Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5759/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 11 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ DUYỆT ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG QUẬN THỦ ĐỨC ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng đô thị;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải khu vực thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 21/2005/QĐ-BXD ngày 22 tháng 7 năm 2005 của Bộ Xây dựng về ban hành hệ thống ký hiệu bản vẽ trong các đồ án quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03 tháng 4 năm 2008 của Bộ Xây dựng về ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng”;

Căn cứ Thông tư số 33/2009/TT-BXD ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Bộ Xây dựng ban hành QCXDVN 03:2009/BXD) (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân loại, phân cấp công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị);

Căn cứ Thông tư số 02/2010/TT-BXD ngày 05 tháng 02 năm 2010 của Bộ Xây dựng ban hành QCVN 07:2010/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị;

Căn cứ Quyết định số 50/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố Hố Chí Minh;

Căn cứ Quyết định số 4041/QĐ-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận Thủ Đức đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại Tờ trình số 3562/TTr-SQHKT ngày 31 tháng 10 năm 2012 về phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận Thủ Đức,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 với các nội dung chính như sau:

(Đính kèm hồ sơ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận Thủ Đức)

1. Vị trí và quy mô nghiên cứu:

1.1. Vị trí khu đất quy hoạch: Quận Thủ Đức thuộc khu vực cửa ngõ Đông Bắc thành phố Hồ Chí Minh, tiếp giáp với tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, có các mặt giáp giới như sau:

+ Phía Bắc: giáp huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.

+ Phía Đông: giáp quận 9 qua Xa lộ Hà Nội.

+ Phía Nam: giáp quận Bình Thạnh và quận 2 qua sông Sài Gòn.

+ Phía Tây: giáp quận 12 và quận Bình Thạnh qua sông Sài Gòn.

1.2. Quy mô diện tích: Quy mô diện tích đất khu vực quy hoạch là 4.764,89 ha.

1.3. Quy mô dân số: Dân số dự kiến qua các giai đoạn phát triển như sau:

+ Dân số hiện trạng (năm 2009): 442.110 người.

+ Dân số dự kiến giai đoạn 2015: 460.000 ÷ 480.000 người, tỷ lệ tăng dân số hàng năm giai đoạn 2011-2015: 3,2%

+ Dân số dự kiến giai đoạn 2020: 550.000 người, tỷ lệ tăng dân số hàng năm giai đoạn 2016 - 2010: 2,05%.

+ Dự kiến khách vãng lai (2020): khoảng 100.000 ÷ 120.000 người.

2. Tính chất chức năng quy hoạch:

2.1. Quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 1999: Quận Thủ Đức ở cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố, có lợi thế giao thông đường bộ với Xa lộ vành đai, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 12, là đầu mối đường sắt, có các công trình hạ tầng kỹ thuật thuận lợi cho việc bố trí dân cư mới và phát triển kinh tế - xã hội của quận.

Cơ cấu kinh tế chủ yếu trong tương lai của quận là công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giáo dục đào tạo, thương mại - dịch vụ.

2.2. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung:

Chức năng chính của quận Thủ Đức giai đoạn 2006 ÷ 2020 là thương mại dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - giáo dục - thể dục thể thao.

Quận Thủ Đức ở cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố, thuận tiện về giao thông đường bộ, đường sắt, đảm nhận các chức năng chính như sau:

- Trung tâm kinh tế với sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tập trung; trung tâm thương mại dịch vụ phía Đông Bắc, nhất là khu vực dọc theo tuyến Xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1;

- Trung tâm chuyên ngành về giáo dục đại học và trên đại học, chuyên ngành và đào tạo nghề;

- Khu thể dục thể thao bổ trợ cho khu thể dục thể thao cấp thành phố, kết hợp du lịch, nghỉ ngơi giải trí với cảnh quan thiên nhiên sông nước và làng nghề truyền thống;

- Khu dân cư mới kết hợp khu dân cư hiện hữu hỗ trợ cho nội thành giảm áp lực dân cư nhập cư và từng bước đô thị hóa nông thôn;

- Nơi tập trung công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối của thành phố.

3. Cơ cấu sử dụng đất và chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc toàn quận:

3.1. Giai đoạn đến năm 2015:

3.1.1. Cơ cấu sử dụng đất:

- Đất dân dụng:2.363,97 ha, chiếm tỷ lệ 49,61% Trong đó:

+ Đất ở:1.653,29 ha, chiếm tỷ lệ 34,70%

+ Đất công trình công cộng: 162,50 ha, chiếm tỷ lệ 3,41%

+ Đất công viên cây xanh: 199,20 ha, chiếm tỷ lệ 4,18%

+ Đất giao thông đối nội: 303,38 ha, chiếm tỷ lệ 6,36%

+ Đất hỗn hợp: 45,60 ha, chiếm tỷ lệ 0,96%

- Đất khác trong khu dân dụng: 242,60 ha, chiếm tỷ lệ 5,09% Trong đó:

+ Đất công trình công cộng cấp thành phố và Trung ương: 191,20 ha, chiếm tỷ lệ 4,01%

+ Đất tôn giáo: 51,40 ha, chiếm tỷ lệ 1,08%

- Đất ngoài dân dụng:2.158,32 ha, chiếm tỷ lệ 45,30% Trong đó:

+ Đất giao thông đối ngoại: 381,22 ha, chiếm tỷ lệ 8,00%

+ Đất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, kho tàng: 309,60 ha, chiếm tỷ lệ 6,51%

+ Đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật: 93,60 ha, chiếm tỷ lệ 1,97%

+ Đất quốc phòng: 30,70 ha, chiếm tỷ lệ 0,64%

+ Đất cây xanh cách ly: 21,60 ha, chiếm tỷ lệ 0,45%

+ Sông rạch: 264,20 ha, chiếm tỷ lệ 5,54%

+ Đất nghĩa trang: 10,50 ha, chiếm tỷ lệ 0,22%

+ Đất khác:1.046,90 ha, chiếm tỷ lệ 21,97%

3.1.2. Các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất:

- Đất dân dụng: 51,39 m2/người

+ Đất ở: 35,94 m2/người

+ Đất công trình công cộng: 3,53 m2/người

+ Đất công viên cây xanh: 4,33 m2/người

+ Đất giao thông đối nội: 6,60 m2/người

+ Đất hỗn hợp: 0,96 m2/người

- Quy mô dân số: 460.000 người

- Mật độ xây dựng: 10 ÷ 35%

+ Khu dân cư: 30 ÷ 35%

+ Khu công trình công cộng: 25 ÷ 30%

+ Khu công viên: 5 ÷ 10%

- Tầng cao xây dựng:

+ Tối thiểu: 2 tầng.

+ Tối đa: 30 tầng.

3.2. Giai đoạn đến năm 2020:

3.2.1. Cơ cấu sử dụng đất:

- Đất dân dụng:3.306,79 ha, chiếm tỷ lệ 69,40%

Trong đó:

+ Đất ở:1.994,80 ha, chiếm tỷ lệ 41,87%

+ Đất công trình công cộng: 257,40 ha, chiếm tỷ lệ 5,40%

+ Đất công viên cây xanh: 415,50 ha, chiếm tỷ lệ 8,72%

+ Đất giao thông đối nội: 438,99 ha, chiếm tỷ lệ 9,21%

+ Đất hỗn hợp: 200,10 ha, chiếm tỷ lệ 4,20%

- Đất khác trong khu dân dụng: 279,40 ha, chiếm tỷ lệ 5,86%

Trong đó:

+ Đất công trình công cộng cấp thành phố và Trung ương: 228,00 ha, chiếm tỷ lệ 4,79%

+ Đất tôn giáo: 51,40 ha, chiếm tỷ lệ 1,08%

- Đất ngoài dân dụng:1.178,70 ha, chiếm tỷ lệ 24,74% Trong đó:

+ Đất giao thông đối ngoại: 536,00 ha, chiếm tỷ lệ 11,25%

+ Đất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, kho tàng: 162,30 ha, chiếm tỷ lệ 3,41%

+ Đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật: 99,60 ha, chiếm tỷ lệ 2,09%

+ Đất du lịch nghỉ dưỡng: 30,00 ha, chiếm tỷ lệ 0,63%

+ Đất quốc phòng: 30,70 ha, chiếm tỷ lệ 0,64%

+ Đất cây xanh cách ly: 45,40 ha, chiếm tỷ lệ 0,95%

+ Sông rạch: 264,20 ha, chiếm tỷ lệ 5,54%

+ Đất nghĩa trang: 10,50 ha, chiếm tỷ lệ 0,22%

3.2.2. Các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất:

- Đất dân dụng: 60,12 m2/người

+ Đất ở: 36,27 m2/người

+ Đất công trình công cộng: 4,68 m2/người

+ Đất công viên cây xanh: 7,55 m2/người

+ Đất giao thông đối nội: 7,98 m2/người

+ Đất hỗn hợp: 3,64 m2/người

- Quy mô dân số: 550.000 người

- Mật độ xây dựng: 10 ÷ 35%

+ Khu dân cư: 30 ÷ 35%

+ Khu công trình công cộng: 25 ÷ 30%

+ Khu công viên: 5 ÷ 10%

- Tầng cao xây dựng:

+ Tối thiểu: 2 tầng.

+ Tối đa: 30 tầng.

4. Định hướng quy hoạch phát triển không gian đô thị:

4.1. Cơ cấu tổ chức không gian:

- Điều chỉnh quy hoạch chung không thay đổi hướng ưu tiên phát triển so với quy hoạch chung xây dựng năm 1999 đã được phê duyệt, chỉ bổ sung thêm hoặc thay đổi cục bộ không gian đô thị, cụ thể như sau:

+ Khu trung tâm hành chính: tiếp tục giữ tại phường Tam Phú nhưng thu hẹp quy mô diện tích. Các trung tâm phụ (phục vụ đơn vị ở) gồm thương mại dịch vụ bán lẻ, công viên tập trung và y tế được quy hoạch phân tán vào trong 5 khu ở.

+ Khu công nghiệp và cụm công nghiệp: khu công nghiệp tập trung tại phía Tây Bắc (Bình Chiểu) và Đông Bắc (Linh Trung) của quận; cụm công nghiệp địa phương tại phường Linh Xuân. Định hướng chuyển đổi khu công nghiệp phường Trường Thọ sang chức năng hỗn hợp ở, thương mại dịch vụ - vui chơi giải trí.

+ Khu giáo dục đào tạo: tập trung là Đại học Quốc gia (phường Linh Trung), kết hợp với mạng lưới các trường đại học khác hiện hữu sẽ được nâng cấp.

+ Khu công viên vui chơi giải trí: tập trung tại phường Tam Phú, kết hợp với hồ điều tiết và các loại hình thể dục thể thao bổ trợ cho khu liên hợp thể dục thể thao cấp thành phố tại Rạch Chiếc. Ngoài ra, bổ sung trục văn hóa - giải trí dọc đường Võ Văn Ngân.

- Hành lang phát triển chính như sau:

+ Hướng Đông Bắc - Tây Nam: trục Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và trục dọc Xa lộ Hà Nội.

+ Hướng Đông Nam -Tây Bắc: trục Vành đai phía Đông - Tỉnh lộ 43 và trục dọc Quốc lộ 13.

- Các hành lang phụ bao gồm tuyến vòng cung Vành Đai ngoài, đường Võ Văn Ngân và khu vực bờ sông Sài Gòn.

4.2. Các khu chức năng trong khu vực quy hoạch:

4.2.1. Các khu ở:

Các khu ở hiện hữu được chỉnh trang, nâng cấp thông qua việc xác định thêm các tuyến đường nội bộ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đồng thời tổ chức sắp xếp lại để tạo thêm quỹ đất xây dựng công trình phúc lợi công cộng, công viên cây xanh, cải thiện môi trường sống cho khu vực. Khu ở mới chủ yếu phát triển dạng đô thị với hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh phù hợp với tiêu chuẩn một đô thị văn minh.

Quận Thủ Đức được phân chia thành 5 khu ở như sau:

- Khu ở 1: phía Đông Bắc gồm phường Linh Xuân, phường Linh Chiểu và phường Linh Trung. Khu dân cư này tập trung chủ yếu là dân cư hiện hữu thấp tầng. Định hướng xen cài chung cư trung - cao tầng dọc theo tuyến metro. Khuyến khích phát triển các khu phức hợp thương mại dịch vụ - văn phòng kết hợp căn hộ tại các khu đất chuyển đổi chức năng công nghiệp.

+ Quy mô diện tích: 1234,38 ha (kể cả Đại học Quốc gia).

+ Quy mô dân số dự kiến: 140.000 người.

+ Mật độ xây dựng: 28 ÷ 32%. Tầng cao: 3 ÷ 25 tầng.

- Khu ở 2: phía Đông Nam gồm phường Trường Thọ và phường Bình Thọ, gồm khu biệt thự thấp tầng hiện hữu cải tạo trong khu làng Báo chí cũ. Định hướng chuyển đổi chức năng phức hợp thương mại dịch vụ - căn hộ hiện đại dọc theo xa lộ Hà Nội và đường vành đai phía Đông.

+ Quy mô diện tích: 620,5 ha.

+ Quy mô dân số dự kiến: 90.000 người.

+ Mật độ xây dựng: 30 ÷ 35%. Tầng cao: 2 ÷ 20 tầng.

- Khu ở 3: phía Tây Nam gồm phường Hiệp Bình Chánh và phường Hiệp Bình Phước. Khu dân cư này chủ yếu được quy hoạch xây dựng mới, đa dạng chức năng ở: thấp tầng phía trong và cao tầng phía bờ sông Sài Gòn.

+ Quy mô diện tích: 1412,3 ha (kể cả sông Sài Gòn)

+ Quy mô dân số dự kiến: 110.000 người.

+ Mật độ xây dựng: 24 ÷ 28%. Tầng cao: 2 ÷ 30 tầng.

- Khu ở 4: phía Tây Bắc gồm phường Bình Chiểu và phường Tam Bình, chủ yếu khu dân cư thấp tầng, có thể xen cài chung cư cao đến 12 tầng dọc Tỉnh lộ 43.

+ Quy mô diện tích: 758,7 ha (kể cả sông Sài Gòn)

+ Quy mô dân số dự kiến: 105.000 người.

+ Mật độ xây dựng: 30 ÷ 35%. Tầng cao: 3 ÷ 25 tầng.

- Khu ở 5: khu trung tâm gồm các phường Linh Tây, phường Linh Đông và phường Tam Phú. Khu vực này gồm dân cư hiện hữu phía Bắc tập trung chủ yếu nhà thấp tầng và khu dân cư mới phía Nam có thể xen cài chung cư cao tầng.

+ Quy mô diện tích: 739 ha.

+ Quy mô dân số dự kiến: 100.000 người.

+ Mật độ xây dựng: 32 ÷ 38%. Tầng cao: 4 ÷ 22 tầng.

4.2.2. Hệ thống trung tâm, các công trình dịch vụ đô thị:

- Trung tâm hành chính quận: Di dời Trung tâm hành chính quận hiện hữu về trung tâm xây dựng mới tại phường Tam Phú với quy mô khoảng 38 ha. Các khu công cộng cấp quận khác dọc đường Võ Văn Ngân được giữ lại, nâng cấp.

- Trung tâm thương mại dịch vụ: phát triển phân tán trong 5 khu ở, cụ thể:

+ Khu ở 1: bố trí tại ngã tư Đại học Quốc gia, quy mô diện tích khoảng 12 ha.

+ Khu ở 2: bố trí tại khu công nghiệp Trường Thọ chuyển đổi, quy mô diện tích 20 ha.

+ Khu ở 3: bố trí dọc tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Linh Xuân, tại cụm công nghiệp địa phương chuyển đổi, quy mô diện tích khoảng 25 ha.

+ Khu ở 4: chợ đầu mối Tam Bình, dọc trục đường Ngô Chí Quốc, quy mô 20 ha.

+ Khu ở 5: khu vực chợ Thủ Đức và trong trung tâm hành chính quận và dọc trục Xa lộ Hà Nội, quy mô diện tích khoảng 15 ha.

+ Dự kiến phát triển thêm trung tâm tài chính - ngân hàng trong khu trung tâm quận quy mô diện tích 38 ha ở phường Tam Phú.

- Trung tâm văn hóa - thể dục thể thao: duy trì cơ sở hiện có tại đường Võ Văn Ngân và quy hoạch mới tại công viên tập trung phường Tam Phú, quy mô khoảng 30 ÷ 40 ha (trên tổng diện tích công viên 200 ha).

- Trung tâm Giáo dục đào tạo: giữ nguyên tại khu vực Đại học Quốc gia ở phường Linh Trung, quy mô khoảng 200 ha (trên tổng diện tích 800 ha) kết hợp với các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng rải rác khác hiện có giữ lại.

- Công trình y tế:

+ Nâng cấp mở rộng Bệnh viện Thủ Đức ở phường Linh Trung.

+ Nâng cấp Trung tâm y tế quận (nay là bệnh viện quận), 11 trạm y tế của 11 phường.

+ Quy hoạch bệnh viện đa khoa tại phường Bình Chiểu và một trung tâm chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh tại phường Hiệp Bình Phước.

4.2.3. Công viên cây xanh - thể dục thể thao:

- Xây dựng hệ thống cây xanh ven đường nhằm tạo không gian xanh, cải tạo vi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn.

- Quy hoạch công viên quận Thủ Đức tại phường Tam Phú, quy mô diện tích khoảng 200ha; Công viên chuyên đề gồm công viên vui chơi giải trí kết hợp du lịch quy mô diện tích khoảng 25 ÷ 30 ha tại phường Hiệp Bình Phước, công viên văn hóa tại khu trung tâm hành chính quận, công viên nghỉ dưỡng quy mô diện tích khoảng 40 ÷ 45 ha tại phường Trường Thọ;

- Duy trì dải cây xanh tối thiểu 30m dọc sông Sài Gòn từ cầu Bình Phước đến cầu Sài Gòn; từ 20 - 30m ven các sông lớn như Ông Dầu, Gò Dưa, Suối Cái…

- Xây dựng các công viên tập trung tại mỗi khu ở.

4.2.4. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

- Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 dự kiến phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, kho bãi chuyển giao hàng hóa với quy mô diện tích 162,3 ha gồm Khu chế xuất Linh Trung I, II, Khu công nghiệp Bình Chiểu…;

- Chuyển đổi các xí nghiệp nhỏ lẻ rải rác sang chức năng dân dụng, ưu tiên bố trí các công trình thương mại dịch vụ, công trình hạ tầng xã hội hoặc công viên vui chơi giải trí, hạn chế phát triển thành các khu ở với tỷ lệ cao (khu ở dưới 30% quỹ đất).

- Di dời các cơ sở công nghiệp ô nhiễm vào khu, cụm công nghiệp để có điều kiện xử lý môi trường, còn những cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp không ô nhiễm được duy trì sử dụng xen cài trong khu dân cư.

4.2.5. Công trình và quần thể công trình tôn giáo:

Trên địa bàn có nhiều công trình tôn giáo, sẽ tôn tạo trùng tu bảo vệ. Khi có nhu cầu mở rộng sẽ được xác định trong quy hoạch chi tiết sử dụng đất của khu vực. Kết hợp các điểm công trình tôn giáo tín ngưỡng thành điểm đến cho khách du lịch đô thị.

4.2.6. Các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật:

- Nhà máy nước Thủ Đức: 55 ha

- Nhà ga Bình Triệu: 47,4 ha (có 5 ha bãi xe ô tô)

- Tổng diện tích bến bãi: 85,39 ha

- Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức: 10 ha

- Trạm xử lý nước thải Trường Thọ: 10 ÷ 12 ha

- Nghĩa trang Thành phố: 10,5 ha

- Ga deport Hiệp Bình Phước: 16 ha

- Ga đường sắt Thủ Đức: 06 ha

- Các trạm điện và tuyến điện, trạm bơm tăng áp, trạm xử lý nước bẩn khác.

4.3. Tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị:

4.3.1. Mục tiêu và quan điểm thiết kế đô thị:

a) Mục tiêu:

- Xây dựng các khu dân cư, các khu công trình phúc lợi công cộng theo đúng định hướng phát triển đề ra trong quy hoạch chung.

- Cơ sở cho công tác quản lý xây dựng các công trình nhà ở, công trình công cộng dọc các trục đường.

- Cơ sở cho thiết kế đô thị trong các quy hoạch chi tiết. b) Quan điểm:

- Xác định yếu tố quan trọng trong cảnh quan đô thị: các khu trung tâm, các khu trọng điểm cấp thành phố, các mảng xanh lớn.

- Quy định các trục cảnh quan, các khu vực cần bảo tồn và phát triển.

- Khu dân cư hiện hữu tự phát, thiết kế đô thị sẽ quy định tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng từng khu vực, các tuyến đường trọng tâm cần có thiết kế đô thị.

4.3.2. Các vùng kiến trúc và cảnh quan trong đô thị:

Toàn bộ quận Thủ Đức được chia thành hai vùng kiến trúc cảnh quan riêng biệt: vùng có điều kiện đất tốt và vùng có địa hình đất thấp.

a) Vùng có điều kiện đất tốt: Giới hạn từ đường Đặng Văn Bi, đường Võ Văn Ngân, đường Tô Ngọc Vân và Tỉnh lộ 43, bao gồm các phường Bình Thọ, phường Linh Chiểu, phường Linh Trung, phường Linh Xuân, một phần các phường Linh Tây, phường Linh Đông, phường Tam Phú, phường Tam Bình và phường Bình Chiểu; Quy mô diện tích khoảng 1.845 ha, chiếm 38,72% diện tích toàn quận; chia thành bốn tiểu khu nhỏ như sau:

- Khu vực sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: thuộc một phần phường Linh Trung. Diện tích khu vực khoảng 582 ha, đảm bảo hành lang cây xanh cách ly, hạn chế ô nhiễm môi trường.

- Khu giáo dục chuyên ngành: tập trung ở phường Linh Trung (Đại học Quốc gia). Quy mô diện tích khoảng 200 ha.

- Khu thị trấn hiện hữu cải tạo: Tập trung ở phường Linh Chiểu và phường Linh Tây. Xây dựng công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng, cải thiện hạ tầng, xen cài cây xanh để nâng dần chất lượng sống của nhân dân. Lập quy hoạch hẻm giới đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và hướng dẫn xây dựng.

- Khu dự kiến phát triển đặc trưng: tập trung ở phường Linh Xuân, nơi có nhiều đất công nghiệp di dời, chuyển đổi sang chức năng dân dụng.

b) Vùng có điều kiện đất thấp: phần còn lại, nằm ở phía Tây Nam, giới hạn từ vùng cải tạo 2.920 ha về phía sông Sài Gòn, chiếm 61,28% diện tích toàn quận, gồm:

- Khu dân cư công nghiệp: Giới hạn từ Xa lộ Xuyên Á và Tỉnh lộ 43 lên phía Bắc. Khu vực này chủ yếu là nhà ở thấp tầng với diện tích các lô khoảng 150 - 300 m2; do quỹ đất trống nhiều, khuyến khích phát triển các công trình y tế, văn hóa, thương mại. Điểm nhấn bố trí dọc tuyến đường vành đai.

- Khu dân cư ven sông: tổ chức thành từng cụm dân cư biệt thự vườn cao cấp, xen cài với các chung cư cao tầng hiện đại. Khuyến khích phát triển khu dân cư kết hợp mặt nước chia thành hai bậc khác nhau phòng ngừa triều cường.

- Khu công viên văn hóa giải trí: là khu vực trung tâm của quận, với khoảng xanh lớn kết hợp hồ điều tiết có giá trị cảnh quan, nơi đây tập trung cho các hoạt động lễ hội, văn hóa, giải trí, thể dục thể thao (bổ trợ cho Rạch Chiếc).

4.3.3. Tổ chức không gian các khu trung tâm:

- Trung tâm quận: là trung tâm hỗn hợp cấp quận, nơi tập trung các công sở cấp quận và tương đương; công trình thương mại quy mô lớn; công trình giáo dục chuyên ngành; bệnh viện; trung tâm giao lưu văn hóa giải trí. Tổ chức Quảng trường công dân quy mô diện tích khoảng 1 ha với sức chứa 5.000 người.

- Trung tâm khu ở 1: Khu ở công nghiệp, tiếp nhận nhiều nguồn dân nhập cư, có mức sống trung bình, nên ưu tiên phát triển các chức năng bán lẻ và giải trí cuối tuần.

- Trung tâm khu ở 2: Khu làng biệt thự với mật độ xây dựng thưa thoáng, khu trung tâm phải nêu bật được không gian sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa, khai thác lợi thế của mặt nước để hình thành điểm nhấn (công viên nước).

- Trung tâm khu ở 3: nằm kế cận khu vực ga depot và ga hành khách đường sắt, xung quanh có các khu ở cao tầng dự kiến phát triển, khu trung tâm này dự kiến mang tính chất của một trung tâm mua sắm và dịch vụ khu ở.

- Trung tâm khu ở 4: được hình thành từ hạt nhân trung tâm lưu thông hàng hóa đầu mối Thủ Đức, khu trung tâm này sẽ hình thành các dịch vụ bổ trợ bao gồm ngân hàng, giao nhận vận chuyển, bệnh viện.

- Trung tâm khu ở 5: thừa hưởng lợi thế của công viên tập trung Tam Phú có chức năng thể dục thể thao bổ trợ cho Rạch Chiếc, đây là khu vực năng động với các công trình thể dục thể thao và sinh hoạt văn hóa ngoài trời (kết hợp với trung tâm quận).

- Trong các khu ở tổ chức quảng trường thương mại quy mô 2000÷5000 m2, có thể kết hợp đậu xe. Các quảng trường này linh động trong mục đích sử dụng.

Đồng thời, bố trí ba quảng trường văn hóa tại Trung tâm hành chính quận, Đại học Quốc gia và Công viên văn hóa giải trí Tam Phú, quy mô 2000 ÷ 3000 m2.

4.3.4. Cửa ngõ đô thị:

a) Cửa ngõ đường bộ:

- Cửa ngõ Đông Bắc: xác định là trung tâm giáo dục cấp quốc gia.

- Cửa ngõ phía Nam: đặt tại khu phức hợp dự kiến phát triển giai đoạn dài hạn.

- Cửa ngõ Tây Bắc 1: đặt tại khoảng qua rạch Vĩnh Bình.

- Cửa ngõ Tây Bắc 2: khu vực hai bên cầu Bình Phước.

- Cửa ngõ Tây Nam: tại quỹ đất chuyển đổi từ khu công nghiệp Bình Thọ.

b) Cửa ngõ đường sắt: tại ga Bình Triệu, điểm nhấn công trình mang tính hiện đại, nên cần lưu tâm tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế khi đầu tư công trình này.

c) Cửa ngõ đường thủy: tại vị trí cầu Bình Phước, cầu Bình Triệu và bán đảo Trường Thọ kết hợp với điểm nhấn đường bộ là tháp quan sát.

4.3.5. Các trục không gian chính:

a) Các trục đối ngoại: gồm Xa lộ Hà Nội, Vành đai 2, Xa lộ Xuyên Á, Quốc lộ 13. Tổ chức công trình khối tích lớn, khoảng lùi sâu, nhiều diện tích trồng cây xanh, tạo điểm nhấn tại các nút giao. Hình thành mảng chức năng với khoảng cách khá lớn giữa đường giao thông với công trình. Các công trình có khoảng lùi so với lộ giới từ 30 - 50m.

b) Các trục cảnh quan chính: bao gồm các trục như sau:

- Vành đai ven sông Sài Gòn, từ cầu Bình Phước đến kênh đào Trường Thọ.

- Ven rạch Ông Dầu. Trục Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.

- Trục đường Võ Văn Ngân-đường Tô Ngọc Vân. Trục đường Đặng Văn Bi.

c) Các trục cảnh quan kiến trúc đặc trưng: bao gồm các trục như sau:

- Trục Quốc lộ 13: dịch vụ khách sạn, nhà hàng, sửa chữa và showroom ô tô.

- Trục đường Kha Vạn Cân: vui chơi giải trí, nhà hàng, bán lẻ.

- Trục đường Võ Văn Ngân - đường Đặng Văn Bi: bán lẻ, dịch vụ giáo dục - y tế - văn hóa - nhà hàng - khách sạn.

- Trục Xa Lộ Hà Nội: bán buôn, giải trí, trưng bày, showroom ô tô.

- Trục Tỉnh lộ 43: công cụ, trang thiết bị xây dựng, ô tô, xuất nhập khẩu.

- Trục nối Vành đai 2 và Quốc lộ 13: du lịch, văn hóa giải trí, bán lẻ, nhà hàng.

4.3.7. Giới hạn chiều cao công trình, cụm công trình: phụ thuộc các yếu tố sau:

- Công năng sử dụng của các công trình.

- Các giới hạn về an toàn của các hành lang kỹ thuật như tuyến cấp điện, kênh thoát nước, chiều rộng của tuyến giao thông.

- Các giới hạn được quy định trong cấp phép xây dựng các công trình kiến trúc và quản lý sử dụng các công trình kiến trúc.

Trên địa bàn phường Hiệp Bình Phước và phường Tam Phú, theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, tính từ sông Sài Gòn vào, chịu giới hạn của chiều cao an toàn đường hàng không với độ cao từ 75 ÷ 120m.

5. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

5.1. Quy hoạch giao thông:

- Quy hoạch các tuyến giao thông đường bộ có chức năng đối ngoại, nối kết các vùng, khu vực đô thị kế cận gồm đường Xa lộ Hà Nội (Quốc lộ 52), Quốc lộ 1A, Vành đai 2, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (đoạn hiện hữu và dự phóng), Quốc lộ 13, Quốc lộ 1K, Tỉnh lộ 43, đường nối Quốc lộ 13 - cầu Thanh Đa - Thủ Đức, đường nối Vành đai 2 - cầu Thanh Đa - Thủ Đức.

- Quy hoạch các tuyến giao thông đường bộ đối nội trên cơ sở các tuyến đường chính hiện hữu dự kiến nâng cấp, mở rộng (đường Kha Vạn Cân, đường Võ Văn Ngân, đường Tô Ngọc Vân, đường Linh Trung, đường Tô Vĩnh Diện, đường Nguyễn Chí Quốc,...) kết hợp với việc hình thành và phát triển thêm các tuyến đường chính trong địa bàn quận như đường Hồ Văn Tư nối dài, đường Tam Bình nối dài, đường dọc sông Sài Gòn, đường song hành Quốc lộ 13...

- Về giao thông đường sắt quốc gia: gồm tuyến đường sắt quốc gia hiện hữu thuộc đường sắt Thống Nhất, đoạn Dĩ An - Bình Triệu đi qua địa bàn quận và tuyến đường sắt quy hoạch xây dựng mới phía Tây thành phố (đoạn Dĩ An - Tân Kiên) được xác định theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010.

- Về giao thông đường sắt đô thị: quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đi theo hành lang Xa lộ Hà Nội và tuyến đường sắt đô thị số 3 (Quốc lộ 13 - bến xe Miền Đông - Cây Gõ) đi theo hành lang Quốc lộ 13.

- Về giao thông thủy: quy hoạch các tuyến sông kênh rạch trên địa bàn quận Thủ Đức có chức năng giao thông thủy theo quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến khu vực thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 66/2009/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố.

5.2. Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt (chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng):

5.2.1. Quy hoạch cao độ nền:

- Cao độ khống chế cho toàn khu vực là H = +2,50m (hệ VN2000).

- Đối với khu vực địa hình tự nhiên cao trên +2,50m: chỉ san đắp cục bộ và hoàn thiện mặt phủ khi xây dựng công trình theo nguyên tắc bám sát cao độ nền hiện hữu của khu vực.

- Đối với khu vực địa hình tự nhiên thấp hơn +2,50m: cần nâng dần cao độ nền của khu vực đến cao độ thiết kế khi có điều kiện.

- Cao độ thiết kế tại các điểm giao cắt đường được xác định đảm bảo điều kiện kỹ thuật tổ chức giao thông và thoát nước mặt cho khu đất, đồng thời phù hợp với khu vực xung quanh; với giá trị thấp nhất là 2,50m (theo hệ VN2000).

- Độ dốc thiết kế: khu công trình công cộng, khu ở ≥ 0,4%; CVCX ≥ 0,3%.

- Hướng đổ dốc: theo địa hình tự nhiên và từ giữa các tiểu khu ra chung quanh.

5.2.2. Quy hoạch thoát nước mặt:

- Sử dụng kết hợp hệ thống mương rạch, mương xây với cống ngầm để tổ chức thoát nước mưa.

- Nguồn thoát nước: tập trung theo các cống chính, đổ ra các rạch nhánh gần nhất với nguồn tiếp nhận chính là sông Sài Gòn.

- Cống thoát nước mưa quy hoạch đặt ngầm, bố trí dọc theo vỉa hè các trục đường giao thông trong khu vực; kích thước cống tính theo chu kỳ tràn cống T = 3 năm (cống cấp 2) và T = 2 năm (cống cấp 3, cấp 4), kích thước cống thay đổi từ Ø600mm đến Ø 1500mm.

- Nối cống theo nguyên tắc ngang đỉnh, độ sâu chôn cống tối thiểu 0,70m; độ dốc cống tối thiểu được lấy đảm bảo khả năng tự làm sạch cống i=1/D.

- Đối với các khu vực có độ dốc địa hình lớn; cống, mương thoát nước được thiết kế giếng chuyển bậc nhằm giảm vận tốc dòng chảy, tránh xói lở, hư hỏng hệ thống.

5.3. Quy hoạch cấp năng lượng và chiếu sáng (Quy hoạch cấp điện):

- Chỉ tiêu cấp điện:

+ Chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt: 1.500 ÷ 2.500 KWh/người/năm.

+ Chỉ tiêu cấp điện công nghiệp - tiểu chủ công nghiệp: 350 ÷ 400 KW/ha.

- Nguồn cấp điện cho quận Thủ Đức sẽ được tiếp tục lấy từ các trạm trung gian 110/15-22KV hiện hữu cải tạo: Thủ Đức, Thủ Đức Bắc, Linh Trung 1, Linh Trung 2, Bình Triệu, Vikimco. Dài hạn sẽ được cấp thêm từ các trạm 110/15-22KV xây dựng mới: Hiệp Bình Phước, nhà máy nước Thủ Đức, Tam Bình, Metro An Thái.

- Mạng lưới phân phối quy hoạch cấp điện phù hợp:

+ Lưới trung thế điện áp 22KV được xây dựng theo cấu trúc mạch vòng vận hành hở, mỗi tuyến chính có tiết diện ≥ 240mm2.

+ Lưới hạ thế sử dụng cáp đồng bọc cách điện XLPE chôn ngầm ở các khu dân cư xây dựng mới, khu chung cư cao tầng, khu công trình công cộng.

+ Riêng lưới điện hiện hữu sẽ được thay thế dần bằng cáp ngầm đồng bộ với việc cải tạo chỉnh trang đô thị.

+ Trạm biến thế phân phối 15-22/0,4KV xây dựng mới kiểu trạm phòng, trạm cột, trạm kiosk đảm bảo bán kính phục vụ cấp điện ≤ 200m ÷300m. Các trạm hiện hữu loại trạm giàn, treo trên trụ không phù hợp và không đảm bảo an toàn sẽ được tháo gỡ và thay dần bằng loại trạm cột (trạm đơn thân), trạm kiosk.

* Lưu ý: Đối với các trạm 220KV, 110KV và các đường dây cao thế đấu nối vào trạm xây dựng mới chỉ mang tính chất định hướng, sau đó sẽ được khảo sát cụ thể và có ý kiến của các cơ quan chuyên ngành quản lý.

5.4. Quy hoạch cấp nước:

- Nguồn cấp nước: từ nguồn nước máy thành phố, dựa vào tuyến ống cấp nước:

+ Các tuyến ống hiện trạng: Ø450 đường Đặng Văn Bi - đường Lê Văn Chí - đường Linh Trung, Ø350 trên đường Quốc lộ 1A thuộc nhà máy nước Thủ Đức.

+ Các tuyến ống dự kiến bổ sung: Ø800 trên đường Tỉnh lộ 43, Ø600 trên đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, Ø500 trên đường Quốc lộ 13 và 4 tê chờ A-B-C-D thuộc nhà máy nước BOO Thủ Đức.

- Tiêu chuẩn cấp nước:

+ Sinh hoạt: 180 (lít/người/ngày);

+ Công nghiệp: 40 m3/ha/ngày;

+ Chữa cháy: 85 lít/s/đám cháy, số đám cháy đồng thời: 3 đám cháy (theo TCVN 2622-1995).

- Tổng nhu cầu dùng nước:

+ Đến năm 2015: 184.255 ÷ 219.340 m3/ngày;

+ Đến năm 2020: 214.995 ÷ 256.780 m3/ngày.

5.5. Quy hoạch thoát nước thải và xử lý chất thải rắn (quy hoạch thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường):

5.5.1. Thoát nước thải:

- Giải pháp thoát nước thải: Xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng cấp thành phố, cấp khu vực. Đối với các khu vực đã có hệ thống cống thoát nước chung, nước thải được tách ra bằng các giếng tách dòng về hệ thống cống chính. Nước thải được tập trung về nhà máy xử lý lưu vực Bắc Sài Gòn I và nhà máy xử lý lưu vực phường Bình Chiểu, Suối Cái.

- Lưu vực thoát nước thải: Ngoài khu vực thuộc phường Bình Chiểu và lưu vực rạch Suối Cái, khu vực quận Thủ Đức nằm trong lưu vực thoát nước Bắc Sài Gòn I. Đối với các khu công nghiệp tập trung, nước thải được thu gom xử lý tại các trạm xử lý cục bộ.

+ Giai đoạn đầu: Tại các nhà máy xử lý nước thải cục bộ, tạm thời giai đoạn đầu, nước thải sinh hoạt phải được xử lý đạt QCVN 14:2008/BTNMT trước khi xả ra rạch hoặc vào cống thoát nước mưa. Đối với nước thải từ khu công nghiệp phải được xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT thay thế QCVN 24:2009/BTNMT.

+ Giai đoạn dài hạn: Nước thải được thu gom về nhà máy xử lý tập trung của thành phố và các nhà máy xử lý nước thải theo khu vực xử lý đạt TCVN 7222-2002.

- Tiêu chuẩn thoát nước:

+ Sinh hoạt: 180 (lít/người/ngày);

+ Công nghiệp: 40 (m3/ha/ngày).

- Tổng lượng nước thải sinh hoạt:

+ Đến năm 2015: 135.532 - 162.640 m3/ngày;

+ Đến năm 2020: 160.075 - 192.090 m3/ngày.

- Tổng lượng nước thải công nghiệp:

+ Đến năm 2015: 13.255 - 14.580 m3/ngày;

+ Đến năm 2020: 8.099 - 8.909 m3/ngày.

5.5.2. Xử lý chất thải rắn:

- Tiêu chuẩn rác thải:

+ Đối với rác sinh hoạt: 1,0 - 1,2 (kg/người/ngày);

+ Đối với rác thải công nghiệp: 0,5 (tấn/ha/ngày).

- Tổng lượng rác thải sinh hoạt:

+ Đến 2015: 460 tấn/ngày;

+ Đến 2020: 660 tấn/ngày.

- Tổng lượng rác thải công nghiệp:

+ Đến 2015: 190 tấn/ngày;

+ Đến 2020: 116 tấn/ngày.

- Phương án thu gom và xử lý rác: Bố trí 6 trạm ép rác kín, diện tích 0,3 ha để thu gom, vận chuyển rác về khu liên hợp xử lý rác tập trung của thành phố theo quy định.

- Nghĩa trang: xây dựng 2 nhà tang lễ, mỗi nhà tang lễ phục vụ 250.000 dân.

5.6. Bản đồ tổng hợp đường dây đường ống: Mạng lưới đường dây, đường ống có thể thay đổi và bố trí cụ thể hơn trong các bước thiết kế chi tiết tiếp theo và phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

6. Các điểm lưu ý của đồ án:

- Hồ sơ đồ án này được lập theo nội dung Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng và lập trước ngày 20 tháng 9 năm 2010 (ngày hiệu lực của Thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 11 tháng 8 năm 2010 của Bộ Xây dựng về quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị).

- Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận Thủ Đức mang tính định hướng phát triển không gian và quy hoạch tổng mặt bằng cho quận Thủ Đức trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung thành phố 2025 và Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung quận Thủ Đức được duyệt.

- Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức và Viện Quy hoạch xây dựng thành phố chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu đánh giá hiện trạng trong hồ sơ bản vẽ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận Thủ Đức.

- Hồ sơ đồ án này, tuyến đường sắt quốc gia quy hoạch xây dựng mới phía Tây thành phố, đoạn đi qua địa bàn quận Thủ Đức được xác định theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010.

Điều 2. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan:

- Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức, Ban Quản lý dự án quy hoạch xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, Viện Quy hoạch xây dựng chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu đánh giá hiện trạng và phải đảm bảo phù hợp quy chuẩn, quy định của các số liệu trong hồ sơ, bản vẽ trình duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

- Trên cơ sở nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng được duyệt này, giao Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng tổ chức lập Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc đô thị và Ban hành Quy định quản lý theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng quận Thủ Đức được duyệt; đồng thời rà soát và triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị để cụ thể hóa đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng quận Thủ Đức, làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung của đô thị và các dự án đầu tư xây dựng.

- Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng tổ chức công bố, công khai đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận Thủ Đức theo quy định tại Quyết định số 49/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về công bố công khai và cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Thủ Đức, Giám đốc Viện Quy hoạch xây dựng và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB: Các PVP;
- Các Phòng Chuyên viên;
- Lưu:VT, (ĐTMT-N) H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 5759/QĐ-UBND năm 2012 duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận Thủ Đức đến năm 2020 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 5759/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/11/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Hữu Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/11/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản