Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 706/QĐ-UB-NC

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 3 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH .

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 06 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân ngày 02 tháng 5 năm 1991 của Hội đồng Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 38/HĐBT ngày 28-1-1992 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thi hành pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân;
Căn cứ Chỉ thị số 18/TTg ngày 15 tháng 01 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ về công tác tổ chức tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;
Xét tình hình thực tế về việc khiếu nại, tố cáo của công dân ở thành phố và xét đề nghị của Chánh thanh tra thành phố

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 .- Nay ban hành quy định về việc phân công, phân cấp giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2 .- Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3 .- Các ông Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Sang

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 706/QĐ-UB-NC ngày 11/03/1994 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Ngày 2 tháng 5 năm 1991. Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân. Tiếp sau đó Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Nghị định số 38/HĐBT ngày 28 tháng 01 năm 1992 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh khiếu nại,tố cáo.

Hơn hai năm thi hành Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân, các ngành, các cấp ở thành phố đã có quyết tâm cao, giải quyết được nhiều khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tăng cường trật tự kỷ cương trong quản lý nhà nước, kinh tế, xã hội, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ và nhân dân. Tuy vậy, việc giải quyết khiếu nại và tố cáo còn nhiều thiếu sót: Tồn đọng lớn, chuyển đơn lòng vòng, giải quyết chậm, thực hiện không đúng thẩm quyền, thời hạn quy định, trình tự và thủ tục chưa đi vào nền nếp.

Để tổ chức thi hành nghiêm chỉnh Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân, tôn trọng quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và để khắc phục các thiếu sót nêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố quy định việc phân công phân cấp giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn thành phố như sau:

Chương Một

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CHUNG.

Điều 1 .- Thủ trưởng các ngành, các cấp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục, thời hạn pháp luật quy định. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải thực hiện bằng quyết định của cấp có thẩm quyền.

Điều 2 .-Thủ trưởng các ngành, các cấp phải tổ chức tốt việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo. Đối với vụ việc khiếu tố thuộc thẩm quyền thì thụ lý và giải quyết, không thuộc thẩm quyền thì trả lại đơn và hướng dẫn đương sự gởi đúng địa chỉ cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp tố cáo nặc danh có chứng cứ cụ thể thuộc thẩm quyền thì thụ lý giải quyết.

Điều 3 .- Thủ trưởng các ngành, các cấp phải tôn trọng và có trách nhiệm tổ chức cho đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, thực hiện quyền giám sát, tham gia giải quyết các khiếu nại và tố cáo của công dân.

Điều 4 .- Ban thanh tra nhân dân ở phường, xã, thị trấn, ở cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải tạo điều kiện thuận lợi để Ban Thanh tra thực hiện nhiệm vụ của mình.

Chương Hai

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT KHIẾU NAI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN

Điều 5 .- Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính của chính mình, khiếu nại đối với cán bộ, nhân viên thuộc quyền mà nội dung khiếu nại liên quan đến phạm vi quản lý của mình. Giải quyết các tố cáo về hành vi trái pháp luật đối với cán bộ, nhân viên thuộc quyền.

Giải quyết tố cáo đối với hành vi trái pháp luật của cán bộ, nhân viên thuộc quyền.

Điều 6 .- Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị thuộc quận, huyện có thẩm quyền và có trách nhiệm giải quyết đối với khiếu nại quyết định hành chính của chính mình, khiếu nại đối với cán bộ, nhân viên thuộc quyền mà nội dung khiếu nại liên quan đến phạm vi quản lý của mình. Giải quyết các tố cáo về hành vi trái pháp luật đối với cán bộ, nhân viên thuộc quyền.

Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn theo chế độ quản lý chuyên ngành.

Điều 7.- Chánh Thanh tra quận, huyện có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính của chính mình, khiếu nại đối với cán bộ thuộc quyền mà nội dung khiếu nại liên quan đến phạm vi quản lý của mình. Giải quyết lần thứ hai đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn và của thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị thuộc quận, huyện khi đương sự còn khiếu nại hoặc phát hiện có tình tiết mới hoặc phát hiện việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Giải quyết các tố cáo về hành vi trái pháp luật của cán bộ, nhân viên Thanh tra quận, huyện. Giải quyết lại các quyết định giải quyết tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn và của thủ trưởng phòng, ban, đơn vị thuộc quận, huyện đã giải quyết khi phát hiện việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc phát hiện có tình tiết mới.

Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện ra quyết định giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân quận, huyện khi được giao.

Điều 8 .- Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết đối với khiếu nại về quyết định hành chính của chính mình, khiếu nại đối với cán bộ thuộc quyền mà nội dung khiếu nại liên quan đến trách nhiệm quản lý của mình. Xem xét và ra quyết định, giải quyết cuối cùng đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh Thanh tra quận, huyện đã giải quyết khi đương sự còn khiếu nại, phát hiện việc giải quyết có dấu hiện vi phạm pháp luật hoặc phát hiện tình tiết mới. Giải quyết các khiếu nại do Chánh thanh tra thành phố kháng nghị.

Giải quyết các tố cáo đối với thủ trưởng cấp dưới trực tiếp mà nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý của mình.

Điều 9 .- Thủ trưởng phòng, ban, đơn vị trực thuộc sở và tương đương có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết đối với khiếu nại về quyết định hành chính của chính mình, khiếu nại đối với cán bộ, nhân viên thuộc quyền mà nội dung khiếu nại liên quan đến phạm vi quản lý của mình.

Giải quyết việc tố cáo đối với hành vi trái pháp luật của cán bộ, nhân viên của phòng, ban, đơn vị mà nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý của minh.

Điều 10.- Chánh Thanh tra sở, ban, ngành thành phố có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính của chính mình, khiếu nại đối với cán bộ thuộc quyền mà nội dung khiếu nại liên quan đến phạm vi quản lý của mình. Giải quyết lần thứ hai đối với quyết định về giải quyết khiếu nại của thủ trưởng, phòng, ban, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của sở ngành nhưng đương sự còn khiếu nại hoặc phát hiện có tình tiết mới hoặc phát hiện việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Giải quyết việc tố cáo đối với các hành vi trái pháp luật của cán bộ, nhân viên Thanh tra sở. Giải quyết lại đối với việc tố cáo đã được thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của sở ngành giải quyết mà xét thấy việc giải quyết đó vi phạm pháp luật, có tình tiết mới, do đương sự tiếp tục khiếu nại.

Giúp thủ trưởng sở, ban, ngành giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của thủ trưởng sở, ban, ngành.

Điều 11 .- Thủ trưởng sở, ban, ngành thành phố có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết đối với khiếu nại về quyết định hành chính của chính mình, khiếu nại đối với cán bộ thuộc quyền mà nội dung khiếu nại liên quan đến phạm vi quản lý của mình. Xem xét và ra quyết định giải quyết cuối cùng đối với khiếu nại mà Chánh Thanh tra sở đã giải quyết khi đương sự còn khiếu nại; phát hiện có tình tiết mới hoặc phát hiện việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Giải quyết khiếu nại do Chánh thanh tra thành phố kháng nghị.

Giải quyết đối với tố cáo về hành vi trái pháp luật của Trưởng phòng, ban, đơn vị thuộc sở, ban, ngành mình.

Điều 12 .- Chánh Thanh tra thành phố có trách nhiệm giải quyết đối với khiếu nại về quyết định hành chính của chính mình, khiếu nại đối với cán bộ thuộc quyền mà nội dung khiếu nại liên quan đến phạm vi quản lý của mình. Giải quyết khiếu nại về quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và của thủ trưởng sở, ban, ngành thành phố đã giải quyết lần đầu khi đương sự còn khiếu nại, phát hiện có tình tiết mới hoặc phát hiện việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Xem xét và kháng nghị đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh Thanh tra sở, ban, ngành thành phố và Chánh Thanh tra quận, huyện.

Giải quyết việc tố cáo về hành vi trái pháp luật của cán bộ, nhân viên Thanh tra thành phố. Giải quyết lại đối với tố cáo do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và Thủ trưởng Sở, ban, ngành thành phố đã giải quyết khi phát hiện có tình tiết mới hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết đối với khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố khi được giao.

Điều 13 .- Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết:

1- Khiếu nại đối với quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân thành phố, khiếu nại đối với cán bộ thuộc quyền quản lý trực tiếp mà nội dung khiếu nại liên quan đến phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố.

2- Xem xét và quyết định giải quyết cuối cùng đối với khiếu nại mà Chánh Thanh tra thành phố đã giải quyết, khi:

a) Đương sự còn khiếu nại;

b) Phát hiện có tình tiết mới hoặc phát hiện việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

c) Có kháng nghị của Tổng Thanh tra Nhà nước.

3- Giải quyết các tố cáo đối với Thủ trưởng cấp dưới trực tiếp mà nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố.

Chương Ba

VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI THEO PHÂN CẤP CHUYÊN NGÀNH

Điều 14 .- Khiếu nại về việc vi phạm pháp luật trong tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và các khiếu nại thuộc chuyên ngành đã được các Luật, Pháp lệnh hoặc văn bản pháp quy khác quy định thì được giải quyết theo các Luật Pháp lệnh hoặc văn bản pháp quy đó. Khiếu nại về việc vi phạm điều lệ hoạt động thì được giải quyết theo điều lệ của tổ chức đó.

Điều 15.- Khiếu nại về tranh chấp đất đai chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp thì Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có nhiệm vụ hòa giải, không có thẩm quyền ra quyết định giải quyết.

Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm giải quyết đối với việc tranh chấp đất đai giữa cá nhân và cá nhân, cá nhân với tổ chức, giữa tổ chức với tổ chức. Nếu tổ chức đó thuộc quyền quản lý của quận, huyện. Sau khi giải quyết mà đương sự còn tiếp tục khiếu nại thì do Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết. Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố có hiệu lực thi hành.

Điều 16.- Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về đất đai giữa tổ chức với tổ chức, giữa tổ chức với hộ gia định – cá nhân nếu tổ chức đó thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố hoặc của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố.

Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố đã giải quyết tranh chấp, đương sự có quyền khiếu nại lên cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên. Quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên trực tiếp có hiệu lực thi hành.

Cơ quan quản lý đất đai ở quận, huyện, thành phố giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp giải quyết tranh chấp đất đai.

Điều 17.- Các tranh chấp về quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất đã có giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tranh chấp về tài sản gắn liền với việc sử dụng đất đó thì do Tòa án giải quyết.

Điều 18.- Khiếu nại về đất đai như cấp đất, điều chỉnh đất, thu hồi đất, do vẽ bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… thủ trưởng cơ quan nào ra quyết định thì phải có trách nhiệm xem xét giải quyết khiếu nại. Sau khi giải quyết mà đương sự còn khiếu nại thì Thủ trưởng cấp trên giải quyết theo đúng quy định của Luật đất đai.

Điều 19.- Khiếu nại về nhà như: hợp thức hóa chủ quyền nhà, các quyết định hành chính cho mua bán nhà, ủy quyền nhà, giải quyết nhà diện xuất cảnh, điều chỉnh, xin lại chủ quyền nhà… cơ quan nào ra quyết định thì phải có trách nhiệm xem xét giải quyết khiếu nại lần đầu. Các lầntiếp theo được giải quyết theo quy định của Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo và Chương II của quy định này.

Điều 20.- Khiếu nại về cấp giấy phép xây dựng, sửa chữa nhà do cơ quan nào cấp giấy phép thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần đầu. Ở các quận, huyện, thủ trưởng ngành quản lý đô thị - nhà đất - xây dựng giải quyết lần đầu. Ở cấp thành phố, Kiến trúc sư trưởng giải quyết lần đầu. Các lần tiếp theo được giải quyết theo quy định của Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân và Chương II của quy định này.

Điều 21.- Khiếu nại về xây dựng, lấn chiếm trái phép do thủ trưởng ngành quản lý đô thị - nhà đất - xây dựng quận, huyện giải quyết lần đầu. Ở cấp thành phố, Kiến trúc sư trưởng giải quyết lần đầu. Các lần tiếp theo được giải theo quy định của Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân và Chương II của quy định này.

Điều 22 .- Khiếu nại về quyết định phạt tiền, đình chỉ xây dựng, tạm đình chỉ buộc tháo dỡ công trình xây dựng thì cơ quan nào ra quyết định, thủ trưởng cơ quan đó có trách nhiệm xem xét giải quyết. Sau khi giải quyết mà đương sự còn khiếu nại hoặc phát hiện có tình tiết mới hoặc phát hiện việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp ra quyết định giải quyết. Quyết định của thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp có hiệu lực thi hành.

Điều 23 .- Khiếu nại về bắt buộc lao động cơ quan nào ra quyết định thì phải có trách nhiệm xem xét giải quyết. Ở cấp thành phố Giám đốc Sở Tư pháp tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết cuối cùng. Khiếu nại về tập trung giáo dục cải tạo do Sở Tư pháp tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, đề nghị Bộ Nội vụ giải quyết. Đối với khiếu nại về hộ tịch (đăng ký sinh, tử, kết hôn, thay đổi hộ tịch…) do cơ quan tư pháp giải quyết theo pháp luật hiện hành.

Điều 24 .- Khiếu nại về hộ khẩu (đăng ký hộ khẩu, chuyển hộ khẩu, nhập hộ khẩu, xóa hộ khẩu…) thuộc diện dân do Công an thành phố giải quyết; thuộc diện cán bộ công nhân viên biên chế Nhà nước có bằng Đại học và chuyên viên trở lên do Ban Tổ chức chánh quyền thành phố giải quyết; diện cán bộ nghỉ hưu, nghỉ mất sức và công nhân kỹ thuật do Sở Lao động và Thương binh xã hội giải quyết. Khi đương sự còn khiếu nại, phát hiện có tình tiết mới hoặc phát hiện việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết cuối cùng ở thành phố.

Điều 25 .- Khiếu nại về quyết định xử phạt hành chính, thủ trưởng cơ quan đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm và quyền hạn ra quyết định giải quyết. Nếu đương sự còn khiếu nại, phát hiện có tình tiết mới hoặc phát hiện việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp xem xét và ra quyết định giải quyết khiếu nại. Quyết định của thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp có hiệu lực thi hành.

Cá nhân tổ chức bị xử phạt hành chính phải thi hành ngay kể từ lúc được giao quyết định- trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực mà đương sự không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành.

Điều 26.- Căn cứ để xem xét ra quyết định cuối cùng hoặc để kháng nghị là phát hiện có tình tiết mới hoặc giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật:

1- Tình tiết mới là những chứng cứ đã có từ trước mà trong quá trình giải quyết, cơ quan có thẩm quyền chưa phát hiện được và với chứng cứ đó thì việc khiếu nại phải được giải quyết lại mới bảo đảm tình đúng đắn.

2- Dấu hiệu vi phạm pháp luật là những dấu hiệu chứng tỏ khi quyết định giải quyết đã áp dụng không đúng các quy định của pháp luật, hoặc cơ quan có thẩm quyền đã vi phạm thủ tục giải quyết, gây thiệt hại lợi ích Nhà nước, của xã hội hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Điều 27.- Quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh.

1- Cá nhân có trách nhiệm mà không thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thì tùy theo mức độ vi phạm nặng hoặc nhẹ, thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp cá nhân đó có thể áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật hành chính, trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đề nghị cơ quan pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 127 Bộ luật Hình sự.

2- Nếu người khiếu nại, người bị khiếu nại hoặc những người liên quan không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thích hợp theo quy định của pháp luật buộc họ phải thực hiện.

Người nào lợi dụng quyền khiếu nại để gây rối trật tự công cộng thì tùy theo mức độ vi phạm nặng hoặc nhẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 198 Bộ luật Hình sự.

3- Nếu thủ trưởng có trách nhiệm mà không áp dụng biện pháp cần thiết nói tại khoản 1 và 2 điều này để thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thì tùy theo mức độ vi phạm nặng hoặc nhẹ có thể bị lý kỷ luật hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 220 của Bộ luật Hình sự.

Chương Bốn

VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 28 .- Thủ trưởng các ngành, các cấp phải có các biện pháp tập trunggiải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, nhất là về đất đai, nhà cửa, xây dựng. Việc giải quyết phải thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn và phải ra quyết định giải quyết đúng Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo.

Thời hạn giải quyết lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, các lần tiếp sau mỗi lần không quá 60 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị hoặc đơn khiếu nại. Nếu phải tiến hành thanh tra thì thời hạn theo quy định của Pháp lệnh về thanh tra.

Điều 29 .- Thủ trưởng các ngành, các cấp có trách nhiệm chỉ đạo chặc chẽ việc lập hồ sơ, sổ sách, thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về công tác giải quyết khiếu tố. Phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức thuộc quyền thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của các ngành, các cấp có thẩm quyền mà cơ quan, đơn vị mình có trách nhiệm thi hành.

Điều 30 .- Thủ trưởng các ngành, các cấp của thành phố phải dành thời gian ít nhất một buổi trong 1 tuần để tiếp dân, trực tiếp nghe đương sự trình bày các khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của cấp mình.

Việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại chỉ được tiến hành tại trụ sở cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 31 .- Thủ trưởng các ngành, các cấp phải củng cố lại các bộ phận làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường cán bộ có khả năng, đạo đức tốt cho lĩnh vực công tác này.

Phải thực hiện khen thưởng kịp thời đối với cơ quan, cán bộ, nhân viên lập nhiều thành tích trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, nhân viên vi phạm quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Điều 32 .- Cơ quan thanh tra nhà nước các cấp của thành phố có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 33 .- Ba tháng kể từ ngày ban hành bản Quy định này, Thủ trưởng các sở, ngành thành phố: Sở Nhà đất, Ban Quản lý đất đai, Sở Xây dựng, Công an thành phố, Thanh tra thành phố, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng có trách nhiệm soạn thảo thống nhất với Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành bản hướng dẫn về việc giải quyết các tranh chấp khiếu nại, tố cáo về các lĩnh vực mình phụ trách: nhà đất, đất đai, xây dựng, xử phạt vi phạm hành chính.

 

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 706/QĐ-UB-NC năm 1994 về việc phân công, phân cấp giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 706/QĐ-UB-NC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/03/1994
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trương Tấn Sang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/03/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 11/11/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản