Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 27 tháng 02 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2019

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 80/QĐ-BTP ngày 15/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ban hành Chương trình hành động của Ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019;

Căn cứ Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 08 tháng 01 năm 2019 của UBND tỉnh Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 10/TTr-STP ngày 31 tháng 01 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2019 (Có Chương trình kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy; báo cáo
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Như Điều 2; (thi hành)
- Lưu: VT, NC; (P.Hà)

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Giang

 

CHƯƠNG TRÌNH

CÔNG TÁC TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2019
(Ban hành kèm theo Quyết định số 57/QĐ-UBND ngày 27/02/2019 của UBND tỉnh Tuyên Quang)

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Tổ chức thực hiện có hiệu quả, đầy đủ các nhiệm vụ công tác tư pháp đã được xác định trong Chương trình hành động của Ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 (ban hành kèm theo Quyết định số 80/QĐ-BTP ngày 15/01/2019 của Bộ Tư pháp), Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 08/01/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019.

2. Yêu cầu

- Bám sát các nhiệm vụ của ngành Tư pháp đã được giao trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 80/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp, Kế hoạch số 02/KH-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019 và các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2019 đã được xác định tại Báo cáo số 13/BC-BTP ngày 15/01/2019 của Bộ Tư pháp về tổng kết công tác tư pháp năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2019.

- Các nhiệm vụ được xác định có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình thực hiện và đảm bảo tính khả thi.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2019

1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; chú trọng việc xây dựng, ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh và theo phân công, phân cấp của Trung ương. Thực hiện việc đánh giá Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2020 và tình hình triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp.

2. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của văn bản quy pháp luật, chú trọng những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính; tham mưu để phản ứng chính sách, pháp luật kịp thời, chính xác các vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn.

3. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các giải pháp khắc phục việc ban hành văn bản trái pháp luật. Chú trọng công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật gắn với thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý văn bản, nhất là những văn bản có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp.

4. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó tạo chuyển biến trong nhận thức và ý nghĩa tuân thủ, chấp hành pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 và đánh giá 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Nâng cao hiệu quả giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư thông qua hòa giải ở cơ sở, củng cố và nâng cao năng lực hòa giải viên, góp phần củng cố tinh thần đoàn kết trong công đồng dân cư. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành.

5. Nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; tăng cường quản lý nhà nước kết hợp với phát huy vai trò của Hội Công chứng viên, bảo đảm hoạt động của tổ chức này được nền nếp, tuân thủ pháp luật. Xây dựng các tổ chức tự chủ làm đầu tàu về chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản. Nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp, đặc biệt là hoạt động giám định tư pháp phục vụ các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý, chú trọng trợ giúp các vụ việc tố tụng. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo phương châm “đổi mới, thiết thực; kịp thời, bền vững”.

6. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành chính tư pháp, trong đó tập trung vào những lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, đăng ký biện pháp bảo đảm, đưa các lĩnh vực công tác tư pháp thực sự đến gần với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Triển khai Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc gắn với việc tổ chức thực hiện “Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cứ giai đoạn 2013-2020” theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2021. Tăng cường hiệu quả công tác giải quyết việc nuôi con nuôi (trong nước và quốc tế) và coi đây là giải pháp hữu hiệu, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

7. Tập trung kiện toàn các cơ quan tư pháp địa phương từ tỉnh đến cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và các yêu cầu của Chính phủ, của Bộ Tư pháp bảo đảm thống nhất, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Thực hiện tốt việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ giữa các phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở Tư pháp; tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ công chức, viên chức Ngành Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở.

8. Phát huy vai trò của hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý và phòng ngừa vi phạm trong các lĩnh vực quản lý của ngành Tư pháp; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra trong công tác bổ trợ tư pháp, hộ tịch, chứng thực. Tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác xử lý vi phạm hành chính, trong đó tập trung hướng dẫn việc áp dụng thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

9. Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý điều hành. Thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông về các hoạt động của Ngành Tư pháp. Thực hiện nghiêm chủ trương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng; thực hiện các giải pháp chăm lo đời sống công chức, viên chức, người lao động.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Chương trình này, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh, các Hội đồng, Ban chỉ đạo cấp tỉnh ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các Chương trình, Kế hoạch, Đề án theo từng chuyên đề, lĩnh vực theo quy định và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

2. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm ban hành kế hoạch công tác tư pháp năm 2019 và triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả tại địa phương; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định (gửi Sở Tư pháp tổng hợp chung).

3. Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện và phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện có hiệu quả Chương trình này.

4. Giao Giám đốc Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện thực Chương trình này, định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 57/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2019

  • Số hiệu: 57/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/02/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Nguyễn Thế Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản