Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 678/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 18 tháng 05 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG NĂM CAO ĐIỂM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Kế hoạch số 52/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 22/01/2016 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm năm 2016;

Căn cứ Quyết định số 629/QĐ-BNN-QLCL ngày 02/3/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch hành động Năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động Năm cao điểm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Công Thương; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- LĐ UBND tỉnh;
- Báo ĐBP, Đài PTTH tỉnh;
- Lưu: VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lò Văn Tiến

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

NĂM CAO ĐIỂM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 678/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên)

I. MỤC TIÊU

1. Tiếp tục ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản;

2. Giảm thiểu rõ nét vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xây dựng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

II. KẾT QUẢ VÀ CHỈ SỐ CẦN ĐẠT

1. Tăng cường lấy mẫu giám sát tại các vùng khác nhau về kiểm tra tồn dư thuốc BVTV, chất bảo quản trong rau, quả, chè; tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm thịt, thủy sản nuôi, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt...;

2. Giảm thiểu ô nhiễm vi sinh vật có hại trong quá trình giết mổ vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm;

3. Tỷ lệ đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh (SXKD) vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản xếp loại C (không đạt điều kiện đảm bảo ATTP) được nâng hạng A/B tăng 10% so với năm 2015 (năm 2015 số cơ sở đánh giá xếp loại C: 225 cơ sở);

4. Tạo được chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn và tổ chức kiểm tra, giám sát, cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn và công khai tại nơi bày bán cho người tiêu dùng;

5. Nhận thức, trách nhiệm của đơn vị, cá nhân SXKD về an toàn thực phẩm (ATTP), niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm an toàn có xác nhận được nâng cao;

6. Cơ chế phối hợp giữa các phòng, ban, cơ quan, đơn vị của tỉnh về công tác quản lý an toàn thực phẩm được tăng cường và có hiệu quả.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM

1. Thông tin, truyền thông về ATTP trong SXKD, tiêu dùng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn và tập huấn kiến thức ATTP

- Tuyên truyền về tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng và thiệt hại kinh tế đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân SXKD khi sử dụng chất cấm hoặc lạm dụng thuốc BVTV, thuốc thú y, kháng sinh, hóa chất cấm; hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, áp dụng sản xuất theo hướng an toàn, đặc biệt không sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia, thuốc BVTV, thuốc thú y ngoài danh mục; tuân thủ 4 đúng: "đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách" về sử dụng thuốc BVTV, thuốc thú y; phổ biến, hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết và ủng hộ sản phẩm an toàn có xác nhận;

- Tuyên truyền, phổ biến đến đơn vị, tổ chức, cá nhân SXKD nông, lâm, thủy sản biết về các mức xử phạt vi phạm hành chính và có thể bị truy tố hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh ATTP trong Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015; Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP;

- Tập huấn và cấp giấy xác nhận về kiến thức ATTP cho người sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản và kinh doanh;

- Thông tin đầy đủ, kịp thời về hiện trạng an toàn thực phẩm đối với từng loại thực phẩm nông, lâm, thủy sản và hướng dẫn, khuyến nghị cách ứng xử phù hợp cho người tiêu dùng;

- Công khai các đơn vị, tổ chức, cá nhân SXKD thực phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm chất lượng ATTP, đồng thời công khai cơ sở loại C (không đạt điều kiện đảm bảo ATTP), cơ sở sản xuất sản phẩm không an toàn, cơ sở vi phạm về ATTP.

2. Giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm

- Tổ chức lấy mẫu giám sát, cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở SXKD vi phạm các quy định về chất lượng ATTP;

- Phát hiện, triệt phá các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, hóa chất, kháng sinh, phân bón, thuốc BVTV, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản;

- Tổ chức kiểm tra, phân loại 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN) và nông, lâm, thủy sản trên địa bàn quản lý; tái kiểm tra 100% cơ sở xếp loại C và xử lý dứt điểm đối với cơ sở sau khi tái kiểm tra vẫn xếp loại C theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Triển khai kiểm tra và hướng dẫn cho cấp huyện, xã tổ chức triển khai Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

- Kiểm tra, thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở SXKD sản phẩm nông, lâm, thủy sản;

- Tăng cường thanh tra chuyên ngành, đột xuất các cơ sở tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh VTNN và thực phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng VTNN và ATTP nông, lâm, thủy sản theo quy định của pháp luật.

3. Hỗ trợ kết nối sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn

- Cung cấp thông tin về các cơ sở SXKD nông, lâm, thủy sản đã được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh; thông tin địa chỉ nơi bày bán sản phẩm nông, lâm, thủy sản ATTP có xác nhận;

- Kiểm tra và cấp giấy xác nhận thực phẩm an toàn cho cơ sở bày bán sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo Công văn số 2764/QLCL-CL2 ngày 03/11/2015 của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản về việc triển khai thí điểm xác nhận sản phẩm an toàn;

- Kiểm tra, giám sát sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, đánh giá, cảnh báo nguy cơ và truy xuất, xử lý các trường hợp vi phạm. Trọng tâm, trọng điểm giám sát là chỉ tiêu dư lượng thuốc BVTV trên rau, quả; dư lượng kháng sinh hóa chất cấm trong chăn nuôi; chất bảo quản sản phẩm nông, lâm, thủy sản không có trong danh mục được phép sử dụng;

- Xây dựng mô hình chuỗi sản xuất rau, thịt an toàn theo hướng VietGAP thí điểm trên địa bàn tỉnh.

4. Nâng cao năng lực

- Tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh;

- Kiện toàn tổ chức bộ máy và thanh tra chuyên ngành chất lượng VTNN ATTP nông, lâm, thủy sản theo thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BNNPTNT- BNV và Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT về tổ chức bộ máy ngành nông nghiệp ở địa phương;

- Đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động kiểm tra giám sát, đặc biệt là các trang thiết bị kiểm tra nhanh tại hiện trường.

(Nội dung chi tiết và phân công tại phụ lục kèm theo)

IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện được trích từ nguồn ngân sách địa phương đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành và các huyện, thị xã, thành phố theo kế hoạch hàng năm và các nguồn vốn hỗ trợ, bổ sung (nếu có), để thực hiện các nhiệm vụ:

- Thông tin, truyền thông về ATTP trong SXKD, tiêu dùng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn và tập huấn kiến thức ATTP;

- Giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm;

- Hỗ trợ kết nối sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn (xây dựng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn);

- Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát (mua sắm trang thiết bị phục vụ thanh tra, kiểm tra và thông tin tuyên truyền).

* Đối với nguồn kinh phí bổ sung: Sở Nông nghiệp và Phát triển, nông thôn có trách nhiệm lập dự toán chi tiết từng nội dung nhiệm vụ, gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai xây dựng kế hoạch từng nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo tiến độ;

- Phối hợp với các sở, ngành, UBND các cấp có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả;

- Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch, định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực hiện theo quy định;

- Chỉ đạo các đơn vị, phòng ban chuyên môn căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công, lập dự toán kinh phí chi tiết cho từng nhiệm vụ cụ thể, tổng hợp gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí để triển khai các nội dung trong Kế hoạch này.

3. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Điện Biên Phủ, Cổng Thông tin điện tử tỉnh

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin kịp thời về thực hiện Kế hoạch hành động năm cao điểm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền vận động các đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Kịp thời đưa tin đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm để nhân dân phòng tránh.

4. UBND các huyện, thị xã, thành phố

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng và phê duyệt kế hoạch cụ thể để thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn theo phân cấp; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Kế hoạch hành động năm cao điểm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn.

5. Chế độ báo cáo

Định kỳ ngày 25 hàng tháng, UBND các huyện, thị xã, thành phố gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định./.

 

PHỤ LỤC

PHÂN CÔNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 678/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2016 của UBND tỉnh Điện Biên)

TT

Nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

I

Thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn

 

 

 

1

Tuyên truyền về tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng và thiệt hại kinh tế đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khi sử dụng chất cấm hoặc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh, hóa chất cấm

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản)

Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật; UBND các huyện, thị xã, thành phố

Trong năm 2016

2

Tuyên truyền, hướng dẫn đơn vị, tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm; không lạm dụng chất xử lý, cải tạo môi trường

Sở Nông nghiệp và PTNT (Phòng Chăn nuôi - Thủy sản)

Chi cục Thú y, Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản, UBND các huyện, thị xã, thành phố

Trong năm 2016

3

Tuyên truyền, hướng dẫn đơn vị, tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm không sử dụng kháng sinh cấm; không lạm dụng thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Thú y)

Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản; UBND các huyện, thị xã, thành phố

Trong năm 2016

4

Tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng; không lạm dụng hóa chất bảo quản, kích thích tăng trưởng, hóa chất cấm; phổ biến áp dụng phòng trị dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất rau.

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Bảo vệ Thực vật);

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Trong năm 2016

5

Quảng bá các sản phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản an toàn

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục QLCL NL&TS)

Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật; Báo Điện Biên Phủ; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Cổng TTĐT tỉnh.

Trong năm 2016

6

Tuyên truyền, phổ biến cho đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về các mức xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản)

Chi cục Thú y, Chi cục BVTVT; Báo Điện Biên Phủ; Đài PT-TH tỉnh; Cổng TTĐT tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố

Trong năm 2016

7

Tập huấn, xác nhận kiến thức ATTP cho các đối tượng tham gia vào quá trình SXKD nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản

UBND các huyện/thị xã/thành phố

Trong năm 2016

8

Thông tin đầy đủ, kịp thời về hiện trạng an toàn thực phẩm đối với từng loại thực phẩm nông, lâm, thủy sản và hướng dẫn, khuyến nghị cách ứng xử phù hợp cho người tiêu dùng

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản)

Chi cục Thú y, Bảo vệ Thực vật; Báo Điện Biên Phủ; Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh; Cổng TTĐT tỉnh.

Trong năm 2016

9

Công khai các cơ sở, đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm chất lượng, ATTP; cơ sở loại C (không đạt điều kiện đảm bảo ATTP), cơ sở sản xuất sản phẩm không an toàn, cơ sở vi phạm về ATTP; thông tin địa chỉ nơi bày bán sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn thực phẩm có xác nhận.

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản)

Chi cục Thú y, Bảo vệ Thực vật; Báo Điện Biên Phủ; Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh; Cổng TTĐT tỉnh.

Sau khi có kết quả kiểm tra

II

Giám sát, kiểm tra, thanh tra

 

 

 

1

Đối với sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thực vật (rau, quả, chè...)

 

 

 

1.1

Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc lưu thông, phân phối thuốc BVTV, phân bón trên địa bàn tỉnh; phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Bảo vệ thực vật)

Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT; Công an tỉnh (PC49), Sở Công Thương, Sở Y tế; UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan

Trong năm 2016

1.2

Kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc thực vật, trọng tâm là việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Bảo vệ thực vật)

Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản; UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan

Trong năm 2016

1.3

Tổ chức giám sát an toàn thực phẩm, đánh giá, cảnh báo nguy cơ và truy xuất, xử lý các trường hợp vi phạm

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản

Chi cục Bảo vệ Thực vật; UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan

Trong năm 2016

1.4

Thanh tra đột xuất cơ sở trồng trọt, sơ chế, chế biến, bao gói sản phẩm

Sở Nông nghiệp và PTNT (Thanh tra Sở)

Chi cục Bảo vệ Thực vật, Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản;UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan

Trong năm 2016

2

Chuỗi sản phẩm động vật, tập trung vào thịt lợn, thịt gà và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thịt gà

 

 

 

2.1

Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc lưu thông, phân phối thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, chế phẩm sinh học dùng trong thú y; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Thú y)

Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT; Công an tỉnh (PC49), Sở Công Thương, Sở Y tế; UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan

Trong năm 2016

2.2

Kiểm tra điều kiện ATTP các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, giết mổ, trọng tâm là việc sử dụng thuốc thú y, kháng sinh, thức ăn chăn nuôi; vệ sinh thú y trong giết mổ, vận chuyển, bày bán theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT và Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT. Giám sát tồn dư chất cấm trong nước tiểu lợn trong cơ sở chăn nuôi, giết mổ. Thanh tra xử lý vi phạm đối với cơ sở xếp loại C, tái kiểm tra vẫn xếp loại C.

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Thú y)

Thanh tra Sở; UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan

Trong năm 2016

2.3

Tổ chức giám sát ATTP, đánh giá, cảnh báo nguy cơ và truy xuất, xử lý các trường hợp vi phạm

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản)

Chi cục Thú y; UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan

Trong năm 2016

2.4

Thanh tra chuyên ngành, đột xuất các cơ sở chăn nuôi, cách ly kiểm dịch, giết mổ động vật, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh sản phẩm động vật, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm

Sở Nông nghiệp và PTNT (Thanh tra Sở)

Chi cục Thú y, Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản; UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan

Trong năm 2016

3

Chuỗi sản phẩm thủy sản, tập trung vào nhóm thủy sản nuôi

 

 

 

3.1

Thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc thú y, thức ăn, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; phát hiện xử lý nghiêm vi phạm

Sở Nông nghiệp và PTNT (Phòng CN-TS)

Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT; Chi cục Thú y, Công an tỉnh (PC49), Sở Công Thương, Sở Y tế; UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan

Trong năm 2016

3.2

Kiểm tra điều kiện ATTP các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản, trọng tâm là việc sử dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, thức ăn, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT và Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT. Thanh tra xử lý vi phạm đối với cơ sở xếp loại C, tái kiểm tra vẫn xếp loại C.

Sở Nông nghiệp và PTNT (Phòng CN-TS)

Chi cục Thú y; Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản; UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan

Trong năm 2016

3.3

Tổ chức giám sát an toàn thực phẩm, đánh giá, cảnh báo nguy cơ và truy xuất, xử lý các trường hợp vi phạm

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản)

UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan

Trong năm 2016

3.4

Tổ chức thanh tra đột xuất cơ sở nuôi trồng thủy sản, thu gom nguyên liệu, cơ sở chế biến thủy sản, phát hiện và xử lý các vi phạm ATTP

Sở Nông nghiệp và PTNT (Thanh tra Sở)

Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản, Chi cục Thú y; Chi cục Thủy sản (Phòng Chăn nuôi - Thủy sản; UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan

Trong năm 2016

III

Hỗ trợ kết nối sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản

 

 

 

1

Kiểm tra cấp giấy xác nhận thực phẩm an toàn cho cơ sở bày bán sản phẩm nông, lâm, thủy sản

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản)

 

Trong năm 2016

2

Tổ chức kiểm tra, thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở tham gia vào quá trình SXKD nông, lâm, thủy sản

Sở Nông nghiệp và PTNT(Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản)

 

Trong năm 2016

3

Xây dựng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn theo hướng VietGAP đối với rau

Sở Nông nghiệp và PTNT(Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản)

UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan

Trong năm 2016

IV

Tổ chức lực lượng, nâng cao năng lực

 

 

 

1

Hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý địa phương về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản)

UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan

Trong năm

2

Tổ chức các lớp tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc 4 đúng

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Bảo vệ Thực vật)

UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan

Trong năm 2016

3

Tổ chức lớp tập huấn đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến và nâng cao chất lượng các sản phẩm chè, măng

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục QLCL Nông lân và Thủy sản)

UBND các huyện/thị xã/thành phố liên quan

Trong năm 2016

4

Mua sắm trang thiết bị kiểm tra, kiểm nghiệm cần thiết

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục QLCL Nông lâm và Thủy sản)

 

Trong năm 2016

5

Triển khai đề án và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm, quyền hạn, tiêu chuẩn và chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác thú y, bảo vệ thực vật tại địa phương sau khi ban hành

Phòng Tổ chức cán bộ Sở Nông nghiệp và PTNT

Chi cục Thú y, Bảo vệ Thực vật

Trong năm 2016

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 678/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch hành động Năm cao điểm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên

  • Số hiệu: 678/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/05/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Lò Văn Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/05/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản