giải pháp giảm thiểu, khắc phục tác động đối với dân cư, cảnh quan thiên nhiên; không khí, tiếng ồn khi triển khai thực hiện quy hoạch đô thị:

- Bố trí diện tích cây xanh bao gồm cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh cách ly kênh rạch, cây xanh dọc tuyến đường giao thông nhằm tạo không gian xanh cho khu vực và hạn chế ảnh hưởng của hoạt động giao thông đến môi trường không khí.

- Quy hoạch hợp lý các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đối với các quy hoạch san đắp nền và cấp, thoát nước đều có tính đến việc thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

- Giai đoạn ngắn hạn nước thải đưa về trạm xử lý nước thải cục bộ, nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT. Giai đoạn dài hạn đưa về trạm xử lý nước thải tập trung, nước sau xử lý đạt TCVN 7222:2002.

- Quản lý chất thải rắn: Chất thải rắn được chứa trong các thùng chứa nắp đậy đặt trong khu vực sau đó được thu gom và vận chuyển đến khu xử lý của Thành phố.

- Quản lý chất thải rắn nguy hại, chất thải rắn y tế theo Thông tư số 12/2011/TT -BTNMT ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Căn cứ theo Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường, đề xuất danh mục các dự án cần thực hiện đánh giá tác động môi trường: các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trong khu vực

quy hoạch có diện tích ≥ 5 ha; dự án công trình cao tầng với chức năng hỗn hợp thương mại dịch vụ và căn hộ có quy mô sử dụng ≥ 500 người hoặc ≥ 100 hộ; dự án trạm xử lý nước thải có công suất ≥ 500 m3.

5.7. Bản đồ tổng hợp đường dây đường ống:

Mạng lưới đường dây, đường ống có thể thay đổi và bố trí cụ thể hơn trong các bước thiết kế chi tiết tiếp theo và phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Tuy nhiên, cần lưu ý đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các đường dây đường ống hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại Quy chuẩn QCVN 01:2008/BXD.

Điều 2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức và các đơn vị có liên quan.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức và đơn vị tư vấn chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung nghiên cứu, các số liệu đánh giá hiện trạng, tính toán chỉ tiêu kỹ thuật thể hiện trong thuyết minh và hồ sơ bản vẽ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư Ấp Trường Thọ (một phần khu phố 6 và 8), phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (hạ tầng kỹ thuật).

Điều 3. Quyết định này đính kèm thuyết minh tổng hợp và các bản vẽ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư Ấp Trường Thọ (một phần khu phố 6 và 8), phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (hạ tầng kỹ thuật) được nêu tại Khoản 4, Điều 1 Quyết định này.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố, Giám đốc Ban Quản lý dự án Quy hoạch Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ trưởng các Sở - Ban - Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trường Thọ và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND/TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB: các PVP;
- Các Phòng Chuyên viên;
- Lưu:VT, (ĐTMT-N) D.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 7393/QĐ-UBND năm 2013 duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư Ấp Trường Thọ (một phần khu phố 6 và 8), phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh (hạ tầng kỹ thuật)

  • Số hiệu: 7393/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Hữu Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản