Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 14 tháng 3 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 1327/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 13/2008/QĐ-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2008 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thuỷ nội địa Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BGTVT-BKHĐT ngày 17 tháng 01 năm 2012 về việc hướng dẫn nội dung, trình tự lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 169/TTr-SGTVT ngày 21 tháng 02 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

- Tập trung đầu tư, tạo bước đột phá về phát triển giao thông vận tải; phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng, cả nước và hạ tầng các ngành kinh tế khác; chú trọng tính bền vững, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

- Phát triển hệ thống giao thông vận tải một cách đồng bộ, thống nhất bảo đảm được sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, đối nội, đối ngoại... tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

- Tập trung nguồn lực để đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống giao thông hiện có; đẩy nhanh tốc độ xây dựng các tuyến đường quan trọng theo quy hoạch được duyệt; tăng cường công tác quản lý, bảo trì.

- Phát triển vận tải theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, có sự quản lý của nhà nước.

- Phát huy nội lực, thu hút mọi thành phần kinh tế, từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều hình thức tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông;

2. Mục tiêu phát triển:

- Phát triển giao thông vận tải đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng, vận tải, công nghiệp giao thông vận tải tạo thành mạng l­ưới hoàn chỉnh, có khả năng liên kết thuận lợi các phương thức vận tải, đảm bảo thông suốt từ xã tới tỉnh, với các tỉnh, thành phố phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Giai đoạn 2011 – 2020: Tập trung nâng cấp mặt đường các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, một số tuyến đường huyện, đường đến trung tâm các xã khó khăn, đầu tư mở mới một số tuyến phục vụ công nghiệp, khu vực dân cư, đô thị.

- Giai đoạn 2021- 2030: Hoàn chỉnh, từng bước hiện đại hoá kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, nâng cao chất lượng khai thác, đảm bảo vận tải thông suốt toàn bộ mạng lưới đối nội và đối ngoại.

3. Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030:

3.1. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông:

a) Đường bộ:

- Đường cao tốc: Thực hiện theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1734/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2008.

- Quốc lộ: Thực hiện theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1327/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2009.

- Đấu nối vào quốc lộ: Thực hiện theo Quyết định số 66/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch các điểm đấu nối vào quốc lộ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Đường tỉnh: Cải tạo, nâng cấp, đưa vào cấp đường tỉnh với mục tiêu ở vùng đồng bằng đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV trở lên; vùng núi đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp V; các đoạn qua thị trấn, thành phố đạt tiêu chuẩn đường đô thị. Giai đoạn 2011-2020, xây dựng một số cầu nối với các tỉnh Thái Nguyên, Hải Dương và Bắc Ninh, xây dựng mới thay thế các cầu yếu, chịu tải trọng nhỏ trên các tuyến; phấn đấu tỷ lệ bê tông hoá, nhựa hoá hệ thống đường tỉnh đạt 100% vào năm 2015; chuyển một số đường huyện quan trọng lên thành đường tỉnh, kết hợp với đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc mở một số tuyến, đoạn tuyến mới ở những khu vực cần thiết…

- Giao thông nông thôn: Thực hiện Đề án Phát triển giao thông nông thôn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2010-2020 đã được thông qua tại Nghị quyết số 17/2009/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2009 của HĐND tỉnh Bắc Giang và Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

- Giao thông đô thị:

+ Phát triển giao thông đô thị được xây dựng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian và bố trí hạ tầng kỹ thuật của đô thị.

+ Phát triển đồng bộ hệ thống các tuyến đường, bến xe, bãi đỗ xe, kết cấu hạ tầng phục vụ xe buýt, bến cảng, nhà ga.

+ Đối với thành phố Bắc Giang, thực hiện theo quy hoạch “Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”.

+ Các thị trấn: Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông vận tải đối với các thị trấn phát triển (các đô thị loại 4 như: Thắng, Chũ, Nếnh, Vôi).

Quỹ đất dành cho giao thông đô thị đạt mức chuẩn đô thị loại II: 21-23%. đô thị loại IV, loại V: 16-18% đất xây dựng; phát triển đa dạng kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bảo đảm trật tự an toàn giao thông đô thị, vệ sinh môi trường.

b) Đường thuỷ nội địa: Thực hiện theo Quyết định số 13/2008/QĐ-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2008 của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020.

c) Đường sắt:

- Các tuyến đường sắt quốc gia: Quy hoạch đoạn tuyến đường sắt chạy qua địa phận tỉnh Bắc Giang thực hiện theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10/9/2009 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” và Quyết định số 348/QĐ-BGTVT ngày 20/02/2012 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng hệ thống giao cắt giữa đường sắt với đường bộ trên mạng lưới đường sắt Việt Nam.

- Đường sắt chuyên dùng: Giai đoạn 2011-2020: Khôi phục đoạn tuyến đường sắt nối đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn với Nhà máy Đạm và Hóa chất Hà Bắc, nâng cấp ga và bãi bốc xếp hàng hóa đáp ứng nhu cầu.

d) Bến bãi:

* Bến bãi đường bộ:

- Bến xe, bãi đỗ tĩnh:

+ Giai đoạn 2011-2020: Xây dựng thêm 18 bến xe khách và 11 bến xe hàng ở một số huyện, thành phố; xây dựng 34 bãi đỗ xe tĩnh trên địa bàn thành phố (khu đô thị trung tâm và các khu đô thị, dân cư mới), các thị trấn, thị tứ...

+ Giai đoạn 2021-2030: Xây dựng thêm 25 bãi đỗ xe tĩnh tại những nơi đông dân cư, thị trấn, thị tứ, khu vực chợ; Xây dựng các bãi đỗ xe tại các điểm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

- Trạm nghỉ dọc đường: Thực hiện khảo sát, xây dựng quy hoạch chi tiết trạm dừng nghỉ dọc theo các quốc lộ, đường tỉnh theo quy định tại Thông tư 24/2010/TT-BGTVT ngày 31/8/2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

* Quy hoạch bến bãi đường thủy nội địa:

- Cảng:

+ Đầu tư nâng cấp để nâng cao năng suất bốc xếp của cảng chuyên dụng Nhà máy đạm Hà Bắc.

+ Ổn định hoạt động khai thác cảng Á Lữ trong khi chờ đợi xây dựng cảng mới, nâng cấp đường vào cảng. Đầu tư xây dựng cảng hàng hóa phía hạ lưu cầu Xương Giang; quy hoạch xây dựng cảng mới ngoài quy hoạch địa bàn thành phố Bắc Giang, tại xã Tân Tiến và xã Đồng Sơn huyện Yên Dũng, xây dựng đường bộ kết nối với cảng; khi cảng mới hoạt động chuyển cảng Á Lữ thành cảng phục vụ du lịch.

+ Đầu tư xây dựng cảng hàng hóa, có khả năng xếp dỡ hàng container ở phía hạ lưu cầu Như Nguyệt (trên sông Cầu) thuộc địa bàn xã Quang Châu hoặc xã Vân Trung huyện Việt Yên.

+ Xây dựng cảng phục vụ nhà máy nhiệt điện Yên Lư, Yên Dũng và Lục Nam.

+ Đầu tư xây dựng kho, bãi; phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thiết bị bốc xếp container cho 2 cảng mới được xây dựng.

- Bến thuỷ nội địa:

+ Điều tra, khảo sát quy hoạch phát triển bến thủy nội địa trên toàn tỉnh để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

+ Hỗ trợ xây dựng bến, phương tiện chở khách cho các bến trọng điểm, nhiều khách, học sinh qua lại bến.

+ Xây dựng lắp đặt báo hiệu đường thủy nội địa nơi có bến thủy nội địa.

+ Đầu tư xây dựng một số cụm bến, bến thủy nội địa có năng lực bốc xếp, thông qua lớn; tập trung ưu tiên đầu tư một số bến thủy nội địa quan trọng: Bến Bố Hạ, Nhãn, Lục Nam, Trại Một, Vát, Xuân Đám...

- Bến khách ngang sông:

+ Trên cơ sở 89 bến khách ngang sông hiện có, quy hoạch lại cho hợp lý và xây dựng phương án tổ chức quản lý bến khách ngang sông thống nhất trong toàn tỉnh, bỏ bớt những bến quá gần nhau, khoảng cách giữa 2 bến tối thiểu 1.000 m.

+ Đầu tư cứng hóa bến, đường lên xuống bến cho những bến khách ngang sông chưa được đầu tư xây dựng;

+ Đầu tư lắp đặt báo hiệu, xây dựng nhà chờ cho các bến khách ngang sông.

e) Cảng cạn:

Theo Quyết định số 2223/QĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang dự kiến xây dựng cảng cạn gần khu vực quốc lộ 1 tại khu vực Kép (huyện Lạng Giang) hoặc xã Tân Tiến (huyện Yên Dũng) giai đoạn đến năm 2020 có quy mô 30ha, giai đoạn sau năm 2030 có quy mô trên 50 ha có đầy đủ các bộ phận hải quan, thuế, dịch vụ vận chuyển, xếp dỡ.

3.2. Quy hoạch phát triển vận tải và phương tiện:

a) Đường bộ:

Vận tải hàng hóa: Khối lượng vận tải đến năm 2020 đạt 21,7 triệu tấn, đến năm 2030 đạt 53 triệu tấn, tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 là 11%/năm, giai đoạn 2021-2030 là 9%/năm.

Vận tải hành khách: Khối lượng vận tải đến năm 2020 đạt 40,5 triệu HK, đến năm 2030 đạt 104 triệu hành khách, tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 là 12%/năm, giai đoạn 2021-2030 là 10%/năm.

Vận tải khách công cộng đô thị: Đến năm 2015 vận chuyển được khoảng 30%, năm 2020 đảm bảo vận chuyển được khoảng 40% nhu cầu; từng bước tổ chức nâng cao chất lượng vận tải khách nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại.

b) Đường thủy nội địa:

Khối lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa đến 2020 đạt 2,42 triệu tấn, năm 2030 đạt 2,98 triệu tấn, tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 là 16%, giai đoạn 2021-2030 là 3%.

3.3. Công nghiệp giao thông vận tải:

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp đóng mới, lắp ráp phương tiện vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

- Củng cố phát triển các cơ sở sửa chữa, gia công cơ khí, khuyến khích các tập thể cá nhân xây dựng các cơ sở sửa chữa có năng lực sản xuất và quy mô lớn.

- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh.

3.4. Quy hoạch phát triển Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới, đào tạo, dạy nghề và sát hạch lái xe:

* Giai đoạn 2011 – 2020:

- Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới: Tiếp tục đầu tư, nâng cấp trang thiết bị hiện đại cho Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hiện có.

+ Giai đoạn 2011 – 2015: Đầu tư thêm 1 dây chuyền kiểm định xe con tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hiện có,

+ Giai đoạn 2016 – 2020: Đầu tư thêm 1 dây chuyền tại khu vực thị trấn Kép, huyện Lạng Giang để đáp ứng nhu cầu, xu hướng phương tiện tăng cao trong những năm tới.

- Về cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch:

+ Duy trì, nâng cao chất lượng đào tạo lái xe tại các cơ sở hiện có; lưu lượng đào tạo tại mỗi cơ sở đến năm 2015 đạt từ 700 đến 1.200 học viên, đến năm 2020 đạt từ 900 đến 1.300 học viên. Nâng cao, mở rộng mô hình, quy mô, tính chất đào tạo ngành nghề; đầu tư, xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, giáo viên… đủ điều kiện nâng lưu lượng đào tạo lái xe ô tô các hạng ở tất cả các cơ sở đào tạo.

+ Duy trì và đầu tư nâng cấp để nâng cao lưu lượng, chất lượng sát hạch lái xe tại các trung tâm sát hạch hiện có.

+ Đầu tư thêm 1 trung tâm sát hạch lái xe loại 1, nâng cấp 1 trung tâm sát hạch loại 2 hiện có lên thành trung tâm sát hạch loại 1.

+ Xây dựng thêm 2 cơ sở đào tạo lái xe với lưu lượng đào tạo tại mỗi cơ sở tối thiểu 350 học viên, 1 cơ sở tại huyện Lục Ngạn, 1 cơ sở tại huyện Hiệp Hoà.

* Giai đoạn 2021-2030:

- Xây dựng thêm 01 dây chuyền kiểm định tại phía Nam thành phố Bắc Giang (đến năm 2025).

- Cơ sở đào tạo lái xe:

+ Đầu tư duy trì, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo hiện có hiện có; lưu lượng đào tạo tại mỗi cơ sở đến năm 2030 đạt từ 1.300 học viên đến 1.500 học viên.

+ Xây dựng thêm 2 cơ sở đào tạo lái xe với lưu lượng tối thiểu 500 học viên.

- Trung tâm sát hạch: Đầu tư duy trì, nâng cao chất lượng, lưu lượng sát hạch tại các trung tâm hiện có.

3.5. Công tác quản lý, bảo trì:

Thực hiện công tác quản lý bảo trì theo các quy định hiện hành của Nhà nước; Xây dựng kế hoạch quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh từ hệ thống quốc lộ đến hệ thống đường GTNT, kế hoạch vốn cho công tác quản lý bảo trì và sử dụng các nguồn vốn được phân bổ một cách hiệu quả; Tăng cường áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý bảo trì nhằm tăng hiệu quả đồng vốn bảo trì cũng như đảm bảo chất lượng khai thác tốt của công trình.

Huy động các nguồn lực vào công tác quản lý, bảo trì như từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, từ đóng góp của nhân dân và các nguồn vốn khác.

3.6. Nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải:

Nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đến năm 2020 khoảng 9.835 ha chiếm 2,56% diện tích toàn tỉnh, trong đó:

+ Đất cho hệ thống đường bộ là 9.790 ha;

+ Đất dành cho giao thông đ­ường sắt (đất cho đường sắt và nhà ga) là 350 ha;

+ Đất cho cơ sở hạ tầng bến bãi 5,96 ha (chưa bao gồm đất cho cảng cạn).

Nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đến năm 2030 khoảng 12.395 ha, chiếm khoảng 3,25% diện tích toàn tỉnh (tăng thêm 2.560 ha) trong đó:

+ Đất giành cho giao thông đường bộ: 11.999 ha (gồm: Đường cao tốc, quốc lộ: 1.267,06 ha; Đường tỉnh: 985 ha; Đường GTNT, đô thị: 10.013 ha);

+ Đất cho bến bãi đường bộ: 45,15 ha;

+ Đất giành cho đường sắt: 350 ha.

3.7. Nhu cầu vốn đầu tư và bảo trì:

Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2011 – 2030 khoảng 40.074 tỷ đồng, trong đó:

- Giai đoạn 2011 – 2020: 21.063 tỷ đồng (Cao tốc, Quốc lộ: 9.073 tỷ đồng; Đường địa phương: 11.990 tỷ đồng).

- Giai đoạn 2021-2030: 19.011 tỷ đồng (Cao tốc, quốc lộ: 9.365 tỷ đồng; đường địa phương: 8.505 9.646 tỷ đồng).

- Giai đoạn đến năm 2015 ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến ĐT.293 và các tuyến nhánh vào Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm; ĐT.295 (toàn tuyến và xây dựng cầu Đông Xuyên); ĐT295B; Đường nối từ ĐT398 đi QL18, các tuyến QL.31, QL.1, QL.37... với tổng số vốn là 6.253 tỷ đồng.

b) Vốn bảo trì đường:

Vốn bảo trì cho đường quốc lộ và đường tỉnh do Ngân sách Trung ương và Ngân sách tỉnh cấp, còn đối với đường huyện và giao thông nông thôn, bảo trì chủ yếu mang tính chất khẩn cấp mà không mang tích chất ổn định liên tục; nguồn vốn dành cho bảo trì đường giao thông nông thôn từ cấp xã trở xuống chủ yếu từ nhân dân đóng góp. Nguồn kinh phí cho bảo trì đường giao thông nông thôn được tính phân bổ theo cơ chế vốn đầu tư trong Đề án phát triển giao thông nông thôn.

c) Các nguồn vốn đầu tư phát triển vận tải, xây dựng cơ sở hạ tầng bến, bãi, phát triển công nghiệp giao thông vận tải, phát triển đường thuỷ, đường sắt do cơ quan quản lý tự bố trí kinh phí hoặc sử dụng các nguồn vốn xã hội hoá.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

- Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm gửi hồ sơ Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cho UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan; đồng thời chủ trì tổ chức công bố, quản lý và thực hiện quy hoạch theo đúng quy định hiện hành.

- Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông vận tải thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; Sở Giao thông vận tải, các Sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lại Thanh Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 71/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành

  • Số hiệu: 71/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/03/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Lại Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/03/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản