Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 633/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 05 tháng 04 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CHỢ, SIÊU THỊ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển ngành thương mại và các quy hoạch phát triển ngành kinh tế khác, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất, đáp ứng nhu cầu nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản và nhu cầu tiêu dùng của dân cư.

2. Phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh hợp lý về số lượng, quy mô vừa đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn của Nhà nước theo hướng văn minh, hiện đại,..vừa duy trì và phát huy được các yếu tố truyền thống đặc trưng và điển hình của địa phương. Nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động, trở thành hệ thống hạ tầng thương mại chủ yếu, dẫn dắt hệ thống cửa hàng thương mại của tỉnh. Khuyến khích phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đồng thời hạn chế xây dựng chợ mới tại các đô thị.

3. Phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh với phương châm đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, chú trọng đến lợi ích lâu dài của nhà đầu tư, đồng thời tăng cường hỗ trợ của Nhà nước trong đầu tư phát triển hạ tầng chợ, nhất là chợ vùng nông thôn, miền núi.

II. MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại một cách đồng bộ, hài hòa, đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa và đời sống nhân dân. Qua đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển ngành thương mại, phát triển ngành công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và các ngành kinh tế khác.

2. Từng bước chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hướng chợ nuôi chợ; chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ ban quản lý hoặc tổ quản lý chợ sang loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý chợ. Từng bước thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm,...

3. Quy hoạch là căn cứ để kêu gọi các dự án đầu tư cho hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

III. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Quy hoạch chợ

Đến năm 2020, xây mới 27 chợ, nâng cấp 15 chợ, di dời 04 chợ, chuyển tên 05 chợ. Tổng số chợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 95 chợ. Giai đoạn 2021-2025, xây mới 15, nâng cấp 09, di dời 01 chợ. Tổng số chợ năm 2025 là 109.

Tầm nhìn 2030, di dời xây mới chợ Bình Thạnh (H. Đức Trọng), xây mới một số chợ ở xã chưa có chợ H. Di Linh, xây chợ xã Đạ Oai, Phước Lộc (H. Đạ Huoai).

2. Quy hoạch siêu thị, trung tâm thương mại

- Đến năm 2020, xây mới 04 siêu thị (Không bao gồm siêu thị nằm trong hệ thống trung tâm thương mại). Giai đoạn 2021-2025, xây mới 06 siêu thị. Tổng số siêu thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 12. Tầm nhìn đến năm 2030, phát triển siêu thị huyện Cát Tiên lên trung tâm thương mại.

- Đến năm 2020, xây mới 12 trung tâm thương mại (Trong đó có 04 trung tâm thương mại tại Đà Lạt và 02 tại TP. Bảo Lộc đã có chủ trương xây dựng). Giai đoạn 2021-2025, xây mới 05 trung tâm thương mại. Tổng số trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 21. Tầm nhìn đến năm 2030, phát triển 01 trung tâm thương mại huyện Cát Tiên.

3. Quy hoạch hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo địa bàn

- Thành phố Đà Lạt: Đến năm 2020, xây mới 03 chợ, nâng cấp 01 chợ, di dời 01 chợ, chuyển tên 05 chợ; xây mới 04 TTTM. Giai đoạn 2021 - 2025, di dời, xây mới 01 chợ và xây mới 01 TTTM. Đến năm 2025, thành phố Đà Lạt có 16 chợ, 01 siêu thị chuyên doanh và 08 trung tâm thương mại. Tầm nhìn 2030, phát triển thêm các siêu thị chuyên doanh.

- Thành phố Bảo Lộc: Đến năm 2020, xây mới 02 chợ, nâng cấp 02 chợ và xây mới 04 TTTM. Giai đoạn 2021 - 2025, xây mới 02 chợ và 02 TTTM. Đến năm 2025, thành phố Bảo Lộc có 11 chợ, 01 siêu thị tổng hợp và 07 trung tâm thương mại. Tầm nhìn 2030, phát triển thêm các siêu thị chuyên doanh.

- Huyện Đam Rông: Đến năm 2020, xây mới 03 chợ. Giai đoạn 2021 - 2025, xây mới 01 chợ. Đến năm 2025, huyện có 05 chợ. Tầm nhìn 2030, phát triển siêu thị tổng hợp tại trung tâm huyện.

- Huyện Lạc Dương: Giai đoạn 2021 - 2025, xây mới 01 chợ. Đến năm 2025, huyện có 02 chợ. Tầm nhìn 2030, phát triển siêu thị tổng hợp tại trung tâm huyện.

- Huyện Lâm Hà: Đến năm 2020, xây mới 05 chợ, nâng cấp 01 chợ, di dời 02 chợ. Giai đoạn 2021 - 2025, xây mới 04 chợ và 01 siêu thị tổng hợp. Đến năm 2025, huyện có 13 chợ và 01 siêu thị tổng hợp. Tầm nhìn 2030, phát triển siêu thị tổng hợp tại thị trấn trong huyện.

- Huyện Đơn Dương: Đến năm 2020, xây mới 01 chợ, nâng cấp 03 chợ; xây mới 01 siêu thị tổng hợp. Giai đoạn 2021 - 2025, xây mới 01 chợ, nâng cấp 01 chợ. Đến năm 2025, huyện có 11 chợ và 01 siêu thị tổng hợp. Tầm nhìn 2030, phát triển siêu thị tổng hợp tại thị trấn trong huyện.

- Huyện Đức Trọng: Đến năm 2020, xây mới 03 chợ, nâng cấp 01 chợ; xây mới 01 siêu thị tổng hợp và 03 TTTM. Giai đoạn 2021 - 2025, xây mới 01 chợ và nâng cấp 02 chợ; xây mới 01 siêu thị tổng hợp và 01 TTTM. Đến năm 2025, Đức Trọng có 15 chợ, 02 siêu thị tổng hợp và 04 trung tâm thương mại. Tầm nhìn 2030, phát triển siêu thị tổng hợp tại đô thị mới; xây mới, di dời chợ Bình Thạnh.

- Huyện Di Linh: Đến năm 2020, xây mới 07 chợ, 01 siêu thị tổng hợp và 01 TTTM. Giai đoạn 2021 - 2025, xây mới 02 siêu thị tổng hợp. Đến năm 2025, huyện có 12 chợ, 03 siêu thị và 01 trung tâm thương mại. Tầm nhìn 2030, xây mới siêu thị, chợ ở những xã chưa có chợ khi đủ nhu cầu.

- Huyện Bảo Lâm: Đến năm 2020, nâng cấp 03 chợ. Giai đoạn 2021 - 2025, xây mới 03 chợ và 01 siêu thị tổng hợp. Đến năm 2025, huyện có 07 chợ, 01 siêu thị tổng hợp. Tầm nhìn 2030, phát triển chợ và siêu thị khi đủ nhu cầu.

- Huyện Đạ Huoai: Đến năm 2020, nâng cấp 01 chợ. Giai đoạn 2021 - 2025, xây mới 01 chợ và 01 TTTM. Đến năm 2025, huyện có 04 chợ và 01 trung tâm thương mại. Tầm nhìn 2030, phát triển chợ và siêu thị khi đủ nhu cầu

- Huyện Đạ Tẻh: Đến năm 2020, xây mới 01 chợ và di dời 01 chợ. Giai đoạn 2021 - 2025, nâng cấp 02 chợ, xây mới 01 siêu thị tổng hợp. Đến năm 2025, huyện có 03 chợ, 01 siêu thị tổng hợp. Tầm nhìn 2030, phát triển chợ và siêu thị khi đủ nhu cầu.

- Huyện Cát Tiên: Đến năm 2020, xây mới 02 chợ, nâng cấp 03 chợ và xây mới 01 siêu thị tổng hợp. Giai đoạn 2021 - 2025, nâng cấp 04 chợ. Đến năm 2025, huyện có 10 chợ, 01 siêu thị tổng hợp. Tầm nhìn 2030, phát triển 01 trung tâm thương mại hạt nhân là siêu thị hiện có.

IV. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN NGOÀI NGÂN SÁCH ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

Chi tiết các dự án ưu tiên đầu tư theo Phụ lục đính kèm.

V. VỐN ĐẦU TƯ

- Tổng nhu cầu vốn tối thiểu xây dựng mới, nâng cấp hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại là 5.002,95 tỷ đồng. Trong đó: hệ thống chợ cần 1.353 tỷ đồng; hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại cần 3.649,95 tỷ đồng.

- Dự tính nguồn vốn đầu tư được huy động chủ yếu từ các doanh nghiệp, vốn vay ngân hàng, vốn từ nguồn phát hành cổ phiếu doanh nghiệp, vốn đầu tư tư nhân,..

VI. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Về thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư

a) Về thu hút vốn đầu tư

- Ngân sách trung ương

+ Tận dụng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư chợ theo Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ.

+ Rà soát, xây dựng danh mục các dự án đầu tư xây dựng chợ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để tổng hợp chung vào các kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của tỉnh.

- Ngân sách địa phương

+ Ngân sách tỉnh: xây dựng kế hoạch ngân sách phù hợp cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện nước; Hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng (Phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường) cho các chợ.

+ Ngân sách các huyện, thành phố thuộc tỉnh: các huyện/thành phố chủ động tạo nguồn thu để xây dựng, nâng cấp các chợ trên địa bàn theo quy hoạch. Nguồn thu từ chợ (ngoài thuế) như cho thuê quầy sạp và các hoạt động dịch vụ, ...cần được quản lý thống nhất, chặt chẽ, hình thành nguồn thu tập trung.

- Nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước

+ Tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô về tài chính và năng lực, kinh nghiệm trong hoạt động thương mại nói chung, đầu tư, quản lý, khai thác hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nói riêng.

+ Đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư phát triển hệ thống chợ từ nhiều nguồn: Doanh nghiệp bên ngoài và doanh nghiệp kinh doanh trong chợ, hợp tác xã, các hộ cá thể; Tăng cường, tranh thủ mở rộng nguồn bằng việc thu hút vốn đầu tư từ viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

+ Tạo điều kiện cho các chủ đầu tư như hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc vay vốn, tạo quỹ đầu tư, thu phí...

+ Đối với các chợ ở xã vùng sâu, vùng xa, xã nghèo chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, khó mời gọi doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư cần chú trọng nguồn vốn ngân sách và kêu gọi sự hỗ trợ, tài trợ không hoàn lại của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.

b) Về sử dụng hiệu quả vốn đầu tư

- Nghiên cứu, tính toán quy mô từng chợ phù hợp với nhu cầu của các hộ kinh doanh trong chợ và nhu cầu mua bán của dân cư trên địa bàn đối với những chợ được ngân sách hoặc các tổ chức chính trị, xã hội đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư. Đối với các chợ nâng cấp cần tập trung nâng cấp các nhà lồng, diện tích kinh doanh trên cơ sở các hộ kinh doanh hiện tại và dự kiến trong tương lai.

- Đối với chợ xây mới, nghiên cứu phần chia thành nhiều giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 xây dựng diện tích kinh doanh phù hợp nhu cầu của các hộ kinh doanh và các hạng mục đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Khi nhu cầu kinh doanh của chợ phát triển sẽ tiếp tục mở rộng xây dựng giai đoạn tiếp theo.

2. Về đất đai

- Đối với trung tâm thương mại các hạng, siêu thị từ hạng II trở lên, vừa là hệ thống hạ tầng thương mại phục vụ nhu cầu mua bán của dân cư, vừa là loại hình thương mại hiện đại có tầm ảnh hưởng đến hình ảnh đô thị của địa phương và có tính đầu tàu, dẫn dắt các loại hình hạ tầng thương mại khác, vừa đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, vì vậy:

- Các địa phương cần bố trí quỹ đất sạch để mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật đất đai.

- Đối với các siêu thị tổng hợp hạng III, siêu thị chuyên doanh như: điện máy, điện thoại, sách, thực phẩm, thời trang.v.v. cần diện tích đất nhỏ, khuyến khích doanh nghiệp tự tìm đất đầu tư; các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ về thủ tục pháp lý đối với việc mua bán, thuê, hoặc chuyển đổi quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai và đầu tư hiện hành.

- Đối với các chợ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa khó thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển xây mới chợ, các địa phương cần có đất sạch để mời gọi đầu tư.

- Đối với chợ hoạt động có vị trí không còn phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo tính hiệu quả...cần phải di dời đến địa điểm mới, giải pháp cụ thể như sau:

+ Các địa phương chủ động tìm quỹ đất sạch, đất của các công trình nhà nước khác chuyển đổi công năng để đầu tư hoặc cho doanh nghiệp, hợp tác xã thuê đầu tư.

+ Kêu gọi doanh nghiệp, tự tìm đất đầu tư. Các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ về thủ tục pháp lý đối với việc mua bán, thuê, hoặc chuyển đổi quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai và đầu tư hiện hành.

+ Để đảm bảo nhu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ cá thể, cũng như nhu cầu mua bán của dân cư, tạm thời giữ nguyên các chợ quy hoạch yêu cầu di dời cho đến khi có chợ mới thay thế.

- Sử dụng hiệu quả đất của các chợ cũ đã di dời.

3. Về phòng cháy, chữa cháy và bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm

- Nghiên cứu lựa chọn vị trí, địa điểm và thiết kế xây dựng hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo vệ sinh môi trường, khoảng cách với trường học, bệnh viện...

- Đảm bảo thực hiện các giải pháp kỹ thuật về phòng chống cháy nổ theo đúng các tiêu chuẩn, quy định hiện hành khi tiến hành thiết kế và xây dựng mới hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hoặc cải tạo nâng cấp các cơ sở hạ tầng cũ.

- Hoàn thiện các văn bản pháp quy đảm bảo tuân thủ đúng các điều kiện đăng ký kinh doanh và chấp hành các tiêu chuẩn quy định về phòng cháy, chữa cháy và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

- Ban hành các quy định về áp dụng chế độ kiểm tra, kiểm soát, chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm nguyên tắc an toàn cháy nổ và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các hoạt động kinh doanh trong hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

- Quy định về phân công trách nhiệm, phối hợp quản lý giữa các ban, ngành, tổ chức địa phương trong việc chỉ đạo, giám sát các hoạt động phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Giải pháp giáo dục và tuyên truyền về phòng chống cháy nổ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh trong hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng chống cháy nổ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn dân trên các phương tiện đại chúng.

4. Về đào tạo nguồn nhân lực

- Từng bước thay thế hoặc tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ quản lý các chợ, nhất là các chợ đang có ban quản lý, tổ quản lý về nghiệp vụ quản lý, về pháp luật kinh doanh chợ, về chủ trương nâng cao hiệu quả kinh doanh chợ, từng bước xóa bỏ bao cấp chợ.

- Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, chống hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, phòng chống cháy nổ... đối với doanh nghiệp, ban quản lý, cán bộ quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh.

- Áp dụng Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa và Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 8 năm 2014, để được hỗ trợ kinh phí trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ ngân sách của Trung ương.

5. Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước

- Đơn giản hóa thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng và công bố quy trình thủ tục hành chính về đầu tư hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để thu hút đầu tư.

- Xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp; có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan hữu quan.

- Nghiên cứu chính sách để hạn chế các điểm kinh doanh tự phát gây lấn chiếm đường giao thông, hè phố. Kết hợp giữa động viên, tuyên truyền, vận động các hộ này vào kinh doanh trong chợ, đảm bảo văn minh thương mại và hoạt động chợ có hiệu quả.

- Đổi mới mạnh mẽ hoạt động kinh doanh của hệ thống chợ. Song song với đầu tư xây mới, nâng cấp cải tạo chợ cần thay đổi hình ảnh của chợ để chợ hiện đại, văn minh, vừa sạch sẽ, vừa hạn chế tối đa những gian lận thương mại trong chợ, chợ không hàng giả, hàng quá hạn; không chèo kéo khách hàng, chợ thực phẩm có nguồn gốc, an toàn... cần nâng cao nhận thức của đơn vị quản lý kinh doanh chợ và các doanh nghiệp, hộ kinh doanh về quyền lợi và trách nhiệm của họ đối với chợ; xóa dần tư tưởng Nhà nước bao cấp chợ, trước hết trong các hộ tiểu thương kinh doanh trong chợ và một bộ phận cán bộ, viên chức trong ban Quản lý, tổ Quản lý chợ.

- Đẩy mạnh tiến trình xã hội hóa chợ, hướng đến mục tiêu chợ là hạ tầng thương mại phải đạt hiệu quả kinh tế, trước hết lấy chợ nuôi chợ. Đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo Quyết định 723/QĐ-UBND ngày 04/4/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ ban quản lý hoặc tổ quản lý chợ sang loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2016-2020, tiến tới năm 2025 sẽ chuyển hoàn toàn sang mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý chợ.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Sở Công thương là đơn vị chủ trì triển khai và tổ chức thực hiện quy hoạch, có trách nhiệm:

- Xây dựng các kế hoạch hàng năm, hướng dẫn, theo dõi các địa phương thực hiện các mục tiêu, nội dung, giải pháp của quy hoạch.

- Tham mưu đề xuất, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách và huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra và giám sát tình hình thực hiện, định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Công thương, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm quá trình triển khai thực hiện.

2. Các Sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các nội dung, giải pháp của quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

3. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập kế hoạch để triển khai thực hiện tốt các nội dung, giải pháp và đảm bảo tính hiệu quả của quy hoạch tại địa phương.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và thủ trưởng các ngành, cơ quan, đoàn thể chịu trách nhiệm thi hành Quyết định từ ngày kí./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- LĐVP;
- Lưu: VT, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Yên

 

DANH MỤC

CÁC DỰ ÁN CHỢ, SIÊU THỊ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI ƯU TIÊN KÊU GỌI ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Kèm theo Quyết định số 633/QĐ-QĐUB ngày 05/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

Stt

Tên dự án

Địa bàn

Hạng

Ghi chú

I

Chợ

 

 

 

1

Chợ Phan Chu Trinh

Phường 9 - Tp. Đà Lạt

3

Di dời xây mới

2

Chợ Xuân An

Phường 3 - Tp. Đà Lạt

3

Xây mới tại vị trí cũ

3

Chợ - TT Giao dịch Hoa

Phường 3 - Tp. Đà Lạt

1

Xây mới

4

Chợ An Sơn

KQH dân cư An Sơn, Phường 3 - Tp. Đà Lạt

3

Xây mới

5

Chợ Cầu Đất

Xã Xuân Trường - Tp. Đà Lạt

3

Di dời xây mới

6

Chợ Phường 2

Huỳnh Thúc Kháng - Phan Đình Phùng, Phường 2 - Tp. Bảo Lộc

3

Xây mới

7

Chợ B’Lao

Phường B’Lao - Tp. Bảo Lộc

3

Xây mới

8

Chợ KP 7

P. Lộc Phát - Tp. Bảo Lộc

3

Xây mới

9

Chợ Lộc Sơn

Khu tái định cư, P. Lộc Sơn - Tp. Bảo Lộc

3

Xây mới

10

Chợ Bằng Lăng

Xã Rô Men - huyện Đam Rông

2

Xây mới

11

Chợ Đạ Tông

Xã Đạ Tông - huyện Đam Rông

3

Xây mới

12

Chợ Đa Nhim

Xã Đa Nhim - huyện Lạc Dương

3

Xây mới

13

Chợ Liên Hà

Xã Liên Hà - huyện Lâm Hà

3

Xây mới

14

Chợ Đan Phượng

Xã Đan Phượng - huyện Lâm Hà

3

Xây mới

15

Chợ Phúc Thọ

Xã Phúc Thọ - huyện Lâm Hà

3

Xây mới

16

Chợ Phi Tô

Xã Phi Tô - huyện Lâm Hà

3

Xây mới

17

Chợ Mê Linh

Xã Mê Linh - huyện Lâm Hà

3

Xây mới

18

Chợ Nam Hà

Xã Nam Hà - huyện Lâm Hà

3

Xây mới

19

Chợ Đông Thanh

Xã Đông Thanh - huyện Lâm Hà

3

Xây mới

20

Chợ chuyên doanh Rau, nông sản

Cụm CN xã Ka Đô - huyện Đơn Dương

3

Xây mới

21

Chợ Đạ Ròn

Suối Thông B1, xã Đạ Ròn - huyện Đơn Dương

3

Xây mới

22

Chợ Hiệp An

Thôn Tân An, Xã Hiệp An - huyện Đức Trọng

3

Xây mới

23

Chợ N’Thol Hạ

Xã N'Thol Hạ - H. Đức Trọng

3

Xây mới

24

Chợ Lý Thường Kiệt

Thị trấn Liên Nghĩa - H. Đức Trọng

3

Xây mới

25

Chợ Nam Sông Đa Nhim

Thị trấn Liên Nghĩa - H. Đức Trọng

2

Xây mới

26

Chợ Hòa Bắc

Xã Hòa Bắc - H. Di Linh

3

Xây mới

27

Chợ Tân Lâm

Xã Tân Lâm - H. Di Linh

3

Xây mới

28

Chợ Tân Châu

Xã Tân Châu - H. Di Linh

3

Xây mới

29

Chợ Tam Bố

Xã Tam Bố - H. Di Linh

3

Xây mới

30

Chợ Gung Ré

Xã Gung Ré - H. Di Linh

3

Xây mới

31

Chợ Liên Đầm

Xã Liên Đầm - H. Di Linh

3

Xây mới

32

Chợ chuyên doanh nông sản

TT. Di Linh-H. Di Linh

3

Xây mới

33

Chợ Lộc Tân

Xã Lộc Tân - H. Bảo Lâm

3

Xây mới

34

Chợ Lộc Đức

Xã Lộc Đức - H. Bảo Lâm

3

Xây mới

35

Chợ cụm xã Lộc Bắc - Lộc Bảo

Xã Lộc Bắc hoặc Lộc Bảo

3

Xây mới

36

Chợ Hà Lâm

Xã Hà Lâm - H. Đạ Huoai

3

Xây mới

37

Chợ Đạ Tẻh

TDP 3A, TT. Đạ Tẻh - H. Đạ Tẻh

2

Di dời xây mới

II

Siêu thị

 

 

 

1

Siêu thị tổng hợp

TT. Đinh Văn - huyện Lâm Hà

3

Xây mới

2

Siêu thị tổng hợp

Huyện đội cũ, TT. Thạnh Mỹ - H. Đơn Dương

3

Xây mới

3

Siêu thị tổng hợp

TDP 4 TT Liên Nghĩa - H. Đức Trọng

2

Xây mới

4

Siêu thị tổng hợp

Xã Hiệp Thạnh hoặc Ninh Gia hoặc Đà Loan

3

Xây mới

5

Siêu thị tổng hợp

TT. Di Linh (QL 20 hoặc KĐT hồ Đông, hồ Tây)

3

Xây mới

6

Siêu thị tổng hợp

Xã Hòa Ninh hoặc Ninh Gia hoặc Đinh Lạc

3

Xây mới

7

Siêu thị tổng hợp

TT. Lộc Thắng - H. Bảo Lâm

3

Xây mới

8

Siêu thị tổng hợp

TT. Đạ Tẻh - H. Đạ Tẻh

3

Xây mới

9

Siêu thị tổng hợp

TT. Cát Tiên - H. Cát Tiên

2

Xây mới

III

Trung tâm Thương mại

 

 

 

1

Trung tâm thương mại Hòa Bình

Khu Hòa Bình, Phường 1 - Tp. Đà Lạt

1

Xây mới

2

Trung tâm thương mại chợ cũ

Chợ cũ Bảo Lộc, Phường 1 - Tp. Bảo Lộc

3

Xây mới

3

Trung tâm thương mại Khu đô thị mới

Phường Lộc Phát (Lý Thường Kiệt - Đào Duy Từ)

3

Xây mới

4

Trung tâm thương mại B’Lao

Vành đai phía Nam, P. B’Lao - Tp. Bảo Lộc

3

Xây mới

5

Trung tâm thương mại

TDP 4 TT Liên Nghĩa - H. Đức Trọng

3

Xây mới

6

Trung tâm thương mại Liên Khương

Ngã 3 Liên Khương - H. Đức Trọng

3

Xây mới

7

Trung tâm thương mại

Khu Hành chính mới, TT. Liên Nghĩa - H. Đức Trọng

3

Xây mới

8

Trung tâm thương mại

Chợ cũ TT. Di Linh - H. Di Linh

3

Xây mới

9

Trung tâm thương mại

TDP 9, TT. Madaguoi - H. Đạ Huoai

3

Xây mới

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 633/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Quy hoạch phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030

  • Số hiệu: 633/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/04/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Nguyễn Văn Yên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/04/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản