Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 61/2008/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 03 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TẠI CÁC ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 14/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;
Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hoá Thông tin hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP ;
Căn cứ văn bản thẩm định số 3474/TP-VBPQ ngày 13/11/2008 của Sở Tư pháp;
Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 945/TTr-SXD ngày 18/11/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2009.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Xuân Đương

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TẠI CÁC ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 61/2008/QĐ-UBND ngày 03/12/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hoá - xã hội đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hoá dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đường là lối đi lại được xác định trong quy hoạch đô thị có quy mô lớn về chiều dài, chiều rộng, gồm các trục chính trên địa bàn đô thị, các tuyến vành đai, các tuyến liên tỉnh.

2. Phố là lối đi lại được xác định trong quy hoạch đô thị, hai bên phố thường có các công trình liền kề nhau như nhà ở, các công trình dịch vụ…

3. Ngõ là lối đi lại nhỏ từ đường, phố vào các cụm dân cư đô thị.

4. Ngách là lối đi lại hẹp từ ngõ vào sâu trong các cụm nhà ở của dân trong đô thị.

5. Công trình công cộng bao gồm quảng trường, công viên, vườn hoa, cầu, bến xe, công trình văn hoá - nghệ thuật, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, công trình phục vụ du lịch, vui chơi giải trí.

6. Đô thị bao gồm thành phố, thị xã, thị trấn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập bao gồm thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công và các thị trấn.

7. Nhà đầu đường, đầu phố là nơi bắt đầu số nhà nhỏ nhất.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Tất cả các đường, phố và công trình công cộng trong thành phố, thị xã, thị trấn được xây dựng theo quy hoạch đô thị, được sử dụng ổn định, lâu dài thì được xem xét để đặt tên.

Điều 5. Những trường hợp không đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng

1. Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hoá của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ. Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hoá, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng.

2. Không đặt tên đường, phố hoặc công trình công cộng bằng các tên gọi khác nhau của một danh nhân hoặc đặt trùng tên trong cùng một đô thị. Trong trường hợp đặc biệt thì cần xem xét từng trường hợp cụ thể gắn với các mốc lịch sử cụ thể trong cuộc đời hoạt động của danh nhân để có phương án xử lý phù hợp.

Điều 6. Các đô thị căn cứ vào phân loại cấp đô thị để lựa chọn sự kiện lịch sử - văn hoá, danh nhân đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng cho phù hợp. Cần ưu tiên lấy địa danh nổi tiếng, sự kiện lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, danh nhân tiêu biểu của địa phương mình để đặt tên đường, phố và công trình công cộng.

Điều 7. Tên danh nhân nước ngoài được xem xét đặt cho đường, phố và công trình công cộng mà địa phương, đơn vị gắn liền với những đóng góp to lớn của danh nhân đó.

Điều 8. Căn cứ vào vị trí, cấp độ, quy mô của đường, phố và công trình công cộng để đặt tên tương xứng với ý nghĩa của địa danh, tầm quan trọng của sự kiện lịch sử và công lao của danh nhân.

Điều 9. Đường, phố và công trình công cộng được đặt tên trên cơ sở lựa chọn một trong các tên sau:

1. Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hoá của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt.

2. Danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hoá, xã hội là những danh từ chung như Độc lập, Tự do, Dân chủ, Thống nhất, Giải phóng, Đồng khởi … đều có thể sử dụng để đặt tên đường, phố hoặc công trình công cộng.

3. Tên di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hoá.

4. Tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương.

5. Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận.

Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.

Điều 10. Đường, phố quá dài, căn cứ vào điều kiện cụ thể, có thể phân ra từng đoạn để đặt tên.

Điều 11. Không đặt tên cho ngõ, ngách. Ngõ được gọi theo số kế tiếp của số nhà đầu ngõ, tính từ đầu phố kèm theo tên phố; ngách được gọi theo biển số nhà kế tiếp của số nhà đầu ngách, tính từ đầu ngõ kèm theo tên ngõ.

Điều 12. Đối với các công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng khi đặt tên thì Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Các công trình công cộng còn lại Ủy ban nhân dân tỉnh uỷ quyền việc đặt tên cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã quyết định.

Điều 13. Các loại biển được sử dụng

1. Biển tên đường, phố;

2. Biển số ngõ, ngách;

3. Biển tên công trình công cộng.

Điều 14. Cấu tạo các loại biển

1. Màu sắc và chất liệu của các loại biển trong Quy định này có nền màu xanh lam sẫm; chữ và số màu trắng, đường chỉ viền màu trắng, được làm bằng sắt tráng men hoặc nhôm lá dập dày 1mm, biển được sơn phản quang.

2. Kích thước của từng loại biển (chiều rộng x chiều cao)

a) Biển tên đường, phố: 750mm x 400mm

b) Biển số tên ngõ, ngách: 400mm x 200mm

c) Biển tên công trình công cộng: tuỳ theo quy mô, ý nghĩa của công trình để chọn kích thước và thiết kế biển cho phù hợp.

(Theo mẫu hướng dẫn chi tiết đính kèm theo Quy định này)

Điều 15. Gắn biển tên đường, phố

1. Biển được gắn ở điểm đầu, điểm cuối của đường, phố và ở các điểm giao nhau với đường, phố khác.

2. Biển được gắn trên đầu cột sắt cao 2,5 m, đường kính tối thiểu 100mm, cột được chôn vững chắc. Vị trí đặt cột ở gần mép góc vuông vỉa hè của hai đường, phố giao nhau; hai biển tên của hai đường, phố giao nhau gắn vuông góc với nhau trên một cột. Tại nơi gắn biển trùng với vị trí của cột điện thì có thể gắn biển trên cột điện.

Điều 16. Gắn biển tên ngõ, ngách

Biển tên ngõ, ngách được gắn ở đầu ngõ, ngách phía bên phải của lối vào. Biển được gắn trên cột sắt cao 2 m, đường kính cột tối thiểu 100mm, tại vị trí thuận lợi khi quan sát. Biển tên ngõ, ngách cũng có thể được gắn mặt tường, mặt cổng của nhà đầu ngõ, ngách.

Điều 17. Gắn biển tên công trình công cộng

Đối với các công trình công cộng, khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ…mà vị trí gắn biển tiếp giáp với không gian công cộng thì phải có thiết kế cụ thể và xin phép cơ quan quản lý quy hoạch kiến trúc.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh

1. Thành lập Hội đồng tư vấn về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Cần công bố công khai dự kiến đặt tên hoặc đổi tên đường, phố, công trình công cộng để nhân dân tham gia góp ý kiến trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thường kỳ hàng năm.

2. Quyết định đặt tên các công trình công cộng thuộc thẩm quyền. Kiểm tra, đôn đốc việc đặt tên các công trình công cộng đã uỷ quyền cho chính quyền các cấp. Tên công trình công cộng thuộc thẩm quyền đặt tên của Ủy ban nhân dân tỉnh và công trình công cộng uỷ quyền cho chính quyền các cấp cũng phải lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn về lịch sử, văn hoá… các tổ chức Đảng, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng cấp, các nhà nghiên cứu và cơ quan cấp trên trực tiếp trước khi ra quyết định.

3. Giao cho đơn vị có chức năng quản lý đô thị tổ chức thực hiện việc gắn biển tên đường, phố và công trình công cộng kể từ ngày Nghị quyết về việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng của Hội đồng nhân dân tỉnh có hiệu lực.

4. Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông phổ biến, tuyên truyền cho việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Làm rõ ý nghĩa, sự kiện lịch sử, giá trị di tích, danh lam thắng cảnh, công trạng của danh nhân được chọn để đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng để mọi người được biết.

Điều 19. Hội đồng tư vấn về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng

1. Thành phần Hội đồng tư vấn gồm đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước: Sở Xây dựng, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng một số nhà nghiên cứu về các lĩnh vực có liên quan.

2. Hội đồng tư vấn có nhiệm vụ:

a) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu xác lập ngân hàng tên; lên danh mục tên các đường, phố và công trình công cộng cần đặt tên hoặc đổi tên, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn (gồm các ngành: khoa học lịch sử, văn học nghệ thuật, kiến trúc, xây dựng…), các tổ chức Đảng, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể và các nhà khoa học.

b) Tổng kiểm kê tên các đường, phố và công trình công cộng của các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh đã được đặt tên.

c) Phát hiện những tên đường, phố trùng nhau, chưa đúng hoặc chưa hợp lý để đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trình Hội đồng nhân dân cho sửa hoặc thay đổi.

d) Căn cứ vào các Điều 5, 6, 7, 8, 9 của Quy định này nghiên cứu xác lập ngân hàng tên để có thể sử dụng lâu dài cho việc đặt tên đường, phố và công trình công cộng.

e) Lựa chọn những tên phù hợp trong ngân hàng tên dự kiến đặt tên đường, phố và công trình công cộng để Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp.

Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

Có trách nhiệm tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, Hội đồng tư vấn đặt tên đường của tỉnh để thực hiện việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thuộc thẩm quyền được phân cấp theo đúng trình tự, quy định.

Điều 21. Kinh phí và mức thu lệ phí

1. Kinh phí để gắn biển tên đường, phố, ngõ ngách lấy từ ngân sách của Ủy ban nhân dân các cấp đã được phân cấp.

2. Kinh phí gắn biển tên công trình công cộng lấy từ nguồn kinh phí của cơ quan quản lý công trình công cộng đó.

3. Việc quản lý kinh phí gắn biển tên đường, phố, ngõ, ngách và công trình công cộng thực hiện theo quy định chi tiết của Sở Tài chính tỉnh.

Chương IV

THANH, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 22. Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Các cấp chính quyền theo chức năng thanh, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về việc đặt tên đường, phố, công trình công cộng.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Giải quyết những tồn tại

Đối với các đường, phố và công trình công cộng đã được gắn biển tên mà quy cách chưa đúng với Quy định này thì tạm thời giữ nguyên, khi thay thế sẽ điều chỉnh cho phù hợp.

Đối với các đường, phố và công trình công cộng mới được gắn biển thì phải thực hiện theo Quy định này.

Điều 25. Trách nhiệm hướng dẫn thực hiện

Giao Sở Xây dựng Thái Nguyên chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn, triển khai thực hiện Quy định này.

Điều 26. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc có vấn đề gì chưa phù hợp cần phải sửa đổi, bổ sung thì gửi ý kiến bằng văn bản về Sở Xây dựng để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi./.

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 61/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành

  • Số hiệu: 61/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/12/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Phạm Xuân Đương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản