Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 56/2001/QĐ-UB

Ngày 14 tháng 6 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

Căn cứ Chỉ thị số 15/2000/CT-BGD&ĐTngày 17/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về các biện pháp cấp bách tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm;

Căn cứ Thông tư số 16/TT-LB ngày 13/9/1993 của Liên Bộ: Giáo dục - Đào tạo và Tài chính hướng dẫn thực hiện việc dạy thêm ngoài giờ của giáo viên các trường phổ thông công lập;

Căn cứ Nghị quyết số 32/2001/NQ-HĐND ngày 24/5/2001 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, các đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UBND TỈNH BẮC NINH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Thảo

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 56/2001/QĐ-UB ngày 14/6/2001 của UBND tỉnh Bắc Ninh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Quản lý dạy thêm, học thêm là một chủ trương của Nhà nước để chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trên lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo niềm tin trong nhân dân, chống lại những biểu hiện lệch lạc, tiêu cức trong giảng dạy, học tập, động viên, tạo điều kiện cho những giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, có tay nghề giỏi phát huy năng lực, trí tuệ, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp giáo dục; đồng thời đáp ứng nhu cầu của một bộ phận học sinh và gia đình để nắm vững, mở rộng, nâng cao kiến thức.

Việc quản lý dạy thêm, học thêm là trách nhiệm của ngành giáo dục - đào tạo và của các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh.

Điều 2: Hoạt động "dạy thêm" nêu trong quy định này là giảng dạy ngoài giờ chính khoá cho học sinh phổ thông; giảng dạy ôn luyện thi tuyển sinh các cấp bậc học; giảng dạy các môn Tin học, ngoại ngữ ngoài các cơ sở có chức năng đào tạo chuyên ngành, bao gồm dạy thêm thuộc trách nhiệm phục vụ của các trường phổ thông và dạy thêm theo nhu cầu của người học có thu tiền.

Điều 3: Việc dạy thêm, học thêm áp dụng cho các đối tượng sau:

1. Đối tượng được học thêm:

+ Học sinh kém.

+ Học sinh giỏi.

+ Những học sinh lớp 5, lớp 9, lớp 12 để ôn tập, chuẩn bị cho các kỳ thi tốt nghiệp.

+ Học sinh ôn thi vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp; học sinh học ngoại ngữ.

+ Những học sinh khác có nhu cầu.

2. Đối tượng được dạy thêm:

+ Giáo viên thuộc phạm vi quản lý của ngành Giáo dục - Đào tạo.

+ Các tổ chức, cá nhân mở lớp dạy trên địa bàn tỉnh.

Điều 4: Nghiêm cấm việc ép buộc học sinh học thêm bằng mọi hình thức, tự tổ chức dạy thêm khi chưa được cấp giấy chứng nhận, dạy thêm trước chương trình quy định.

Quy định này được áp dụng đối với các giáo viên thuộc phạm vi quản lý của ngành Giáo dục - Đào tạo, các tổ chức, cá nhân mở lớp dạy thêm trên địa bàn tỉnh; không áp dụng cho các trường hợp trông nom học sinh ngoài giờ theo yêu cầu của từng gia đình.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5: Quản lý dạy thêm, học thêm thuộc trách nhiệm của các trường phổ thông:

1- Phụ đạo học sinh kém và học sinh giỏi:

Việc phụ đạo học sinh kém là trách nhiệm của giáo viên dạy chính khoá (lớp hoặc môn đó). Sở Giáo dục - Đào tạo hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Không thu tiền của học sinh để chi cho việc phụ đạo học sinh kém và bồi dưỡng học sinh giỏi.

2- Tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho học sinh:

+ Đối với học sinh lớp 5: Được tổ chức ôn tập một tháng trước kỳ thi; mỗi tuần không quá 2 buổi; mức thu từ 4.000 đồng đến 6.000 đồng/học sinh/tháng.

+ Đối với học sinh lớp 9: Được tổ chức ôn tập 2 tháng trước kỳ thi; mỗi tuần không quá 3 buổi; mức thu từ 6.000 đồng đến 8.000 đồng/học sinh/tháng.

+ Đối với học sinh lớp 12: Được tổ chức ôn tập 2 tháng trước kỳ thi; mỗi tuần không quá 3 buổi; mức thu từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/học sinh/tháng.

Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý việc dạy thêm của giáo viên; quản lý sử dụng tiền dạy thêm theo đúng quy định của Nhà nước.

Điều 6: Quản lý việc dạy thêm, học thêm theo nhu cầu của người học:

Việc mở các lớp dạy thêm trong và ngoài nhà trường theo nhu cầu của người học có thu tiền chỉ được hoạt động sau khi đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm.

1- Các lớp dạy thêm do giáo viên của trường phổ thông mở trong hoặc ngoài nhà trường do Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, người dạy phải đăng ký và được sự cho phép, chịu sự kiểm tra của các cấp quản lý giáo dục địa phương.

2- Các lớp dạy thêm do tổ chức, cá nhân khác mở phải đăng ký và được sự cho phép, chịu sự kiểm tra của các cấp quản lý giáo dục và chính quyền địa phương.

Điều 7: Tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm:

1- Về trình độ người dạy:

- Đối với giáo viên thuộc phạm vi quản lý của ngành Giáo dục và Đào tạo phải đạt trình độ đào tạo chuẩn trở lên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với từng cấp học. Có trình độ chuyên môn khá trở lên, có năng lực sư phạm và tinh thần trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

- Đối với cá nhân mở lớp trên địa bàn tỉnh phải là những người có nghiệp vụ sư phạm, có đủ năng lực quản lý và giảng dạy đúng phương pháp bộ môn, có phẩm chất đạo đực tốt, đảm bảo sức khoẻ.

2- Về cơ sở vật chất:

Lớp học phải bảo đảm diện tích bình quân tối thiểu 0,7m2/học sinh; thoáng mát, có đủ ánh sáng, bảng, bàn ghế cho học sinh ngồi học; đảm bảo môi trường sư phạm; đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người học trong thời gian học thêm; lớp không quá 40 học sinh.

3- Về học sinh: Phải là các đối tượng tự giác đến học. Tất cả học sinh học thêm phải có đơn xin học của gia đình và bản thân học sinh.

4- Về nội dung, chương trình dạy thêm: Các lớp dạy thêm phải có nội dung, chương trình cho cả đợt học; nội dung kiến thức dạy thêm gồm:

- Ôn tập, hệ thống kiến thức cơ bản.

- Bồi dưỡng mở rộng, nâng cao kiến thức.

- Rèn luyện kỹ năng.

- Dạy sâu thêm kiến thức.

Điều 8: Phân cấp quản lý và cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm:

1. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã quản lý và cấp giấy chứng nhận cho các đối tượng dạy thêm cho các môn học thuộc chương trình Trung học cơ sở và Tiểu học.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và cấp giấy chứng nhận cho các đối tượng dạy thêm các môn học thuộc chương trình Trung học phổ thông; luyện thi Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp; dạy ngoại ngữ, Tin học.

Điều 9: Quy định về hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm:

1- Hồ sơ:

Hồ sơ cấp giấp chứng nhận đăng ký dạy thêm do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định và quản lý. Hồ sơ gồm:

+ Đơn xin mở lớp dạy thêm (Có xác nhận của hiệu trưởng về trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm, cơ sở vật chất).

+ Sơ yếu lý lịch của người dạy thêm.

+ Nội dung chương trình dạy thêm.

+ Bản cam kết chấp hành các quy định về quản lý dạy thêm, học thêm.

+ Xác nhận của xã, phường, thị trấn nơi mở lớp về cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy thêm (đối với các lớp mở ngoài nhà trường).

Đối với những người ngoài ngành Giáo dục và Đào tạo, ngoài các hồ sơ quy định trên phải trình thêm các văn bằng đào tạo và giấy chứng nhận về năng lực chuyên môn (nếu có); giấy xác nhận về sức khoẻ của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên.

2- Thủ tục đăng ký:

- Đối với giáo viên thuộc ngành Giáo dục đào tạo đang quản lý nếu muốn mở lớp dạy thêm phải làm đâỳ đủ hồ sơ và nộp cho Hiệu trưởng.

Hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào các tiêu chuẩn quy định xem xét cụ thể. Những giáo viên đủ tiêu chuẩn, không quá 10 ngày Hiệu trưởng có trách nhiệm chuyển hồ sơ lên Phòng Giáo dục đào tạo (đối với giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở), chuyển lên Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với giáo viên dạy chương trình Trung học phổ thông, ôn thi Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, ngoại ngữ, Tin học).

- Đối với cá nhân ngoài ngành Giáo dục đào tạo muốn mở lớp dạy thêm phải có đủ hồ sơ theo quy định, nộp tại Phòng Giáo dục - Đào tạo (đối với người dạy Tiểu học và THCS), nộp tại Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với người dạy chương trình Trung học phổ thông, ôn thi Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, ngoại ngữ, Tin học).

Đối với tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức, mở lớp dạy thêm phải đăng ký và được phép của cấp có thẩm quyền mới được tổ chức hoạt động.

Không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Phòng Giáo dục - Đào tạo, Sở Giáo dục - Đào tạo xem xét quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm (trường hợp nào không đủ tiêu chuẩn mở lớp dạy thêm phải có văn bản trả lời đương sự).

- Giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm có thời hạn sử dụng không quá 24 tháng.

Điều 10: Quy định mức học phí, thời gian học đối với các lớp dạy thêm theo nhu cầu của người học:

1- Mức thu của từng lớp thực hiện theo nguyên tắc thoả thuận giữa người dạy và người học nhưng không được vượt quá mức quy định sau đây:

+ Đối với học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở: Thu tối đa 2.000 đồng/học sinh/buổi.

+ Đối với học sinh Trung học phổ thông, học sinh học Tin học, ngoại ngữ: Thu tối đa 3.000 đồng/học sinh/buổi.

+ Các lớp ôn thi Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp: Thu tối đa 4.000 đồng/học sinh/buổi.

2- Thời gian học được tính theo buổi, mỗi buổi 3 tiết, thời gian mỗi tiết theo quy định hiện hành. Học sinh Tiểu học học thêm không quá 2 buổi/tuần; học sinh bậc phổ thông học không quá 3 buổi/tuần.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11: Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm theo bản Quy định này. Báo cáo kết quả với UBND tỉnh theo định kỳ (6 tháng, năm).

Điều 12: Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các lớp dạy thêm nhằm nâng cao trách nhiệm của người dạy.

Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, quản lý việc tổ chức các lớp dạy thêm trên địa bàn của mình; những tổ chức, cá nhân mở lớp không đúng quy định, lập biên bản đình chỉ hoạt động, báo cáo UBND huyện, thị xã và các cấp quản lý giáo dục có thẩm quyền để giải quyết.

Điều 13: Những tổ chức, cá nhân làm trái bản quy định này, tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 56/2001/QĐ-UB về Quy định quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

  • Số hiệu: 56/2001/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/06/2001
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Nguyễn Thế Thảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/06/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản