Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2004/CT.UB

Long Xuyên, ngày 21 tháng 6 năm 2004

 

CHỈ THỊ

V/V CHỐNG BỎ HỌC - CHỐNG DẠY THÊM HỌC THÊM KHÔNG ĐÚNG QUI ĐỊNH

Trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 32/2002/CT-UB về công tác huy động học sinh đến trường và chống bỏ học cùng với Quyết định số 1768/QĐ-UB về việc quy định dạy thêm-học thêm trên địa bàn tỉnh An Giang của UBND tỉnh đã được tổ chức thực hiện khá tốt: Tình trạng học sinh bỏ học giảm, việc tổ chức dạy thêm học thêm được uốn nắn, chắn chỉnh và có diễn biến tích cực. Đạt được kết quả đó là do sự quyết tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các đoàn thể cùng với nổ lực và những biện pháp hữu hiệu của ngành GD-ĐT. Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh bỏ học vẫn còn cao, việc thực hiện các quy định về dạy thêm học thêm chưa thực sự đảm bảo các yêu cầu đề ra.

Để công tác chống bỏ học, chống dạy thêm học thêm không đúng quy định ngày càng đạt hiệu quả cao, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, nâng cao chất lượng và hiệu quả GD-ĐT, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1/- Công tác chống bỏ học: tiếp tục quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 32/2002/CT-UB ngày 23/9/2002 của UBND tỉnh về công tác huy động học sinh đến trường và chống bỏ học. Cần quan tâm các yêu cầu sau:

a- Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động, tuyên truyền "Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường", phải tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể, phụ huynh học sinh, cùng các ngành GD-ĐT quyết tâm thực hiện đảm bảo chỉ tiêu huy động học sinh, duy trì sĩ số được cam kết hàng năm giữa địa phương và ngành GD-ĐT.

b- Sở GD-ĐT đẩy mạnh thực hiện một số nội dung:

- Tiếp tục quán triệt hơn nữa đến đội ngũ cán bộ, giáo viên về mục đích, ý nghĩa của việc huy động học sinh đúng độ tuổi đến trường, chống tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng là tiền đề vô cùng quan trọng để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Từ đó, tăng cường nhận thức và nâng cao tinh thần trách nhiệm của toàn đội ngũ trong việc thực hiện các mục tiêu quan trọng nêu trên.

- Trong kế hoạch bồi dưỡng hè, lưu ý bố trí thời gian thích hợp để không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường trong những ngày đầu năm học. Không để tình trạng đến ngày tựu trường mà giáo viên còn phải đi học bồi dưỡng.

- Cần có kế hoạch sớm, cụ thể phân công giáo viên phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc huy động học sinh đến trường. cần tạo thói quen có thời gian - ngày tựu trường trong cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh, để chuẩn bị tốt cho năm học mới (tổ chức huy động , bàn giao học sinh, sửa sang trường lớp...).

- Nâng cao hiệu quả việc phụ đạo học sinh yếu kém trong hè. vận động phong trào đóng góp tập, sách, quần áo, dụng cụ học tập...hỗ trợ cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp. Hội khuyến học các cấp làm nòng cốt trong phong trào này, không để trẻ em nào trong độ tuổi đi học do thiếu tập, sách, quần áo... mà không đến trường được.

- Thực hiện tốt hơn nữa công tác bàn giao học sinh đầu cấp theo quy định đã được hướng dẫn, đặc biệt lưu ý bàn giao học sinh tốt nghiệp tiểu học lên lớp 6. Đôn đốc, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ.

- Chấn chỉnh công tác quản lý học sinh trên lớp, hạng chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng; có kế hoạch, biện pháp kịp thời để huy động học sinh bỏ học trở lại học trong thời gian ngắn nhất. Tăng cường công tác thanh kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy định quản lý học sinh, việc rà soát cập nhật hồ sơ chống bỏ học, công tác chủ nhiệm lớp.... Có hình thức khen thưởng, đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp thiếu trách nhiệm trong công tác này.

c- Sở GD-ĐT phối hợp với các ngành liên quan:

- Ngành Văn hóa thông tin và các cơ quan truyền thông như Báo, Đài phát thanh truyền hình... thường xuyên tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân về quyền lợi và nghĩa vụ học tập của con em trong độ tuổi đi học, ích lợi của việc học đối với tương lai các em và sự phát triển kinh tế-xã hội...

- Hội Khuyến học các cấp tham gia tích cực hơn nữa trong việc vận động học sinh đến trường, phối hợp với các ngành, đoàn thể vận động, hỗ trợ học phẩm cho các em có hoàn cảnh khó khăn đến trường.

- Sở Kế hoạch - Đầu tư hàng năm có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh ghi vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho ngành GD-ĐT, không để tình trạng thiếu phòng học, thiếu bàn ghế, học ca ba tái diễn, không để tạm mượn cơ sở vật chất khác không đúng qui cách, khắc phục dần phòng học tạm thời, xuống cấp, ghi vốn đầy đủ cho các chương trình mục tiêu GD-ĐT.

Các chỉ tiêu phải đạt trong công tác chống bỏ học:

- Về công tác huy động học sinh:

 + Đối với tiểu học: huy động học sinh đạt tỉ lệ 95% trở lên, trong đó trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 98% trở lên.

 + Đối với trung học cơ sở: huy động học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6 đạt tỉ lệ 96% trở lên.

 + Đối với trung học phổ thông: huy động học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào lớp 10 công lập đạt tỉ lệ từ 98% chỉ tiêu trở lên.

- Về công tác duy trì sĩ số:

 + Tiểu học: có tỉ lệ học sinh bỏ học không quá 2,5%.

 + Trung học cơ sở: có tỉ lệ học sinh bỏ học không quá 3,5%.

 + Trung học phổ thông: có tỉ lệ học sinh bỏ học không quá 2%.

(Đối với những xã khó khăn: 25 xã theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 24/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ tiêu bỏ học cộng thêm 2%).

2/- Tăng cường quản lý, lập lại nề nếp kỷ cương trong lĩnh vực dạy thêm, học thêm:

- Tiếp tục quán triệt trong toàn ngành, tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1768/2000/QĐ-UB ngày 02/8/2000 của UBND tỉnh An Giang quy định về việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới với các yêu cầu sau:

 + Chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hiện vẫn còn tồn tại ở một số nơi, như việc tổ chức cho tất cả học sinh ở một lớp phải học thêm, học sinh đã học 2 buổi/ngày phải học thêm...

 + Việc dạy thêm, học thêm trong trường phải được quản lý tốt, có sựthanh kiểm tra thường xuyên của cấp quản lýcó thẩm quyền.

- Việc xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm phải thực hiện đúng quy định, đúng thẩm quyền, quán triệt tinh thần chống dạy thêm, học thêm tràn lan. Tăng cường vai trò kiểm tra thường xuyên của hiệu trưởng nhà trường.

- Ngành GD-ĐT phối hợp với các cấp, các ngành liên quan phát hiện kịp thời, có giải pháp thích hợp đấu tranh với các đơn vị, cá nhân vi phạm các qiu định về dạy thêm, học thêm.

- UBND các huyện, thị, thành phố theo phâncấp quản lý, phối hợp với nàgnh GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra việc tổ chức dạy thêm, học thêm trên địa bàn, nhất là các lớp tổ chức ngoài nhà trường để kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của UBND tỉnh về việc tổ chức dạy thêm, học thêm.

- Ngành GD-ĐT tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý: xây dựng nề nếp giảng dạy trong nhà trường; giáo viên phải thực hiện hết trách nhiệm trong giờ lên lớp, thực hiện tốt công tác phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi; tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ nhất là đối với các lớp thay sách.

Yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT, thủ trưởng các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố thực hiện tốt chỉ thị này.

 

 

 

Nơi nhận:
- TT TU, HĐND, UBND tỉnh.
- UBND huyện, thị, thành.
-Các Sở, ngành liên quan
- Phòng VHXH, TH, VT
- Lưu.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 18/2004/CT-UB về chống bỏ học - chống dạy thêm học thêm không đúng qui định do Tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 18/2004/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 21/06/2004
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Minh Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/06/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 15/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản