Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 631/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 13 tháng 4 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THỂ DỤC THỂ THAO TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HÐND và UBND được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu; số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 2198/QĐ-TTg ngày 03/12/2010 “V/v Phê duyệt Chiến lược Phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020”; số 2160/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 “V/v Phê duyệt Quy hoạch phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 “V/v Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030”; số 1752/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 “V/v Phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư “V/v Hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu”;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư (tại Báo cáo số 120/BC-SKHĐT ngày 25/3/2015) và đề nghị của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (tại Tờ trình số 491/TTr-SVHTTDL),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án Quy hoạch phát triển thể dục thể thao tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

Phù hợp với Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh.

Gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến và hiện đại, phù hợp với yêu cầu hội nhập trong nước và quốc tế.

Gắn với xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh, góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tăng cường thể lực, tăng tuổi thọ con người Phú Yên.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu đến năm 2020, Phú Yên có nền thể dục thể thao phát triển, nằm trong nhóm giữa của các Tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến năm 2030, Phú Yên nằm trong nhóm 25 Tỉnh, thành phố trong cả nước có nền thể dục, thể thao phát triển.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phát triển TDTT cho mọi người:

- Về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường:

+ Tỷ lệ học sinh tham gia tập luyện thể dục, thể thao ngoại khóa thường xuyên ở các cấp học: Tiểu học: Đạt 65% vào năm 2020 và >70% vào năm 2030. Trung học cơ sở: Đạt 75% vào năm 2020 và 100% vào năm 2030. Trung học phổ thông: Đạt 80% vào năm 2020 và 100% vào năm 2030.

+ Tỷ lệ học sinh đạt tiêu chuẩn đánh giá xếp loại thể lực học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tiểu học và trung học cơ sở: Đạt 90% vào năm 2020 và 95% vào năm 2030. Trung học phổ thông: Đạt 90% vào năm 2020 và >95% vào năm 2030.

- Tỷ lệ trường thực hiện đầy đủ các hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường ở các cấp học, bậc học: Tiểu học: Đạt 60% vào năm 2020 và >90% vào năm 2030. Trung học cơ sở: Đạt 75% vào năm 2020 và 100% vào năm 2030. Trung học phổ thông: Đạt 80% vào năm 2020 và 100% vào năm 2030. Trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, cao đẳng và cao đẳng nghề, đại học: Đạt 100% vào năm 2015.

- Tỷ lệ giáo viên, giảng viên thể dục, thể thao trên số học sinh, sinh viên ở các cấp học, bậc học: Tiểu học: Đạt 1/400 vào năm 2020 và 1/350 vào năm 2030. Trung học cơ sở và Trung học phổ thông: Đạt 1/350 vào năm 2020 và 1/300 vào năm 2030. Trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, cao đẳng và cao đẳng nghề, đại học: Đạt 1/400 vào năm 2020 và 1/300 vào năm 2030.

- Số trường phổ thông có các câu lạc bộ thể dục, thể thao và có sân tập thể dục, thể thao đạt tiêu chuẩn và nhà tập đơn giản đạt 50-55% năm 2020; năm 2030 >90%.

- Giáo viên chuyên trách thể dục, thể thao: Đến năm 2020 đạt 100%.

b) Về thể dục thể thao quần chúng:

- Phấn đấu đến năm 2020 số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt >33% dân số; số gia đình thể thao đạt 25% số hộ; phổ cập bơi thanh thiếu niên toàn Tỉnh đạt 70%; số câu lạc bộ, nhóm tập luyện TDTT cơ sở đạt 500.

- Đến năm 2030 số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt >40% dân số; số gia đình thể thao đạt >30% số hộ; phổ cập bơi thanh thiếu niên toàn Tỉnh đạt >85%; số Câu lạc bộ, nhóm tập luyện TDTT cơ sở đạt 650.

c) Về thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang:

- Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ trong độ tuổi quy định (dưới 45 tuổi) tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 100%.

- Đến năm 2020 cán bộ chiến sỹ kiểm tra đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực trên 95% và năm 2030 đạt trên 98%; số môn thể thao trong lực lượng vũ trang từ 06-10 môn.

3. Về thể thao thành tích cao

- Tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VIII (năm 2018), đoạt ít nhất 02 huy chương vàng và xếp hạng ở khoảng cách giữa so với các Tỉnh, thành phố trong cả nước. Phấn đấu duy trì đội bóng đá nam của Tỉnh thi đấu ở giải hạng nhất Quốc gia. Các môn võ: Taekwondo, Vovinam, Pencatsilat, võ cổ truyền trong top 10 đội mạnh quốc gia ở các giải hằng năm.

- Đóng góp nhiều lượt vận động viên vào các đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia, tập trung vận động viên ở các môn: Võ thuật, điền kinh để đạt thành tích tốt ở các giải quốc tế và SEA Games.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP THỂ DỤC, THỂ THAO PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2030

1. Quy hoạch phát triển TDTT cho mọi người

a) Phát triển thể dục, thể thao trong nhà trường:

- Trường phổ thông:

+ Đảm bảo thực hiện tốt chương trình TDTT nội khóa, có bổ sung trò chơi vận động đa năng đối với các trường tiểu học, các bài tập vươn duỗi cơ thể đối với học sinh từ tiểu học đến Trung học phổ thông.

+ Phát triển mạnh hoạt động TDTT ngoại khóa. Tổ chức các môn thể thao phổ thông như: Bóng rổ, bóng chuyền, sport aerobic, bóng bàn, võ thuật, điền kinh, bóng đá, cầu lông, cờ vua, đá cầu.... Phổ cập rộng rãi hoạt động ngoại khóa các môn chạy chậm vừa sức vì sức khoẻ, thể dục nhịp điệu, sport aerobic, vũ đạo thể thao, một số bài quyền, trò chơi vận động đa năng, các bài tập vươn duỗi cơ thể (các môn không cần điều kiện cơ sở vật chất phức tạp). Phát triển bóng đá ở các trường trung học phổ thông trọng điểm. Ở mức độ nhất định có thể thí điểm phát triển trò chơi bóng đá với các trường mẫu giáo.

- Khuyến khích thành lập các Câu lạc bộ TDTT trường học (từ 02 - 04 môn thể thao). Tăng cường đội ngũ giáo viên chuyên trách TDTT, sắp xếp bổ sung giáo viên kiêm nhiệm.

b) Trường Đại học, Cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề:

- Đảm bảo chương trình thể dục nội khóa. Khuyến khích sinh viên hoạt động thể thao ngoại khóa chủ yếu với các môn thể thao giải trí như: Bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, cờ vua, điền kinh, quần vợt…

- Tiến hành tuyển chọn và bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho huấn luyện viên đủ khả năng huấn luyện nâng cao thành tích một số môn thể thao trọng điểm; tuyển chọn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho trọng tài của từng trường.

c) Phát triển TDTT quần chúng:

- Phát triển TDTT đối với nhân dân nông thôn.

+ Phát triển các môn thể thao: Bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, điền kinh, cầu lông, võ, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ… Khuyến khích phát triển các tụ điểm thể thao giải trí, các hình thức TDTT gắn với các hoạt động văn hóa, khu du lịch, lễ hội truyền thống của địa phương.

+ Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhân điển hình tiên tiến về TDTT, gia đình thể thao gắn với mô hình gia đình văn hóa trong các cụm dân cư, thôn, xóm.

+ Khuyến khích phát triển thêm các câu lạc bộ TDTT; mở thêm các cơ sở tập luyện TDTT phục vụ cho nhân dân vùng sâu, vùng xa.

- Phát triển TDTT đối với nhân dân thành thị.

+ Phát triển các môn thể thao: Bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, quần vợt, bơi lội, cờ vua, thể dục nhịp điệu, các môn võ… Khuyến khích phát triển các điểm thể thao giải trí, các hình thức TDTT gắn với các hoạt động văn hóa, khu du lịch, lễ hội truyền thống của địa phương.

+ Khuyến khích phát triển thêm các câu lạc bộ TDTT; mở thêm các cơ sở dịch vụ tập luyện TDTT (dịch vụ công, tư nhân…); mở thêm các khu thể thao vui chơi giải trí.

- Phát triển TDTT trong công chức, viên chức.

+ Phát triển các môn thể thao: Bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, quần vợt… Khuyến khích thành lập các đội bóng, các Câu lạc bộ TDTT và xây dựng hệ thống thi đấu TDTT trong công chức, viên chức.

+ Tăng ngân sách đầu tư cho TDTT công chức, viên chức từ kinh phí hỗ trợ của từng cơ quan, đơn vị. Nhân điển hình tiên tiến về TDTT, gia đình thể thao gắn với mô hình gia đình văn hoá trong công chức, viên chức.

- Phát triển TDTT trong doanh nghiệp.

+ Phát triển các môn thể thao: Bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, quần vợt,… Khuyến khích thành lập các đội thể thao, các Câu lạc bộ TDTT và xây dựng hệ thống thi đấu thể thao trong các doanh nghiệp.

+ Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tài chính để phát triển TDTT. Tăng cường công tác tuyên truyền phát triển TDTT trong các doanh nghiệp.

- Phát triển TDTT trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng: Triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện TDTT theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Phát triển các giải thể thao truyền thống như: Chạy việt dã, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền, bóng đá thanh, thiếu niên... Vận động thu hút đông đảo lực lượng thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tham gia hoạt động TDTT.

- Phát triển TDTT đối với người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: Tổ chức cho các đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tham gia tập luyện TDTT; tổ chức các giải thi đấu thể thao thích hợp cho các đối tượng này như: Cầu lông, bóng bàn, đi bộ, thể dục dưỡng sinh, cờ tướng… Tổ chức thêm các Câu lạc bộ TDTT cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

c) Phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang:

- Phát triển các môn: Chạy việt dã, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, quần vợt, các môn võ…. Luôn đảm bảo 100% chiến sỹ khoẻ.

- Tổ chức các Hội thao trong quân đội, công an. Khuyến khích ngành quân đội, công an đầu tư cơ sở vật chất, tài chính cho TDTT.

d) Quy hoạch các môn thể thao gắn với văn hóa, du lịch - dịch vụ ở các huyện, thị xã, thành phố mang tính đặc thù vùng:

- Những môn thể thao phục vụ du lịch sinh thái, cảnh quan và văn hoá lịch sử…: leo núi, kéo co, đập niêu, nhảy thụng, xe đạp chậm….

- Những môn thể thao truyền thống gắn với du lịch các lễ hội truyền thống: Đua thuyền trên sông Chùa (Tp. Tuy Hòa) và đầm Ô Loan (huyện Tuy An), đua ngựa tại Gò Thì Thùng (huyện Tuy An), lắc thúng trên sông Tam Giang (Tx. Sông Cầu), bơi lội, bắn nỏ, chạy cà kheo, đẩy gậy, kéo co, vật tay (các huyện miền núi)….

- Những môn thể thao phục vụ các cụm công nghiệp: Bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, quần vợt….

- Từng bước phát triển những môn thể thao phát huy lợi thế của bãi biển, mặt nước biển như: Bóng chuyền bãi biển, bóng đá bãi biển, cầu mây bãi biển, đua thuyền truyền thống, đua thuyền thúng, mô tô nước, bơi, lặn...phục vụ phát triển du lịch.

2. Quy hoạch phát triển thể thao thành tích cao

a) Các môn thể thao được lựa chọn đầu tư phát triển: gồm 19 môn, chia làm 3 nhóm:

- Nhóm I: Nhóm các môn thể thao trọng điểm, có thế mạnh, cần được đầu tư cao hơn để có huy chương tại các giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế, gồm 06 môn: Vovinam, Taekwondo, Võ cổ truyền, Điền kinh, Aerobic, Pencatsilat.

- Nhóm II: Các môn thể thao ổn định và có chiều hướng phát triển tốt để bổ sung cho nhóm 1, gồm 03 môn: Karatedo, Bóng đá, Boxing.

- Nhóm III: Nhóm các môn đang có phong trào, và có điều kiện phát triển tốt, cần đầu tư để tiếp tục duy trì phát triển, gồm 10 môn: Cờ vua, Cờ tướng, Bida, Khiêu vũ thể thao, Bóng chuyền, Bơi lội, Cầu lông, Bóng bàn và Bi sắt, Bóng rổ (phát triển sau năm 2020).

b) Quy hoạch tổng thể đối với hệ thống thể thao thành tích cao:

- Các môn thể thao thành tích cao nhóm I:

+ Môn Vovinam: Phấn đấu có huy chương ở các giải quốc tế, đặc biệt là Sea games. Có huy chương vàng tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018. Được xếp vào tốp 10 đội mạnh quốc gia. Năm 2020, môn Vovinam đạt từ 22 - 25 huy chương tại các giải thể thao cấp quốc gia, trong đó có 03 - 04 huy chương vàng.

+ Môn Taekwondo: Phấn đấu có huy chương ở các giải quốc tế, đặc biệt là Sea games. Có huy chương tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc. Được xếp vào tốp 10 đội mạnh quốc gia. Năm 2020, môn Taekwondo đạt từ 10-12 huy chương tại các giải thể thao cấp quốc gia, trong đó có 1-3 huy chương vàng.

+ Môn Võ cổ truyền: Phấn đấu có huy chương tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc. Được xếp vào tốp 10 đội mạnh quốc gia. Đến năm 2020, môn võ cổ truyền đạt từ 6-10 huy chương tại các giải thể thao cấp quốc gia, trong đó có ít nhất 01 huy chương vàng.

+ Môn Điền kinh: Phấn đấu có huy chương tại Sea games. Có huy chương tại Đại hội TDTT toàn quốc lần VIII năm 2018. Đến năm 2020, môn điền kinh đạt từ 10-12 huy chương tại các giải thể thao cấp quốc gia, trong đó 01 - 03 huy chương vàng. Tập trung phát triển thế mạnh của Tỉnh ở cự ly dài.

+ Môn Aerobic: Phấn đấu có huy chương ở các giải quốc tế, đặc biệt là Sea games. Có huy chương vàng tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc. Đến năm 2020, môn aerobic đạt từ 10-12 huy chương tại các giải thể thao cấp quốc gia, trong đó 2-3 huy chương vàng.

+ Môn Pencatsilat: Phấn đấu có huy chương ở các giải quốc tế, đặc biệt là Sea games. Có huy chương tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018. Được xếp vào tốp 10 đội mạnh quốc gia. Năm 2020, môn Pencatsilat đạt từ 8-10 huy chương tại các giải thể thao cấp quốc gia.

- Các môn thể thao thành tích cao ở nhóm II:

+ Môn Karatedo: Cố gắng có huy chương tại Đại hội TDTT toàn quốc lần VIII năm 2018. Tham gia và ngày càng có nhiều huy chương tại các giải trẻ, giải cúp các câu lạc bộ. Đến năm 2020, Karatedo đạt khoảng 06 - 10 huy chương tại các giải vô địch, giải trẻ, giải cúp các câu lạc bộ.

+ Môn Bóng đá: phấn đấu đạt thứ hạng cao ở giải hạng nhất và vươn lên giải V.League trong giai đoạn 2025-2030.

+ Môn Boxing: Tham gia đều đặn và ngày càng có nhiều huy chương tại các giải thi đấu: Giải vô địch Thiếu niên trẻ Boxing nam, nữ toàn quốc, giải cup các câu lạc bộ Boxing nam, nữ toàn quốc, giải đại hội Boxing nam, nữ toàn quốc. Cố gắng năm 2020, đạt khoảng 10 huy chương các loại.

- Các môn thể thao nhóm III:

+ Định mức đầu tư của Nhà nước cho các môn thể thao nhóm III ở mức độ thích hợp và thấp hơn các môn thể thao nhóm I và nhóm II.

+ Mời các huấn luyện viên giỏi trong nước ở các môn trên về làm công tác tuyển chọn và huấn luyện. Trong trường hợp phát hiện vận động viên có năng khiếu tốt ở một môn thể thao nào đó nên cử đi tập huấn dài hạn, ký hợp đồng, và có chế độ đãi ngộ hợp lý để có thể mang về thành tích cao cho thể thao tỉnh nhà.

c) Hệ thống tổ chức thi đấu TDTT cấp tỉnh:

- Hệ thống thi đấu TDTT cho mọi người: Đại hội TDTT toàn Tỉnh 04 năm/lần. Hội khoẻ Phù Đổng: Cấp trường 01 năm/lần; cấp huyện, thành phố 02 năm/ lần; giải thể thao học đường 02 năm/lần, hội HKPĐ cấp Tỉnh 02 năm/lần. Giải thi đấu các môn thể thao phong trào: Mỗi năm tổ chức 35 - 40 giải thể thao phong trào trong toàn Tỉnh (cấp tỉnh và huyện). Giải thể thao người khuyết tật 01 năm/lần. Giải thể thao các môn dân tộc thiểu số 02 năm/lần. Đăng cai 02 - 03 giải thể thao khu vực, toàn quốc. Giải thi đấu các môn thể thao phong trào cấp tỉnh: mỗi năm tổ chức 14 - 17 giải thể thao, cấp ngành ít nhất 01 giải/năm, mỗi cấp học tổ chức 03 giải/năm.

- Hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao: Đăng cai 4-5 giải thể thao khu vực, toàn quốc.

- Tham gia các giải thể thao trong nước, quốc tế: Đại hội TDTT toàn quốc. Các giải thể thao thành tích cao toàn quốc hàng năm (giải vô địch, giải trẻ, thiếu niên, nhi đồng,...). Các giải TDTT quần chúng toàn quốc hàng năm. Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc. Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc. Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc.

3. Quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển TDTT

a) Các công trình TDTT cấp Tỉnh:

- Giai đoạn 2015-2020:

+ Sửa chữa nhà ở vận động viên của Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT.

+ Nâng cấp, bổ sung các thiết bị, dụng cụ tập luyện tại Nhà thi đấu Lê Trung Kiên.

+ Nâng cấp sân vận động Tỉnh.

+ Lập thủ tục gọi vốn đầu tư và tiến hành thi công công trình khu liên hợp TDTT.

+ Đầu tư trang thiết bị, phương tiện tập luyện và thi đấu thể thao khác trên địa bàn Tỉnh.

- Giai đoạn 2021 - 2030: Đầu tư hoàn thành khu liên hợp TDTT Tỉnh. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị, phương tiện tập luyện và thi đấu thể thao.

b) Các công trình TDTT cấp huyện, thị xã, thành phố:

- Giai đoạn 2015-2020:

+ Sau khi triển khai đầu tư mới khu liên hợp TDTT của Tỉnh, hoàn tất thủ tục chuyển toàn bộ khu sân vận động và nhà thi đấu Lê Trung Kiên cho UBND Tp. Tuy Hòa quản lý.

+ Đầu tư giai đoạn 2 sân vận động, nhà tập luyện thể thao huyện Đồng Xuân.

+ Đầu tư 03 sân vận động huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa. Đầu tư nhà tập luyện thể thao ở huyện Đông Hòa, huyện Phú Hòa, huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu.

+ Đầu tư dụng cụ tập luyện và thi đấu thể dục thể thao.

- Giai đoạn 2021-2030:

+ Đầu tư bể bơi thuộc Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa.

+ Đầu tư bể bơi ở huyện Sơn Hòa, huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu, huyện Đồng Xuân.

+ Tiếp tục đầu tư dụng cụ tập luyện và thi đấu thể dục thể thao, đầu tư hoàn thiện các nhà thi đấu và sân vận động.

c) Các công trình TDTT cấp xã, thị trấn:

- Giai đoạn 2015-2020: Đến năm 2015 đảm bảo 100% xã, thị trấn quy hoạch đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng thiết chế văn hóa thể thao. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 65% xã, thị trấn có trung tâm thể dục thể thao.

- Giai đoạn 2021-2030: Cơ bản 100% xã trong Tỉnh có trung tâm thể dục thể thao.

d) Trường học các cấp:

- Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: Khuyến khích và tạo điều kiện đầu tư xây dựng nhà tập luyện thể chất tại các trường: Đại học Xây dựng Miền Trung, Cao đẳng y tế Phú Yên, Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, Cao đẳng nghề Phú Yên. Đầu tư xây dựng Khu liên hợp TDTT 10,6 ha tại Trường Đại học Phú Yên.

- Các trường phổ thông: Đảm bảo xây dựng các hạng mục công trình dành cho hoạt động TDTT: Nhà tập đa năng, sân tập luyện (ngoài trời và trong nhà); giai đoạn 2015 - 2020 đạt 20% số trường; giai đoạn 2021 - 2030 đạt >80% số trường.

4. Quy hoạch quỹ đất đáp ứng nhu cầu phát triển TDTT

Nhu cầu sử dụng đất TDTT tỉnh Phú Yên đến năm 2020: 354,1 ha (đạt 3,8m2/người dân).

a) Cấp Tỉnh: 36,8 ha .

b) Cấp huyện, thị xã, thành phố: Đảm bảo quỹ đất dành cho TDTT cấp huyện, thị xã 59,7 ha (Quỹ đất cho các công trình TDTT cấp huyện, thành phố trung bình từ 5-6 ha/huyện).

c) Cấp xã, phường, thị trấn và khu dân cư (thôn, làng, khu phố): 207,6 ha. Trong đó: Quỹ đất cho các công trình TDTT cấp xã, phường, thị trấn: 183 ha (Vùng đồng bằng: 1-2 ha, Vùng núi, trung du: 0,5-1 ha). Quỹ đất các thôn, tổ dân phố: 25 ha (đảm bảo tối thiểu 500m2 quỹ đất xây dựng nhà văn hóa-thể thao).

d) Đất dùng cho các công trình khác phục vụ TDTT như trụ sở, trường học: 50 ha. Duy trì ổn định diện tích đất đã quy hoạch dành cho thể dục thể thao đến năm 2030.

5. Các dự án ưu tiên đầu tư

- Khu liên hợp thể dục thể thao Tỉnh.

- Trung tâm thể dục thể thao huyện Phú Hòa.

- Trung tâm thể dục thể thao huyện Tây Hòa.

- Trung tâm thể dục thể thao huyện Đông Hòa.

- Trung tâm thể dục thể thao thị xã Sông Cầu.

IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH.

1. Giải pháp về tổ chức bộ máy cán bộ và tăng cường quản lý nhà nước

a) Cấp Tỉnh:

- Đơn vị quản lý nhà nước: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

- Đơn vị sự nghiệp TDTT: Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao và thành lập mới Trung tâm dịch vụ thi đấu Khu liên hợp TDTT Tỉnh gắn với quá trình thành lập Khu liên hợp TDTT Tỉnh.

b) Cấp huyện, thị xã, thành phố:

- Đơn vị quản lý nhà nước: Phòng Văn hóa và Thông tin.

- Đơn vị sự nghiệp: Trung tâm văn hóa thể thao.

c) Cấp xã, phường, thị trấn: Đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có 01 cán bộ chuyên trách TDTT. Ở mỗi cụm dân cư, thôn có 01 cán bộ làm công tác văn hóa xã hội kiêm nhiệm công tác TDTT. Phấn đấu có 100% số cán bộ hướng dẫn viên, cộng tác viên thể thao ở cấp xã, phường, thị trấn và thôn, khu phố được bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ về TDTT.

d) Đổi mới phương pháp quản lý hoạt động, tăng cường tổ chức bộ máy TDTT các cấp:

- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo đội ngũ cán bộ TDTT cơ sở, tổ chức hoạt động, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư để nâng cao chất lượng hoạt động TDTT. Hoàn thiện hệ thống tổ chức, quản lý của bộ máy TDTT các cấp theo yêu cầu quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

- Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát trên mọi lĩnh vực quản lý nhà nước ngành văn hoá thể thao và Du lịch.

2. Giải pháp về vốn đầu tư và khả năng huy động vốn đầu tư

a) Tổng hợp nhu cầu vốn:

- Vốn phát triển sự nghiệp TDTT.

+ Cấp Tỉnh: Phấn đấu nâng dần tỷ lệ chi cho sự nghiệp TDTT Tỉnh tiệm cận với tỷ lệ chi trung bình của cả nước. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020: 25 - 30 tỷ đồng/năm và giai đoạn 2021 - 2030: 40-50 tỷ đồng/năm.

+ Cấp huyện, thị xã, thành phố: Bình quân giai đoạn 2016 - 2020: Từ 300 - 500 triệu đồng/năm/huyện và giai đoạn 2021 - 2030: Từ 0,5 - 1,0 tỷ đồng/năm/huyện.

b) Vốn đầu tư xây dựng cơ bản:

- Tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2015 - 2030: 1.900 tỷ đồng. Trong đó: Giai đoạn 2015 - 2020: 869 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2030: 1.031 tỷ đồng.

- Dự kiến nguồn đầu tư: Ngân sách Tỉnh, huyện chiếm 58,05%; ngân sách xã và nhân dân đóng góp chiếm 16,68%; doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác chiếm 25,26% tổng vốn đầu tư.

b) Giải pháp huy động và sử dụng nguồn vốn:

- Ngân sách Tỉnh, huyện: Tập trung nguồn vốn để đầu t­­ư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, đào tạo huấn luyện viên, huấn luyện vận động viên thể thao thành tích cao; xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế thể thao tập trung của tỉnh, huyện và cơ sở, từng bước hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng thể thao.

- Vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác (ODA, FDI,…): Kêu gọi và vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước được đầu tư xây dựng, khai thác hoạt động các công trình thể dục thể thao tại Khu liên hợp TDTT được xác định trong quy hoạch tổng thể từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh theo pháp luật của Nhà nước. Huy động vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ huấn luyện và thi đấu, tham gia vào việc đào tạo vận động viên, hỗ trợ, tài trợ để tổ chức thi đấu thể thao; phát huy nội lực và huy động các nguồn vốn của xã hội tham gia, đóng góp để phát triển sự nghiệp thể dục thể thao của Tỉnh.

- Ngân sách xã và nhân dân đóng góp: tập trung đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa thể thao xã, phường, thị trấn và Nhà tập thể thao đa năng, sân tập thể thao từng môn.

3. Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về phát triển sự nghiệp thể dục thể thao Phú Yên.

- Đa dạng hóa công tác tuyên truyền để đưa kiến thức TDTT đến mọi người dân nhằm cuốn hút ngày càng đông đảo quần chúng nhân dân đến với thể thao. Vận động các tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, chú trọng các nhiệm vụ thể thao thành tích cao của Tỉnh.

- Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo ương Bác Hồ vĩ đại”, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phát động Phong trào thi đua “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

4. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển TDTT

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác thể dục thể thao. Mở rộng công tác liên kết các trường đại học, các Cục, Vụ, Viện nhằm đa dạng hoá các hình thức đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thể thao; tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ thể dục thể thao cho cho cán bộ văn hóa xã hội các xã, phường, thị trấn về các lĩnh vực: Quản lý thể thao và xây dựng phong trào cơ sở...

- Từng bước hiện đại hóa hệ thống đào tạo tài năng thể thao. Lựa chọn, phân nhóm các môn thể thao trọng điểm để có kế hoạch đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong quá trình đào tạo vận động viên. Đổi mới công tác tuyển chọn, huấn luyện thể thao theo hướng khoa học và hiện đại. Cải tiến ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo ra những bước đột phá để nâng cao thành tích thể thao.

- Hoàn chỉnh các quy định, nội dung tuyển chọn năng khiếu thể thao. Kiện toàn quy trình huấn luyện, phương pháp huấn luyện và hồi phục thể lực, công tác giáo dục vận động viên.

5. Giải pháp về quy hoạch đất và sử dụng đất đai

Mỗi xã, phường, thị trấn; các huyện, thị xã, thành phố có quỹ đất, địa điểm giành cho các công trình thể dục thể thao và từng bước đầu tư hoàn thiện các công trình làm cơ sở để tập luyện, tổ chức thi đấu thể thao; đặc biệt mỗi trường phổ thông cần có địa điểm phục vụ cho các tiết học thể dục thể thao nội khoá và tập luyện ngoại khoá; các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn Tỉnh phải bố trí quỹ đất thích hợp để đầu tư xây dựng các công trình TDTT cho sinh viên.

6. Giải pháp về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường

Tập trung xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao; bước đầu và từng bước nghiên cứu các đề tài khoa học, ứng dụng khoa học - công nghệ trong tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo vận động viên...

7. Giải pháp về hợp tác phát triển TDTT

Duy trì quan hệ hợp tác với các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên: Gia Lai, Khánh Hòa, Bình Định, ... và mở rộng phát triển hợp tác với các thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, đặc biệt là trung tâm huấn luyện Quốc Gia II – thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm huấn luyện Quốc Gia III – Đà Nẵng để đào tạo, tập huấn, phát triển lực lượng vận động viên, xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án về thể dục thể thao, chuyển giao công nghệ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về các mặt phát triển thể dục thể thao.

8. Giải pháp về xã hội hóa TDTT

- Tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về xã hội hoá các hoạt động thể dục thể thao. Đa dạng hóa các loại hình hoạt động: Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập câu lạc bộ thể thao và tổ chức các giải thể thao; hoạt động kinh doanh, dịch vụ của các cơ sở thể dục thể thao...

- Quy hoạch đất dành cho TDTT, thực hiện cấp đất, cho thuê đất để các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư các công trình thể dục thể thao.

- Khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác giữa nhà nước, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong phát triển kinh doanh thể dục, thể thao.

- Tổ chức phối hợp, lồng ghép các chương trình hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

9. Giải pháp về cơ chế, chính sách

- Điều chỉnh chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên và các chế độ khác phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao tại địa phương; nâng mức chi chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao; nâng mức chi đối với các giải thi đấu thể thao và các chế độ khác cho hoạt động thể dục thể thao do địa phương quản lý phù hợp với tình hình phát triển kinh tế từng giai đoạn.

- Xây dựng các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân ở địa phương, trong nước, ngoài nước tham gia đầu tư cơ sở vật chất phục vụ thể dục thể thao; đầu tư hỗ trợ cho tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện vận động viên; gây quỹ hỗ trợ phát triển sự nghiệp TDTT; tham gia các hoạt động kinh doanh, sản xuất, tổ chức dịch vụ thể dục, thể thao.

- Ban hành chế độ, chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các vận động viên tài năng TDTT; các cán bộ khoa học, các huấn luyện viên giỏi có trình độ cao trong nước phục vụ cho sự nghiệp phát triển TDTT của Tỉnh; chính sách hướng nghiệp cho các vận động viên ưu tú, các vận thể thao thành tích cao có nhiều cống hiến cho tỉnh sau khi giải nghệ.

- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để phát triển TDTT.

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Chịu trách nhiệm tổ chức công bố rộng rãi quy hoạch đến các tầng lớp dân cư và các thành phần kinh tế; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quy hoạch; vận động nhân dân tham gia thực hiện quy hoạch. Chủ trì phối hợp các Sở, ban, ngành và địa phương liên quan tham mưu UBND Tỉnh xây dựng Kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch. Định kỳ hàng năm đánh giá và báo cáo UBND Tỉnh kết quả thực hiện.

Chủ động huy động các nguồn vốn để đầu tư, phát triển TDTT trên địa bàn Tỉnh đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu quy hoạch đã đề ra.

2. Các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố: Trong chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp cùng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cụ triển khai thực hiện quy hoạch

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND Tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Tỉnh và các cơ quan có liên quan trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Quang Nhất

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 631/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt dự án Quy hoạch phát triển thể dục thể thao tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 631/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/04/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Trần Quang Nhất
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/04/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản