Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNGNHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 215/2007/NQ-HĐND

Vinh, ngày 14 tháng 12 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA NỘI DUNG ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ VINH ĐẾN NĂM 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KỲ HỌP THỨ 11, KHOÁ XV

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Xét đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An tại Tờ trình số: 8204/TTr.UBND.CN của Uỷ ban nhân dân tỉnh ngày 12 /12/2007;

Trên cơ sở ý kiến của các Đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ

Điều 1. Thông qua nội dung Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh đến năm 2025 với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng:

a. Cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội (KTXH) của tỉnh Nghệ An đến năm 2020, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI: “Đoàn kết phấn đấu đưa Nghệ An thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo vào năm 2010; cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020; xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế và văn hóa của vùng Bắc Trung bộ; quyết tâm đưa Nghệ An thành một trong những tỉnh khá của cả nước”;và Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ tại Quyết định số: 239/2005/QĐ-TTg ngày 30/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

b. Quy hoạch mở rộng không gian đô thị Vinh phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và quy mô dân số của thành phố Vinh, cũng như với các chức năng của đô thị trong vùng Bắc Trung bộ ( phấn đấu đến năm 2010 thành phố Vinh đạt tiêu chuẩn Đô thị loại I, trước mắt phấn đấu trong Quý I/2008 duyệt xong quy hoạch, Quý II/2008 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án mở rộng địa giới đô thị Vinh).

2. Tính chất chức năng:

a) Tính chất: Thành phố Vinh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh, là trung tâm kinh tế- văn hoá của khu vực Bắc miền Trung.

b) Chức năng chủ yếu:

- Trung tâm vùng Bắc Trung bộ, đầu mối giao thông, cửa ngõ giao thương quan trọng của vùng Bắc Trung bộ, của cả nước và quốc tế;

- Trung tâm kinh tế, đầu tàu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế của Tỉnh và của cả vùng Bắc Trung bộ;

- Trung tâm vùng về giáo dục & đào tạo, công nghệ thông tin, văn hóa thể thao và y tế;

- Trung tâm công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đô thị lớn có tác động mạnh đến thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế quan trọng của Tỉnh và vùng Bắc Trung bộ.

3. Quy mô đô thị :

a) Quy mô dân số:

Dân số thành phố đến :

Năm 2010 là 350.000 người

Năm 2015 là 450.000 người

Năm 2025 là 800.000 người.

b) Quy mô đất đai:

- Nhu cầu đất xây dựng nội thị khoảng 10.000 – 12.000 ha.

- Phạm vi nghiên cứu quy hoạch có giới hạn:

+ Phía Bắc giáp đường Nam Cấm và Biển Đông;

+ Phía Nam giáp sông Lam và đường Quốc lộ 1A tránh Vinh;

+ Phía Đông giáp Sông Lam đến Cửa Hội;

+ Phía Tây giáp xã Nam Giang và kênh Kẻ Gai.

Quy mô diện tích tự nhiên nghiên cứu quy hoạch khoảng 250 km2.

- Phạm vi nghiên cứu vùng phụ cận có quan hệ trực tiếp với Thành phố Vinh bao gồm các huyện, thị: Hưng Nguyên; Nghi Lộc; Cửa Lò; Nam Đàn và huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Diện tích khoảng 1.230 km2.

- Phạm vi nghiên cứu giai đoạn đầu (2005-2010):

+ Về địa giới hành chính bao gồm: Thành phố Vinh hiện nay, 4 xã thuộc huyện Nghi Lộc (Nghi Liên, Nghi Kim, Nghi Ân, Nghi Đức) và 2 xã thuộc huyện Hưng Nguyên (Hưng Chính, một phần phía Bắc đường Quốc lộ 1A tránh Vinh của xã Hưng Thịnh ).

+ Quy mô diện tích khoảng 110 km2.

c) Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật: Đạt các tiêu chuẩn Đô thị loại I vào năm 2010.

4. Định hướng phát triển và tổ chức không gian đô thị:

Định hướng quy hoạch phát triển không gian đô thị Vinh chủ yếu phát triển theo hướng Đông Bắc và phát triển một phần về hướng Tây, hướng Nam đến đường Quốc lộ 1A tránh Vinh.

4.1. Phân khu chức năng:

a) Quy hoạch các khu dân cư:

- Các khu vực nội thị của thành phố Vinh (cũ) dự kiến khoảng 3.750ha, dân cư 25 vạn người. Về cơ sở hạ tàng kỷ thuật tại các khu dân cư dược quy hoạch cải tạo nâng cấp đồng bộ, đảm bảo đô thị hiện đại, văn minh, môi trường xanh sạch đẹp và bền vững. Cụ thể:

+ Cải tạo khu chung cư Quang Trung và các khu nhà ở tập thể hiện đang tồn tại nhằm chỉnh trang đô thị hiện đại.

+ Xây dựng một số khu đô thị mới dọc các trục đường phố chính: Đại Lộ V.I.Lênin, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Trãi, đường ven Sông Lam, trục Trung tâm Vinh - Cửa Lò và dọc trên một số trục chính khác.

+ Khai thác có hiệu quả đất đai vùng nội thị đáp ứng các yêu cầu phát triển nhà ở và các ngành dịch vụ khác của đô thị…

- Tại các khu vực ngoại thị, vùng giáp ranh với nội thị cũng được quy hoạch xây dựng một số khu đô thị và nhà ở mới hiện đại.

b) Khu công nghiệp:

- Mở rộng khu công nghiệp Nam Cấm thành khu công nghiệp tập trung lớn nhất của đô thị, có quy mô khoảng 1000 ha; Quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung ở phía Tây, Tây Nam đô thị, quy mô khoảng 250 –350 ha.

- Chuyển một số nhà máy sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp cũ ra các khu công nghiệp mới. Xây dựng các khu công nghiệp cũ thành các khu công nghiệp sạch.

c) Các khu trung tâm công cộng:

- Mở rộng trung tâm thành phố Vinh về hướng Đại lộ V.I.Lênin, Xô Viết Nghệ Tĩnh và nối với trục trung tâm đô thị Vinh- Cửa Lò và Vinh - Hưng Tây, tạo thành trục không gian trung tâm đô thị theo hướng Đông Bắc và Đông Tây. Tại đây bố trí các trung tâm chuyên ngành có quy mô của vùng Bắc Trung bộ như:

+ Trung tâm giáo dục & đào tạo (các trường Đại học), các trường dạy nghề (các trường dạy nghề cung cấp lao động kỹ thuật cho toàn vùng và quốc tế); các viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật; trung tâm văn hoá thể thao và du lịch ; trung tâm tài chính, chứng khoán.

+ Bố trí các trung tâm nghiên cứu phát triển nông nghiệp vùng, các khu công nghiệp công nghệ cao tại phía Tây đô thị.

- Các trung tâm ngân hàng, kho bạc nhà nước được bố trí tại khu vực hiện nay trong nội thành - Khu vực ngã tư Ga Vinh.

4.2. Tổ chức không gian:

Về tổ chức không gian đô thị Vinh được chia thành 3 không gian phát triển chính sau đây:

- Không gian đô thị phát triển trên cơ sở nội thành phố Vinh và các đô thị trong vùng; không gian công nghiệp phát triển vùng phía Bắc trên cơ sở khu CN Nam Cấm;

- Không gian nông nghiệp và dân cư nông thôn là vùng giữa các đô thị và khu CN, vùng này chỉ sản xuất nông nghiệp và quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn tạo sự cân bằng sinh thái cho tổng thể đô thị. Tổ chức một trục phố trung tâm nối Vinh với Cửa Lò. Khai thác dọc sông Lam như một trục không gian cảnh quan chính của đô thị;

- Xây dựng 3 khu sinh thái, du lịch lớn là Bắc Cấm và thị xã Cửa Lò (du lịch biển); khu Đại Huệ (Du lịch sinh thái; Sông Lam-Hồng lĩnh (giải trí, nghĩ dưỡng).

5. Định hướng phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tâng xã hội:

5.1. Phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật:

a) Nâng cấp cảng Cửa Lò, cảng cá Cửa Hội và cảng Bến Thuỷ:

Nâng cấp cảng Cửa Lò theo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg ngày 12/10/1999, đảm bảo cho tàu 30.000 DWT vào ra thuận lợi, mở rộng mặt bằng cảng đạt 40ha, công suất 3,5triệu tấn/năm; xây dựng cảng cá Cửa Hội thành cảng cá khu vực Bắc Miền Trung; Chuyển cảng Bến Thuỷ thành cảng du lịch, cảng sông hàng hoá của thành phố chuyển về khu vực xã Hưng Hoà.

b) Nâng cấp cảng hàng không Vinh:

Nâng cấp cảng hàng không Vinh theo quy định đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-BGTVT ngày 03/01/2006, theo tiêu chuẩn hàng không cấp 4C (theo tiêu chuẩn ICAO) và sân bay quân sự cấp II (dùng chung dân dụng - quân sự). Đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao Thông - Vận tải sớm nâng cấp Cảng hàng không Vinh thành Cảng hàng không Quốc tế.

c) Phát triển mạng giao thông đường bộ:

- Giao thông đối ngoại: Nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường giao thông quan trọng như: Đường Quốc lộ ven biển nối từ cảng Nghi Sơn - Thanh Hoá qua tỉnh Nghệ An đến mỏ sắt Thạch Khê và khu Kinh tế Vũng Áng – Hà Tĩnh; Cầu Bến Thuỷ 2 ở thượng lưu cầu Bến Thuỷ hiện nay nối đường vành đai phía Tây sang Hà Tĩnh; đường cao tốc Hà Nội - Vinh; đường Quốc lộ 46, Quốc lộ 7, nối đô thị Vinh đến đường Hồ Chí Minh, cửa khẩu Thanh Thuỷ, cửa khẩu Nậm Cắn và các huyện phía Tây Nghệ An; đường Tỉnh lộ 558 nối Quốc lộ 8A từ cửa khẩu Cầu Treo về thành phố Vinh…; Ga Vinh trở thành ga loại I (tách ga hàng hoá ra khỏi ga hành khách Vinh hiện nay); ga hàng hoá tại khu vực Nam Cấm; mở tuyến đường sắt Nam Cấm – Cửa Lò phục vụ vận chuyển hàng hoá và hành khách qua Cửa Lò; đường sắt cao tốc Bắc Nam và ga đường sắt cao tốc tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên.

- Giao thông nội thị: Từng bước hiện đại hóa các trục giao thông quan trọng trong khu vực nội thị thành phố Vinh theo quy hoạch được duyệt; xây dựng mới một số tuyến đường chính như: Đường trung tâm Vinh - Cửa Lò, đường Vinh - Hưng Tây đến đường Quốc lộ 1 A tránh Vinh có lộ giới 72m và 160m; đường dọc hai bên sông Vinh, kênh Kẻ Gai và hệ thống giao thông công cộng khác của đô thị, đáp ứng yêu cầu chất lượng phát triển đô thị ngày càng cao.

d) San nền, thoát nước, cấp nước và vệ sinh môi trường:

- San nền, thoát nước mưa: Cao độ xây dựng đô thị cũ từ 4-5m, khu đô thị mới trung bình từ 4,5-5,5m, cao dần từ Đông sang Tây; cải tạo nâng cấp, mở rộng các sông ngòi xung quanh thành phố Vinh như: sông Vinh, kênh Kẻ Gai, kênh Bắc... Xây dựng mới kênh thoát nước từ Kênh kẻ Gai đến sông Rào Đừng, giải quyết thoát nước cho thành phố Vinh và các khu vực lân cận

- Cấp nước: Cấp nước máy đúng tiêu chuẩn 90-100% dân cư đô thị vào năm 2020. Nhu cầu nước máy dự tính 10vạn m3/ ngày đêm (hiện tại 6 vạn m3/ ngày đêm); nguồn nước sử dụng nước mặt sông Đào tại khu vực phía trên cầu Mượu.

- Vệ sinh môi trường: Tại khu vực đô thị cũ: Có giải pháp tách nước thải sinh hoạt chảy riêng về trạm xử lý nước thải tập trung được xây dựng ở phía Đông của xã Hưng Hoà có quy mô 18.000 m3/ngày đêm. Tại các khu vực đô thị mới: Hệ thống nước thải sinh hoạt được tổ chức chảy về Trạm xử lý nước thải tập trung theo quy hoạch được duyệt. Hiện đại hoá hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn, xây dựng khu liên hợp xử lý rác thải tại xóm 4 xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc cách trung tâm thành phố khoảng 25km về phía Bắc và xây dựng Nghĩa trang sinh thái Vinh Hưng tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên.

e) Cấp điện: Nguồn điện sử dụng điện lưới quốc gia; cung cấp điện cho thành phố và vùng phụ cận từ trạm Hưng Đông. Tiêu chuẩn cấp điện giai đoạn đến 2010: 280W/người; giai đoạn 2025: 500W/người. Tổng phụ tải giai đoạn đến 2010: 300MW, đến 2025: 600MW.

f) Bưu chính viễn thông: Xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm viễn thông của Vùng, mở rộng tổng đài Vinh- Cửa Lò đến năm 2025 có dung lượng đảm bảo bình quân 40-50 máy/100 dân.

5.2. Phát triển các công trình hạ tầng xã hội:

Quy hoạch xây dựng các công trình hạ tầng xã hội mang tính chất vùng như: Trung tâm đào tạo đại học, dạy nghề; trung tâm y tế vùng; các viện nghiên cứu công nghệ cao; khu liên hợp thể thao…Và một số công trình trọng điểm của Tỉnh như: Tháp và trung tâm truyền hình khu vực Bắc trung bộ; Trung tâm hội nghị, hội thảo; Nhà văn hóa; Bảo tàng dân tộc; Trung tâm điện ảnh miền Trung v.v..

6. Các giải pháp thực hiện:

6.1. Phân kỳ quy hoạch xây dựng:

a) Giai đoạn 2006 – 2010:

- Mục tiêu:

+ Phấn đấu xây dựng thành phố Vinh được công nhận đô thị loại I vào năm 2008. Do đó, phải hoàn thành cơ bản công tác điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng mở rộng thành phố Vinh; quy hoạch chung gắn với quy hoạch mở rộng địa giới hành chính để đưa 4 xã của huyện Nghi Lộc là: Nghi Kim, Nghi Liên, Nghi Ân, Nghi Đức và 2 xã của huyện Hưng Nguyên là: Hưng Chính, và một phần phía Bắc đường Quốc lộ 1A tránh Vinh của xã Hưng Thịnh sát nhập vào thành phố Vinh.

+ Xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, cơ chế chính sách ưu đãi tạo cơ sở pháp lý để huy động các nguồn vốn vào xây dựng một bước kết cấu hạ tầng cơ bản quan trọng của đô thị và các khu chức năng như: các trục giao thông chính, cảng biển, cảng hàng không, công trình cấp nước, hạ tầng các khu công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ…

+ Đẩy mạnh việc xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

+ Triển khai xây dựng một số công trình hạ tầng xã hội quan trọng như: Đại học Vinh (cơ sở 2); Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh; Viện khoa học nông nghiệp Bắc Trung Bộ; Bệnh viện đa khoa 700 giường; các Bệnh viện chuyên ngành như Phụ sản, mắt, ung thư, u bướu; Trung tâm điện ảnh miền Trung; Bảo tàng dân tộc; trung tâm hội chợ triễn lãm; Khu liên hợp thể thao; các khu công viên vui chơi giải trí; công viên Thành cổ; một số khu công nghiệp chuyên ngành như: đóng tàu, phần mềm, v.v..

b) Giai đoạn 2011 – 2025:

- Tiếp tục xây dựng và đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng của thành phố Vinh.

- Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các khu chức năng theo quy hoạch được duyệt.

- Hoàn thiện cơ bản phát triển thành phố Vinh theo quy hoạch. Hoàn thành cảng Cửa Lò; cảng hàng không Vinh; cầu Bến Thuỷ 2; cầu hạ lưu sông Lam nối thành phố Vinh với huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, các khu công nghiệp, khu du lịch, các trung tâm thương mại giao dịch quốc tế và các công trình dịch vụ công cộng, vui chơi giải trí cao cấp khác.

6.2. Cơ chế chính sách:

- Đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi thích hợp để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước thông qua các dự án đầu tư trực tiếp vào xây dựng phát triển thành phố.

- Giao UBND tỉnh cho phép thành phố Vinh nghiên cứu áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của các Khu công nghiệp, Khu kinh tế, Khu kinh tế thương mại trong nước đã được Thủ tướng Chính Phủ cho phép thực hiện, để huy động vốn xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật quan trọng của thành phố Vinh.

- Cho phép UBND tỉnh cho thuê tư vấn nước ngoài phản biện đồ án quy hoạch chung và thực hiện quy hoạch chi tiết một số dự án trọng điểm.

- Phấn đấu năm 2008, thành phố Vinh được công nhận đô thị loại I và đến năm 2020 trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá vùng Bắc Trung bộ.

Điều 2: Giao UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò và các huyện có liên quan hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ và các Bộ, ngành TW phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khoá XV, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2007.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Trung

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 215/2007/NQ-HĐND thông qua nội dung Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh đến năm 2025 do tỉnh Nghệ An ban hành

  • Số hiệu: 215/2007/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/12/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Nguyễn Thế Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản