Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/2014/QĐ-UBND

Vĩnh Yên, ngày 10 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP, AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

ỦY BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 7 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Giống cây trồng ngày 24 tháng 3 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Thú y; Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định số 67/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi;

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09 tháng 4 năm 2014 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 131/TTr-SNN&PTNT ngày 09 tháng 10 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan và các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Các Bộ: Nông nghiệp & PTNT, Y Tế, Công Thương (b/c);
- Cục KTVB - Bộ Tư pháp (b/c);
- TTTU, HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn ĐBQH tỉnh (b/c);
- CPCT, CPVP;
- UBMTTQ VN tỉnh, các đoàn thể;
- Báo VP, Đài PTTH tỉnh, Cổng TTĐT;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Website Chính phủ;
- CVNCTH;
- Lưu: VT, NN3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phùng Quang Hùng

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP, AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND ngày 10/12/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về trách nhiệm và việc phối hợp của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi là UBND cấp huyện), Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã) trong hoạt động quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về VTNN, ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.

2. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lĩnh vực VTNN, ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vật tư nông nghiệp: Bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, máy móc, nguyên vật liệu, thiết bị sử dụng trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, thủy lợi và muối thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp & PTNT.

2. Sản phẩm nông lâm thủy sản: Bao gồm các sản phẩm có nguồn gốc động vật, các sản phẩm có nguồn gốc thực vật và muối.

3. An toàn thực phẩm: Là việc đảm bảo để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

4. Cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản: Nơi thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản.

5. Cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản: Nơi thực hiện các hoạt động buôn bán vật tư nông nghiệp; sản phẩm nông lâm thủy sản.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý và phối hợp

1. Bảo đảm việc quản lý xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản.

2. Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và địa phương.

3. Đảm bảo nguyên tắc một cửa, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước.

Điều 5. Phối hợp và xử lý chồng chéo trong quản lý

1. Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về VTNN (trừ phân bón vô cơ). Sở Công thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón vô cơ.

2. Đối với cơ sở chỉ sản xuất, kinh doanh phân bón:

a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ và phân bón khác giao Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm quản lý;

b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ hoặc vừa sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ vừa sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ và phân bón khác giao Sở Công thương chịu trách nhiệm quản lý.

3. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh từ hai loại VTNN trở lên (giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV,...) giao Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm chủ trì quản lý.

4. Xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra: Trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước có sự trùng lặp kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì thực hiện như sau:

a) Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp dưới trùng với kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp trên thì thực hiện theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp trên;

b) Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cơ quan cùng cấp trùng nhau về địa bàn, cơ sở thì các bên trao đổi thống nhất thành lập đoàn liên ngành.

c) Khi thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về VTNN, ATTP nông lâm thủy sản thì cơ quan chủ trì việc thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả thanh tra, kiểm tra cho các cơ quan tham gia phối hợp.

Chương II

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP, AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN

Điều 6. Sở Nông nghiệp & PTNT

1. Tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về VTNN, ATTP nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng VTNN và đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.

3. Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý VTNN, ATTP nông lâm thủy sản; tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về VTNN, ATTP nông lâm thủy sản theo quy định.

5. Thống kê, kiểm tra, đánh giá, phân loại về điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP của cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và sản phẩm nông lâm thủy sản; hướng dẫn, kiểm tra và thực hiện chứng nhận chất lượng, ATTP (đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn theo quy định của pháp luật; cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản theo phân cấp.

6. Xây dựng và thực hiện các chương trình giám sát ATTP, đánh giá nguy cơ, truy xuất nguyên nhân và xử lý thực phẩm mất an toàn theo quy định pháp luật.

7. Công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các cơ sở vi phạm về chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản trên các phương tiện thông tin đại chúng.

8. Tiếp nhận và thông báo tiếp nhận công bố hợp quy của các cơ sở sản xuất VTNN thuộc phạm vi quản lý; quản lý hoạt động chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo về chất lượng, ATTP nông sản thuộc phạm vi quản lý theo quy định pháp luật.

9. Tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất công tác quản lý VTNN, ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Điều 7. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng thực phẩm nông lâm thủy sản; xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành; truy xuất nguồn gốc và giải quyết, khắc phục hậu quả khi xảy ra ngộ độc thực phẩm hoặc dịch bệnh có liên quan đến sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Điều 8. Sở Công thương

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phân bón vô cơ; thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản tại các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh; phòng chống hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại đối với VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 9. Sở Khoa học và Công nghệ

1. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT về công tác quản lý chất lượng hàng hóa VTNN, nông lâm thủy sản trong lĩnh vực quản lý được giao.

2. Chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Sở thực hiện các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường chất lượng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản.

Điều 10. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh cho Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương để tổng hợp theo dõi, thanh tra, kiểm tra theo quy định.

Điều 11. Sở Tài chính

1. Tham mưu giúp UBND tỉnh bố trí, cân đối nguồn kinh phí; thẩm định dự toán kinh phí cho hoạt động quản lý nhà nước về VTNN, ATTP nông lâm thủy sản của các sở, ngành và UBND cấp huyện đề nghị, trình UBND tỉnh phê duyệt.

2. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trình tự, thủ tục sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí cho hoạt động quản lý nhà nước về VTNN, ATTP nông lâm thủy sản theo đúng quy định hiện hành.

Điều 12. Sở Thông tin và Truyền thông

Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo VTNN, ATTP nông lâm thủy sản theo quy định của pháp luật

Điều 13. Công an tỉnh

1. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về VTNN, ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.

2. Phối hợp với Sở Công thương và các sở, ngành liên quan tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực VTNN, ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Điều 14. Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

1. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về VTNN, ATTP nông lâm thủy sản.

2. Thông báo công khai danh sách cơ sở đủ điều kiện, chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT.

Điều 15. Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn trực thuộc và UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về VTNN, ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn theo quy định.

2. Chỉ đạo UBND cấp xã thuộc địa bàn quản lý để tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện quy định này đến mọi người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

3. Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về VTNN, ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn.

4. Tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất công tác quản lý nhà nước về VTNN, ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn theo yêu cầu của Sở Nông nghiệp và PTNT.

5. Bố trí kinh phí thực hiện công tác quản lý VTNN và ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn quản lý.

Điều 16. Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về VTNN, ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn theo quy định.

2. Phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về VTNN, ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn.

3. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về việc đảm bảo chất lượng VTNN, ATTP sản phẩm nông lâm thủy sản tới mọi người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn.

4. Thông báo công khai các cơ sở không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, các VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản không đảm bảo chất lượng, ATTP theo đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương và UBND cấp huyện.

5. Tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh VTNN, ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn theo yêu cầu của UBND cấp huyện và của Sở Nông nghiệp và PTNT.

Điều 17. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến VTNN, ATTP nông lâm thủy sản

1. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về VTNN, ATTP nông lâm thủy sản.

2. Thực hiện đầy đủ các yêu cầu, quyết định hợp pháp của các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhà nước về VTNN, ATTP nông lâm thủy sản theo quy định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quy định này. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Quy định này theo yêu cầu.

Điều 19. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở, ngành, UBND các cấp phản ánh kịp thời bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 59/2014/QĐ-UBND Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

  • Số hiệu: 59/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/12/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Phùng Quang Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản