Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/2013/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 27 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH HOÀN TRẢ THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN CHO NGƯỜI TRỰC TIẾP THAM GIA PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ngày 21/11/2007;

Căn cứ Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 21/10/2011 của liên Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập;

Căn cứ Thông tư số 97/2010. TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi công công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Thông tư số 24/2011/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tiêu chuẩn, điều kiện khen thưởng cá nhân, tập thể tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; đối tượng, điều kiện cơ quan hoàn trả thiệt hại về giá trị tài sản cho người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 2027/TTr-SVHTTDL ngày 09/12/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định việc hoàn trả thiệt hại về tài sản cho người trực tiếp tham, gia phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

2. Đối tượng áp dụng

Người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mà bị thiệt hại về tài sản thì được UBND huyện, thị xã nơi xảy ra bạo lực gia đình hoàn trả thiệt hại

Điều 2. Đối tượng và điều kiện để nhà nước hoàn trả thiệt hại

1. Người gây thiệt hại là người bị bệnh tâm thần đủ các điều kiện, gồm:

a) Có hồ sơ bệnh án trước thời điểm gây ra thiệt hại về tài sản cho người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình;

b) Có xác nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên về tình trạng bệnh tật;

c) Không có người giám hộ hoặc có người tham gia nhưng người giám hộ có đủ căn cứ chứng minh họ không có lỗi trong việc giám hộ người bị bệnh tâm thần hoặc người giám hộ có tên trong danh sách hộ nghèo theo Quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã còn hiệu lực tại thời điểm gây ra thiệt hại về tài sản.

2. Người gây bạo lực thuộc diện hộ nghèo là người phải có tên trong danh sách Quyết định công nhận hộ gia đình nghèo của Chủ tịch UBND cấp xã còn hiệu lực tại thời điểm gây ra thiệt hại về tài sản và có căn cứ chứng minh không có tài sản để hoàn trả người bị hại cả trong hiện tại và tương lai.

Điều 3. Phân cấp cơ quan chịu trách nhiệm hoàn trả giá trị tài sản bị thiệt hại cho người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình

1. UBND tỉnh phân cấp cho UBND cấp huyện chi trả các thiệt hại về tài sản.

2. Hình thức hoàn trả bằng tiền Việt Nam hoặc hình thức khác theo sự thỏa thuận của người bị thiệt hại và cơ quan hoàn trả thiệt hại.

Điều 4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quá trình thực hiện hoàn trả thiệt hại về tài sản cho người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình

1. Chủ tịch UBND huyện, thị xã có trách nhiệm ra Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá trị tài sản bị thiệt hại cho người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây gọi tắt là Hội đồng thẩm định giá trị tài sản bị thiệt hại), thành phần gồm: Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Tư pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, thị xã, Công an huyện, thị xã và đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi xảy ra thiệt hại. Thành viên của Hội đồng thẩm định giá trị tài sản bị thiệt hại sử dụng tài khoản và con dấu của Phòng Văn hóa và Thông tin. Hội đồng thẩm định giá trị tài sản bị thiệt hại sử dụng tài khoản và con dấu của Phòng Văn hóa và Thông tin.

2. Người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mà bị thiệt hại về tài sản có trách nhiệm gửi đơn kèm theo hồ sơ về tài sản bị thiệt hại tại bộ phận một cửa của UBND xã, phường, thị trấn nơi xảy ra bạo lực gia đình.

3. Cán bộ bộ phận một cửa của UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tiếp nhận đơn, viết giấy biên nhận cho người viết đơn.

4. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xác nhận về: Tính xác thực của vụ việc, số lượng và giá trị tài sản bị thiệt hại. Lập văn bản kèm theo đơn và hồ sơ gửi lên Hội đồng thẩm định giá trị tài sản bị thiệt hại giải quyết theo thẩm quyền, trong văn bản này, có đề cử Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách khối văn xã tham gia vào Hội đồng thẩm định giá trị tài sản bị thiệt hại.

5. Hội đồng thẩm định giá trị tài sản bị thiệt hại có trách nhiệm tiếp nhận văn bản và hồ sơ, mời đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi xảy ra thiệt hại tham gia vào Hội đồng; xác minh lại vụ việc, thẩm định số lượng và giá trị tài sản bị thiệt hại của người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, tham mưu UBND huyện, thị xã ban hành Quyết định hành chính.

6. UBND huyện, thị xã có trách nhiệm ban hành Quyết định hành chính.

Điều 5. Trình tự, thủ tục hoàn trả thiệt hại về tài sản cho người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình

1. Đơn đề nghị:

a) Nội dung đơn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác, nội dung đề nghị hoàn trả thiệt hại về tài sản (Thời gian, địa điểm tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; quá trình bị thiệt hại về tài sản do tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; tên và giá trị tài sản bị thiệt hại; lý do đối tượng gây thiệt hại không có khả năng bồi thường tài sản).

b) Hình thức gửi đơn:

- Gửi trực tiếp: Người viết đơn trực tiếp hoặc ủy quyền người khác đến bộ phận một cửa của UBND xã, phường, thị trấn nơi xảy ra bạo lực gia đình nộp đơn kèm theo hồ sơ.

- Gửi qua đường bưu điện: Người viết đơn gửi kèm theo hồ sơ đến bộ phận một cửa của UBND xã, phường, thị trấn nơi xảy ra bạo lực gia đình qua đường bưu điện.

2. Thành phần, số lượng hồ sơ:

a) Thành phần hồ sơ:

- Đơn của người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình bị thiệt hại về tài sản.

- Hồ sơ về tài sản bị thiệt hại, gồm: Hóa đơn, chứng từ, các văn bản, giấy tờ có liên quan, hình ảnh về số tài sản trước khi bị thiệt hại. Các hóa đơn, chứng từ, các văn bản, giấy tờ có liên quan về số tài sản trước khi bị thiệt hại phải là bản gốc hoặc sao có công chứng; hình ảnh về số tài sản trước khi bị thiệt hại (nếu có) phải là hình ảnh thật.

b) Số lượng hồ sơ: 02 (hai) bộ (gia đình giữ 01 b; gửi UBND xã, phường, thị trấn 01 bộ);

3. Thời hạn giải quyết:

a) Thời hạn giải quyết ở xã, phường, thị trấn là 05 ngày làm việc được tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

b) Thời hạn UBND huyện, thị xã ban hành Quyết định hành chính không quá 17 ngày làm việc, được tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

4. Trình tự giải quyết:

a) Hội đồng thẩm định giá trị tài sản bị thiệt hại phân công các thành viên đến nơi xảy ra vụ thiệt hại để thu nhập thêm bằng chứng về vụ thiệt hại tài sản: Tài sản sau khi đã bị biến dạng, biến chất; các nhân chứng liên quan đến tài sản bị thiệt hại…

b) Hội đồng thẩm định giá trị tài sản bị thiệt hại tổ chức họp để thẩm định giá trị tài sản bị thiệt hại.

c) Hội đồng thẩm định giá trị tài sản bị thiệt hại tham mưu UBND huyện, thị xã ban hành Quyết định hành chính.

Điều 6. Chế độ thực hiện lập và hoàn thiện hồ sơ

Kinh phí và lập hoàn thiện hồ sơ (họp thẩm định giá trị tài sản bị thiệt hại, công tác phí, chi phí đi lại và các chi phí khác nếu có) thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính theo quy định chế độ chi công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và quy định của pháp luật về tài chính có liên quan.

Điều 7. Kinh phí hoàn trả giá trị tài sản bị thiệt hại

Nguồn kinh phí chi hoàn trả bị thiệt hại được bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hàng năm từ nguồn chi khác và thực hiện theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

Điều 8. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ VHTT&DL;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ TP;
- TTTU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Như Điều 8;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã;
- Trung tâm Tin học - Công báo;
- LĐVP, các Phòng: VX, NC-NgV, KTTH;
- Lưu VT (T-16-2013).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Trăm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 62/2013/QĐ-UBND quy định hoàn trả thiệt hại về tài sản cho người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Phước

  • Số hiệu: 62/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/12/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Nguyễn Văn Trăm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/01/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 05/10/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản